trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
17.9.2008
Tưởng Năng Tiến
Đồng hồ và Hiến pháp
 
Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, tôi bỗng trở thành một thằng vô cùng rảnh rỗi. Như phần lớn những người dân miền Nam khác — những kẻ không cảm thấy yên tâm gì cho lắm khi nhìn thấy bóng dáng đoàn quân giải phóng, và cũng không có chỗ đứng (hay ngồi) trong lòng “Cách mạng” — tôi không có gì để làm, và cũng không biết rồi ra sẽ làm gì với cuộc đời mình.

Rảnh, tôi hay đi lang thang cho nó qua ngày. Có chiều, tôi thấy một anh bộ đội vội vã bước vào một tiệm sửa đồng hồ, với vẻ khẩn trương:

“Cái này tôi vừa mua hôm qua, còn mới nguyên, vậy mà hôm nay đã... hỏng. Mà loại không người lái đấy nhá. Cứ phải lắc lắc, đến mỏi cả tay, cái kim giây cũng chỉ nhúc nhích vài nấc rồi đứng.”

Ông thợ chỉ mới nghe chứ chưa nhìn, đã lắc lắc đầu quầy quậy:

“Chịu thôi!”

“Cố giúp cho đi, bao nhiêu là năm lương của tôi đấy, không phải ít đâu. Đây là món quà mà bố tôi vẫn ao ước mãi...”

Sự chân thật và vẻ khẩn khoản của anh, có lẽ, đã khiến người đối diện mủi lòng:

“Anh mua nhằm đồ rởm rồi. Đồng hồ giả làm sao sửa được, cha nội?”

"Giả à?"

"Tui ngó qua là biết liền mà."

"Thôi chết! Thế bây giờ phải làm sao?"

"Dục bà nó đi chớ còn làm gì được nữa."

Anh lính trẻ ngớ ra một chút, rồi thẫn thờ quay bước, mặt buồn thiu. Người thợ sửa đồng hồ (ái ngại) nhìn theo, trông cũng buồn không kém. Còn tôi, tôi cũng... buồn luôn!

Rõ ràng, tôi thuộc diện... buồn theo. Không những chỉ buồn theo, tôi còn (dám) là người buồn nhất. Và nỗi buồn này cứ ở mãi trong tôi cho đến mãi chiều nay.

Rất lâu sau, có hôm, tôi được nghe ông Phùng Quán — sinh thời — kể chuyện “Đầu năm xông đất nhà thơ Tố Hữu”. Trong buổi tương phùng muộn màng này, Tố Hữu cao hứng đọc một bài thơ tứ tuyệt (mới nhất) của ông:

Có anh bộ đội mua đồng hồ
Thiệt giả không rành anh cứ lo
Đành hỏi cô nàng, cô tủm tỉm:
“Giả mà như thiệt khó chi mô!”


Theo nguyên văn lời của Phùng Quán: “Nhà thơ đọc lại lần thứ hai, nhấn mạnh từng từ một. Khách khứa nghe cũng đều cười tủm tỉm, nhưng không ai bình luận gì hết. Tôi thì đoán họ đều như bị hẫng. Vì giọng thơ khác lạ biết bao so với giọng thơ quen thuộc của nhà thơ trước đây.”

Tất nhiên, tôi cũng bị hẫng luôn. Vẫn nói theo ngôn ngữ đương đại thì tôi thuộc diện... hẫng theo. Và nói tình ngay thì tôi hẫng lắm. Không chừng, tôi lại (dám) là người... hẫng nhất.

Tôi bỗng nhớ đến cái cảm giác hụt hẫng mà mình đã trải qua — khi nhìn nét mặt buồn rười rượi của anh lính trẻ, thất thểu bước ra khỏi tiệm sửa đồng hồ — vào một buổi chiều, hơn hai mươi năm trước.

Lúc ấy, tôi mới chỉ mơ hồ cảm nhận được là có cái gì không ổn trong cuộc chiến khốc liệt (vừa tàn) trên đất nước mình. Sao chung cuộc, kẻ chiến thắng (nếu còn sống sót) chỉ nhận được những chiến lợi phẩm, trông rất nhỏ nhoi — mấy cái đồng hồ hai cửa sổ — như thế? Đã thế, dân chúng ở vùng địch tạm chiếm lại còn trao tay cho những chiến sĩ giải phóng quân toàn là... của giả!

Sau khi nghe Tố Hữu đọc thơ, và hình dung ra nụ cười “tủm tỉm” của cô hàng (cùng nét mặt láu cá của tác giả) tôi chợt nghĩ thêm rằng: chả riêng gì cuộc chiến “giải phóng” miền Nam, tất cả những gì thuộc về (cái gọi là) “cách mạng” ở Việt Nam — vào thế kỷ qua — đều có cái gì đó rất là không ổn, hay nói rõ hơn là... không thật!

Và sự thật (nghĩa là sự giả trá) được phơi bầy rõ ràng, qua một vụ kiện, đang xẩy ra ở xứ sở này như sau:

Ngày 14 tháng 6 năm 2008, ba công dân Việt Nam — Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Cao Quận — làm đơn gửi Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, xin phép được biểu tình. Lý do: “cho những người buôn bán nhỏ, làm xe ôm, phu hồ, phu khuân vác, thợ cắt tóc, trẻ đánh giầy, người bán hàng rong... những kẻ chỉ được thụ hưởng rất ít các kết quả tăng trưởng trong khi chính họ gần như phải lãnh trọn những hậu quả do lạm phát đang diễn ra... có địa điểm để tập trung bày tỏ ý kiến.”

Sau khi đơn từ gửi đi thì tư thất của những người đứng đơn (bỗng) biến thành... lao thất. Họ bị cấm ra khỏi nhà, bị sách nhiễu, đe doạ... Riêng cô Phạm Thanh Nghiên — theo tường thuật của RFA, nghe được vào hôm 6 tháng 7 — còn bị “đánh đập tàn tệ giữa đường phố.”

Đến ngày 26 tháng 6, được Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ra thông báo cho biết không được phép tổ chức biểu tình. Lý do: “vi phạm Khoản 2, Khoản 6 Điều 5 Nghị định 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ nhằm qui định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng.”

Sau đó, cô Phạm Thanh Nghiên và ông Nguyễn Xuân Nghĩa làm đơn khiếu nại về thông báo “bác đơn xin biểu tình” của họ. Đơn này không được trả lời cho đến khi cô Phạm Thanh Nghiên (nhờ luật sư Lê Trần Luật) nộp đơn khởi kiện các cấp hành chính đã bác đơn xin biểu tình, và gửi lên toà án hành chính cùng cấp.

Kết quả, theo ông lời tường thuật của ông Nguyễn Xuân Nghĩa — đọc được vào ngày 4 tháng 9, trên web Tiếng nói Tự do Dân chủ — như sau:

“Đơn khởi kiện của cô Phạm Thanh Nghiên bị toà trả lại với lý do: Chiếu theo điều a, b, c... trong A, B, C..., toà không có chức năng thụ lý...”

Trả lời giới truyền thông độc lập, luật sư Lê Trần Luật nói: “Toà án lập ra là để giải quyết các xung đột xã hội. Không có toà án, công dân, nhà nước giải quyết xung đột bằng luật rừng.” Và ông hình tượng hoá: “Ta coi vụ kiện này như một trận banh, đội banh A gồm cô Nghiên, ông Nghĩa...; đội banh B là đơn vị hành chính đã bác đơn. Trọng tài ở đây chính là toà án phải có trên sân cỏ và thực thi nghĩa vụ là xử lý các hành vi không đúng luật của cả hai bên. Vậy mà trận banh này không có trọng tài, trọng tài không làm nhiệm vụ; dẫn đến cuộc chơi này không theo luật. Như các cầu thủ, một bên là cô Nghiên, ông Nghĩa; bên kia là Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội rồi sẽ ‘cãi nhau, chửi nhau, đánh nhau, nhổ nước bọt vào mặt nhau’ và ai dùng luật rừng sẽ thắng.”

“Điều 69, Hiến pháp năm 1992 của nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, một nhà nước “của dân, do dân và vì dân” ghi: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền được hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”

Son phấn ơi, hãy tự bỏ nhiệm sở giả dối của mi đi!

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa không phải là người đầu tiên đề cập đến tính chất “phấn son” của hiến pháp (làm) ở Việt Nam. Một công dân khác, trước đây khá lâu, cũng đã phát biểu phát biểu tương tự:

“Ở Việt Nam có hai bản hiến pháp. Một bản để trình ra thế giới, nhưng không được thi hành. Còn một bản thì nhà nước thực thi ngầm trong dân chúng. Trong bản hiến pháp thứ hai này, công dân chẳng có quyền tự do nào cả.” (Lê Chí Quang, “Đối thoại tháng Sáu năm 2001”, Cánh Én, Đức quốc, tháng 7-2001.)

Khẩu thuyết vô bằng. Ông Lê Chí Quang không chứng minh được cách “thực thi ngầm của bản hiếp pháp thứ hai trong dân chúng” nên đã bị bỏ tù, với tội danh là “bôi xấu chế độ” và “tuyên truyền xuyên tạc chính sách nhà nước...”

Cô Phạm Thanh Nghiên, xem chừng, may mắn hơn chút xíu. Cô có bằng chứng rõ ràng, và đã trưng dẫn ra cho công luận thấy được, cách “thực thi ngầm của bản hiến pháp thứ hai” của những người đang cầm quyền — ở Việt Nam.

Tuy thế, không có gì bảo đảm là số phận của cô — cũng như của những nhân vật đồng hội đồng thuyền — sẽ đỡ vất vả hơn những người đi trước.

Trước đây, khi có dịp trình bầy với Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang về bọn làm bạc giả, kẻ viết những dòng chữ này đã (mạo muội) thưa với bậc trưởng thượng rằng: “Sống trong một đất nước mà những kẻ tổ chức làm bạc giả đang ở địa vị cầm quyền, khi khám phá ra những đồng tiền giả — lẽ ra — ông không nên tri hô (ầm ĩ) lên như vậy. Có ai lại thiếu tế nhị đến thế, hả giời?”

Lời “khuyên nhủ” chí tình này (tưởng) vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay nên cũng xin (định) gửi đến cô Phạm Thanh Nghiên. Nhưng tưởng vậy chớ không phải vậy. Tuởng thế là tưởng năng thối. Cô Phạm Thanh Nghiên, rõ ràng, cũng không phải là một người... tế nhị!

Trong một cuộc phỏng vấn, dành cho ban biên tập Đàn Chim Việt, đọc được vào ngày 4 tháng 9 năm 2008, đương sự đã lớn tiếng... thoá mạ:

“Toà án là nơi giải quyết các tranh chấp pháp lý mà lại trả lời công dân rằng ‘không thuộc thẩm quyền của toà, vậy ai có thẩm quyền đây? Mục đích chính của chúng tôi là qua một vụ kiện đòi dân quyền cụ thể (quyền biểu tình) trong Hiến pháp, chúng tôi lột được mặt nạ dân chủ của nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam...”

“Qua việc làm này, chúng tôi cũng muốn thể hiện quyết tâm, ý chí phản kháng mạnh mẽ của những công dân yêu tự do, dân chủ rằng Đảng Cộng sản đã đến lúc không phải thích làm gì thì làm, thích áp đặt điều gì cũng được.”

Ý trời đất quỉ thần ơi, con cái nhà ai mà ăn nói nghe (dữ dằn) thấy ghê dữ vậy nè? Người ta mới tri hô lên là phát hiện được tiền giả mà đã bị vào tù, bóc lịch thấy mẹ luôn. Còn đòi “lột mặt nạ” bọn làm bạc giả nữa thì kể như là... hết thuốc. Cuộc đời của Phạm Thanh Nghiên, rồi ra, sợ sẽ còn nhiều chuyện lôi thôi lắm, lôi thôi lâu, và (chắc) lôi thôi lớn.

Không tin cứ thử nhìn qua bên Tầu là có thể dự đoán được sự việc ở... ta! Xưa nay, mọi quan chức Hà Nội vẫn thường xuyên theo dõi tin tức khí tượng ở Bắc Kinh để chuẩn bị ô dù. Truyền thống này vẫn còn tiếp tục kéo dài cho mãi đến bây giờ.

Thế bây giờ thì “thời tiết chính trị” ở Bắc Kinh ra sao? Nhật báo Viễn Đông, số ra ngày 20 tháng 8 năm 2008, có một mẩu tin ngắn thế này:

“BẮC KINH: Hôm thứ Tư, một thân nhân cho hãng tin AP biết, hai phụ nữ cao niên Trung Quốc làm đơn xin phép biểu tình trong thời gian Thế vận hội để kêu oan việc nhà cửa bị chiếm mất, đã bị kết án tù một năm trong trại lao động khổ sai...”

“Theo lời ông Lý Tuyết Huy (Li Xuehui), con trai một cụ bà kể trên,... công an không đưa ra một giải thích nào cho biết tại sao ra lệnh cầm tù bà mẹ 79 tuổi của ông là cụ Ngô Điện Nguyên, và bà cụ bà hàng xóm Vương Tú Anh, 77 tuổi. Qua cuộc phỏng vấn điện thoại, ông Lý cho biết về tình hình sức khỏe bà hàng xóm: “Bà Vương Tú Anh hầu như mù loà và bại liệt. Không biết loại lao động cải tạo nào dành cho bà đây?”

Phạm Thanh Nghiên mới bước vào tuổi đôi mươi, tuyệt đối không mù loà cũng không bại liệt. Thời gian vào tù (e) sẽ rất... nhiều năm, chứ không phải một.

Còn làm sao để (khi khổng khi không) đẩy một mạng vô tù thì kể như là chuyện nhỏ, dù là Bắc Kinh hay Hà Nội. Ở cả hai nơi này, mọi công dân (vốn) đều đã là những... tù nhân dự khuyết — kể từ lúc mới sinh!

Có thể vì bướng bỉnh, hoặc vì thiếu thông tin (như thế) nên Phạm Thanh Nghiên đã quyết định đi đến cùng con đường mà cô đã chọn. Tôi nhìn theo bóng dáng mỏng manh của cô em mà không khỏi sinh lòng ái ngại. Làm sao Phạm Thanh Nghiên có thể tiếp tục đi được xa, mà không ngã, khi bên cạnh chỉ có vài người bạn đồng hành đơn lẻ: một cụ già (đã sẵn sàng “gửi lại trước khi về cõi”), một ông nhà văn (trói gà không chặt), và một ông luật sư xông xáo giữa rừng luật (luật rừng) mà trang bị duy nhất chỉ là lòng quả cảm!

Giữa những nhân vật này là ba thế hệ người Việt liên tiếp đang sống trong một chế độ, với một thứ hiến pháp (hoàn toàn) giả trá. Tình trạng này khó mà chấm dứt ở một đất nước, có đến chín chục triệu con dân (nếu tính luôn cả cái đám đang sống đời tha phương cầu thực) mà chỉ có mấy người dám từ chối, không chịu sài đồ rởm.

© 2008 talawas