trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
10.10.2008
Lê Nhã Quế
Tản mạn về lẽ tương đối ở đời
 
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
(Châm ngôn của nước Việt Nam độc lập)

Con người vốn sinh ra trong niềm khao khát về sự tuyệt đối, lại phải sống trong cõi đời, mà cái gì hầu như nó cũng rất tương đối.

Tôi không có ý định sắp nói về Thuyết Tương đối trong khoa Vật lý học, là cái mà các nhà khoa học đã nói rất hay. Tại đây, nhơn đọc lại bài “Lược giải về thuyết tương đối” của ông Phạm Xuân Yêm đăng trên talawas tháng trước, bỗng dưng trong tôi nảy ra cái ý nghĩ sẽ viết một bài để nói về cái lẽ tương đối ở đời, cuộc đời mà một người năm nay đã gần 57 tuổi đã được Trời cho sống qua.

Tôi phải mượn câu châm ngôn (motto) của nước Việt Nam độc lập để dẫn vào suy nghĩ, vì tin rằng 5 món bảo vật dân chủ, cộng hoà, độc lập, tự dohạnh phúc là những thứ mà dân tộc nào cũng ước ao muốn có được, chớ không phải riêng gì người dân Việt Nam của mình.

Một nhà chánh trị Mỹ thời lập quốc từng nói: “Tự do hay là chết.” Hằng nhiều triệu người trên khắp thế giới đã nói những câu tương tự bằng hành động.


Năm món bảo vật

Dân chủ

Mỹ là nước đầu tiên trên thế giới theo thể chế dân chủ. Ý niệm căn bản của người Mỹ về dân chủ là “nhân dân Mỹ có một chính quyền”. Ý niệm nầy trái hẳn với ý niệm căn bản của các thể chế quân chủ hay độc tài là “vua hay chính phủ có [thần] dân.”

Trong chế độ dân chủ không có việc “chính quyền lấy dân làm gốc” hay “chính quyền dựa vào dân”. Chế độ dân chủ không cho phép chính quyền “dựa vào dân” hay thậm chí “lấy dân làm gốc” để thực hiện cái “vision”, cái “sứ mạng”, cái “lý tưởng” riêng của chính quyền; dù cho sứ mạng, lý tưởng đó là “bảo vệ dân”, “cơm no áo ấm cho dân” hay là “hạnh phúc đời đời cho các thế hệ mai sau” của dân...

Trong chế độ dân chủ, dứt khoát chính quyền không được phép có “vision”, hay “sứ mạng”, hay “lý tưởng cao quý” riêng của mình: trong chế độ dân chủ, chính quyền là công cụ của dân chúng để thực hiện “vision”, sứ mạng, lý tưởng... của dân chúng. Nói cách khác, trong chế độ dân chủ, chính quyền là công cụ để thực hiện ý muốn của dân chúng. Dân chúng “cho biết” ý muốn của mình qua những người đại diện của họ tại quốc hội, cũng như qua công luận.

Nhưng “cây” dân chủ thực ra đã nẩy mầm và lớn lên mạnh mẽ là nhờ được ương trong vùng đất đã được tưới tắm bằng bằng cái tố chất thứ hai sau đây, lại còn quan trọng hơn. Chúng ta biết rằng đa số dân chúng Mỹ — ít nhất là cũng vào cái thời của các nhà “Tiền phong”, các nhà “Phản kháng” và các nhà “Thanh giáo” — theo Tin Lành, mà kinh sách của đạo nầy thì dạy rằng con người ta vốn luôn luôn bất toàn, yếu đuối, đặc biệt là luôn luôn có khuynh hướng phạm tội “thờ lạy hình tượng”, là một trong các tội chí mạng (deadly sins) mà Kinh Thánh (khác với 7 tội chí mạng của các giáo hội) nghiêm cấm phạm phải.

Do việc nhận biết mỗi người sinh ra trên mặt đất nầy đều luôn luôn bị vây lấy bởi sự bất toàn, yếu đuối, sai lầm, và đồng thời cũng bị nghiêm cấm không được tôn thờ hình tượng — mà các “vĩ nhân”, “anh hùng”, “hiền giả”, “thánh”... xưa nay vốn là những hình tượng thông dụng — nên đại đa số nhân dân Mỹ không bao giờ “tin tưởng tuyệt đối” vào sự lãnh đạo “tuyệt đối đúng đắn” của bất kỳ người nào, hay bất kỳ tổ chức nào do con người lập ra. Họ cũng không “tuyệt đối tin tưởng” vào “lòng nhân ái vô biên”, hay “trí tuệ cực kỳ sáng suốt”, hay “đạo đức hoàn toàn trong sáng”... của bất kỳ “nhà lãnh đạo kiệt xuất” nào trên mặt đất nầy. Bởi vì sự sùng bái cá nhân, tôn thờ lãnh tụ và “chủ nghĩa anh hùng” là kẻ thù chí tử, không đội trời chung của dân chủ.

Và cũng vì không thể “tuyệt đối tin tưởng” vào sự “cực kỳ sáng suốt” và “tuyệt đối đúng đắn” của các nhà lãnh đạo và chính quyền, nên nhân dân Mỹ đã, thông qua Quốc hội Mỹ, đặt ra luật lệ nhằm chế tài chính quyền Mỹ. Luật pháp Mỹ không cho phép Hành pháp Mỹ bị sự cám dỗ đương nhiên mà kiếm cách thâu tóm mọi quyền hành vào tay mình, vì như đã có người nói: “Quyền hành làm hư hỏng con người, quyền hành càng tuyệt đối, sự hư hỏng càng tuyệt đối.” [1]

Cộng hoà

Một số sách định nghĩa cộng hoà “là một thể chế chính trị trong đó chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân”. Định nghĩa nầy cho thấy “dân chủ” là một yếu tố quan trọng của “cộng hoà”. Trong cộng hoà, như thế, ắt phải có dân chủ.

Nhưng cộng hoà không thể chỉ có dân chủ, vì nếu chỉ là dân chủ, thì “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” sẽ thành ra “Việt Nam Cộng hoà” rồi. Tôi áng chừng trong cộng hoà chắc phải có thêm một yếu tố quan trọng, đó là bình đẳng, bởi vì cộng hoà rất đối lập với phong kiến. Thời Việt Nam Cộng hoà mới thành lập, dầu còn nhỏ, tôi đã thường nghe nhắc đến câu “diệt phong kiến bóc lột”, mà “phong-ấp kiến-địa” thì đương nhiên là bất bình đẳng rồi.

Ở Pháp, chữ “Bình đẳng” cũng được nêu cao không lâu sau Cách mạng 1789. “Tự do – Bình đẳng – Huynh đệ” / “Liberté – Egalité – Fraternité” đã trở thành châm ngôn của nền chính trị Pháp gần hai trăm năm nay. (Thời gian đầu, ở vị trí của chữ “Fraternité” là chữ “Charité” – “Bác ái”). Ở Mỹ, bình đẳng cũng là một trong những ý niệm chính xây dựng nên Tuyên ngôn Độc lập, đi chung với ý niệm về “Các quyền”. Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln trong một bài diễn văn nổi tiếng gọi là Diễn văn Gettysburg [2] , cũng nhắc lại ý đó khi nói rằng: “Tám mươi bảy năm trước đây, tổ tiên chúng ta đã khai sinh trên lục địa nầy một quốc gia mới, hoài thai trong tự do, và cung hiến cho cái ý niệm đã được công bố long trọng rằng mọi người đều đã được sinh ra bình đẳng.” [3]

Nhưng các khẩu hiệu đề cao bình đẳng không thể hứa hẹn, hay mong dẫn ai đến niềm tin về một sự “bình đẳng tuyệt đối” trong xã hội loài người. Các khẩu hiệu nầy kêu gọi xã hội, trong những lãnh vực, thường là thuộc về lãnh vực con người tạo ra và có thể can thiệp vào được, làm mọi cách để chấm dứt, hoặc giảm thiểu, sự bất bình đẳng ghê ghớm đến phi lý và độc ác, ở khắp mọi nơi, vào khắp mọi thời.

Sứ mạng của chế độ cộng hoà là xây dựng một xã hội càng ngày càng bình đẳng hơn, và chế độ cộng hoà, nói chung, là đã rất thành công. Nhưng chế độ cộng hoà cũng không thể nào đem lại sự tuyệt đối bình đẳng cho mọi người. Ngay cả câu “... mọi người sinh ra dưới trời đều bình đẳng” của Abraham Lincoln cũng là một câu nói sai, nếu hiểu theo nghĩa tuyệt đối, dù chỉ là bình đẳng về quyền lợi. Ở dưới vòm trời nầy, đất đai đã không bình đẳng, thì làm sao những người sinh ra trên những miền đất khác nhau lại bình đẳng được. Tôi là người yêu mến Thiên Chúa, nhưng tôi không thể nói bênh cho Ngài rằng Ngài đã dựng nên mọi người bình đẳng (“all men are created equal” – lời của Abraham Lincoln). Cả Kinh Thánh không đâu nói Thượng Đế đã dựng nên mọi người bình đẳng. Nếu Thượng Đế dựng nên mọi người bình đẳng, bình đẳng tuyệt đối, thì theo tôi, ắt sẽ là bất công ghê ghớm lắm. Chẳng lẽ nào đứa con của một người ném sạch tiền bạc vào các cuộc ăn chơi trác táng, cả đời chỉ chuyên đi hành hạ xã hội, lại được sanh ra cùng phòng và được đãi ngộ như con trai của một người suốt đời sống đạo đức, làm ăn chân chỉ để dành tiền và suốt đời tìm sự tốt lành cho người đồng loại mình? Tôi không đủ tri thức để hiểu biết và khả năng để cắt nghĩa tại sao Thượng Đế lại dựng nên con người bất bình đẳng, nhưng thực tế là tôi thấy con người sinh ra đâu đâu cũng có kẻ cao người thấp, kẻ xấu người đẹp, kẻ thông minh, người chậm trí, kẻ khuyết tật người nguyên tuyền, kẻ “tiên thiên mãn túc” người “tiên thiên thất nghì”...

Tận dụng mọi biện pháp để xây dựng một xã hội bình đẳng tuyệt đối sẽ làm hại xã hội. Nhìn biết giới hạn tương đối của con người và cố gắng để làm cho xã hội càng ngày càng bớt bất công sẽ xây dựng một xã hội lành mạnh hơn. Lâu năm về trước, tôi có nghe một chính khách của khối Thịnh Vượng Chung nói câu nầy, như một lời quote từ Winston Churchill, trong một bài diễn văn: “Đang khi những người cộng sản nỗ lực ngày đêm để phân chia cái nghèo ra cho mọi người một cách đồng đều, chúng ta hãy tìm cách làm cho mọi người đều được giàu hơn lên, dầu cố nhiên, là không thể nào đồng đều được.”

Độc lập

Các thi nhân đã từng nhắc chúng ta những câu nầy, nghe rất hay:

Emerson:

All are needed by each one;
Nothing is fair or good alone.

Và Burns:

God never made an independent man;
Twould mar the general concord of His plan.

Mỗi người không thể sống một mình. Loài người không thể sống hoàn toàn độc lập nhau. Không có dân tộc nào, nhứt là thời nay, mà lại tồn tại độc lập tuyệt đối.

Tất nhiên không có dân tộc nào chịu làm nô lệ hay muốn lệ thuộc dân tộc khác. Mọi dân tộc đều chấp nhận hy sinh xương máu để cho được độc lập. Chỉ có điều thực tế phải nên nhìn nhận là không có sự độc lập tuyệt đối. Quốc gia nào cố sức để tiến đến mức độ độc lập gần với tuyệt đối sẽ thành ra cô lập, như Bắc Hàn chẳng hạn, sẽ khổ sở.

Ông cố tôi nghèo nhưng đông con. Ông bắt các bà con gái của ông thức khuya dậy sớm, nuôi tằm ươm tơ, làm việc cực khổ để 3 người con trai nhỏ nhất của ông được ra Hà Nội học. Rốt cuộc, người thứ nhất “xuất dương” năm 1943 và về sau có học vị tiến sĩ, nhưng sống lặng lẽ ở nước ngoài, không giúp gì được cho gia đình, hay báo đáp được gì cho các bà chị đã hy sinh cho mình hết. Người thứ hai theo Quốc dân Đảng và bỗng nhiên “biến mất” trên đường từ Trung ra Bắc, nghe nói là trong thời gian Hồ Chủ tịch đang thương nghị bên Pháp. Gia đình có tìm cách báo tin cho Cụ Huỳnh [4] biết, nhờ Cụ tìm kiếm và can thiệp nhưng Cụ không tìm thấy. Người thứ ba bị Việt Minh xử tử công khai tại tỉnh nhà. Người nầy bị khép án “Việt gian phản động” vì đã nói những câu nầy: “Độc lập bánh vẽ!... Sau thế chiến hai, mấy nước nhỏ như nước mình, hoặc đứng bên nầy, hoặc đứng bên kia, chớ có nước nào độc lập hoàn toàn đâu. Nhưng giả dụ, nếu phải lệ thuộc hay làm tôi tớ ít lâu, thì nên làm tôi tớ cho Mỹ, khi đói còn có được khúc xương để gặm, chớ tôi tớ cho Nga với Tàu thì cả đến xương chúng cũng không có để gặm, lấy gì mà cho mình.”

Người nầy đã bị những đứa con của “Độc lập hoàn toàn”, “Độc lập trọn vẹn” và “Tuyệt đối độc lập” giết chết.

Hồi còn chiến tranh, nhân dân, nhứt là sinh viên miền Nam tin rằng miền Bắc là độc lập hoàn toàn, độc lập tuyệt đối. Miền Bắc đang có được cái mà miền Nam chưa bao giờ được nếm thử. Sau nầy chúng ta biết rằng cả hai miền Nam Bắc đều chưa bao giờ được thực sự hay hoàn toàn độc lập. Nhiều khi suy nghĩ, tôi thấy Cụ Ngô [5] dường như thực tế và gần với lẽ tương đối ở đời hơn Cụ Hồ. Cụ Ngô, so với Cụ Hồ, cũng thành thực với dân hơn, không giấu kỹ cái “độc lập tương đối” của mình. Mười mấy năm trước, tôi có đọc được trong thư viện của một trường kia, các bài diễn văn hàng năm về Kế hoạch Ngũ niên của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Tôi nhớ đến mấy lần, trong những câu cuối cùng Tổng thống Diệm thường kêu gọi “quốc dân đồng bào” chăm chỉ làm việc, thực hành tiết kiệm để phát triển kinh tế, vì chỉ có khi nào nước nhà giàu mạnh về kinh tế thì mới độc lập được, mới thoát khỏi “cái nhục nô lệ” được.

Tổng thống Diệm, ý tôi muốn nói, không che giấu cái sự thực về sự “độc lập tương đối” của miền Nam. Nếu ông còn sống thì ông cũng sẽ thấy rằng trên cả thế giới ngày nay, chẳng nước nào là “độc lập tuyệt đối” cả. Trong cái độc lập tương đối ấy, mỗi dân dân tộc đều cố gắng làm sao để mỗi ngày càng ít bị lệ thuộc hơn, càng được độc lập hơn, là quý lắm rồi.

Ở cõi đời vay mượn nầy không có chỗ cho tuyệt đối. Cực đoan, kể cả cực đoan về độc lập, chỉ làm khổ con người.

Tự do

Hồi nhỏ, do hoàn cảnh gia đình, tôi phải về sống với cậu mợ tôi. Cả hai cậu mợ tôi đều là những người tốt, thương cháu hết lòng, nhưng đã ban hành những luật lệ nghiêm khắc. Sau nầy khi lớn lên tôi mới biết rằng những luật lệ đó là những luật lệ thông thường ở một gia đình có học. Cậu tôi là một nhà giáo. Ý ông muốn tôi sống kỷ luật, hầu sau nầy có thể học hành nên người, và thoát khỏi khổ sở. Nhưng đối với đám trẻ chăn trâu chúng tôi (ở quê tôi, trẻ con ngồi trên lưng trâu suốt ngày, như trẻ con Mông Cổ ngồi trên lưng ngựa vậy), những luật lệ như vậy là không chấp nhận được. Tôi oán giận cậu mợ tôi. Nghe lời đám bạn chăn trâu, tôi cứ chống trả và thường nói hành sau lưng cậu mợ tôi. Tôi thầm ước mơ sau nầy có đủ điều kiện tôi sẽ “thoát ly gia đình” và sống một đời sống tự do, “muốn làm gì thì làm”.

Một hôm do chống trả luật lệ, tôi tưởng sẽ bị đòn đau, nhưng lần đó cậu tôi không đánh. Ông dành ra gần một giờ để giải thích cho tôi lý do tại sao lại phải sống kỷ luật như vậy. Đây là lần đầu tiên tôi thật cảm động và thấy cậu mợ tôi đúng. Dầu vậy, sau cùng khi mợ tôi bất ngờ hỏi tôi: “Vậy chớ cháu muốn cái gì?” Thấy không khí tự nhiên cởi mở tôi trả lời: “Cháu muốn cháu được tự do làm theo ý cháu. Cháu muốn làm cái chi cháu thích, muốn chi làm nấy.”

Cả nhà nghe câu nói của tôi thì đều cười. Cậu tôi cũng cười, nhưng sau đó cậu nói: “Như vậy cháu sẽ rất khổ sở.” (???) “Bây giờ cháu chưa hiểu. Lớn lên cháu sẽ hiểu. Bấy giờ cháu còn phải nặn óc để soạn ra các luật lệ để hạn chế cháu những điều cháu thích. Đó là tự kỷ luật. Tự kỷ luật mới sống được. Như cậu đây, cậu phải tự đặt ra kỷ luật cho cậu và cậu phải cố gắng sống kỷ luật từng ngày.”

Không bao lâu sau thì chiến tranh lan đến làng tôi. Tôi phải bỏ chạy ra thành phố và bắt đầu tự lập. Tôi sống ở “trại tỵ nạn” nhưng cũng phải làm thêm mấy nghề nữa, như nghề lặn sông xúc hến, mới có đủ tiền đi học. Cuộc sống tự lập khiến tôi thành người lớn rất mau. Những điều cậu tôi nói được “ứng nghiệm”. Tôi không thể sống sót (survive) bằng sự tự do vô kỷ luật được. Tôi mua một quyển sổ tay, lập thời khóa biểu làm việc, ghi ra những luật lệ phải theo, chép vào đó những câu danh ngôn, những lời dạy từ sách “Học làm người”, và những kỷ luật cần phải theo. Một hôm có người bác họ của tôi đến thăm tôi tại trại, ông mở sổ tay của tôi ra coi và ông thốt lên: “Ôi, cái thằng nầy nó trưởng thành dễ sợ.”

Như vậy, có hai sự kiện liên quan đến tự do:

Một, cá nhân hay dân tộc nào hưởng được tự do sẽ mau trưởng thành. Sống lâu dưới sự giám hộ và quản lý chặt chẽ sẽ giữ người ta trong tình trạng trẻ con hay lớn lên như người “thiểu trí năng”. Một trong những “mẹo” để lượng định về sự trưởng thành của một dân tộc là nhìn xem cách mà họ kỷ niệm sinh nhật hay lễ tang của lãnh tụ họ. Khi tôi được xem khúc video về lễ tang của ông Kim Nhật Thành thì (nói xin lỗi) tôi không thể nào nhịn cười được. Cái cảnh tướng tá, nhân sĩ, già trẻ lớn bé (tôi không hiểu làm sao những trẻ em bé tí như vậy mà đã hiểu được công đức của ngài Kim) cả nước khóc bò lăn bò càng, trông thê thảm và lạc hậu hơn cả đám tang của... vua Thiệu Trị. Vậy mà quốc vương Sihanouk ngày xưa cứ khen lấy khen để chế độ của ông Kim, nói rằng nếu không phải là cả nhân dân Triều Tiên đang sống trong thiên đàng, thì ít nhứt cũng là thiếu nhi Triều Tiên, các em, các em đang thật sự được sống trong “thiên đàng của tuổi thơ”!

“Thiên đàng của tuổi thơ”! Không phải chỉ là các em bé, mà cả nhân dân Bắc Triều Tiên đã sống, dầu khá đầy đủ dưới triều Kim Nhật Thành, trong một cái nhà trẻ của của vị lãnh tụ, hay đúng ra là ông vua, “muôn vàn kính yêu” họ Kim cai quản.

Dưới chế độ quân chủ, cuộc sống, sinh mệnh, và tương lai của toàn dân hoàn toàn tùy thuộc vào nhà vua. Gặp được một ông vua anh minh, một ông vua biết canh tân, “đổi mới” thì nhân dân nhờ, gặp ông vua bất tài và bảo thủ thì nhân dân đành phải chịu. Dưới các chế độ độc tài cũng vậy. Tất cả đều tùy thuộc vào lãnh tụ. Trong các xứ sở dân chủ tự do, dân chúng “quản lý” nhà nước thông qua quốc hội, bắt nhà nước làm theo ý dân, trong các xứ sở độc tài, nhà nước, cũng thông qua Quốc hội, nhưng quốc hội của Nhà nước, đặt ra luật lệ để, quản lý dân, bắt dân làm theo ý nhà nước, theo ý lãnh tụ. Một dân tộc đã có phần nào trưởng thành, mà được quản lý kiểu nầy thì họ cứ tấm tức sống trong khổ sở và sỉ nhục. Họ thấy họ là nô lệ ngay trong xứ sở của họ. Điều nầy khiến cho họ mất cả lòng yêu nước chân thật, vì họ thấy đất nước là đất nước của “nhà nước”, của những kẻ cầm quyền, chớ không phải của họ.

Loại nhà nước kiểu nhà trẻ nầy thường dẫn dân đến việc tha hóa rượu chè, ăn cắp, phá phách của chung, như đám trẻ con hư. Khi đám “thiếu nhi” nầy đến tuổi “thiếu niên” thì chúng sẽ nổi loạn. Bạo loạn nổ ra, đám dân mất tự do lâu ngày sẽ là đám thiếu niên cầm lửa, đốt cháy xã hội, gieo rắc sợ hãi. Bấy giờ nhà nước lại có dịp bày tỏ “chính nghĩa” truyền thống của mình một lần nữa, bằng cách thẳng tay đàn áp để ổn định trật tự, lập lại một cách vững chắc và khắc nghiệt thứ nhà nước kiểu nhà tù.

Nhiều người lo sợ sẽ có rủi ro nếu cho nhân dân tự do, như sợ để cho con nít cầm dao. Hãy xem nước Mỹ. Hơn hai trăm năm qua, chưa đảo chánh một lần. Tự do và dân chủ làm cho dân tộc mau trưởng thành mà cũng còn có khả năng tiêu diệt các mầm mống của giặc giã, vì nhân dân chẳng có cớ gì để làm loạn. Giả định như có một ai đó muốn làm cách mạng để “phá bỏ xiềng xích”, thì cũng sẽ không kiếm ra người ủng hộ, vì làm sao có thể chỉ ra xiềng xích để kêu gọi phá bỏ.

Hai, cá nhân nào và dân tộc nào được hưởng tự do sẽ mau chóng biết tự kỷ luật. Tự do làm cho trưởng thành, và nhờ trưởng thành, họ bắt đầu biết tự kỷ luật. Người trưởng thành biết rằng trong cái thế giới của những con người “sa ngã” và “yếu đuối” nầy không có chỗ cho sự tuyệt đối. “Tự do tuyệt đối” theo kiểu “nghiêm cấm mọi sự cấm đoán / il est interdit d’interdire” hay “flower power and free love" của một người, sẽ xâm hại đến người khác, tàn phá chính mình, và đặt chính người đó vào hoàn cảnh không thể sống được. Các phong trào Tự do Tuyệt đối ở Pháp và Hippy ở Mỹ hồi thập niên 60 của thế kỷ trước không cần đến ai phải đánh dẹp, vì chính nó đã không thể tự sống nổi.

Cách đây mấy năm một vị mục sư theo giáo phái Baptist, cai quản một nhà thờ đông hơn 20.000 giáo dân, đã nói rằng trong vòng các tín đồ của ông có khá đông thành phần trước đây là Hippies. Bây giờ họ là thành phần rường cột của Hội Thánh vì họ thật sự kinh nghiệm sự biến cải. Họ trưng dẫn lời Kinh “everyone who sins is a slave to sin” và nói rằng sống trong buông thả theo kiểu “tự do tuyệt đối” thực ra là nô lệ.

Ông cũng nói bây giờ những cha mẹ thuộc giới nầy rất chăm lo cho con, dạy con kỹ lưỡng, vì họ sợ con cái họ sa vào con đường “tự do không biên giới” của họ ngày trước.

Như thế, tự do mà nhiều dân tộc tại Âu, Mỹ, Úc, ngày nay đang được hưởng là thứ tự do tương đối. Đây là thứ tự do lành mạnh mà những người trưởng thành đã biết xài dùng sự tự do mà mình có, để hạn chế nó lại đến mức độ tương đối, để có thể hưởng các phúc lợi của nó, trong cái thế giới tương đối nầy.

Hạnh phúc

Thỉnh thoảng tôi nghe có người nói đến “hạnh phúc tuyệt đối”, “hạnh phúc ngút ngàn”, “hạnh phúc vượt không gian thời gian”... Riêng tôi, thú thật, tôi chưa bao giờ trải nghiệm những hạnh phúc đó.

Ơn Trời, tôi đã và đang được hưởng những năm tháng hạnh phúc. Ngày nay, nhiều khi để mắt nhìn lui lại cả cuộc đời, tôi thấy cuộc đời tôi tuy trải qua nhiều nổi gian truân, nhưng đẹp đẽ lạ lùng.

Hiện nay tôi đang sống hạnh phúc. Nhưng phải nói rằng cái hạnh phúc mà tôi được Trời cho “enjoy” đây rất là tương đối. Nó tương đối, vì đó thực sự vẫn còn là cái hạnh phúc rất “người ta” và vẫn còn cột buộc nhiều vào với không gian và thời gian.

Như bảng liệt kê những yếu tố của hạnh phúc dưới đây, mà chắc quý vị có thể thấy ngay, gồm phần lớn là những thứ rất mong manh, rất hay dời đổi, có đó mất đó, nếu Trời không giữ cho:
  1. Cơm ăn. Được ăn khi đói
  2. Nước uống. Được uống khi khát
  3. Giấc ngủ. Được ngủ ngon ban đêm
  4. Sức khỏe. Được mạnh khỏe
  5. Có chỗ ở đầy đủ tiện nghi, an toàn và yên tĩnh
  6. Được nhìn nhận giá trị
  7. Được yêu thương
  8. Được có một mục đích rõ ràng cho đời sống
  9. Có được người phối ngẫu mà mình hết lòng yêu, và hết lòng yêu mình
  10. Được thỏa mãn về tình dục
  11. Được yên tâm về một tương lai tươi sáng
  12. Con cái được thành đạt và hạnh phúc
  13. Được cảm thấy an toàn, thơ thới trong tâm hồn
  14. Được có tiếng tốt lâu dài. Được nổi tiếng càng tốt
  15. Được tự do (không bị câu thúc) về tâm lý
  16. Được giao thông với thế giới bên ngoài; không cô độc, đơn chiếc
vân vân...

Đó thật ra là những thứ bình thường, bình thường đến tầm thường, của cuộc sống nhân thế, nhưng tôi không biết có hạnh phúc nào trên đời nầy mà hoàn toàn không còn liên hệ với những thứ nầy hay không. Tôi không biết có người nào vẫn cứ tiếp tục hạnh phúc, và tìm thấy hạnh phúc tràn trề trong cơn đói rát ruột, hay cơn khát cháy cổ. Tôi không biết có người nào vẫn cứ cảm thấy hạnh phúc, hạnh phúc tràn trề trong cơn hành hạ của bướu ung thư và cứ kể như là nó không hề hiện hữu. Tôi không biết có ai sẽ không hề buồn đau khi bị hắt hủi tình yêu, không bị thương tổn khi mình bị xem là đô vô dụng, hay tệ hơn nữa, đồ ăn hại xã hội, là của nợ mọi người. Ai sẽ không hề cảm thấy cô đơn khi mình bị hoàn toàn cách ly với cõi sống? Không bối rối khi thấy đời mình chỉ là cuộc sống thừa vô mục đích, tương lai mình là đêm tối mù mịt, là vực thẳm không đáy? Ai sẽ không thấy buồn đau khi con cái mình ngã chết trước mắt mình, hay thấy chúng đang kéo lê những năm tháng mỏi mòn bất hạnh?

Ngày hôm qua khi vừa thoáng thấy trên talawas bài viết về Trần Đức Thảo, tự nhiên lòng tôi chùng xuống. Những tên tuổi của Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Hãn, Hồ Hữu Tường... là đầu đề của những câu chuyện không bao giờ dứt trong những bữa cơm chiều của cậu mợ tôi ngày xưa. Ngày xưa, đó là những con người mà cậu tôi kính phục đến độ sùng bái. Ngày nay khi nghe đến những người nầy, lòng tôi tự hỏi không biết những bộ óc lớn nầy đã suy nghĩ những gì trước những đau khổ của cuộc đời? Tôi có khi tự hỏi triết gia Trần Đức Thảo đã cảm thấy như thế nào khi bị vợ mình bỏ mình để đi lấy bạn mình? Ông có đau buồn không? Nhà học giả Nguyễn Mạnh Tường đã suy tư những gì khi thấy con cái mình chẳng có cơ hội tiến thân? Ông có khổ tâm không? Tôi không tin rằng hai vị ấy đã từng có những cảm nghĩ hạnh phúc khi suy nghĩ, hoài niệm đến những điều đó. Những điều đó chắc chắn không thể làm cho chiếc gối đầu giường của hai vị nầy được êm ái trên giường chết. Tôi có thể rất khâm phục tài học của các vị đó, nhưng tôi không muốn một đứa con nào trong các đứa con tôi sẽ tái hiện cuộc đời của họ. Đối với tôi, đây là những cuộc đời bất hạnh.

Nhơn tại đây tôi xin phép được trả lời sự thắc mắc của một vài bạn về sự thiên vị cho văn hóa phương Tây của tôi. Thật ra, tôi không hề mê tín gì văn hóa phương Tây. Văn hóa nào thì cũng là văn hóa của con người, nên cũng đầy rẫy khuyết điểm, y như con người vậy. Điều đã khiến tôi quý mến văn hoá ấy chính bởi văn hóa ấy có chịu ít nhiều ảnh hưởng của của Kinh Thánh — đúng hơn, chịu ảnh hưởng của nhà thờ — nên quan tâm đến những nhu cầu rất thông thường, rất thực của con người, hay ít ra là cũng của đa số người.

Trở lại với câu khẩu hiệu “... Hạnh phúc” của nước Việt Nam độc lập. Câu khẩu hiệu nầy làm cho tôi suy nghĩ đến bản chất tôn giáo của Nhà nước Việt Nam, và của các nhà nước cộng sản. Theo tôi, có hai điều mà chỉ có tôn giáo, chớ không phải nhà nước, mới quy định hay bàn đến, đó là vấn đề mục đích của đời người, và hạnh phúc cá nhân. Một nhà nước gọi là dân chủ tự do không có phép quy định cho người dân mục đích của đời sống, nghĩa là quy định đời người dùng để làm gì. Khi một nhà nước mà quy định cho dân “sống (hay chết) vì Thượng đế”, “sống cho tha nhân”... thì đó là nhà nước thần quyền, và khi một nhà nước quy định cho dân phải “sống (hay chết) vì tổ quốc”, “sống vì nhân dân” thì đó là nhà nước độc tài. Đúng ra, cả hai đều là nhà nước độc tài.

Nhà nước Mỹ chỉ có thể bảo đảm đủ hamburger, cánh gà chiên, bánh mì cho nhân dân Mỹ ăn để sống, và health care để cho dân Mỹ sống khỏe mạnh, chớ không thể quy định cho nhân dân Mỹ sống để làm gì. Nhà nước Mỹ có thể bảo đảm cho nhân dân Mỹ quyền được tự do mưu cầu hạnh phúc, chớ không thể chỉ định thế nào là hạnh phúc, và bảo đảm hạnh phúc cho họ. Nhà nước nào làm như vậy là nhà nước tôn giáo hay nhà nước độc tài.

Có vô vàn người Mỹ ngày nay đang bối rối và mù mịt hoàn toàn về mục đích của đời sống. Lịch sử của cuộc đời họ đơn giản chỉ là một bảng tổng kê số hamburger họ ăn, cà phê họ uống, áo quần họ mặc, giày dép họ mang, xe hơi họ lái, nhà cửa họ ở, tiền bạc họ tiêu xài... Có người đã nói: “Nhân dân Mỹ hiện nay đang cần một bản tín điều và một bài ca”. Ý câu nầy muốn nói là dân Mỹ hiện đang cần một sự hiểu biết về mục đích của đời sống, đặng sống cho có ý nghĩa, đặng khỏi hoang phí cuộc đời, và cần hạnh phúc. Nhưng chỉ cho họ về mục đích của đời sống là sứ mạng của tôn giáo, chớ không phải của chính quyền. Tôn giáo phải chỉ điều này cho dân chúng trong bối cảnh tự do. Tự do tin hay không tin. Tự do tiếp nhận hay từ chối. Một khi tôn giáo — kể cả đạo Vô Thần — dựa vào chính quyền, hay chính quyền cậy nhờ tôn giáo, để chỉ cho dân chúng về mục đích của đời sống, thì đó là sự độc tài.


Ước vọng về cái tuyệt đối

Nhưng ước vọng, hay nói đúng ra là nhu cầu sâu xa cần được thỏa mãn, là nhu cầu về cái tuyệt đối, cũng như nhu cầu về sự bất tử, vẫn có đó và còn đó trong mỗi người. Một câu Kinh đã nói rất hay: “He has also set eternity in the hearts of men” (Ecclesiastes 3:11).

Tuyệt Đối và Bất Tử hiện hữu nơi lòng người mà lại không thể nghiệm được trong cõi đời, làm cho lòng người đau đớn. Đau đớn, song cũng chính nhờ đó mà lòng người được mở ra cho những nhận thức tích cực.

Thứ nhứt, đó là nhận thức về tiếng gọi huyền bí từ bên ngoài cuộc đời.

Tôi đang viết những dòng tản mạn nầy về “lẽ tương đối ở đời” trong những ngày đầu tháng Mười. Mấy chữ “những ngày đầu tháng Mười... nếu lại thêm với “trên không trung có những đám mây bàng bạc...”, nghe như mùi văn thơ! Nhưng những ngày đầu tháng Mười nầy thực sự đã làm cho tôi nhớ lại những năm tháng sống ở Canada và làm dân xứ đó... Giờ nầy chắc ở Montréal cây cối đã bắt đầu đổi mầu. Chẳng bao lâu nữa thiên nhiên sẽ khoác cho miền đất lành phương Bắc nầy một chiếc áo choàng của “mùa thu vàng” rực rỡ.

Kế đó thì đến gió lạnh thổi về. Lá vàng bắt đầu rơi. Không phải đẹp như “lá vàng từng chiếc rơi từng chiếc, rơi xuống âm thầm tên đất xưa” trong một bài hát hình như là của Đoàn Chuẩn, mà là thô ráp hơn:

Lá vàng theo gió rơi dồn đống,
Rơi xuống tưng bừng trên phố xưa

Khi lá đã rơi hết, cây cối đã trơ cành, thì thiên nhiên cũng cất lên tiếng gọi.

Một tiếng gọi huyền bí từ trên trời. Một lời nhắc nhở bí mật từ trên cao. Tiếng gọi nầy chạm đến nơi sâu thẳm trong sự sống của những con ngỗng trời Canada, làm cho nó xôn xao tỉnh thức.

Rồi thì từng đoàn và từng đoàn ngỗng trời bổng tỉnh thức, cất tiếng kêu vang khi dời mặt nước, bay cao lên không trung, nghe theo tiếng gọi di thê, hướng về phương Nam. Có những con dừng lại ở vùng nắng ấm Texas, Louisiana, Georgia, có những con bay đến Mexico, có những con còn bay đi xa hơn nữa đến tận Trung Mỹ.

Đây là những con chim trốn tuyết. Những con chim nầy ra đi rất sớm trước khi tuyết rơi. Hằng năm chúng đều bay đi như thế trước khi tuyết đến để được hưởng mùi nắng ấm phương Nam.

Trong những con chim nầy, có những con chưa hề bao giờ thấy tuyết. Còn những con chim non mới vừa sinh ra trong mùa xuân và lớn lên trong mùa hè thì lại càng ít kinh nghiệm hơn. Những con chim nầy chẳng những chưa hề biết đến tuyết mà cũng chưa hề biết đến nắng ấm phương Nam.

Vậy tại sao chúng lại trốn tuyết mà di thê về phương Nam?

Đó là sự dạy dỗ của đời sống. Đó là vì đã có một tiếng nói bí mật đã nói với chúng ngay từ trong sự sống mầu nhiệm của chúng.

Một tiếng nói bí mật từ trong tâm! Socrates (470BC – 399BC) một triết gia, một nhà giáo dục Hy Lạp cũng đã từng có một nhận thức tương tự như thế. Các môn đệ của Socrates kể lại rằng một ngày kia khi Socrates bị bức tử oan uổng tại Athen, ông đã cầm lấy chén thuốc độc uống một cách bình tỉnh, sau đó ông đi dạo trong vườn và còn chỉ cho học trò ông biết thuốc độc đã đi đến những đâu trong thân thể ông. Quá ngạc nhiên và thán phục, các học trò của ông bèn hỏi ông lý do về sự can đảm và bình tỉnh của ông trước cái chết, thì được ông trả lời là vì ông tin chắc rằng bên kia cõi chết còn có “điều gì đó dành sẵn cho người thiện, tuyệt hảo hơn điều dành cho kẻ ác”. (Platon, Phédon 63c).

Đối với nhiều người thì chết không phải là chấm dứt. Chết mới chỉ là bắt đầu. Bắt đầu một đời sống khác. Tôi xin phép trích ra đây một ý niệm đã được Solzhenitsyn nói đến khi ông trả lời một cuộc phỏng vấn của hai nhà báo Đức của tờ Spiegel, được Trần Kh. dịch và đăng trên talawas hôm 21.8.2008:

SPIEGEL: Cái chết có làm cho ông sợ không?

Solzhenitsyn: Không, đã từ lâu tôi không còn sợ cái chết nữa. Lúc còn trẻ, tôi cứ hay phải nghĩ đến chuyện bố tôi đã mất quá sớm ở cái tuổi 27. Tôi đã từng sợ phải lìa khỏi đời sống này trước khi mình có thể thực hiện được những kế hoạch văn chương. Thế nhưng trong khoảng thời gian giữa tuổi 30 và 40 dần dà tôi đã có được cái tâm thế bình thản trước cái chết. Đối với tôi, đấy là một cột mốc tự nhiên, nhưng nó hoàn toàn không phải là cái mốc để chỉ rằng sự hiện hữu của một cá thể đã chấm dứt.

Chết là một cột mốc tự nhiên: như đã định, mọi người phải chết một lần. Nhưng nó hoàn toàn không phải là cái mốc để chỉ rằng sự hiện hữu của một cá thể đã chấm dứt.

Chết không phải là chấm dứt. Đúng ra chết chỉ là một cuộc di thê của một loài chim trốn tuyết, đến vùng nắng ấm quanh năm, mà nó biết chắc là nó sẽ ở đó lâu dài, dầu nó chưa hề bao giờ kinh nghiệm gì về vùng đất đó.

Thứ hai, đó là nhận thức về việc những khát vọng về cái tuyệt đối sẽ được thỏa mãn.

Một trong các con dâu tôi sẽ có con đầu lòng vào tháng Mười Một sắp tới. Mặc dầu là một bác sĩ, cháu cũng cảm thấy hồi hộp. Và cháu đi siêu âm. Đi siêu âm về cháu kể lại: “Em bé là con trai, giống cha in như hệt. Ngủ trong bụng mẹ mà cũng đã gác tay lên trán.”

Nhưng tay của em bé không phải chỉ là để gác lên trán. Cái tay đó, sau nầy khi em ở trong cuộc đời, là để em cầm chai sữa, cầm đũa, cầm viết, cầm búa, thắt cà vạt, ký séc... và cầm nhẫn cưới để đeo vào tay người con gái em yêu trong ngày cử hành hôn lễ.

Và em không chỉ có tay. Em có mắt để nhìn. Em có miệng để nói. Em có mũi để thở. Em có tai để nghe. Em có chân để đi. Và còn nhiều thứ khác để em làm những việc khác nữa...

Nhưng bây giờ, đang khi còn trong bụng mẹ, em chưa sử dụng được chúng vào việc gì cả. Em có nhu cầu sử dụng chúng. Vậy em chờ đợi. Không đầy hai tháng nữa, khi em sẽ ra đời, nhu cầu nầy sẽ được thỏa mãn.

So với tám mươi năm của cuộc đời, bụng mẹ nơi lúc này em cư trú rõ ràng chỉ là một quán trọ, hay một “trại tỵ nạn”, để em tạm dung thân.

Vậy khát vọng về cái tuyệt đối ơi, khát vọng về sự trường tồn ơi, xin hãy chờ đợi. Đời người ngắn lắm. Ngươi sẽ không phải đợi lâu đâu. Rồi đây sẽ có một ngày mà ngươi thấy thời gian dừng lại. Bấy giờ cõi đời đời sẽ bắt đâu. Bấy giờ ngươi sẽ bước vào trong một cái thế giới mà mọi sự đều tuyệt đối, và không hề có bóng của sự biến thay. Không đầy năm giây khi người bước vào cõi vĩnh hằng, mọi khát vọng mà cảnh đời ngắn ngủi, và đầy biến đổi, nầy không thể làm thoả mãn ngươi, thì tại đó ngươi sẽ được thỏa mãn. Tại đó sẽ không có nước mắt của sự phân ly. Tại đó sẽ không có lời than oán của sự bất công. Tại đó sẽ không có tiếng thở dài của sự phản bội. Tại đó sẽ có tình yêu vĩnh cửu. Tại đó sẽ có sự công bình tuyệt đối. Tại đó sẽ có hạnh phúc trọn vẹn.

© 2008 talawas



[1]Được biết, đây là phó bản của một trong những danh ngôn của Huân tước John Acton. Nguyên văn: “Power tends to corrupt; absolute power corrupts absolutely.” (Quyền lực [luôn] có xu hướng đồi bại; quyền lực tuyệt đối sẽ đồi bại tuyệt đối.) (Các chú thích là của talawas)
[2]Diễn văn Gettysburg (the Gettysburg Address): một trong những diễn từ nổi tiếng nhất của cố Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln, đồng thời là một trong những văn kiện được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Đây là một bài nói ngắn (chỉ trong hơn hai phút) nhưng được chuẩn bị cẩn thận và súc tích, được Lincoln đọc vào buổi chiều ngày thứ Năm, 19 tháng 11 năm 1863 trước Nghĩa trang Quân nhân Quốc gia ở Gettysburg, Pennsylvania, trong bối cảnh cuộc Nội chiến Bắc Mỹ (American Civil War, 1861–1865). Bài diễn văn đã viện dẫn câu trích nổi tiếng “mọi người đều được sinh ra bình đẳng” (all men are created equal) trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chúng quốc châu Mỹ (tức Hoa Kỳ) ngày mồng 4 tháng 7 năm 1776, đồng thời nêu lên định nghĩa của Lincoln về nhà nước dân chủ như là “chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” (government of the people, by the people, for the people).
[3]Nguyên văn: “Four score and seven years ago our fore fathers brought forth on this continent a new nation, conceived in Liberty, and dedicated to the proposition that all men are created equal.”
[4]Huỳnh Thúc Kháng
[5]Ngô Đình Diệm