Đọc "
Từ Lục Vân Tiên tới những Lã Bất Vi thời đại mới" của Hồ Phú Bông đã hơn mấy tuần, tôi có ý đợi các bậc thức giả góp ý về so sánh mà Hồ Phú Bông đưa ra trong bài viết: giữa
Tiêu Dao Bảo Cự và
Đào Hiếu với Lục Vân Tiên, nhân vật chính trong tác phẩm "nổi tiếng có vị trí cao trong lịch sử văn học dân tộc"
[1] vào thế kỷ thứ 19 của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888).
Hồ Phú Bông so sánh như sau:
"Ðiều này cũng khá trùng hợp với cảnh Lục Vân Tiên! Cứ thấy hai bên đánh nhau trối chết thì nhào vô (không cần biết là chủ nhà đánh với kẻ cướp, nhưng kẻ cướp lại mồm năm miệng mười, cả vú…) nên thay vì giúp chủ nhà lại đi giúp kẻ cướp để đòi tự do dân chủ, chống bất công áp bức và để thôi… đổ máu!"
Và:
"Như vậy Đào Hiếu hoàn toàn không dây mơ rễ mà gì với 'cỗ máy’? Đào Hiếu là kẻ giang hồ lãng tử, 'giữa đường thấy chuyện bất bình’ nên (Lục Vân Tiên) ra tay, rồi thôi? Còn 'người lính đã ngã xuống ngoài mặt trận’ là mặt trận nào? Nam hay Bắc? Cộng sản hay quốc gia? Hay cả hai? Khá rõ ở đây là 'lính cụ Hồ’!"
So với hành trạng nhân vật Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu, như người dân miền lục tỉnh yêu mến nhà thơ thường gọi, trong đoạn Lục Vân Tiên ra tay nghĩa hiệp, đánh cướp cứu người thì tình hình khác hẳn với những nhận xét của Hồ Phú Bông về Lục Vân Tiên.
Ta hãy thử xem sự so sánh của Hồ Phú Bông theo ý hướng của ông có đắc lợi cho ông không:
- Nếu Hồ Phú Bông hiểu đúng Lục Vân Tiên, có nghĩa Lục Vân Tiên là người hùng "giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha" như trong truyện Lục Vân Tiên thì sự so sánh Lục Vân Tiên với Tiêu Dao Bảo Cự va Đào Hiếu, hai nhân vật mà Hồ Phú Bông phê phán, vô hình chung là một sự tán dương "phe kia". Như thế sự so sánh không thành công theo chủ ý muốn phê phán của Hồ Phú Bông, nhất là độc giả thấy rõ sự mâu thuẫn không những trong lập luận của ông (Lục Vân Tiên khác với trường hợp "thấy hai bên đánh nhau trối chết") mà cả trong ý hướng của chính tác giả (phê phán Tiêu Dao Bảo Cự và Đào Hiếu qua ví dụ Lục Vân Tiên). Có lẽ vì thế mà Tiêu Dao Bảo Cự đã không lên tiếng như ông rất thường siêng năng đối chất?
- Nếu Hồ Phú Bông hiểu sai Lục Vân Tiên, có nghĩa Lục Vân Tiên "bậy bạ" (như chính Hồ Phú Bông diễn tả) và các ông Tiêu Dao Bảo Cự, Đào Hiếu cũng bậy bạ như Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu, thì sự so sánh của Hồ Phú Bông đúng theo ý hướng của ông, có nghĩa ông đả kích được Tiêu Dao Bảo Cự và Đào Hiếu qua hình ảnh bị chế giễu của Lục Vân Tiên. Nhưng thành công của ông chỉ là một thành công giả tạo, bởi vì chính nó bộc lộ sự sai lạc ngộ nhận cơ bản của ông về một nhân vật đã được xem là tấm gương "trung hiếu, tiết nghĩa" và như thế sự so sánh của ông có tác dụng ngược đối với độc giả. Có nghĩa mất hết mọi tính thuyết phục, vì tiền đề của ông (Lục Vân Tiên) hoàn toàn sai.
Xét cả hai trường hợp thì "Bề nào thì cũng không xong bề nào" (Kiều) cho luận cứ của Hồ Phú Bông, nhưng trường hợp thứ hai nặng nề hơn, bởi vì qua đó thắc mắc của độc giả xoay vào câu hỏi: Hồ Phú Bông đứng trên quan điểm đạo đức nào để phê phán hành động của Lục Vân Tiên? Dù quan điểm đạo đức nào đi nữa (ví dụ đạo đức chống cộng đang được phổ biến bằng mọi giá chẳng hạn) thì liệu đạo đức ấy có thuyết phục được con người và có thể đứng vững khi nó từ chối những tiêu chuẩn cơ bản của đạo lý làm người mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã trình bày qua nhân vật Lục Vân Tiên của ông?
Chính tác giả biên khảo cuốn
Nho y Nguyễn Đình Chiểu, bác sĩ Trần Văn Tích, đã nhận xét về nhân vật "mà Nguyễn Đình Chiểu dùng tất cả tấm lòng để vẽ nên… Vân Tiên chẳng những dũng lược, hào hùng, quảng đại mà còn rất thủy chung… Tác phẩm trở thành hết sức phổ biến trong đồng bào chúng ta ở miền Nam". (Trần Văn Tích,
Nho y Nguyễn Đình Chiểu, An Tiêm, tr. 49, 55)
Trong tác phẩm
Lục Vân Tiên, cụ Đồ Chiểu đã mô tả đoạn Lục Vân Tiên ra tay cứu Kiều Nguyệt Nga rất tỉ mỉ và cẩn thận, hòng tránh mọi sai lạc ngộ nhận nhân vật lý tưởng của cụ là tay ham đánh lộn "cứ thấy hai bên đánh nhau trối chết là nhào vô":
Trong cảnh này có 4 nhóm nhân vật:
a. Lục Vân Tiên hạ san xuống núi đang trên đường về quê.
b. Bọn người bồng bế nhau vừa kêu khóc vừa chạy trốn kể cho Lục Vân Tiên nghe có tên cướp đến cướp người đoạt của. Có người khuyên Lục Vân Tiên cũng nên lánh mặt. Lục Vân Tiên khẳng khái can thiệp vì bất bình.
c. Tên đầu đảng cướp hung hăng dọa nạt.
d. Hai nạn nhân bị bắt cóc và uy hiếp là Kiều Nguyệt Nga và thể nữ Kim Liên đang kêu khóc.
Việc chi than khóc tưng bừng
Đều đem nhau chạy vào rừng lên non
Tiên rằng bớ chú cõng con
Việc chi nên nỗi bon bon chạy hoài
Dân rằng. "Tiểu tử là ai
Hay là một đảng Sơn Đài theo tao?"
Tiên rằng: “Cớ sự làm sao
Xin ngừng vài bước sẽ trao một lời."
Dân nghe tiếng nói khoan thai,
Kêu nhau đứng lại bày lời phân qua
"Nhân rày có đảng lâu la,
Tên rằng Đỗ Dự hiệu là Phong Lai.
Nhóm nhau ở chốn Sơn Đài
Người đều sợ nó có tài khôn đương.
Bây giờ xuống cướp thôn hương
Thấy con gái tốt quá đường bắt đi
Xóm làng chẳng dám nói chi
Cảm thương hai gã nữ nhi mắc nàn!
Con ai vóc ngọc mình vàng
Má đào mày liễu dung nhan lạnh lùng
E khi mắc đảng hành hung
Uổng trang thục nữ sánh cùng thất phu
Thôi thôi chẳng dám nói lâu
Chạy đi cho khỏi kẻo âu tới mình.”
Vân Tiên nổi trận lôi đình
Hỏi thăm: “Lũ nó còn đình nơi nao
Tôi xin ra sức anh hào
Cứu người ra khỏi lao đao buổi này.”
Dân rằng: “Lũ nó còn đây
Qua xem tướng bậu thơ ngây đã đành
E khi hoạ hổ bất thành
Khi không mình lại xô mình vào hang.”
Vân Tiên ghé lại bên đàng
Bẻ cây làm gậy tìm đàng chạy vô
Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”
Phong Lai mặt đỏ phừng phừng…
Dẹp rồi lũ kiến đàn ong
Hỏi: “Ai than khóc ở trong xe này?”
Thưa rằng: “Tôi thiệt người ngay
Sa cơ nên mới lầm tay hung đồ
Trong xe chật hẹp khó phô
Cíu đầu trăm lạy, cứu cô tôi cùng.”
Sau khi cứu được hai cô gái thoát nạn, Kiều Nguyệt Nga xin được đền ơn:
Vân Tiên nghe nói liền cười
“Làm ơn há dễ trông người trả ơn
Này đà rõ mặt nguồn cơn
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì
Nhớ câu kiến ngãi bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.”
Đạo lý “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”, bênh kẻ yếu chống lại kẻ mạnh, thấy người hoạn nạn thì thương và cứu giúp… mà cụ Đồ Chiểu nêu cao qua hành động của Lục Vân Tiên là lý tưởng đạo đức hành động xưa nay của người Việt, không những cho Việt Nam mà còn cho cả xã hội loài người, bao lâu con người sống chung trong đoàn thể, đối nghịch với thái độ phi nhân quần “ỷ mạnh hiếp yếu”, “ỷ giàu khinh nghèo”, “ỷ lớn hiếp nhỏ”. Cái đạo lý làm người ấy thật thông thường, không cần phải lý luận chứng minh mà ai cũng công nhận. Cụ Đồ Chiểu đã gửi gắm hoài bão thực hiện lý tưởng ấy vào nhân vật Lục Vân Tiên. Lồng vào trong cảnh người người bỏ làng chạy trốn, Lục Vân Tiên xuất hiện như một mẫu người hàng động trọng nghĩa. Sự cứu nguy đến từ hoàn cảnh cấp bách sống động xảy ra ở trong một hoàn cảnh tại đây, ngay bây giờ, nếu không cứu người thì sẽ có sự hà hiếp, cưỡng bức. So với số người chạy trốn tháo thân hay dửng dưng tìm đường an thân, mà hình như Hồ Phú Bông lại ngấm ngần ca ngợi, cho là “ngưòi có trí, về sau được yên tâm”, loại người mà cụ Đồ cho là “kiến ngãi bất vi”, thì Lục Vân Tiên trong con mắt của cụ Đồ Chiểu là người hùng lý tưởng hiếm có.
Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu cũng không đánh nháo nhào chẳng phân biệt ai với ai như Hồ Phú Bông diễn tả, mà ngược lại kẻ cướp được nhận biết là tên cướp hung bạo không những chỉ theo nhận xét chủ quan của Lục Vân Tiên mà còn của đám dân làng bồng bế nhau chạy trốn. Những nạn nhân ấy là nhân chứng sống của vụ cướp bóc đã xảy ra.
Hãy thử lấy một ví dụ khác trong thời Pháp thuộc, cũng có bốn nhóm nhân vật:
Ông quan Tây (1) đồn điền hiếp một cô nông dân (2); một người đi ngang qua (3) thấy cảnh ấy nhảy ra can thiệp đánh ông Tây, cứu cô gái; một bộ hành khác (4) cười khỉnh bỏ đi vì không muốn lây vạ vào thân. Giá mà nhân vật thứ 4 vào thời điểm ấy phân bua với dân làng cũng đang chứng kiến cảnh ấy rằng, quan Tây là chủ nhà, cô gái là tướng cướp, cái anh chàng cứu cô gái là kẻ hễ thấy đánh nhau là nhào vô, thì đã bị dân làng chê cười là người không có trí mà cũng không có tim.
Truyện
Lục Vân Tiên đã gần 150 năm, câu chuyện thực dân hơn 80 năm.
150 năm, 80 năm sau, đừng nói chi miền Bắc đang phá sản lý tưởng đạo lý làm người vì tham nhũng và bất công đến kêu trời không thấu, bỗng dưng hậu duệ của cụ Đồ ở miền Nam lên tiếng bảo rằng cái chuyện Lục Vân Tiên ấy tào lao, kẻ cướp là Kiều Nguyệt Nga, dân làng là tụi lưu manh, tên cướp là chủ nhà? Cũng như có người hôm nay (vì chán ghét chế độ cộng sản) có khuynh hướng bảo rằng “ông Tây là chủ nhà, cô gái là kẻ cướp…”
Cứ thế, trên đà lý luận theo Hồ Phú Bông thì rốt cuộc cụ Đồ Chiểu cũng là tên tội đồ dân tộc vì là cha đẻ của Lục Vân Tiên!
Chỉ tội cho cụ đứng chung trong danh sách của Hồ Phú Bông với những tên mà cụ “ghét cay ghét đắng ghét vào tới tâm”.
Và cụ Phan Khôi ơi là cụ Phan Khôi, thuở ấy ở miền Bắc cụ kêu “Cụ Đồ Chiểu ơi cụ Đồ Chiểu” đã hoài hơi thì bây giờ cụ có kêu “Vân Tiên ơi hỡi Vân Tiên” cũng chỉ hoài mà thôi!
Bởi vì Lục Vân Tiên được xếp một vế với Lã Bất Vi, thì cụ Phan “còn làm ăn gì được nữa cụ (Đồ) ơi”! (
Giai phẩm mùa Thu, tập I)
© 2008 talawas
[1]http://www.vietshare.com/vanhoc/lucvantien.asp