trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 38 bài
  1 - 20 / 38 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
15.10.2008
Trần Mỹ Thuận
Con lai và vấn đề quốc tịch Mỹ
Phạm Văn lược dịch
 
Trần Randy hiện sống ở Hayward, California, cùng các bạn tới Washington vận động cho dự luật Amerasian Paternity.
Trần Randy bước nhanh qua vòm nhà hoành tráng và các pho tượng cẩm thạch trong Capitol Hill, Quốc hội Mỹ, tìm toà nhà Cannon House Office, nơi đặt văn phòng của các vị dân biểu, và những người anh tin có thể giúp anh.

Randy là ca sĩ Việt Nam, sống tại khu ngoại ô thuộc vùng Vịnh San Francisco, và ngủ trên ghế của nhà người bạn, anh đã bay 2900 dặm tới đây. Anh dượt lại điều anh muốn nói. Tiếng Anh của anh không giỏi. Anh sợ anh chỉ có vài phút để trình bày vụ việc của mình.

Anh có hẹn lúc ba giờ chiều tại văn phòng một dân biểu thuộc tiểu bang Wisconsin. Anh không chắc ông dân biểu làm gì, nhưng anh biết chắc ông là một người có thế lực có thể giúp gỡ mối rối chính trị đã đánh bẫy anh và hàng ngàn người như anh.

Randy tới Washington nhân danh những người con của lính Mỹ và mẹ Việt bị bỏ rơi, sinh ra trong thời chiến tranh, và như anh, đang xin quốc tịch của đất nước mà cha họ đã phục vụ.

Được gọi là Amerasian, người Mỹ gốc Á, nhiều người trong số họ đã bị bỏ rơi để lớn lên trong các ngõ hẻm và trên các cánh đồng lúa ở Việt Nam, họ nổi bật ra, trông khác hẳn, bị mắng nhiếc là “bụi đời”. Phần lớn được mang vào Mỹ 20 năm trước khi Quốc hội thông qua Đạo luật Amerasian Homecoming (Hồi hương người Mỹ gốc Á), cho phép con cái lính Mỹ đang sống ở Việt Nam được nhập cư. Nhưng họ không được bảo đảm có quốc tịch, và ngày nay khoảng phân nửa con số ước tính 25.000 con lai sống ở Mỹ với tư cách ngoại kiều thường trú.

Randy sống ở Hayward và đi khắp nước hát nhạc nhẹ cho giới hâm mộ Việt Nam tại các nhà hàng và các thính phòng. Nhưng anh cảm thấy không ổn.

Randy nói: “Tôi cảm thấy mình không thuộc về nơi nào”, cha anh là người Mỹ da đen, chắc anh sẽ chẳng bao giờ biết tên ông, nhưng ông cho anh một nước da màu cà phê rất khác với những người Việt khác.

“Nếu tôi tới Little Saigon, họ nói ‘Mày Việt Nam hả? Mày đen’. Nếu tôi tới cộng đồng Mỹ, họ nói, ‘Mày đâu phải tụi tao. Mày Việt Nam.’”

Nhưng điều tổn thương nhất đối với Randy là anh không có quốc tịch, một lời nhắc nhở thường xuyên rằng anh là kẻ xa lạ tại nơi anh xem là quê cha của mình.

Randy nói: “Cha chúng tôi phục vụ tổ quốc, chiến đấu cho tự do. Tôi đâu phải là người tị nạn, nhưng tôi bị coi như người tị nạn. Chúng tôi là người Mỹ.”

Hồi tháng Bảy, Randy và 21 người Mỹ gốc Á khác bay tới Washington, D.C., để vận động cho Đạo luật Amerasian Paternity trong ba ngày. Đạo luật sẽ cho người Mỹ gốc Á sinh ra hồi chiến tranh ở Việt Nam và Đại Hàn tự động có quốc tịch, thay vì đòi họ phải qua những cuộc khảo sát bằng tiếng Anh.

Họ hầu hết chưa bao giờ tới Washington. Một số mua bộ vét đầu tiên trong đời để mặc cho chuyến đi. Một số không nói được câu tiếng Anh nào.

Randy không biết mình bao nhiêu tuổi. Trên giấy tờ anh 34 tuổi, nhưng anh đoán anh gần 37.

Mẹ anh đã bỏ anh trong một cô nhi viện ở Đà Nẵng khi anh mới sinh được mấy ngày. Vài năm sau, một phụ nữ trong làng kế cận nhận anh về nuôi để giúp chăn đàn bò của bà. Bà không cho anh gọi bà là “mẹ”.

Láng giềng trố mắt nhìn làn da sậm của anh, trẻ làng giật mái tóc quăn của anh. Ban đêm anh mơ tóc anh thẳng ra và anh có thể đổ một thứ nước lên người để mặt anh nhạt màu. Anh trốn sau tấm chiếu cói dùng để ngủ.

Randy nói: “Người ta nhìn chúng tôi như chúng tôi là loài thú hoang, không phải là người”.

Khi Đạo luật Amerasian Homecoming được thông qua năm 1988, hàng ngàn người Việt muốn chạy trốn chính quyền cộng sản đã dùng con lai Mỹ như một phương tiện để ra đi. Năm 17 tuổi, Randy bị bán cho một gia đình lấy ba lạng vàng. Khi gia đình này tới Mỹ, họ bảo Randy ra khỏi nhà họ. Anh dọn về với một gia đình bạn.

Giống như Randy, nhiều con lai thiếu khả năng tiếng Anh, học vấn, và gia đình thân thuộc, những thứ đã giúp những người tị nạn Việt Nam khác hội nhập. Nhiều người con lai chưa đến trường học ở Việt Nam và tới Mỹ trong tình trạng mù chữ. Nhiều người nhập vào cộng đồng Việt để rồi lại bị xa lánh một lần nữa. Một số quay sang dùng ma túy hay theo băng đảng.

Họ được nhận tám tháng trợ giúp của chính phủ, kể cả trợ cấp y tế, học Anh văn và huấn nghệ. Nhưng chính phủ không giúp con lai tìm cha, và ngân khoản dành cho chương trình này chấm dứt năm 1995.

Ở Washington, Randy và các bạn con lai khác ở chen chúc trong nhà một người bạn. Họ có Vivian Preziose ở Queens, cha cô mang cô về Mỹ khi cô 10 tuổi. Jimmy “Nhat Tung” Miller ở Seattle, anh tìm thấy cha hai năm trước khi ông mất. Nguyễn Huy Đức ở Dallas, manh mối duy nhất về cha anh là họ của ông đại khái là “Sheffer”.

Họ thảo kế hoạch. Preziose phân phát 435 tập hồ sơ có lá thư cô viết. Hôm sau họ sẽ giao hồ sơ tới từng văn phòng dân biểu. Họ cũng xin hẹn ở Capitol Hill, vì thế họ tập dượt những điều họ sẽ nói.

Một số nói năng lắp bắp. Preziose khuyến khích họ nói tận tấm lòng của mình. Đức nhắc họ đừng mặc quần jean. Randy khuyên họ nói chậm.

Một năm trước, những người con lai ít biết nhau. Điều đó đã thay đổi sau khi Đức tới một buổi chiếu phim tài liệu về con lai Mỹ còn bị kẹt ở Việt Nam và gặp nhiều người như anh. Họ bàn việc giúp những người còn ở Việt Nam và bắt đầu liên lạc với những người con lai khắp nước. Họ biết về Randy nhờ anh hát.

Randy giục họ vận động cho dự thảo luật quốc tịch, do dân biểu Zoe Lofgren (Dân chủ, San Jose) bảo trợ. Tháng Chín năm 2007, họ lập Hội Amerasian Fellowship, tới nay có 5.000 hội viên.

Họ lớn lên với ám ảnh vì cảm giác bị cha mẹ ruồng bỏ. Giờ đây phần lớn trong khoảng tuổi 30 và 40, họ cùng đến với nhau để cải tổ chính trị, và từ đó lập một hội cho những người cảm thấy vô danh.

Sau hôm họ phân phát hồ sơ, Randy nôn nóng đợi nhóm của anh đến trên bậc thềm cẩm thạch của toà nhà Cannon.

Lúc họ vào văn phòng dân biểu F. James Sensenbrenner (Cộng hoà, Wisconsin), họ đã trễ năm phút.

Họ gặp một ông mặc vét nâu nhạt với nụ cười mệt mỏi.

Randy tự giới thiệu và bắt đầu tả những khó khăn mà giới con lai phải đối phó. Anh nói nhiều người không nói được tiếng Anh, vì thế khó qua được buổi khảo sát về quốc tịch.

Buổi gặp kéo dài chưa tới 25 phút, không đủ thời giờ cho Randy nói rằng anh không được phép tới trường ở Việt Nam, trong lúc chăn bò anh nhìn lén học trò đang tập đọc qua cửa sổ lớp học.

Randy nghĩ ông ta hình như lúng túng không biết tại sao họ ở đó. Nhưng ông ta hứa giúp.

Tới lúc ông ta đưa danh thiếp, Randy mới biết anh không nói chuyện với ông dân biểu ở Wisconsin. Anh đang nói với viên phụ tá.

Randy nói: “Tôi không biết ông ta là ai. Tôi chỉ biết chúng tôi muốn gặp ông ta. Tôi muốn kể câu chuyện của chúng tôi”.

Có rất nhiều thứ Randy không hiểu. Anh không rõ dự án luật đang kẹt ở Thượng viện hay Hạ viện, hay tại sao muốn nó trở thành luật lại mất lâu như vậy. Khi anh và các bạn con lai gặp dân biểu Lofgren ở toà nhà Quốc hội, anh nghĩ họ đang ở trong Toà Bạch ốc.

Lofgren báo trước cho nhóm rằng dự thảo luật chắc sẽ không được thông qua trong năm nay. Nhưng bà hứa sang năm sẽ đưa ra lại.

Vài bạn con lai quyết định tới thăm Vietnam Veterans Memorial (Đài Tưởng niệm Cựu Chiến binh tại Việt Nam), họ tin rằng tên cha họ có thể khắc trên bức tường.

Randy quyết định không đi. Anh chẳng biết cha anh là ai. Khi Randy đi ngang một ông già da đen ngoài đường, anh quay lại nhìn.

Anh vẫn tự hỏi tại sao mẹ anh lại bỏ rơi anh ở Việt Nam. Hồi xưa đó là nguồn cơn cho lòng oán giận sâu xa. Nhưng nỗi giận dữ của anh đã biến thành thương cảm khi anh biết những cảnh ngộ khắc nghiệt trong thời chiến, nỗi xấu hổ khi có con hoang ngoài hôn thú với người Mỹ.

Có lẽ mẹ anh bỏ anh với hy vọng anh sẽ có một cuộc đời khá hơn. Có lần anh viết bài hát “Sau cuộc chiến”. Khi anh trình diễn bài hát trước các thính giả người Việt, họ khóc.

Sau đó Randy viết một điện thư cho viên phụ tá. Anh viết lầm là “Mrs”. Anh cũng gửi kèm bản dịch lời bài hát “Sau cuộc chiến” sang tiếng Anh.

Anh chưa nghe trả lời. Nhưng anh tin nước Mỹ sẽ vượt qua, cuối cùng sẽ vượt qua.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas
Nguồn: Trần Mỹ Thuận, “Children of Vietnam War servicemen seek U.S. citizenship”, Los Angeles Times, 10/10/2008