5.
Nhưng ai và làm thế nào để thống nhất những thang đo đó lại? Ai sẽ tạo ra cho loài người một hệ thống đo lường thống nhất - cả cho việc dữ và việc thiện, cả cho cái chấp nhận được và không chấp nhận được, làm cách nào để vạch ra ranh giới của chúng hôm nay? Ai sẽ nói cho nhân loại biết cái gì thật sự nặng nề và không chịu nổi, còn cái gì chỉ làm ta rát mặt vì nó ở quá gần, - và hướng sự phẫn nộ tới cái đáng sợ hơn chứ không phải tới cái ở gần hơn? Ai có thể mang sự thấu hiểu đó vượt qua giới hạn của kinh nghiệm cá nhân người? Ai có thể gợi nhập vào trái tim người bướng bỉnh thủ cựu những đau khổ và niềm vui xa lạ xa xôi, sự hiểu biết những quy mô và lầm lẫn mà không bao giờ chính họ phải trải qua? Ở đây cả sự tuyên truyền, cả sự cưỡng bức, cả những chứng minh khoa học cũng bất lực. Nhưng thật may mắn là trên đời vẫn còn một phương thức có thể làm được điều đó! Ðấy là nghệ thuật. Ðấy là văn học.
Văn học và nghệ thuật có thể làm nên điều kì diệu: chế ngự được cái đặc tính riêng biệt tai hại của con người là chỉ học trên kinh nghiệm của chính bản thân mình khốn cho vốn kinh nghiệm của người khác đối với anh ta là vô ích. Chứa đầy quãng thời gian cõi đời ngắn ngủi của con người, nghệ thuật mang chuyển từ người này sang người khác toàn bộ gánh nặng kinh nghiệm sống trải lâu dài của người khác với tất cả những lo toan, sắc màu, máu thịt - và cho phép người tiếp nhận cảm nhận được như kinh nghiệm của chính mình đã trải qua.
Và thậm chí còn lớn hơn, lớn hơn như thế rất nhiều: cả những quốc gia, cả những châu lục lặp lại những sai lầm của nhau một cách muộn màng, nhiều khi muộn đến hàng thế kỉ, khi tất cả tưởng như đã hiện rõ nhãn tiền! Thế nhưng không, cái mà dân tộc này đã trải qua, đã nhận thức kĩ càng và đã loại bỏ, lại bỗng được các dân tộc khác phát hiện ra như một tiếng nói mới mẻ nhất. Và ở đây cũng vậy: cái thay thế duy nhất cho những kinh nghiệm chúng ta không tự thân trải qua là nghệ thuật, văn học. Nghệ thuật và văn học được ban cho một khả năng thần diệu: mang truyền những kinh nghiệm sống của cả một dân tộc này đến cho cả một dân tộc khác, vượt qua mọi sự khác biệt ngôn ngữ, phong tục, lối sống xã hội - cái kinh nghiệm của dân tộc này khó khăn tích lũy được qua nhiều thập kỉ mà dân tộc kia chưa bao giờ trải qua, trong trường hợp may mắn có thể giữ cho cả một dân tộc khỏi lặp lại con đường không cần thiết hay sai lầm, hoặc thậm chí là nguy hại, và nhờ vậy giảm bớt những đận quanh co của lịch sử loài người.
Về cái đặc tính cao cả vĩ đại đó của nghệ thuật, hôm nay tôi xin kiên trì nhắc đi nhắc lại từ bục diễn đàn Nobel này.
Và văn học còn mang truyền những kinh nghiệm chắt lọc không thể chối bỏ theo một hướng khác nữa: từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Như vậy văn học trở thành kí ức sống của dân tộc. Như vậy văn học giữ ấm trong mình và lưu lại lịch sử đã bị đánh mất của dân tộc - dưới dạng không thể bị xuyên tạc và vu khống. Ðó là cách văn học cùng với ngôn ngữ gìn giữ tâm hồn dân tộc.
(Gần đây người ta hay nói về sự đánh mất bản sắc dân tộc, về sự biến mất các dân tộc trong cái chảo văn minh hiện đại. Tôi không đồng ý với điều đó, nhưng việc thảo luận về chuyện này là một đề tài khác, ở đây tôi chỉ nhân tiện nói rằng: sự biến mất các dân tộc cũng làm cho chúng ta nghèo nàn đi không kém so với việc tất cả mọi người đều có một khuôn mặt, một tính cách giống hệt nhau. Các dân tộc là tài sản của nhân loại, là những nhân cách tổng hợp của nhân loại; một dân tộc bé nhỏ nhất cũng có những bản sắc riêng, cũng mang trong mình nét riêng của Chúa Trời).
Ðau khổ cho dân tộc nào có nền văn học bị đứt đoạn bởi sự can thiệp của sức mạnh: đó không chỉ là vi phạm "tự do ngôn luận", đó là sự khóa kín trái tim dân tộc, là sự cắt bỏ kí ức dân tộc. Dân tộc tự mình không nhớ chính mình, dân tộc bị tước mất sự thống nhất tinh thần, - và với một ngôn ngữ dường như là thống nhất, nhưng những người cùng tổ quốc bỗng không còn hiểu nhau nữa. Sẽ đi qua, sẽ chết đi hàng thế hệ câm lặng, không tự kể về mình cho chính mình cũng như cho con cháu. Nếu những bậc thầy như Akhmatova
[1] hay Zamatin, suốt đời bị chôn sống, cho đến lúc chết buộc phải sáng tạo trong im lặng, không nghe dư âm đồng vọng đối với những gì mình viết, - thì đó không chỉ là tai họa cá nhân họ, mà đó là sự khốn nạn cho cả dân tộc, là mối nguy hiểm đối với cả dân tộc.
Và trong những trường hợp khác - đối với cả loài người: khi vì sự im lặng đó mà toàn bộ Lịch Sử không còn được nghe hiểu!
6.
Vào những thời gian khác nhau ở các đất nước khác nhau người ta tranh luận hết sức sôi nổi, hết sức giận dữ và hết sức tinh tế về việc nghệ thuật và người nghệ sĩ có được tự mình sống cho chính mình hay phải luôn luôn nhớ đến nghĩa vụ của mình trước xã hội và phục vụ xã hội, dù là vô điều kiện. Ðối với tôi ở đây không có gì phải tranh cãi, nhưng tôi không muốn lại đưa ra các chuỗi luận chứng dài dòng. Một trong những ý kiến xuất sắc nhất về đề tài này chính là Diễn từ Nobel của Albert Camus
[2] - và tôi rất vui mừng được chia sẻ những luận điểm đó. Và văn học Nga nhiều thế kỷ đã theo đường hướng ấy - không tự quá ngắm nghía mình, không bay lượn quá vô tâm, và tôi không xấu hổ tiếp tục truyền thống đó theo khả năng sức lực của mình. Trong văn học Nga từ lâu đã bắt rễ vào đầu chúng tôi một quan niệm rằng nhà văn có thể - và cần phải - là rất nhiều trong nhân dân của mình.
Chúng ta sẽ không phủ nhận quyền của người nghệ sĩ thể hiện những cảm xúc và quan sát hết sức riêng của mình và bỏ qua tất cả những gì diễn ra trong thế giới xung quanh. Chúng ta sẽ không đòi hỏi người nghệ sĩ, - nhưng chúng ta sẽ được phép trách móc, cầu xin, kêu gọi và khuyến dụ. Bởi vì tài năng của người nghệ sĩ chỉ một phần do anh ta tự mình phát triển, còn phần lớn nó được ban sẵn cho anh ta từ khi sinh ra - và cùng với tài năng là trách nhiệm đối với ý chí tự do của anh ta. Cứ cho là người nghệ sĩ
không mắc nợ ai cái gì, nhưng thật đau lòng khi thấy anh ta, để rảnh rỗi đi vào những thế giới do anh ta tạo nên hay vào những khoảng không gian của những ý tưởng chủ quan, lại
có thể trao cái thế giới hiện thực vào tay những kẻ hám lợi, mà có khi còn hèn hạ, có khi còn điên rồ.
Thế kỷ XX của chúng ta tàn bạo hơn các thế kỷ trước, và tất cả những điều khủng khiếp của nó chưa kết thúc cùng với nửa đầu thế kỉ. Vẫn những cảm xúc man rợ cũ xưa ấy - tham lam, ghen ghét, thô lỗ, ác ý đối với nhau, trong quá trình phát triển tự gán cho mình những tên hiệu tử tế như đấu tranh giai cấp, chủng tộc, quần chúng, công đoàn, vẫn đang xâu xé và tàn phá thế giới của chúng ta. Thái độ không nhân nhượng một cách man rợ được đưa lên thành nguyên tắc lí luận và được coi là đạo đức chính thống. Nó đòi hỏi hàng triệu nạn nhân trong các cuộc nội chiến bất tận, nó buộc vào tâm hồn chúng ta rằng không có khái niệm bền vững chung cả nhân loại về cái thiện và công bằng, rằng chúng nhất thời, chúng thay đổi, có nghĩa là anh luôn luôn cần phải hành động như thế nào đó có lợi cho đảng anh. Bất kì một nhóm chuyên nghiệp nào nếu có được thời cơ thuận tiện sẽ
giật ngay một mẩu, dù là không phải do mình làm ra, dù là thừa thãi, - giật liền, dù cho cả xã hội có sụp đổ ngay. Biên độ dao động của xã hội phương Tây nếu từ ngoài nhìn vào hình như đang tiến đến gần cái giới hạn nếu vượt qua thì cả hệ thống sẽ mất ổn định và sụp đổ. Càng ngày càng ít bị bó buộc bởi những điều luật lâu đời, bạo lực đang dạo bước khắp hoàn cầu một cách trơ tráo và đắc thắng, không quan tâm đến việc rằng sự vô nghĩa và bất lực của nó đã từng được thể hiện và chứng minh trong lịch sử. Thậm chí tỏ vẻ đắc thắng không chỉ đơn thuần bạo lực thô thiển, mà cả sự bào chữa lớn tiếng cho nó: cả thế giới tràn ngập lời khẳng định trắng trợn rằng sức mạnh có thể làm được tất cả, còn lẽ phải thì chẳng làm được gì.
Lũ người quỷ ám của Dostoevski - hình như chỉ là một giả tưởng tỉnh lẻ đáng sợ của thế kỉ trước - trước mắt chúng ta đang bò loang ra khắp cả thế giới, đến cả những đất nước mà chỉ tưởng tượng ra chúng cũng không thể - và bằng những vụ cướp máy bay, bắt giữ con tin, nổ bom và thiêu lửa những năm gần đây họ báo hiệu về quyết tâm xô đổ và hủy diệt nền văn minh! Và họ hoàn toàn có thể làm được. Ðám thanh niên - vào cái tuổi còn chưa có một kinh nghiệm nào khác ngoài kinh nghiệm tình dục, khi trên vai còn chưa có các năm tháng của những đau khổ riêng và hiểu biết riêng, - sẵn sàng cuồng nhiệt lặp lại những mảnh sân sau nhơ bẩn của người Nga thế kỷ XIX mà cứ tưởng là đang phát hiện ra một cái gì đó mới mẻ. Sự thoái hóa Hồng Vệ Binh đến đồi bại mới xuất hiện được họ xem như một mẫu mực đáng mừng. Sự hiểu biết hời hợt bản chất con người từ ngàn đời, sự tự tin ngây thơ của những trái tim chưa sống trải: đấy, chúng ta sẽ xua đuổi những kẻ thống trị, áp bức hung hãn, tham lam này đi, còn những người kế tiếp (chúng ta!) sẽ xếp súng gươm lại và trở thành những người công bằng và đầy thông cảm. Làm sao lại không như thế được!... Còn ai đã sống thì hiểu, ai có thể phản đối đám thanh niên này - nhiều người không dám phản đối, thậm chí nói không nên lời, chỉ sợ tỏ ra mình là người "bảo thủ", - lại là một hiện tượng Nga thế kỉ XIX, Dostoevski gọi nó là "sự nô lệ cho những ý tưởng cấp tiến bé con".
Tinh thần của München
[3] đã không hề lui về dĩ vãng, nó không phải chỉ là một chi tiết ngắn. Thậm chí tôi còn dám nói rằng tinh thần München còn chiếm thế ưu ở thế kỉ XX. Thế giới văn minh, co rúm trước áp lực của sự man rợ vung vuốt nhe răng bỗng dưng tái xuất, không tìm ra bất kì một phương thức nào để chống lại ngoài những nhượng bộ và những nụ cười. Tinh thần München là căn bệnh ý chí của những người thành đạt, nó là trạng thái thường nhật của những kẻ khao khát sự sung túc bằng bất kì giá nào, coi cuộc sống vật chất đầy đủ như mục đích chính yếu nhất của sự tồn tại trên mặt đất. Những người như thế - mà trong thế giới ngày nay thật đông đảo - chọn cho mình thái độ thụ động và lùi bước chỉ cốt để làm sao kéo dài cuộc sống quen thuộc, để hôm nay không phải rơi vào tình thế khắc nghiệt, còn ngày mai, biết đâu sẽ qua khỏi... (Nhưng không bao giờ qua khỏi! - sự trừng phạt đối với lối sống hèn nhát chỉ sẽ tàn khốc hơn. Lòng dũng cảm và chiến thắng sẽ chỉ đến với chúng ta khi chúng ta dám hi sinh).
Chúng ta còn bị đe dọa bởi cái chết, vì người ta không để cho thế giới bị dồn nén về thể chất được hòa hợp về tinh thần, không cho các phần tử kiến thức và thông cảm được liên chuyển từ nửa này sang nửa kia. Ðây là một mối nguy hiểm đáng sợ: sự ngăn cách thông tin giữa các phần của hành tinh. Khoa học hiện đại đã biết rằng sự ngăn cách thông tin là con đường dẫn đến
entropia [4] , sự hủy diệt toàn thể. Sự ngăn cách thông tin làm cho các kí kết và thỏa ước quốc tế trở thành các thây ma: trong một vùng
câm kín không có bất kì một thỏa ước nào đáng được bàn thảo, mà tốt hơn là quên hết chúng đi, như thể chúng chưa hề tồn tại bao giờ (điều này thì Orwell
[5] hiểu rất rõ). Dường như sống trong vùng
câm kín không phải các cư dân Trái Ðất, mà là một đoàn thám hiểm của Hỏa Tinh, họ không biết tí gì về phần Trái Ðất còn lại và sẵn sàng xông ra dẫm nát nó với một niềm tin thần thánh là "giải phóng" nó.
Một phần tư thế kỉ trước Liên Hợp Quốc đã ra đời trong những niềm hi vọng vĩ đại của loài người. Than ôi, trong thế giới vô đạo đức thì nó cũng đã lớn lên thành vô đạo đức. Ðó không phải là Liên Hợp Quốc, mà là Liêp Hợp các Chính phủ, nơi đánh đồng ngang nhau cả những người được bầu lên một cách tự do, cả những kẻ bị áp đặt một cách cưỡng bức, cả những kẻ tiếm đoạt chính quyền bằng vũ khí. Với sự thiên vị vụ lợi của đa số, Liên Hợp Quốc hăng hái chăm lo cho tự do của một số dân tộc này nhưng lại thờ ơ bỏ mặc tự do của các dân tộc khác. Bằng biểu quyết đầy xu nịnh, nó chối bỏ việc xem xét những khiếu nại riêng - những tiếng rên rỉ, kêu khóc và khẩn cầu của những cá nhân
đơn giản là con người, những con côn trùng quá nhỏ bé so với một tổ chức vĩ đại như vậy. Cái văn kiện tốt nhất của mình trong suốt 25 năm qua - bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền - cũng không được Liên Hợp Quốc nỗ lực biến thành điều luật bắt buộc đối với các chính phủ, thành điều kiện trở thành thành viên của họ, - và bằng cách đó đã phó mặc số phận những con người nhỏ bé vào tay những chính phủ không phải do họ bầu ra.
Có vẻ như: toàn bộ bộ mặt của thế giới hiện đại nằm trong tay các nhà bác học, tất cả những bước đi công nghệ của loài người đều do họ định đoạt. Có vẻ như: thế giới đi về đâu là phụ thuộc vào cộng đồng quốc tế các nhà bác học chứ không phải các nhà chính trị. Ðiều đó càng có vẻ rõ ràng hơn khi một số cá nhân riêng lẻ đã cho thấy họ có thể làm được thật nhiều khi họ hợp tác cùng nhau. Nhưng không, các nhà bác học đã không chứng tỏ sự nỗ lực chói sáng trở thành động lực độc lập quan trọng của loài người. Họ tránh trốn những đau khổ của người khác bằng những cuộc đại hội: ở trong giới hạn của học thuật sẽ yên ổn hơn nhiều. Vẫn cái tinh thần München ấy treo trên đầu họ những đôi cánh chùng lỏng.
Vai trò và vị trí của nhà văn như thế nào ở trong cái thế giới tàn bạo, nén chặt, sẵn sàng bùng nổ này, trên ranh giới của mười cái chết của nó? Nói chung là chúng ta không phải là những kẻ gửi tên lửa đi, thậm chí không đẩy cả toa xe phụ cuối cùng, và chúng ta bị những kẻ chỉ tôn sùng mỗi sức mạnh vật chất khinh bỉ. Có hợp lẽ tự nhiên không nếu chúng ta cũng lùi bước, từ bỏ niềm tin vào sự vững vàng của cái thiện, vào sự không thể chia cắt của chân lí, và chỉ làm mỗi một việc là chia sẻ cùng thế giới những quan sát bàng quan cay đắng của mình, rằng nhân loại đã hư hỏng một cách vô phương cứu chữa, rằng con người đã trở nên hèn mọn và những tâm hồn đẹp, tinh tế cô độc sống giữa họ thật đau khổ?
Nhưng cả sự chạy trốn đó chúng ta cũng không thể. Ðã một lần gắn bó với
ngôn từ, thì sau đó sẽ không bao giờ lảng tránh: nhà văn không phải là kẻ phán xét dửng dưng đối với các đồng bào của mình và những người đồng thời với mình, nhà văn là người cùng có lỗi trong tất cả mọi cái ác diễn ra trên đất nước anh ta hoặc do nhân dân anh ta gây nên. Nếu như những chiếc xe tăng của tổ quốc anh ta làm đổ máu trên mặt đường nhựa của một thủ đô nước khác, thì những vết máu đó sẽ vĩnh viễn ném vào mặt nhà văn. Nếu như vào một đêm bất hạnh một Người Bạn cả tin đang ngủ bị thắt cổ, thì trên bàn tay nhà văn sẽ hằn vết bầm của sợi dây thừng đó. Và nếu như những đồng bào trẻ tuổi của anh ta tuyên bố một cách thản nhiên ưu thế của sự trụy lạc đối với lao động khiêm tốn, bán mình cho ma túy hay bắt cóc con tin - thì cái xú khí đó sẽ trộn lẫn vào hơi thở của nhà văn.
Liệu chúng ta có dám cả gan tuyên bố rằng mình không chịu trách nhiệm về những vết thương lở loét của thế giới ngày nay?
7.
Tuy nhiên tôi vẫn được khích lệ bởi cái cảm giác sống động của nền văn học thế giới như một trái tim lớn hòa nhịp đập trong những lo toan và tai họa của thế giới chúng ta, dù những lo toan và tai họa đó được hình dung và nhìn nhận khác nhau ở các góc khác nhau của thế giới.
Bên cạnh những nền văn học dân tộc lâu đời, cả vào những thế kỉ trước đây cũng đã tồn tại khái niệm văn học thế giới - như một đường viền chạy theo các đỉnh cao của các nền văn học dân tộc và như một tập hợp những ảnh hưởng qua lại của văn học. Nhưng có một sự chậm trễ về thời gian: những độc giả và những nhà văn biết về các nhà văn của các ngôn ngữ khác với một sự cách biệt nhiều khi đến hàng thế kỉ, cho nên các tác động ảnh hưởng lẫn nhau cũng xảy ra muộn hơn, và đường viền các đỉnh cao của các nền văn học dân tộc chỉ hiện ra trong mắt của con cháu chứ không phải của những người đương thời. Còn hôm nay giữa các nhà văn của một nước và nhà văn và người đọc của nước khác có một tác động lẫn nhau nếu như không tức thời thì cũng gần như vậy, chính bản thân tôi đã cảm nhận được điều đó. Những cuốn sách của tôi, than ôi, không được in ở trong nước, nhưng mặc dù thông qua những bản dịch vội vã và nhiều khi rất tồi, chúng đã nhanh chóng tìm được những người đọc quốc tế đầy cảm thông. Những tác phẩm của tôi đã được các nhà văn xuất chúng của Phương Tây như Henrich Böll
[6] phân tích phê bình. Vào những năm gần đây, khi công việc và sự tự do của tôi không sụp đổ, vẫn trụ được dường như trong không khí chống lại các quy luật trọng trường, dường như được treo đỡ bằng những sợi dây cảm thông xã hội vô hình, hoàn toàn bất ngờ đối với bản thân, với một sự tri ân ấm áp tôi đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng nhà văn quốc tế. Vào ngày sinh lần thứ năm mươi của mình, tôi kinh ngạc khi nhận được những lời chúc mừng của các nhà văn Châu Âu danh tiếng. Không một áp lực nào đối với tôi đi qua mà không được nhận thấy. Trong những tuần nguy hiểm đối với tôi sau khi bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn, bức tường bảo vệ do các nhà văn nổi tiếng thế giới dựng lên đã giúp tôi thoát khỏi những sự truy bức tồi tệ hơn. Còn các nhà văn và nghệ sĩ Na Uy đã chu đáo chuẩn bị cho tôi một nơi trú ngụ trong trường hợp tôi bị đuổi khỏi tổ quốc tôi. Và cuối cùng, chính việc đề cử tôi nhận giải Nobel đã được khởi xướng không phải ở đất nước tôi sống và viết, mà do Francois Mauriac
[7] và các đồng nghiệp của ông. Và sau đó, nhiều tổ chức quốc gia các nhà văn đã lên tiếng ủng hộ tôi.
Tôi đã hiểu và đã cảm nhận ở bản thân mình điều này: văn học thế giới không còn là một đường viền trừu tượng, không còn là một khái niệm tổng hợp do các nhà nghiên cứu văn học tạo nên, mà là một thực thể và một tinh thần chung, một sự thống nhất thân tình sống động, trong đó thể hiện sự thống nhất tinh thần ngày một lớn thêm của nhân loại. Hãy còn các biên giới quốc gia cháy nóng bởi những hàng rào dây thép gai điện và những tràng liên thanh, hãy còn những bộ nội vụ cho rằng văn học cũng là "nội vụ" của những đất nước do họ quản lý, hãy còn những tít báo phô trương "họ không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của chúng ta!" - nhưng thực ra nói chung không còn công việc nào là
nội bộ nữa trên cái Trái Ðất chật hẹp này của chúng ta. Và phương thức cứu loài người chỉ có thể là làm sao để tất cả liên thông đến tất cả: người Phương Ðông tuyệt đối không thờ ơ với việc người Phương Tây nghĩ gì; những người Phương Tây tuyệt đối không thờ ơ trước những gì xảy ra ở Phương Ðông. Và văn học nghệ thuật - một trong những công cụ tinh tế, nhạy cảm nhất của con người - đã sớm tiếp nhận, nắm bắt được cái cảm quan đó của sự thống nhất đang mỗi ngày một lớn thêm của loài người. Và bây giờ đây tôi đang tin tưởng nói với văn học thế giới ngày hôm nay - với hàng trăm người bạn mà tôi chưa một lần gặp mặt và có lẽ sẽ không bao giờ được gặp.
Hỡi các bạn! Chúng ta sẽ thử tìm cách giúp đỡ, nếu chúng ta đáng giá một cái gì đấy! Trong những đất nước của mình bị băm xé bởi những giọng điệu hỗn độn của các đảng phái, phong trào, phe nhóm, ai vốn từ khởi thủy là lực lượng không chia cắt, mà kết gắn? Ðó chính là vị thế bản chất của nhà văn: là người thể hiện của ngôn ngữ dân tộc, là lực lượng kết nối chính của dân tộc - và của miền đất nơi nhân dân anh ta sống, và trong trường hợp may mắn - là của cả tâm hồn dân tộc.
Tôi nghĩ rằng trong những giờ phút đầy âu lo này, văn học thế giới đủ sức để giúp đỡ nhân loại nhận biết một cách đúng đắn chính mình bất chấp những lời rêu rao của những cá nhân và những đảng phái đầy thiên vị; chuyển tải những kinh nghiệm được tích lũy từ khu vực này sang khu vực khác, để cho chúng ta không còn bị phân lập và hỗn loạn, để cho các thang đo giá trị trở nên thống nhất, để cho dân tộc này biết được một cách chính xác và cô đúc lịch sử chân chính của các dân tộc khác ở mức độ có thể khám phá và cảm nhận được sự đau đớn như chính họ đã trực tiếp trải qua, - và bằng cách đó tránh được những sai lầm tàn khốc về sau. Và đồng thời chính chúng ta cũng phát triển nơi bản thân mình
cái nhìn thế giới: trong khi bằng trung tâm của mắt, như mọi người khác, nhìn thấy cái ở gần, thì bằng phần ngoài của mắt chúng ta bắt đầu thu nhận những gì diễn ra trong phần còn lại của thế giới. Và chúng ta sẽ tuân thủ, so sánh các tỉ lệ tương quan của thế giới.
Và còn ai nếu không phải nhà văn nói lời phê phán không chỉ đối với các nhà cầm quyền không đạt của mình (trong một số nước, đó là thứ bánh mì dễ dàng nhất, bất kì một kẻ nào nếu không lười biếng đều có thể làm việc đó), mà còn đối với cả xã hội - vì sự hạ mình hèn nhát hay sự yếu đuối đầy tự mãn mà còn đối với những trò manh động nhẹ cân của tuổi trẻ; đối với đám kẻ cướp trẻ con vung dao vẩy kéo.
Có người sẽ hỏi chúng ta: văn học có thể làm gì để chống lại sức tấn công tàn khốc của bạo lực công khai? Ðây: chúng ta không quên rằng bạo lực không sống một mình và không có khả năng sống một mình: nó nhất thiết phải kết gắn với sự dối trá. Giữa bạo lực và dối trá là một mối quan hệ sâu sắc nhất, tự nhiên nhất, ruột thịt nhất: bạo lực không có gì để che đậy ngoài dối trá, và dối trá không có gì để bấu víu ngoài bạo lực. Bất kì ai đã một lần tuyên bố bạo lực là phương thức của mình, người đó nhất định phải chọn dối trá làm nguyên tắc của mình. Khi bắt đầu sinh ra, bạo lực hành động công khai và thậm chí tỏ ra kiêu hãnh. Nhưng khi đã lớn mạnh, có chỗ đứng, nó cảm thấy gió bão rít quanh mình và không thể tồn tại tiếp mà không trốn vào trong dối trá, ngụy trang bằng những lời lẽ ngọt ngào của dối trá. Bạo lực không phải bao giờ cũng trực tiếp ra tay bóp cổ, đa phần nó chỉ đòi hỏi thần dân của nó một lời thề dối trá, một sự tham dự vào dối trá.
Và một bước giản dị của một con người dũng cảm giản gị: không tham dự vào dối trá, không ủng hộ những hành động dối trá! Cứ để nó đến và thậm chí thống trị trong thế giới - nhưng không thông qua ta! Nhà văn và nghệ sĩ còn có thể làm nhiều hơn thế:
chiến thắng dối trá! Chính trong cuộc chiến đấu với dối trá, nghệ thuật bao giờ cũng đã và đang chiến thắng - hiển nhiên, không chối cãi được đối với tất cả! Dối trá có thể chống được rất nhiều thứ trên thế giới này, nhưng không thể chống được nghệ thuật.
Và khi dối trá bị xua tan - bạo lực sẽ hiện ra trần trụi một cách đáng ghê tởm - và bạo lực rệu rã sẽ sụp đổ.
Chính vì thế mà tôi nghĩ, thưa các bạn, rằng chúng ta có thể giúp đỡ thế giới trong cái giờ phút nóng bỏng này của nó. Ðừng bỏ vũ khí trốn chạy, đừng đắm mình vào cuộc sống vô tư lự - mà xông vào trận chiến! Trong tiếng Nga có những câu tục ngữ được ưa thích về
sự thật. Chúng kiên trì thể hiện những kinh nghiệm dân gian nặng nề, nhiều khi thật đáng kinh ngạc:
Một lời nói của sự thật kéo chuyển cả thế giới.
Chính sự phá vỡ mang tính ảo - giả tưởng định luật bảo toàn khối lượng và năng lượng là cơ sở cho các hoạt động của tôi và lời kêu gọi của tôi gửi đến các nhà văn toàn thế giới!
(Diễn từ trên đây được gửi tới Viện Hàn lâm Thụy Điển, nhưng Alexandr Solzhenitsyn đã không thể có mặt tại buổi lễ trao tặng giải Nobel để đọc diễn từ này.)
Nguồn:
http://www.kulichki.com
Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Ðông Tây giữ bản quyền của bản dịch tiếng Việt.
[1]Akhmatova, Anna Andreevna (1889-1966): nữ nhà thơ Nga; Zamatin, Evgheni Ivanovich (1884-1937): nhà văn Nga.
[2]Camus, Albert (1913-1960): nhà văn Pháp, giải Nobel Văn học 1957.
[3]Tinh thần München: München (Munich) là nơi kí hiệp ước phân chia lãnh thổ Tiệp Khắc vào năm 1938. Nghĩa bóng là thái độ thỏa hiệp với kẻ xấu, đồng lõa với cái ác để được yên thân.
[4]Entropia (tiếng Hy Lạp): nghĩa là sự chuyển hóa, thay đổi, đột biến.
[5]Orwell, George (bút danh: Erik Blair) (1903-1950): nhà văn Anh.
[6]Böll, Henrich (1917-1985): nhà văn Ðức, giải Nobel Văn học 1972.
[7]Maurriac, Francois (1885-1970): nhà văn Pháp.