Xã hộiThể thao 3.7.2002
Phạm Thị Hoài
Bao giờ cho đến bốn năm sau?
Lần cuối cùng bạn tự động bắt chuyện với ông giáo sư gì thường lách vội
qua cái ngõ bị bạn khuỳnh tay đứng chắn là bao giờ nhỉ? Bạn thuộc giới vô công
rồi nghề, ông ấy thuộc giới vô tích sự, chẳng bên nào hơn bên nào, nhưng ông ấy
kém bạn ở cái khuỳnh tay đứng ngõ. Việc gì phải hạ cố bắt chuyện. Lần cuối cùng
bạn thấy bọn trí thức cũng đáng hưởng chút tình hàng xóm, thậm chí bạn ngầm
thừa nhận cái địa vị và học thức của ông giáo sư gì, là bao giờ nhỉ? Hình như là
đúng bốn năm trước, vào mùa World Cup bóng đá. Nhà văn Uruguay Eduardo
Galeano, tác giả cuốn kinh thánh bóng đá “Quả bóng hình tròn”, cho rằng
thượng đế và bóng đá giống nhau ở chỗ: dân chúng càng kính ngưỡng thì kẻ trí
thức càng hoài nghi. Tôn giáo và bóng đá đều là thuốc phiện cho nhân dân.
Thượng đế đã chết thật, hay thượng đế lại đầu thai vào quả bóng? Pelé vĩ đại đã
nói rồi, may mà có bóng đá, nếu không thì nước Brazil chúng tôi chắc phải làm
cách mạng. Nhà văn Tây Ban Nha Javier Marias, cổ động viên chung thủy của Real
Madrid thì cho biết, hai mươi năm trước không một trí thức Tây Ban Nha nào dám
công khai ngưỡng mộ bóng đá, bây giờ muốn lên a-văng-gác lại phải rành đá banh.
Thuốc phiện cho nhân dân hay viagra cho ám ảnh bất lực của kẻ sĩ trong kỉ nguyên huy hoàng của văn hoá đại
chúng?
Những chuyện ấy chẳng
quan hệ đến bạn và ông giáo sư gì. Vào mùa bóng đá, ông ấy hết vô tích sự và
bạn hết vô công rồi nghề. Ông ấy thuộc tên các câu lạc bộ, cầu thủ, huấn luyện
viên và trọng tài hơn bạn nhiều, toàn tên nước ngoài, bạn làm sao nhớ nổi? Ông
ấy phân tích luật chơi đâu vào đấy, dùng từ chuyên môn chuẩn xác, nhờ vậy mà
bạn biết cái vị trí offside là “việt vị”, trước đây bạn toàn nghe đám
thất học gọi bừa là “liệt vị”. Việt là vuợt, như tên nước mình,
ông ấy giải thích và bạn gật gù. Nước mình chả biết vượt đi đâu, nhưng nghe
cũng khoái hơn một cái tên vô nghĩa. Bù lại, nhờ bạn mà ngôn ngữ bóng đá của
ông ấy ác chiến hơn, cũng “bóng nóng”, “bóng nguội”, “tanh”, “máu”, “xích lô
chỏng càng”, “ngả bàn đèn”, “nhả”,
“ngoáy”, “găm”, “mồi”, “bốc”,“lí nhí củ lạc”, “nấu cháo sườn”,“chuối”, siêu
chuối”… Ông ấy bình luận rất chí lí về phong cách chơi tức phong cách tồn tại
của từng dân tộc, nhờ vậy mà bạn biết chuyển từ ngưỡng mộ sang khinh bỉ cái
tinh thần duy lí, thực dụng, phi nghệ thuật, thiếu hào hoa của bóng đá và chủ
nghĩa Đức. Bọn Ý cũng không khá hơn. Chúng nó cùng một duộc phát xít là phải.
Tất nhiên nếu chạy đủ tiền, bạn sẽ cho thằng con lớn đang chờ chiếm cái chỗ
khuỳnh tay đứng ngõ của bạn sang Đức tị nạn chứ không sang Brazil. Bóng đá là
cả cuộc đời, nhưng cả cuộc đời lại không chỉ là bóng đá, chính ông giáo sư gì
đã triết lí như thế. Năm nay ông ấy cũng gửi con đi Pháp du học chứ không đi
Senegal. Nhờ một trò chơi chẳng made gì in Việt Nam mà trí thức
Việt bốn năm một lần xứng đáng là thành phần phát ngôn của dân tộc, là thày và
bạn của nhân dân.
Còn bạn, lần cuối cùng đồng chí công an khu vực ghé qua quán cà phê có
bán thuốc lắc của bạn, không phải để phạt mấy chiếc ghế nhựa chiếm hè đường
trái phép, là bao giờ nhỉ? Bạn thuộc giới nhảy rào pháp luật từ phiá bên này,
đồng chí ấy thuộc giới nhảy rào pháp luật từ phiá bên kia. Rồi cũng tập kết ở
cùng một điểm mà thôi, nhưng gặp nhau ở quán cà phê của bạn thì không sướng.
Lần cuối cùng đồng chí ấy thoải mái tụt giày, ngồi xổm trên một trong những
chiếc ghế nhựa phạm pháp ấy và bạn ngừng tay san bịch thuốc lắc thành từng gói
nhỏ xanh đỏ vui mắt, hai bên say sưa nói về một sự kiện không xảy ra trong khu
phố, không xảy ra trong quán cà phê, là bao giờ nhỉ? Hình như là đúng bốn năm
truớc, vào mùa World Cup bóng đá. Sự kiện quân đầu gấu Đức đánh trọng
thương một cảnh sát Pháp. Việt Nam mà đăng cai mông-đi-an thì cảnh sát mình cho
đầu gấu quốc tế biết thế nào là lễ độ. “Chuồng cọp” còn để trống nhiều, cho
thuê không được mấy. Năm nay là một
đồng chí khác, công an khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm của bạn đảo như rang lạc,
như cầu thủ chuyển câu lạc bộ, như Bora Milu chuyển đội tuyển quốc gia. Đồng
chí năm nay căm thù mười một thằng điên Hàn Quốc và băng trọng tài mafia. Mười
một thằng điên, mỗi thằng nửa triệu đô la chờ ở chung kết, mua mấy tiếng còi
chẳng được. Việt Nam mà đăng cai mông-đi-an thì quân hối lộ khóc thét. Nhờ một
trò chơi chẳng made gì in Việt Nam mà toàn dân Việt bốn năm một
lần chuộng pháp luật và tảy chay tham nhũng.
Còn bạn, lần cuối cùng bạn quên phắt rằng, gã đàn ông ngồi cạnh đang cắn
móng tay và năm phút nữa sẽ tan như giẻ rách theo đội Anh thực ra là thủ trưởng
cơ quan bạn, là bao giờ nhỉ? Hình như là đúng bốn năm trước, vào mùa World
Cup bóng đá. Mùa hè. Còn lâu mới Tết. Còn lâu bạn mới phải rụt rè giao lưu
chai rượu Tây, tức vừa xinh tháng lương thứ mười ba, vào tay vợ thủ trưởng và
phấp phỏng lo rượu rởm. Mắt mụ ấy như mắt cú, nhìn xuyên Johnny Đen. Bây
giờ gã ấy ngồi cạnh bạn, nốc rượu đế bằng cái chén bẩn. Kiến thức bóng đá của
gã mỏng như áo em, bạn nói gì gã cũng gật. Gã thua cá là phải. Bạn sẽ giành lại
nhiều tháng lương thứ mười ba từ tay gã, giấu mắt cú của vợ. Còn lâu, ít nhất
là xong trận chung kết, bạn mới phải trở lại bàn giấy cơ quan, gã nói gì bạn
cũng gật. Năm nay bạn cá lớn cho đội Thổ vào bán kết. Thủ trưởng cơ quan bạn,
thằng ngốc, thằng nịnh Tây, thằng nô lệ cho thực dân, cắm nguyên con Daewoo mới
chạy rốt-đa vào Pháp. Bóng đá tái thiết lập công bằng xã hội, mà xã hội Việt
chẳng tốn một khẩu hiệu nào. Của người phúc ta, kì diệu là như vậy.
Còn bạn, lần cuối cùng vợ chồng bạn thức trắng, không để cãi nhau, không
để lo mẻ xôi sáng mai thử bán, không để tâm sự chuyện nặng bên nội nhẹ bên
ngoại, không để xem phim sex dày, không để làm tình muộn, là bao giờ nhỉ? Hình
như là đúng bốn năm trước, vào mùa World Cup bóng đá. Cô ấy mê chàng
Beckham bô trai có cái miệng cực kì duyên dáng, đồng thời mê Klinsmann mắt xanh
tóc vàng. Toàn những thằng Tây giỏi trai, trẻ hơn bạn, giàu hơn bạn hàng chục
triệu lần, nổi tiếng hơn toàn đàn ông nước Việt gộp lại. Bạn ngạc nhiên thấy
mình không ghen. Bạn còn ôm vai vợ an ủi khi Beckham ăn thẻ đỏ và chuốc ruợu vợ
tiễn Klinsmann theo đội Đức về vườn. Năm nay tóc các cầu thủ Nhật và Hàn cũng
vàng, thay cho Klinsmann mà nàng đã quên. Beckham còn quyến rũ hơn. Thằng Raul
trông cũng kháu. Nhưng vợ bạn đã chuyển điểm ngắm sang Oliver Kahn sát khí dữ
dằn. Nàng vẫn yêu bóng đá như bao giờ, yêu cái thế giới toàn đàn ông, trợn mắt,
nhe răng, nhổ nước bọt, yêu cả những cú thượng cẳng chân hạ cẳng tay đầy nam
tính, đầy tinh thần chiến tranh. Chiến tranh thật, nếu không thì mười một thằng
điên Hàn Quốc chẳng được miễn nghĩa vụ quân sự. Và bạn thấy mình là một phần
của cái tình yêu ấy. Bóng đá tái thiết lập bảng phân vai nam nữ như buổi nguyên
sơ. Đàn bà nuớc Việt được cách mạng giải phóng lâu rồi, họ không cần sờ vào quả
bóng, không cần thạo luật, không cần phân biệt hai khung thành. Miễn là bóng ở
đâu rơi vào. Miễn là xem, hoặc xem chồng xem đá bóng. Nhưng đàn ông nước Việt
cũng không cần sờ vào trái banh.
Lần cuối cùng tôi chung
một nhịp sống, một ý nghĩa tồn tại với toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta, với
các cấp, các bộ, các ngành, các giới, các địa phương và một trung ương, là bao
giờ nhỉ? Hình như là đúng bốn năm trước, mùa World Cup bóng đá. Tôi cũng
tiêu trọn nửa ngày làm việc vào giấc ngủ bù, vật vờ lê nốt phần giờ hành chính
sự nghiệp còn lại trong cực hình của chờ đợi. Rồi nhồm nhoàm ăn uống và ngấu
nghiến mọi tờ báo có bài về bóng đá, nghĩa là đứt một sạp báo. Rồi vớ điện
thoại gọi vài chầu vòng quanh đất nước, hàng ngũ tri kỉ của tôi ở mọi nẻo đường
tổ quốc sẽ quyết tử với lí tưởng mầu da cam, dù đội Hà Lan còn hay mất. Rồi
cùng cả cái dân tộc chẳng hề quen sống về đêm này thức trọn những canh khuya.
Không phải để chiêm nghiệm những suy tư siêu hình, trăn trở những vấn nạn xã
hội, ôm ấp những giấc mộng “tự do dân chủ đa nguyên, quốc gia phồn thịnh bình
yên, nhân dân phấn khởi triền miên” gì đó. Tất nhiên là không. Chúng ta không
dại dột đến mức ấy. Cả nước Việt chỉ reo vang
khẩu hiệu « Vàààooo! » giữa canh ba và canh năm. Người hô trước, chó
choàng tỉnh sủa đệm một hồi và sao trời rung rinh phụ hoạ. Ngày mai lại là một
ngày đáng sống.
Lần cuối cùng chúng ta thấy mình thực sự hoà vào hơi thở thời đại, vui niềm
vui của toàn nhân loại, khóc những giọt nuớc mắt Pháp, đập thình thịch bằng
trái tim Mêhicô; lần cuối cùng chúng ta được cười vào mũi anh bạn khổng lồ
Trung Quốc mà khỏi phải dẫn Bình Ngô, được chửi Mỹ thậm tệ mà cóc cần
chiếu cố vụ 11 tháng Chín; lần cuối cùng chúng ta được xả ngược tinh thần kì
thị chủng tộc vào các mầu da không trắng mà khỏi cầm gương soi da mình vàng;
lần cuối cùng lòng yêu nuớc và tinh thần tự hào dân tộc đã thủng két lắm của
chúng ta khỏi phải gõ cửa từng nhà, chỉ cần nhờ ba muơi hai cái chủ nghĩa dân
tộc cháy bỏng trong một cuộc chơi toàn cầu đứng ra quyên góp giúp; lần cuối
cùng chúng ta được tự do lựa chọn và hội họp, được thông tin đầy đủ và ngôn
luận sướng mồm như thói Tây; vâng, lần cuối cùng chúng ta được làm những người
Việt yêu nước mà không cần xả thân vì nuớc, tự do mà không cần tranh đấu cho tự
do, bình đẳng mà không cần chống bất bình đẳng, và đồng thời là công dân thế
giới, ở đỉnh cao thời đại, vô tư hưởng chiến công nhân loại mà khỏi cần lập
công, mà chẳng phải làm gì hơn ngoài ngồi trước một màn hình, là bao giờ nhỉ?
Là suốt tháng Sáu vừa rồi, mùa World Cup bóng đá.
Hay đơn giản hơn, lần cuối cùng bạn tôi ở Sài Gòn, vốn chẳng ham hố được
thua ở đời, mà thể thao là phân thắng bại, bỗng chăm chỉ ngồi trước màn hình,
cũng là suốt tháng Sáu vừa rồi, mùa World Cup bóng đá. Anh bảo:
« Thôi thì giết thời gian, đỡ buồn. ». Giết thời gian còn hơn sống
mòn. Đỡ buồn tốt hơn vơi hi vọng.
Năm nay Brazil lại không làm cách mạng. Mọi chú bé sinh năm 2002 ở cái xứ
khổng lồ của nghèo khổ, bệnh tật, tham nhũng, bất công ấy chỉ cần mang tên
Ronaldo và Ronaldinho là ổn.
Năm nay tôi không có lí tưởng. Bạn biết rồi, lí tưởng của tôi mầu da cam.
Nhưng bốn năm nữa lí tưởng ấy sẽ hùng mạnh hơn bao giờ. Bao giờ cho đến bốn năm
sau ?
|