trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
1.8.2008
Nguyễn Hữu Đang
Từ Pơ-rô-lê-cun đến trăm hoa đua nở
 
1956 là một năm bản lề đối với toàn bộ khối XHCN trước đây. Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô cuối tháng Hai 1956 với “Báo cáo mật” của Nikita Khrushchev về những tội trạng của Stalin mở ra một giai đoạn “tan băng” ngắn ngủi nhưng cũng đủ để dẫn đến những biến động quan trọng trong các nước XHCN. Tháng Tám 1956, Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức một lớp học 18 ngày về đường lối cải cách chống tệ sùng bái cá nhân tại Liên Xô. Trong chừng mực nào có thể xếp phong trào Nhân văn-Giai phẩm tại Việt Nam vào bối cảnh quốc tế do sự kiện nói trên mở ra, đó là đề tài còn cần được nghiên cứu. Trong loạt tư liệu do Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số bài đăng trên báo Văn nghệ trong khoảng thời gian từ tháng Tám 1956 đến đầu năm 1957, với thư kí toà soạn là Nguyễn Đình Thi. Đây cũng là giai đoạn mà các số Giai phẩm và 5 số Nhân văn ra đời. Số Giai phẩm mùa Xuân đầu năm 1956 bị tịch thu cũng được in lại trong thời gian này.
talawas
I. Một xu hướng văn hóa tả khuynh hẹp hòi đã thất bại

Mỗi lần kỷ niệm Cách mạng tháng Mười chúng ta lại đem ôn lại những bài học vô cùng phong phú của Liên Xô qua bốn mươi năm kiến thiết chủ nghĩa xã hội. Và trong bài học lớn về văn hóa, chúng ta không thể nào không chú ý đặc biệt đến phong trào Pơ-rô-lê-cun (Văn hóa vô sản gọi tắt).

Đầu tiên Pơ-rô-lê-cun là một tổ chức văn hóa bình dân tiến bộ hoạt động vào quãng giữa Cách mạng tháng Hai và Cách mạng tháng Mười không chịu lệ thuộc Chính phủ Kê-răng-ski và đã thiết thực giúp ích thợ thuyền về học tập văn hóa cũng như về sinh hoạt nghệ thuật. Nhưng Cách mạng tháng Mười thành công chưa được bao lâu thì một mặt những phần tử tư sản thất thế chui vào tổ chức này để nhân danh văn hóa vô sản mà phá hoại công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Liên-Xô; một mặt chính ngay những người trung thực trong tổ chức này cũng phạm sai lầm là đòi độc lập hoàn toàn đối với chính quyền Xô-viết đúng như đối với chính quyền phản động cũ. Và qua thái độ độc lập đó, ta thấy họ gián tiếp bảo vệ quyền tự do theo hay không theo cách áp dụng chủ nghĩa Mác của Lê-nin.

Xu hướng thích độc lập và tự do ấy sẽ chẳng hại gì nếu họ có một đường lối phát triển văn hóa sát đúng với thực tế Liên-Xô lúc bấy giờ. Nhưng nhiệt tình thì cao mà lý luận lại thấp, họ đã hăng hái đi sâu vào bệnh ấu trĩ cách mạng là tả khuynh hẹp hòi.

*


Cái tả khuynh thứ nhất của Pơ-rô-lê-cuncắt đứt với dĩ vãng, coi khinh tất cả mọi giá trị văn hóa của xã hội cũ. Những "nhà văn hóa vô sản" này bao lâu đã từng hát đến vỡ lồng ngực câu “Quốc tế ca”:

"Những cái gì của quá khứ chúng ta đều phá sạch"

Câu “Quốc tế ca” mà họ hiểu đúng nghĩa đen, một cách rất máy móc, thô sơ. Họ tưởng giai cấp vô sản có thể xây được một nền văn hóa hoàn toàn mới với những vật liệu hoàn toàn mới, chẳng dính líu gì đến văn chương, nghệ thuật, khoa học của bọn tư bản và địa chủ đã bị lật đổ. Trong một bài thơ đầu đề là “Chúng ta”, "thi sĩ" Ky-ri-lốp gào thét huênh hoang:

"Nhân danh những ngày mai, chúng ta sẽ đốt tranh của Ra-pha-en, sẽ phá các viện bảo tàng, sẽ dày xuống dưới chân những đóa hoa của nghệ thuật."

Thái độ hợm hĩnh điên dại đó chỉ là một cách tự bịt mắt, tự trói tay mình đến nỗi Lê-nin đã phải nhiều lần chỉ trích nghiêm khắc. Trong một bài diễn văn năm 1919 ở Pê-tơ-rô-gơ-rát (bây giờ là Lê-nin-gơ-rát) nói về những thành công và những khó khăn của chính quyền Xô-viết, Lê-nin nhấn mạnh:

"Phải nắm lấy nền văn hóa mà chủ nghĩa tư bản đã để lại và dùng nó mà xây dựng chủ nghĩa xã hội."

Một lần khác, năm 1920, nói chuyện với thanh niên, Lê-nin phân tích rõ hơn để đập tan cái thói làm cao khinh rẻ bất cứ cái gì đã được dùng trong chế độ cũ:

"Nền văn hóa vô sản phải là sự phát triển tất nhiên của tổng số những kiến thức mà loài người đã xây dựng được dưới ách của xã hội tư bản, của bọn địa chủ, của bọn quan liêu".

Cái tả khuynh thứ hai của Pơ-rô-lê-cuncông nhân chủ nghĩa. Sai ở hai mặt:

Trước hết lý luận cách mạng không phải đã độc lập và tự nhiên mọc ra một cách trực tiếp trong phong trào thợ thuyền mà chính là đã phải nhập cảng từ ngoài, dưới hình thức một chủ nghĩa khoa học dù có xuất phát xa xôi từ phong trào thợ thuyền thì cũng chẳng phải gì khác là sản phẩm của những người trí thức tiên giác thiên tài. Nói thế không có nghĩa là giai cấp công nhân không có ai dự hẳn vào việc xây dựng lý luận cách mạng, song khi họ dự vào thì họ đã tiếp thu được kiến thức của thời đại đến một mức khá cao và dự vào như thế là với tư cách một nhà lý luận rồi chứ không còn đơn thuần là người thợ nữa.

Đối với thợ thuyền, tâng bốc họ về điểm này chẳng làm cho họ vẻ vang hơn chút nào mà chỉ thêm rối chuyện khi chúng ta muốn đi tìm chân lý. Còn trong kiến thiết kinh tế và văn hóa thì tại sao lại nhắm mắt lại để khỏi phải thấy cảnh (đau lòng chăng?). Ở giai đoạn đầu bao nhiêu năng lực khoa học, kỹ thuật, văn nghệ điêu luyện nhất, tinh vi nhất đều tập trung trong tay những nhà chuyên môn, những người trí thức không phải là "thành phần cơ bản"? Tại sao lại không thật thà nhận rằng họ đi theo cách mạng nào phải vì danh lợi! Và lòng trung thành trầm tĩnh của họ đối với lý tưởng chủ nghĩa xã hội lại chẳng đáng yêu hơn ngàn lần cái "tiến bộ" ồn ào của những con người vỗ ngực khoe mình "vô sản"?

Trong tình thế ấy, Pơ-rô-lê-cun định sáng tạo ra một nền văn hóa giai cấp thuần túy với những bàn tay thợ không thôi thì chỉ là nói khoác cho sướng miệng. Trên lề trang sách của Pơ-lét-nép, một lãnh tụ Pơ-rô-lê-cun, viết về chuyện đó, Lê-nin phê chế riễu: "Ảo thuyết lớn!". Và trong một buổi diễn thuyết, Lê-nin nói với thợ thuyền:

"Các đồng chí hãy trau dồi học thức đi, hãy tiếp thu văn hóa tư sản, đừng có nghe những người lừa dối nói rằng ở trong một phòng thí nghiệm nào đó, dù là với cái danh hiệu gì mà người ta đặt cho nó, một nền văn hóa vô sản đã lớn."

Tại sao Lê-nin lại đưa ra chủ trương có vẻ như là không tin ở khả năng sáng tạo văn hóa mới của vô sản?

Thực ra, chính Pơ-rô-lê-cun thần thánh hóa vô sản, rồi lấy đấy làm nhãn hiệu dán vào những sản phẩm của mình hòng đánh bạt mọi cống hiến khác của những người trí thức và văn nghệ sĩ cũ đã đứng vào hàng ngũ cách mạng, hòng làm cho vô sản vui lòng nhận một thứ văn hóa giả tạo tách rời thực tế xã hội, tách rời cuộc sống, trái ngược với nhu cầu và sở thích của họ, chính Pơ-rô-lê-cun mới thực là khinh thường vô sản.

Còn đối với Lê-nin và những người cộng sản chân chính, bao giờ họ cũng tin tưởng ở khả năng sáng tạo văn hóa của vô sản, nhưng sự sáng tạo đó phải có thời gian, phải có điều kiện do kiến thiết chủ nghĩa xã hội thành công dần dần đem lại chứ không thể nào đột xuất như từ trên trời rơi xuống hoặc ngay trong vòng năm mười năm sau khi cướp được chính quyền.

Cái tả khuynh thứ ba của Pơ-rô-lê-cuncoi nghệ thuật như ngành sản xuất. Họ coi tác phẩm như một vật dụng thiết thực trong sinh hoạt vật chất hàng ngày, có lẽ họ thành thật tin rằng một bức tranh, một bài thơ, một bản nhạc được xếp ngang hàng với quần áo và thức ăn là một vinh dự lớn. Sáng tác? thì cũng là chế tạo trong một nghề như trăm nghìn nghề khác! Nghệ sĩ? Thì cũng là một thợ thủ công xuất sắc mà giỏi ra thì cũng giống như một nhà kỹ thuật, một nhà chuyên môn! Cá tính? Không thành vấn đề! Cá tính sẽ hòa tan vào tập thể! Họ không biết đến nhận định sâu sắc của Mác về cái đặc tính vô song của sự lao động nghệ thuật và về cái bản chất rất khác thường của con người nghệ sĩ. Những đoạn văn của một nhà lý luận Pơ-rô-lê-cun để lại cho chúng ta biết họ say sưa tưởng tượng cái ngày mà "nghệ thuật ăn khớp một cách cơ thể với lao động sản xuất", cái ngày có những họa sĩ thợ mộc, nhạc sĩ thợ nề, v.v… vừa là bạn vừa là cộng tác viên của các viện hàn lâm đồng thời cũng là công đoàn.

Nói tóm lại một câu, xu hướng văn hóa vô sản kiểu Prô-lê-cun là cái ý muốn văn hoá là độc quyền của giai cấp công nhân, hoàn toàn tự phát từ con số không và hằng ngày sản xuất đều đều những "đồ vật tinh thần" đúng với nhịp máy chạy.

Cũng may mà Lê-nin sớm nhận thấy cái nguy hại của xu hướng ấy và nắn uốn kịp thời. Rốt cuộc, vì chẳng phát minh, sáng tạo được gì tốt và bị quần chúng chán ghét, Pơ-rô-lê-cun tan rã về mặt tổ chức vào năm 1923. Tuy vậy cái nọc độc của nó cũng vẫn còn dây rớt một vài lần nữa: năm 1925, nhóm Mặt trận phe tả đòi quyền độc tôn cho những nhà văn vô sản tự nhận là chính thống; năm 1928 nhóm Mặt trận phe tả mới đòi thanh toán hội họa, kịch và văn học cổ truyền bị coi như những sản phẩm tồn tại của giai cấp bóc lột cũ; và cuối cùng, nhóm R.A.P.P. chủ trương rằng thơ trữ tình, thơ đả kích và bi kịch sẽ phải tự tiêu cũng vì đó là những tàn tích của giai cấp bóc lột.


Những điều quái gở kể trên chứng tỏ trong những năm đầu của chế độ xô-viết Đảng Cộng sản Liên-Xô đã phải đấu tranh khó nhọc thế nào để chống bệnh tả khuynh hẹp hòi trong các trào lưu văn hóa do trình độ lý luận non kém và chắc cũng còn do cả bệnh bè phái cơ hội nữa.

Lê-nin mất đi rồi, Đảng họp Đại hội lần thứ XII, nghị quyết (ngày 1-7-1925) một chính sách văn học theo tinh thần rộng rãi của Lê-nin, trong đó có một điểm đáng cho chúng ta nghiên cứu đặc biệt kỹ lúc này:

14. Đảng phải dứt khoát tán thành việc thi đua tự do giữa các nhóm và các xu hướng… Người ta không thể để cho một sắc lệnh hay một quyết định của Đảng trao độc quyền hợp pháp trong văn học và xuất bản cho một nhóm hay một tổ chức văn học nào. Ủng hộ vật chất và tinh thần nền văn học vô sản và nông dân, giúp đỡ nhóm "Bạn đường", v.v… Đảng không vì thế mà trao độc quyền cho nhóm nào, dù nhóm ấy có là vô sản nhất về tư tưởng đi nữa; vì làm như thế có nghĩa là tàn phá nền văn học vô sản trước tiên.

Điểm nghị quyết trên này phải là một bài học lớn cho chúng ta để xúc tiến thực hiện đường lối "trăm hoa đua nở".

Sự thất bại của Pơ-rô-lê-cun, thái độ sáng suốt của Lê-nin và chính sách rõ ràng của Đảng Cộng sản Liên-Xô trong vấn đề này ở hoàn cảnh một nước mà chính quyền cách mạng và tuyệt đại đa số nhân dân đã một lòng đi theo Đảng để tiến lên chủ nghĩa xã hội là một câu trả lời đanh thép cho những ai cứ muốn lắp lại một cách giáo điều những ý kiến của Lê-nin phát biểu về vấn đề văn học Đảng ở hoàn cảnh hoạt động cách mạng bí mật, − họ lắp lại với dụng ý hạn chế "trăm hoa đua nở" ở nước ta ngày nay.


II. Bản chất của trí tuệ vốn là tiến bộ

Trong bài trước [1] tôi đã trình bày qua loa nội dung xu hướng Pơ-rô-lê-cun [2] , và sự thất bại của xu hướng ấy. Pơ-rô-lê-cun tan rã từ lâu rồi, nhưng xu hướng văn hóa tả khuynh hẹp hòi chưa hết hẳn. Không phải do Pơ-rô-lê-cun để lại mà chính là do trình độ lý luận thấp kém bao giờ cũng có ở nơi này nơi khác trong hàng ngũ Cách mạng thế giới gây ra. Văn nghệ "công nông binh" của Mao Trạch Đông đề ra thường cũng bị hiểu đơn giản ra nghiã gần như Pơ-rô-lê-cun. Văn nghệ "nhân dân" của ta trước đây, trong sự thực hiện lệch lạc, cũng phảng phất tinh thần Pơ-rô-lê-cun. Cho đến bây giờ nữa, những e ngại đối với đường lối "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua nói" cũng không phải không có họ xa với Pơ-rô-lê-cun.

Tôi cho rằng tất cả những biểu hiện tiềm thức Pơ-rô-lê-cun ấy có chung một nguyên nhân sâu xa. Đó là cái nhận thức về bản chất trí tuệ nói chung và nghệ thuật nói riêng chưa được rõ ràng dứt khoát. Chuyện này có liên quan tới tình hình nghiên cứu và áp dụng chủ nghĩa Mác.

Từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II sự sưu tầm và minh giải nhiều văn bản của Mác và Ăng-ghen đã tiến thêm được một bước đáng kể. Mặt khác, những kinh nghiệm phong phú của cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội trên một phần ba trái đất (hoàn cảnh mới, vấn đề mới, giải pháp mới) đã được đúc kết và dựng lên thành lý luận.

Nhờ hai sự kiện trên, chủ nghĩa Mác đã được soi sáng thêm và về vấn đề trí thức, trong số những quan điểm mới (được phổ biến từ sau 1950), người ta có thể ghi:

Bản chất trí tuệ vốn là tiến bộ, giai cấp tính phản động có thể lấn át nhất thời hay ở từng bộ phận nhưng cuối cùng tư tưởng và nghệ thuật vẫn tự nhiên nẩy nở theo hướng tốt.

Trong bài này tôi trình bày một vài ý kiến về điểm đó vì nó trực tiếp góp phần xây dựng đường lối "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng nói".

*


Theo quan điểm Mác-xít thông thường, trước đây, những người trí thức và văn nghệ trong xã hội có người bóc lột người chia ra làm ba loại: một loại bản thân thuộc giai cấp thống trị hay giai cấp cách mạng, căn bản là chỉ phục vụ giai cấp mình và chống lại giai cấp thù địch, không thể nào khác được. Một hạng thuộc giai cấp trung lưu dễ ngả nghiêng, bị dày xéo nhiều và tỉnh táo thì đi theo nhân dân cách mạng, bị mua chuộc hay mê hoặc thì đi theo bọn thống trị chống lại nhân dân cách mạng. Sau cùng một loại thuộc giai cấp thống trị hoặc vì bị sự tan rã của giai cấp mình đẩy xuống hàng ngũ nhân dân lao động, hoặc vì sớm nhìn thấy được bước tiến của lịch sử mà tự ý đi theo cách mạng.

Nhận định trên này, xét về nét lớn thì lúc nào cũng vẫn là đúng. Nhưng nếu đi sâu vào chi tiết thì ta thấy cho đến trước Chiến tranh Thế giới lần thứ II, trong thực tế, nó dè dặt đối với sự tham gia cách mạng của những người trí thức và văn nghệ tiến bộ thuộc các giai cấp tiểu tư sản và tư sản, nhất là tư sản, mặc dầu từ năm 1936 Quốc tế Cộng sản đã đề ra chính sách mặt trận. Ở giai đoạn lịch sử ấy, đặc biệt là ở các nước tư bản đế quốc hay bán thuộc địa, cái chính nghĩa và sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản chưa tỏ rõ, công tác giáo dục cải tạo những người trí thức và văn nghệ cũ bị đầu độc chưa làm được bao nhiêu, sự dè dặt đó còn có lý phần nào. Nhưng từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, ở các nước dân chủ mới chính quyền đã về tay công nông, tuyệt đại đa số nhân dân đã nhận sự lãnh đạo của giai cấp thợ và Đảng Cộng sản, sự dè dặt đó phải gạt bỏ đi mới phải. Đã lâu quá rồi, chúng ta phải chứng kiến một cảnh trái ngược: một bên là thái độ, lập trường của phần lớn những người trí thức và văn nghệ cũ đã thay đổi hẳn hay ít ra cũng đã chuyển hướng, một bên là đường lối văn hóa của cách mạng vẫn còn e dè nhiều quá.

Hình như người ta quá câu nệ những ý kiến của Mác và Ăng-ghen trình bày trong tập Tư tưởng Đức khi nói về thái độ của những phần tử trí thức trong giai cấp thống trị:

"Tuy nội bộ giai cấp đó (giai cấp thống trị), sự chia rẽ (giữa những phần tử trí thức và phần tử khai thác kinh tế) có thể đưa đến hai bên đối lập và thù ghét nhau ít nhiều. Nhưng tới khi nổ ra một cuộc xung đột thực tế nào làm cho tất cả giai cấp bị đe dọa, thì sự đối lập tự dưng rơi tan đi, và người ta cũng thấy bay biến đi cái ảo tưởng cho rằng những tư tưởng thống trị không phải là của giai cấp thống trị mà có một quyền lực biệt lập đối với quyền lực của giai cấp đó".

Nhưng trong những nước mà cách mạng đã nắm được chính quyền và đang kiến thiết chủ nghĩa xã hội, các giai cấp thống trị cũ đã bị lật đổ rồi tuy chưa tiêu diệt hẳn, hiện tượng này có còn là hiện tượng đáng kể nữa đâu! Và theo ông Trần Đức Thảo thì cũng không nên quên rằng tập Tư tưởng Đức viết vào năm 1845 là thời kỳ chủ nghĩa Mác tuy không phải là phôi thai, nhưng cũng chưa thực đầy đủ; − trong tập ấy, Mác và Ăng-ghen chưa nói gì đến duy vật biện chứng, mới chỉ giới thiệu một thuyết duy vật lịch sử hãy còn sơ lược.

Ngay trong một nước tư bản đế quốc, hiện tượng trên cũng mới chỉ là một mặt của vấn đề. Còn mặt khác, Mác và Ăng-ghen đã nói rõ trong bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản viết năm 1848 là thời kỳ chủ nghĩa Mác đã trưởng thành:

"Cũng như xưa kia một bộ phận quí tộc chạy sang giai cấp tư sản, bây giờ một bộ phận giai cấp tư sản chạy sang giai cấp vô sản, và đáng kể nhất là bộ phận những nhà tư tưởng tư sản đã tiến tới nhận thức được lý luận của toàn bộ quá trình vận động lịch sử" [3] .

Như vậy là trong hiện tượng phân hóa giai cấp, những phần tử trí thức có khác với những phần tử khai thác kinh tế. Khác ở chỗ họ mang trong người một cái khả năng tiến bộ đặc biệt giúp cho họ chủ động trong việc đi theo cách mạng. Cho nên bốn tiếng "đầu hàng giai cấp" mà nhiều người thiếu suy nghĩ cứ thích nói đến một cách khiếm nhã vô tội vạ, đối với họ chẳng lấy gì làm đúng lắm. Họ đi theo cách mạng thường thường là vì mục đích của cách mạng phù hợp với lý tưởng của họ chứ ít khi vì bị cái nguy cơ nào dồn ép.


Trong đời sống nhân loại họ như đã chịu một sự phân công − sự phân công xã hội bao giờ cũng có tính chất tất yếu − do cái trí tuệ minh mẫn mà họ có, là tiếp thu kiến thức và khát vọng của đồng loại, rồi tổng kết để cuối cùng đem phổ biến. Công việc đó đối với họ là một nhu cầu cơ thể giống như cái "bản năng làm mẹ" nó thôi thúc người phụ nữ (và các con vật cái). Bởi vậy hướng đi bình thường của họ phải là về phía chân, thiện và mỹ.

Cố nhiên bên cạnh cái trí tuệ tính đó, họ còn mang cái giai cấp tính nữa. Nếu bản thân họ thuộc giai cấp cách mạng thì hướng đi của họ được cả hai cái "tính" phục vụ cho. Trái lại, họ mà thuộc giai cấp thống trị thì hai cái "tính" xung đột nhau. Rốt cuộc, thắng bại về phía nào phải do bản lĩnh của cá nhân và hoàn cảnh xã hội đương thời quyết định. Lê-ông Tôn-stôi và Ban-dắc là những người mà bản lĩnh cá nhân và ảnh hưởng của phong trào đấu tranh xã hội đã giúp cho xu hướng trí tuệ (tiến bộ) thắng xu hướng giai cấp (phản động). Đấy cũng là trường hợp của hầu hết các bậc thiên tài trong lịch sử trước chủ nghĩa xã hội.

Còn những trường hợp mà cái xu hướng trí tuệ thua thì nhân loại phải đánh giá đúng mức, không thể vì thế mà bi quan, nghi ngờ. Những trận thua đó chỉ nhất thời làm vướng bánh xe lịch sử. Nhân loại nhớ những lúc trí tuệ mình bị xô đẩy, đánh đập, đầu độc, sỉ nhục nhưng không bao giờ thấy trí tuệ mình tự ý thụt lùi mà trái lại chỉ thấy nó có một tiềm lực tự phát, một bản chất tiến bộ không ngừng: nó từ tấm bé, ngây dại, bấy bớt lớn lên, khôn lên, khỏe lên. Cuối cùng, thắng to, thua nhỏ, thắng nhiều, thua ít, hàng ngũ của trí tuệ con người càng ngày càng đông đảo, trình độ của trí tuệ con người càng ngày càng vươn cao và tác động của trí tuệ con người càng ngày càng mãnh liệt nhờ cái hạ tầng cơ sở kinh tế của xã hội càng ngày càng phát triển, nhờ cái ảnh hưởng của phong trào quần chúng nhân dân càng ngày càng ý thức. Nó đã và sẽ làm tròn nhiệm vụ bằng sự thực hiện cho loài người một chủ nghĩa nhân văn và một chủ nghĩa hiện thực càng ngày càng rực rỡ. Dưới chế độ dân chủ nhân dân hay xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp đó càng dễ dàng hơn, to lớn hơn.

*


Tôi rất đồng ý với ông Trương Tửu khi ông muốn chứng minh trong Giai phẩm mùa Thu tập III rằng qua các thời đại ý nghĩa của văn nghệ đáng gọi là văn nghệ bao giờ cũng là vì tiến bộ của xã hội và hạnh phúc của con người. Tôi xin nói thêm: khi chưa có ánh sáng của lý luận cách mạng nó đã làm được thì khi có thêm ánh sáng của lý luận cách mạng soi đường nữa nhất định nó phải thành công vẻ vang gấp bội.

Cũng lạc quan như thế, thi sĩ A-ra-gông cả quyết những lúc văn hóa đồi bại bao giờ cũng là do bạo lực gây nên. Những lúc ấy trí tuệ bị kìm hãm, tàn phá (khủng bố, ép buộc, mua chuộc, trụy lạc hóa đều là sự tàn phá của bạo lực cả), và nếu nó đã đẻ ra tư tưởng xấu, nghệ thuật xấu, trái ngược với ích lợi nhân dân, trái ngược với tiến hóa xã hội, trong những trường hợp đó thì ta phải coi những đứa con "bất thành nhân" kia là những quái vật, kết quả của cưỡng dâm chứ không phải của tình yêu.

Chuyện bạo lực tàn phá, áp bức và trụy lạc hóa trí tuệ để tạo ra tư tưởng xấu, nghệ thuật xấu là chuyện không thể xảy ra trong chế độ của chúng ta, thì tại sao lại không dám phóng tay cho "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua nói"? Hay là không tin cái xu hướng chân, thiện, mỹ của những người trí thức, văn nghệ đã đi theo cách mạng bao năm và đồng thời cũng không tin cả cái hoàn cảnh thuận tiện là chế độ ta?

Nói thế không có nghĩa là trong chế độ xã hội chủ nghĩa hay dân chủ nhân dân tuyệt đối không thể có sản phẩm tinh thần xấu của nọc độc xã hội cũ còn rớt lại mà chỉ có nghĩa là sản phẩm đó rất ít và cũng dễ giải quyết.

Giải quyết bằng cách nào? Cố nhiên là không phải bằng phương pháp độc đoán là hạn chế, ngăn cấm, mà phải bằng phương pháp dân chủ là bàn bạc, tranh luận, thi đua. Cho nên nếu không để cho trăm hoa được tự do nẩy nở thì không thể biết cần nắn uốn, bồi bổ ở chỗ nào.

(Nguồn: báo Văn nghệ, Hà Nội, s. 147, ngày 16.11.1956, tr. 3)


III. Một đường lối văn nghệ thích hợp với giai đoạn cách mạng hiện nay

Một đặc điểm của giai đoạn cách mạng hiện nay trên thế giới là cái chính nghĩa và sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội đã tỏ rõ. Tuyệt đại đa số nhân loại quay nhìn cả về phía lá cờ đầu của Đảng Cộng sản mà hy vọng. Ở chỗ nào cũng có những người trí thức và văn nghệ tiến bộ tích cực đấu tranh cho hòa bình và dân chủ. Những tinh hoa của trí tuệ đã thực sự nẩy nở trong hàng ngũ công, nông. Những xu hướng văn hóa đối lập với hạnh phúc nhân dân hoặc tách rời khỏi chính trị đã suy yếu.

Riêng trong các nước dân chủ nhân dân (mà nước ta là một), trên cơ sở kinh tế Nhà nước lãnh đạo kinh tế tư nhân và Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo mặt trận dân tộc, chúng ta thấy tư tưởng Mác−Lê-nin và nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa lãnh đạo mọi hoạt động văn hóa.

Nhưng không phải vì thế mà các xu hướng văn nghệ đã thu gọn lại thành một dòng duy nhất. Chẳng những trong hoàn cảnh chế độ dân chủ nhân dân còn kinh tế phức tạp, còn giai cấp đấu tranh, mà ngay trong hoàn cảnh chế độ xã hội chủ nghĩa hay cộng sản triệt để đi nữa, hiện tượng đó cũng không thể diễn ra một cách bình thường. Chưa nói gì nhiều, nguyên một điều mỗi sáng tác phẩm tốt đều có mang cá tính riêng biệt của con người sáng tác, mà chế độ xã hội càng lên cao thì cá tính riêng biệt của con người càng phát triển. Gò bó xu hướng văn nghệ vào một dòng là trái với tư tưởng Mác – Lê-nin, trái với qui luật tiến hóa.

Vả lại nghệ thuật hiện thực và xã hội chủ nghĩa về cả hai mặt lý luận và thực hành đều chưa phải là một cái gì đã đầy đủ, trưởng thành − không bao giờ nên nói hoàn mỹ − để có thể đưa ra một cách tuyệt đối, làm khuôn vàng thước ngọc cho người ta theo từng li từng tí.

Mặc dầu ở Liên-Xô và các nước bạn đã có những cố gắng thành công ở mặt này hay mặt khác chứng tỏ nghệ thuật đó có nhiều hứa hẹn tốt, nó vẫn hãy còn là một "phác thảo" để tìm tòi, thí nghiệm và bổ sung. Gần đây, không phải không có những văn nghệ sĩ tiến bộ có chân tài cả quyết rằng ngoài hiện thực xã hội chủ nghĩa còn có những đường lối khác chưa chắc đã kém giá trị.

Ở đây tôi không đi sâu vào vấn đề trên. Tôi chỉ đặt một câu hỏi thực tiễn như ở cuối bài trước:

Trong hoàn cảnh miền Bắc ta, đế quốc và phong kiến đã bị đánh đổ, chính quyền đã về tay công nông, tư sản không còn là thống trị mà đã trở thành một bộ phận của nhân dân và bị "tiết chế" trong kinh doanh, hầu hết các người trí thức và văn nghệ đều đi theo cách mạng, nếu còn những tàn tích của xã hội cũ trong văn nghệ thì giải quyết bằng cách nào? Bằng phương pháp độc đoán là ngăn cấm, đàn áp hay bằng phương pháp dân chủ là bàn bạc, tranh luận và thi đua?

Hình như ông Lục Định Nhất, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Hoa đã trả lời:

Chúng ta còn cần thấy rằng văn học, nghệ thuật và nghiên cứu khoa học, tuy quan hệ chặt chẽ với đấu tranh giai cấp, nhưng rốt cuộc nó vẫn không hoàn toàn giốn với chính trị. Đấu tranh chính trị là hình thức biểu hiện trực tiếp của đấu tranh giai cấp; văn nghệ và khoa học xã hội có thể biểu hiện đấu tranh giai cấp một cách trực tiếp, mà cũng có thể biểu hiện đấu tranh giai cấp tương đối quanh co. Cho rằng văn nghệ và khoa học không liên quan với chính trị, có thể "nghệ thuật vị nghệ thuật", "khoa học vị khoa học", đó là một lối nhìn phiến diện hữu khuynh, đó là sai lầm. Trái lại, coi văn nghệ và khoa học hoàn toàn như chính trị thì sẽ dẫn tới một lối nhìn phiến diện khác, sẽ phạm sai lầm đơn giản "tả khuynh".

Chúng ta chủ trương "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua nói" tức là chủ trương trong công tác văn học, nghệ thuật và công tác nghiên cứu khoa học có tự do suy nghĩ độc lập, có tự do biện luận, có tự do sáng tác và phê bình, có tự do kiên trì ý kiến của mình và có giữ ý kiến của mình.

Cái tự do đó là tự do không giới hạn, hay nói đúng hơn: chỉ có giới hạn là không vượt ra ngoài địa hạt khoa học, văn nghệ.

Ai cũng biết, không thể quan niệm một thứ tự do như thế trong địa hạt chính trị. Nhưng cũng phải hiểu ngay rằng cái chính trị bất khả xâm phạm nói đây là chế độ đã được cụ thể hóa bằng Hiến pháp chứ không bao gồm tất cả những vấn đề bản thân không phải là luật pháp hay chính sách mà chỉ có liên quan đến chính trị. Ở Trung Hoa bây giờ, một nhà học giả có quyền công khai bài bác những ý kiến của cụ Mao Trạch Đông về lý luận cách mạng (kinh tế, chính trị, văn hóa) mà nếu có kẻ nào "chụp mũ" ông ta là tay sai của Tưởng Giới Thạch, có manh tâm đả kích vào uy tín của lãnh tụ, của Đảng, v.v. thì kẻ đó sẽ bị kiện trước tòa án về tội vu cáo chính trị.

Trở lại cái tự do trăm hoa đua nở trong văn nghệ.

Tôi bỏ qua những khái niệm thuần túy lý luận về tự do tư sản và tự do vô sản, về dân chủ và chuyên chính mà chúng ta mong sẽ có dịp trao đổi kỹ. Tôi thử đi thẳng ngay vào những thắc mắc thực tiễn, cụ thể.

Có bạn tỏ ra thận trọng:

“Thì cũng phải phân biệt hoa ‘khôn’ với hoa ‘dại’ chứ?”

Có! Cần phân biệt lắm. Nhưng ai đứng ra để phân biệt? Chính phủ và các đảng phái sẽ không tự giành lấy độc quyền phân biệt và chọn lọc bằng một hình thức kiểm duyệt trực tiếp hay gián tiếp nào đó. Các Ban chấp hành các Hội văn nghệ cũng sẽ không tự giành lấy độc quyền phân biệt và chọn lọc bằng sự đánh giá chủ quan của mươi lăm người. Thẩm quyền phân biệt và quyết định tối hậu hoàn toàn để cho quảng đại quần chúng nhân dân. Như người ta thường nói: tác phẩm tốt hay xấu, xin các ngài cứ nhận xét, phê bình, nhưng cuối cùng thời gian sẽ trả lời dứt khoát.

Lại có bạn lo xa:

“Chờ được đến lúc thời gian trả lời dứt khoát thì tác phẩm xấu đã làm hại nhân dân nhiều rồi.”

Tôi không phải là hạng người quần chúng chủ nghĩa, phỉnh nịnh quần chúng, nhưng tôi cũng nghĩ rằng lo như thế cũng có ít nhiều không tin ở trí sáng suốt của quần chúng. Trí sáng suốt ấy lại được sự giúp đỡ của những cuộc phê bình, tranh luận trong giới văn nghệ chuyên nghiệp mở rộng cho quần chúng tham gia, chắc cũng không đến nỗi xẩy ra tình trạng bỏ vàng chọn thau, chê cơm dẻo canh ngọt để ngốn ngấu thuốc độc.

Vẫn còn có bạn chưa yên tâm:

“Thế vài trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong sự phát triển văn hóa có còn nữa không?”

Còn lắm. Đảng chủ trương "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua nói" chính là Đảng mở ra một con đường rộng thênh thang cho người ta đi. Những người trí thức và văn nghệ nô nức đi vào con đường đó là đi theo Đảng chứ còn theo ai? Chỉ có những kẻ "bảo hoàng hơn vua", cứ muốn gò bó trong khi Đảng cởi mở, mới đích thực là bất chấp cả sự lãnh đạo của Đảng.

Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản còn rất thiết thực ở trong việc sáng tác, phê bình, tranh luận mà Đảng trao trách nhiệm và giúp đỡ cho các nhà trí thức và văn nghệ sĩ là đảng viên làm. Tiến hành một cách kiên trì, bình đẳng và thân ái công tác phê bình, tranh luận của các đảng viên sẽ không làm hại đoàn kết, không hạn chế tự do tư tưởng, tự do sáng tác, mà vẫn bảo đảm được tác dụng lãnh đạo. Người ta e ngại là e ngại cái thái độ trịch thượng, dựa vào uy thế của Đảng tiền phong để bè phái "cả vú lấp miệng em" hoặc ra oai "đánh một gậy chết tươi", chứ thực hiện đúng dân chủ thì có ai e ngại!

Sau hết, có những bạn băn khoăn không biết trăm hoa đua nở có cần phải trên cùng một miếng đất và mang cùng một tính chất nào không? Ý các bạn đó muốn đặt vấn đề lập trường giai cấp Đảng tính.

Ở chỗ này tôi thấy cần phải chặt một nhát cho đứt đầu con yêu quái công nông chủ nghĩa hay hiện hình giả làm lập trường cách mạng.

Trong sự nghiệp cách mạng chung của các tầng lớp nhân dân (gồm công nhân, nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc) nếu những người trí thức và văn nghệ đã tích cực đấu tranh đánh đổ đế quốc và địa chủ, đồng thời lại công nhận vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản, công nhận cả chiều hướng tiến lên chủ nghĩa xã hội thì căn bản là họ đã đứng vào chỗ đứng của giai cấp vô sản rồi.

Như tôi đã trình bày trong bài trước, họ mang cái bản chất tiến bộ của trí tuệ, lại được thực tế đấu tranh bồi dưỡng, lý luận Mác – Lê-nin soi đường và hoàn cảnh thuận lợi của chế độ hun đúc thì lập trường của họ, lấy đa số mà nói, nếu chưa hẳn là lập trường của người vô sản thì cũng rất gần với lập trường đó. Dù họ chỉ muốn đứng trên một thứ lập trường chung chung là "lập trường nhân dân", "lập trường nhân đạo", "lập trường tiến hóa", "lập trường chân, thiện, mỹ"… hay lập trường gì gì đi nữa thì giai cấp vô sản cũng đều hoan nghênh. Trừ khi họ đứng nhầm trên lập trường của các giai cấp bóc lột cũ – trường hợp này chắc cũng hiếm – thì ta sẽ phản đối, mà cũng chỉ phản đối bằng phê bình, tranh luận một cách kiên trì, bình đẳng và thân ái.

Còn Đảng tính, nếu chúng ta hiểu theo nghĩa "công nhiên phục vụ nhân dân" như I-va-nốp nói trong tạp chí Người cộng sản (số tháng 4-1956) thì phỏng có gì đáng lo? 99% những người trí thức và văn nghệ miền Bắc đã có cái đảng tính ấy từ lâu rồi.

*


Trước khi chấm hết bài này, tôi muốn cùng các bạn xác định xem cái trường hợp hạn chế không cho hoa nở mà ông Lục Định Nhất nói đến là trường hợp nào. Ông Lục Định Nhất đề xướng tự do vô điều kiện trong đường lối "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua nói" cho tất cả mọi công dân "miễn không phải là phần tử phản cách mạng".

Tôi đoán có lẽ ông Lục Định Nhất nói trường hợp của những tên phản cách mạng đã bị tòa án xử rồi. Nếu không thì chỉ là nêu ra một vấn đề cảnh giác thiếu căn cứ làm bối rối những người có trách nhiệm trong các việc xuất bản, báo chí hoặc tổ chức nghiên cứu, thảo luận. Thí dụ nay Nhà xuất bản Văn nghệ nhận được bản thảo một cuốn tiểu thuyết ký tên chưa quen biết thì có lẽ họ phải nhờ công an, hộ khẩu điều tra lý lịch tác giả rồi mới xuất bản chăng?

Tôi không tin rằng văn nghệ muốn "trăm hoa đua nở”, lại cần phải có công an, hộ khẩu can thiệp vào.
Tư tưởng phản cách mạng xuất hiện ở chỗ nào thì ta đem quan điểm cách mạng chân chính ra mà đấu tranh ở chỗ ấy – đấu tranh bằng những phương tiện văn hóa. Còn những người trí thức hay văn nghệ có hành động chính trị phản cách mạng hoặc tham gia tổ chức chính trị phản cách mạng thì công an, hộ khẩu cứ theo dõi, khám phá và đưa ra tòa án truy tố. Đó là công tác của ngành khác. Đó là vấn đề pháp trị, không phải là vấn đề văn hóa.



[1]Xem Văn nghệ số 145 (nguyên chú của Nguyễn Hữu Đang).
[2]Proletkult, kỳ trước chúng tôi phiên âm theo cách đọc tiếng Pháp là Pờ-rô-lê-kuyn, nay đổi lại theo cách đọc tiếng Nga là Pơ-rô-lê-cun cho được đúng hơn (nguyên chú của Nguyễn Hữu Đang).
[3]Tôi cho in chữ đậm đoạn cuối để nhấn mạnh (nguyên chú của Nguyễn Hữu Đang).
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hà Ná»™i, s. 145 (2.11.1956), tr. 2, 11; s. 147 (9.11.1956), tr. 3; s. 148 (23.11.1956), tr. 3. Lại Nguyên Ân biên soạn.