trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
talaFemina
  1 - 20 / 43 bài
  1 - 20 / 43 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
7.12.2006
Phạm Ngọc Vân
Lê Vân tìm thấy hạnh phúc trong sự dâng hiến
 
Tôi xin được bắt đầu bằng câu cuối cùng trong cuốn sách: "Hy vọng rằng mỗi bạn đọc sẽ có một hình dung rõ nét nhất về một Lê Vân theo cách của riêng mình". Cảm xúc và suy nghĩ thì nhiều, tôi không có tham vọng diễn đạt tất cả. Tôi chỉ xin chia sẻ những phát hiện, những giả thiết của cá nhân tôi về một số thiết diện khuất mà tác giả để mặc cho sự suy luận và tưởng tượng khác nhau của người đọc.

Đối với một nhân vật hư cấu, tính hợp lý sẽ làm cho nhân vật trở nên hiện thực, sống động. Nếu không đảm bảo được tính hợp lý, nhân vật trở nên khô cứng, áp đặt. Ở đây, nhân vật chính đã mô tả lại những sự kiện, những cảm xúc và suy nghĩ mà chị cho là quan trọng trong cuộc đời đã trải qua của mình. Bằng những giả thiết và lý giải một cách hợp lý, chúng ta có thể hiểu sự việc và các nhân vật đúng với bản chất hơn là những gì chỉ được mô tả mang tính chủ quan của tác giả, cho dù đó là sự mô tả chân thực.

Hình ảnh người đàn ông lý tưởng chị mang trong tâm hồn những năm đầu đời chính là hình ảnh chất chứa trong Người Cha và cũng là trong Người Ấy. Tình yêu, sự ngưỡng mộ người ấy phản ánh một phần tình yêu, sự ngưỡng mộ đối với người cha. Sự tránh móc, oán thán đối với cha cũng là lời oán tránh đối với người ấy. Không khó khăn gì, chúng ta có thể tìm thấy những điểm rất giống nhau giữa người cha và người ấy. Có thể chị không thừa nhận điều này nhưng chính vì cái nhìn cực đoan về hai người đàn ông ấy mà chị đã phải trả giá. Nhưng cũng vì thế mà chị đã được trải qua nhiều cung bậc tình cảm, từ hạnh phúc đến khổ đau.

Cho dù chị có ca ngợi người ấy thế nào đi nữa, chị có cố tình không nhìn thấy những nhược điểm của người ấy thì chúng ta vẫn thấy sự oán giận được bộc lộ bằng hành động và sự lo sợ của chị trước sự thật về người ấy. Có thể chị không gọi tên được sự oán giận này cũng như không nói lên được bằng lời tình yêu của chị đối với cha. Không oán giận được sao? Khi người đàn ông ấy vô tư nhận sự dâng hiến của chị đến tàn nhẫn. Người ấy chỉ quay ra lo cho cuộc sống thực của hai người khi mà không còn đường quay về với gia đình. Phải chăng người ấy cũng chỉ đời thường, cũng đầy ích kỷ và thiếu trách nhiệm v.v... Chị đã nhìn thấy điều đó dù chỉ là mơ hồ, không diễn tả được. Chị cũng đã dự cảm được một thực tế đón chờ mình, một cuộc sống còn khốn khó, bế tắc hơn cuộc sống của cha mẹ ngày trước mà chị đã bị ám ảnh. Tình yêu thần thánh, nơi lẩn tránh cuộc sống hiện tại của họ đã không còn nữa. Tất cả trở nên rõ nét khi ra ngoài ánh sáng. Đó là điều lý giải tại sao chị nói: "Em không thể quay về với anh được. Vì nếu em quay về bây giờ, sau này em cũng sẽ phản bội anh". Đã hơn một lần chị chạy trốn khỏi tình yêu ấy. Và bây giờ tự nó đã ra đi. Chị đã đi một chặng dài, thú vị và mệt mỏi đến cuối con đường, đúng lúc đó một lối rẽ mới mẻ xuất hiện.

Đối với người cha, dù chị oán thán bao nhiêu, mô tả những hình ảnh méo mó bao nhiêu thì đằng sau đó là sự yêu thương, là sự khát khao cảm nhận về tình yêu thương ấy bấy nhiêu. Qua sự mô tả ở những chương khác, chúng ta vẫn thấy hiện lên hình ảnh một người cha, một người ông với những cử chỉ ấm áp. Đó là khi ông đèo con gái bằng xe đạp đi làm visa (khi đó chị đã lớn tướng rồi!), cùng chị đi mua rồi lắp xe đạp, mang về những "lát sâm thần thánh" cho con, sau này là sang Roma chơi với con gái "rượu", rồi đi mua đèn trang trí cây thông Noel thật đẹp cho các cháu. Tôi hình dung, quan hệ giữa chị và những người ruột thịt rất thân ái, thân ái như chúng ta vẫn hình dung từ trước tới nay. Gia đình êm ả đến mức chẳng ai nhận ra còn có một vết thương trong tâm hồn chị. Chị giải thích rằng chị làm tất cả mọi việc cho gia đình là vì trách nhiệm của người làm con, vì lòng tự trọng nhưng tôi nghĩ rằng trong đó vẫn ẩn chứa tình yêu thương. Chị nghĩ vậy là vì chị đón chờ một tình yêu ở cung bậc khác, tinh tế hơn thế chăng? Những lời oán thán, trách móc người cha chỉ có thể giải thích đó là một góc khuất trong tâm hồn chị, nhưng đó là một góc khuất được in rất rõ nét. Đó là một sự bộc lộ bất thường của chị. Hẳn là hàng ngày chị vẫn chăm lo cho cha mẹ, hẳn là chưa bao giờ và không bao giờ chị cho phép ai xúc phạm hay bôi nhọ cha mẹ mình. Những lời trách móc ấy chỉ là tiếng kêu cứu trong sự tuyệt vọng vì không cảm nhận được tình yêu (tình yêu chị dành cho cha và của cha dành cho chị): "Bố, sao Bố không giúp con xua đuổi nỗi ám ảnh đó đi, nó như con thú dữ mà Bố đã vô tình thả vào đầu óc con khi còn nhỏ và giờ đây Bố vẫn vô tình cho nó ăn, cho nó uống để đôi khi nó thức dậy làm con đau đớn". Nỗi đau đớn đó chỉ mình chị biết và chịu đựng. Chị đã phải trăn trở với một câu hỏi: "Ngược lại, Bố có yêu tôi không?" nhưng như vậy là chưa đủ, lẽ ra chị phải hỏi thêm một câu nữa: "Thế Bố có nhận thấy là con yêu Bố không?" Và có thể ông vẫn biết chị "không thể nào buông ra một lời nói tình cảm với Bố" nhưng ông vẫn cảm nhận được tình yêu qua những cử chỉ, hành động khác của con. Biết đâu ông lại chẳng nghĩ rằng ông hiểu con gái mình hơn chính bản thân nó! Nếu ai đó có nặng lời chê trách chị thì biết đâu ông lại chỉ vào họ mà quát: "Ai cho các người chê con tôi xấu"!

(Cho phép tôi nói một cầu có vẻ sân khấu với hai nghệ sĩ: "Hỡi hai con người khốn khổ quá đỗi yêu thương nhau kia ơi, đừng tự làm khổ mình và làm khổ nhau nữa!”)

Tình huống này khiến tôi liên tưởng đến quan hệ giữa A-thơ và Đức Hồng y Mon-ta-ne-li trong tiểu thuyết Ruồi trâu. Tôi không so sánh các nhân vật, tôi chỉ muốn dẫn ra đây sự mâu thuẫn tồn tại trong cách biểu lộ tình cảm của nhân vật. Đằng sau những lời phỉ báng, nhục mạ, oán trách, căm hờn mà A-thơ dành cho Mon-ta-ne-li là một tình yêu vô bờ. Tưởng như, gần cả cuộc đời, A-thơ chống lại Mon-ta-ne-li nhưng đó chính là cuộc vật lộn để tìm lại và khẳng định tình yêu giữa họ - giữa cha và con, đó cũng chính là cuộc vật lộn chống lại sự giả dối của những kẻ nhân danh Chúa.

Hình ảnh của người cha đã in đậm vào tâm hồn chị, ẩn chứa trong chị đầy đủ tốt, xấu, đúng sai, đáng yêu, đáng trách... điều đó đã dẫn dắt chị đi đến những quyết định quan trọng trong cuộc đời. Mẹ cũng vậy. Hình ảnh người đàn bà thoăn thoắt đan áo đã thấm vào chị và được lặp lại một cách "buồn cười". Mẹ đứng chữ Mậu - chị cũng đứng chữ Mậu. Mẹ đi đẻ một mình - chị cũng một thân một mình trong phòng đẻ. Mẹ dang dở với nghề vì nhiều nỗi - chị vì nhiều nỗi bỏ nghề. Mẹ đan áo, tần tảo nuôi cả nhà - chị vay mượn, mua đất, xây nhà để qua cơn bĩ cực. Mẹ đã từng đau đớn, khổ cực không ai chia sẻ, chỉ có những đứa con để xả thân vào đó - chị cũng đã từng không biết chia sẻ với ai. Hai con người ấy giống nhau ở một điểm có lẽ vì ở họ cùng chất chứa hình ảnh "quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ năm con với một chồng". Đó là hình ảnh của đa số phụ nữ Việt Nam được duy trì hàng thế kỷ nay. Bằng đặc tính hy sinh, dâng hiến của phụ nữ ấy chúng ta có thể lý giải thêm về sự ra đi của chị đối với chàng lãng tử. Chị nghĩ rằng, vì tình yêu không còn nữa. Không còn tình yêu và một tình yêu khác vẫy gọi cũng là một lý do nhưng chưa đủ. Tôi nghĩ rằng, bên cạnh đó, nếu như chàng lãng tử đòi hỏi ở chị một sự cố gắng, một sự hy sinh thì chắc quan hệ của họ sẽ được gắn kết và đi theo một con đường riêng. Nếu họ cũng có đến năm đứa con thì chị sẽ phải làm gì? Tôi tin rằng chị sẽ lại thân cò lặn lội và xả thân vì chúng. Tôi không nghĩ rằng chị có thể trì hoãn việc có con, chị chỉ có thể làm được điều đó khi chàng lãng tử cũng thờ ơ, vô tình. Cho dù chị liệt kê ra hàng ngàn tình tiết, lý do ở chàng khiến chị mệt mỏi thì tôi chỉ nghĩ rằng lý do lớn nhất là chàng lãng tử đã không là người lãnh đạo tinh thần của hai người. Chàng đã không kéo được chị thoát khỏi sự bế tắc của đời sống gia đình cũng như những bế tắc trong nghề nghiệp. Chàng chẳng đòi hỏi gì hơn ở chị ngoài sự tồn tại của chị ở bên cạnh mình. Giá như chàng theo đuổi những đam mê, xả thân vì một điều gì đó và lôi chị theo để chị cảm thấy mình đang sống có ích, mình đang được cần đến thì tình yêu của họ chắc đã được vun đắp, tưới tắm để không bị già nua, mòn mỏi. Nói như vậy không phải chỉ đổ lỗi cho chàng, dĩ nhiên là tại cả hai. Tại sao chị không là người chủ động làm cho cuộc sống của họ có ý nghĩa và thú vị hơn. Vì vậy chị mới trăn trở, dằn vặt và cần phải sám hối để được thanh thản. Con người không phải lúc nào cũng là sắt thép, cũng đủ tự tin bước trên đường đời. Nhiều khi yếu mềm, người ta cần có một người nâng đỡ, dẫn dắt tinh thần. Giá như chị không đẹp, không hấp dẫn, không tinh tế thì cũng chẳng bị tình yêu đưa đẩy. Giá chị cứ toèn toẹt nói thẳng ra những gì chị nghĩ, những gì chị không hài lòng và đừng cố gắng để hàn gắn mọi việc thì chắc chị đã bớt phải trăn trở.

Chị có quyền được cảm thấy hạnh phúc và ý nghĩa trong sự dâng hiến. Tôi tin rằng, vì "tiếng cười của các thiên thần" mà chị quên bản thân mình cho dù chị có nói ra điều đó hay không trong tự truyện. Trong phần nói về người cha và khi chị đang yêu người ấy, chị đã rất khắc nghiệt lên án nhầm cả những người đàn bà thoả hiệp, những người chấp nhận chồng có "bồ" để giữ gia đình cho con. Nhưng khi đã là mẹ, chị đã bớt đi sự gay gắt. Và đây: “Thật lòng, tôi nguyện làm tất cả những gì có thể để giữ người bố cho chúng, vì tôi muốn hai con tôi được sống bình an trong tình yêu thương của một gia đình có bố mẹ hoà thuận hạnh phúc...". Cho dù phương pháp của chị là phải chăm sóc, tưới tắm giữ gìn tình yêu chứ không chỉ là giữ gia đình một cách hình thức. Nhưng bản chất cũng là giữ hạnh phúc gia đình như tất cả các bà mẹ khác. Nếu chị nguyện nhận làm tất cả thì có nghĩa, nếu không giữ được tình yêu thì cũng có thể chấp nhận giữ lại sự yên ấm cho các thiên thần bé nhỏ của chị. Tôi tin rằng nếu cần thì chị cũng sãn sàng thân cò lặn lội "buôn bán ở mom sông" để nuôi đủ hai con với... như bao phụ nữ Việt. Chị đã cho chúng ta được biết sự thật về cuộc đời mình. Đó là một sự dâng hiến. Chị xứng đáng được cảm thấy hạnh phúc trong sự dâng hiến đầy ý nghĩa này.

Tôi không giải thích hộ chị Lê Vân, bởi tôi không biết gì nhiều về gia đình chị và tác giả chắc gì đã đồng ý với những suy nghĩ và giả thiết của tôi. Tôi cho rằng trong mỗi con người đều có phần tối và phần sáng. Nếu nhìn bằng phần sáng của tâm hồn, chúng ta sẽ thấy mọi sự vật, hiện tượng gần với bản chất của nó hơn. Nhìn bằng phần tối, chúng ta sẽ chỉ thấy sai trái và tội lỗi (và chị Lê Vân cũng đã có lúc nhìn sự việc bằng phần u tối của tâm hồn). Chúng ta là những con người có thực, cố gắng nhìn mọi việc bằng phần sáng của tâm hồn. Những điều tốt, xấu, đúng, sai... vẫn thường xảy ra trong cuộc sống thực xung quanh ta. Dù muốn hay không, đã là sự thật thì chúng ta phải chấp nhận và nhìn thẳng vào nó. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể sống tốt hơn.

Gấp cuốn sách lại, tôi đã phải tự hỏi mình. Hẳn là đã nhiều lần tôi vô tình làm đau người khác, nhiều lần đã thật bất công với mọi người và hẳn là tôi đã nhiều lần phải tự cảm thấy xấu hổ với bản thân mình.

Hà Nội 11.2006

© 2006 talawas