trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
8.8.2007
Hồ Bạch Thảo
Việt học
 
Bạn tôi có người con học rất giỏi, sau khi tốt nghiệp tại một trường đại học lớn ở Hoa Kỳ; cháu sang Trung Quốc học, cũng tốt nghiệp xuất sắc tại Bắc Kinh. Vì cháu học giỏi, tôi quen gọi cháu là Thông Minh; gia đình cháu lại gốc miền Bắc, nên đôi khi đùa cháu và anh chị bạn, tôi thường ngâm hai câu thơ chữ Hán trong bài Đường luật của nhà nghiên cứu sử, Giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu:

Bắc Kỳ nhân sĩ thị tinh hoa,
Âu Á kiêm thông hảo hợp hoà….

([Ta] là nhân sĩ tinh hoa đất Bắc Kỳ,
Học vấn kiêm thông, khéo hoà hợp hai nền văn minh Âu Á.)

Một hôm tôi hẹn với Thông Minh để nhờ cháu chỉ giùm cách sử dụng mạng [website] chữ Hán, Anh về Minh Thực lục. Khi xe tôi đậu trước nhà, Thông Minh đã chực sẵn tại cửa đón; riêng anh chị bạn, có lẽ muốn để hai chú cháu làm việc thoải mái nên vắng nhà. Trên chiếc bàn ở góc phòng khách, chiếc computer với màn hình lớn rất hợp với mắt người già đang mở sáng, với nhan đề 3 chữ lớn Minh Shi Lu. Thông Minh mỉm cười mời tôi dùng nước, rồi nhanh nhẹn đi vào việc; cháu chỉ vào chiếc ghế trước computer và nói:

“Mời chú ngồi vào đây, cháu có thể đứng bên cạnh dùng ‘con chuột’ giới thiệu.”

Thoăn thoắt với con chuột, Thông Minh mở trang tìm qua triều đại (Browse by reign); lập tức 14 triều nhà Minh hiện trên màn hình.

“Chú thích xem triều đại nào, đời Tai Zong (Thái Tông) mang quân sang chiếm nước ta nhé!”

Tôi gật đầu. Cháu nhắp con chuột, hàng mấy trăm văn bản về đời Minh Thái Tông xuất hiện, trên đề mục mỗi bản theo thứ tự, có ghi rõ ngày tháng năm. Tôi buột miệng:

“Kỳ diệu thật! Chú tham khảo trong thư viện, tài liệu này nằm trong bộ sử mấy ngàn cuốn, chất đầy một cốp xe.”

Thông minh mỉm cười đắc ý:

“Chưa hết đâu, xin chú xem trang browse by year [dò tìm qua năm]”

Lập tức con chuột phù thủy kia lại khiến màn hình hiện lên gần 300 năm triều Minh; lần lượt từ năm 1369 đến năm 1643.

“Có lẽ chú thích năm 1427, năm vua Lê Lợi đuổi quân Minh về nước nhé.”

Không đợi tôi trả lời, Thông Minh bấm vào số 1427, trên màn hình hiện lên đề mục hàng trăm văn bản ghi sự kiện trong năm Tuyên Đức thứ 2 [1427].

Chưa hết tấm tắc, Thông Minh lướt qua các mục tên nơi chốn [place name‘s], tên người [personal names], rồi lại đi sâu vào chi tiết; thôi thì tên An Nam, Jiao Chỉ [Giao Chỉ], tên người như Li Li [Lê Lợi] Zhang Fu [Trương Phụ] xuất hiện; mỗi mục cũng có đến hàng trăm văn bản.

Lược qua quá nhiều tài liệu trong cùng một lúc, khiến tôi hoa cả mắt, nên bảo Thông Minh:

“Cháu cho chú ‘cưỡi ngựa xem hoa’ hơi nhiều rồi nhé; bây giờ hãy để chú nhẩn nha làm việc theo kiểu ông già.”

“Chú cứ tự nhiên. Take your time!

Thông Minh lẳng lặng vớ cuốn sách trên bàn ra đọc. Riêng tôi thực tập bằng cách, lấy từng văn bản nguyên văn chữ Nho để so sánh với bản chữ Anh.

Thấy được một vấn đề, tôi kêu Thông Minh lại góp ý:

“Đây là bài sớ của Đường Trụ khuyên vua Gia Tĩnh triều Minh đừng mang quân đánh nước ta thời Mạc Đăng Dung. Trong đó có câu dẫn chứng về việc quân lính của Mã Viện bị chết đến một nửa, nguyên văn như sau:

臣 考 馬 援 南 征 沐 歷 浪 泊 士 卒 死 者 幾 半

(thần khảo mã viện nam chinh mộc lịch lãng bạc sĩ tốt tử giả kỷ bán)

Chữ Nho thời xưa không có dấu chấm câu, không viết hoa nên chú phiên âm như vậy. Bây giờ hãy xem câu dịch trong bản tiếng Anh:

I have studied Ma Yuang’s southern expedition. It had to proceed through great waves and high seas and nearly one half of the troops died.

Cháu thấy đoạn dịch thế nào?”

Thông minh cẩn thận đọc hai bản Hoa, Anh rồi nói:

“Cũng O.K. thôi.”

“Nếu là chú, hoặc ba mẹ cháu; thì không cho là O.K.”

“Cả đến mẹ cháu cơ?”

“Đúng! Phần lớn những người đậu bằng trung học tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, đều được học sử Trần Trọng Kim, trong đó có đoạn ‘Mã Viện là một danh tướng nhà Đông Hán, lúc bấy giờ đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn còn mạnh, đem quân đi men bờ để phá rừng đào núi làm đường sang đến Lãng Bạc, gặp quân Trưng Vương hai bên đánh nhau mấy trận.’ [1] Vậy Lãng Bạc là địa danh, đây là cái hồ, không phải là biển cả sóng dữ [great waves and high seas] như trong bản tiếng Anh, chỉ giản dị nên dịch là Lãng Bạc lake mà thôi!”

Thông Minh coi bộ chưa chịu, hỏi tiếp:

“Có sure [chắc] là Trần Trọng Kim đúng không?”

May mà tôi có quyển An Nam chí lược trong cặp, bèn lấy ra cho Thông Minh xem:

“Đây là bằng chứng của An Nam chí lược lấy từ sử nhà Hán: Mã Viện do đường duyên hải tiến quân, gặp núi thì xẻ làm đường, trải qua hơn 1.000 dặm, kéo quân tới Lãng Bạc đánh nhau rồi đại phá quân Trưng Trắc. [2]

Thông Minh gật gù, rồi lại hỏi tiếp:

“Vậy bằng chứng nào bảo Lãng Bạc là hồ?”

Lần này tôi mạnh bạo mở trang mạng Khâm định Việt sử thông giám cương mục, đọc cho Thông Minh nghe lời chua của Sử thần nhà Nguyễn: “Lãng Bạc còn có tên là Dâm Đàm ở phía tây con đường mặt tây thành Đại La. Về đời Lê đổi thành Tây Hồ tức là Hồ Tây tỉnh Hà Nội ngày nay. [3]

Thông Minh reo lên:

“Nếu là Hồ Tây, thì cháu đã ở tại đây trong những ngày viếng thăm Hà Nội.”

“Thú vị quá! Cháu là du khách thế kỷ thứ XXI thưởng ngoạn khách sạn 4 sao, 5 sao tại đó; thử xem một du khách khác, Phục Ba tướng quân Mã Viện, từng viếng nơi này cách 2.000 năm về trước, đã nghĩ gì về Hồ Tây hay Lãng Bạc:

Mã Viện bình Giao Chỉ, giết trâu rót rượu ủy lạo quân sĩ, rồi thung dung kể rằng:

“Em ta Thiếu Du thương ta khẳng khái có chí lớn; tâm sự rằng: ‘Kẻ sĩ trên đời cơm áo sung túc, lên xe xuống ngựa, làm quan ở quận, chăm sóc phần mộ tổ tiên, bà con làng xóm khen là người tốt, như vậy là đủ rồi; đến như khá giả dư thừa thì lại càng mãn nguyện’ Nhớ thời gian ta ở Lãng Bạc, Tây Lý; giặc chưa diệt xong, dưới chân ngập nước lụt, trên đầu sương mù giăng mắc, khí độc vần vũ, ngưỡng mặt nhìn lên trời chim cắt dáo dác bay, hốt nhiên kêu thất thanh rơi phịch xuống nước. Trong tình cảnh đó, có được cuộc sống thời bình như lời Thiếu Du cũng không được.” (An Nam Chí Lược, quyển 1, Cổ tích)

Thông Minh chép miệng:

“Không ngờ nơi đô hội như vầy mà trước đây hoang vu, đầy khí độc! Nhưng hãy dẹp cảnh Hồ Tây sang một bên, qua việc này cháu tự nhận cái học của cháu chưa đủ.”

“Cháu biết tự nhận như vậy là quí lắm rồi. Tiếng Việt mình cũng cần nhiều công phu lắm, có khi phiên âm chữ Nho đúng rồi, nhưng chưa vị tất đã đúng, vì người mình không ai đọc như vậy, ví như Điêu Cát Hãn phải đọc là Đèo Cát Hãn, Quảng Uy đọc là Quảng Oai v.v…”

“Đôi khi cháu muốn trình bày những điều hiểu biết của mình với người đồng hương bằng tiếng Việt, nhưng rất khó khăn vì tiếng Việt cháu không đủ. Dùng tiếng Anh lại sợ người nghe không hiểu trọn ý mình.”

“Dễ hiểu thôi, tiếng Việt cháu dùng để nói chuyện trong nhà với ba, mẹ, anh, em thì chẳng khác gi chiếc ghe nhỏ; còn vốn kiến thức cháu nặng như cỗ máy mấy chục tấn. Chiếc ghe nhỏ làm sao chở nổi cỗ máy lớn như vậy được!”

“Ba cháu thường kể cho cháu nghe rằng cách đây tám chín chục năm về trước, số trí thức du học nước ngoài chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng sự nghiệp của họ rất lớn.”

“Đúng quá rồi, những vị từng du học nước ngoài như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh; nói về bằng cấp khoa bảng có bằng các cháu bây giờ đâu, nhưng các vị đó là những học giả nổi tiếng, đóng góp rất nhiều cho nền văn hoá nước nhà. Trước hết họ có cái vốn Việt học rất vững.”

“Việt học? Cái tên nghe quen quen.”

“Chắc có một lần nào cháu đi qua đường Brookhurst, Quận Cam; thấy có bảng đề Viện Việt học phải không?”

“Đúng rồi! Ba cháu đưa đến đó thăm. Nhưng gọi là Viện mà trông nhỏ quá!”

“Thì làm sao mà lớn được như những viện đại học của Mỹ. Sáng lập viện này như Giáo sư Nguyễn Khắc Kham, Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch v.v… là những bậc thầy của chú và ba cháu. Các vị này thời trẻ tuổi đã từng du học ngoại quốc, thấy được cái thiếu của tuổi trẻ Việt tại nước ngoài cần phải bổ sung; nên lúc bước chân đến Mỹ đã nghĩ đến việc lập Viện Việt học.

“Cháu cảm thấy nên liên lạc với Viện Việt học để học thêm.”

“Mạnh dạn lên! Cháu có thể ghi danh đến học, hoặc theo hàm thụ. Ngoài ra nên chọn những báo đứng đắn trên mạng, thường xuyên đọc thì vốn Việt học của cháu sẽ được mở mang từng ngày; rồi một ngày nào đó chú sẽ hân hạnh được học hỏi những điều cháu viết bằng chữ Việt.”

© 2007 talawas



[1]Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, bản trên mạng của Viện Việt học trang 16.
[2]Lê Trắc, An Nam chí lược quyển 6.
[3]Có thuyết cho rằng Lãng Bạc không phải là Hồ Tây; chúng tôi căn cứ vào chánh sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam quốc sử diễn ca; các bộ sử này đều khẳng định là Hồ Tây.