trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
21.10.2008
Trần Mỹ Thuận
Chính trị gia gốc Việt lớn mạnh ở Westminster
Phạm Văn lược dịch
 
Người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào chính quyền 16 năm trước là Tony Lâm, ông thắng cử nghị viên Hội đồng thành phố Westminster, đó là một biến cố lịch sử đối với nhóm người tị nạn trốn chạy khỏi Việt Nam sau chiến tranh và định cư ở Orange County (Quận Cam).

Tony Lâm trúng cử trở thành tin hàng đầu, và các lãnh tụ cộng đồng gốc Việt hy vọng ông sẽ trở thành cầu nối giữa xu thế chính ở Mỹ với người Việt.

Hồi đó, Tony Lâm không được lợi thế về mặt dân số: ở Westminster chỉ có hai ngàn người Mỹ gốc Việt đăng ký đi bầu, và người Mỹ gốc Việt chỉ chiếm một phần năm dân số thành phố.

Từ khi Tony Lâm đắc cử, Quận Cam trở thành trung tâm quyền lực chính trị của người Mỹ gốc Việt. Năm nay, Westminster có thể là thành phố đầu tiên ở Mỹ có một hội đồng thành phố gồm đa số nghị viên người gốc Việt. Điều đó có thể là dấu mốc quan trọng đối với một thành phố nhỏ và bảo thủ, nơi này đã được người tị nạn biến thành khu thương mại và văn hoá thịnh vượng dưới tên Little Saigon.

Ngày nay, một phần ba số cư dân 96.000 người ở Westminster là người Mỹ gốc Việt. Họ làm thành khối cử tri đáng kể, theo một cuộc nghiên cứu năm 2006 của Asian Pacific American Legal Center, gần 40% cử tri đăng ký ở Westminster là người Mỹ gốc Việt.

Quận Cam giờ đây có 10 viên chức dân cử người Mỹ gốc Việt, kể cả một dân biểu tiểu bang và một giám sát viên của quận.

Tháng 11 này, một nhóm khác có thể gia nhập vào hàng ngũ đó. Mười ba người Mỹ gốc Việt ra tranh cử ở Quận Cam, bao gồm các ghế ủy viên học khu và nghị viên hội đồng thành phố. Năm 2006 cũng bằng ấy người ra tranh các chức vụ trong chính quyền địa phương.

“Tôi nghĩ yếu tố có nhiều ứng cử viên rất đáng kể vì người Mỹ gốc Việt sống ở đây chưa lâu lắm”, Linda Võ nói, bà là chủ tịch ban nghiên cứu về người Mỹ gốc Việt ở Đại học Irvine. “Người Mỹ gốc Việt về mặt nào đó vẫn là mới đối với sinh hoạt chính trị”.

Linda Võ nói người Mỹ gốc Việt đạt được thắng lợi chính trị ở Quận Cam một phần nhờ cộng đồng tiếp tục gia tăng và nhờ cử tri thuộc các sắc dân khác ngày càng yên tâm với các ứng cử viên gốc Việt.

Ảnh hưởng ngày càng tăng của cử tri người Mỹ gốc Việt trở nên rõ ràng trong cuộc bầu cử đặc biệt [giữa nhiệm kỳ] năm 2007, khi hai ứng cử viên gốc Việt ít ai biết tới đã làm lu mờ một nhóm chính trị gia nổi tiếng hơn trong kỳ tranh một ghế giám sát viên ở Quận Cam. Một số quan sát viên chính trị nhận xét rằng đây là bước ngoặt của Quận Cam, cuộc bầu cử dự kiến sẽ biến đổi một quận hạt nổi tiếng là bầu cho các chính trị gia da trắng giàu có. Hồi tháng Sáu, ba ứng cử viên gốc Việt ra tranh cùng một ghế.

Nhưng thành công trong chính trị lại dẫn đến chia rẽ.

Nứt rạn giữa hai chính trị gia gốc Việt có chức vụ cao nhất của Quận Cam – dân biểu Trần Thái Văn (Cộng hoà – Garden Grove) và giám sát viên Janet Nguyễn – đã lôi kéo cử tri gốc Việt về hai phe. Cả hai đều thuộc Đảng Cộng hoà, phản ảnh lập trường của đa số cử tri gốc Việt.

Cuộc tranh cử chức giám sát viên Quận Cam năm 2007 giữa Janet Nguyễn và Trung Nguyễn cho thấy sức mạnh lá phiếu của cộng đồng gốc Việt lẫn đặc tính hay cãi cọ của họ, không cãi vì ý thức hệ mà vì cá tính và thói kình địch. Trung Nguyễn cùng phe với Trần Thái Văn, người tự làm một loại nhân vật quan trọng có khả năng ban phát chức vụ trong chính trường của người Mỹ gốc Việt.

Rốt cuộc Janet Nguyễn đắc cử, nhiều hơn ba phiếu sau khi đếm lại. Rồi tháng Sáu bà lại thắng cử lần này nguyên nhiệm kỳ, mặc dù Trần Thái Văn lại ủng hộ đối thủ chính của bà.

Trung Nguyễn bây giờ đang tranh ghế nghị viên Hội đồng thành phố Garden Grove với rất nhiều đối thủ, trong đó có Andrew Đỗ, ông này là phụ tá trưởng của Janet Nguyễn. Họ là hai trong số ba người Mỹ gốc Việt giữa 10 ứng cử viên ra tranh hai ghế nghị viên Hội đồng thành phố Garden Grove. Những người kia là Robin Marcario, Charles Mitchell Jr., Steve Jones, Paul Lucas, Linh Hồ, Tony Flores, Joshua Leimbach và Tom Bailor.

Các cuộc bầu cử gần đây cho thấy người Mỹ gốc Việt là các cử tri trung thành, có khuynh hướng bỏ phiếu theo sắc dân. Nhưng khi có nhiều người nhảy vào đấu trường chính trị, cử tri gốc Việt bỏ phiếu dựa trên các vấn đề cốt yếu, phe phái chính trị và ý thức hệ.

Linda Võ nói số lượng đông ứng cử viên chứng tỏ sự trưởng thành chính trị của người gốc Việt. Bà nói một số người có thể bỏ phiếu không theo sắc dân của mình.

Linda Võ nói: “Tôi hy vọng đây là cơ hội cho người gốc Việt chú ý tới các ứng cử viên và họ làm gì, hơn là chỉ bỏ phiếu cho ứng cử viên nào đó vì họ là người gốc Việt”.

Tại Westminster, Trường Diệp tranh chức nghị viên thành phố, dùng khẩu hiệu vận động vốn được ủng hộ ở Quận Cam: an ninh nơi công cộng, giữ nguyên thuế, và trừng trị tội phạm "cổ cồn trắng" [1] . Trường Diệp nói ông không chỉ dựa vào lá phiếu của người gốc Việt. Ông tranh với Frank Fry, Penny Loomer, Alin Hamade and Allan Krippner.

Trường Diệp nói: “Tôi đang cố vận động mọi người. Chỉ còn một chút xíu nữa thôi, nếu tôi đắc cử thì sắc dân Việt sẽ là đa số.”

Chuyên gia chính trị học thuộc Claremont McKenna College, John J. Pitney Jr. nói rằng triển vọng có một hội đồng thành phố với đa số nghị viên gốc Việt không gây chấn động là sự kiện cho thấy chính trị gia người Mỹ gốc Việt đã trở thành trụ cột tại Quận Cam.

Nó cũng có nghĩa là các chính trị gia phải ve vãn cử tri gốc Việt, ông nói: “Tôi nghĩ trong tương lai, tất cả chính trị gia ở Quận Cam sẽ ghi ngày Tết Việt Nam vào lịch của họ”.

Còn đối với Tony Lâm, ông đã quyết định rời bỏ chính trị sau 10 năm giữ chức nghị viên, qua khỏi một vụ biến động tại Little Saigon và bị chỉ trích vì không dự những cuộc biểu tình lớn hồi 1999 chống lại một chủ tiệm ở Little Saigon đã trưng bày hình tượng cộng sản. Bây giờ ông quản lý một tiệm Lee’s Sandwiches ở Westminster.

Nguồn: Trần Mỹ Thuận, “Vietnamese American politicians are coming of age in Westminster”, Los Angeles Time, 15/10/2008

Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]“White Collar Crime”: Khái niệm do nhà xã hội học, nhà hình sự học Hoa Kỳ Edwin Sutherland khắc họa trong cuốn sách cùng tên (1949), trước hết chỉ những tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, do những kẻ mắc áo có cổ cồn trắng, tức giới thượng lưu có học, có chức quyền gây ra, để đối lại quan niệm phổ biến về việc tội phạm thường xảy ra trong giới hạ lưu, bình dân. (Chú thích của talawas.)