trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
7.10.2008
Nguyễn Thị Hoàng
Bóng lá hồn hoa
 1   2   3 
 
Bóng lá hồn hoa

Đã mấy tuần nay, thằng bạn không đến chơi. Tôi nghĩ hẳn nó đang đi xa với một người đàn bà nào đó vừa xoay được. Hoặc hết cả tiền không mua sắm thêm được thứ gì để mang lại khoe. Hoặc đang vướng vào một vụ lôi thôi nào đó. Tôi đoán phất phơ thế mà đúng.

Quả là nó đang có chuyện lôi thôi. Nó đến một buổi tối, thật muộn, khi trăng đã lên trên kia ngọn cây dừa. Tôi nói vọng xuống lầu là để đến mai hãy nói chuyện, bây giờ thì không thể mở cửa. Nó năn nỉ tôi cho ở lại một bữa. Tôi hỏi có việc gì. Trông hắn có hoảng hốt lạ lùng như bị rượt bắt và vây kín không còn lối thoát. Nó bảo không thể về phòng một mình tối nay, ngủ không yên. Nó nói thêm là đang sợ. Tôi mở cửa cho nó vào và dặn đừng nói lớn quá, giờ này nhà tôi đang dỗ lũ trẻ ngủ phòng trong. Tôi hỏi nó chuyện gì đã xảy ra. Nó nhăn nhó:

"Con Hồng Hoa…"

"Sao?"

"Nó lại tới".

"Sao cậu nói cô ta đi cao nguyên rồi?"

"Thì thế, nhưng mà… nó trở về".

"Cậu đối xử sao?"

"Không phải về thật".

"Nghĩa là sao?"

"Tao chiêm bao thấy nó về luôn luôn, hai đêm rồi. Này, nhưng không phải là vì ngủ say quá đâu, hễ nhắm mắt lại là thấy nó, với cảm giác ấy, tao đã muốn đuổi đi mà không được, tao đứng lên, ra ngoài, đi chơi, nghe nhạc uống rượu, làm đủ các thứ vẫn thấy nó như lảng vảng đâu đó. Và… nó kéo tao xuống…"

Tôi giật mình, đột nhiên cảm thấy lạnh sau lưng vì nhớ lại một đoạn trong bản thảo của người lạ.

"Cái gì? Nó kéo xuống… kéo xuống à?"

Thằng bạn lim dim hai con mắt:

"Hình như… nó đang đứng lửng lơ một chỗ nào có khói và nước chảy… Nó dưới thấp, và tao thì trên cao, nó vươn lên kéo tao xuống…"

Tôi hỏi vội vàng vì nghĩ ra một điều bất ngờ:

"Lần cuối gặp nhau, cách đây bao lâu?"

"Gần cả tháng nay".

"Từ hôm đó, có tin tức gì không?"

"Không, tao đã dứt khoát rồi còn tin tức gì".

"Dứt khoát à, nghĩa là…?"

"Tao không thể cưới nó".

Giọng tôi trở nên gắt gỏng:

"Tại sao vậy?"

"Tính kỹ lại tao thấy không thể cưới nó, cũng như không làm cách nào khác".

"Sao mày không tính kỹ từ trước đi".

"Tính gì, nó nhào vào, có phải tao đi năn nỉ nó đâu".

Hắn lý luận như thế. Cũng như những sự việc khác. Hắn thật hoàn toàn trái ngược với tôi. Cái gì tôi nói không, hắn nói có, và ngược lại. Điều gì tôi tin, hắn bác bỏ, nhất là chuyện gì thuộc về hồn, về tính, về âm đức và oán cừu.

"Lúc nãy cậu bảo sợ, sợ cái gì?"

"Không biết, nhưng cảm thấy sợ. Chưa bao giờ tao cảm thấy sợ cái gì cả. Tao cảm thấy… không được tự do và yên thân nữa".

"Bắt đầu rồi đấy".

Hắn nhìn chăm chăm vào hai mắt tôi:

"Bắt đầu cái gì?"

"Những điều tao đã từng nói…"

"Về… việc bằng ấy hả?"

"Gần như thế".

"Chắc không phải đâu, tao vẫn không tin".

Chúng tôi nói và đáp, lơ lửng, nhưng đều bị chìm đắm trong những ý nghĩ âm thầm không muốn nói ra, nhất là trong lúc này. Hôm trước, nhân cũng đọc một tin trên báo về một người đàn bà chết, tự vẫn, với đứa con trong bụng, tôi đã bàn với nó, cùng với những ví dụ và dẫn chứng những trường hợp đã xảy ra, từ trước tới nay, về việc âm đức, và báo oán. Hắn không tin đã đành, lại còn cười và phản đối kịch liệt về những gì tôi tỏ ra suy nghĩ, đúng hơn là ưu tư, về các trường hợp đó. Hắn cho là, những chuyện kể của các cụ xưa kia, là một biện pháp để răn dạy con cái, như một cái phanh để con trai cảm thấy sợ và tốp bớt những trò lăng nhăng vô trách nhiệm. Còn bây giờ thì chẳng qua là những lời nguyền rủa đối với kẻ không dám chịu chơi, nhìn từ những người thận trọng và nhát gan đối với đàn bà, con gái, nói đúng hơn là đối với trách nhiệm và phận sự.

"Thật tình cờ. Tao cho mày đọc cái này, may ra còn kịp".

"Cái gì? Lại chuyện lăng nhăng?"

"Không, chuyện thật".

"Sao biết là thật?"

"Thì cứ đọc đi. Tao đi ngủ đây, đọc đi và sáng nói cho tao biết mày nghĩ sao. Cái gì? Trà hả? Thôi đừng gọi người nhà nấu nước, phiền quá, còn cà phê tao trong kia, uống đi. Này, nhưng nói cho cậu biết, đọc cái này thì cậu phải chong mắt lên, không ngủ được đâu. Sợ rồi những đêm khác cũng không ngủ được".

Tôi mở lấy tập bản thảo viết tay, chữ xiên, dài ngoằn trên thứ giấy cũ vàng ngầu giao cho hắn. Hắn có vẻ chán nhìn xấp giấy. Tôi nói, cứ đọc thử, nếu quá ba trang mà không thích thì cứ vứt đi.

*


Tôi đăng báo trên mục rao vặt, cần mua bản thảo truyện để xuất bản được mấy hôm thì ông ta đến. Đó là một ông già quắc thước, cốt cách có vẻ như một vị ẩn cư đã hàng chục năm không ra khỏi lều của mình để tiếp xúc với đời sống phàm tục bên ngoài. Ông ta mặc bộ đồ tây đã cũ, chống cái can bằng mây và đầu đội một cái mũ rộng vành bằng cói cùng màu với quần áo. Ông ta xưng là một hoạ sĩ, vì vẽ quá nhiều tranh, triển lãm quá nhiều lần, thành công quá mức, và cuối cùng, chán tất cả mọi thứ, lui về, một mình với cảnh nghèo. Tôi đã định thu ngắn thời giờ tiếp ông già vì thấy việc ông ta vẽ, thành công hay thất bại không ăn nhập gì tới việc đăng báo của tôi, thì ông ta như đoán được ý, đã nói chặn trước.

"Sở dĩ tôi phải dài dòng giới thiệu tôi với ông như thế là vì ba lẽ. Thứ nhất, là để ông tin, tôi không phải là một người giả danh giả hiệu để làm những thứ quàng xiên như ở xứ này người ta thường làm. Thứ hai là ông sẽ không nghĩ, tôi bán cái tôi đem tới cho ông để lấy tiền, bởi tôi không cần tiền. Thứ ba là, với quá khứ và thành tích của tôi, tôi đích thân đến với ông, hẳn ông tin vào cái tôi mang đến, ít ra, không chỉ là một mớ giấy lộn. Ít ra, nó có thể nói với những người thời này một cái gì đó. Người ta thì hết tin, nhưng tôi, tôi vẫn tin, chữ nghĩa và văn chương, dù trong thời mạt pháp nào cũng vẫn còn cứu vãn được vài điều, đem lại chút ánh sáng, vẫn còn là một sứ thần kiên nhẫn và cô độc đem điều tốt tới cho con người".

Đại khái, ông ta nói quanh quẩn những điều đất thấp trời cao như thế đến nửa giờ. Tôi nói ngay:

"Thưa cụ, chúng tôi chỉ đăng báo vắn tắt như vậy nhưng thật ra, khi người ta đem bản thảo tới, chúng tôi cũng chỉ chọn những tác phẩm có nội dung mới lạ và trẻ trung…"

Ông ta cười lớn ngắt ngang ngay lời tôi nói:

"Thì có phải tôi đem những lời lẽ, lý luận của cá nhân tôi, của tuổi tác tôi cho ông xuất bản đâu. Cái khác kìa. Đây, ông cứ xem qua đi, nếu thích thì cứ xuất bản, và không, hãy trả về lại cho tôi, đúng tuần sau ngày hôm nay, tôi sẽ đến lấy".

Tôi nghĩ là chắc chắn sẽ phải trả lại cho ông cụ tập bản thảo, nên không hỏi trường hợp ngược lại, là nếu tôi xuất bản thì trả tác quyền ra sao, và những điều kiện khác liên hệ. Nhưng ông già cũng nói luôn.

"Đừng nghĩ tới tác quyền, vì không có ai là tác giả cả".

"Thế… không phải cụ là tác giả…?"

Ông già lấy trong túi áo tập giấy dày cộm đặt xuống bàn.

"Tôi không phải tác giả, tôi chỉ dịch ra".

"Thế nguyên tác là tiếng gì?"

"Trung Hoa".

Tôi bực mình, mất kiên nhẫn, cố cười nhạt:

"Dạ, vậy thì đúng là chuyện cổ".

"Ông đoán thế nào cứ việc, nhưng mà này, tôi vừa mới dịch xong là đọc thấy tin ông rao vặt. Kể cũng là chuyện tình cờ".

"Cụ dịch thì cũng sẽ tính bản quyền của dịch giả".

"Tôi có dịch giả đâu, dịch thiệt chứ. Thời bây giờ người ta dịch giả và tác giả quá nhiều, tôi già rồi, tôi thuộc về một thời khác, tôi phải cố mà dịch thiệt chứ. Nếu tôi tác thì cũng tác thiệt, chứ không tác giả đâu. Tại sao, tại tôi không cần tiền. Chỉ khi không cần tiền mới tác thiệt và dịch thiệt, còn là tác giả và dịch giả tuốt hết, có phải không, ông nghĩ xem? Cái chữ Việt mình, thiệt là lắt léo, nhỉ?"

Ông già đứng dậy.

"Không phải cứ chữ Trung Hoa là chuyện cổ đâu. Mới toanh ấy, mực cũng chưa khô như máu, không chừng…"

"Cụ nói gì ạ?"

Ông già ra cửa, ung dung, nói vọng lại:

"Tháng trước tôi đi Đài Loan theo lời mời của một Hội Hội hoạ cổ bên đó. Cái tập ấy, không phải bản thảo bản thiếc gì đâu, gần như là thư tuyệt mệnh, không gởi lại cho ai cả. Tôi trọ căn phòng hắn vừa bỏ đi. Tôi nhặt được cái ấy của hắn để lại, tò mò đọc thử. Và muốn cho những người khác cùng đọc nên dịch ra, vậy thôi. Tôi đã cố trẻ lại để dịch đúng theo ngôn ngữ và phong độ của anh chàng nhỏ tuổi nào đó".

"Thư tuyệt mệnh, vậy ra người viết tập này đã chết?"

Ông già khép giùm tôi cánh cửa trước khi ra khỏi nhà.

"Biết đâu, thì cứ đọc đi".

Bây giờ là ngày cuối cùng của một tuần dài lê thê không muốn dứt. Của một tuần, tôi cố không nghĩ, hay đúng hơn là chống lại với ý nghĩ như ám ảnh, của một đời. Bởi tôi còn nhiều thời gian để sống, nhiều việc phải làm, nhiều hạnh phúc để tận hưởng. Tôi tin, hay cố dỗ mình cứ tin đi là cuối cùng tôi vẫn là người thắng cuộc.

Nhất định là tôi phải thắng, tôi tự nói như thế trong im lặng, bất cứ giờ giấc nào, khi ăn cơm, lúc nằm mơ màng đọc một cuốn sách hay, ngay cả những lúc ngâm mình trong nước nóng bồn tắm. Căn phòng thật tĩnh mịch. Và càng yên lặng, tôi càng nghe tiếng gào trong tim của tôi rõ hơn.

Nhưng một thứ tiếng nói khác, vi vút, xa vời lại càng như nghe rõ hơn, nhập nhoà trong tiếng nói của tôi. Tâm trí tôi cố nghĩ mình sẽ thắng, sẽ thoát, nhưng lòng tôi thì mỗi lúc một hoang mang, bất định, không còn tin tưởng ở sức mạnh của mình để chống đối lại ám ảnh kỳ dị kia nữa.

Lúc này, nếu có một người, bất cứ người nào tới, ở lại bên cạnh, nghe tôi nói, tin tôi, người ấy cũng có thể cứu tôi ra khỏi tấm lưới vô hình này. Nhưng không có ai cả. Bà con dòng họ thì hoàn toàn không. Tôi đã là người lạc lõng, côi cút từ tấm bé, không còn thân quyến. Bạn bè thì làm gì có chút thời giờ rảnh rỗi để đi nghe chuyện mộng mị điên khùng của tôi. Vả, tôi cũng chẳng có bạn bè nào. Người yêu, vợ sắp cưới của tôi nữa, thì lại không thể. Nàng là người quen thân độc nhất trong đời sống long đong vơ vất của tôi. Nhưng mà làm thế nào đi nói một chuyện như vậy với nàng. Dù là nói để tự cứu, và cứu tôi, là cứu cả nàng nữa. Tôi chỉ còn một mình, trơ trọi hoàn toàn. Một mình và thấy rõ cái bóng của chính mình.

Mấy hôm nay, tôi bắt đầu trông thấy và sợ cái bóng của tôi trên vách. Tôi đã đổi nhiều phòng, qua nhiều khách sạn khác nhau, từ khi bỏ nhà đi tránh cái bóng và tránh chính mình, cố chọn những phòng nào có tường lót giấy hoa, như phòng này, để đừng trông rõ bóng. Nhưng mấy đêm nay, không phải với ánh đèn, mà trong bóng tối hoàn toàn tôi vẫn nhìn thấy cái bóng lập lờ trước mắt. Tôi cảm thấy mình đuối sức và không còn đủ bình tĩnh để chống lại bất cứ một thứ gì nữa. Tôi cũng không rõ, tôi yếu đi, vì sức tôi vốn vậy, mà sức mạnh vô hình nào đó hơn tôi, hay vì một lý do tinh thần nào làm bạc nhược thể phách lẫn tâm hồn. Dù sao thì tôi cũng không chịu đựng nổi tình trạng im lặng này mãi nữa. Phải nói ra, tất cả từng chi tiết, từ đầu. Nói ra. Nhưng mà biết nói cho ai nghe? Chỉ còn cách là viết. Viết cũng là nói. Tự nói với chính mình. Và cầu mong, trong những ngày cuối cùng rối loạn hoang mang này, tôi viết hết và đủ những sự việc đã xảy ra. Những sự việc đã dẫn đưa tới cái bóng ám ảnh bây giờ.

*


Tôi bắt đầu cảm thấy lạnh ở hai chân sau giấc ngủ ngắn buổi chiều hôm qua. Tôi ngồi dậy, mang vớ, và đắp thêm một lần chăn thật dày khắp mình sau khi đã tắt máy lạnh trong phòng. Nhưng vô ích, mỗi lúc hình như càng lạnh thêm. Tôi sờ đầu, ngực và lưng, không triệu chứng của một cơn sốt nóng lạnh. Tôi tỉnh táo và mạnh khoẻ hoàn toàn. Tôi nhắm mắt, cố nghĩ đến những điều đẹp. Nghĩ đến Quỳnh Mai và những ngày trăng mật sau hôn lễ. Nghĩ đến tên những đứa con sẽ sinh ra. Khu vườn nhiều cây xanh và hoa hồng leo quanh những bức tường thấp của hoa viên. Nhưng nhắm mắt, tôi cảm thấy rõ hơn hai thân thể. Tôi thoáng nghĩ đến lời nói của bà cụ cố ngày xưa còn bé, bao giờ sắp chết người ta cũng sẽ cảm thấy lạnh như thế, trước hết ở hai bàn chân, và lạnh dần lên đầu. Kẻ nào tùy nghiệp nặng nhẹ đến đâu, cái lạnh ngưng đến phần cơ thể tùy thuộc, và ta sẽ đầu thai làm thứ gì là tùy cơn lạnh đó. Tôi không suy nghĩ gì thêm lời nói đó. Tôi dốt đạo Phật, thậm chí đến cả lời của bà cụ cố, nói thế nào tôi không nhớ rõ nguyên văn, chỉ đại khái thôi. Tôi không tin chuyện gì ngoài chính mình, đúng hơn là ngoài sức chinh phục của mình, đối với đàn bà. Chinh phục mà không cần đến một vận dụng nào cả của khả năng và tâm hồn. Vì chính tôi đã là một sự chinh phục đầy đủ. Đàn bà tới với tôi, không vì một kêu gọi, lôi cuốn dỗ dành nào hết. Họ tới vì họ muốn tới. Thế thôi. Tôi không nhớ gì đến quãng đời tình ái của tôi. Không nhớ gì. Cũng như những mẩu chuyện và vai trò trong những phim tôi đã đóng. Tôi là tài tử. Tôi không biết tôi là tài tử hay tài tử là tôi. Tôi lẫn lộn. Khi gặp và thích một đàn bà, tôi tưởng tôi đang đóng phim, và người đàn bà, đến với tôi, cũng như trong khúc phim nào đó. Xong mọi việc là hết. Thật tình tôi không nhớ. Và cũng chẳng có gì quan hệ cả. Cái gì nhiều quá, cũng làm lu mờ, chán nản và lầm lẫn như thế cả. Ở đâu tôi cũng trông thấy loáng thoáng những nét dáng và màu sắc đó vây quanh, ở phim trường, trong những bữa tiệc, những cuộc đi xa, và những nơi bến tàu, bến xe, phố chợ, những cặp mắt đẹp, long lanh, môi tươi và má thắm, vóc dáng khêu gợi và cái nhìn gọi mời, năn nỉ. Tôi làm sao nhớ riêng một trường hợp nào và một bóng dáng nào. Còn Quỳnh Mai ư, đó là chuyện về sau, khi cuộc đời tình ái lăng nhăng đã chấm dứt. Không phải là vì tôi tĩnh trí, dứt khoát, mà vì cơ nghiệp. Còn nghĩ đến cơ nghiệp nữa chứ. Bây giờ nhiều tài tử đáng giá lên như diều. Tôi bắt đầu mòn cũ, quen thuộc. Tôi cảm thấy lo. Tôi muốn tậu phim trường, làm đạo diễn. Muốn thế, tôi phải cưới Quỳnh Mai. Cha Quỳnh Mai thừa khả năng và phương tiện lo cho tôi điều đó. Lý do tôi lấy nàng chỉ vậy thôi. Hơn nữa, nàng cũng là một tài tử lớn. Nàng sẽ thuộc về tôi là hãng phim của tôi. Và trước pháp lý, nàng cũng có thể có lý do để vừa hủy bỏ vừa bồi thường cho hãng phim đã ký giao kèo. Tôi có thừa hạnh phúc. Chỉ còn tạo cơ nghiệp để bảo tồn hạnh phúc đó. Hạnh phúc, than ôi, là cái gì, ở đâu, cho tới bây giờ, tôi mới nhận ra, là đã xây đắp và kiếm tìm hạnh phúc trên oan nghiệt, trên cái bóng ám ảnh kia… và không chừng, nhiều cái bóng khác nữa.

Không, nhưng mà tôi sẽ thắng, sẽ thoát. Trong cơn lạnh, tôi còn cố nghĩ thế. Và hình như cơn lạnh dừng lại ngang bụng rồi biến đi. Tôi nghĩ với nụ cười hoang mang, nếu mình chết, sẽ trở thành ngạ quỷ với cơn lạnh dừng ngang bụng. Ngạ quỷ, quỷ đói, đói đàn bà. Tôi nghe hoảng hốt thật sự với một thứ tiếng nguyền rủa nào vẳng lên trong im lìm. Tôi vùng dậy.

Trời ngoài đã tối. Căn phòng chưa lên đèn. Tôi bước ra khỏi giường, xỏ hai chân vào hài. Và bước. Hình như chân tôi nặng nề vì bị cái gì vương vương ghìm lại đàng sau. Rồi một phiến gì lạnh buốt phả lên vai tôi, thong thả, dịu dàng, nhưng nặng nề, trì trọng, như muốn kéo ngược tôi về đàng sau. Tôi quay lại. Không gì ngoài vũng tối mờ của căn phòng chưa lên đèn. Tôi nổi da gà khắp hai cánh tay. Tôi đưa bàn tay về phía trước. Tay tôi chạm vào khoảng không cứng và lạnh như vật gì đắp lên vai tôi. Tôi lì lại. Không còn gì nữa. Một lúc, rồi tôi nghe tiếng vi vu lao xao, trong tai, nhưng như cõi nào xa hút vọng về, chuyển thanh âm vào tận tủy xương mình. Tiếng vi vu như hơi gió rít lạnh buốt, tạo thành một thứ tiếng chỉ nghe lắng bằng tưởng tượng. Tôi cảm thấy như tiếng nói gọi đúng tên tôi, âm vang nhỏ như bằng sợi tơ trời, nhưng cũng như tơ trời, long lanh óng chuốt, sắc sảo đến châm chích vào tận trong óc tủy người nghe lắng. Tôi ngồi xuống ghế và như bị thôi miên dần dần bằng tiếng gọi vi vút xa xăm kia, hai tay ôm đầu, thiếp đi trong bóng tối. Đến khi tôi tỉnh dậy hẳn thì người bồi phòng đã bật đèn và dọn thức ăn tối lên bàn. Trong lúc uống rượu, tôi bỗng buồn bã lắng nghe. Tôi mường tượng lại tiếng gọi và bỗng nhớ. Tôi muốn nghe lại tiếng gọi, như buổi chiều, nhưng không có nữa. Chỉ còn tiếng vi vu bình thường của thứ lặng im có thật vây quanh. Bâng khuâng, rã rời, trong một trạng thái nửa thức nửa ngủ, tôi uống liên miên hết cốc này đến cốc khác, gần hết chai rượu. Hình như tôi say nhừ sau đó. Chưa bao giờ tôi uống rượu trong thời gian đóng phim. Nhưng từ khi trốn chạy cái bóng, trốn chạy những giấc chiêm bao, tôi lại uống, không ngừng. Tôi thiếp đi trong hơi rượu, và lại nghe tiếng gọi vi vút nổi lên từ tim óc chính mình. Nó gọi tên tôi, đúng tên tôi. Tiếng gọi thì thào, kéo dài, như hơi thở của người hấp hối. Bây giờ thì tôi nhận ra rồi, đúng là lần này tôi nhận ra, đúng cái giọng đó. Cái giọng này và khuôn mặt lập lờ ẩn hiện trắng toát những đêm rồi trong chiêm bao. Bên một bờ cỏ xanh. Một đêm trăng mờ. Không phải là tiếng gọi, mà tiếng hát, thủ thỉ một khúc tình ca, vừa thơ ngây tội nghiệp vừa tuyệt vọng não nùng. Tiếng hát của cô gái miền sơn cước, ở thung lũng Cẩm Thạch, tiếng hát của Sơn Chi.

Đoàn người quay phim đã tản mác ra nhiều sân sau khi dự khán buổi trình diễn của đoàn ca vũ sơn cước với mục đích tuyển chọn một cô cho cuốn phim sắp quay. Tôi còn dùng dằng ở lại, vì suốt buổi chiều ngồi đó, băn khoăn mãi với cảm tưởng bị nhìn, quá chăm chú, tha thiết, từ một góc trại nào đó. Cảm tưởng đó vẫn gặp nhiều lần, và thường thường không bao giờ lầm lẫn. Nó là khởi đầu cho một chuyện tình đẹp, đúng hơn là một cuộc phiêu lưu tuyệt vời đối với tôi.

Lần này thì hình như không phải, vì cho đến khi chỉ còn tôi ngồi lại một mình nơi ghế mây trong lều lục giác, không có gì bất ngờ xảy ra cả. Tôi nghĩ đến điều gì ấy đang xảy ra và chờ đợi bên ngoài. Cho nên tôi thong thả, lẫn với một chút luyến tiếc bước ra ngoài.

Đúng vào lúc tôi thấy sắp sửa bước ra khỏi cửa lều thì tiếng lục lạc reo lanh canh sau lưng. Tôi quay lại. Ba cô gái không biết từ lối nào, hiện ra khung cửa sau nhà trại, bối rối nhìn tôi, như có điều gì muốn nói. Thoạt trông, tôi thất vọng, vì không có một vẻ đẹp nào nơi cả ba người con gái. Nhưng cô gái ở giữa, một lúc sau, tôi mới nhận ra có vẻ ưa nhìn, một thứ duyên thầm, hấp dẫn và kín đáo ở khoé mắt nhìn lặng câm và đôi môi mọng mỉm cười, nửa ngại ngùng, nửa van xin.

Hai bên im lặng một lúc rồi cô gái đi bên bỗng nói:

"Chúng tôi xin ông cho chụp chung một tấm hình. Xin ông đừng từ chối ân huệ đó. Chúng tôi chờ như thế đã nhiều lần".

"Sao lại nhiều lần?"

"Vì ông lên đây nhiều lần rồi, mà đến nay chúng tôi mới… tìm cách để gặp ông được".

Cô đứng bên đối đáp, nhưng tôi chỉ nhìn chăm chú cô đứng giữa. Cô ta cắn môi. Những chiếc răng trắng lóng lánh màu ngà trên đôi môi đỏ. Tôi nói vui vẻ, các cô muốn chụp bao nhiêu hình và muốn gặp tôi bao nhiêu lần nữa cũng được.

Đôi mắt cô đứng giữa sáng lên khác thường, với một ánh long lanh kỳ diệu làm khuôn mặt nhuốm một vẻ tươi thắm ấm áp.

"Thật à?"

Nàng nói, giọng nhỏ, ấm mà thân mật. Tôi hỏi nàng làm gì ở đây. Nàng nói hát. Tôi nói, chốc nữa, ra ngoài kia chụp hình xong, cô hát cho nghe. Cô gái cười, nói nhỏ như chỉ muốn cho mình tôi nghe, em chỉ quen hát dưới đêm trăng một mình. Tôi nói:

"Thế hai mình có được không?"

"Dạ, với ông thì… chắc phải được. Nhưng mà… sợ rằng không hát được hay".

"Sao vậy?"

"Thưa ông, em chỉ thèm im lặng".

Nàng nói như thế, với một đuôi mắt nhìn thật dài và khi đứng chụp hình chung với nhau, tôi với ba cô gái, tôi nghe rõ hơi thở thơm mùi hoa dại và cỏ tranh của cô gái bên vai mình, như một lời nhắn nhủ kín đáo đầu tiên.

Ngày mai sẽ khởi quay một vài ngoại cảnh Đài Trung và đoàn quay phim phải về ngay trong buổi chiều hôm đó, nhưng phút chót người ta tin cho biết bão có thể tới bất ngờ trên vùng thung lũng nên chuyến bay độc nhất trở về sẽ bị hủy. Cả bọn đồng ý ở lại đến sáng mai, thay vì, có thể liều đi bằng xe hơi để trở về cho đúng ngày giờ làm việc.

Tôi vẫn nghĩ, một cách đổ lỗi cho sự tình cờ và bất ngờ, nếu chuyến bay buổi chiều đó không bị hủy thì chắc chắn đã không có chuyện gì xảy ra cả. Với lại, khởi điểm của câu chuyện, như thế, quả tình không phải do tôi chủ động, dù là chỉ trong ý nghĩ. Bởi vì sau khi chụp hình, tôi lại đi theo đoàn, ăn uống, bàn chuyện, phác hoạ chương trình làm việc cho những ngày tới, bị vây bọc giữa những cô phóng viên, những bạn đồng diễn trong phim và vô số những việc làm bận rộn thời giờ tâm trí, tôi không nhớ không nghĩ gì đến nữa cô gái đứng giữa vừa chụp hình chung với mình buổi chiều.

Cho đến tối nằm một mình trong lều tranh, giữa vườn cỏ hoa lắt lay gió khuya, với bóng trăng thoang thoảng bên kia sườn núi mờ, tôi nghe rõ tiếng chân tới gần, như lãng đãng u uất trên đầu những ngọn cỏ phất phơ. Tôi nghĩ đến cô gái nhưng không tin là cô ta có thể tới. Nhưng cuối cùng cũng là khuôn mặt của cô ta nơi khung cửa lều, khác hẳn buổi chiều, được trang điểm tỉ mỉ và áo quần, nữ trang lỉnh kỉnh trau chuốt hơn. Một mùi hương rừng kỳ ảo làm ngất ngây không khí quanh nơi cô gái đứng, kìm tôi lại phía cửa lều bỏ trống.

Cô gái nhìn tôi, im lặng, đăm đăm, vẫn như buổi chiều, nhưng lâu dần và quấn quít hơn, như cô ta đã nhìn tôi như thế, một hình ảnh gần gũi, quen thuộc, dưới quyền sở hữu trìu mến của cô ta từ bao nhiêu năm nay rồi.

"Cô đến thăm tôi đó ư?"

"Không, em đem biếu ông cái này".

Nàng mở tấm khăn lụa đỏ chỉ cho tôi xem chiếc dĩa sứ tròn. Trên mặt dĩa tráng hình chụp của chúng tôi buổi chiều.

"Cô nhanh như vậy được sao?"

"Dạ. Chừng vài giờ sau khi chụp hình là có ngay, nhưng em bận nên bây giờ mới đem đến ông".

"Hết bao nhiêu tiền tôi gửi lại cô, và cô cho tôi cái này. Tôi nói và giữ lấy chiếc dĩa lẫn tấm khăn lụa đỏ".

Cô ta xua tay, hai con mắt long lanh:

"Không đáng bao nhiêu, ông đừng trả, nhưng tấm khăn thì… em xin lại".

"Sao vậy? Tấm khăn này đắt lắm à?"

"Dạ, chỉ là mảnh vải cũ, nhưng của mẹ em để lại, em giữ từ hồi nhỏ".

Tôi cười:

"À, của gia bảo của cô. Một bản đồ chỉ nơi giấu kho tàng phải không?"

Nàng cười:

"Còn hơn thế. Một kho tàng, em cũng không đánh đổi đâu, của mẹ em".

"Bà nhà… ở với cô à?"

"Mẹ em chết khi em ra đời".

Tôi hỏi phất phơ cho có chuyện nói để giữ cô ta đứng lại ở cửa lều.

"Bà… bệnh à?"

"Dạ… điều này em chỉ nói với mình ông thôi. Bà sinh ra em đúng lúc… gặp người mà bà muốn em gọi là cha ấy… đi với một cô nào đến… nhà thương".

"À, bà ấy ghen. Bệnh ghen khủng khiếp nhỉ, như tôi bây giờ, nếu tình cờ thấy ai đến rủ cô đi, tôi cũng dám chết được lắm".

Nàng ngưng lại, nín hơi vì kinh ngạc và xúc động rồi bỗng nhiên, nàng rướn người lên, áp đầu vào cánh tay tôi, và tay kia nàng níu chặt lấy cửa lều.

"Thật vậy chứ ông, ông… ông không nói đùa với em, phải không ông, đừng đùa, nếu ông nói đùa thì không phải ông mà chính là em chết".

"Thôi đừng nói chuyện chết, ta nói đến sự sống đi. Trời đã cho không cơn bão, vậy ra máy bay hủy chuyến về để cô tới thăm tôi đó, và trời đang sáng trăng, cô có nhớ buổi chiều đã nói cô hát trong đêm trăng chứ? Hát một bài gì đi em". Tôi nói, lần những ngón tay trong vòng tóc rối lủng lẳng mấy cánh hoa sắp rơi của cô gái.

Nàng đứng thẳng người lên. Hai mắt nàng thấm đẫm ánh trăng xanh từ vầng lá đêm toả xuống.

"Trời ơi!"

"Sao em lại kêu trời, có gì phiền phải không?"

"Em chết mất, em đã mong thế này, và bây giờ mọi sự tới, như khẩn nguyện và em sợ quá chừng".

Tôi nói lảm nhảm mà không nghĩ, như quen nói bằng môi với các cô gái sa vào tay mình, trong khi trí óc vẫn dành cho những tính toán công việc và tâm hồn phiêu bạt theo những vai trò của chính mình và những vai trò khác cạnh mình.

"Có gì mà em sợ, sự bất ngờ nào cũng làm ta sợ. Nhưng đừng sợ gì, nghe em".

Nàng rời khỏi tay tôi và bỗng nhiên cắm đầu chạy như trôi biến giữa vùng cây lá xanh xao lấp lánh ánh trăng mờ như bạc chảy. Tôi đứng nhìn theo nàng một lúc, lòng xao động, băng mình đuổi theo. Tôi cố nghĩ là giữa nàng và tôi, giữa nàng và đời sống thật, có một liên hệ âm thầm bí mật và tiền định nào đó, tôi phải tìm hiểu, phải khám phá cho ra, bởi vì từ phút sau, mọi chuyện có vẻ như không do ngẫu nhiên mà có.

Càng chạy, vùng cây cỏ càng trở nên hoang vu, ánh trăng càng xanh xao, kỳ ảo khác thường và tiếng đêm càng thao thức tịch liêu bốn bề quạnh quẽ. Tôi không nhìn thấy nàng nhưng vẫn nghe tiếng chân xào xạc trên lá cỏ lẫn vào tiếng những hòn sỏi lăn khô khan, hay tiếng nhảy vọt mơ hồ của con vật bé bỏng nào dưới những gốc cây bí mật sù sì. Và càng chạy, tôi cảm thấy như từ bốn bề hoang vụ trời lên ngào ngạt một vừng hương kỳ ảo, lôi cuốn, ngất mê. Tôi lao đao chạy như điên dại về phía mùi hương cho đến khi không còn nhận ra mình, hương đêm hay dấu vết người con gái vừa băng mình chạy trốn.

Khi tôi tỉnh dậy, hình như trời bên ngoài lờ mờ sáng. Nằm trên tấm nệm đan bằng một thứ cỏ nhuộm ngũ sắc, với chiếc gối mây cao dưới đầu, nhìn ra quanh quất, không thấy một bóng người. Chỉ có những khung cửa khép hờ và bên ngoài, hình như là một vùng cây lá mênh mông. Hoàn toàn im lặng. Như không cả tiếng một côn trùng bé bỏng hay một bước chân nào tới. Tôi gọi, không có ai đáp lại. Chỉ thoang thoảng một thứ hương trầm hay gỗ quý ngan ngát toả ra từ những góc lều lờ mờ tối.

Tôi nhắm mắt lại, một lúc, cố nghĩ đến những gì xảy ra trong đêm. Đầu óc kín bưng, không một thoáng hình ảnh nào gợn lên trí nhớ. Như hôm qua và lúc ấy đã hàng năm đi qua.

Bỗng tôi ngửi thấy mùi trà sen thoang thoảng tới gần. Trong hai mắt hé mở, người con gái cúi xuống, đặt bên cạnh chỗ nằm tôi một khay trà, và quỳ xuống yên lặng ngắm tôi ngủ. Nàng khoác một tấm vóc sặc sỡ nhiều màu che kín từ phần ngực trở xuống tận gót chân, để lộ phần vai tròn và hai cánh tay thon dài khép nép đặt trên đùi.

Trong bóng tối mờ, nàng như chỉ là một khối bóng mỏng và nhẹ thoang thoảng hương thơm. Đúng là thứ hương tôi đã ngửi thấy và choáng váng trong rừng cây tối hôm qua.

Tôi mở mắt chống tay ngồi dậy. Nàng đặt bàn tay mát dịu lên trán tôi ngăn lại:

"Đừng, ông cứ nằm nghỉ thêm, còn lâu trời mới sáng mà".

Tôi hỏi như trong mê:

"Sáng thì sao?"

"Ông sẽ ra khỏi đây trước khi trời sáng".

"Tại sao vậy?"

"Để không người nào nhìn thấy ông".

"Thấy tôi, thì sao?"

Nàng mím môi, băn khoăn:

"Người ta sẽ làm tội em".

Tôi cảm thấy cần nghĩ đến điều gì khó khăn lúc ấy.

"Tại sao như vậy chứ?"

"Em đã… để ông về nhà trong đêm rồi".

"Nhà cô?"

"Chỗ này của mẹ em để lại cho em".

"Quanh đây là người làng nước bà con của cô?"

"Không, người lạ. Ngày xưa mẹ em tình cờ tới, và định cư ở đây. Em cũng vậy, em chẳng biết gốc tích, nhưng sống lâu năm thành dân ở đây".

"Cô… có quyền tiếp một người bạn chứ?"

"Phải, nhưng bạn gái thôi, không phải bạn trai. Vả lại người ta biết ông là ai, và tất nhiên hiểu ra ông không là bạn em".

"Vậy thì tôi là gì của cô?"

Nàng cười khúc khích:

"Em không biết. Ông là kẻ giết người".

"Đừng nói đùa. Nhưng mà… tôi giết ai, nếu là kẻ giết người thật?"

"Giết em, chứ còn ai, hay ông còn giết nhiều người khác mà em không thể biết".

"Thôi đừng nói như thế, người xung quanh sẽ đối đãi với cô ra sao?"

"Không lường được, có thể sẽ chửi bới, sẽ hất hủi, sẽ ném những vật cứng và nhọn hay đồ dơ bẩn vào em".

"Đến thế à, sao lạ vậy?"

"Người ta cho là em hư hỏng. Và nữa, một người lạ hư hỏng làm hư hỏng luôn đời sống tốt lành của họ ở đây".

"Có ai bị thế chưa?"

"Một năm, có một người con gái tới. Cô ta rất đẹp, quyến rũ, nhưng đầy tính xấu".

"Tính xấu là sao?"

"Làm hư hết những đàn ông quanh vùng. Cuối cùng mọi người cho cô ta là phù thủy nên ném đá, đuổi cô ta đi".

"Rồi ra sao?"

"Có một dạo người ta thấy cô hiện về".

"Hiện về là sao?"

"Chết rồi và cái bóng trở về trong chiêm bao người sống".

Tôi hỏi không suy nghĩ:

"Nếu… em chết đi, em phải chọn riêng chiêm bao của người để trở về chứ, phải không?"

Nàng như rùng mình với một cơn lạnh nào đó.

"Phải rồi, em chỉ trở về trong chiêm bao của ông thôi. Nhưng mà… sắp sáng rồi. Lạ thật, đôi lúc em thấy như trời chưa sáng, hay không bao giờ sáng, đêm sẽ dài vô tận, nhưng đôi khi ngày chợt tới, màu hồng đã nhuộm thắm cỏ cây bên ngoài. Em sợ".

"Sao vậy?"

"Rồi ông sẽ đi, và suốt đời, không bao giờ còn thấy ông nữa".

Tôi chỉ nhớ tới ngày, nhớ chương trình sắp tới, những cuộc hẹn hò của tôi.

"Ờ nhỉ, à, hôm qua, ra sao nhỉ, tôi đã mê đi".

"Không mê đâu, ông say".

"Tôi có uống đâu".

Nàng chỉ những hũ không bên góc phòng tối.

"Đó, ông đòi uống quá nhiều".

"Không phải, như tôi mê đi, mê ngay lúc chạy ngoài vườn cây ấy mà".

"Có người gọi như vậy là chết dại, chết giả, thật ra thì chỉ choáng váng với mùi hương, mà lạ thật, ông vẫn tỉnh táo, như thường nhưng như ông không có trí nhớ bây giờ và óc sáng suốt lúc đó".

"Mùi hương, hương gì nhỉ? Ờ, tôi nhớ ra mùi hương rồi, nồng nồng, hăng hắc".

"Dạ hợp hương".

"Tên một thứ hoa?"

"Cả một rừng dạ hợp ngoài kia".

"Hoa mọc hoang à?"

"Mẹ em trồng ngày xưa đó. Người ta đòi chặt phá đi, em không chịu, họ nói, bao giờ em không giữ đúng những điều lệ của họ, họ sẽ phá".

"Điều gì?"

"Không… giao du với một người đàn ông lạ…"

Tôi ngồi dậy, nhìn cô gái chăm chú và nhớ ra dần dần mọi điều trong đêm. Tôi đã quá bước và cô gái tỏ ra dịu dàng, chịu đựng với những tiếng khóc thật nhỏ lẫn với tiếng cười mênh mang như nỗi reo vui thơ ngây.

"Kể như là em chết rồi vậy".

Tôi cầm tay cô ta, muốn nói một câu gì, nhưng chỉ hứa suông.

"Tôi sẽ trở lại hoặc là làm cách nào đưa cô về dưới đó chơi luôn, mình sẽ gặp nhau như thường. Cô có thích như vậy không?"

"Dạ có", nàng đáp, ngoan ngoãn, và yên lặng, thong thả rút bàn tay lạnh lẽo khỏi tay tôi rồi thở dài đứng lên, ra kéo tấm cửa lều lên.

Trời như sắp sửa hửng lên một góc nào đó. Tiếng chim kêu nhỏ và thanh, như nỗi hấp hối bình thản và hoan hỉ trong ngày mới. Tôi soi gương, sửa lại áo tóc cạnh cái giá cắm cây nến hồng vàng vừa thắp lên. Trong gương, nửa thân trên của nàng lồng lộng đẹp như một pho tượng bán thân bằng hồng thạch. Tôi quay lại, thèm ôm nàng, một lần nữa, nhưng nàng vuột ra khỏi hai tay tôi và cúi xuống nhặt những đồ vặt vãnh gì đó bỏ vào cái cặp da nhỏ tôi mang theo.

Nàng nhắm mắt, yên lặng cho tôi hôn lên chiếc cằm nhỏ bé, như ướp đầy dạ hợp hương, gót chân mềm dưới đất chừng như nhón lên cao, thấp thỏm trân trọng, một cử chỉ tiễn biệt dịu dàng, ân cần, tha thiết, với hai cánh tay trần vòng lên quanh cổ vai tôi níu xuống dịu dàng.

Tay tôi lúc ấy tình cờ chạm vào một vật cứng trong túi áo. Cái búp hoa bằng ngọc gắn áo đàn bà vừa mua buổi chiều trong quán ngọc. Tôi đặt vào lòng bàn tay nàng bảo nàng giữ lấy, mãi mãi, như nhớ đến tôi.

Nàng im lặng, mân mê búp hoa bằng ngọc một lúc lâu rồi bảo tôi:

"Thôi ông đi đi, đi theo đêm ngắn ngủi của ông đi".

Quãng đường đi ra khỏi rừng dạ hợp hương chừng như ngắn hơn lúc vào. Ra khỏi rừng hương, tôi như thoát khỏi một ám ảnh nặng nề, quái dị và có cảm tưởng như chỉ là một giấc mơ bình thường, đêm hôm qua, một giấc mơ không thể tới thêm lần nữa bao giờ.

Cách đó ít lâu, tôi nhận được một bức thư dày. Bức thư của người con gái miền núi, ký tên là Sơn Chi. Trong thư nàng kể lể những cảm tình, xao xuyến, rung động trước khi gặp tôi, đã nghĩ tưởng và mơ mộng như thế nào về tôi, mỗi khi có dịp về phố và xem phim của tôi hay ngắm nhìn các bảng quảng cáo. Nàng nói là đã yêu mê tôi như thế trong nhiều năm. Nàng sống một mình trong rừng dạ hợp hương, với mỗi một bóng hình tôi. Cho nên khi gặp tôi tình cờ, dịp may độc nhất cứu rỗi nàng, thì nàng đã đối đãi với tôi như một người tình cũ. Bức thư tha thiết đắm đuối như viết bằng máu lẫn nước mắt, bằng tủy xương và tim óc của một người. Dù rằng với một kết luận thông thường của bao nhiêu bức thư tình khác là mong gặp người tình lại lần nữa.

Khi đọc thư, một phần là gặp lúc tôi đang nhiều vấn đề rắc rối quan trọng phải giải quyết, phần vì lảng lênh không lưu tâm nhiều đến một hình bóng đã lu mờ trong kỷ niệm qua đường, chập chùng lẫn lộn vào bao nhiêu kỷ niệm khác, tôi xếp thư và tất nhiên không đoái hoài gì đến những lời tái bút có vẻ vội vàng và mệt mỏi.

Khoản tái bút ghi nàng mong muốn được gặp tôi, tại rừng dạ hợp hương, và nàng đang đau nặng lắm. Nhưng làm thế nào tôi trở về một khu rừng u tịch, xa xôi và bé bỏng kia trong lúc hợp đồng đóng phim cho một hãng Nhật đã ký và tôi sắp sửa sẽ phải qua đó trong vòng một tháng. Cùng với những bận rộn khác của những thành công liên tiếp từ các phim vừa mới hoàn thành. Tôi bù đầu. Quanh tôi lúc nào cũng tới tấp cả một rừng người đẹp chen lấn săn đón, xô đuổi nhau vây bủa lấy tôi. Làm cách nào tôi dày xéo, hất hủi tất cả người thứ ấy để tới với một hình ảnh quá lu mờ trong trí nhớ.

Tôi đặt bức thư vào trong những bức thư khác giữa đống giấy tờ hỗn độn thường xuyên của tôi rồi lên đường.

Ở Nhật về là những tiếp tân, tiệc tùng, hội họp liên miên. Tôi ít khi trở về nhà, chỉ quanh quẩn ở các nhà bạn, phim trường hay các nơi ăn uống vui chơi. Nhà là một nơi dành cho những đời sống bình yên hay những kẻ thất bại trở về trú ẩn. Còn tôi, tôi đang say đắm những thành công lẫy lừng của tôi, như một thằng nghiện rượu, choáng váng trong hơi men.

Một buổi tối tôi trở về nhà muộn, bà vú già mở cổng cho biết có một người lạ đợi tôi, đã từ hai hôm, khẩn khoản xin ở lại chờ trong nhà xe, từ chối mọi tiếp đãi và ăn uống, cho đến khi tôi về.

Khi một mình tôi tới nơi nhà xe, cánh cửa vừa mở, người con gái ngã nhào xuống hai chân tôi và nức nở khóc. Nàng nói, muốn giết chết nàng đi, hay hành hạ bất cứ hình phạt nào cũng được, nhưng chỉ cần cho nàng gặp lại tôi một lần.

Nàng đã thay đổi hẳn y phục. Một chiếc xường xám xẻ thật cao trên đùi màu rêu sẫm, giày và ví cùng màu, lóng lánh những mảnh cườm đen. Mớ tóc nàng vấn gọn lên trên gáy thành những lọn nhỏ, lỏng lẻo, bơ phờ, làm cho khoé mắt nhuốm một vẻ não nùng cuốn hút lạ thường, lòng tôi một thoáng mềm đi với những xao động kỳ dị. Nhưng mà không phải vì tôi gặp lại nàng, mà vì nàng trước mắt tôi, như một người con gái khác.

Tôi nói, không cần gặp tôi một lần, mà bao nhiêu lần cũng được, nhưng nếu thích, nàng cứ ở lại, tự nhiên trong nhà này, như nhà này là của mình nàng.

Tôi không lưu ý nhiều đến những phản ứng của nàng sau câu nói. Hình như nàng ngột thở, chới với. Nhưng nàng bay bổng, thoát thành khói hơi. Như nàng nổ bùng, vỡ tan với một sức nung đốt nào đó.

Tôi dìu nàng lên, đưa vào nhà mở tủ chọn cho nàng những chiếc áo đàn bà đẹp nhất bảo thay. Nàng ngây thơ hỏi, tại sao tôi lại có áo đàn bà đẹp như vậy trong tủ. Tôi nói để dành cho người nào sẽ là vợ. Nàng chớp mắt mơ mộng, ướm hết chiếc áo này sang áo khác. Tôi cũng vui. Chỉ vì tình cờ trở về nhà, gặp một người đàn bà lạ (tôi không muốn nghĩ đó là người đã biết).

Tôi đưa nàng đi ăn tiệm sang trọng nhất tối hôm đó, rồi đi coi hát, dạo các hoa viên, chơi thuyền và đêm đó trăng lờ mờ, và tận cùng buổi tối bằng nghe nhạc ở một hộp đêm. Mãi về sau, tôi mới nhận ra là tôi, trong thâm tâm, tưởng như trả giá nàng được bằng buổi tối ăn chơi đầy đủ như thế, phút đó thì tôi không nghĩ như thế, tôi che mặt nạ cho tôi, tôi nguỵ trang đủ cách, để cảm thấy thích thú với những vui chơi đã cho nàng hưởng, mà thật tình thì tôi chán ngấy những thứ ăn uống vui chơi đó của thành phố.

Và rồi, đêm tận cùng với bóng tối hoàn toàn, với tiếng nhạc dịu, với đèn chong mờ, với mùi dạ hợp hương tóc da nàng và mùi rượu thơm cay trên miệng tôi. Đó là lần đầu tiên, với nàng, tại chỗ của tôi, tôi cảm thấy đêm đã hoàn thành trọn vẹn ý nghĩa thần tiên của nó.

Nàng ở lại đó, mấy hôm sau, rồi mấy tuần sau. Những hôm đầu tôi chỉ đi ra vì công việc. Nhưng những hôm sau, tôi tìm thêm những trò tiêu khiển khác bên ngoài. Đến một hôm tôi nhận ra không thích trở về nhà nhiều nữa. Đúng ra là tôi chán về nhà, chán gặp nàng. Tuy nhiên, khoảng thời gian đó, trong tôi không một ý nghĩ hay dự định gì dứt khoát hết đối với nàng. Chỉ một tiếng nói, hay một cử chỉ nào đó, là nàng sẽ ra khỏi nhà, là tôi không gặp nàng nữa. Còn dễ dàng hơn những trường hợp khác, vì đối với tôi, Sơn Chi không điều kiện, hay mặc cả gì hết. Nàng yêu vậy thôi. Tôi biết là mọi điều đang hỏng. Tôi sinh ra không phải để cho hay nhận tình yêu. Tôi chỉ nghĩ đến những gì bên trong bộ áo lộng lẫy của tình yêu đang khoác. Sự thật như thế. Dù sao tôi cũng đã nguỵ trang tôi đủ thứ. Vừa nguỵ trang vừa chạy trốn, nhưng đồng thời cũng công nhận phần tối tăm của mình.

Lúc đầu nàng tỏ vẻ lo nghĩ, buồn bực vì sự vắng mặt nhiều của tôi, nhất là những buổi tối. Đến giai đoạn thứ hai, nàng khẩn khoản năn nỉ, giữ tôi lại. Đến khi nhận ra mọi sự vô ích đối với tôi, nàng trở nên hung dữ, và tất nhiên kết quả của thái độ điên cuồng gần ngu xuẩn không phải cách kia đưa nàng ra nhanh khỏi nhà tôi.

Một vài tháng sau đó, tôi như quên hẳn người con gái đã trở thành đàn bà, vì tôi phải đóng phim liên miên, hợp tác với nhiều hãng trong một lúc và phải đi đây đi đó không ngừng.

Tôi chóng quên những khuôn mặt đàn bà đã tới với mình, như những khuôn mặt tài tử trong những phim không phải do tôi đóng vai chính. Tôi cũng không hiểu tại sao. Nhưng mà tôi quên thật tình, ngon lành. Đôi khi cảm thấy là đã quen, đã gặp người này đâu đó, một hay vài lần. Nhưng không thể nào nhớ được là ai.

Cho nên buổi tối hôm đó, tiệc sinh nhật ở nhà một bạn gái tài tử đồng diễn, tôi đã không nhận ra nàng nữa. Đúng ra là tôi không đủ thời giờ và chú ý để nhìn nhận lại nàng.

Suốt buổi, nàng ngồi im, bên cạnh người chơi dương cầm, với một cái quạt phe phẩy trong tay. Nàng mặc bộ áo trắng, dài tha thướt tận gót chân, với những mảng kim tuyến gắn lấp lánh, trước ngực áo rộng và hai cánh tay mềm phơ phất. Vẻ trắng toát của áo tương phản lố bịch với làn da nâu làm chán và mệt mắt người nhìn. Cái áo lại rộng phùng phình khoảng dưới, từ ngực trở xuống, đó là một kiểu áo Tây phương quý phái, trở thành quê mùa cho những người mặc không thích hợp.

Tôi nhìn về phía ấy, vì sau chiếc dương cầm, là một hàng rào đàn bà lộng lẫy ngồi nghe nhạc, với những cốc rượu, quạt, khăng tay hoặc những thứ lỉnh kỉnh khác để làm dáng khi có người nhìn đến.

Xong một bản nhạc dài thượt, tôi đứng dậy đi về phía đó.

Người đàn bà đứng dậy hai mắt sáng long lanh, nét mặt lộ vẻ hoan hỉ đến chờm ngợp khi tôi tới gần. Nàng đưa hai cánh tay lên làm như muốn níu tôi lại trong tầm tay nàng lúc đó. Tôi nhận ra nàng quen quen, nên chỉ gật đầu nhẹ, mỉm cười, và đi thẳng lại phía sau dương cầm.

Một lúc lâu, tôi nghe tiếng lao xao đằng sau. Người ta nói một người đàn bà vừa ngất xỉu, có lẽ mệt hay trúng gió, hoặc nhấp một thứ rượu quá mạnh không hợp tì vị.

Tôi không để ý, cho đến tối, ở nhà thương gọi điện thoại lại, bảo có người thân muốn gặp.

Tôi đến, người gọi đúng là người đàn bà áo trắng. Nàng nói thật yếu, đầu tựa lên gối, tay chặn lên tấm ra đắp ngang bụng.

"Ông… ông tha lỗi cho đã phải mời ông đến, nhưng tôi tưởng đã chết, và xin được thấy ông một lần trước khi chết. Chắc là ông không hẹp lòng với người sắp chết đâu".

Tôi luống cuống ngồi xuống ghế nhỏ. Hỏi nàng những câu thường lệ.

Nàng như dại người với những giọt nước mắt lạnh lẽo chảy xuống hai gò má nhợt nhạt.

"Thật… ông không nhận ra em à, mới mấy tháng".

"Cô, bà… bà là…"

"Em không là cô, là bà gì đâu. Sơn Chi đây".

Tôi sửng người:

"Vậy ra… tại em… thay đổi quá, sao em đổi khác đi vậy?"

"Em muốn gặp anh, đúng ra là muốn được nhìn thấy anh nên đã phải tìm cách len lỏi vào các đám ăn chơi đó, ăn mặc theo lối các bà các cô ấy, tập những dáng điệu cử chỉ của họ, sống như họ. Chỗ nào nghe có anh em em cũng làm cách nào để góp mặt. Mãi đến tối nay mới thấy nhau rõ, nhưng rồi anh… anh không nhận ra em".

Đến đó, tôi hiểu ra, tôi biết nàng yêu và khổ. Nhưng lòng tôi không mảy may xúc động, ái ngại. Cũng như tôi cảm thấy là nàng khổ nhưng chính nàng không tự cảm thấy nỗi khổ của mình ra sao. Tôi bực mình vì có một sợi dây vô hình, vô lý vấn vít mình, dai dẳng.

Tôi săn sóc nàng lặt vặt, chiếu lệ vài việc, và chờ cho nàng ngủ thiếp đi xong, tôi trở ra cửa, sau khi nhét vào ví nàng một xấp tiền dày, với vài chữ bút chì nguệch ngoạc em nên về nhà của em.

Và tưởng như mọi chuyện như thế là xong đi được.

*


Mấy hôm sau, khoảng gần nửa đêm, tiếng người gọi cổng… Nàng ăn mặc giản dị như hồi mới gặp nhau, tay xách chiếc va-li thật nặng, dáng dấp nặng nề, mệt mỏi, vẻ mặt lo âu buồn bã, không nói năng đi thẳng vào dãy nhà dành cho bồi bếp.

Đó là buổi tối Chủ nhật, tôi cho bọn người làm nghỉ về nhà, để được cảm tưởng thảnh thơi một mình. Tôi cảm thấy bực mình và tổn thương vì bị xâm lấn đột ngột vào không khí đời sống riêng tư của mình. Dù có sao đi nữa, nàng cũng không thể cứ im và làm theo ý muốn như thế.

Tôi đi thẳng xuống nhà bếp. Nàng đặt chiếc va-li vào phòng xong, quay ra, nói thản nhiên:

"Em cần việc làm, em xin đến làm việc cho ông, ông cho ở, em sẽ không nhận đồng lương nào".

Tôi giật cánh tay nàng, soi mặt nàng vào ánh đèn vàng từ sân chiếu tới.

"Cô… làm cái gì kỳ cục vậy?"

"Em… không dám làm gì để phiền ông đâu, em chỉ xin đến làm cho ông. Em đã dò biết, bà vú già nhà này sắp thôi việc vì chồng bà ta bệnh nặng. Em sẽ thay thế và cố gắng làm hơn bà ta".

Tôi cảm thấy bị đánh bất ngờ mặt sau:

"Tôi… không cần người thay thế và cô… cô cũng không thể là người làm được".

"Hay là… ông sai em làm bất cứ cực nhọc khó khăn nào khác trong nhà này, miễn là cho em ở đây, một góc xó nào đó cũng được, bởi vì…"

Tôi ngắt ngang:

"Không được. Nếu cô muốn chỗ ở, tôi sẽ thuê hay mua cho cô, nhưng không thể ở đây".

Mặt nàng nhợt hẳn ra dưới ánh đèn.

"Không phải… ông bảo… em về nhà em… nhưng em không còn nhà, họ đã xua đuổi, ném đồ dơ vào em. Em cũng nghĩ, nhà em bây giờ chính là ông, dù ông có đối xử thế nào. Em chỉ xin một góc xó nào đó, để hằng ngày, nhìn thấy ông đi vào đi ra".

Tôi buông tay nàng:

"Em… sao vậy?"

Nàng bật lên khóc:

"Em không sao cả, em chỉ… yêu ông, muốn nhìn thấy ông, luôn luôn, ra vào, ăn ngủ, nói cười, dù rằng ông sẽ đi về với ai, sẽ lấy một người khác làm vợ, sẽ có những bà những cô khác làm người tình may mắn và xứng đáng".

Tôi sắp dịu xuống được vì tiếng khóc nhưng giọng kể của nàng làm tôi bực mình, thứ bực mình của kẻ bị dồn vào lối đi đã trốn tránh từ trước.

"Nghĩa là… cô muốn sống hẳn với tôi chứ gì?"

"Dạ, không phải, em chỉ xin làm bất cứ cái gì trong nhà ông".

Tôi cười nhạt. Nàng nói, kiên nhẫn khẩn khoản:

"Ông từ chối sao?"

"Thật khó xử quá! Thôi để rồi tôi sẽ liệu, em đóng cha cái cửa bếp lại giùm, kỳ quá, làm cái trò con khỉ gì vậy không biết. Lên phòng ngủ mà thay áo, tắm rửa, và em muốn như thế nào nữa cũng được".

Tôi quay vào, đi thẳng ra phòng đọc sách, và giở một cuốn truyện ra xem. Tôi nghe tiếng nàng lịch kịch bên phòng ngủ. Đèn tắt, rồi lại bật, nhiều tiếng động khác thay đổi tùy lúc, trong phòng. Tôi nghe ngóng được một lúc, rồi mỏi mệt, chán ngán, đóng cửa phòng thông sang bên ấy lại.

Tôi ngủ trong phòng khách suốt đêm.

Cách đó mấy tuần sau, có việc phải đi Năng Tu, tôi ghé thăm một bà cô họ xa ở đó. Bà ta ở một mình, vì không một người nào, kể cả chồng và con, dâu rể, chịu đựng nỗi tính tình khó khăn và cay nghiệt của bà ta. Một mình một khu vườn mênh mông xung quanh ngôi nhà cao rộng, bà ta vẫn tìm một người nào ở chung, hay một tên gia nhân nào chịu ở lâu dài, nhưng chỉ mới vài hôm là mỗi người đều khăn gói ra đi. Càng ngày hình như bà cô họ tôi càng trở nên quá quắt vì mặc cảm cô đơn và bị bỏ rơi. Tuy nhiên những tính tình kỳ cục quá đáng vẫn không thay đổi và bà ta vẫn tiếp tục một mình. Chỉ có tôi là chịu được bà, vì được bà vì nể, những lý do nào đó của tôi không cần biết, tôi là đứa cháu trai độc nhất của dòng họ, nên bà ta không bao giờ nhăn nhó với tôi. Vả lại, tôi cần cảm thấy được yên tĩnh và riêng tư, hoàn toàn một đôi giờ trong tầng nhà to rộng yên tĩnh của bà là đủ, với những thức ăn tươi ngon mà bà có sẵn sàng chìu chuộng khi tôi đói. Thỉnh thoảng tôi vẫn tới đó, như một trú ngụ lãng quên, khi có việc bực mình, chán nản, hoặc muốn tránh hẳn cái đám đông săn đuổi để khai thác hay theo dõi săn tin, trục lợi từ tôi.

Lần này tới, với một ý nghĩ tình cờ thoáng qua trên xe lửa, chỉ để thăm bà, thế thôi, tôi không có mục đích nào khác.

Và những tình cờ vẫn dẫn đưa tới những bất ngờ, may mắn hay buồn bực nào đó. Vừa tới nơi trông thấy vẻ mặt của bà ta từ thềm nhìn xuống, tôi đoán ngay là có việc gì thay đổi, quan trọng. Bà ta kéo tôi vào phòng khách, nói nhỏ với một vẻ bí mật thích thú và nôn nao trông thấy.

"May quá, cô đang trông thì cháu lại, thật có duyên".

"Cô chia gia tài cho cháu đó à?" Tôi hỏi đùa.

"Hơn cả gia tài, món này ngon đặc biệt, mà chắc chắn là cháu sẽ thích".

Bà nói thêm, một vẻ khác thường, tinh nghịch từ lâu không thấy trên vẻ mặt đăm đăm khó khăn của bà.

"Đúng là món khoái khẩu của cháu".

"Thì vẫn món bắp non đút lò hay là măng tươi sốt trắng của cô chứ gì?"

Bà ta xua tay:

"Cháu tệ thế, cháu chỉ tưởng đến như vậy thôi à, cháu khinh thường cô quá, khinh thường đời sống và những bất ngờ thú vị quá".

Tôi nói quanh quẩn vài thứ khác cho bà ta vui lòng, nhưng bụng dạ còn để đâu không nghe những lời mình và người khác nói gì hết.

Nhưng trong bữa cơm tối, thì vẫn những món tôi thường dùng mà bà dọn khi tôi tới bất ngờ. Suốt bữa cơm, bà như nao nức đợi chờ một điều gì.

Tôi ăn cho qua bữa và định ăn xong sẽ đi dạo một vòng đêm quanh những con đường vắng ven hồ. Trời hình như sắp sửa một cơn mưa bụi nhỏ.

Đến món tráng miệng, bà cô vào bếp một lúc lâu mới trở ra.

"Nó sẽ bưng ra cho con món bánh khoai môn tím ngay bây giờ".

"À, ra vậy, cô mới tìm được người làm vừa ý".

Cánh màn phòng ăn lay động và vén lên dưới ánh sáng rung rinh của ngọn đèn phòng trong chiếu lại. Một cánh tay mịn màng chuồi ra khỏi tấm màn với dĩa thức ăn còn bốc hơi nóng.

Người con gái cúi đầu đi gần mãi lại phía tôi cho đến khi tôi nhận ra cánh tay với vết nốt ruồi nâu. Sơn Chi. Tôi bàng hoàng bực tức lẫn lo âu, nhưng bà cô không để ý gì hết, chỉ nhìn cô gái mới tới với vẻ bằng lòng đặc biệt.

"Cô ta thật ngoan ngoãn dễ thương và lo việc chu đáo".

Hình như da mặt tôi lúc đó căng lên, khắp đầu bừng bừng một thứ lửa hay một thứ máy nỏng nảy kỳ dị. Tôi muốn đạp phăng đi một cái gì, muốn bứt bỏ một cái gì, nhưng mọi sự chỉ trong lặng câm chịu đựng.

Đứng sau lưng bà cô, nàng ra dấu cho tôi là đừng tỏ cho bà ta biết liên hệ thế nào giữa chúng tôi. Quả tình là tôi cũng chỉ mong vậy. Cho nên ăn vài ba muỗng khoai là tôi đứng dậy ra khỏi bàn ăn. Bên ngoài cửa sổ, đêm đen từ bao giờ và trời như bốc lên khắp nơi một thứ hơi lạnh bứt rứt làm buồn bã thao thức.

"Cháu muốn dạo quanh hồ một lúc".

"Sao cháu không bơi thuyền một lúc rồi trở về. Cô sẽ cho gọi thuyền lại sẵn dưới bến ngay. Cháu không đi một mình chứ?"

Tôi muốn trút tất cả nỗi bực tức nơi nàng, và muốn có ngay một dịp để bày tỏ những giận dữ không duyên cớ.

"Nếu không cần cô gì đó ở nhà giúp cô, thì cháu sẽ đưa cô ấy theo một lát. Cháu sẽ về ngay, mai sẽ lên tàu sớm".

"Thì cô chỉ mong có thế thôi, cô Sơn Chi đi thay quần áo dạo hồ với cậu Hai đó nghe".

Nàng dạ nhỏ một tiếng, như nghẹn ngào, và lùi vào sau bức màn.
Nguồn: Bóng lá hồn hoa, truyện của Nguyá»…n Thị Hoàng, mẫu bìa Duy Thanh, in tại nhà in riêng của Văn, 38 Phạm NgÅ© Lão, Sài Gòn. Phát hành ngày 15-7-1973. Số lượng 4000 cuốn. Giấy phép xuất bản số 2366/PTUDV/KBCNT/KSALP, Sài Gòn ngày 28-6-1973. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.