trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
1.2.2005
Lê Trần Huy Phú
“Ngôn ngữ của những giá trị Mỹ” và một ngôn ngữ bài gay ở… Việt Nam
 
Thật ra hai vế của tựa bài chẳng liên quan gì với nhau, vì ban đầu tôi chỉ định giới thiệu một bài dịch mới nhất về vấn đề hôn nhân đồng giới tại Hoa Kỳ. Thế nhưng tôi buộc phải có đôi lời để so sánh nó với một bài báo khác trên một tờ báo Việt Nam.

Bài dịch là của một sinh viên vừa/ đã tốt nghiệp tại Cornell University. Một mặt anh phê phán kế sách sai lầm của các tổ chức dân quyền của người đồng tính luyến ái trong cuộc chiến giành sự ủng hộ của công luận. Mặt khác, và chủ yếu, anh vạch ra một khía cạnh phi lý, ngụy biện trong dự định hiến pháp hóa chống hôn nhân đồng giới. Quan điểm của anh là trong khi hôn nhân truyền thống đã không còn là truyền thống nữa, thì “tại sao không cho các cặp đồng tính luyến ái, nam và nữ, có cùng một tiêu chuẩn như vậy?”

Còn bài trên tờ báo Việt Nam mà tôi đề cập, là Khá phá nhanh vụ giết người chặt xác phi tang (http://www.baocongantphcm.com.vn/detail_news.php?a=art03517&b=3) trên báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là vụ án mà nạn nhân và thủ phạm là hai người đồng tính có quan hệ với nhau, xảy ra do ghen tuông. Vụ án này đang gây xôn xao dư luận thành phố Hồ Chí Minh, và theo chỗ tôi được biết, thậm chí (và thật đáng hổ thẹn), người ta bàn tán đến nó và lên án “tụi đồng tính” còn hơn cả bàn tán và lên án chuyện Trung Quốc bắn giết ngư dân Việt Nam!

Tên giết người không gớm tay này chắc chẳn sẽ nhận bản án cao nhất của tòa án Việt Nam. Sẽ không một người đồng tính luyến ái nào không lên án hắn ta, và đồng tình với hành xử của pháp luật. Thế nhưng bài báo được đề cập nói đến các đối tượng có liên quan bằng những từ ngữ và thái độ mạ lị đối với luyến ái đồng giới. Điều này chẳng làm ai ngạc nhiên vì nhiều lẽ, và cũng chẳng khiến tôi phải nhọc lòng viết những dòng này nếu không có kết luận, rằng: “Đồng tính luyến ái là bệnh hoạn và thường gắn với tội ác. Đó là điều toàn xã hội cần quan tâm để đẩy mạnh biện pháp phòng ngừa.”

Phải chăng thái độ của người viết (và của cả tờ báo?) là cố tình làm ngơ thông tin vốn nay không phải không dễ tìm thấy nữa, rằng đồng tính luyến ái không phải là bệnh hay bệnh hoạn; phải chăng đây là cố tình qui chụp đồng tính luyến ái “gắn với tội ác”? Dù người ta có chữ “thường” trước đó, để có thể cho rằng mình không nói tất cả, hoàn toàn, nhưng bản thân chữ “thường” đã có nghĩa là thường xuyên, thường trực, là đại đa số.

Và phải chăng với câu cuối cùng, người ta đang rắp tâm dự định, chuẩn bị hay khích động một dư luận, một chiến dịch bài gay (vâng, lần này tôi thẳng thắn dùng từ này)? Chúng ta biết rằng một vụ án lớn thường được báo chí (đặc biệt là báo Công an) đề cập nhiều lần: lúc phát hiện, khi bắt được thủ phạm, lúc khởi tố, khi xét xử, và còn dài dài bàn đến sau đó về hậu quả, tác động của vụ án… Đây là những dịp quí hơn vàng để những người thiếu kiến thức và bất khoan dung, nhưng lại nắm giữ quyền thông tin, tấn công vào người đồng tính luyến ái.

Trong khi có những tờ báo rất đúng mực, đăng mẩu tin vụ án này như bao vụ án khác, mà đồng tính cũng chỉ là một tình tiết bình thường trong đó, thì bài này trên báo Công an đã công khai một động thái bài gay bằng việc kêu gọi toàn xã hội “đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa”, mà với những người công an, ta có thể liên hệ các biện pháp đó có thể là gì.

Tôi không cần lý giải thêm nữa, những gì có liên quan cần trình bày, cơ bản tôi đã viết ở Thư ngỏ gửi bà Nguyễn Thị Hoài Thu, chủ nhiệm Uỷ ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội. [1] Việc “dán nhãn” chụp mũ lên người đồng tính luyến ái, vấn đề pháp lý trong ngôn ngữ bài gay, nếu có thể tôi sẽ đề cập lúc khác. Điều đáng nói ở đây, đó là một sự thất vọng ê chề (nói nhẹ nhàng nhất) cho một số người cầm bút già dặn, giữ nhiệm vụ định hướng về trật tự trị an cho công chúng, khi so với suy nghĩ và tấm lòng của một cựu sinh viên (và xác suất cao là khá trẻ) tại Cornell.

Những gì mà anh ta viết ra không phải là cao siêu, thậm chí là bình thường, nhưng lại là điều bình thường mà người ta không chịu bình thường hóa cho người đồng tính luyến ái: họ chiếm tỷ lệ rất ít trong dân số, nên đương nhiên các vấn đề xã hội nảy sinh phần lớn thuộc “trách nhiệm” của… người dị tính luyến ái. Nhưng cái trách nhiệm này nó bình thường đến mức không là trách nhiệm, vì đơn giản những gì phát sinh, liên quan vốn chỉ là các hiện tượng xã hội, kể cả các hiện tượng hình sự. Thế nhưng ở các vụ án, hay bất cứ biểu hiện tiêu cực, không lành mạnh “bình thường” nào khác, khi bị phanh phui, thì không bị qui kết về tình cảm giới tính để hô hào, đại để “cần đề phòng, ngăn chặn, lên án, trừng phạt… các quan hệ dị tính…”; còn nếu có hơi hớm của quan hệ cùng phái thì người ta lập tức làm việc này!

Những ai đó mà trong lòng đầy những tình cảm không thiện ý đối với đồng tính luyến ái, hãy thử một lần mở lòng để suy nghĩ tương tự với tác giả bài viết dưới đây, rằng: tại sao không cho những người đồng tính luyến ái, nam và nữ, có được cùng một tiêu chuẩn bình thường như vậy đối với các hiện tượng xã hội?




Brian Holmes
Ngôn ngữ của những giá trị Mỹ
Lê Trần Huy Phú dịch

Khi Quốc hội bước vào khóa 109, Thượng nghị sĩ Wayne Allard (Cộng hòa, Colorado) loan báo kế hoạch tái giới thiệu Tu chính Hôn nhân Liên bang, vốn đã bị Hạ và Thượng viện bác bỏ năm rồi. [2] Nay dưới cái tên Tu chính Bảo vệ Hôn nhân, dự thảo của Allard có sự hậu thuẫn của 21 người đồng bảo trợ, tất cả là Cộng hòa, và ông ta hy vọng nó sẽ được đưa vào Nghị trình số 1, trở thành ưu tiên lập pháp hàng đầu cho hai năm tới. Với bất cứ tên gọi gì, tu chính này đi xa hơn là đơn giản ngăn chặn các bang cho phép hôn nhân đồng giới. Phiên bản mới vẫn cấm “hôn nhân hay những liên quan pháp lý đến nó” đối với “bất kỳ kết hợp nào khác với kết hợp giữa một nam và một nữ”. “Những liên quan pháp lý đến nó” có thể bao gồm mọi thứ, từ quyền lợi bảo hiểm đến “kết hợp dân sự”. Cho đến nay, những thách thức đối với tu chính này vẫn bỏ lại phía sau nhiều điều được mong muốn.

Các tổ chức bảo vệ quyền của gay đã phát hành một “tuyên bố chung”, cam kết hướng đến “Dân quyền, Cộng đồng, Hành động phong trào”. Có hai vấn đề với cách tiếp cận này. Vấn đề thứ nhất có tính trọng tâm. Các nhóm này phải tranh đấu bảo đảm rằng người Mỹ đồng tính luyến ái và gia đình của họ hoàn toàn có thể sống, làm việc, và đóng góp cho xã hội mà không sợ sự trả đũa của nhà nước. Đây là một ưu tiên.

Không may, nhiều nhóm trong số này vẫn sử dụng những điều họ nói từ hồi tháng Mười, [3] tấn công không ngừng vào những người Cộng hòa và, quan trọng nhất, vào Tổng thống Bush. Năm rồi, nhóm mạnh nhất trong số này, Chiến dịch Nhân quyền (Human Rights Campaign, HRC), đặt cược gia sản vào khẩu hiệu “George W. Bush, ông bị thải hồi”. Làm cho Tổng thống thất bại - hơn là thắng con tim và khối óc của mọi người, để ủng hộ cho quyền dân sự của gay và lesbian - là ưu tiên cao nhất, và là điểm tập trung chính ở ngân sách 30 triệu dollar của họ. Trong lúc HRC phí phạm khi chống lại Bush, mười ba bang (tất cả, trừ hai bang bỏ phiếu không phải để thải hồi Bush) thông qua các luật phủ nhận hôn nhân đồng giới và các chế định công khác dành cho họ.

Bạn có thể nghĩ rằng họ đã nhận được thông điệp rằng đa số của đất nước này đã không muốn mua cái mà họ bán. Hơn thế, bạn có thể hy vọng họ đã nhận ra sự nguy hiểm của việc đặt ngang hàng một phong trào dân quyền với thời vận của một đảng chính trị. Nghĩ thế, ở cả hai điểm, bạn sai lầm.

HRC đã dùng 15.000 dollar cho các quảng cáo trên truyền hình cáp tuần rồi, vào ngày nhậm chức, để tấn công những gì “nói một đằng làm một nẻo” của Tổng thống. Họ có một điểm, đặc biệt ở những vấn đề liên quan đến gay. Nhưng tại sao quảng cáo trên truyền hình để chứng minh nó? Những người vốn đồng ý với tuyến suy nghĩ đó hẳn là đứng về phía họ.

Nhưng còn những người không đồng ý - tỷ lệ 51% của người Mỹ đã bỏ phiếu tái cử cho Tổng thống Bush - là những con tim và khối óc mà HRC cần phải giành lấy. Và nếu than phiền về Tổng thống với chính những người cần phải lôi kéo, chẳng phải là anh đã sắp sẵn thất bại cho mình à?

Nếu những nhóm này tiến hành công việc thuộc vấn đề chính thứ hai, họ có thể tìm thấy con đường đi đến chiến thắng đạo đức và chính trị. Kế hoạch có thể được tìm thấy trong các diễn văn và văn tự vĩ đại của lịch sử Hoa Kỳ. Nhưng phong trào dân quyền của gay vẫn không có một lãnh đạo có thể nói cái ngôn ngữ của những giá trị Mỹ. Trong tuyên bố, các nhóm này viện dẫn những phong trào dân quyền trước đây, nhưng cách nhìn của họ về những triển vọng của đời sống Mỹ là so sánh thiển cận. Ngôn ngữ họ sử dụng tập trung vào sự “phân biệt đối xử” và thân phận nạn nhân của gay và lesbian. Tôi không nói chúng ta không thừa nhận sự bất công. Nhưng đáng nhớ cách thức TS. King [4] liên hệ sự bất công hiện tại với cái nhìn về tương lai, trong diễn văn nổi tiếng nhất của ông: “Và thậm chí, dù chúng ta đối mặt với những khó khăn của hôm nay và ngày mai, tôi vẫn có một giấc mơ. Nó là giấc mơ có cội rễ sâu xa trong giấc mơ của nước Mỹ.” Điệp khúc theo sau - “Tôi có một giấc mơ”- vang vọng trong trái tim của nhiều thế hệ sau.

Nói vậy không phải để cho rằng phong trào dân quyền của gay và dân quyền của người Mỹ gốc Phi là hoàn toàn giống nhau, cả ở phạm vi của bất công lẫn con đường dài để chiến thắng nó. Nhưng những giá trị đạo đức làm cơ sở cho cuộc đấu tranh là hoàn toàn như nhau.

Điều gì mang chúng ta trở lại với Tu chính Bảo vệ Hôn nhân? Căn cứ tình trạng văn hóa của chúng ta ngày nay, không nghi ngờ rằng hôn nhân truyền thống cần được bảo vệ. Ngoại tình phổ biến chưa từng thấy. Ly dị trở thành một chuẩn mực. Và hầu hết các gia đình đều có ai đó - ít ra là một người anh em họ - có một con ngoài hôn thú.

Nó đáng để chính quyền - thay vì gia đình hay nhà thờ - thảo luận nên hay không việc buộc tôn trọng tính thiêng liêng của gia đình và cố gắng giảm tỷ lệ ngoại tình, ly dị, sinh nở bất hợp pháp. Thế nhưng, với những vấn đề này, Tu chính Bảo vệ Hôn nhân lại im lặng.

Tu chính Bảo vệ Hôn nhân chỉ bảo vệ hôn nhân nhằm loại các cặp đồng giới, ngăn chặn các thẩm phán và chính quyền bang cho họ nghi thức này hay “những liên quan pháp lý đến nó”. Hãy nhớ rằng gay và lesbian có một tỷ lệ rất nhỏ trong dân số của chúng ta, liên quan ở một phần rất bé các quan hệ ngoại tình và kết quả ly dị. Nếu chính quyền bảo vệ hôn nhân truyền thống, và những người dị tính gây ra 90%, hay hơn nữa, những vấn đề này, tại sao lại không bắt đầu với họ?

Tự quan niệm cho rằng có một tiêu chuẩn bất biến, cố định của hôn nhân truyền thống, đã là một ngụy biện. Cho đến khoảng 100 năm trước ở đất nước này, hôn nhân truyền thống là kết hợp của một nam và một nữ cho đến chết. Đối với phần lớn người Mỹ, đó vẫn còn là cái lý tưởng, nhưng nhiều người thất bại, để rồi duy trì như một vấn đề nhục dục. Định nghĩa hôn nhân truyền thống đã thay đổi trong luật pháp của mỗi bang để thích hợp với thực tế mới này. Chính quyền hợp pháp hóa ly dị, dành những phán xét đạo đức cho các thẩm quyền nằm ngoài phạm vi của nhà nước, như gia đình và nhà thờ. Vậy tại sao không cho các cặp đồng tính luyến ái, nam và nữ, có cùng một tiêu chuẩn như vậy?

Nguồn: The Cornell Daily Sun, 26.1.2005

http://www.cornellsun.com/vnews/display.v/ART/2005/01/26/41f7111d8b86e


© 2005 talawas



[1]Nhân đây xin nói rằng sau khi Thư ngỏ này công bố trên talawas, đã có ý kiến gởi đến tôi, xin sử dụng nó để thu thập chữ ký và gửi trực tiếp đến những người có trách nhiệm. Bản thân tôi xem điều này là không/ chưa phải lúc, mà một trong những nguyên nhân là vẫn tin tưởng vào sự khoan dung của xã hội Việt Nam, và không muốn có động thái “bất bình thường” như vậy xảy ra ở một chuyện bình thường, là tình cảm con người. Tuy nhiên, khi mà thái độ bài gay có cơ may hình thành, tôi nghĩ sẽ có lúc người đồng tính luyến ái không thể không công khai nói đến quyền tồn tại và nhân phẩm của mình.
[2]Thượng viện làm việc đó vào ngày 14.07.2004, và Hạ viện ngày 30.09.2004.
Thông tin thêm: sau khi tái đắc cử, ngày 16.01.2005 vừa qua, trong một cuộc phỏng vấn về nhiều đề tài dành cho Washington Post, Tổng thống Bush nói rằng sẽ không thúc giục Thượng viện thông qua tu chính chống hôn nhân đồng giới nữa, và để quyết định về cho các bang. Ông nói ông không nghĩ rằng “chúng ta phải phủ nhận quyền của dân chúng đi đến một kết hợp dân sự (hay) một (hình thức) dàn xếp pháp lý, nếu đó là điều một bang lựa chọn để thực hiện.” Đây sẽ là một thay đổi lập trường rất lớn, và có thể xem như dấu chấm hết của tu chính án chống hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi thông tin này công bố, trợ lý Dan Bartlett đã xuất hiện trên TV và cải chính: “ông (Tổng thống) sẽ tiếp tục thúc đẩy tu chính án (chống hôn nhân đồng giới).”
[3]Đây là nói về thời điểm trước cuộc bầu cử tổng thống 2004.
[4]Marin Luther King.