trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
1.10.2008
Nguyá»…n Mai SÆ¡n
Ngài Ngô Quang Kiệt không phỉ báng dân tộc
 
Câu nói gây tranh cãi nhiều nhất của ngài Ngô Quang Kiệt trong những ngày vừa qua đã được cả hai luồng thông tin trái chiều nhau khai thác, một bên bênh vực và một bên lên án. Tôi xin dẫn lại nguyên đoạn trích mà không ngắt câu gì cả.

“Do đó chúng tôi xin nhắc lại chúng tôi rất mong muốn xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét chúng tôi buồn lắm chứ chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi không ai xem xét gì cả anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết thật sự tốt đẹp để cho đất nước chúng ta mạnh đi đâu chúng ta cũng được kính trọng.”

Có hai khả năng của lời nói, nghĩ sao nói vậy và nói không suy nghĩ. Tuy nhiên qua đoạn trích trên, dù có bênh vực hay lên án ngài Ngô Quang Kiệt thì cũng phải nói với nhau rõ ràng rằng ngài Ngô Quang Kiệt thứ nhất là không “phỉ báng” mà chỉ “nhục nhã”, thứ hai đối tượng nhục nhã không phải “dân tộc” mà là “Việt Nam”.

Và chúng ta cũng nên thừa nhận với nhau rằng, dù ở ngữ cảnh nào thì một câu nói ra bao giờ cũng có hai cách hiểu, cách suy luận, vì rằng câu hỏi chứa một cặp mâu thuẫn. Vì vậy, chúng ta chỉ nên đi vào những gì ngài Ngô Quang Kiệt đã nghĩ và đã nói.

Mong muốn xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Tức không còn (nếu còn thì rất ít) mâu thuẫn, bất hòa, tranh chấp, ngài đã nghĩ đến điều này và bây giờ nói ra, hoặc giả ngay lúc đó ngài mới nghĩ mà nói ra, hoặc giả ngài không nghĩ gì cả mà nói ra. Không phải chỉ có mong muốn mà được, vì sự thật giữa chính quyền và ngài vẫn chưa có thể “đoàn kết” với nhau được, thậm chí “mâu thuẫn”, “tranh chấp” còn có vẻ mỗi ngày một leo thang và gay gắt.

Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét chúng tôi buồn lắm chứ chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi không ai xem xét gì cả anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế.

Ở câu nói này, nhiều người đã suy diễn “rất là nhục nhã” = “phỉ báng”, “hộ chiếu Việt Nam” = “dân tộc”. Ngài Ngô Quang Kiệt không phỉ báng dân tộc mà chỉ nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam. Vì sao ngài nhục nhã? Vì ngài đi nước ngoài nhiều và chứng kiến cái hộ chiếu Việt Nam bị soi xét, còn hộ chiếu hay thẻ gì đó của công dân Nhật Bản, Hàn Quốc thì không bị như vậy (theo cảm nghĩ của ngài, còn ở những tình huống “soi xét” cụ thể tại các cửa khẩu không biết người Nhật hay Hàn có cảm thấy ngược lại với ngài hay không? Chắc là phải có cuộc thống kê xã hội học của công dân Việt Nam và các nước này thì mới rõ được).

Nếu phải khẳng định ở mặt ngôn từ cụ thể thì ngài Ngô Quang Kiệt không phỉ báng dân tộc.

“Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp để cho đất nước chúng ta mạnh đi đâu chúng ta cũng được kính trọng.”

Ngài tiếp tục “mong đất nước lớn mạnh” (“đoàn kết” thì mong ở trên rồi), “thật sự tốt đẹp”, “đi đâu chúng ta cũng được kính trọng”. Mong ước của ngài cũng như biết bao nhiêu mong ước tốt đẹp của người dân Việt Nam về đất nước mình. Đây là một mong ước chính đáng. Chính quyền chắc hẳn cũng tán đồng với ngài Ngô Quang Kiệt về mong ước này, vì dẫu gì “đất nước Việt Nam” cũng đang nằm trong tay họ, không ai đi gây mâu thuẫn với một người đang nhiệt tình mong mình “phát triển lớn mạnh” cả.

Thế thì điều gì mà họ phải trích riêng câu nói: “Chúng tôi đi nước ngoài nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam” để lên án và bình luận nhiều như vậy? Có lẽ vấn đề đã vượt xa khỏi ngữ cảnh hiện thời của những phát ngôn đó. Chính vì vậy, nếu chỉ nhìn đơn giản “sự kiện” trong một ngữ cảnh thì sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề trong tranh luận “ngôn từ”. Rõ ràng những mâu thuẫn trước đó đã được đem vào ngữ cảnh này. Có nghĩa rằng sự thật đang không có “đoàn kết”. Tất cả những mong muốn tốt đẹp, nói như ông Trương Công Khanh là đang “ở thì tương lai”, có thể xảy ra hoặc không thể xảy ra.

Vậy thì “cái gì mâu thuẫn” đang được cả hai phía đem vào cuộc nói chuyện này? Đó là những “tranh chấp về đất đai”. Nhưng nói thế thì e quá đơn giản, bởi nó còn ẩn chứa một “ý thức hệ” tranh chấp về đất đai. Vì sao? Vì một bên khẳng định đất đó là do chính quyền bảo hộ (Pháp) cấp cho nhà thờ. Một bên bảo rằng giấy tờ đó đã hết hiệu lực khi chính thể cầm quyền thay đổi. Một bên đưa ra giấy tờ bàn giao nhà cho nhà nước thống nhất quản lý (thậm chí bên Thái Hà còn phủ nhận quyền bàn giao nhà của Linh mục Vũ Ngọc Bích). Một bên thì bảo cần đưa ra giấy trưng thu, tịch thu cụ thể.

Nhà thờ Thái Hà thì khẳng định đất mà nhà nước quản lý không phải cho mượn hay cho thuê nên không nằm trong chính sách “cải tạo nhà cửa”. Còn bên Tòa Khâm sứ thì bảo Tòa Khâm sứ là cho Khâm sứ “mượn”, nay có quyền đòi lại. Quy định chung của nhà nước cùng trong một thời điểm “cải tạo nhà cửa” thì đã rõ qua những luật, nghị định, thông tư, công văn hướng dẫn, còn phía nhà thờ thì bên đặt mình vào trong, bên đặt mình ra ngoài.

Nhà nước thì bảo không có cơ sở pháp lý để đòi lại. Vì Luật đất đai năm 2003 quy định nhà nước không giải quyết những đất đai trong thời kỳ cải tạo xã hội ở miền Bắc từ 1991 trở về trước. Muốn thay đổi luật đất đai thì phải trình Quốc hội thông qua; khi luật vẫn còn hiệu lực, mọi tổ chức và công dân phải tuân thủ luật này. Chính quyền Thành phố Hà Nội không thể đơn phương xé luật để giải quyết.

Chính quyền có thể “cấp mới” chứ không thể “trả lại” vì nó liên quan đến chính sách chung về đất đai. Trong những mảnh đất mà chính quyền Hà Nội đưa ra tham khảo có mảnh đất tại Phó Đức Chính, thuộc trung tâm thành phố, còn rộng hơn cả khu đất Tòa Khâm sứ cũ.

Ngài Ngô Quang Kiệt dứt khoát khẳng định “đòi” chứ không “xin”. Cái “tình” ấy bị từ chối. Quá quê đi chứ!

Một điều quan trọng khác không thể bỏ qua, đó là quyết định bất ngờ từ phía chính quyền khi tập trung nhiều lực lượng phong tỏa khu vực Tòa Khâm sứ cũ, san ủi mặt bằng, cải tạo nơi đây thành thư viện và công viên. Phía nhà thờ cho rằng việc sử dụng lực lượng này cho thấy nhà nước đang có chủ ý dùng bạo lực... Cùng lúc với động thái đó của nhà nước là động thái của phía ngài Ngô Quang Kiệt với “Đơn khiếu nại khẩn cấp”. Phía chính quyền cho rằng lá đơn này có ý xuyên tạc và đe dọa khi ngài Ngô Quang Kiệt viết: “Chấm dứt ngay hàng động phong tỏa Tòa Tổng Giám mục và việc phá hoại tài sản”; “Thành phố Hà Nội phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những điều có thể xảy ra trong việc chiếm đoạt tài sản của chúng tôi. Chúng tôi có quyền sử dụng mọi khả năng có thể để bảo vệ tài sản của chúng tôi.”

Rõ ràng cái mong ước “đoàn kết” trước đó hay kể cả sau này của ngài Ngô Quang Kiệt là rất khó xảy ra, chí ít là khả năng đối thoại còn rất ít cơ hội cho cả hai phía.

Nếu những “văn bản” kể trên chỉ chứa những “nội hàm” ngôn ngữ trong ngữ cảnh riêng của chính nó thì mọi việc sẽ đơn giản hơn nhiều là việc kéo theo cả một “ý thức hệ” về tranh chấp đất đai. Chính vì vậy, ở vụ Tòa Khâm sứ cũ không chỉ giữa nhà nước và Công giáo mà còn có tiếng nói của Phật giáo. Đúng như ông John V. Hanford, Đại sứ của Tổng thống Hoa Kỳ về vấn đề Tự do Tôn giáo đã phát biểu trên BBC: “Một trong những vấn đề là tài sản đã được sang tay nhiều lần. Trong trường hợp miếng đất được nhiều người biết đến ở Việt Nam, tôi nghĩ trước đây của người Phật giáo, sau nhờ người Pháp mới thành của người Công giáo cho nên rất phức tạp”.

Đụng đến một vấn đề phức tạp và nhạy cảm để khởi nguồn cho tranh chấp về đất đai, quả tình tất cả các bên đều đang tự “làm khó” cho mình. Nếu chỉ thuần nói về “tình” cũng kẹt mà chỉ nói về “lý” cũng không xong. Vì chuyện gì cũng được mỗi bên khiến cho nó “có lý”.

Truyền thông của các phía đã thay nhau nói lên tính “có lý” này và không phải không có người nghe. Chủ điểm trong truyền thông của nhà nước là trích câu nói: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam” của ngài Ngô Quang Kiệt ra khỏi ngữ cảnh, và sau đó họ cho rằng dù bất kỳ ở ngữ cảnh nào cũng không thể chấp nhận được. Một số ý kiến ngược lại thì cho rằng đó là phát biểu dũng cảm, dám nhìn thẳng sự thật, dám chỉ vào nỗi nhục kém cỏi của đất nước mình… Ông Trần Trung Đạo cũng đứng về phía lập luận này.

Tôi giả định, nếu đúng là một bản lĩnh chính trị thì tôi nghĩ ngài Ngô Quang Kiệt nên chính thức khẳng định điều này một lần nữa, thậm chí còn phải nói dài dài. Bởi có những lời xác quyết ấy, những người không chịu đựng nổi cảnh nhục nhã của người Việt Nam kém cỏi sẽ vùng lên bằng hết tất cả ý chí và sáng tạo của mình để đất nước phát triển, và biết đâu, sau dẫn dắt của ngài, dân tộc Việt Nam sẽ hết nhục.

Ngài Ngô Quang Kiệt có thể “quên mình” để cổ vũ lòng yêu nước thực sự của người Việt Nam bằng những hành động và lời nói tương tự không? Nếu ngài có thể làm được điều này, chắc chắn không có một thông tin trong nước nào dám cắt xén câu nói ấy ra khỏi “ngữ cảnh” nữa, và chắc chắn không có người biện hộ nào bảo ngài “lỡ lời” nữa. Hoặc ngài trở thành người hùng, hoặc ngài phải chịu cái tiếng là phỉ báng dân tộc như hai luồng thông tin đang diễn ra.

Nói đến truyền thông, thì phải nghe hai tai. Tôi nhớ rất rõ, khi xảy ra vụ cầu nguyện cho Tòa Khâm sứ cũ cuối năm 2007, truyền thông nhà nước gần như “ngậm hạt thị”, chỉ có một vài bản tin bằng tiếng Anh nhằm đối ngoại. Trong khi đó là một màn gần như “độc diễn” của truyền thông Công giáo. Thậm chí mọi người không khỏi có những nghi ngờ và hoang mang khi đâu đó trên BBC phát biểu rằng, cuộc cầu nguyện với sự hiệp thông của 6 triệu giáo dân trên cả nước sẽ có thể dẫn đến một cuộc thay đổi chế độ với những hậu quả “bom nguyên tử tôn giáo” không thể lường trước được.

Ngoài tờ Hà Nội Mới đưa tin bằng tiếng Việt, gần như không có một tờ báo chính thức nào trong nước nào đề cập đến vụ việc Tòa Khâm sứ cũ. Cuộc chiến thông tin chỉ chính thức nổ ra những ngày gần đây, khi giáo dân giáo xứ Thái Hà đẩy đổ tường của Công ty may Chiến Thắng và một số giáo dân bị bắt vì những tội cố ý hủy hoại tài sản của người khác, gây mất trật tự an ninh xã hội. Và truyền thông cả hai phía trở thành đỉnh điểm thu hút tất cả những tờ báo lớn tham gia, khi VTV cho phát đi câu nói của ngài Ngô Quang Kiệt.

Nếu nhìn về vấn đề truyền thông, quả thật cũng không thể đơn giản đặt nó trong “ngữ cảnh” câu nói của ngài Ngô Quang Kiệt, mà nó là cả một chuỗi thông tin dồn nén, cả những ý thức về sự nguy hiểm mà truyền thông Công giáo đã đưa ra trong gần một năm. Nào là “bọn chúng đã sử dụng bạo lực, bắt bớ”, nào là “máu của chúng ta đã đổ xuống đất Tòa Khâm”, nào là “chúng ta phải nhất định vùng lên để đòi công lý và hòa bình”, nào là “những kẻ vô thần thất tín bội nghĩa”, nào là “cảnh giác với cạm bẫy của bọnquỷ satan”, nào là “bọn sư quốc doanh núp bóng Mặt trận Tổ quốc để chống phá chúng ta…”

Sự phân tuyến “ta - địch” trong truyền thông của Công giáo trước đó đã rõ như ban ngày. Đó là những cơ sở để người ta có thể giải quyết một vấn đề tranh chấp đất đai trong phạm vi “pháp lý”, “tình cảm”, “đoàn kết” hay sao?

Một điều khác nữa trong truyền thông của các phía là có những thông tin chúng ta có thể hiểu với nhau ở mức độ dễ “thông cảm”, thậm chí “hiểu được”, nhưng với “quần chúng” dễ dao động và dễ bị kích động, một câu nói dù “bình thường” cỡ nào cũng có thể sa bẫy và khó rút lại khi những suy diễn đang nằm trong một mâu thuẫn không nhỏ. Không phải người Việt Nam nào cũng có thể hiểu được việc nói lên các nhục nhã của dân tộc mình là một hành vi yêu nước, và nhất định cứ phải nói lên các nhục của mình thì đất nước mới có thể phát triển được. Người “tự hào” có thể bị lên án, người “nhục nhã” có thể được tôn vinh, nhưng đứa trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường có thể hiểu được điều này không, khi lịch sử đang dạy nó rằng: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”? Chúng ta nghĩ gì nếu xã hội Việt Nam có cả một trào lưu “tự phê”, nhìn cái gì cũng ra “rất nhục nhã”?

Tôi nhớ không nhầm mới mấy hôm nay thôi, ông Nakayama, Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản bị chỉ trích mạnh mẽ khi ông gọi liên đoàn nhà giáo lớn nhất của Nhật là “căn bệnh ung thư’ trong hệ thống giáo dục của nước này, và với những gì phát biểu, ông đã phải xin lỗi và chính thức đệ đơn xin từ chức. Ông Bộ trưởng này có mong cho đất nước ông ta phát triển không? Tôi nghĩ, mới dám nói thẳng vào một liên đoàn giáo dục, ông đã phải chịu trách nhiệm cho phát ngôn như vậy rồi. Nếu ông ta nói một câu tương tự như ngài Ngô Quang Kiệt thì không biết người Nhật sẽ nghĩ về ông ta như thế nào? Có thể họ sẽ xem nhẹ câu nói này, đất nước họ quá phát triển nên có nói “nhục nhã” cùng bằng thừa, phát triển vậy thì có gì đâu phải nhục nhã. Nhưng cũng có thể họ không cho phép vì người Nhật chưa bao giờ biết nhục nhã và khuất phục, ngay cả khi bị bỏ bom nguyên tử.

Đã có những diễn đàn bàn về tính xấu của người Việt, một số người Việt công tác ở nước ngoài khi được hỏi một cách nghiêm túc về những chính sách nào đó thì cũng tỏ ra xấu hổ khi không bằng các quốc gia khác, ví dụ như chính sách về nhân tài, thu hút chất xám, coi trọng trí thức…, hoặc do đất nước mình nghèo nên mặc cảm, tự ti…, chứ tuyệt đại đa số không nhục nhã vì mình mang hộ chiếu Việt Nam.

Ngài Ngô Quang Kiệt “nhục nhã khi cầm hộ chiếu Việt Nam” với tư cách cá nhân, ngài không có gì sai. Nhưng với tư cách một nhân vật của công luận, có chức vụ và địa vị trong xã hội thì câu nói đó không thể là “bình thường” được. Đặc biệt, trong những tình huống mâu thuẫn đang đến đỉnh điểm mà chính ngài phải nhanh chóng thể hiện bằng “Đơn khiếu nại khẩn cấp” thì e rằng câu nói trên không phải không là dịp “ngàn năm có một” để truyền thông nhà nước vào cuộc “mổ xẻ” nó.

Nếu thật là bản lĩnh thì ngài có thể chỉ ra rất nhiều cái sai của người cộng sản một cách cụ thể, nhưng không thể “lỡ lời” với câu nói có khả năng bị suy diễn ở nhiều khía cạnh và mức độ như vậy.

Đối với tôi, trong “ngữ cảnh” và với những câu nói “giấy trắng mực đen” của ngài Ngô Quang Kiệt, ngài không hề phỉ báng dân tộc mình, nhưng với tất cả những gì có thể nói ra với với tư cách cá nhân, phải chăng ngài đang “nhục nhã” với chính bản thân mình? Nhục nhã với chính bản thân mình thì ai có quyền gì mà phê bình!

Tôi cũng xin có một ý kiến, vì qua những bài tranh luận trên diễn đàn “Điểm nóng chính trị Việt Nam”, tôi phát hiện ra một mâu thuẫn rất thú vị. Đó là nếu những ai có mong muốn tương tự cho đất nước Việt Nam như: phát triển, đoàn kết, được người ta kính trọng, hay điều chỉnh lớn gì gì đó, tức một sự “trường tồn” mà người cộng sản đang gắn với danh xưng Việt Nam, thì gần như bị trở thành “phe chúng nó”. Nhưng tại sao với câu nói của ngài Ngô Quang Kiệt thì mọi người lại bằng mọi cách gắn nó vào cái “ngữ cảnh”, mong đất nước mình phát triển lớn mạnh, đoàn kết và được người ta kính trọng. Phải chăng vì ai đó không yêu nước mãnh liệt bằng ngài Ngô Quang Kiệt? Và phải chăng cái “nước” mà ngài Ngô Quang Kiệt nhắc đến không phải là cái nước của người Việt trong nước đang sinh sống hiện nay?

© 2008 talawas