trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcCác giải thưởng văn học
27.11.2006
Phạm Viết Đào
Nên thay đổi cách thức trao giải của Hội Nhà văn Việt Nam
 
Tôi đã đọc bài trên báo Tiền phong và báo Thanh niên thuật lại một số ý kiến của nhà thơ trẻ Ly Hoàng Ly, từ chối không nhận giải thưởng của Hội Nhà văn đã trao cho tập thơ Lô Lô của mình. Lý do của sự từ chối xuất phát từ ý kiến của nhà văn Phan Hồng Giang, một thành viên của Hội đồng chung khảo thơ của Hội Nhà văn phát biểu trên báo Thể thao Văn hoá.

Qua ý kiến của Ly Hoàng Ly và một nhà văn Việt kiều ở Pháp phát biểu với báo chí về sự ngỡ ngàng của mình trước việc tác phẩm của mình được tặng thưởng của Hội Nhà văn, theo chúng tôi cả hai phía Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà văn từ chối giải thưởng cần rút kinh nghiệm để cho những ứng xử của mình ngang tầm với ứng xử của một nhà văn, một tổ chức của những người làm nghề văn. Cách thức ứng xử như vụ việc trao giải thưởng lần này theo chúng tôi đã gây ra những tai tiếng không đáng có. Trước hết tôi xin có một số góp ý.


1. Ðối với Ly Hoàng Ly

Ly Hoàng Ly bộc bạch: “tuổi đời còn trẻ, tuổi nghề chưa nhiều”, điều này cá nhân tôi hoàn toàn chia sẻ vì ai mà không qua thời tuổi trẻ, bồng bột, tuổi trẻ ai mà chẳng mong sớm tự lập và tự khẳng định mình, được nhìn nhận đánh giá đúng... Thậm chí đầu những năm 50 ở phương Tây, để được sớm thừa nhận, sớm được khẳng định mình, sớm xoá đi những trật tự mà giới trẻ cảm thấy họ là kẻ “thấp cổ bé họng” trong đó, giới trẻ đã có thổi bùng lên trào lưu “nổi loạn” từ trong tư tưởng, trong ý nhân thức, trong văn chương và trong cuộc đời...

Việc từ chối giải thưởng cũng là chuyện bình thường, giải Nobel cũng nhiều lần bị từ chối. Tôi đã có lần leo lên tháp Eiffel ở Paris, trên đỉnh tháp có một căn phòng nhỏ giới thiệu về ông Eiffel. Tôi đã nhìn thấy tấm bằng kỹ sư của Eiffel, trên bằng ghi bút tích từ chối không nhận tấm bằng của ông, trường đại học nơi cấp bằng cho ông đã đem trưng bày tấm bằng đó ngay trên tháp Eiffel. Hành động cấp và trả lại tấm bằng đều không mang ý nghĩa “hạ nhục” hay “phủ định nhau” nhau mà là một việc làm được nêu về bài học về văn hoá ứng xử. Eiffel trả lại bằng bởi khi học xong đại học, vì một lý do nào đó mà ông không được công nhận tốt nghiệp, ông không được trao bằng. Mặc dù không được công nhận là kỹ sư nhưng ông vẫn làm việc và kiệt tác kiến trúc tháp Eiffel đã làm cho tên tuổi của ông lừng lẫy. Sau sự kiện này, trường đại học nơi ông từng theo học đã tiến hành cấp lại bằng nhưng Eiffel đã từ chối... Tôi không muốn bình luận nhiều về sự kiện này mà chỉ nêu để chúng ta suy ngẫm.

Ly Hoàng Ly có quyền từ chối (Ly Hoàng Ly không phải là người đầu tiên làm việc này), nhưng nếu chỉ vì xuất phát từ ý kiến của ông Phan Hồng Giang mà không nhận giải thưởng của Hội Nhà văn, tôi cảm thấy việc từ chối này là một sự “kiếm cớ”, “mượn cớ” để không thừa nhận một quyết định của một tổ chức mà mình tự nguyện tham gia... Trong khi đó việc trao giải là một chủ trương nhằm tôn vinh, động viên những giá trị sáng tạo của các hội viên, một hoạt động thường niên của Hội được số đông hội viên đồng tình.

Tất nhiên không phải lần trao giải nào cũng nhận được sự đồng thuận tuyệt đối, những tiếng bấc tiếng chì... Dư luận có phần phiền lòng vì không ít lần trao giải đã làm rộ lên chuyện này chuyện kia nhưng lại xuất phát từ những lý do ngoài văn chương, những chuyên không liên quan đến chất lượng nội dung, tác phẩm và lại xuất phát từ chất lượng của các quan hệ con người. Không ít trường hợp rơi vào cảnh ngộ không ưa thì dưa có dòi... Về vấn đề trao các giải thưởng văn học nghệ thuật xin phép cho chúng tôi bàn trong một chuyên luận khác.

Tôi có đọc ý kiến của nhà văn Phan Hồng Giang trả lời trên Thể thao Văn hoá, theo tôi đó chỉ là ý kiến mang tính chất cá nhân, cho dù ông là người tham gia bỏ phiếu cho giải. Ðối với giải thưởng của Hội Nhà văn, quyền quyết định và trách nhiệm trao giải thuộc về Ban chấp hành Hội. Tất cả các hội đồng ở nước ta đều chỉ mang tư cách tư vấn, lãnh đạo Hội Nhà văn có quyền nghe hay không nghe theo ý kiến của Hội đồng. Do vậy thái độ của Ly Hoàng Ly từ chối giải thưởng của Hội Nhà văn nếu chỉ xuất phát từ ý kiến của ông Phan Hồng Giang, chẳng khác nào một ông công chức vì bực mình tại nhiệm sở nhưng lại về nhà trút bực tức lên đầu vợ con hoặc “choạnh chọe” với hàng xóm bởi những chuyện không đâu...

Ly Hoàng Ly, với tư cách hội viên hoặc với tư cách người có tác phẩm dự giải có quyền phản ứng với ý kiến của nhà văn Phan Hồng Giang, thậm chí có quyền yêu cầu lãnh đạo Hội Nhà văn lần sau không được mời ông Phan Hồng Giang vào các hội đồng chấm giải của Hội, giống như việc bị cáo có quyền đề nghị thay đổi thẩm phán! Chỉ vì ý kiến của ông Phan Hồng Giang mà “giận lây” ra cả quyết định của Hội Nhà văn thì e chưa “thấu tình đạt lý”.

Lý do từ chối giải của Ly Hoàng Ly thật sự có sức thuyết phục, là một ứng xử đúng tầm của một nhà văn, nếu nhà thơ trẻ này đưa ra chứng minh được, hoặc là:
  1. Tác phẩm mình còn chưa đủ tầm với giải, để tôn vinh giá trị của giải và uy tín của Hội Nhà văn, xin rút lui và xin cảm ơn đánh giá của Hội;
  2. Tác phẩm của mình phải trên tầm của giải được trao, giải thưởng trao như thế là chưa xứng đáng;
Vì Hội Nhà văn đã không đánh giá đúng như vậy nên tác giả từ chối.


2. Ðối với Hội Nhà văn

Theo chúng tôi Hội cũng nên thay đổi cách thức tổ chức chấm giải và trao giải. Hoạt động trao giải chẳng qua cũng chỉ là một cuộc chơi, do đó trước khi chấm giải, Hội nên có hình thức đăng ký tham gia của nguời có tác phẩm để tránh sự ngỡ ngàng của người tự dưng bị “đè” ra trao như giải thưởng của Hội Nhà văn. Nhiều festival văn học nghệ thuật người ta còn quy định cả điều lệ, quy chế, thậm chí phải đóng lệ phí nếu muốn tham gia.

Thứ hai, để tránh sự “oóc-giơ” của các hành vi trao, trả giải thưởng, sau khi có ý kiến tham mưu của các hội đồng, nếu Ban chấp hành đồng thuận thì nên có sự thăm dò trước đối với nhà văn chuẩn bị được trao. Nếu nhà văn chuẩn bị được trao mà không mặn mà gì thì cũng chẳng nên trao làm gì.

Ðể rộng đường dư luận, các hội đồng chấm giải hàng năm nên hạn chế các thành viên là uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn, thậm chí không nhất thiết phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nguồn: Báo Văn hoá (Bá»™ Thông tin Văn hoá) ngày 16.11.2006