Bài viết của ông Trương Công Khanh "Còn có một ẩn ngữ" mới nghe thì cao siêu, có vẻ gì hư hư thực thực, nhưng xét kỹ thì cuối cùng ông mở nút thắt như một nhà văn mở nút thắt một tác phẩm "... Tôi không mong một sự thay đổi"! Chính kết luận nầy, tiếc thay, có thể phủ nhận hết lý luận được gọi là "ẩn ngữ" đó.
"Tôi không mong một sự thay đổi", nói huỵch toẹt ra nghĩa là Đảng Cộng sản Việt Nam cứ muôn năm trường trị, nhất thống sơn hà, đừng ai bàn ra tán vào làm gì! Khi lập luận rằng ĐCSVN cầm quyền cũng là thực tế bình thường như ở Mỹ, Pháp... có đảng cầm quyền thôi, chẳng có gì mà phải ầm ỹ, ông Khanh đã cào bằng dân chủ và độc tài. Đó là một nhận thức chính trị đơn giản và nông cạn. Ông Khanh cho rằng ở Mỹ, Dân chủ và Cộng hòa thay nhau cầm quyền thì quốc sách cũng giống nhau, nhưng ông quên một điều: các đảng ấy không ngày đêm ra rả kêu gào nào là trung với đảng, nào là bảo vệ đảng, nào là tăng cường sự lãnh đạo của đảng, v.v... Các đảng phái chính trị ấy là phương tiện để phục vụ đất nước, chứ không hề phục vụ đảng như ĐCSVN. Chính vì điểm khác nhau này mà ông Khanh mong chờ ĐCSVN đặt quyền lợi của đất nước lên trên quyền lợi của đảng thì tôi e là thiếu thực tế, nếu không nói là chuyện... trên mây.
"Cứu cánh biện minh cho phương tiện" là một nguyên tắc được áp dụng không khoan nhượng dưới chế độ cộng sản. Nếu Trung Quốc kết hợp Nho giáo với chủ nghĩa Mác-Lênin thì cứu cánh của họ vẫn là chế độ cộng sản toàn trị, dù phương tiện có thay đổi. Điều đó cũng chẳng khác gì Việt Minh rồi đến Việt Nam Dân chủ Cộng hoà kêu gọi lòng yêu nước để lật đổ bất cứ chế độ nào khác họ. Tác hại ghê gớm của nguyên tắc trên như thế nào thì tôi xin trích dẫn Phùng Quán trong
Ba phút sự thật: "Càng luống tuổi, càng sống, càng chiêm nghiệm, tôi càng không tin rằng mục đích có thể biện hộ cho
phương tiện. Trên khắp thế gian, người ta đã phạm biết bao nhiêu tội ác chỉ vì lập luận đáng sợ này".