trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Tây Tạng, Việt Nam và Thế vận há»™i Bắc Kinh 2008
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28 
19.8.2008
Nguyễn Hoàng Văn
Sự sa đọa của Trương Nghệ Mưu
 
Cái “rực rỡ”, “hoành tráng” hay “bất ngờ” với những chùm pháo hoa tưởng như phủ kín Bắc Kinh trong đêm khai mạc Olympic là một sự phô trương vô hồn, tương tự cái kỳ vĩ nhưng trống rỗng không thần sắc trong Giáp vàng phủ kín kinh thành, cũng do một tay Trương Nghệ Mưu sắp đặt [1] . Cơ hồ, càng nếm vị vinh quang, một Trương Nghệ Mưu đầy nét nhân văn trong những tác phẩm đầu tiên càng thụt lùi và, có thể nói, lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 là bước thụt không thể thụt thêm. Bước sa đọa cuối cùng.

Từ những Phải sống, Thu Cúc đi kiện, Treo cao đèn lồng đỏ, Không thiếu một ai đến một Anh hùng “hoành tráng” bằng những kỹ xảo điện toán, chúng ta đã cảm nhận cái sự sa đọa ấy rồi. Trong những tác phẩm đầu tiên, người xem đã theo người nghệ sĩ để chau mày hay khóc cười cùng những thân phận đang bươn chải, đang ngoắc ngoải lặn hụp dưới sự vùi dập của hệ thống, một hệ thống đạo lý bó buộc nghiệt ngã, một hệ thống quan liêu chỉn chu nhưng vô lý đến khôi hài, một hệ thống toàn trị sởn da gà. Với Anh hùng thì khác. Người nghệ sĩ không chia sẻ nữa mà vọt lên và, tệ hơn, còn hóa thân thành chính cái hệ thống ấy. Nhẹ dạ, yếu bóng vía, choáng ngợp trước tài hoa của người nghệ sĩ, không khéo chúng ta sẽ bị thuyết phục để rồi nhìn cõi nhân gian bằng chính cái ánh mắt mà bạo vương Tần Thủy Hoàng đã nhìn hay những hậu thân cỏn con của bậc bạo vương đang ngụ tại Trung Nam Hải muốn nhìn. Nhưng hành tinh này đâu thể nào chịu đựng cả tỷ hay mấy trăm triệu bạo vương? Chỉ có từng ấy kẻ mê muội nhìn nhân gian bằng con mắt của bạo vương để ngoan ngoãn đội lên đầu một nhúm đếm trên đầu ngón tay những bạo vương. Và đó chính là những gì chúng ta có thể loáng thoáng đọc được từ những khoảng tối chen giữa mấy màn trình diễn phô trương nhưng máy móc trong lễ khai mạc nói trên.

Trước hết là cái văn hóa biển người. Chiến tranh Trung - Nhật và nội chiến Quốc - Cộng: biển người. Chiến tranh Cao Ly: biển người. Chiến tranh biên giới Việt - Trung: biển người. Chiến tranh kinh tế, cũng biển người. Đến cái màn phô diễn “hoành tráng” và “rực rỡ” bắt đầu từ cái thời khắc “lục bát” đầy mê tín, cũng là biển người [2] . Biển người và biển người. Màn trình diễn nói là “chắp cánh cho đất nước bước vào thế kỷ 21” lại khởi đầu một cách rất ư là mê tín, nên chặng còn lại của thế kỷ cũng chẳng có gì hứa hẹn là sẽ vượt qua những ràng buộc của dị đoan quá khứ [3] . Và như thế những thế hệ biển người nối tiếp nhau trên xứ sở ấy sẽ còn tiếp tục làm con tin của thứ tín lý đã bám rễ mấy ngàn năm, tín lý về thiên mệnh Trung Hoa, tín lý về sự ưu việt Trung Hoa, thứ tín lý đã làm nên chủ nghĩa quốc gia Đại Hán.

Đó là một lẽ. Ở một lẽ khác thì cái lễ hội khai mạc của kỳ hội thể thao hình thành với mục đích khai tử việc quân bị lại tôn vinh hình ảnh của quân bị, ngay trong những nghi thức trang trọng nhất. Vào thập niên 70 của thế kỷ 19, khi vận động cho việc khôi phục cuộc tranh tài Olympic cổ đại, Bá tước Pierre de Couberten đã nhấn mạnh đến mục tiêu xây dựng một nền “văn hoá thể thao” để hướng tới việc giải trừ quân bị. Thay vì vác súng ra trận, giới trẻ nên ra sân tranh tài. Thay vì hùng hổ giết nhau theo luật riêng của từng quốc gia, những chủ nhân tương lai của thế giới nên thi thố sức lực với nhau theo luật chung của mọi quốc gia. Gần gũi nhau hơn, họ sẽ dễ thông cảm nhau hơn và từ đó có thể dần dà đưa những từ vựng như “chiến tranh”, “tuyên chiến” hay “quân đội” vào nằm yên trong viện bảo tàng của ngôn ngữ. Cho đến hôm nay cái mục tiêu ấy vẫn chưa đạt được và Olympic chưa bao giờ ngăn cản nổi chiến tranh, chỉ có chiến tranh ngăn cản Olympic, nhưng dẫu sao thì Olympic vẫn chưa hề bị khai thác một cách trơ trẽn để phô trương sức mạnh độc tôn như thế, trừ Olympic Berlin 1936, khi nước Đức nằm gọn trong bàn tay của Adolf Hitler, một Tần Thủy Hoàng da trắng. Olympic 1936 là màn phô trương cho tính ưu việt của “tông tộc vĩ nghiệp” Aryan. Olympic 2008 là màn phô diễn cho sức mạnh Đại Hán. Và phô bằng bất cứ giá nào, bằng bất cứ mánh lới nào.

Có lẽ đây là lần đầu quân phục xuất hiện trong nghi thức khai mạc Olympic. Quân phục trong lễ chào cờ. Quân phục trong nghi thức châm đuốc, cái ngọn lửa thiêng lấy vùng đất thiêng Olympia rồi mang đi khắp thế giới như một thông điệp của sự thông cảm và hợp tác, hòa bình. Mà cũng không cần đến những bộ sắc phục võ biền ngay đơ ấy nữa. Hình ảnh chiến thuyền cổ phục dựng bằng kỹ xảo quang học và điện toán bao trùm cả một mảng không gian lớn, cố sức nhắc lại quá khứ bá quyền. Những biển người, trong đủ loại đồng phục, rập ràng và máy móc như một đoàn quân diễn binh. Mặt đăm đăm, không một nụ cười, họ trình diễn như là họ đang huấn nhục, như thể đang chịu một sự theo dõi và kiểm soát toàn diện. Trong màn gõ trống khai diễn, họ chỉ đơn thuần làm cái việc minh họa cho những âm thanh soạn sẵn theo chương trình điện toán. Máy móc, vô hồn vô cảm, hoàn toàn thiếu sự ngẫu tính cần có trong một không khí cởi mở của hội hè. Vẫn chưa hết. Olympic là ngày hội của người sống mà những quân nhân, trong những bước chân ngay đơ như chết, đã tiếp rước lá cờ như thế hệ “tiền phong” của họ từng rước hình hài người cầm lái vĩ đại khi đã tẩm đầy thuốc ướp. Vắng bóng người cầm lái vĩ đại nhưng, cơ hồ, cái nghi lễ rực rỡ kia cũng nồng nặc một mùi thuốc ướp. Olympic là ngày hội của tinh thần thượng võ, là nơi mà con người phải thi thố bằng tài năng thực của mình nhưng, chỉ tiếng hát của một đứa trẻ thôi, cũng có trò gian vặt; chỉ là chuyện bắn pháo hoa thôi, cũng có chuyện giả cầy.

Những chuyện như thế, về mặt văn học, dễ làm chúng ta nghĩ đến những ẩn dụ của George Orwell; với Animal Farm là những trò mỵ dân, những mánh lới gian lận vặt; với 1984 là hình tượng Big Brother thấy hết, kiểm soát hết. Hẳn nhiên, không ai có thể gọi những thành viên của cái biển người ấy là “animal” nhưng nếu lễ hội ấy là sự phản ảnh những diện mạo của đất nước thì có lẽ xứ sở ấy chính là một “Human Beings Farm” cực lớn. Một cái trại cực lớn với đa số “bình đẳng kém” và một thiểu số “bình đẳng hơn”. Một cái trại với những “Big Brother” kiểm soát bằng hết. Một cái trại rất cần những tác phẩm như Anh hùng cho cả tỷ người “bình đẳng kém” tưởng tượng rằng mình đang “bình đẳng bằng” để chấp nhận cái thế giới quan của thiểu số “bình đẳng hơn”. Và như thế thì, nhìn rộng hơn, cái thông điệp “Một thế giới một giấc mơ”, như là chủ đề chính của Olympic năm nay, cũng cần phải hiểu khác đi.

Chủ nghĩa Đại Hán, thực chất, là một thứ chủ nghĩa thực dân. Thực dân cổ điển hay thực dân hiện đại cũng đều nơm nớp bảo vệ quyền ăn cướp của mình và văn hóa thực dân còn là một thứ văn hóa sen đầm. Khi phô trương những hào quang quân sự quá khứ, khi cho sắc phục quân nhân xuất hiện trong nghi thức chủ chốt của ngày hội hướng đến sự thông cảm và hòa bình thì, hẳn là, những kẻ đang rao cao cái thông điệp “Một thế giới một giấc mơ” vẫn chưa chừa được cái “nết” sen đầm Đại Hán. Mọi quốc gia có thể bình đẳng nhưng một số quốc gia thì, với sức mạnh và sự ưu việt “không thể chối cãi” của mình, phải “bình đẳng hơn”. Phải hơn với bất cứ giá nào. Và hơn với bất kỳ mánh lới thủ đọan nào.

Hầu như cùng thời với Orwell, trong bối cảnh chủ nghĩa toàn trị Stalinist đang hầm hừ đe dọa thì Virgil Gheorghiu, trong Giờ thứ hai mươi lăm, đã báo động về hiểm họa hình thành của thứ người máy đầy ứ tham vọng mang tên “ủy viên chính trị”. Con người trong thời đại kỹ thuật, theo Gheorghiu, phải tuân thủ những quy luật của máy móc và sẽ hành xử theo đúng quy luật cứng ngắc của máy móc để rồi từ từ trở thành những “nô lệ kỹ thuật”. Những nô lệ kỹ thuật đơn thuần đã đáng sợ. Những nô lệ kỹ thuật ôm ấp tham vọng công dân còn đáng sợ hơn, thứ nô lệ hãi hùng mà, theo Gheorghiu, đã được người Nga đào tạo một cách bài bản với những “ủy viên chính trị”. Nhưng Trương Nghệ Mưu là một nghệ sĩ chứ không phải là nô lệ kỹ thuật. Nếu có làm nô lệ, người nghệ sĩ chỉ có thể làm nô lệ cho những giá trị thẩm mỹ và nhân văn và khi phát ngôn bằng cái giọng sặc mùi toàn trị như trong Anh hùng chẳng hạn, người nghệ sĩ ấy đã phát ngôn y như một nô lệ của hệ thống. Bây giờ, trong lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh, cũng không hề có nghệ sĩ Trương Nghệ Mưu mà chỉ có “ủy viên văn hóa” Trương Nghệ Mưu. Cái khái niệm “văn hóa” đã bị nhiễu xạ như đã từng nhiễu khi bị cưỡng duyên cùng “quần chúng” để làm nên “văn hóa quần chúng”, khi bị nhét giữa “cách mạng” và “vô sản” để làm nên “cách mạng văn hóa vô sản”.

Nhưng Trương Nghệ Mưu là Trương Nghệ Mưu, và đó là chọn lựa của ông ta, như một người Trung Hoa. Ông ta có thể chọn lựa để làm một nghệ sĩ tự do. Ông ta có thể nuôi nấng cái tham vọng “ủy viên” trong cái hệ thống toàn trị mang sắc màu Đại Hán ấy, chúng ta có thể nói gì hơn? Cái cần nói là ở chính chúng ta. Là ít ai trong chúng ta nhận ra, hay, ít ra là, công khai phát biểu về sự sa đọa của người từng là nghệ sĩ trong một lễ hội hào nhoáng nhưng lạnh lùng đe dọa như thế. Cho dù không có những mánh lới lươn lẹo, cho dù không có chuyện hoa pháo giả cầy đi nữa, lễ hội rực rỡ ấy vẫn không đáng để trầm trồ như thế. Ngay từ đầu, giữa những tiếng xuýt xoa thán phục của những người nhẹ dạ, đây đó vẫn nghe thấy những nhận xét tỉnh táo như của Yossi Melman, một người Do Thái có mặt tại chỗ, chẳng hạn [4] . Lễ hội hoành tráng và rực rỡ đó chỉ là một lễ hội vô hồn với sắp đặt từ trước, với tính chất cơ giới và thậm chí tính chất quân sự sắt máu. Như là những con mồi của chủ nghĩa Đại Hán, ít ra chúng ta phải đủ nhạy cảm để nhìn ra những điều mà một kẻ nhởn nhơ bên lề như Melman nhìn thấy chứ? Bàn về nó, báo chí Việt Nam chỉ có khen ngợi và khen ngợi. Họ sững sờ thán phục. Họ kinh ngạc, bất ngờ. Họ mất cả hồn vía và họ nhai đi nhai lại với tần số thật cao những từ ngữ rất kêu với những “hoành tráng”, “kỳ vĩ” và, thậm chí, “thành công, đại thành công”. Thật là đáng thất vọng quá.

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên tôi thất vọng như thế. Đâu năm năm trước, sau khi thất vọng với Người Mỹ trầm lặng của Phillip Noyce trong rạp chiếu, tôi còn thất vọng nhiều hơn khi đọc những lời lẽ khen ngợi rặt giọng “ủy viên” của những tên tuổi có thẩm quyền ở Việt Nam mà nhà sản xuất mượn lời để quảng cáo trên báo chí tại Úc [5] . Rồi đâu đó, những “ủy viên” không chính thức nữa [6] . Phim thì đầy những sai sót lắt nhắt về lịch sử [7] và truyện phim thì xoay quanh mấy biến cố chính trị ở Việt Nam qua những lần đánh đĩ của một cô gái Việt. Hết phó thác thân xác cho một ký giả Anh thì phó thác cho một nhân viên tình báo Mỹ, và khi nhân viên tình báo Mỹ mất mạng thì quay về với vòng tay người Anh. Một thiếu nữ tượng trưng cho thân phận Việt Nam mà cứ đi đánh đĩ vòng vòng, đánh đĩ đến tưởng là vĩnh cửu. Vậy mà, trong lời lẽ của những “ủy viên văn hóa” chính thức hay không chính thức, Noyce lại là người “rất tôn trọng lịch sử và văn hóa Việt Nam”, người “rất yêu Việt Nam, có tấm lòng với đất nước và con người Việt Nam”. Thậm chí, chỉ một hiệu ứng âm thanh bình thường dựa vào một ca khúc trên đẳng cấp trung bình trong đó thôi, họ còn nhìn ra cả một “bình diện vĩnh cửu” trong cái không gian của những lần đánh đĩ. Như thế, xét cho cùng, thực tâm Noyce đâu có tôn trọng “lịch sử và văn hóa Việt Nam” hay “rất yêu Việt Nam”? Ông ta chỉ yêu và tôn trọng chính ông ta. Ông ta yêu và hết lòng với tác phẩm của ông ta, trong cái thế giới quan của ông ta, như một đạo diễn chuyên nghiệp. Vấn đề là ông ta diễn tả lịch sử Việt Nam đúng theo cái lăng kính lịch sử của lực lượng toàn trị. Mỹ thì phải xấu. Các lực lượng kết thân với Mỹ cũng phải xấu. Và khi nghệ sĩ thiên tả tuân thủ nghiêm nhặt những điều này thì lịch sử Việt Nam, nhìn từ khoảng hở giữa những lần cô gái Việt dạng chân ra cho hai gã da trắng trèo lên, cũng đường đường chính chính là một thứ “lịch sử và văn hóa Việt Nam được tôn trọng”.

Nếu “thao tác” là một từ thời thượng, từng được sử dụng nhiều lần theo kiểu “thao tác văn học” thì, rõ ràng, lối “đánh giá” hay “cảm thụ” trên cũng là một thứ “thao tác”. Như những nô lệ kỹ thuật phải thao tác đúng theo quy luật vẫn hành của cỗ máy, để cảm nhận và để tư duy thì những nô lệ an phận hay những nô lệ đầy tham vọng của hệ thống toàn trị cũng phải máy móc “thao tác” đúng theo lề luật của hệ thống. Và nếu lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh của Trương Nghệ Mưu là sự sa đọa của một tài năng lớn thì, khi chúng ta khiếp vía ca ngợi và thán phục cái sự sa đọa ấy, phải chăng chúng ta còn sa đọa và ngu xuẩn hơn thế đến mấy bậc?

© 2008 talawas



[1]Các công ty phát hành phim tại các nước nói tiếng Anh đặt tên phim là Curse of the Golden Flower. Trong trong nguyên tác Hoa ngữ tên phim có nghĩa là “Khi áo giáp vàng phủ kín kinh thành” (When Golden Armour Covers the Entire City”, tại Việt Nam báo chí dịch là Hoàng kim giáp.
[2]“Lục bát”: sáu số tám trong giờ khai mạc: 8 giờ 8 phút 8 giây ngày 8 tháng 8 năm 2008
[3]Editorial Board, “The opening ceremony for China’s coming century”, The Sydney Herald Morning, August, 9-10 th, 2008
[4]“A soulless ceremony”, trích một đoạn: “Still, from where I sat, the ceremony looked soulless. No doubt, the production was grandiose and the ceremony rich in color, but it was somewhat schematic and mechanical, even a touch militaristic.” (http://www.haaretz.com/hasen/spages/1009915.html)
[5]Có thể đọc lại lời này trên website của BBC: http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/2582575.stm
[6]Xem: www.talawas.org
[7]Thí dụ những chi tiết liên quan đến nhân vật Trịnh Minh Thế (Quang Hải). Đó là cảnh Trịnh Minh Thế dẫn quân đi nghênh ngang ở giữa Sài Gòn vào lúc chưa diễn ra trận Điện Biên Phủ, tức trước năm 1953. Hay cảnh ký giả Thomas Fowler (Michael Cain) vào chiến khu phỏng vấn Trịnh Minh Thế và căn vặn về một vụ thảm sát ở một làng quê Bắc Bộ khiến thủ lĩnh này “chạm nọc” và nổi điên. Những chi tiết này hoàn toàn thiếu chính xác về thời gian và không gian.