trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Thế hệ @
  1 - 20 / 34 bài
  1 - 20 / 34 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThế hệ @
5.6.2003
Diễm Uyên
Thế hệ X của X
 
Mỗi thế hệ có một quá trình tiến hóa riêng, tùy thuộc hoàn cảnh lịch sử, địa dư, hoàn cảnh kinh tế, hoàn cảnh văn hóa và tôn giáo. Do đó mỗi thế hệ có một sắc thái riêng biệt. Nếu gặp hoàn cảnh thuận lợi thì một thế hệ nói riêng có thể gặt hái được nhiều thành quả mà không cần phải bỏ nhiều công sức. Và nếu kém may mắn, cả một thế hệ mặc dầu đã ra sức phấn đấu cũng chỉ kiếm được chỗ đứng khiêm nhường. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào đặc tính của từng thế hệ mà bình luận không chút tìm hiểu lịch sử tiến hóa thì ta không thể tránh được những lời phê phán tiêu cực, thiếu xác thực đưa đến hố sâu chia rẽ giữa những thế hệ.

Từ mười năm nay, ở xã hội Bắc Mỹ sự xung đột giữa thế hệ X và thế hệ Baby Boomers đã gây được nhiều chú ý. Một bên là thế hệ đàn anh được thời thế ưu đãi. Một bên là thế hệ trẻ đang bước vào ngả đường gánh vác, nhưng đã vấp phải rất nhiều trở ngại. Nhiều tác giả đã phân tích đoạn đường đặc biệt gian nan của thế hệ X. Họ muốn đánh tiếng chuông cảnh tỉnh để các thế hệ cha anh đưa tay nâng đỡ thế hệ trẻ này. Vì đây là những người sẽ thay thế các thế hệ đàn anh trong một ngày gần đây. Trong bài viết này, người viết sẽ giới thiệu chân dung của những người thuộc thế hệ X cùng với những hoàn cảnh đã chi phối cuộc sống của họ.


Thế hệ X = Génération sacrifiée, Thirteenth generation

Danh từ thế hệ X đã được phổ biến rộng rãi sau khi tác phẩm "Generation X" của nhà văn Douglas Coupland tại Vancouver ra đời năm 1991. Chuyện kể về ba người thanh niên tuổi gần 30, mặc dù trình độ học vấn cao, họ vẫn sống cuộc đời thanh đạm, không chủ đích với những việc làm tầm thường, tạm bợ, lương ít ỏi không tương xứng với khả năng của họ. Ðây là những người nhậy cảm, nhưng đầy mâu thuẫn. Trong tâm trạng chán chường, thất vọng, họ nương tựa vào nhau cố tìm một ý nghĩa sống cho cuộc đời vô nghĩa hiện tại. Với một nét phác họa như thế, tác giả đã có một cái nhìn rất tiêu cực về thế hệ của mình. Nhưng không phải chỉ riêng ông mà nhiều tác giả khác cũng rất bi quan về thực trạng của những người thuộc thế hệ X. Ở Hoa Kỳ người ta còn gọi lứa tuổi này là thế hệ 13. Thật ra số 13 ở đây chỉ là ngôi thứ thế hệ đã hiện hữu kể từ ngày Hoa Kỳ lập quốc. Nhưng nhiều tác giả đã gán ép thứ tự 13 này với con số của nhiều điều xui xẻo, con số đầy bất trắc, con số mà nhiều tầng địa ốc đã bãi bỏ. Phải chăng số 13 này là một điều gở khiến cho toàn thế hệ phải chịu chung một một vận mạng đen tối với thật nhiều thiệt thòi so với những thế hệ khác ?

Tuổi của các thành viên trong thế hệ X không được thống nhất nhưng thông thường nhiều tác giả tại Bắc Mỹ cho rằng những người thuộc thế hệ X sanh từ khoảng 1961-1965 đến 1975-1979. Riêng nhà kinh tế học David K Foot khẳng định rằng những người thuộc thế hệ X chỉ gồm thành viên sanh từ 1961-1966 (đây là cái đuôi của thế hệ Baby Boomers, gồm 3,2 triệu dân Gia Nã Ðại). Còn những người sanh từ năm 1967-1979 (5,6 triệu người) đều thuộc thế hệ Baby Buster cùng một sắc thái với thế hệ X nhưng tương đối gặp ít khó khăn hơn.

Theo thời điểm hiện tại thì các thành viên đầu của X đang bắt đầu vào ngưỡng cửa 40, tuổi của một năng lực mạnh mẽ và một kinh nghiệm sống phong phú. Vào lứa tuổi này, nhiều người cũng đã có cuộc sống ổn định. Nhưng con đường họ đi qua đã rất gập ghềnh so với thế hệ đàn anh Baby Boomer.

Hình ảnh tiêu cực của những người thuộc thế hệ X là những người có trình độ học vấn cao (cao hẳn so với thế hệ cha anh) Sự nghiệp của họ đã gặp rất nhiều trở ngại. Thông thường họ phải gánh vác hai ba công việc cùng một lúc. Việc làm của họ thường là tạm bợ, không có bảo đảm lâu dài và cũng không liên quan gì đến số đông văn bằng chứng chỉ mà họ đã gặt hái được sau một thời gian dài trên ghế nhà trường. Nhiều người vẫn còn phải ở chung với bố mẹ vào lứa tuổi 30 vì điều kiện tài chánh chứ không vì theo phong tục tập quán như người Việt Nam chúng ta.


Tại sao những người thuộc thế hệ X lại gặp nhiều khó khăn về kinh tế như thế ?

Họ đã sanh lầm thế kỷ? Chắc là không lầm thế kỷ nhưng đã lầm thời điểm. Vì sau một thời gian thịnh vượng mà thế hệ Baby Boomers đã được hưởng lộc, nền kinh tế Bắc Mỹ đã gặp cơn khủng hoảng trầm trọng vào giữa những thập niên 80-90, lúc đó các thành viên X vừa trưởng thành. Nạn thất nghiệp đã gia tăng trong thời gian này. Tỷ số thất nghiệp ở Québec của những người trẻ vào năm 1991 đã lên đến 20%. Thêm vào đó phong trào toàn cầu hóa (Mondialisation) cũng đã góp phần vào nạn thất nghiệp mà những người trẻ là những nạn nhân chính. Từ đây, các sản phẩm như quần áo, giầy dép, xe hơi v.v... đã được đưa về sản xuất tại các nước chậm tiến với nhân công rẻ. Ngoài ra tại các nước kỹ nghệ, kỹ thuật ngày càng tân tiến, máy móc ngày càng thay thế con người. Ðiều này cũng góp phần vào thực trạng thất nghiệp. Ðồng thời điểm với sự sa sút của nền kinh tế, tài nguyên đất nước càng ngày càng mai một, nợ quốc gia càng ngày càng cao. Diễn văn của những nhà lãnh đạo (phần đông là Baby Boombers) đã thay đổi. Họ hô hào khích lệ sự hy sinh của tất cả mọi người để cứu vãn sự thiếu hụt ngân quỹ (déficit zéro). Lại một lần nữa, thế hệ X chịu nhiều thiệt thòi nhất trong những giải pháp cắt xén này (vì họ là những người sanh sau đẻ muộn, thế hệ đàn anh đã có chỗ đứng vững vàng trong các guồng máy công, tư)

Ở Québec, những thí dụ điển hình là: Sự đình chỉ tuyển dụng trong guồng máy chánh phủ (le gel de l'embauche) và "Các điều khoản mồ côi" (tạm dịch từ les clauses orphelins).

Le gel de l'embauche: để tiết kiệm ngân quỹ, trong nguồn máy chánh phủ ngoài phong trào khuyến khích các công chức cao niên về hưu trước hạn định. Chính phủ đã đưa ra một điều luật đình trệ việc mướn người khác thay thế. Do đó, những người trẻ đã không có may mắn giữ những chức vụ trong chính phủ. Theo thống kê Québec thì vào năm 1976, tỷ lệ người trẻ dưới 30 giữ chức vụ trong chánh phủ là 43%. Vào năm 1995 thì tỷ lệ này đã rơi xuống còn 6%. Ðây quả là một giải pháp thiển cận, vì trên thực tế chính phủ cần phải thực hiện điều ngược lại: "le plan de l'embauche accéléré" để tránh tình trạng thiếu hụt nhân viên trong một tương lai rất gần.

Les clauses orphelins cũng là một dẫn chứng của sự bất công hiện hữu giữa những thế hệ. Vì ở đây tuổi tác cũng đã nghiễm nhiên trở thành yếu tố phân biệt. Les clauses orphelins được phổ biến rộng rãi vào đầu thập niên 90. Và ngày nay, mặc dù bị nhiều người lên án, những định chế này vẫn còn tồn tại dưới nhiều hình thức kín đáo trong cả hai lãnh vực công và tư. Theo cách thực hành này, thì một người nhân viên được mướn vào sau một thời điểm nào đó (được hạn định bởi nghiệp đoàn công nhân và giới chủ) phải luôn chịu mức lương thấp hơn những người đến trước mặc dù cùng làm một công việc. Do đó sau cùng một khoảng thời gian làm việc, những người trẻ vẫn không tích lũy được những quyền lợi ưu tiên như những người đến trước.

Một thí dụ điển hình gần gũi với y giới là sự thương lượng giữa chính phủ Québec và nghiệp đoàn bác sĩ chuyên môn vào năm 1995. Những bác sĩ thâm niên đã thỏa thuận với chánh phủ để hạ mức lương từ 15 đến 30% của những bác sĩ mới ra trường trong những năm đầu hành nghề. Trong bàn điều đình đã vắng mặt những bác sĩ thường trú (Résident) họ đã không được mời đến để thương lượng về tương lai của chính họ. Lớp đàn anh đã quyết định thay cho họ.

Một thí dụ khác, mùa thu năm 1996, nghiệp đoàn cảnh sát ở Montréal đã thỏa thuận để định ngạch lương đầu của những nhân viên mới được tuyển sau ngày 1-1-1997 là 24,612$ thay vì 30,000$ như những người được tuyển từ trước. Và để đạt đến ngạch lương cao nhất, những người cảnh sát mới phải đợi 72 tháng thay vì 60 tháng như quy định cho những người cũ.

Hai giải pháp này tuy đầy bất công nhưng được phổ biến rộng rãi dưới mọi hình thức. Và đưa đến hậu quả là những người trẻ phải chịu cảnh thất nghiệp hoặc không được những quyền lợi như những người đến trước. Ở Hoa Kỳ, chính sách "échelle salariale à deux étages" (two tier wage scales) cũng tương tợ như les clauses orphelins tại Québec, vẫn nhằm mục đích bảo vệ nhân viên kỳ cựu bằng cách giảm bớt mức lương của những người đến sau.

Thêm vào đó việc làm càng ngày càng mất tính cách vững bền. Theo một thống kê gần đây thì ở Québec từ năm 1976 đến năm 1995 những việc làm dài hạn (emploi permanent) đã hầu như ngưng trệ. Phần đông các việc làm sau này được ấn định theo những hợp đồng kéo dài trong một khoản thời gian nhất định (contrat à durée déterminée). Sau đó thì những người trẻ lại rơi vào tình trạng thất nghiệp. Hoặc nếu may mắn hơn, họ sẽ được gia hạn hợp đồng cũ. Theo quy chế làm việc trên nguyên tắc hợp đồng như thế, dù làm lâu năm một chỗ, những người này cũng không tích lũy được những quyền lợi theo thăng bậc thâm niên. Lương bổng ngày càng thấp, thông thường người trẻ kiếm được nhiều tiền hơn bậc cha mẹ. Nhưng trong những thập niên 90 tình trạng đã thay đổi. Thí dụ điển hình ở Hoa Kỳ vào đầu thập niên 1979, mức lương trung bình của một người 30 tuổi cao hơn lương một người 60 tuổi khoảng 6%. Hai mươi năm sau, ta chứng kiến cảnh ngược lại, lương của một người 60 tuổi cao hơn lương của một người trẻ khoảng 14%. Ðó là nhờ vào những quyền lợi của những người làm việc kỳ cựu. Và những người trẻ đã không bao giờ được hưởng những quyền lợi như những người đi trước. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử ở Bắc Mỹ một thế hệ đã sống chật vật hơn thế hệ đi trước. Thế hệ X quả đã sinh ra trong một thời điểm éo le, khi họ vừa vào đời thì tất cả việc làm vững chắc đã nằm trong tay của thế hệ đàn anh Boomers. Ngày nay nhu cầu nhân lực bắt đầu gia tăng thì người ta cho là họ đã quá già để có thể thích ứng với một số những công việc, hoặc là họ thiếu kinh nghiệm để có thể đảm nhận những chức vụ quan trọng. Và nhất là họ sắp phải đương đầu cạnh tranh với một thế hệ đàn em đầy ưu thế: Thế hệ Y, thế hệ của kỹ thuật tân tiến, của máy móc điện tử. Một bên là thế hệ X đầy thiệt thòi, việc làm khó khăn, ít quyền lợi. lương bổng kém. Một bên là thế hệ cha anh với tất cả đặc ân: việc làm vững bền, chế độ hưu bổng rộng rãi, họ mua sắm, đi chơi với những giá biểu thấp hơn những người trẻ ((rabais d'âge d'or) Ðiều này cũng không có gì ngạc nhiên vì chính là thế hệ Baby Boomer, thế hệ cao niên đang nắm giữ quyền lực chánh trị, những quy chế họ đặt ra đều có lợi cho họ. Quả thật, đã không có sự tương trợ giữa những thế hệ. Những người X với những hoàn cảnh bất lợi đã không bao giờ được các thế hệ đi trước dìu dắt nâng đỡ.

Về mặt tinh thần những người của thế hệ X cũng đã trải qua nhiều khủng hoảng. Trong thập niên 70, những người trẻ của thế hệ Baby Boomers đã hô hào các phong trào: Phụ nữ bình quyền, Tự do luyến ái, Cải cách tôn giáo. Ngoài những thành quả mong muốn, các trào lưu này cũng đã nẩy sanh ra nhiều hậu quả mà những người của thế hệ X đã phải gánh chịu. Tỷ lệ ly dị ở Bắc Mỹ đã gia tăng rất nhanh trong thập niên 70. Riêng ở Hoa Kỳ, tổng số ly dị đã tăng gấp đôi từ năm 1965 - 1975. Từ những năm 1990 thảm trạng SIDA (AIDS) ngày càng bành trướng. Vai trò của người đàn ông đã không còn rõ ràng, gây ra hiện tượng hoang mang: mất niềm tin nơi nam giới. Phụ nữ càng hăm hở đòi bình đẳng, nam giới càng lúng túng. Thiếu khuôn mẫu của người đi trước, lại thêm sự tấn công vũ bão của phong trào phụ nữ, người thanh niên X trở nên nhút nhát mặc cảm. Họ tìm đường thoát thân bằng cách lẩn tránh trách nhiệm. Hậu quả: tổng số người mẹ trẻ độc thân ngày càng gia tăng.
Với những khó khăn này rất nhiều người ở thế hệ X đã kết án đàn anh là nguyên nhân của những bất hạnh của họ "Nous partions sur les ruines de nos prédécesseurs et c'était très lourd. Ils ont joui de la libération sexuelle, on se bat avec le SIDA. Ils réclament l'égalité des sexes, on vit l'éclatement de la famille". Chủ nghĩa cá nhân là nét tiêu biểu của thế hệ X. Chứng nhân của những ảo vọng tan vỡ của lớp người trước. Những người X thường có khuynh hướng sống một mình. Chỗ dựa tinh thần qua tôn giáo và gia đình đã lung lay rất nhiều. Sinh ra và trưởng thành trong một hoàn cảnh gia đình, xã hội, kinh tế phức tạp như thế, mầm mống bất mãn và bi quan dễ phát triển. Ở Bắc Mỹ từ thập niên 80, tỷ lệ tự tử, nghiện ngập và những hành vi bạo động của lớp tuổi này đã lên cao, nhất là về phía nam giới.

Ðiều đáng buồn hơn nữa là cha mẹ của thế hệ X đã không thể nào thông cảm được vị trí khó khăn của con họ. Theo David K. Foot, cha mẹ của những người thế hệ X thuộc về thế hệ "Les enfants de la crise" đang ở vào lứa tuổi 60-70. Họ là những người đã gặp nhiều thuận lợi trong cuộc sống. Họ đã không hiểu tại sao con họ bị lận đận và họ cho rằng vì thiếu tham vọng, thiếu ý chí và lười biếng nên con họ đã không thành công.

Các thế hệ khác cũng trách những người X đã quá ích kỷ, luôn thờ ơ với những biến chuyển chính trị. Sự thật thì họ đã rất ít tham gia vào những hoạt động chính trị xã hội. Họ sống bên lề những biến cố xã hội và không có tham vọng đóng góp ý kiến. Theo một cuộc thăm dò thực hiện ở tỉnh bang Québec vào năm 1995, có đến 1/6 người trẻ đã xác nhận họ đã không bao giờ đi bỏ phiếu trong những cuộc bầu cử. Tỷ số này chỉ chiếm 1/20 nơi thế hệ Boommers và 1/50 của thế hệ cao niên. Cũng theo kết quả thăm dò này, sự hiểu biết của những người trẻ về những hoạt động, hướng đi của các đảng chính trị ở Québec hạn hẹp hơn những người lớn tuổi. Rất ít người trẻ tham dự trực tiếp vào guồng máy chính trị. Ở Québec hiện nay, những nghị sĩ tuổi từ 35 trở xuống chỉ chiếm 9 trên tổng số 125. Những người X quả thật rất lãnh đạm trên phương trường chính trị xã hội. Ðiều này cũng dễ hiểu, dân số họ quá ít ỏi, đời sống họ không ổn định, xã hội đã làm ngơ trước những khó khăn của họ. Niềm ưu tư lớn nhất của họ không phải là thay đổi thế giới, cải cách xã hội, mà chính là làm sao bảo đảm được đời sống với những việc làm ổn định. Họ đã quá bận rộn trong việc mưu sinh, thành ra họ không còn thời giờ, tâm trí cho những hoạt động mà họ cho rằng ít cần thiết.

Vừa qua là một thực tế khó khăn của những người thuộc thế hệ X. Mặc dầu trong hoàn cảnh bất lợi như thế, ngày nay bước vào ngưỡng cửa 40, nhiều người của thế hệ X cũng đã tạo dựng được cho mình một cơ nghiệp tương đối vững chắc. Nhưng cũng có những người vẫn còn sống trong cảnh bấp bênh. Ðể thành công những người thuộc thế hệ X phải cật lực phấn đấu. Nói chung đây là những người có óc độc lập, có tài xoay sở. Họ rất tháo vát, uyển chuyển, thích nghi dễ dàng với mọi thay đổi của đời sống.. Họ chăm chỉ, có tinh thần cầu tiến. Không như thế hệ đàn anh, cách suy nghĩ của họ thực tiễn hơn. Họ không có những hoài bão quá to lớn. Họ ấp ủ những nguyện vọng đơn giản nhưng thiết thực: bảo vệ hạnh phúc gia đình, củng cố tình bạn hữu, tìm lại những giá trị thật của cuộc sống. Ðây không phải là một thế hệ bàng quan, hoàn toàn ích kỷ. Ðể gầy dựng một cơ nghiệp như cha anh nhiều người đã phải miệt mài cố gắng trong cả 10-15 năm. Thành tựu đến với họ vất vả và muộn màng hơn. Vào tuổi 40, một số người đã ổn định, rất có thể họ sẽ tham gia tích cực hơn trong lãnh vực chính trị, xã hội. Ở Québec, sự thành công của nghị sĩ trẻ Mario Dumont cùng với các đảng viên của ADQ (Action Démocratique du Québec) chống lại đảng kỳ cựu như PQ (Parti Québecois), Parti Libéral trong cuộc bầu cử tháng 6 vừa qua đã là dấu hiệu cho sự chuyển mình của thế hệ X? Ta không thể phủ nhận đây là một thế hệ đầy tiềm năng. Nhưng nhiều người đã mất niềm tin vì các nhà lãnh đạo đã làm ngơ trước những trắc trở của họ. Hố sâu giữa những thế hệ phát nguồn từ sự thiếu cảm thông của thế hệ cha anh và sự bất mãn của những người thuộc thế hệ X.

Theo những tác giả tham khảo, đây là một vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết, vì trong tương lai, với dân số ngày càng già đi, xã hội sẽ gặp nhiều thử thách cần sự đoàn kết của tất cả các thế hệ. Giải pháp đầu tiên là giải tỏa nạn thất nghiệp, trả lại cho những người X chỗ đứng xứng đáng với tài năng của họ. Ðiều này không khó với hoàn cảnh xã hội hiện tại, chỉ cần thiện chí và sự sáng suốt của các nhà lãnh đạo. Vì ở Québec từ đây cho đến 10 năm nữa, guồng máy chánh phủ sẽ mất đi khoảng 40% công chức thường trực (21000 người sẽ nghỉ việc trên tổng số 500000). Trong khu vực tư nhân, tình trạng tương tự cũng sẽ xảy ra. Ðiều quan trọng thứ hai là thay vì phê phán, các thế hệ cha anh phải lắng nghe và tìm hiểu tiếng nói của thế hệ X. Chỉ có trong tinh thần nâng đỡ, cảm thông và tôn trọng, cả thế hệ X mới có thể gạt bớt chủ nghĩa cá nhân của họ để góp phần tích cực vào công việc xây dựng xã hội.


Thế hệ X tại Hoa Kỳ

Như đã đề cập, thế hệ X cũng như thế hệ Baby Boomers là những thực tế chung cho toàn Bắc Mỹ. Phần đông những thí dụ diễn giải trong bài viết này được trích ra từ những thống kê ở Québec. Nhưng tại Hoa Kỳ và những tỉnh bang khác ở Canada, những phần tử X đều chung những điều kiện kinh tế nghiệt ngã. Về phương diện xã hội, văn hóa, mỗi địa phương hiển nhiên có những nét biệt lập, nhưng cũng đưa đến cùng kết quả: sự thành hình của nhân vật X đầy bất mãn, nhưng tháo vát độc lập. Xã hội Hoa Kỳ luôn là sân khấu của những biến cố chấn động toàn thế giới. Bối cảnh xã hội mà những người X đã trưởng thành có thể là một đề tài thu hút mọi người. Vì thế người viết xin trích dẫn lại bài nhận định của một tác giả Hoa Kỳ về các giai đoạn phát triển của những người thuộc thế hệ X, hay phổ biến hơn, thế hệ 13.

Các hài nhi X ra đời cùng một lúc với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào kế hoạch hóa gia đình. Lúc này người phụ nữ bắt đầu rời khỏi ngưỡng cửa gia đình đi vào xã hội. Quan niệm sống của người dân Mỹ đã thay đổi. Con cái không còn là yếu tố thiết yếu của hạnh phúc. Trái lại tiện nghi vật chất đã trở thành ưu tiên một cho cuộc sống thành công đầy đủ. Vì thế các phương pháp ngừa thai đã gia tăng gần như gấp đôi : ngừa thai bằng hóa chất, ngừa thai bằng giải phẫu. Thậm chí cũng có nhiều người ngừa thai bằng cách... phá thai (ít nhất 1/3 tỷ số thai nghén lúc bấy giờ bị kết thúc bằng giải pháp này).

Cái nhìn của người lớn về thế giới trẻ thơ đã thay đổi. Ngày xưa các em nhi đồng Baby Boomers luôn là tâm điểm thu hút mọi chú ý. Trái lại đến thế hệ 13, sự hiện diện của các em bé X thường xuyên là nguyên nhân của sự bực dọc cáu kỉnh của người lớn. Người ta không ngừng phàn nàn khi phải đóng thuế tài trợ cho nhà trường, cho các sinh hoạt thiếu nhi. Phong trào Zéro Population Growth Movement hiện hữu trong thời gian này đã không ngừng rêu rao rằng mỗi em bé chào đời là một trở ngại. Tốt hơn là không nên sản xuất những sinh vật này. Các em bé X đã luôn cảm thấy mình là những phần tử dư thừa.

Vào năm 1967, khi các người đầu của thế hệ 13 bước vào vườn trẻ, mẫu giáo, tỷ lệ ly dị đã vọt tăng rất nhanh như một nạn dịch. Cơ cấu gia đình đã thay đổi. Hạnh phúc gia đình với "My Three Sons" của thế hệ Boomers đã trở thành "My Two Dads" ở thế hệ 13. Các em bé X đã lớn lên giữa cấu trúc gia đình lỏng lẻo, không điểm tựa, không gương theo. Người lớn đã bị hụt hẫng trước những xáo trộn gia đình xã hội, họ không còn là khuôn mẫu để vẽ hướng đi cho con em họ.
Năm 1970, các em tiểu học X đã trở thành công cụ thí nghiệm của những phương pháp giảng dạy mới.

Năm 1973, ở lớp 6, các em bắt đầu học nằm lòng những bài công dân, trong khi tin tức thời sự nóng hổi xoay quanh sự kiện tai tiếng Watergate của Nixon. Ðây không phải là lần đầu tiên mà sự mâu thuẫn giữa lý thuyết nhà trường và thực tế xã hội đã gây ra niềm hoang mang cho các em.
Vào năm 1979, khi các phần tử X tốt nghiệp trung học, thì xã hội Mỹ đang chiếm kỷ lục về tỷ số tội ác, nạn nghiện ngập và dịch tự tử ở lớp thanh thiếu niên.

Năm 1983, khi các thành viên X vừa tốt nghiệp đại học, thời kết quả của một khảo cứu rất nổi tiếng, "A Nation Risk Report", đã vạch trần tính chất tồi tệ của chương trình giáo dục đương thời. Do đó, một cách gián tiếp, văn bằng đại học mà người X vừa đạt được đã bị giảm bớt giá trị. Nhưng không sao, mọi người thân đều kỳ vọng nơi họ: Các người trẻ X sẽ rời khỏi mái gia đình để tự lực cánh sinh. Họ sẽ có một việc làm tương xứng với tài năng của họ. Thế mà không, họ vẫn tiếp tục ở chung với gia đình vào lứa tuổi 25, 30. Họ vẫn tiếp tục làm những công việc bấp bênh. Họ thường là nhân viên bán hàng, người giao hàng chuyển thơ, người hầu bàn, gác kho. Một cách tóm tắt, những việc làm của họ thật là tạp nhạp, lương thấp, không quyền lợi. Người ta gọi chung những việc làm không hấp dẫn này một cái tên thật bình dân Mc Jobbers (đồng nghĩa với No Future, No Prestige). Ðây là khởi đầu của những thất vọng liên tiếp của những người X. Hoàn cảnh kinh tế Hoa Kỳ bấy giờ cũng chịu một sự khủng hoảng nặng nề, nợ quốc gia đã tăng đến mức vô tiền khoáng hậu. Các người thế hệ thứ 13 trông chờ sự trợ giúp của chính phủ và những người đi trước. Nhưng lạ lùng thay, guồng máy chính phủ đã khôn khéo đưa ra những đạo luật khiến cho giới trẻ ngày càng nghèo đi. Và những người Boomers và cao niên vẫn có những quy chế riêng để bảo vệ quyền lợi của họ. Phũ phàng hơn nữa, thay vì cảm thông với những khó khăn của thế hệ này, các người của thế hệ trước không ngừng chỉ trích họ là những người biếng nhác, ích kỷ, là biểu tượng cho sự suy tàn của toàn nước Mỹ.

Nói tóm lại giống như những chiến sĩ , những người thế hệ X đã và đang đối đầu với tương lai bằng một thái độ vừa dũng cảm vừa chán nản, họ phải tỉnh táo, nhanh lẹ, để có thể tồn tại trong một cơ cấu xã hội bất công. Thanh niên của thế hệ 13 cảm thấy họ càng ngày càng bị cô lập. Họ không tìm thấy giải pháp cho những trở ngại của họ. Họ mất niềm tin. Từng bước một, họ lần mò tìm cách mở cánh cửa giải tỏa tất cả khó khăn. Ánh sáng chưa đến với họ. Trước mặt họ cả một chướng ngại vật to lớn cản trở con đường công danh hạnh phúc.
Chướng ngại vật này là gì ? Chính là cả thế hệ Baby Boomers.


Những người Việt Nam thuộc lớp tuổi X ở hải ngoại

Họ là những người bắt đầu vào lớp tuổi 30-40. Họ cũng chia sẻ với dân bản xứ những điều kiện kinh tế xã hội hết sức khắt khe. Và họ đã phải phấn đấu nhọc nhằn hơn những người bản xứ. Với bản chất cần cù, kiên nhẫn thuần túy của người Việt Nam, nhiều người thuộc lứa tuổi X đã thành công. Khác với dân bản xứ, họ không nuôi phẫn uất, không cay đắng trước những trở ngại chất chồng. Nhiều người trong thế hệ X đã sống nhiều năm dưới chế độ cộng sản. Chế độ chuyên chính này đã như một lò luyện thép khiến họ trở nên cứng rắn, kiên cường hơn, và đã khắc phục được khá dễ dàng mọi thử thách. Họ không than vãn vì họ nghĩ rằng họ đã rất may mắn so với những người còn ở lại quê nhà. Họ không uất ức, ganh tỵ vì con đường cha anh họ đã gặp nhiều chông gai hơn. Vì thế đã không có những tranh chấp quyền lợi dẫn đến sự chia rẽ giữa các thế hệ trong cộng đồng Việt Nam. Tuy nhiên giữa các thế hệ Việt Nam tại hải ngoại cũng tiềm tàng ít nhiều mâu thuẫn, bất đồng phát nguồn từ sự khác biệt về mức độ hội nhập vào nền văn hóa Tây phương của từng thế hệ.

Thế hệ cao niên đã thấm nhuần văn hóa Việt Nam nặng tinh thần Khổng Giáo, quen với cung cách trên kính dưới nhường. Thế hệ trẻ hấp thụ tinh thần dân chủ Tây phương, chủ trương sự bình đẳng. Vì thế trong những cuộc hội thoại, những người lớn tuổi có thể bị ngỡ ngàng thất vọng cho rằng lớp trẻ đã mất đi sự kính trọng đối với các bậc cao niên. Người trẻ có thể cho rằng thế hệ già độc đoán và cố chấp. Trong gia đình và ngoài xã hội, những va chạm này dễ xảy ra. Chỉ cần tất cả những lớp tuổi ý thức được hiện tượng khác biệt văn hóa để có thể ngồi lại với nhau. Hơn lúc nào hết sự cảm thông và đoàn kết giữa các thế hệ Việt Nam hải ngoại là yếu tố thiết yếu để xây đắp một gia đình hạnh phúc, để củng cố cộng đồng và duy trì nền văn hóa Việt Nam.

Trong thời gian vừa qua, những người X Việt Nam đã bận rộn trong vấn đề sinh kế. Ngày nay vào lứa tuổi 35-40, họ đã tạm ổn định. Rất nhiều người ôm ấp nguyện vọng phải làm một điều gì hữu ích cho cộng đồng, cho quê hương. Ðể thực hiện dự định cao đẹp này, chúng tôi cần có sự dẫn dắt của thế hệ cha anh.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

FOOT David, K. Entre le boom et l'écho 2000, Montréal, Boréal 1999, 375 pp.
COUPLAND Douglas, Génération X, Paris, Laffont 1993, 233 pp.
GUAY Jean-Herman, Avant, pendant et après le boom. Portrait de la culture politique de trois générations de Québecois, Sherbrooke, Les Fous du roi, 1997, 157 pp.
GROUPE DE RÉFLEXION, Le pont entre les générations, Montréal, Des Intouchables, 1998, pp153.
COLLARD Nathalie " Génération X, Portrait d'une génération ", La Presse Montréal 19 Janvier 2002. pp A18, A19, A21, A24.
LESAGE Valérie " Les jeunes et la politique : Le club sélect du parlement " Le Soleil, Québec 25 Novembre 2001, p A9.
TURCOTTE Claude " Le vieillissement de la population. La révolution des générations approche " Le Devoir, Montréal, 26 Novembre 2001, p B1.
FILION Nadine " À l'assaut de la génération Y " La Presse, 22 Octobre 2001, p 10.

www.theatlantic.com/issues/92dec/9212genx.htm.
www.the atlantic.com/92dec/9212genx.htm.

Tập san Truyền Thông, Canada, số 5, tháng 8.2002

talawas chân thành cảm ơn Truyền Thông đã cho phép đăng lại