Trong thời đại thông tin toàn cầu, muốn tìm hiểu cuội nguồn và ý nghĩa lá cờ đỏ sao vàng là một việc không mấy khó khăn. Nhân tháng Tám và ngày 2 tháng Chín sắp tới, người viết xin tổng hợp và phân tích một số nguồn mới nhất về lá cờ này.
Xưa và nay – nguồn chính thức Cờ đỏ sao vàng được chính thức công nhận xuất hiện lần đầu trong cuộc Nam kỳ Khởi nghĩa và tác giả lá cờ là ông Nguyễn Hữu Tiến.
Theo nguồn này, tháng 7 năm 1940, Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ được tổ chức tại Tân Hương quyết định khởi nghĩa. Đến tháng 9 năm 1940, Xứ uỷ lại họp bàn về kế hoạch khởi nghĩa. Nhằm khẳng định tổ chức, thống nhất hiệu lệnh chỉ huy và động viên quần chúng, ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giao cho ông Nguyễn Hữu Tiến thiết kế một lá cờ. Sau nhiều lần phác thảo, ông Tiến sáng tác mẫu cờ nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Cùng với mẫu cờ, ông sáng tác bài thơ dưới đây để giải thích ý nghĩa của lá cờ:
Hỡi những ai máu đỏ da vàng
Hãy chiến đấu với cờ thiêng tổ quốc
Nền cờ thắm máu đào vì đất nước
Sao vàng tươi da của giống nòi
Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi
Hỡi sĩ-công-nông-thương-binh
Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh.
Mẫu cờ được Ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa như Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ... chuẩn y.
Ngày 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa nổ ra, nhưng nhanh chóng bị thất bại. Nguyễn Hữu Tiến bị bắt và bị quân Pháp giết ngày 28/8/1941. Trước lúc hy sinh, ông đã đề lại bài thơ, trong đó có câu:
Anh em đi trọn con đường nhé
Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai.
Do đã được chính thức công nhận, chi tiết về Nam kỳ Khởi nghĩa và tác giả Nguyễn Hữu Tiến, tương tự như trên, đã được phổ biến trên hầu hết các website của Đảng, Nhà nước và Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
[1] Website cuả Đảng Cộng sản Việt Nam Trên Website của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngoài việc chính thức công nhận ông Nguyễn Hữu Tiến là “tác giả sáng tạo” lá cờ, còn đề cập đến hai việc sau:
- “Từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vã lãnh đạo cách mạng. Thời kỳ đầu, trong các cuộc đấu tranh đã xuất hiện lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh nhưng được lồng trên hình búa liềm.” [2]
- “Năm 1940, Xứ uỷ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Nam kỳ họp quyết định khởi nghĩa, đã thực hiện di huấn của đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng – lấy cờ đỏ sao vàng làm lá cờ khởi nghĩa với ước muốn là sau khi đánh đổ đế quốc Pháp sẽ thành lập nước Việt Nam Cộng hòa Dân chủ và quốc kỳ Việt Nam sẽ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh.” [3]
Tài liệu này không cho biết nguồn tham khảo để có thể thảo luận ý tưởng lá cờ đỏ sao vàng là ý tưởng của Trần Phú hay Nguyễn Hữu Tiến đã thực sự sáng tạo lá cờ này như cùng một nguồn thông tin.
Theo nhà văn Sơn Tùng, “Năm 1965, tôi gặp cụ Đặng Thai Mai, theo cụ kể, nhà báo Thép Mới có nói đồng chí Trần Phú đem mẫu cờ từ Liên Xô về. Nhưng cụ lại bảo: ‘Tôi không tin. Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) có biết không, tôi không dám chắc’.”
[4] Hội thảo về Nam kỳ Khởi nghĩa tháng 10 năm 2005 Dựa trên tài liệu của một cuộc hội thảo về Nam kỳ Khởi nghĩa, được tổ chức tại Mỹ Tho năm 2005, báo
Tuổi trẻ trong một loạt bài 5 kỳ, cho biết, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Hữu Tiến đều không tham dự Hội nghị Tân Hương. Tất cả bị Pháp bắt trước hay sau hội nghị này vài ngày.
[5] Báo
Tuổi trẻ cũng cho biết công văn số 1393/VHTT-BTCM do Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Lưu Trần Tiêu ký ngày 18-4-2001 ghi rõ: “Tất cả các nguồn tài liệu hiện có tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, tại Viện Lịch sử Đảng trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh đều không có tài liệu nào chứng minh đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người vẽ lá cờ Tổ quốc”.
[6] Theo báo
Tuổi trẻ, tư liệu về ông Nguyễn Hữu Tiến đều xuất phát từ nhà văn Sơn Tùng. Trong một cuộc phỏng vấn nhà văn này cho biết: “... Tôi bắt đầu tìm hiểu về lá cờ đỏ sao vàng từ năm 1965. Cũng vào năm ấy, tôi gặp được cụ Đặng Văn Cáp - người được Bác Hồ giao nhiệm vụ theo dõi tin tức thời sự qua radio. Lúc ở Quế Lâm (Trung Quốc), cụ Đặng Văn Cáp biết tin Nam kỳ Khởi nghĩa qua radio. Nghe báo, Bác lặng đi, rồi nói: ‘Dậy non rồi, tổn thất lớn’. Bác Hồ lại hỏi ngay: ‘Trong Nam kỳ Khởi nghĩa có gì mới nữa?’. Cụ Đặng Văn Cáp báo lại là có cờ đỏ sao vàng. Lần đầu tiên nghe nói đến cờ đỏ sao vàng. Bác Hồ hỏi tiếp: ‘Sao mấy cánh? Sao vàng ở giữa hay ở góc?’. Cụ Cáp trả lời: ‘Không thấy họ nói’... Bác lặng đi suy nghĩ. Rồi Bác bảo cụ Cáp ra phố mua cho Bác một tấm vải đỏ... Khi cụ Cáp mua về, Bác đã thửa lá cờ đỏ, sao vàng cắt bằng giấy vàng, có 5 cánh, dán ở giữa. Sau khi gặp cụ Đặng Văn Cáp, tôi cứ canh cánh trong lòng về một câu hỏi: lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong khởi nghĩa Nam kỳ, ai đã vẽ nên?”
[7] Theo báo
Tiền phong, “nhà văn Sơn Tùng là người chuyên viết về Bác Hồ và các danh nhân cách mạng”!
[8] |
Tác phẩm Nguyễn Hữu Tiến của nhà văn Sơn Tùng. Nguồn: vietbao.vn |
Báo
Tuổi trẻ còn cho biết, tư liệu quan trọng nhất khiến nhà văn Sơn Tùng khẳng định ông Nguyễn Hữu Tiến là tác giả lá cờ đỏ là những cuộc trò chuyện với một người tên Năm Thái ở một bệnh viện trong rừng miền Đông Nam bộ. Nhưng chính nhà văn Sơn Tùng cũng không biết được ông Năm Thái tên thật là gì, quê ở đâu, từng công tác ở đơn vị nào...
[9] và như thế một sách dã sử về tác giả lá cờ đỏ Nguyễn Hữu Tiến đã ra chào đời năm 1981. Quyển sách này được in đi in lại nhiều lần và đã được toàn Đảng toàn dân nhất trí một lòng tin theo. Ngẫm nghĩ lại ở nước CHXHCN Việt Nam, câu chuyện trên chẳng có gì là lạ.
Báo
Tuổi trẻ quay sang đề cập đến hồi ký cuả ông Lê Quang Sô viết năm 1968. Hồi ký này do Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương tổ chức viết và lưu trữ. Trong hồi ký, ông Sô nhận mình là tác giả lá cờ. Ông Lê Vũ Lang, con trai của ông Sô, thừa nhận biết rõ việc cha mình đã thiết kế lá cờ đỏ sao vàng.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Minh Đức (phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Tiền Giang) cho phổ biến kết quả công trình nghiên cứu mới nhất về Nam kỳ Khởi nghĩa. Theo đó, ông Phan Văn Khỏe (bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, sau này là bí thư Xứ ủy Nam kỳ) đã giao cho ông Lê Quang Sô thiết kế lá cờ. Ông Sô đã tham khảo ý kiến với ông Lê Kiến Đức và cùng ông Hồ Tri Hạ vẽ ra lá cờ. Vào khoảng tháng 4-1940, Phan Văn Khỏe đồng ý với hình mẫu được phác thảo... Lá cờ này có nền đỏ tượng trưng cho cách mạng, năm cánh sao tượng trưng cho tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh đoàn kết, màu vàng có ý nghĩa là màu dân tộc. Đến tháng 7-1940, hội nghị Xứ ủy Nam kỳ ở Tân Hương đã họp và quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến cuộc khởi nghĩa, trong đó có hình thức của chính quyền, quốc kỳ, khẩu hiệu, các chính sách đối với các tầng lớp nhân dân.
[10] Trong bài cuối cùng, kỳ thứ 5, báo
Tuổi trẻ tự đặt câu hỏi: “Nhưng liệu những tư liệu đó có đầy đủ giá trị và cơ sở khoa học để kết luận về một vấn đề lịch sử quan trọng hay không?” và đã tự trả lời “Tác giả quốc kỳ: vẫn là dấu chấm hỏi”.
[11] Thực ra chủ đề chính được đưa ra mổ xẻ tại cuộc hội thảo này là: có phải thể chế dân chủ cộng hòa đã ra đời và được thực thi tại Mỹ Tho trong cuộc khởi nghĩa ở Nam kỳ hay không? Khi tổng kết hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, đã gút lại vấn đề như sau: “Trong hội thảo, các tham luận đã thống nhất rằng trong khởi nghĩa Nam kỳ, ở Mỹ Tho đã thực thi thiết chế Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chúng ta đã tìm được những tư liệu rất quí, khẳng định thiết chế dân chủ cộng hòa đã được thực thi. Có đại biểu đã khẳng định về việc thành lập nội các, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Với tư liệu đó, chúng ta có thể đưa vào lịch sử chính thức được.”
[12] Kết luận này dựa trên một số tư liệu. Thứ nhất, một tờ truyền đơn vừa được phát hiện dưới dạng “thư ngỏ gửi anh chị em Hoa kiều” của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Thư ngỏ này kêu gọi đồng bào người Hoa hãy sát cánh cùng Đảng Cộng sản Đông Dương để đứng lên “Thành lập Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Thứ hai, thông báo của Xứ ủy Nam kỳ ngày 3-10-1940: “Phải giải thích cho nhân dân hiểu rằng sau khi đánh thắng thực dân Pháp, chúng ta sẽ thành lập một chính phủ dân chủ cộng hoà.” Và một vài hồi ký và một vài nhân chứng.
Các sử gia cuả Đảng tham dự cuộc hội thảo quên hẳn việc tham khảo vô khối các tài liệu về Nam kỳ Khởi nghĩa khác. Thí dụ như bài viết: “Quá trình chuẩn bị khởi nghĩa của đảng bộ và nhân dân tỉnh Hóc Môn” đăng trên website tỉnh Hóc Môn. Bài viết này nêu rất rõ trong cuộc Nam kỳ Khởi nghĩa, tại tỉnh Hóc Môn, bà Đỗ Thị Lơi đã phụ trách chuẩn bị và các bà Võ Thị Hốt, Nguyễn Thị Sét, Nguyễn Thị Cân, Nguyễn Thị Su... đã nhận nhiệm vụ treo cờ đỏ búa liềm.
[13] Trong các phong trào do Đảng Cộng sản chỉ đạo, chỉ có thể có một biểu tượng duy nhất và biểu tượng này phải được chính thức ghi vào nghị quyết. Cho đến nay những tài liệu quan trọng như biên bản và nghị quyết hội nghị Tân Hương tháng 7-1940, hội nghị Bến Lức tháng 4-1940,... vẫn chưa tìm thấy được. Như vậy lá cờ nào đã được chính thức sử dụng trong cuộc khởi nghĩa tại Nam kỳ vẫn chỉ là một dấu chấm hỏi.
Nếu vẫn dựa trên chuyện “Bác” nghe đài, vô hình trung chỉ ca ngợi, thông tin thời Pháp thuộc vừa nhanh, vừa chính xác, vừa tự do gấp vạn lần dưới chế độ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa hiện nay.
Các nguồn khác Giả sử lá cờ đỏ sao vàng đã được sử dụng trong cuộc Nam kỳ Khởi nghĩa, thì tại sao hồi ký ông Lê Quang Sô viết năm 1968 nay mới được để ý tới? Theo báo
Tuổi trẻ, ông Lê Quang Sô hoạt động cách mạng sớm, là trí thức Nho học và biết tiếng Pháp. Ông đã đi Trung Quốc năm 1927, từng gặp nhà ái quốc Phan Bội Châu... Ông cũng là người dịch quyển
Chiến lược và chiến thuật du kích chiến tranh của Trung Quốc và sau đó in 500 quyển phổ biến cho các nơi trước ngày khởi nghĩa.
[14] Trước đây trên một số diễn đàn có thảo luận về việc cờ đỏ sao vàng đã được dùng tại tỉnh Phúc Kiến. Một người ký tên T.L.T. đã đề cập việc “Trên VTV3 Việt Nam, lúc 20h các ngày thứ 2 đến thứ 6, từ 26/2/2002 đến 08/4/2002 đã chiếu bộ phim
Trường chinh 24 tập của Trung Quốc, do Kim Thao và Đường Quốc Cường đạo diễn, Quốc Cường cũng thủ vai Mao. Phim nói về cuộc kháng chiến chống Tưởng của Mao. Ai để ý sẽ thấy nhiều cảnh Hồng quân Trung Quốc phất cờ đỏ sao vàng trong các trận đánh. Nói thêm về Mao, theo lịch sử: khi bất đồng ý kiến với các lãnh tụ cộng sản đầu tiên của Trung Quốc, Mao quay qua nghiên cứu nông dân, tổ chức chính trị tập hợp nông dân ở khu vực Phúc Kiến, Hồ Nam, Giang Tây. Năm 1931 Mao thành lập Chính phủ cộng hòa Xô-viết đầu tiên tại Thụy Kim, Giang Tây. Vậy thủ phủ Phúc Châu (Fuzhou) thuộc Phúc Kiến nằm trong vùng ảnh hưởng của Mao.” Vừa rồi, ở Úc đài SBS có chiếu bộ phim này, người viết có xem và thấy cờ đỏ sao vàng (múi sao phình ra như lá cờ Việt Minh) xuất hiện nhiều lần, nhất là cảnh Hồng quân Trung Quốc phất cờ đỏ sao vàng trong các trận đánh đúng như T.L.T. đã góp ý.
Có ý kiến cho rằng chính vì lá cờ Việt Minh là lá cờ của tỉnh Phúc Kiến nên sau này Đảng Cộng sản đã phải cho sửa lại lá cờ. Và biết đâu cũng do Lê Quang Sô đã từng sống và dịch sách chiến tranh du kích Trung Quốc mà hồi ký của ông đã bị gác sang một bên.
Lá cờ đỏ với ngôi sao vàng năm cánh nhưng được lồng trên hình búa liềm cũng được thấy xuất hiện nhiều lần trong bộ phim
Trường chinh. Đảng Cộng sản xác nhận lá cờ này đã được sử dụng tại Việt Nam trong những năm đầu của thập niên 1930.
[15] Bài báo
Tiền phong phỏng vấn nhà văn Sơn Tùng, gợi lên hình ảnh vào những năm 1960 đã có nhiều thắc mắc về lá cờ này. Vụ án “xét lại” nhằm khủng bố những đảng viên có khuynh hướng thân Liên Sô cũng xảy ra trong thời gian này. Một trong những dư luận là lá cờ đã được chính Hồ Chí Minh mang từ Trung Quốc về.
[16] Thật ra ngôi sao vàng đã được sử dụng trước đó, như năm 1925, khi sáng lập tờ
Thanh niên ở nước ngoài, Hồ Chí Minh (lúc đó còn dùng tên Nguyễn Ái Quốc) đã lấy ngôi sao năm cánh làm biểu tượng.
Hay hình ảnh sao vàng năm cánh đã xuất hiện trong bài thơ “Không ngủ được” (
Nhật ký trong tù):
Một canh... hai canh... lại ba canh
Trằn trọc, băn khoăn giấc chẳng thành
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh
Ngoài bìa tác phẩm
Nhật ký trong tù có đề năm 1931-33 và rất có thể tác phẩm này không phải của Hồ Chí Minh.
Sự gắn bó giữa Hồ Chí Minh và Trung Quốc được nêu rõ trong bài “Gặp nhà Hồ Chí Minh học ở Quảng Tây” vừa được phổ biến trên điện báo đài
BBC. Học giả Hoàng Tùng cho biết, “Chính trong thời gian ở thành phố Quế Lâm của tỉnh này, khi Trung Quốc kháng chiến chống Nhật, ông (Hồ Chí Minh) viết bài ca dao “Cứu Trung Quốc là tự cứu mình”. Trong bài có đoạn “Trung Việt, khác nào môi với răng / Nhớ rằng môi hở thì răng buốt”, sau này được lấy làm khẩu hiệu của quan hệ Việt - Trung trong một thời gian dài.”
[17] Học giả Hoàng Tùng còn cho biết Hồ chí Minh đã sống trên 12 năm ở Trung Quốc và “... thời Bác Hồ là quan hệ anh em cùng chung tư tưởng...”, nên lá cờ Việt Minh rất có thể do chính Hồ Chí Minh thiết kế.
Nhìn chung Đảng Cộng sản Đông Dương thuộc Đệ tam Quốc tế Cộng sản. Búa liềm và sao vàng là biểu tượng chung của tổ chức này. Ở Đông Dương lại có nhiều đảng bộ người Hoa. Cùng chung tư tưởng và để thống nhất đấu tranh, việc sử dụng những biểu tượng tương tự không có gì là lạ.
Lá cờ Việt Minh Chương trình của Việt Minh có ghi: “Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp, Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng 5 cánh làm quốc kỳ.” Đảng Cộng sản công nhận đây là văn bản đầu tiên chính thức đề cập đến lá cờ đỏ sao vàng.
[18] Sau đó Đại hội Tân Trào chính thức quyết định việc này.
Trong tháng Tám 1945, lá cờ này công khai xuất hiện, Việt Minh nhanh chóng giành được chính quyền từ chính phủ Trần Trọng Kim. Lá cờ Việt Minh cũng nhanh chóng được đa số người Việt thời ấy chấp nhận làm biểu tượng độc lập và tự do. Lá cờ này đã được chính thức xác nhận là quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) qua Điều 3 của Hiến pháp 1946.
[19] Lá cờ Việt Minh nền đỏ với ngôi sao màu vàng tươi và các múi sao phình ra. Về ý nghĩa, 5 cánh sao tượng trưng cho sự đoàn kết cuả năm tầng lớp dân chúng: sĩ, nông, công, thương và binh, màu đỏ là màu cách mạng và màu vàng tươi là màu dân tộc.
Lá cờ hiện nay Sau năm 1954, Đảng Cộng sản khi ấy là Đảng Lao động quyết định tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Xoá bỏ giai cấp là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn lịch sử này. Nước VNDCCH cũng xác nhận là thành viên trong khối cộng sản. Để chính thức hoá việc này, Đảng Cộng sản đã cho thay đổi hiến pháp. Điều thứ 109 của Hiến pháp 1959 cũng xác nhận quốc kỳ của nước VNDCCH là cờ đỏ sao vàng. Tuy nhiên ngôi sao trên lá cờ với mũi thon lại, năm góc thẳng đều nhau, màu vàng tươi nay thành màu vàng kim loại.
Chưa rõ lá cờ này đã bắt đầu sử dụng khi nào. Theo tạp chí
Lịch sử Quân sự số 5/2002 thì đó là vào kỳ họp thứ 5, Khóa I vào tháng 9 năm 1955. Báo cáo của tiểu ban nghiên cứu về quốc kỳ, quốc ca, quốc huy cho biết: “Nhân dân từ trước đến nay vẫn vẽ ngôi sao với cánh thon.”
[20] Về ý nghĩa của lá cờ này, trên website Đảng Cộng sản nói rõ: “Nền đỏ tượng trưng cho màu nhiệt huyết cách mạng, màu chiến đấu và chiến thắng; màu vàng của ngôi sao tượng trưng cho sự sáng ngời của linh hồn dân tộc Việt Nam; năm cánh sao là sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp đồng bào chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.”
[21] Cách mạng đây là cách mạng vô sản thế giới. Cho mãi đến năm 1990, cụm từ “phản cách mạng” vẫn thường được dùng để quy kết những người quốc gia. Những người không tin và không theo phong trào cộng sản thế giới.
Trên cờ Liên Xô và cờ Trung Quốc đều có ngôi sao. Ngôi sao vàng lớn trên lá cờ Trung Quốc biểu tượng cho Đảng Cộng sản Trung Hoa. Bốn ngôi sao nhỏ đặc trưng cho (các đảng cộng sản) sắc tộc đoàn kết quanh Đảng Cộng sản Trung Hoa.
[22] Nếu như thế, có phải Đảng Cộng sản Việt Nam đã tự ví mình là “linh hồn của dân tộc Việt Nam” hay không?
Đấu tranh giành độc lập tự do là công của toàn dân. Lịch sử đã minh chứng yêu nước không cần phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, yêu thế giới đại đồng. Thậm chí còn ngược lại.
Nhờ được tổ chức tốt, Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang nắm đựơc chính quyền. Theo phong trào quốc tế, Đảng Cộng sản đã đưa đất nước vào 5 cuộc chiến tranh. Trong tình hữu nghị anh em, ngày 14 tháng 9 năm 1957, Thủ tướng nước VNDCCH Phạm Văn Đồng đã ký công hàm gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, cam kết “... triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc...” Lấy cớ này Trung Quốc đã công khai lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam.
Sau trên 60 năm cầm quyền, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia nghèo nàn và lạc hậu – cả về vật chất lẫn tinh thần – nhất trên thế giới. Dân tộc Việt bị chia rẽ ra làm ba bộ phận: hai trong (theo và không theo Đảng) và một ngoài lãnh thổ Việt Nam. Khoảng cách chênh lệch về mọi mặt giữa 3 nhóm mỗi ngày một lớn hơn.
Xét về tính hợp pháp và chính thống, việc đổi hiến pháp hay thay cờ là hoàn toàn mất dân chủ, vi hiến và bất hợp pháp. Nó không theo đúng tinh thần và nội dung cuả Hiến pháp 1946. Điều 70 Hiến pháp 1946 quy định rõ các thủ tục pháp lý cuả sự thay đổi hiến pháp: “Sửa đổi hiến pháp phải theo những cách thức sau đây: a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu. b) Nghị viên bầu ra một ban dự thảo những thay đổi. c) Những điều thay đổi khi đã được nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết."
[23] (Xin xem bài viết trước đây của tôi về đề tài này.)
Quốc kỳ phải là biểu tượng của một quốc gia về ý chí, sức mạnh và sự thống nhất của toàn dân mà mọi công dân đều hãnh diện treo cao, kính cẩn chào khi bình thường và xả thân chiến đấu để bảo vệ khi hữu sự. Từ lịch sử đến hiện tại, lá cờ đỏ sao vàng có biểu tượng được như thế hay không? Câu trả lời chỉ có được khi nào đa số dân Việt trong và ngoài nước được tự do trưng cầu để chọn lựa một lá quốc kỳ cho Việt Nam. Không có sự việc gì là vĩnh viễn cả. Nếu cứ tiếp tục tự tôn vinh là tự chọn con đường đào thải mà tất cả các quốc gia tiền cộng sản đã trải qua.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 22/8/2008 © 2008 talawas
[1]Xem: “Quốc kỳ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”,
http://www.dongnai.gov.vn/thong_tin_KTXH/CMT8/mlfolder.2005-07-31.3261714195/ và “Quốc kỳ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”,
http://www.cpv.org.vn/tiengviet/vndncn/details.asp?topic=32&subtopic=226&leader_topic=521&id=BT10100552009 [2]Xem: “Quốc kỳ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”,
http://www.cpv.org.vn/tiengviet/vndncn/details.asp?topic=32&subtopic=226&leader_topic=521&id=BT10100552009 [3]Tài liệu vừa dẫn.
[4]Xem: Thiên Sơn, 2005, báo
Tiền phong, “Nhà văn Sơn Tùng và hành trình đi tìm tác giả quốc kỳ”,
http://vietbao.vn/Van-hoa/Nha-van-Son-Tung-va-hanh-trinh-di-tim-tac-gia-Quoc-ky/70016043/181/ [5]Bùi Thanh, 2006, báo
Tuổi trẻ, “Nền cộng hòa 49 ngày” – Kỳ 1: Tổn thất trước ngày khởi nghĩa
[6]Bùi Thanh, 2006, báo
Tuổi trẻ, “Nền cộng hòa 49 ngày” – Kỳ 4: Nguyễn Hữu Tiến hay Lê Quang Sô?
[7]Xem: Bùi Thanh, 2006, báo
Tuổi trẻ, “Nền cộng hòa 49 ngày” – Kỳ 3: Báu vật 23-11-1940; và Thiên Sơn, 2005, báo
Tiền phong, “Nhà văn Sơn Tùng và hành trình đi tìm tác giả quốc kỳ”,
http://vietbao.vn/Van-hoa/Nha-van-Son-Tung-va-hanh-trinh-di-tim-tac-gia-Quoc-ky/70016043/181/ [8]Xem: Thiên Sơn, 2005, tài liệu vừa dẫn
[9]Bùi Thanh, 2006, báo
Tuổi Trẻ, “Nền cộng hòa 49 ngày” – Kỳ 4: Nguyễn Hữu Tiến hay Lê Quang Sô?
[10]Xem: Bùi Thanh, 2006, báo
Tuổi Trẻ, “Nền cộng hòa 49 ngày” – Kỳ 3: Báu vật 23-11-1940
[11]Xem: Bùi Thanh, 2006, báo
Tuổi Trẻ, “Nền cộng hòa 49 ngày” – Kỳ 5: Tác giả quốc kỳ: vẫn là dấu chấm hỏi
[12]Xem: Bùi Thanh, 2006, báo
Tuổi Trẻ, “Nền cộng hòa 49 ngày” – Kỳ 2: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc
[13]Xem: “Quá trình chuẩn bị khởi nghiã của đảng bộ và nhân dân tỉnh Hóc Môn”
http://www.hocmon.hochiminhcity.gov.vn/web/tintuc/default_opennew.aspx?news_id=314 [14]Xem: Bùi Thanh, 2006, báo
Tuổi Trẻ, “Nền cộng hòa 49 ngày” – Kỳ 4: Nguyễn Hữu Tiến hay Lê Quang Sô?
[15]Xem: “Quốc kỳ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”,
http://www.cpv.org.vn/tiengviet/vndncn/details.asp?topic=32&subtopic=226&leader_topic=521&id=BT10100552009 [16]Xem: Thiên Sơn, 2005, báo
Tiền Phong, “Nhà văn Sơn Tùng và hành trình đi tìm tác giả quốc kỳ”,
http://vietbao.vn/Van-hoa/Nha-van-Son-Tung-va-hanh-trinh-di-tim-tac-gia-Quoc-ky/70016043/181/ [17]Xem: Lê Quỳnh, điện báo
BBC, “Gặp nhà Hồ chí Minh học ở Quảng Tây”,
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/08/080820_hoangtranh.shtml [18]Xem: “Quốc kỳ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”,
http://www.cpv.org.vn/tiengviet/vndncn/details.asp?topic=32&subtopic=226&leader_topic=521&id=BT10100552009 [19]Xem: Nguyễn Quang Duy, 2006, “Hồ Chí Minh – Tuyên ngôn Độc lập – Hiến pháp 1946”,
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=833 [20]Xem: Bùi Thanh, 2006, báo
Tuổi trẻ, “Nền cộng hòa 49 ngày” – Kỳ 5: Tác giả quốc kỳ: vẫn là dấu chấm hỏi
[21]Xem: “Quốc kỳ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”,
http://www.cpv.org.vn/tiengviet/vndncn/details.asp?topic=32&subtopic=226&leader_topic=521&id=BT10100552009 [22]Xem: “Flag of China”,
http://flagspot.net/flags/ [23]Xem: Nguyễn Quang Duy, 2006, Hồ Chí Minh – Tuyên ngôn Độc lập – Hiến pháp 1946,
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=833