Xã há»™iÄồng tÃnh luyến ái trong xã há»™i hiện đại 2.7.2002
Nguyá»…n Anh CÆ¡
Ãồng tÃnh luyến ái, má»™t hình thái văn hóa?
Ðể tiếp tục mạch suy nghĩ trong bài trước ở một tầng thấp hơn, trong bài này tôi
xin bàn tới một giả thuyết: Ðồng tính luyến ái (ÐTLA) như một hình thái văn
hóa. Xin nói trước rằng, việc khai thác giả thuyết này hoàn toàn chỉ là một
cố gắng suy nghĩ tìm tòi chân lý, hoàn toàn không liên quan gì tới một thiện
cảm hay ác cảm cá nhân nào.
Tôi xin bắt đầu bằng một quan sát: ÐTLA là một hiện tượng đặc biệt của một sinh vật
cấp cao là loài người và được chấp nhận khi xã hội phát triển ở trình độ khá
cao. Quan sát này cho ta có thể ngờ rằng ÐTLA có liên quan tới văn hoá - một
sản phẩm cao quý của xã hội loài người. Một cách tương tự, tình phụ tử tôi ngờ
cũng là sản phẩm văn hoá, trái ngược với tình mẫu tử là thuộc tính tự nhiên.
Tình trai gái là thuộc tính tự nhiên, trong khi tình vợ chồng là sản phẩm văn
hoá...
Trong quá trình phát triển của xã hội loài người, nhiều hình thức sinh hoạt đã mang
những màu sắc của văn hóa. Chúng ta nói về văn hóa ẩm thực và phân biệt nó với
quá trình trao đổi chất. Chúng ta nói về tình yêu thay vì giải quyết sinh lý.
Khát uống bia hay Coca thay vì uống nước hay bất cứ chất lỏng nào khác - đó là
văn hóa. Văn hóa được kiến trúc như một tòa lâu đài nhiều tầng và các nhu cầu
tự nhiên nằm ở tầng cơ sở của tòa lâu đài đó. Ðặc trưng cho các tầng văn hoá
cao là nhiều khả năng lựa chọn và qua đó tạo thành các thị hiếu và các mỹ cảm
khác nhau. Khi chỉ có một lựa chọn duy nhất, người ta không thể nói về thị hiếu. “Chiếu trải không ngay ngắn không ngồi,
thịt chặt không vuông miếng không ăn” - đó là văn hoá. Và chỉ khi con người ta
đã đạt tới điều kiện sống như vậy mới có thể “nghe nhạc thiều 9 ngày không biết
mùi thịt cá”. Tiêu chuẩn đánh giá, thị
hiếu, mỹ cảm và cao hơn là khế ước đạo đức, pháp lý ở một tầng không thể áp
dụng cho một tầng khác. Ðem tiêu chuẩn văn minh ngày nay của chúng ta để đọc
Kinh Cựu ước, phê phán tục “nối dây” của người Thượng, hay những nhóm người lẻ
loi ngoài hoang đảo, đồng bằng sông Cửu Long hay nông thôn Bắc Bộ sẽ là một sự “trật
đường ray”. Ðiều kiện vật chất khác
nhau sẽ quy định những tầng văn hóa khác nhau và dẫn tới các tiêu chuẩn khác
nhau về thẩm mỹ và đạo đức.
Một đặc trưng khác của văn hóa là dị ứng với những cái gì khác mình. Ðó là sự va
chạm giữa các hệ thống giá trị văn hóa khác nhau, mà chúng ta đã bàn tới trên
Diễn đàn Talawas. Một đặc trưng khác đi liền với đặc trưng này là tính tập
nhiễm, khả năng học hỏi tiếp thu những giá trị văn hóa mới. Nếu như bản năng tự
nhiên khó có khả năng tập nhiễm, một giá trị văn hóa mới tuy có thể bị chống
đối phản ứng gay gắt nhưng đều có thể tiếp thu qua con đường học tập hoặc tập
nhiễm. Ðể thưởng thức một bản giao hưởng, một bức tranh ấn tượng hoặc một ly cà
phê, có thể quá trình tập nhiễm lâu mau khác nhau và có thể có những phản ứng
chống đối gay gắt khác nhau. Quá trình đó có những đặc trưng hoàn toàn khác và
dễ nhận ra so với các quá trình tìm lại những bản năng tự nhiên bị kìm hãm hay
ức chế.
Chúng ta nhìn vào bản năng tình dục của con người bằng một cách tương tự. Văn hóa cho
phép con người lựa chọn, và nhu cầu sinh lý được thăng hoa thành tình yêu. Và
đặc trưng của tình yêu là hình thành một cảm giác đặc biệt với một đối tượng
nhất định tương tự như một tiêu chuẩn thẩm mỹ. Nếu coi luyến ái dị tính là một
lựa chọn thì luyến ái đồng tính hoặc lưỡng tính có thể là những lựa chọn khác.
Có thể ở trình độ phát triển hiện nay của xã hội loài người, “văn hoá tính dục”
- nếu có thể gọi như thế - đã đạt được một mức độ phức hợp nhất định.
Nếu cách nhìn này là đúng, chúng ta không nên nhìn nhận sự đánh giá về ÐTLA trong
quá khứ như một sự đàn áp về tính dục đối với một thiểu số. Ðó chỉ là một sự
đánh giá mang tính chuẩn mực về thẩm mỹ và đạo đức của quá khứ mà thôi. Nó cũng
như giá trị về trinh tiết thời phong kiến Á châu hay thời Trung cổ Âu châu mà
rõ ràng ngày nay càng ít đi ý nghĩa, nhưng trong những giai đoạn lịch sử trong
quá khứ nó đã có những giá trị tích cực làm ổn định nền tảng xã hội, mà thực
chất là bảo vệ các giá trị của giai cấp quyền lực.
Mặt khác, ngày nay chúng ta càng thấy nhiều các thử nghiệm các hình thái tính dục khác nhau trong các
nhóm người khác nhau. Càng ngày chúng ta càng thấy mô hình tính dục cổ điển một
nam một nữ chỉ còn là một trong số các lựa chọn. Tôi tin rằng các hình thái
tính dục này đều có thể tập nhiễm và mang lại khoái cảm, nhưng không dám chắc
là mọi khoái cảm đều phải được xã hội khai thác. Phải chăng thưởng thức tính
dục đã ngày càng phức tạp và tinh tế hơn. Con nguời ta đã đến lúc không phải
phụ thuộc vào nhu cầu duy trì nòi giống mà có thể tập trung vào thưởng thức các
hình thức “văn hoá tính dục” mới? Mặc cảm tội lỗi bước đầu trong quá trình tập
nhiễm, sẽ thay thế bằng những lạc thú tinh vi? Rõ ràng nền tảng của kinh tế xã
hội ngày nay không còn phụ thuộc vào đơn vị gia đình. Khả năng duy trì giống
nòi đã có kỹ thuật lai ghép gene dị truyền. Số người mất đi khả năng tình dục
dị tính ngày càng gia tăng ở cả hai giới. Có thể đó cũng là những dấu hiệu của
cơ sở cho một hệ thống văn hoá mới?
Có điều là tôi không dám chắc rằng chỉ nên giới hạn ở ÐTLA hay nên để cho mọi hình thức “văn hoá tính
dục” khác nhau cùng tự do hay phải đợi tới một giai đoạn phát triển trong tương
lai của xã hội khi mà xã hội được giải phóng đến mức không còn bị đe dọa bởi
các giá trị văn hoá mới này.
|