trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
28.10.2008
Lê Diễn Đức
“Phố A18” giữa thủ đô Ba Lan
 
Buổi giới thiệu triển lãm ảnh Little Saigon of Warsaw và bộ phim tài liệu Phố A18 diễn ra vào tối ngày 15/09/2008 tại trụ sở của Hội Tự do Ngôn luận (SWS).

SWS là tổ chức xã hội có nhiều cảm tình với nhân dân Việt Nam, đã ủng hộ, vận động và tích cực giúp đỡ anh chị em người Việt tham gia các hoạt động dân chủ tại Ba Lan. Một ví dụ điển hình, trong năm 2006, SWS đã tổ chức hội nghị cho người Việt từ khắp nơi trên thế giới tới Ba Lan tham dự hội thảo và thành lập “Uỷ ban Bảo vệ Công nhân” tại hội tường Quốc hội Ba Lan, bất chấp sự phản đối chính thức của Bộ Ngoại giao Hà Nội.

Tối hôm đó, phòng sinh hoạt quá nhỏ của SWS chật cứng các nhà báo, sinh viên, quan khách Ba Lan và những người Việt quan tâm. Tỉnh trưởng tỉnh Mazowiecki (tỉnh có thủ đô Warsaw) đến dự và công bố khai mạc.

Đáng chú ý là, trong các bức ảnh của nghệ sĩ Lukas Kotschy-Wilk, nói về cuộc sống, sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại Ba Lan có vài tấm đã gây “phản cảm”: Tấm hình có lá cờ vàng ba sọc đỏ trong một cuộc biểu tình của người Việt và người Ba Lan tại thủ đô Warsaw, phản đối nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vi phạm nhân quyền. Hình chụp cảnh cô Tôn Vân Anh, thông tín viên của RFA bị đuổi khỏi Dinh Belweder, nơi Thủ tướng Ba Lan tiếp khách và họp báo nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ba Lan vào 9/2007. Tấm hình Thủ tướng Ba Lan đứng bên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phía dưới có câu chế giễu: “Quốc tế Cộng sản Hậu Công đoàn Đoàn Kết”. Một tấm khác chụp người lính trong đội danh dự cầm cờ Ba Lan (có đại bàng trắng) chào Thủ tướng việt Nam với tựa đề mỉa mai: “Đại bàng trắng chào ai?”…

Những người trong ban tổ chức nói với báo chí Ba Lan rằng, có lẽ vì những tấm hình nêu trên, mà toà đại sứ Việt Nam đã có những áp lực ngoại giao. Vì thế, lẽ ra cuộc triển lãm đã được trưng bày tại Toà thị chính Warsaw hai tuần trước đó (dưới sự bảo trợ của Phó chủ tịch Thượng viện Ba Lan và Thị trưởng thành phố Warsaw), thì bị đình hoãn và phải chuyển về Hội Tự do Ngôn luận. Tuy nhiên, trong bài phát biểu, ông Tỉnh trưởng Kozlowski khẳng định rằng, ông không hề có bất kỳ liên hệ nào với toà đại sứ Việt Nam và việc từ chối xuất phát từ lý do kỹ thuật. Điều đó được khẳng định bằng chính sự có mặt của ông trong buổi khai mạc này.


“Phố A18” là gì?

Đây là tên đặt cho bộ phim tài liệu nói về hoạt động của an ninh cộng sản Việt Nam tại Ba Lan và dư luận xã hội cũng như của chính quyền Ba Lan xung quanh vấn đề này. Bộ phim được quay chỉ trong một tuần, nhân ngày văn hoá Việt Nam do Thành phố Warsaw tài trợ. Đạo diễn, quay phim là hai cô gái trẻ, lần đần tiên viết kịch bản và cầm máy: cô Đặng Thu Hương, bác sĩ vừa mới ra trường, hiện đang làm việc tại một bệnh viện ở Warsaw; và cô sinh viên Ba Lan - Maria Kotowska. Bộ phim có sử dụng tư liệu nước ngoài, của Công đoàn Đoàn kết Ba Lan và một số hình ảnh của Lukas Kotschy-Wilk đã được nói ở trên.

Tôi quan sát thấy mọi người chăm chú xem và thỉnh thoảng bật cười khi nghe viên trung tá biên phòng Ba Lan trả lời/biện minh trước các câu hỏi khó của những người làm phim. Số ghế ngồi có hạn nên rất nhiều người phải đứng xem. Thoạt nghe có tiếng khóc của một phụ nữ Việt Nam phía sau. Đó là lúc chiếu những hình ảnh người Việt vượt biển sau năm 1975 và người Việt trong các trại giam ở Ba Lan…

Bộ phim đơn giản, không dài, chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ, nhưng đã làm khán giả hiểu được tổng thể những hoạt động của A18 tại Ba Lan và thái độ của công chúng Ba Lan trước vấn đề này. Tôi nhìn thấy sự xúc động thực sự của những người tham dự. Mọi người đã đến bắt tay, khen ngợi và cám ơn hai cô gái làm phim.

Trong tuần liên hoan phim Việt Nam đầu tháng 10/2008 vừa qua, bộ phim Phố A18 đã được trình chiếu tại rạp Muranow cùng với nhiều phim khác như Mùa hè chiều thẳng đứng (của đạo diễn Trần Anh Hùng, Pháp, 2000); Vượt sóng (Ham Trang, USA, 2006), Oh, Mummy (Jenni Trang Le, USA,2007); Owl and the Sparrow (Stephane Gauger, USA, 2008), v.v…


Từ “Phố A18” đến sự thật

Sự việc khuấy động dư luận bắt đầu từ tháng 2 năm 2008.

Gazeta Wyborcza (GW), nhật báo lớn nhất của Ba Lan ngày 22/02/2008 đưa tin: vào lúc 6 giờ ngày 20/02/2008 Biên phòng Ba Lan đã mở một cuộc bố ráp vào ba khách sạn nằm ở Wolka Kosowska, ngoại ô Ba Lan, cách trung tâm Warsaw khoảng 25 km.

Wolka Kosowska là nơi tập trung các trung tâm dịch vụ, thương mại lớn nhất Ba Lan của người Việt và người Trung Quốc, hàng ngày tấp nập bán buôn với con số vài ngàn người. Cần phải nói rằng, cộng đồng người Việt ở Ba Lan, theo ước tính từ nhiều nguồn khác nhau, có khoảng từ 30 đến 50 ngàn người, nhưng có đến 40-60 phần trăm không có giấy tờ cư trú hợp pháp. Những người này thường sang đây hoặc hợp pháp nhưng khi hết hạn chiếu khán thì không được gia hạn tiếp; hoặc bất hợp pháp qua đường rừng biên giới phía Đông Ba Lan.

Mỗi khu nhà trong trung tâm đều rất khang trang, có hàng trăm quầy hàng bán sỉ các loại hàng hoá, chủ yếu là quần áo may sẵn và đồ gia dụng nhập từ Trung Quốc, Việt Nam… Trung tâm này do người Việt và người Trung Quốc đầu tư xây dựng, sau đó cho đồng hương thuê lại. Trong khu nhà ASG của chủ người Việt, hay khu nhà GD chủ người Tàu, một quầy hàng với diện tích khoảng 150-200m2 có thể sang nhượng với giá từ một tới vài trăm ngàn đô la, tuỳ theo thời điểm.

Vì buôn bán ở ngoại ô xa nên khoảng từ hơn hai năm nay, để thuận tiện đi lại, rất nhiều người Việt chuyển từ thành phố vào ở trong các khách sạn – đúng hơn là nhà trọ/motel - do người Việt xây cất nằm sát cạnh trung tâm.

Theo nhật báo Ba Lan, trong cuộc bố ráp các khách sạn nói trên, có 89 người Việt và 6 người Hoa bị bắt giữ. Ngay lập tức, báo chí đã chỉ trích gay gắt việc Biên phòng Ba Lan lạm dụng quyền hạn, vi phạm nhân quyền, có hành vi khủng bố, vì đã bằng bạo lực đột nhập các khách sạn và có thái độ thô bạo khi tiến hành xét hỏi và bắt giữ người nước ngoài.

Đa số những người bị tạm giữ để điều tra xác minh là những người không có giấy tờ cư trú hợp pháp. Một cộng tác viên của Amnesty International (AI) cho nhật báo này hay rằng, “cộng đồng bị áp lực do có sự cộng tác giữa an ninh Việt Nam với Biên phòng Ba Lan. Mà Việt Nam là một trong vài nước còn lại trên thế giới có chế độ toàn trị. Trong số những người bị bắt có 11 người nằm trong sổ đen của an ninh Việt Nam”.

“Đã có một lần vào mùa hè 2007, một nhóm cán bộ Cục A18 của Bộ Công an Việt Nam sang Ba Lan. Cùng với nhân viên toà đại sứ, họ đã hỏi cung những người Việt bị bắt giữ. Một phần trong số người này đã từ chối không khai báo, phần còn lại bị thẩm vấn tại các trại giam ở Leszno-Wola và Okecie. Họ bị công an ép buộc hợp tác và đe doạ rằng, từ chối đồng nghĩa với việc bị trục xuất về nước” – nhật báo thuật lại lời cộng tác viên của AI.

Sự có mặt của an ninh/mật vụ Việt Nam tại Ba Lan dựa trên hiệp định trao trả công dân được ký kết giữa Ba Lan và Việt Nam năm 2004. Theo giải thích của Biên phòng Ba Lan, phía Ba Lan cần sự giúp đỡ của Việt Nam để xác minh danh tính cho tiến trình làm thủ tục trục xuất. Hiệp định cho phép “trong những trường hợp cần thiết, đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự có thể hỏi cung”. Thế nhưng trong thực tế, cách làm khác lạ của A18 trên lãnh thổ Ba Lan đã gây phản ứng mạnh trong dư luận xã hội.

Giáo sư Zbigniew Holda, Phó chủ tịch Amnesty International Ba Lan nói: “Làm sao chúng ta lại ký hiệp định như vậy với một quốc gia vi phạm nhân quyền? Với nội dung của nó, hiệp định này không nên ký kết”.

“Hiệp định đã bị lợi dụng để trấn bức những người Việt đối lập với chế độ đang sống ở Ba Lan” – Cô Tôn Vân Anh, thành viên của Hội Tự do Ngôn luận, nói - “Chúng tôi đã gọi điện thoại nói chuyện với những người bị thẩm vấn. Một người trong số đó đã hai lần chạy trốn khỏi đất nước. Anh ta đang xin quy chế tị nạn tại Ba Lan và được bảo vệ bằng Công ước Quốc tế Geneva. Người ta không cho anh biết trước sẽ gặp ai trong lúc thẩm vấn” - Vân Anh thuật lại - “Hai người đàn ông và một phụ nữ của A18 hỏi cung tôi” – anh ta kể.

Điều tra các cuộc thẩm vấn khác, cô Tôn Vân Anh cũng cho nhật báo hay rằng, nhân viên A18 thường ép họ hợp tác, cung cấp thông tin về những người Việt mà họ cho là chống đối chế độ và đe doạ sẽ bị trục xuất nếu từ chối đề nghị của công an. Ngoài ra, nguồn tin từ cộng đồng cho tôi biết thêm, có một số người Việt sống hợp pháp tại ở Ba Lan là những “chỉ điểm” viên của A18.

Tác giả Lê Diễn Đức trong buổi trao đổi tại Đài Phát thanh Ba Lan, Program I

Trong một buổi trao đổi gần đây trên Program I, đài phát thanh Ba Lan (Polskie Radio), với tham dự của ông Z. Romaszewski, phó chủ tịch Thượng viện Ba Lan, tôi có nói trước công luận rằng, phía Ba Lan cần đến sự giúp đỡ của Việt Nam để xác minh lý lịch những công dân Việt Nam không có giấy tờ cư trú hợp pháp - có thể xem là chuyện bình thường. Thế nhưng hiệp định nêu rõ rằng, việc thẩm vấn phải được thực hiện bởi đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự, chứ không phải bởi công an của A18 từ Việt Nam cử sang. Đành rằng, đại diện ngoại giao hay lãnh sự có thể là người của A18, nhưng khi khoác hàm ngoại giao làm việc tại Ba Lan, họ sẽ phải ứng xử khác, thận trọng hơn. Hơn nữa, cần lưu ý rằng, Hà Nội chưa bao giờ có chính sách ủng hộ chính phủ các nước trục xuất những công dân lương thiện của mình về Việt Nam. Ngược lại, Hà Nội tạo điều kiện dễ dãi cho người Việt đi lao động, làm ăn ở nước ngoài. Hàng trăm ngàn người Việt đang lao động, lấy chồng, buôn bán ở Malaysia, Hàn Quốc, ở các nước Nga, Ba Lan, CH Czech hay các nước Ả Rập… chứng minh điều này. Cho nên tôi nghi ngại rằng, nếu chính phủ Ba Lan không lường trước hậu quả, sẽ rất dẫn tới việc vấn đề trục xuất bị lợi dụng cho mục đích khác. Cần phải hành động để ngăn chặn công an A18 tống tiền nạn nhân hoặc thân nhân của họ, điều mà cộng đồng người Việt ở Đức cho là phổ biến một thời.

Ông Seweryn Blumsztain, biên tập viên quan trọng của nhật báo Gazeta Wybocza, cựu thành viên Ủy ban Bảo vệ Lao động (KOR), đối lập dân chủ từ khi còn là thiếu niên, từng ngồi tù cộng sản đã phát biểu (GW 23/02/2008) rằng: “Lâu lắm rồi, chưa bao giờ tôi hổ thẹn về đất nước của mình như vậy. Biên phòng Ba Lan, y như kẻ phân biệt chủng tộc, đã bắt giữ mấy chục người Việt và đối xử hết sức thô bạo với họ. Họ bị bắt để rồi công an của Việt Nam hỏi cung. Và các ông này quyết định những người tị nạn có bị trục xuất hay không. Cả lịch sử tị nạn chính trị của người Ba Lan đã từng được bảo bọc bởi biết bao dân tộc khác và những cái rất Ba Lan như ‘Vì tự do của chúng tôi và của các bạn’, ‘Công đoàn Đoàn kết’ và ‘Uỷ ban Bảo vệ Công nhân’ – tất cả những điều này chẳng có ý nghĩa gì sao? Một Ba Lan tự do dân chủ đã đối xử với người tỵ nạn và những người đối lập cộng sản Việt Nam như những con vật” – Ông nói.

Nghị sĩ quốc hội (đảng viên đảng đang cầm quyền PO) Dariusz Lipiński đã hai lần chất vấn trước quốc hội về vấn đề A18 và yêu cầu Bộ Nội vụ và Hành chính giải thích. Ông Lipiński cũng đã thẳng thắn khiển trách trên báo chí, rằng Bộ Nội vụ đã tránh né câu hỏi của ông.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng, sau khi chế độ cộng sản bị xoá sổ vào năm 1989, Ba Lan là nước duy nhất trong các nước cựu cộng sản có hiến pháp cấm các tổ chức cộng sản, phân biệt chủng tộc và phát xít tuyên truyền, hoạt động. Đây cũng là một trong những tiền đề khiến dư luận xã hội Ba Lan bất bình về sự có mặt của an ninh cộng sản Việt Nam trên lãnh thổ mình.

Vì vậy, bất kỳ một hành động nào của A18 trên mảnh đất này đều đã và đang được các tổ chức xã hội, nhân quyền, báo chí, truyền thông Ba Lan quan tâm theo dõi sát sao. Chắc chắn tại Ba Lan dân chủ, công an A18 sẽ không có đất để tung tác, làm ăn, để lại những tai tiếng xấu như với cộng đồng người Việt miền Bắc xin tỵ nạn tại Đức sau những năm 90.

Warsaw 23/10/2008

© 2008 talawas