trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcCác giải thưởng văn học
Loạt bài: Các diá»…n từ/diá»…n văn Nobel văn chÆ°Æ¡ng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
4.1.2007
Orhan Pamuk
Chiếc vali của cha tôi
(Diễn từ Nobel ngày 7/12/2006)
Trần Tiễn Cao Đăng dịch
 
Hai năm trước khi qua đời, cha tôi đưa cho tôi một chiếc va li nhỏ đựng đầy những thứ ông đã viết, các bản thảo, những cuốn vở ghi chép. Làm ra vẻ bông đùa, giễu cợt như thường lệ, cha bảo ông muốn tôi đọc những thứ này sau khi ông đã ra đi, ý nói là sau khi ông mất.

“Cứ đọc qua xem,” ông nói, có vẻ hơi bối rối. “Xem thử liệu con có dùng được gì trong đó không. Biết đâu sau khi cha ra đi con có thể chọn lọc đem in”.

Lúc đó hai cha con đang ở trong phòng làm việc của tôi, bốn bề toàn sách. Cha tôi nhìn quanh tìm chỗ đặt cái va li xuống, cứ đi tới đi lui như một người đang muốn trút bỏ một gánh nặng trầm kha. Rốt cuộc ông lặng lẽ đặt nó xuống một góc khuất. Đó là một khoảnh khắc gượng gạo mà cả hai chúng tôi không bao giờ quên, nhưng khi khoảnh khắc đó đã qua và chúng tôi lại trở về vai trò thường nhật của mình, coi đời nhẹ tênh, thì cái ngã vốn ưa bông đùa, giễu cợt của chúng tôi lại thắng thế và chúng tôi thoải mái hẳn ra. Chúng tôi trò chuyện như xưa nay vẫn thế, về những chuyện vặt trong đời sống hàng ngày, về những rối ren không bao giờ dứt của nước Thổ Nhĩ Kỳ, và về những cuộc mạo hiểm kinh doanh hầu hết là thất bại của cha tôi, mà chẳng cảm thấy buồn phiền mấy nỗi.

Tôi nhớ rằng sau khi cha đã ra về, suốt mấy ngày liền tôi cứ đi đi lại lại ngang qua cái vali mà không một lần đụng tới. Tôi vốn đã quen với cái vali bằng da nhỏ màu đen này từ trước kia rồi, quen cái khóa của nó, quen những góc tròn tròn của nó. Cha tôi thường xách nó theo trong những chuyến đi ngắn ngày, đôi khi cũng dùng để mang tài liệu đi làm. Tôi nhớ hồi tôi còn nhỏ, mỗi khi cha tôi đi đâu về, tôi thường mở cái va li nhỏ này ra mà lục lọi hết các thứ đồ của cha trong đó, hít ngửi mùi nước hoa và mùi những xứ người. Cái va li này là một người bạn quen thuộc, một lời nhắc mãnh liệt về thời thơ ấu của tôi, quá khứ của tôi, nhưng giờ đây thậm chí đụng đến nó tôi cũng không thể. Tại sao? Chắc chắn là vì cái gánh nặng huyền bí của những gì đựng bên trong nó.

Giờ tôi sẽ nói về ý nghĩa của cái trọng lượng đó. Đó là cái mà một con người tạo ra khi người đó giam mình trong phòng, ngồi xuống bàn, thu vào một góc để biểu đạt những tư tưởng của mình ra, nghĩa là, ý nghĩa của văn chương.

Ngay cả khi đã chạm tay vào chiếc vali của cha tôi, tôi vẫn không sao tự buộc mình mở nó ra được, nhưng tôi biết rõ một số cuốn vở nằm trong đó chứa đựng cái gì. Tôi từng thấy cha tôi viết cái này cái nọ vào một vài cuốn vở trong số đó. Đây không phải lần đầu tôi nghe nói đến cái chất nặng bên trong chiếc va li. Cha tôi có một thư viện lớn; hồi ông còn trẻ, vào cuối thập niên 1940, ông từng muốn trở thành một nhà thơ Istanbul, đã dịch thơ Valery sang tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ông lại không muốn sống đời làm thơ ở một xứ nghèo chẳng có bao nhiêu độc giả. Cha của cha tôi - ông nội tôi - từng là một doanh nhân giàu có; suốt thời thơ ấu cũng như thời thanh niên cha tôi sống rất an nhàn, nên ông chẳng hề có ý muốn gánh chịu gian khổ vì văn chương, vì viết lách. Ông yêu cuộc đời với mọi cái đẹp của cuộc đời - điều đó thì tôi hiểu.

Điều đầu tiên khiến tôi chùn lại không muốn xem những gì nằm trong va li của cha tôi dĩ nhiên là nỗi sợ rằng, biết đâu những gì đọc được tôi sẽ không thích. Bởi cha tôi đã biết điều đó, ông đã cẩn thận cư xử như thể ông chẳng hề coi trọng những gì đựng trong cái va li kia. Sau khi làm nhà văn trong suốt 25 năm, thật đau lòng khi tôi phải thấy điều đó. Nhưng tôi thậm chí không muốn giận cha tôi vì đã không coi trọng văn chương một cách thích đáng… Nỗi sợ đích thực của tôi, điều cốt tử mà tôi không muốn biết hay khám phá, ấy là cha tôi có thể là một nhà văn giỏi. Tôi không thể mở chiếc va li của cha tôi bởi tôi sợ điều đó. Còn tệ hơn thế, bản thân tôi thậm chí không thể công khai thừa nhận điều đó. Nếu quả thật từ chiếc va li của cha tôi sẽ lộ ra một thứ văn chương đích thực và xuất chúng, thì tôi sẽ phải thừa nhận rằng bên trong cha tôi có một con người hoàn toàn khác. Đó là một khả năng đáng sợ. Bởi ngay cả ở độ tuổi trung niên này tôi vẫn muốn cha tôi chỉ là cha tôi chứ không phải một nhà văn.

Nhà văn là kẻ bỏ hàng năm trời ròng rã kiên trì ra sức khám phá cái bản thể thứ hai bên trong mình, và cái thế giới khiến anh trở thành chính anh trong hiện tại: khi tôi nói đến chuyện viết văn, điều đầu tiên nảy đến trong tôi không phải là một cuốn tiểu thuyết, một bài thơ hay một truyền thống văn chương, mà là một con người giam mình trong phòng, ngồi nơi bàn, chỉ một mình, hướng vào bên trong mình; giữa những bóng tối của nó [cái căn phòng đó, ND] anh ta xây dựng một thế giới mới bằng những ngôn từ. Người đó - nam hoặc nữ - có thể dùng máy đánh chữ, tận dụng sự tiện lợi của máy vi tính hoặc viết bằng giấy bút, như tôi vẫn làm suốt 30 năm nay. Trong khi viết, anh ta có thể uống trà hay cà phê, hoặc hút thuốc. Thỉnh thoảng anh ta có thể đứng dậy khỏi bàn nhìn qua cửa sổ ngắm lũ trẻ đang chơi ngoài phố, hoặc, nếu may mắn, anh ta có thể ngắm hàng cây và một quang cảnh, hoặc có thể nhìn ra một bức tường đen. Anh ta có thể viết thơ, kịch hay tiểu thuyết, như tôi. Tất cả những khác biệt đó đều là thứ yếu so với cái nhiệm vụ cốt tử là ngồi xuống bàn và nhẫn nại nhìn vào nội thể mình. Viết là chuyển cái nhìn vào nội thể này thành ngôn từ, nghiên cứu cái thế giới mà người đó bước vào khi anh ta lui vào bản thân mình, mà làm việc đó một cách kiên trì, bướng bỉnh, và vui sướng. Khi tôi ngồi ở bàn, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, chậm chạp đưa thêm những từ ngữ mới vào trang giấy trắng, tôi cảm thấy như mình đang tạo ra một thế giới mới, như thể tôi đang mang lại sự sống cho cái con người khác kia ở trong tôi, cũng như người ta xây một cây cầu hoặc lâu đài bằng lần lượt từng tảng đá. Những tảng đá mà nhà văn chúng tôi sử dụng là các từ. Khi chúng tôi cầm chúng trong tay, cảm nhận cách từng từ một liên kết với những từ khác, có khi nhìn chúng từ xa, có khi lại hầu như âu yếm ve vuốt chúng bằng những ngón tay và đầu ngọn bút, cân xem nặng nhẹ, xê tới dịch lui, năm này qua năm khác, một cách nhẫn nại và đầy hy vọng, chúng tôi tạo ra những thế giới mới.

Bí mật của nhà văn không phải là cảm hứng - bởi ai mà biết được cảm hứng từ đâu đến - mà là sự bướng bỉnh, sự nhẫn nại của nhà văn. Đối với tôi, câu tục ngữ Thổ Nhĩ Kỳ đáng yêu - đào giếng bằng cây kim - dường như chính là để nói về nhà văn. Trong những câu chuyện cổ, tôi thích sự nhẫn nại của Ferhat, kẻ đào xuyên qua bao ngọn núi vì tình yêu của anh ta - điều đó nữa tôi cũng hiểu. Trong cuốn tiểu thuyết Tên tôi là đỏ của tôi, khi viết về những nhà tiểu họa Ba Tư cổ suốt bao nhiêu năm trời cứ vẽ đi vẽ lại cùng một con ngựa với cùng một nỗi đam mê không thay đổi, thuộc lòng từng nét vẽ, rằng nhắm mắt họ cũng có thể tái tạo con ngựa đẹp đẽ kia, tôi biết rằng tôi đang nói về nghề viết, về cuộc đời của chính tôi. Nếu một nhà văn muốn kể câu chuyện của chính mình - kể một cách chậm rãi, và kể như thể đó là câu chuyện về những người khác -, nếu anh ta muốn cảm thấy cái sức mạnh của câu chuyện đó dâng lên trong nội thể mình, nếu anh ta muốn ngồi xuống bàn và nhẫn nại hiến mình cho cái nghệ thuật này - cái nghề này -, thì trước hết anh ta phải được ban ít nhiều hy vọng. Vị thiên thần cảm hứng (vốn thường xuyên thăm viếng một số người nhưng lại chẳng mấy khi ghé qua những người khác) thích những kẻ có lòng hy vọng và tự tin, và chính lúc nhà văn cảm thấy cô đơn nhất, chính lúc anh ta hoài nghi nhất về những nỗ lực của mình, giấc mơ của mình và giá trị những gì mình viết - lúc anh ta nghĩ rằng câu chuyện của mình chỉ là chuyện của riêng mình thôi -, vị thiên thần chọn chính những khoảnh khắc đó để phát lộ cho anh ta những câu chuyện, hình ảnh và giấc mơ sẽ tạo ra cái thế giới mà anh ta muốn xây dựng. Nếu hồi tưởng lại những cuốn sách mà tôi đã cống hiến cả đời mình, tôi sẽ ngạc nhiên nhất khi nhận thấy rằng những khoảnh khắc mà tôi cảm thấy dường như những câu, những giấc mơ, những trang viết từng khiến tôi ngất ngây hạnh phúc nhất đều không sinh ra từ trí tưởng tượng của chính tôi, mà là một sức mạnh khác đã tìm ra chúng và hào phóng bày chúng ra trước mắt tôi.

Tôi sợ mở chiếc va li của cha tôi rồi đọc những cuốn vở của ông bởi tôi biết ông sẽ không chịu nổi những khó khăn mà tôi đã hứng chịu, rằng ông thích không phải sự cô đơn mà là thích hòa mình với bạn bè, với đám đông, thích những phòng khách, những câu chuyện đùa vui, những chỗ đông người. Nhưng về sau ý nghĩ tôi chuyển sang một hướng khác. Những ý nghĩ đó, những giấc mơ về sự quên mình và lòng nhẫn nại, là những định kiến mà tôi đã rút ra từ cuộc đời và trải nghiệm của chính mình trong tư cách nhà văn. Có nhiều nhà văn sáng láng từng viết khi mà bao quanh họ là đám đông và cuộc sống gia đình, trong ánh sáng của đám đông bầu bạn và những cuộc bông phèng vui vẻ. Ngoài ra, hồi cha tôi còn trẻ và tôi thì còn nhỏ, cha tôi đã từng do mệt nhoài bởi sự đơn điệu của cuộc sống gia đình mà bỏ chúng tôi đến Paris, ở đó, cũng như bao nhiêu nhà văn khác, ông ngồi lì trong phòng khách sạn mà viết đầy hết cuốn vở này đến cuốn vở khác. Tôi cũng biết rằng một vài cuốn vở trong số đó đang nằm trong chiếc va li kia, bởi trong suốt ngần ấy năm trước khi cha mang nó lại cho tôi, ông rốt cuộc đã bắt đầu nói chuyện với tôi về thời kỳ đó trong đời ông. Ông nói về những năm tháng ngay từ hồi tôi còn bé, nhưng ông thường không nhắc tới những chỗ yếu của mình, giấc mơ trở thành văn sĩ của ông, hay về vấn đề căn tính vốn đã dằn vặt ông trong căn phòng khách sạn. Mà lúc nào ông cũng kể với tôi rằng ông đã nhìn thấy Sartre trên đường phố Paris, về những cuốn sách ông đã đọc và những bộ phim ông đã xem, lúc nào cũng kể với sự chân thành hoan hỉ của một người đang truyền đạt lại những tin tức thật hệ trọng. Khi trở thành nhà văn, tôi không bao giờ quên rằng điều đó một phần là bởi tôi có một người cha thường nói chuyện về các nhà văn trên thế giới chứ chẳng mấy khi nói về các vị quyền cao chức trọng hay những lãnh tụ tôn giáo. Thành thử khi đọc những cuốn vở của cha tôi thì có lẽ tôi cần phải nhớ điều này, và phải nhớ tôi đã hàm ơn đến thế nào cái thư viện lớn của ông. Tôi phải nhớ rằng, hồi cha còn sống với chúng tôi, cũng như tôi, ông từng thích ở một mình với những cuốn sách và suy nghĩ của mình, chứ không quan tâm cho lắm đến giá trị văn chương của những gì mình viết.

Nhưng trong khi nhìn chằm chằm cái va li mà cha để lại cho tôi, tôi cũng cảm thấy đây chính là điều tôi sẽ không thể làm được. Cha tôi thỉnh thoảng lại duỗi dài trên đi văng trước mặt những cuốn sách, bỏ rơi cuốn sách hay tờ tạp chí trên tay mà buông mình vào một giấc mơ, đắm chìm trong suy nghĩ một hồi hết sức lâu. Khi tôi thấy trên khuôn mặt ông một biểu hiện khác hẳn với vẻ mặt ông thường khoác vào những lúc cợt đùa, trêu ghẹo và cãi vặt trong cuộc sống gia đình - khi tôi nhìn thấy những dấu hiệu đầu tiên của một cái nhìn vào nội thể -, tôi thường - đặc biệt là hồi bé và hồi niên thiếu - hiểu một cách lo âu rằng ông đang bất mãn. Giờ đây, bao nhiêu năm sau thời đó, tôi biết sự bất mãn này là đặc tính cơ bản biến người ta thành nhà văn. Để thành nhà văn thì lòng kiên nhẫn và lao động miệt mài không đủ: trước hết chúng ta phải cảm thấy có nhu cầu thoát khỏi những đám đông, những nơi tụ tập bạn bè, những thứ của cuộc sống bình thường, thường nhật, mà giam mình trong một căn phòng. Ta mong muốn có lòng kiên nhẫn và hy vọng để có thể tạo ra một thế giới sâu thẳm trong những gì ta viết. Song ước muốn giam mình trong phòng chính là cái đẩy chúng ta đến hành động. Bậc tiền bối của loại nhà văn độc lập này - kẻ đọc những cuốn sách của [chính] mình một cách hài lòng mãn ý, kẻ mà, bằng cách chỉ lắng nghe tiếng nói của lương tâm chính mình, tranh cãi với ngôn từ của những kẻ khác, kẻ mà, bằng cách đối thoại với những cuốn sách của mình, phát triển những suy nghĩ của chính mình, thế giới của chính mình -, bậc tiền bối đó hầu như chắc chắn là Montaigne, vào thuở đầu của văn chương hiện đại. Montaigne là nhà văn mà cha tôi thường nhắc đi nhắc lại, nhà văn mà cha tôi khuyên tôi [hãy quan tâm]. Tôi muốn xem chính mình thuộc truyền thống những nhà văn mà - dù có ở đâu trên thế giới này, dù ở phương Đông hay ở phương Tây - đều tách mình ra khỏi xã hội, giam mình trong phòng cùng những cuốn sách. Điểm xuất phát của văn chương đích thực là con người giam mình trong phòng cùng với sách.

Nhưng một khi đã tự giam mình, chẳng bao lâu ta khám phá ra rằng ta không đơn độc như ta tưởng. [Bởi khi đó] ta lại ở cùng một hội với những ngôn từ của những kẻ đi trước ta, với những câu chuyện của những người khác, sách của những người khác, ngôn từ của những người khác, cái mà ta gọi là truyền thống. Tôi tin rằng văn chương là kho dự trữ quý giá nhất mà nhân loại đã thu thập được trong cuộc tìm kiếm hòng thấu hiểu chính mình. Các xã hội, các bộ tộc, các dân tộc [chỉ] trở nên thông minh hơn, giàu có hơn và tiến bộ hơn chừng nào họ quan tâm đến những ngôn từ đầy âu lo mà các nhà văn của họ viết ra, và, như tất cả chúng ta đều biết, đốt sách và bôi nhọ nhà văn là dấu hiệu cho thấy những thời kỳ đen tối và thiển cận đang đè nặng chúng ta. Nhưng văn chương không bao giờ chỉ là một vấn đề của cả nước. Nhà văn, kẻ giam mình trong phòng và trước hết khởi đầu một cuộc hành trình bên trong nội thể mình, cùng với năm tháng sẽ khám phá ra cái quy luật vĩnh cửu của văn chương: anh ta phải có khả năng kể những câu chuyện của chính mình như thể đó là chuyện của người khác, và kể chuyện của những người khác như thể đó là chuyện của chính mình, bởi văn chương chính là như vậy. Nhưng trước hết chúng ta phải du hành qua chuyện và sách của những người khác.

Cha tôi có một thư viện lớn - 1.500 cuốn cả thảy -, thừa đủ cho một nhà văn. Cho đến năm 22 tuổi, đọc thì chắc chưa đọc hết cái thư viện đó, nhưng tôi đã quen thuộc từng cuốn sách, tôi biết cuốn nào quan trọng, cuốn nào nhẹ nhàng nhưng dễ đọc, cuốn nào kinh điển, cuốn nào bất kỳ nền giáo dục gì cũng không thể thiếu, cuốn nào là những câu chuyện đọc xong quên ngay, nhưng hấp dẫn về lịch sử địa phương, và những tác giả Pháp nào được cha tôi đánh giá rất cao. Đôi khi tôi nhìn cái thư viện đó từ xa mà hình dung một ngày nào đó, ở một căn nhà khác, tôi sẽ xây dựng một thư viện của chính mình, một thư viện còn lớn hơn thế nữa - tự mình xây dựng một thế giới. Khi nhìn thư viện của cha tôi từ xa, tôi thấy dường như nó là bức tranh thu nhỏ của thế giới thực. Nhưng đó là một thế giới nhìn từ cái góc của riêng chúng tôi, từ Istanbul. Cái thư viện là bằng chứng cho điều đó. Cha tôi đã xây dựng nên thư viện từ những chuyến đi nước ngoài, hầu hết là với những cuốn sách mua ở Paris và Mỹ, song cũng còn với những cuốn sách mua ở các cửa hàng bán sách ngoại văn in từ thập niên 1940 và 1950 cũng như các nhà sách cũ cũng như mới ở Istanbul mà tôi cũng biết.

Thế giới của tôi là sự hòa lẫn giữa cái địa phương - cái quốc gia - với phương Tây. Vào thập niên 1970, bản thân tôi, một cách có phần tham vọng, cũng bắt đầu xây dựng thư viện của riêng mình. Lúc đó tôi vẫn chưa hoàn toàn dứt khoát sẽ trở thành nhà văn - như tôi đã nói trong Istanbul, lúc ấy tôi đã bắt đầu cảm thấy rốt cuộc mình sẽ không trở thành họa sĩ, nhưng vẫn chưa biết chắc đời mình sẽ đi về đâu. Bên trong tôi lúc đó có một nỗi tò mò khôn nguôi, một khao khát dẫn dắt bởi niềm hy vọng, khao khát đọc, khao khát học, song đồng thời tôi lại cảm thấy đời tôi thiêu thiếu cái gì đó, rằng tôi sẽ không có khả năng sống như những người khác. Một phần cảm giác này có liên quan với điều tôi đã cảm thấy khi ngắm thư viện của cha tôi - cảm thấy mình đang sống xa trung tâm của sự vật, như tất cả chúng tôi, những ai sống ở Istanbul thời đó đều buộc phải cảm thấy, cảm giác mình đang sống ở tỉnh lẻ. Còn có một lý do khác để cảm thấy âu lo, cảm thấy thiêu thiếu thế nào đó, bởi tôi biết quá rõ rằng mình sống ở một đất nước vốn quá ít quan tâm đến các nghệ sĩ của mình - dù họa sĩ hay nhà văn - và không cho các nghệ sĩ lấy một mảy may hy vọng. Vào thập niên 1970, khi tôi thường đem tiền được cha tôi cho mà háo hức mua những cuốn sách phai màu, bụi bặm, quăn queo nơi những hàng sách cũ Istanbul, tình trạng đáng thương của các hàng sách cũ đó, sự nhếch nhác thảm hại của những người bán sách nghèo khổ lôi thôi lếch thếch thường bày hàng bên vệ đường, trong sân giáo đường, trong hốc những bức tường sắp sụp, cũng có tác động đến tôi chẳng khác gì những cuốn sách mà họ bán.

Còn vị trí của tôi trên thế giới - trong đời sống, cũng như trong văn chương, cảm nhận cơ bản của tôi là tôi “không nằm ở trung tâm”. Ở trung tâm thế giới có một cuộc sống phong phú hơn, hấp dẫn hơn cuộc sống của chúng tôi, và dù có toàn bộ Istanbul, dù có toàn bộ xứ Thổ Nhĩ Kỳ, tôi vẫn ở ngoài cái trung tâm đó. Giờ đây tôi nghĩ tôi có chung cái cảm thức này với hầu hết mọi người trên thế giới. Cũng theo cách như vậy có một nền văn chương thế giới, và trung tâm của cái văn chương thế giới đó cũng ở rất xa tôi. Thực ra, khi nghĩ tới văn chương thế giới, chính là tôi nghĩ về văn chương phương Tây, và người Thổ Nhĩ Kỳ chúng tôi nằm ở ngoài cái văn chương đó.

Thư viện của cha tôi là bằng chứng cho điều đó. Ở một đằng có những cuốn sách của Istanbul - văn chương của chúng tôi, thế giới cục bộ của chúng tôi, với toàn bộ những chi tiết thân yêu của nó -, còn một đằng là những cuốn sách từ thế giới khác, thế giới phương Tây kia, cái thế giới mà thế giới của chúng tôi chẳng giống một chút nào, cái thế giới mà việc chúng tôi chẳng giống chút nào với nó mang lại cho chúng tôi cả nỗi đau lẫn niềm hy vọng. Viết và đọc cũng giống như rời khỏi một thế giới này để tìm niềm khuây khỏa ở tính khác biệt, cái lạ và cái kỳ diệu của thế giới khác. Tôi cảm thấy cha tôi đọc tiểu thuyết là để thoát khỏi cuộc đời mình mà trốn sang phương Tây, cũng như tôi sẽ làm sau này. Hoặc hồi đó tôi đã cảm thấy sách là những gì chúng tôi đã chọn nhằm thoát khỏi nền văn hóa của chính mình, nền văn hóa mà chúng tôi thấy hãy còn thiếu thốn quá nhiều. Chúng tôi rời khỏi cuộc sống Istanbul của mình để chu du sang phương Tây không phải chỉ bằng cách đọc mà còn bằng cách viết. Để viết đầy những cuốn vở của mình, cha tôi đã đến Paris, giam mình trong phòng, sau đó mang những gì đã viết trở về Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi ngắm chiếc va li của cha, tôi cảm thấy dường như chính đó là điều khiến tôi cảm thấy bất an. Sau khi làm việc trong một căn phòng suốt 25 trời ròng rã để sống còn như một nhà văn ở Thổ Nhĩ Kỳ, tôi tức giận khi thấy cha tôi giấu giếm những ý nghĩ sâu xa của mình bên trong chiếc va li này, hành xử như thể viết văn là một việc cần phải làm lén lút, xa con mắt của xã hội, nhà nước, người đời. Có lẽ đây là lý do chính vì sao tôi giận cha tôi đã không coi trọng văn chương như tôi.

Thực ra tôi giận cha tôi là bởi cha đã không sống như tôi, bởi ông đã chẳng bao giờ bất hòa với cuộc đời ông, đã suốt đời cười đùa với bạn bè, người thân. Nhưng một phần của tôi biết tôi cũng có thể nói rằng thật ra tôi không “giận” ông bằng “ganh tị” với ông, mà cái từ thứ hai này mới chính xác hơn, và cả điều này nữa cũng khiến tôi bứt rứt. Ấy hẳn sẽ là khi tôi tự hỏi bằng cái giọng khinh miệt và giận dữ thường ngày của tôi: “Hạnh phúc là gì?” Phải chăng hạnh phúc là nghĩ rằng tôi sống một cuộc đời sâu xa trong căn phòng cô đơn kia? Hay phải chăng hạnh phúc là sống một cuộc đời no đủ trong xã hội, tin những điều ai cũng tin, hoặc hành xử như thể ta cũng tin những điều mọi người tin? Suốt đời viết lách nơi kín đáo đồng thời vẫn có vẻ như hòa hợp với mọi người, ấy là hạnh phúc hay bất hạnh? Những câu hỏi đó quả thật là quá ư nhức nhối, song có đáng như vậy không? Tôi lấy từ đâu ra cái ý nghĩ rằng hạnh phúc là thước đo của một cuộc đời thành đạt? Thiên hạ, báo chí, ai ai cũng hành xử như thể hạnh phúc là thước đo quan trọng nhất cho một cuộc đời. Chẳng phải nội một điều này thôi cũng đủ để cho thấy cần phải tìm hiểu xem liệu có phải ngược lại mới đúng hay sao? Nói gì thì nói, cha tôi từng trốn khỏi gia đình biết bao nhiêu lần - tôi đã biết ông đến đâu, và liệu tôi hiểu đến mức nào nỗi bất an đau đáu của ông?

Vậy nên đó chính là điều đã thôi thúc tôi mở chiếc va li của cha tôi. Có phải cha tôi có một bí mật, một nỗi bất hạnh trong đời mà tôi chẳng biết tí gì, một điều gì đó mà cha chỉ có thể chịu đựng bằng cách trút vào sự viết? Ngay khi mở chiếc va li, tôi nhớ lại mùi hương những chuyến ra đi, nhận ra một số cuốn vở, và nhớ lại rằng cha từng đưa chúng cho tôi xem từ nhiều năm trước song chẳng nói gì nhiều về chúng. Hầu hết những cuốn vở tôi cầm trên tay lúc này, cha đã ghi chép từ khi ông còn trẻ, những lúc rời xa mẹ con tôi mà đến Paris. Trong khi tôi, cũng như bao nhà văn mà tôi khâm phục - những nhà văn mà tiểu sử họ tôi từng đọc - muốn biết cha tôi đã viết những gì, đã nghĩ những gì vào thời ông bằng tuổi tôi bây giờ. Chẳng bao lâu tôi nhận ra mình sẽ chẳng tìm thấy gì như thế ở đây. Cái làm tôi thấy bất an nhất là khi tôi bắt gặp một giọng điệu nhà văn đây đó trong những cuốn vở của cha tôi. Đây không phải giọng của cha mình, tôi tự nhủ; giọng này không chính thực, hay ít nhất nó không thuộc về con người mà xưa nay tôi vẫn biết là cha. Ẩn dưới nỗi sợ rằng một khi đã cầm bút cha tôi có thể không còn là cha tôi nữa còn có một nỗi sợ khác sâu xa hơn: nỗi sợ rằng, từ trong sâu thẳm, ngay cả bản thân tôi cũng không chính thực, rằng tôi sẽ không tìm thấy cái gì hay ho trong những gì cha tôi viết, điều đó làm tăng thêm nỗi sợ sẽ khám phá rằng cha tôi đã chịu ảnh hưởng quá nhiều của các nhà văn khác và khiến tôi chìm vào một nỗi tuyệt vọng vốn đã từng tác động tồi tệ đến tôi từ hồi tôi còn trẻ, khiến tôi đâm hoài nghi toàn bộ cuộc đời tôi, chính bản thể tôi, khát vọng viết văn của tôi và tất cả những gì tôi viết. Trong mười năm đầu văn nghiệp của mình, tôi từng cảm thấy một cách sâu xa hơn nỗi bất an đó, và mặc dù đã vượt thắng được chúng, đôi khi tôi vẫn sợ rằng một ngày nào đó tôi buộc phải thừa nhận mình đã thua cuộc - cũng như đã thua cuộc với hội họa - và [nếu không] cưỡng lại được nỗi bất an, rồi thì ngay cả viết tiểu thuyết cũng sẽ từ bỏ nốt.

Tôi đã nhắc tới hai cảm giác cốt tử đã dâng lên trong tôi khi đóng chiếc va li của cha lại rồi cất vào một chỗ: cảm giác mình bị bỏ mặc ở vùng tỉnh lẻ, và nỗi sợ rằng mình thiếu sự chính thực. Nhất định đây không phải là lần đầu tiên tôi buộc phải nhận thấy những cảm giác đó. Suốt bao năm qua, trong khi đọc và khi viết, tôi đã nghiên cứu, khám phá, đào sâu những cảm xúc đó, với tất cả sự đa dạng và những hậu quả khôn lường của chúng, những đầu mối liên kết giữa chúng, những mánh lới của chúng, và nhiều những sắc màu của chúng. Nhất định tâm hồn tôi đã từng bị khuấy động bởi những sự hoang mang, những nỗi quá ư nhạy cảm và những nỗi đau phù du mà cuộc đời và những cuốn sách đã khơi dậy trong tôi, hầu hết là hồi tôi còn trẻ. Nhưng chỉ bằng cách viết sách tôi mới có thể hiểu đầy đủ hơn những vấn đề thế nào là chính thực (như trong Tên tôi là đỏ Cuốn sách đen) cũng như thế nào là sống ở bên lề (như trong Tuyết Istanbul). Với tôi, làm nhà văn nghĩa là thừa nhận những vết thương bí mật mà chúng ta mang trong nội thể mình, những vết thương bí mật đến nỗi chính ta chẳng mấy khi biết, và nhẫn nại tìm hiểu chúng, khám phá chúng, soi rọi chúng, để làm chủ những nỗi đau và vết thương đó, biến chúng thành một phần hữu thức của tinh thần ta, tác phẩm của ta. Nhà văn nói về những điều ai cũng biết nhưng không biết là họ biết. Khám phá điều hiểu biết này, quan sát nó lớn lên là một việc thú vị; người đọc viếng thăm một thế giới vừa quen thuộc lại vừa kỳ ảo. Khi một nhà văn giam mình trong phòng hàng năm trời ròng rã hầu mài sắc nghề mình - tạo ra một thế giới -, nếu anh ta sử dụng những vết thương của mình làm điểm xuất phát, ấy là anh ta, dù có ý thức hay không, đang đặt một niềm tin to lớn vào nhân loại. Lòng xác tín của tôi xuất phát từ niềm tin rằng tất cả mọi con người đều giống nhau, rằng những người khác cũng mang những vết thương giống như tôi, rằng chính vì vậy họ sẽ hiểu. Mọi văn chương đích thực đều xuất phát từ lòng tin chắc mang tính trẻ thơ, đầy hy vọng rằng mọi con người đều giống nhau. Khi một nhà văn giam mình trong phòng suốt nhiều năm ròng rã, thì chính bằng hành động đó nhà văn khiến cho ta nghĩ tới một nhân loại duy nhất, một thế giới không có trung tâm.

Song, như có thể thấy từ chiếc va li của cha tôi và màu sắc nhợt nhạt của cuộc sống chúng tôi ở Istanbul, thật ra thế giới vẫn có một trung tâm, và cái trung tâm đó ở rất xa chúng tôi. Trong tác phẩm của mình tôi đã nói khá cặn kẽ rằng một thực tế cơ bản đó thôi cũng đã làm dấy nên cái cảm thức tỉnh lẻ kiểu Chekhov và, bằng một con đường khác, đã khiến tôi đâm hoài nghi tính chính thực của bản thân mình như thế nào. Tôi biết qua kinh nghiệm rằng đại đa số con người trên thế giới này đều có chung những cảm thức đó, rằng nhiều người bị dằn vặt bởi một cảm giác thiếu hụt, một cảm giác thiếu an toàn, một cảm giác tha hóa còn sâu xa hơn cả tôi. Phải, những vấn nạn lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt vẫn là tình trạng không có đất cắm dùi, không nhà ở, và nạn đói… Song ngày nay truyền hình và báo chí nói với chúng ta về những vấn đề cơ bản đó một cách nhanh chóng và đơn giản hơn nhiều so với văn chương. Cái mà văn chương cần phải nói tới và đào sâu hơn hết ngày nay là những nỗi sợ cơ bản của loài người: nỗi sợ bị bỏ rơi bên lề, nỗi sợ mình chẳng là gì cả, và cảm giác đi cùng với những nỗi sợ đó rằng mình vô giá trị; những cảm thức mang tính cộng đồng, nào nỗi sỉ nhục, dễ tổn thương, bị khinh khi, phẫn uất, những sự xúc phạm thuần tưởng tượng, và những sự huênh hoang tự đại dân tộc chủ nghĩa vốn là thứ [cảm thức] tiếp liền theo… Bất cứ khi nào đối mặt với những cảm thức đó, và với thứ ngôn từ phi lý, cường điệu người ta thường dùng để diễn đạt chúng, tôi biết rằng chúng chạm đến một bóng tối ở bên trong chính tôi. Chúng ta thường chứng kiến những dân tộc, xã hội và quốc gia bên ngoài thế giới phương Tây - và tôi có thể dễ dàng tự đồng nhất mình với họ - không cưỡng lại được những nỗi sợ mà đôi khi dẫn họ đến chỗ làm những việc ngu xuẩn, tất cả là do nỗi sợ bị sỉ nhục, do tính nhạy cảm thái quá của họ mà thôi. Tôi cũng biết rằng ở phương Tây - một thế giới mà tôi cũng có thể tự đồng nhất mình với họ một cách dễ dàng như thế - những quốc gia và dân tộc nào quá đỗi tự phụ về của cải của mình, tự phụ về việc họ đã mang đến cho [người Thổ Nhĩ Kỳ] chúng tôi thời Phục hưng, thời Khai sáng và Chủ nghĩa hiện đại, cũng đã, tùy từng lúc, không cưỡng lại nỗi một sự tự mãn hầu như cũng ngu xuẩn y như thế.

Điều đó có nghĩa cha tôi không phải là người duy nhất, rằng tất cả chúng ta đã quá coi trọng ý tưởng về một thế giới có trung tâm. Trong khi đó cái buộc chúng ta giam mình trong phòng để viết từ năm này sang năm khác là một niềm tin vào điều ngược lại, niềm tin rằng một ngày nào đó người ta sẽ đọc và hiểu những gì ta viết, bởi tất cả mọi người trên thế giới đều giống nhau. Nhưng điều đó, như tôi biết từ những gì chính tôi và cha tôi đã viết, là một thứ lạc quan chủ nghĩa đầy âu lo, hằn sẹo vì nỗi giận dữ thấy mình buộc phải là kẻ ở ngoại biên, bị bỏ lại bên lề. Cảm xúc vừa yêu vừa ghét của Dostoevsky đối với phương Tây trong cả cuộc đời ông, bản thân tôi cũng cảm nhận được, trong quá nhiều trường hợp. Nhưng nếu tôi đã thấu hiểu một sự thật cốt tử, nếu tôi có lý do để lạc quan, ấy là vì tôi đã du hành cùng nhà văn vĩ đại này trong suốt mối quan hệ vừa yêu vừa ghét của ông đối với phương Tây, để nhìn thấy cái thế giới khác mà ông đã xây dựng trên bờ phía bên kia.

Bất cứ nhà văn nào đã dành cả đời cho nhiệm vụ đó đều biết thực tế này: dù mục đích ban đầu của ta là gì đi nữa, cái thế giới ta tạo ra sau khi viết một cách đầy hy vọng từ năm này sang năm khác rốt cuộc sẽ chuyển dịch đến những nơi khác rất xa. Nó sẽ đưa ta đi rất xa khỏi cái bàn nơi ta đã ngồi viết một cách u buồn hay giận dữ, đưa ta đến phía bên kia nỗi buồn và cơn giận đó, đến một thế giới khác. Liệu có phải cha tôi đã không thể tự mình đến được một thế giới như vậy? Cũng như vùng đất đang chầm chậm thành hình, chầm chậm dâng lên từ màn sương với toàn bộ những sắc màu của nó như hòn đảo dâng lên sau một chuyến hải hành dài, cái thế giới mới này mê hoặc chúng ta. Chúng ta cũng được nhẹ lòng như những nhà du hành phương Tây từ phía nam đến để nhìn thấy Istanbul dâng lên từ đám sương mù. Ở đoạn cuối cuộc hành trình đã khởi đầu bằng hy vọng và hiếu kỳ kia, trước mắt họ là một thành phố gồm những giáo đường và đền thờ, một mớ bòng bong những căn nhà, đường phố, những ngọn đồi, cây cầu và sườn dốc, cả một thế giới. Nhìn thấy thế giới đó, chúng ta những muốn bước vào và đánh mất chính mình bên trong nó, cũng như muốn bước vào và đánh mất chính mình trong một cuốn sách. Sau khi ngồi xuống bàn bởi chúng ta cảm thấy mình là dân tỉnh lẻ, kẻ bị đẩy ra rìa, ở xứ ngoại biên, giận dữ hoặc u buồn sâu sắc, chúng ta đã tìm thấy cả một thế giới ở bên ngoài những cảm xúc đó.

Điều tôi cảm thấy lúc này ngược lại với cảm xúc của tôi thời thơ ấu cũng như thuở thanh niên: đối với tôi [giờ đây] trung tâm thế giới là Istanbul. Đó không hẳn chỉ vì tôi đã sống cả đời ở Istanbul mà là bởi, trong suốt 33 năm qua, tôi đã luôn kể lại những đường phố, những cây cầu, những con người, những con chó, những ngôi nhà, những giáo đường, những đài phun nước, những vị anh hùng kỳ lạ, những cửa hàng cửa hiệu, những nhân vật lừng tiếng, những điểm đen, những ngày và những đêm của Istanbul, biến nó thành một phần của tôi, ôm trọn vào mình tất cả. Đến một lúc, cái thế giới mà tôi đã tạo nên bằng chính tay mình, cái thế giới vốn chỉ tồn tại trong đầu tôi, với tôi hóa ra lại thực hơn cái thành phố nơi tôi đang sống trong thực tại. Đó là khi tất cả những con người, những đường phố, sự vật và nhà cửa đó dường như bắt đầu nói chuyện với nhau, bắt đầu giao tiếp với nhau theo những cách mà tôi không lường trước, như thể chúng không chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng hay trong sách của tôi mà còn tồn tại cho chính chúng. Chừng đó thì cái thế giới mà tôi đã tạo nên như một người dùng kim đào giếng sẽ dường như thực hơn bất cứ gì khác.

Cha tôi dường như cũng đã phát hiện ra thứ hạnh phúc này trong những năm tháng ông dành ra để viết, tôi vừa ngắm chiếc va li của cha vừa nghĩ vậy: tôi không nên vội phán xét ông. Nói gì thì nói, tôi chịu ơn ông rất nhiều: ông chưa bao giờ là một người cha bình thường [chỉ biết] ra lệnh, cấm đoán, chuyên quyền, trừng phạt, mà là một người cha luôn cho tôi được tự do, luôn tôn trọng tôi hết mực. Tôi thường nghĩ nếu như thỉnh thoảng tôi đã có thể vẽ từ trí tưởng tượng của mình, dù một cách tự do hay một cách trẻ con, ấy là nhờ, không như bao nhiêu bạn bè thời thơ ấu cũng như thời trẻ, tôi đã không hề khiếp sợ cha tôi, và đôi khi tôi tin tưởng rất sâu sắc rằng tôi đã trở thành nhà văn chính là nhờ bản thân cha tôi hồi trẻ cũng từng muốn làm nhà văn. Tôi phải đọc ông một cách khoan dung - cố tìm hiểu xem ông đã viết gì trong những căn phòng khách sạn đó.

Chính với những suy nghĩ đầy hy vọng đó tôi đã tiến về phía chiếc va li vốn vẫn nằm nguyên ở chỗ cha tôi đặt xuống; vận toàn bộ sức mạnh ý chí, tôi đọc hết vài bản thảo, vài cuốn vở. Cha tôi đã viết về những gì? Tôi nhớ lại một vài quang cảnh nhìn từ cửa sổ các khách sạn Paris, một vài bài thơ, vài nghịch lý, vài sự phân tích… Mỗi khi viết tôi có cảm giác như người vừa mới gặp một tai nạn giao thông và đang cố nhớ lại tai nạn đó đã xảy ra thế nào, đồng thời lại kinh hãi trước cái viễn cảnh phải nhớ lại quá nhiều. Hồi tôi còn nhỏ, mỗi khi cha mẹ tôi sắp sửa cãi nhau - khi cha mẹ rơi vào một trong những cơn im lặng đáng sợ kia - cha tôi thường bật ngay đài phát thanh lên, để làm thay đổi tâm trạng, và âm nhạc sẽ giúp chúng tôi quên mọi chuyện nhanh hơn.

Hãy để tôi chuyển tâm trạng với một vài từ ngọt ngào mà tôi hy vọng sẽ đảm nhận tốt vai trò của thứ âm nhạc đó. Như quý vị biết, câu hỏi mà nhà văn chúng tôi thường đặt ra nhất, câu hỏi yêu thích của chúng tôi là: tại sao ta viết? Tôi viết vì tôi có một nhu cầu nội tại là phải viết! Tôi viết vì tôi không thể làm công việc bình thường như người khác. Tôi viết vì tôi muốn đọc những cuốn sách giống như những cuốn tôi viết. Tôi viết vì tôi giận tất cả quý vị, giận tất cả mọi người. Tôi viết vì tôi thích ngồi suốt ngày trong phòng để viết. Tôi viết vì tôi chỉ có thể tham dự vào cuộc đời thực bằng cách thay đổi nó. Tôi viết vì tôi muốn những người khác, tất cả quý vị, toàn thể thế giới, biết chúng tôi đang sống và tiếp tục sống cái kiểu cuộc sống nào, ở Istanbul, ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi viết vì tôi yêu mùi bút, mùi giấy, mùi mực. Tôi viết vì tôi tin ở văn chương, tin ở nghệ thuật tiểu thuyết, hơn tin bất cứ cái gì khác. Tôi viết vì viết là một thói quen, một nỗi đam mê. Tôi viết vì tôi sợ mình bị lãng quên. Tôi viết vì tôi thích niềm vinh quang và sự quan tâm mà sự viết mang lại. Tôi viết để được cô đơn. Có lẽ tôi viết vì tôi hy vọng hiểu vì sao tôi lại giận tất cả mọi người đến thế, giận bất cứ người nào đến thế. Tôi viết vì tôi thích mọi người đọc tôi. Tôi viết vì một khi tôi đã khởi đầu một cuốn tiểu thuyết, một bài tiểu luận, một trang viết, tôi muốn hoàn thành nó. Tôi viết bởi mọi người trông đợi tôi viết. Tôi viết bởi tôi có một niềm tin trẻ con vào sự bất tử của các thư viện, vào cách những cuốn sách của tôi nằm trên giá sách. Tôi viết bởi biến toàn bộ những vẻ đẹp và sự phong phú của cuộc sống thành ngôn từ là một việc hấp dẫn làm sao. Tôi viết không phải để kể một câu chuyện, mà là tạo ra một câu chuyện. Tôi viết bởi tôi muốn thoát khỏi lời tiên báo rằng có một nơi mà tôi phải tới nhưng - cũng như trong giấc mơ - tôi không thể tới được. Tôi viết vì tôi chưa bao giờ xoay xở để được hạnh phúc. Tôi viết để được hạnh phúc.

Một tuần sau khi ghé thăm tôi và để lại chiếc va li, cha tôi lại đến thăm tôi; cũng như mọi khi, ông đem đến cho tôi một thanh sô cô la (ông quên mất rằng tôi đã 48 tuổi). Cũng như mọi khi, cha con tôi chuyện gẫu và cười đùa về cuộc sống, về chính trị và những chuyện vặt của gia đình. Nhưng đến một lúc mắt cha tôi hướng về phía góc phòng nơi ông để lại chiếc va li lần trước và nhận thấy tôi đã chuyển nó đi chỗ khác. Chúng tôi nhìn thẳng vào mắt nhau. Sau đó là im lặng nặng nề. Tôi không nói với cha rằng tôi đã mở chiếc va li và cố đọc những gì đựng bên trong; tôi chỉ nhìn đi nơi khác. Nhưng ông đã hiểu. Cũng như tôi hiểu rằng ông đã hiểu. Cũng như ông hiểu rằng tôi hiểu ông đã hiểu. Nhưng toàn bộ sự [im lặng] [ngầm] hiểu đó chỉ kéo dài khoảng mấy giây. Bởi cha tôi là một người vui tính, dễ gần, tin ở chính mình: ông mỉm cười như tôi như xưa nay luôn vậy. Và khi cha rời khỏi nhà tôi, ông nhắc lại tất cả những lời yêu thương và khích lệ mà ông vẫn luôn nói với tôi, như một người cha.

Cũng như mọi khi, tôi nhìn cha ra về, ganh với niềm hạnh phúc của ông, ganh tị tính khí vô lo và điềm tĩnh của ông. Nhưng tôi nhớ lại rằng trong ngày hôm đó cũng lại có một tia niềm vui bên trong tôi khiến tôi cảm thấy hổ thẹn. Niềm vui đó nảy ra từ ý nghĩ rằng có thể tôi không cảm thấy thoải mái trong đời sống như cha, có thể tôi đã không sống một cuộc đời hạnh phúc và phiêu bồng lãng tử như cha, nhưng tôi đã cống hiến cuộc đời đó cho nghiệp viết - các bạn hiểu rồi đó… Tôi hổ thẹn vì đã nghĩ đến những chuyện được mất giữa mình với cha như vậy. Trong tất cả mọi người, riêng cha tôi chưa bao giờ là nguồn gốc gây ra đau khổ cho tôi, người luôn luôn cho tôi được tự do. Tất cả điều đó hẳn nhắc chúng ta nhớ rằng sự viết và văn chương có sự gắn bó mật thiết với việc thiếu một trung tâm trong cuộc sống của chúng ta, với cảm thức của chúng ta về hạnh phúc và lầm lỗi.

Nhưng ngày hôm đó câu chuyện của tôi có một chiều kích lập tức nhắc tôi nhớ lại một cái gì khác nữa, và điều đó gây cho tôi cảm giác có lỗi còn sâu sắc hơn thế nữa. Hai mươi ba năm trước khi cha tôi để lại chiếc va li cho tôi, và bốn năm sau khi tôi, ở tuổi 22, quyết định trở thành nhà văn, từ bỏ mọi thứ khác, giam mình trong phòng mà viết cuốn tiểu thuyết đầu tay Cevdet Bay cùng các con; với đôi tay run run tôi đã đưa cho cha bản thảo cuốn tiểu thuyết hãy còn chưa xuất bản, để ông đọc rồi cho tôi biết ông nghĩ gì. Chẳng phải đơn giản vì tôi tin ở thị hiếu và trí tuệ của ông: ý kiến của ông rất quan trọng đối với tôi vì, khác với mẹ tôi, cha chưa bao giờ chống lại ước vọng của tôi muốn trở thành nhà văn. Vào lúc đó cha không sống cùng chúng tôi mà đang ở rất xa. Tôi nhẫn nại chờ cha quay về. Khi ông đến thăm tôi hai tuần sau đó, tôi chạy ra mở cửa. Cha tôi chẳng nói gì, nhưng ông lập tức dang rộng hai tay ôm chầm lấy tôi như một cách để bảo tôi rằng ông rất thích cuốn tiểu thuyết. Trong một lát hai chúng tôi chìm đắm trong im lặng, cái kiểu im lặng rất thường khi đi liền với những khoảnh khắc cảm xúc lớn lao. Thế rồi, khi chúng tôi đã bình tĩnh lại và bắt đầu nói chuyện, cha tôi liền dùng thứ ngôn ngữ đầy phấn khích và cường điệu để bày tỏ niềm tin vào tôi hay cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi: ông bảo tôi rằng một ngày nào đó tôi sẽ giành được giải thưởng mà ngày hôm nay tôi có mặt ở đây để nhận với niềm hạnh phúc vô vàn.

Ông nói vậy chẳng phải vì ông cố thuyết phục tôi tin vào ý kiến hay ho của ông hoặc lấy cái giải thưởng ông vừa nói làm mục đích; ông nói vậy như một người cha Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ con trai bằng cách khích lệ rằng “Một ngày nào đó con sẽ trở thành một đức ông [1] !” Suốt bao nhiêu năm nay, bất cứ lúc nào gặp tôi, cha luôn khích lệ tôi bằng những lời y như vậy.

Cha tôi mất vào tháng Chạp năm 2002.

Hôm nay, đứng trước Viện Hàn lâm Thụy Điển cùng các thành viên đáng kính của Viện, những người đã trao cho tôi giải thưởng cao quý này - niềm vinh dự lớn lao này - cùng chư vị khách quý của Viện, tôi những mong cha tôi có mặt ở đây cùng với chúng ta. 


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Nguyên văn: pasha, vốn là một chức vị cao ở đế quốc Ottoman ngày xưa, thường được ban cho các vị tướng và quan thống đốc. Ngày nay vẫn được dùng ở Thổ Nhĩ Kỳ như một danh hiệu trang trọng gần giống tước hiệu “Sir” ở Anh, tuy không nhất thiết gắn liền với một chức vị cha truyền con nối như ở một số nước châu Âu. – ND.