trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Sách của nhà xuất bản Tri Thức
 1   2   3   4   5   6   7 
18.8.2007
Alan Ebenstein
Friedrich Hayek - cuộc đời và sự nghiệp
(Tự do và pháp luật - Marx, sự tiến hoá và xã hội không tưởng - Chính phủ và luân lý)
Lê Anh Hùng dịch
 
Song song với Karl Popper, Friedrich Hayek được coi là triết gia quan trọng hàng đầu của thế kỉ 20 trong việc phê phán các xã hội độc tài và cổ vũ cho các xã hội mở. Ảnh hưởng của Hayek trong kinh tế và chính trị, đặc biệt là từ sau những năm 80 của thế kỉ 20, thật sâu rộng đến mức "hầu như không quá khi nói rằng, thế kỉ 20 là thế kỉ của Hayek". Tuy vậy, mãi gần đây tên tuổi của ông mới dần được nhắc đến trong giới nghiên cứu Việt Nam. Đầu tiên phải kể tới tác phẩm Con đường dẫn tới xã hội nông nô qua bản dịch của Nguyễn Quang A và sau đó là loạt tiểu luận do Đinh Tuấn Minh dịch và giới thiệu: Chủ nghĩa cá nhân: Chân và giả; Sử dụng tri thức trong xã hội; Dân chủ đi về đâu?; Giới trí thức và chủ nghĩa xã hội. Tháng 6.2007, Nhà xuất bản Tri thức cho ra mắt cuốn Friedrich Hayek - cuộc đời và sự nghiệp của Alan Ebenstein do Lê Anh Hùng dịch, một cuốn sách được đánh giá là "Cuốn tiểu sử hoành tráng về triết gia tự do vĩ đại nhất thế kỉ 20" (Milton Friedman). Nhân dịp này, chúng tôi xin đăng lời giới thiệu của Đinh Tuấn Minh cho cuốn sách và trích đăng 3 chương của tác phẩm.

talawas
Chương 28
Tự do và pháp luật

Các chủ đề mà Hayek theo đuổi trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do nằm trong số những chủ đề sâu sắc và cơ bản nhất của triết học chính trị. John Locke, triết gia chính trị tự do vĩ đại người Anh, lí giải vai trò của chính phủ là do thái độ thiên kiến của con người đối với bản thân cùng các đồng minh của mình: “Việc con người trở thành quan toà trong những sự vụ của chính mình là không hợp lí, lòng tự ái sẽ khiến họ thiên vị bản thân và bạn bè; mặt khác, bản tính xấu xa, sự công phẫn và lòng thù hận sẽ khiến họ đi quá xa khi trừng phạt người khác; vì thế chắc chắn Chúa đã chỉ định chính phủ nhằm kiềm chế sự thiên vị và sự xâm hại của con người. Chính phủ dân sự là phương thuốc đúng đắn cho tình trạng tự nhiên (the state of nature)”.1

Hayek hoàn toàn theo Locke. Tự do chân chính, không hề không nhất quán với pháp luật, mà trên thực tế phụ thuộc vào pháp luật. Pháp luật đích thực là hiện thân của tự do. Pháp luật là nhân tố cốt lõi của tự do. Nếu không có pháp luật thì không thể có tự do. Pháp luật đúng đắn (orthonomos) là tự do.

Ý tưởng mà theo đó, tự do được định nghĩa một cách đúng đắn là pháp luật, có thể lạ lẫm với những người vốn coi tự do hoặc là sự biến mất hoàn toàn của chính phủ, hoặc là một tiêu chuẩn của cuộc sống vật chất nhất định. Trong số những người coi tự do là sự biến mất hoàn toàn của chính phủ, có sự khác biệt to lớn giữa chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarianism) và chủ nghĩa vô chính phủ (anarchism). Hayek nhận xét, sự khác biệt giữa quan điểm của ông với “một số những quan điểm của các bạn tôi, những người thiên về phái vô chính phủ, là ở chỗ: trong phạm vi lãnh thổ tôi đang sống, tôi có thể giả thiết bất cứ người nào mà mình gặp đều bị ràng buộc phải tuân thủ những nguyên tắc tối thiểu. Tôi không thể thành lập được những nhóm tự nguyện gồm những người cùng tuân theo những nguyên tắc như nhau trong khi vẫn tồn tại một xã hội mở (open society [1] ). Tôi phải biết trong phạm vi lãnh thổ tôi đang sống, bất cứ một người vô danh nào mà tôi gặp đều bị ràng buộc phải tuân theo những quy tắc nhất định mà tôi biết. Chủ nghĩa tự do cá nhân hoàn toàn dễ sa vào chủ nghĩa vô chính phủ và điều quan trọng là vạch ra ranh giới. Một xã hội mở mà ở đó tôi có thể đối phó với bất cứ người nào tôi gặp là xã hội giả định trước những luật lệ cơ bản cho mọi người”.

Các nhà vô chính phủ không đặt niềm tin vào chính phủ và pháp luật. Họ mong muốn được sống trong một xã hội mà Locke gọi là “tình trạng tự nhiên” (the state of nature). Trái lại, các nhà tự do cá nhân chủ nghĩa tin rằng pháp luật tạo ra tự do bởi pháp luật cho phép các cá nhân tương tác hiệu quả nhất về mặt vật chất. Nếu pháp luật không hữu hiệu và tối ưu, cơ hội tương tác của con người sẽ bị bó hẹp. Trong xã hội không có pháp luật, cuộc sống con người, theo lời Thomas Hobbes, sẽ trở nên “đơn độc, nghèo nàn, thô tục, hung ác và ngắn ngủi”.3 Sự đòi hỏi về pháp luật đối với cuộc sống cá nhân không nhiều như cuộc sống tập thể và theo quan điểm tự do cá nhân, đối với cuộc sống tập thể thì đó là cách có hiệu quả về mặt vật chất cao nhất.

Hayek phản bác việc hợp nhất tự do với một mức sống vật chất nhất định. Mặc dù tự do và mức sống vật chất cao đều đáng mong muốn, điều này vẫn không hàm ý tự do và mức sống vật chất cao là một. Theo Hayek, tự do trong xã hội đề cập đến một thứ và duy nhất một thứ. Tự do là xã hội mà ở đó sự cưỡng bức bị giảm thiểu tới mức có thể thông qua những luật lệ chung đã biết, áp dụng cho tất cả mọi người với mục đích tối thiểu hoá cưỡng bức. Tự do là sự thống trị của pháp luật.


*

Hayek ủng hộ việc chính phủ tạo ra pháp luật rõ ràng và việc xã hội áp đặt những nguyên tắc phi cưỡng bức mới. Ông thể hiện rõ ràng ở điểm này. Ông là một người cấp tiến tìm cách thay đổi những pháp luật và thiết chế hiện hành chừng nào chúng còn chưa dẫn đến mức độ cạnh tranh cao nhất có thể. Mặc dù ông cũng khẳng định là sự sáng suốt có thể hiện hữu trong các luật được thừa hưởng cũng như trong những quy tắc khác của các thế hệ trước, thì cam kết có tính quyết định của ông vẫn là vì sự thay đổi, chứ không phải vì sự cân bằng tĩnh tại. Triết học của ông là một chủ thuyết năng động, tiến bộ, nhấn mạnh tính chất đáng mong muốn của những biến đổi to lớn trong lòng xã hội. Ông rõ ràng không phải là một nhà bảo thủ.

Thập niên 1960 và 1970, Hayek đề xuất một số sửa đổi đáng kể trong những dàn xếp về mặt lập pháp và tiền tệ, mà ông mô tả là có tính “triệt để” và là “sự thay đổi sâu rộng trong các thiết chế chính trị của chúng ta”.4 Đáp lại gợi ý của một số người cho rằng những đề xuất tiền tệ sau này của ông không nhất quán với việc ông nhấn mạnh quá trình phát triển tiến hoá trong xã hội, Hayek lập luận, “người ta nói đề xuất của tôi nhằm ‘xây dựng’ những thiết chế tiền tệ hoàn toàn mới là mâu thuẫn với quan điểm triết học chung của tôi. Tôi chưa hề nghĩ tới bất kì mong muốn tạo nên những thiết chế mới nào. Điều tôi đề xuất chỉ đơn giản là loại bỏ những trở ngại hiện nay vốn từ lâu đời đã ngăn cản quá trình tiến hoá của các thiết chế tiền tệ đáng mong muốn”. Ông tìm cách loại bỏ trở ngại đối với những thiết chế mới, tối đa hoá cạnh tranh, chứ không phải tự mình lập nên chi tiết của những thiết chế như vậy.

Mặc dù lên án “chủ nghĩa duy lí theo thuyết kiến dựng” (constructivist [2] rationalism), Hayek vẫn tìm kiếm sự thay đổi lớn lao trong các thiết chế vĩ mô của xã hội. Trong đoạn áp cuối tác phẩm Luật, luật pháp và tự do (khi viết ông dự định đây sẽ là tác phẩm cuối cùng của mình), ông viết “chính phủ nhất thiết phải là sản phẩm của ý đồ trí tuệ. Nếu chúng ta có thể tạo cho chính phủ một hình thù để qua đó nó đem lại khuôn khổ hữu ích cho sự tăng trưởng tự do của xã hội… thì chúng ta vẫn còn có thể hi vọng rằng nền văn minh sẽ còn tiếp tục phát triển”.6 Theo ông, các ý tưởng định hướng hoạt động của chính phủ, cùng với việc triển khai thiết thực hoạt động của nó, là những yếu tố có vai trò sống còn. Tuy nhiên, không giống như các nhà xã hội chủ nghĩa, vốn tìm cách quản lí toàn bộ chi tiết hoạt động kinh tế trong xã hội, mục tiêu của Hayek là tạo dựng một khuôn khổ triết học nhằm định hướng trật tự xã hội tương lai. Ông tìm kiếm những thiết chế mới, tối đa hoá cạnh tranh, mà theo ông, chúng sẽ đòi hỏi sự thay đổi to lớn đối với những thiết chế hiện hành. Về những đề xuất tiền tệ cấp tiến sau này của mình, Hayek nói, nếu ông là người “chịu trách nhiệm trước vận mệnh đất nước thân yêu” của mình, ông sẽ “sung sướng chấp nhận rủi ro trong lĩnh vực mà tôi đang xem xét ở đây”.

Ông chủ trương hoạt động chính phủ trong các lĩnh vực vẫn thường được coi là các chủ đề về môi trường và “chất lượng cuộc sống” ở địa phương. Theo Hayek, “thông thường việc giới hạn những hiệu ứng mà một người thực hiện trên đất của mình trong phần đất cụ thể ấy là không khả thi; và từ đó nảy sinh những “hiệu ứng láng giềng” (neighbourhood effects) và chúng sẽ chưa được tính đến chừng nào mà vị chủ nhân đó vẫn chỉ phải xem xét những hiệu ứng trên tài sản của mình. Từ đó cũng nảy sinh những vấn đề liên quan đến ô nhiễm không khí hay nước và tương tự thế”. Sau khi nhận Giải Nobel, ông đề nghị Quỹ Thiên nhiên Hoang dã Thế giới (World Wildlife Fund) [3] sử dụng tên mình nhằm mục đích quảng bá. Một số tổ chức môi trường khác mà ông tán thành là Hội Audobon (Audobon Society) [4] ở Mỹ và Quỹ Tự nhiên (Natural Trust) ở Anh.

Hayek liệt “vũ khí” vào loại những “hàng hoá nguy hiểm” mà trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do ông xác định là phải tuân thủ những “hạn chế mua bán”, và viết, “một thực tế có lẽ không thể chối cãi là ở những nơi liên quan đến buôn bán vũ khí, việc chỉ những người nào thoả mãn một số phẩm chất trí tuệ và đạo đức nhất định mới nên được phép tiến hành các hoạt động buôn bán như thế là một điều vừa đáng mong muốn vừa không thể phản đối”. Ông không phải là kiểu người mà ở Mỹ sẽ được coi là kẻ ủng hộ mạnh mẽ việc sửa đổi hiến pháp Mỹ lần thứ hai. Ông tán thành nhập ngũ bắt buộc.

Về vấn đề tình dục đồng tính, ông nói, “thói quen cá nhân của người lớn, dù ghê tởm tới mức nào đối với số đông, vẫn không phải là đối tượng thích đáng cho hành động cưỡng bức của một nhà nước mà mục đích của nó là giảm thiểu cưỡng bức”. Ông đề cập đến Báo cáo của Uỷ ban về Vi phạm Tình dục và Mại dâm Đồng tính (Report of the Committee on Homosexual Offences and Prostitution) của Anh và tuyên bố tán thành với lập luận logic đã dẫn Uỷ ban này đi đến việc đề nghị hợp pháp hoá những hành động ấy. Vấn đề nằm ở chỗ, “liệu có phải sự tồn tại của những phán quyết có tính chất luân lí sâu rộng trong bất cứ vấn đề nào là tự nó đã biện minh cho việc thi hành những phán quyết đó hay không. Câu trả lời xem ra là: Trong phạm vi một trật tự tự phát, việc sử dụng hành động cưỡng bức chỉ có thể được biện minh ở những nơi mà điều này là cần thiết nhằm đảm bảo phạm vi riêng tư của cá nhân không bị những người khác can thiệp, tuy nhiên không nên sử dụng sự cưỡng bức ấy để can thiệp vào phạm vi riêng tư đó, nơi mà việc bảo vệ những người khác là không cần thiết”. Tự do thể hiện trong hành động cá nhân và sự liên kết cá nhân, do pháp luật tạo ra.


Chương 29
Marx, tự tiến hoá và xã hội không tưởng

Nhận diện các khía cạnh trong tư tưởng kinh tế của Hayek hay trường phái kinh tế học Áo với của Marx là một quan điểm học thuật phổ biến. Tư tưởng kinh tế kĩ thuật của Hayek – trong khi không phải là khuyến dụ kinh tế mang tính thực tiễn của ông – phần nào giống với Marx. Robert Skidelsky nhận xét về nghiên cứu kinh tế học buổi đầu của Hayek, “Hayek kết luận về sự lung lay mạnh mẽ của hệ thống tư bản tín dụng – tiền tệ... [và] không thể làm được gì về điều đó. Người ta có thể hiểu vì sao các học thuyết của Hayek lại có sức lôi cuốn đối với một nhà xã hội chủ nghĩa nhất định: chúng dường như đạt tới những kết luận của Marx”.

Lord Desai nhận thấy có “nhiều điểm song trùng” giữa Hayek và Marx: công trình gắn liền cuộc đời họ liên quan đến mô hình hoá chủ nghĩa tư bản, tính chu kì của nó, vai trò của tiền tệ và tín dụng, những triển vọng dài hạn của nó... Có nhiều điểm tương đồng trong tư tưởng của Marx với các biến thái tư tưởng của Hayek. Phân tích của họ về động cơ của chủ nghĩa tư bản là giống nhau. Lí thuyết tư bản của Marx và của Hayek cũng có nhiều điểm chung. Và nếu muốn bạn có thể so sánh phần giữa tập 3, quyển 2 bộ Tư bản (Capital) với tác phẩm Lí thuyết thuần tuý về tư bản (The Pure Theory of Capital) của Hayek, bạn sẽ khám phá ra một dự tưởng tương tự”.

Trong một bài thuyết trình buổi đầu ở Trường Kinh tế London, “Lí thuyết trường phái Marx về khủng hoảng” (The Marxian Theory of Crises), Hayek ca ngợi quyển 2 bộ Tư bản của Marx, nhấn mạnh nó trong mục sách khảo cứu và đặt Marx ở vị thế gần như tương đương với Adam Smith trong kinh tế học nói chung. Ca ngợi của Hayek đối với quyển 2 bộ Tư bản là sự tiếp nối Borhm-Bawerk, người trong khi mạnh mẽ chỉ ra những khiếm khuyết ở các phần khác trong hệ thống của Marx, vẫn nhận xét về quyển 2 bộ Tư bản rằng “những phần này của toàn bộ tác phẩm... bằng sự nhất quán logic xuất chúng mãi mãi xác lập vị thế tác giả như một nguồn sức mạnh trí tuệ hàng đầu. Phần nội dung dài này nằm giữa công trình của ông thực sự hầu như không chút tì vết”.

Kark Kuhne, tác gia về Marx, viết rằng “ý tưởng của Marx có tiếng vang nhất định trong các giới bảo thủ. Nhà bảo thủ vĩ đại von Hayek đã dũng cảm thừa nhận ông chịu ảnh hưởng của Marx qua Tugan-Baranovsky và Spiethoff”. Kuhne tiếp tục, “lí thuyết của Marx và các lí thuyết về tập trung tư bản cao độ chứa đựng lẫn nhau. Kế tục thực thụ của lí thuyết này là một nhân vật bảo thủ kì cựu, von Hayek, người từng thừa nhận một cách nghịch lí và trung thực nguồn gốc Marx của mình. Cốt lõi vấn đề không phải sẽ được tìm thấy trong những kết luận bảo thủ của Hayek mà là trong phân tích của ông về nguyên nhân bùng nổ và suy thoái, đây là điểm rất giống với phân tích của Marx”.

Trong ấn bản tiếng Anh năm 1933 của tác phẩm Lí thuyết tiền tệ và chu kì kinh doanh (Monetary Theory and the Trade Cycle), Hayek cho rằng giữa lí thuyết chu kì kinh doanh của ông và các lí thuyết phi tiền tệ ít có sự khác biệt hơn so với giữa lí thuyết của ông và những giải thích về tiền tệ khác. Sau khi bình luận về điểm này trong nguyên tác – “Trong lĩnh vực này [lí giải về chu kì kinh doanh] hiện không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn việc thu hẹp khoảng cách khổng lồ giữa các lí thuyết tiền tệ và phi tiền tệ” – ông ghi chú thêm, “Sau khi ấn hành bản tiếng Đức của cuốn sách, tôi bắt đầu nghi ngờ sự khác nhau giữa các cách giải thích tiền tệ và phi tiền tệ là điểm quan trọng nhất trong sự bất đồng của các lí thuyết khác nhau về Chu kì Kinh doanh. Tôi thấy dường như trong cùng nhóm giải thích tiền tệ thì sự khác biệt giữa các lí thuyết gia coi hiện tượng bề ngoài của sự thay đổi giá trị đồng tiền là nhân tố quyết định dao động chu kì và những người [như chính Hayek] nhấn mạnh những thay đổi thực sự trong cơ cấu sản xuất gây ra bởi các nguyên nhân tiền tệ còn lớn hơn nhiều so với sự khác biệt giữa nhóm sau [có Hayek] với các lí thuyết gia phi tiền tệ như giáo sư Spiethoff và giáo sư Cassel”. Nghĩa là, quan điểm của ông gần với các lí thuyết gia phi tiền tệ như Spiethoff và Cassel và qua đó, với Marx, hơn là với các lí thuyết gia tiền tệ cho rằng nguồn gốc lạm phát hay giảm phát là do chu kì kinh doanh.

Dòng tư tưởng giải thích quan niệm của Hayek về ảnh hưởng của tiền tệ đến hoạt động kinh tế gần với Marx hơn so với các lí thuyết gia tiền tệ khác. Trong tác phẩm Lí thuyết thuần tuý về tư bản (The Pure Theory of Capital), Hayek nhận xét về dòng tư tưởng của Marx, “trong tất cả những phiên bản khác nhau về chu kì [kinh doanh] thì điểm cốt lõi là cuối một giai đoạn bùng nổ, sự khan hiếm tư bản lưu thông và sự gia tăng theo đó của lãi suất dẫn đến hoặc là không thể hoàn tất các dự án đầu tư lớn tư bản cố định hoặc là không thể sử dụng hiệu quả nhà máy do đầu tư tạo ra. Điều này có lẽ sẽ dẫn chúng ta đi quá xa phạm vi thảo luận ở đây về những liên hệ mà các tác gia khác nhau vẫn cho là tồn tại giữa những hiện tượng này với sự tăng trưởng tín dụng. Và cũng không cho phép chúng ta chỉ ra ở đây ảnh hưởng quan trọng của những quan điểm trên đến lí thuyết về khủng hoảng xuất phát từ Marx, qua ông đến M. V. Tugan-Baranovsky và qua M. V. Tugan-Baranovsky đến các tác gia đương thời như G. Cassel, A. Spiethoff...”.

Trong giáo án bài thuyết trình đầu thập niên 1930, “Lí thuyết trường phái Marx về khủng hoảng” (The Marxian Theory of Crises), Hayek dành 20 trang ghi chép và một mục sách khảo cứu gồm các công trình của Marx, Hilferding và Spiethoff. Về Tugan-Baranovsky (người đã lấy Marx làm xuất phát điểm nghiên cứu), Hayek viết trong bài thuyết trình rằng công trình của Tugan-Baranovsky là nguồn ảnh hưởng lớn nhất của lí thuyết chu kì kinh doanh hiện đại.

Hayek nhận xét về lí thuyết chu kì kinh doanh của mình trong tác phẩm Các mức giá cả và sản xuất (Prices and Production), “ý tưởng cốt lõi của lí thuyết chu kì kinh doanh được trình bày trong bài thuyết trình trước là không hề mới mẻ. Những dao động ngành có bản chất là sự luân phiên mở rộng và co hẹp của cấu trúc hàng hoá tư bản từng thường xuyên được nhấn mạnh... Trong các trước tác ở Đức, những ý tưởng tương tự chủ yếu được giới thiệu qua các tác phẩm của Karl Marx. Công trình của M. V. Tugan-Baranovsky dựa trên tư tưởng của Marx và đến lượt nó tạo xuất phát điểm cho những công trình sau đó của giáo sư Spiethoff và giáo sư Cassel. Phạm vi phát triển của lí thuyết này qua các thuyết trình trên đây tương ứng với những thuyết trình của Spiethoff và Cassel, điều này không còn phải bàn cãi”.

Michael Perelman, nhà phân tích kinh tế học Mác xít, luôn cho rằng Marx đã nhận thấy “tín dụng là nhân tố trung tâm trong những xáo trộn lớn từng xảy ra... Marx đã tích hợp phần phân tích tín dụng vào các lí thuyết kinh tế của mình. Xuyên suốt phân tích trên là khái niệm tư bản ảo” – tư bản được tài trợ qua hệ thống tiền tệ mà không có tiết kiệm thực. Perelman đồng thời cũng nêu quan niệm của ông về lí thuyết của Marx, “tư bản ảo càng gây nhiễu tín hiệu giá cả, thông tin quan trọng về nền kinh tế càng biến mất. Các quyết định về sản xuất ngày càng trở nên ít liên hệ với cơ cấu bên trong nó. Áp lực dồn lên nền kinh tế, nhưng chúng không được nhìn thấy”.

Đây chủ yếu cũng là quan điểm của Hayek. Trong tác phẩm Các mức giá cả và sản xuất (Prices and Production), đề cập đến dòng tư tưởng bao gồm của Marx và Spiethoff, ông nhận xét, “đồng loạt vào đầu nửa thứ hai của thế kỉ trước, các lí thuyết trên khá thịnh hành và các nhà báo tài chính thời bấy giờ thường xuyên sử dụng một thuật ngữ như hàm ý chính luận điểm đang được sử dụng ở đây. Sự sáng tạo ra ‘tư bản ảo’ làm cho không một dự tưởng mới nào có thể tiếp tục hay hoàn thiện và do đó khiến chúng sụp đổ”.

Hayek và Marx cùng chung ý nghĩ về những tác động ban đầu của chủ nghĩa tư bản. Trong bản Tuyên ngôn Cộng sản (The Communist Manifesto), Marx và Engels viết, “giai cấp tư sản đã đóng một vai trò cánh mạng nhất trong lịch sử”. Lần đầu tiên giai cấp tư sản cho thấy hoạt động của con người đem lại những gì. Nó đã làm nên những kì quan vượt xa kim tự tháp Ai Cập, kênh nước La Mã hay những nhà thờ kiến trúc Gothic; tiến hành những cuộc thám hiểm làm lu mờ làn sóng di dân của các dân tộc và các cuộc thập tự chinh... Giai cấp tư sản đã du nhập chủ nghĩa thế giới trong sản xuất và tiêu dùng tới mọi đất nước. Giai cấp tư sản, thông qua cải tạo nhanh chóng tư liệu sản xuất, thông qua các phương tiện giao thông liên lạc đắc lực, đã đưa mọi quốc gia, thậm chí còn ở thời kì hoang sơ nhất, đến với văn minh”.15 Hayek hiếm khi có quan điểm khác ở đây.

Chỗ Marx và Hayek bất đồng – cũng là chỗ mà Marx mắc sai lầm – là về sự phát triển tiếp theo của chủ nghĩa tư bản. Khác xa với tập trung, tư bản đã phân tán; khác xa với mức sống của công nhân sa sút, chúng được nâng lên đến kinh ngạc; khác xa với điều kiện vật chất xung quanh thế giới xấu đi, chúng đã được cải thiện đến khó tin; khác xa với sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản, nó đang phồn thịnh hơn bao giờ hết và cho nhiều người hơn bao giờ hết.

Chủ nghĩa xã hội ở Châu Âu lục địa luôn mang trong mình yếu tố vọng tổ (atavistic) mạnh mẽ, như Marx từng chỉ ra trong Tuyên ngôn Cộng sản. Bên cạnh nhận định yếm thế của ông là chủ nghĩa tư bản đã đặt dấu chấm hết cho “mối quan hệ êm đẹp”, thì trong “các biện pháp cách mạng toàn bộ phương thức sản xuất” từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội “có thể áp dụng rộng rãi”, thì biện pháp thứ 9 là đáng được suy xét. “9. Kết hợp nông nghiệp với công nghiệp chế tạo; từng bước xoá bỏ sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, bằng sự phân bố dân cư điều hoà hơn trong toàn quốc”.

Ý tưởng về sự phân bố dân cư đồng đều hơn kết hợp với ý tưởng một nền nông nghiệp và công nghiệp tồn tại sát cánh bên nhau cho đến nay mới chỉ khả thi ở những xã hội tương đối sơ khai (3 triệu người đã chết ở Campuchia từ 1975-1979 trong nỗ lực nhằm phần nào thực thi biện pháp trên). Thêm vào đó, sự lên án gay gắt của Marx về “Tự do Thương mại” – “cái tự do riêng lẻ, xấu xa” – và về những đổi thay mà chủ nghĩa tư bản đã đem lại ít nhiều cho thấy nỗ lực quay ngược đồng hồ của tiến bộ nhân loại. Chủ nghĩa Marx nhìn lại quá khứ, cũng như, có lẽ, nhìn về tương lai thông qua việc hình thành ý niệm về những thiết chế xã hội lí tưởng.

Chủ nghĩa Marx trên nhiều phương diện cần được coi như một trào lưu bảo thủ, là một hệ phái của trào lưu Lãng mạn Châu Âu (European Romanticism) chứ không phải trào lưu Khai sáng Châu Âu (European Enlightenment). Trên thực tế, phê phán lớn nhất của Hayek đối với Marx không phải là ông quá cấp tiến mà là bảo thủ. Ông đặc biệt nhấn mạnh tính chất phản tiến bộ của ý tưởng xã hội chủ nghĩa cổ điển trong bản thảo cuốn Sự tự phụ chết người. Trong một tiểu luận về Adam Smith năm 1976, ông nhận xét, “nhu cầu về ‘công bằng xã hội’ đối với sự phân chia của cải vật chất cho con người và những nhóm người khác nhau dựa trên nhu cầu và năng lực của họ, tức nền tảng của toàn bộ chủ nghĩa xã hội, là một sự vọng tổ” – trở về với hình thái nguyên thuỷ. Hayek lập luận, ý tưởng cho rằng mọi tri thức có thể quy tụ trong một bộ óc, như trường hợp vị thủ lĩnh bộ tộc nguyên thuỷ, là sai lầm.

Trong bài về Adam Smith nói trên ông cũng viết, “nếu chúng ta cứ kiên trì với tư tưởng vọng tổ (atavism) và, thể theo bản năng bộ tộc truyền lại, nhất quyết đòi áp đặt lên xã hội vĩ đại những nguyên lí vốn đặt ra tiền đề tri thức của toàn bộ những tình huống cụ thể mà trong cái xã hội [nguyên thuỷ] ấy một vị thủ lĩnh có thể biết, thì chúng ta sẽ quay trở về xã hội bộ tộc”. Ông nhấn mạnh trong tác phẩm Sự tự phụ chết người, “Karl Marx vì thế đã đúng khi cho rằng ‘chủ nghĩa tư bản’ tạo ra giai cấp vô sản: nó đã và đang đem lại cuộc sống cho họ”. Hayek tin rằng Marx đã hiểu lầm những lực lượng kinh tế thực sự và nếu cứ theo mô tả của ông thì sẽ đưa hàng tỉ người vào chỗ tuyệt vong.

*

Hayek dành nhiều công sức cho tác phẩm Luật, luật pháp và tự do hơn bất kì công trình nào khác của ông, 16 năm kể từ khi thai nghén vào năm 1962 đến khi hoàn thành năm 1978, với phần lớn công việc được thực hiện trong giai đoạn 1962-1969. Mặc dù ông chưa hoàn toàn hài lòng với hình hài cuối cùng của công trình, thậm chí còn ta thán trong lời tựa và ở chỗ này chỗ khác rằng năm tháng đã làm giảm khả năng làm việc của mình một thời gian, thì nó vẫn là đóng góp sâu sắc hơn so với tác phẩm Hiến pháp tự do.

Trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do, ông nhấn mạnh là chính “mong muốn tiếp thêm sức mạnh cho chính phủ trung ương trong quan hệ với quốc gia khác đã dẫn đến tình trạng chính phủ trung ương được phó thác những nhiệm vụ mà có thể chính quyền địa phương hay khu vực thực thi hiệu quả hơn. Căn nguyên chủ yếu của tập quyền chính trị tiến bộ luôn là từ hiểm hoạ chiến tranh”.21 Đồng thời, ông cũng làm sáng tỏ sự khác nhau về quan điểm giữa ông và các nhà Darwin xã hội, “ ‘Chủ nghĩa Darwin xã hội’ chú trọng chọn lọc cá thể hơn là chọn lọc những thiết chế, tập tục và chọn lọc bẩm sinh hơn là những năng lực lan truyền trong môi trường văn hoá”.

Có ba nguồn gốc tiến hoá sinh học chủ yếu: đa dạng cá thể, áp lực chọn lọc môi trường và lan truyền gen ngẫu nhiên. Trong đó, hai nguồn gốc đầu tiên nhìn chung được nhấn mạnh phổ biến. Không có đa dạng cá thể, tiến hoá không thể diễn ra. Khi và chỉ khi tồn tại tính đa dạng, sự tiến hoá gen hay xã hội mới xảy ra. Nếu các cá thể trong một nhóm sinh học hay trong xã hội tĩnh tại và đồng nhất thì loài đó hay xã hội đó không thể phát triển hơn được nữa.

Bên cạnh sự đa dạng cần thiết cho tiến hoá sinh học và xã hội, còn có các nhân tố môi trường. Môi trường khác nhau qua thời gian sinh ra những đặc trưng khác nhau, nếu vẫn tồn tại tính đa dạng giữa các cá thể của một loài hay trong từng cộng đồng và giữa các cộng đồng với nhau. Cả hai đặc tính về điều kiện đa dạng cá thể và môi trường đều phát sinh từ chọn lọc sinh học và xã hội.

Không còn nghi ngờ gì nữa, phòng bị chiến tranh quốc gia là một trong những nhân tố môi trường xã hội lớn nhất tác động đến sự phát triển của các chính phủ suốt thế kỉ XX. Chiến tranh Thế giới I và II cũng như chiến tranh lạnh đã dẫn tới sự gia tăng quyền lực mạnh mẽ trong hoạt động của các chính phủ. Trong chiến tranh, nhiều đầu óc quốc gia chủ nghĩa hơn trở thành đặc trưng cho xã hội và những sắc thái hay thế giới quan đó, cũng như hoạt động thực tiễn của chính phủ thâm nhập vào mọi phương diện của trật tự xã hội hơn là chỉ thuần tuý quân sự.

Trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do, ngoài phân tích trên Hayek còn nhận xét, “giờ đây, khi ít nhất là ở Tây Âu và Bắc Mỹ chúng ta tin rằng khả năng chiến tranh giữa các quốc gia liên kết đã bị loại trừ và dựa vào một tổ chức đa quốc gia nào đó vì mục đích quốc phòng, chúng ta cần từng bước khám phá ra rằng có thể giảm tập trung chính trị và chấm dứt việc phó thác nhiều nhiệm vụ cho chính phủ quốc gia đơn giản chỉ để biến chính phủ đó hùng mạnh trước kẻ thù bên ngoài”.

Ông tin rằng ý tưởng về sự tiến hoá xuất hiện đầu tiên trong lĩnh vực xã hội, sau đó mới được vận dụng vào sinh học. Trong tác phẩm Sự tự phụ chết người ông viết, “Darwin đọc Adam Smith ngay khi ông đang thai nghén lí thuyết của mình”. Trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do, ông trích dẫn C.S. Pierce là trong Nguồn gốc các loài (The Origin of Species), “Darwin đơn giản chỉ mở rộng quan điểm kinh tế – chính trị về sự tiến bộ sang toàn bộ lĩnh vực đời sống sinh vật và thực vật” và chính ông cũng bày tỏ ở đây là “một lí thuyết gia xã hội thế kỉ XIX mà cần được Darwin giảng giải cho về ý tưởng tiến hoá thì thật đáng hổ thẹn”.

Tiến hoá xã hội là một chủ đề trung tâm của Hayek. Ý tưởng về tiến hoá xã hội có mối quan hệ hữu cơ với trật tự tự phát. Tiến hoá sinh học diễn ra mà không tồn tại một chủ thể chỉ huy nào và tiến hoá trong phạm vi một xã hội và giữa các xã hội với nhau cũng theo cách như vậy. Tuy nhiên, theo Hayek, trong tiến hoá xã hội, chọn lọc diễn ra chủ yếu qua những đặc trưng, thiết chế và tập quán lan truyền trong môi trường văn hoá chứ không phải qua chọn lọc chức năng (phisiological selection) của các cá thể. Hành vi của các cá thể hay các nhóm thành công được kế tục rộng rãi và qua thời gian những tập quán này sẽ chi phối. Trong tác phẩm Phi quốc gia hoá tiền tệ (Denationalisation of Money), ông nhận xét, “tiến hoá luôn được phôi thai từ những ý tưởng mới của một số tương đối ít cá thể... Những người có ý tưởng tốt hơn sẽ quyết định sự phát triển bởi họ sẽ được mô phỏng”.

Thị trường là một cơ chế tiến hoá. Những ai thành công hơn về kinh tế thì phát triển, những người không thành công như vậy thì không. Khi chức năng sàng lọc của thị trường bị phá vỡ, tức ngay khi quá trình sàng lọc của chọn lọc vật lí tự phát bị đứt đoạn, thì nền kinh tế ngừng phát triển.

Tiến hoá cũng diễn ra giữa các xã hội với tính cách những tổng thể với nhau. Trong các lí thuyết sau này của mình về tiến hoá xã hội, Hayek lấy chức năng và quá trình tiến hoá của thị trường cạnh tranh và vận dụng vào các cộng đồng tổng thể qua thời gian và phức hợp của chúng về các nguyên tắc, pháp luật, tập tục và luân lí. Những luật lệ và tập tục thành công hơn – và qua đó là những xã hội thành công hơn – sẽ thắng thế qua thời gian. Những xã hội thành công hơn cả là xã hội phát triển nhất về vật chất và công nghệ.

Phần lớn nhất trong luận điểm của Hayek về tự do là nó cho phép sự phát triển thành công diễn ra trong phạm vi một và giữa các xã hội với nhau. “Việc nhất thiết buộc phải tiếp thêm sức mạnh cho chính phủ trung ương vì sứ mệnh quốc phòng trước kẻ thù bên ngoài” đã kìm hãm sự tiến hoá rất đáng mong muốn thông qua chủ trương tập quyền hoá chính phủ.


*

Hayek là một triết gia không tưởng. Năm 1949, ông viết, “Chúng ta cần biến ngôi nhà của xã hội tự do thành một sự phiêu lưu trí tuệ, một hành động dũng cảm thêm lần nữa. Thứ mà chúng ta còn thiếu là một xã hội không tưởng tự do chủ nghĩa, cái cương lĩnh xem ra không phải chỉ để bảo vệ sự sắp đặt vốn có của sự vật hay là một kiểu chủ nghĩa xã hội trung dung mà là chủ nghĩa cấp tiến tự do thực sự. Bài học chủ yếu mà nhà tự do chủ nghĩa phải học tập từ sự thành công của nhà xã hội chủ nghĩa chính là dũng khí đi đến xã hội không tưởng của họ đã đem lại sự cổ vũ từ giới trí thức và qua đó tác động đến công luận, điều chỉ mới gần đây xem ra còn hoàn toàn xa vời thì nay đang ngày một trở nên khả dĩ”.

Xã hội không tưởng khả dĩ mà Hayek từng nhận thấy rất lâu trước các công trình Luật, luật pháp và tự do Sự tự phụ chết người cuối những năm 1970 đầu 1980 của ông là xã hội tự do cổ điển, khác biệt với tự do cá nhân, trong đó chính phủ sẽ đóng một vai trò nhỏ hơn nhiều so với hiện nay. Cạnh tranh, với mức độ càng nhiều càng tốt, sẽ là nguyên tắc chung theo đó xã hội được tổ chức trong hoạt động kinh tế của nó cũng như hoạt động cung cấp dịch vụ của chính phủ. Pháp luật, phong tục và luân lí sẽ tạo nên một nền tảng xã hội đề cao tư hữu, hợp đồng và trao đổi. Chi tiêu chính phủ, như một phần trong tổng sản phẩm quốc nội, sẽ giảm từ mức 30-60% phổ biến hiện nay ở phần lớn các nước kinh tế phát triển xuống mức 10-20% hay tương đương so với GDP – một chuẩn mực suốt thế kỉ XIX và những năm trước Chiến tranh Thế giới I của thế kỉ XX. Phúc lợi sẽ do cấp địa phương và (tại Mỹ) cấp bang cung cấp – một cách tự nguyện và nhân đạo – thay vì các chính phủ quốc gia.

Dù vẫn còn tồn tại – đặc biệt ở giai đoạn quá độ – những thứ như hưu trí bắt buộc, thất nghiệp và các chương trình bảo hiểm tàn tật, nhưng chúng sẽ bắt đầu định hướng thị trường nhiều hơn với nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng trong từng chương trình mà họ mong muốn tham gia. Cạnh tranh giữa các thực thể phi chính phủ nhằm cung cấp các dịch vụ này sẽ trở thành chuẩn mực – lấy ví dụ, có thể yêu cầu cá nhân phải có bảo hiểm thất nghiệp, nhưng loại bảo hiểm ấy có thể được cung cấp qua thị trường cạnh tranh bảo hiểm tư nhân thay vì chỉ thông qua một chương trình phổ thông của chính phủ. Việc kiểm soát ô nhiễm sẽ dựa trên cơ sở thị trường nhiều hơn. Học bổng sẽ được thực thi trong giáo dục. Tất cả trên đây là một quãng cách xa so với chủ nghĩa xã hội cổ điển, nhưng đồng thời cũng khác xa so với chủ nghĩa tự do cá nhân lí thuyết thuần tuý.

Hayek đưa ra quan niệm của mình về xã hội không tưởng khả thi, tối ưu cho nhân loại như ông nhìn nhận trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do – “sự biến đổi của các chính quyền địa phương, thậm chí khu vực, thành những tập đoàn mang dáng dấp thương mại cạnh tranh hoạt động phục vụ công dân. Chúng sẽ phải đưa ra tập hợp những lợi thế và chi phí làm cho cuộc sống trong phạm vi lãnh thổ của mình chí ít cũng hấp dẫn như bất cứ đâu… Việc giao lại công tác quản lí phần lớn hoạt động dịch vụ của chính phủ cho những tổ chức nhỏ hơn có thể sẽ đưa đến sự phục hưng của “tinh thần công xã” (communal spirit). Trong tác phẩm Hiến pháp tự do, ông nhận xét về “cạnh tranh giữa các thị thành” và trong một cuộc phỏng vấn ông phát biểu, “Tôi thiên về việc trao cho chính quyền địa phương quyền lực mà tôi khước từ chính phủ trung ương, vì người dân có thể tự mình bỏ phiếu để phản đối những gì mà chính quyền địa phương có thể làm”.

Chủ nghĩa tự do cổ điển mang trong mình yếu tố công xã sâu sắc. Hayek bác bỏ quan niệm theo đó việc chính phủ trung ương cung cấp các dịch vụ phúc lợi thì hoặc là hiệu quả nhất về mặt chi phí hoặc là tốt nhất về mặt luân lí. Thay vì thế, ở đây có một ưu thế lớn – tạo ra ý thức cộng đồng – trong việc cung cấp các dịch vụ phúc lợi ở bình diện địa phương thay vì trên bình diện quốc gia, một cách tự nguyện thay vì bắt buộc.

Hayek nhìn nhận xã hội không tưởng – vốn được ông coi là một chủ đề thích hợp trong nhiều công trình khác của mình – phần lớn không phải là vấn đề đạo đức mà là thực nghiệm. Nó không chỉ là, Điều gì sẽ được mong đợi? Mà là, Điều gì sẽ là khả thi? Hayek cho rằng “một bức tranh xã hội lí tưởng, hay quan niệm dẫn đường về cái trật tự xã hội chung mà con người hướng tới, không chỉ là điều kiện tiên quyết cần thiết của bất kì chính sách duy lí nào mà còn là đóng góp chủ yếu mà khoa học có thể dành cho việc giải quyết những vấn đề chính sách thực tiễn”. Xã hội không tưởng có giá trị đối với Hayek chủ yếu không chỉ vì nguồn cảm hứng mà còn vì lí do khái niệm hoá. Mục đích đầu tiên của ông là làm cho trí tuệ toả sáng, chứ không phải hâm nóng bầu nhiệt huyết. Xã hội không tưởng là một lí thuyết thực tế, không đơn thuần là một lí tưởng đạo đức.

Trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do, ông trình bày rõ ràng nhất quan niệm của mình về xã hội không tưởng. Ông viết, “sẽ không thể phủ nhận được rằng ở một mức độ nhất định mô hình chỉ đường cho cái trật tự chung luôn là một xã hội không tưởng, cái thực thể trong tương quan với thực trạng hiện thời chỉ là một phiên bản xa và nhiều người sẽ coi là hoàn toàn phi thực tế. Tuy nhiên, chỉ thông qua việc thường xuyên đề cao quan niệm dẫn đường về một mô hình nhất quán nội tại – bằng cách cùng vận dụng những nguyên lí như nhau – người ta mới có thể đạt được bất kì thứ gì đó giống như một nền tảng hữu hiệu cho trật tự tự phát vận hành”. Điều mà Hayek nhận thấy như đòi hỏi cấp thiết trong cuộc bàn luận về kinh tế và chính trị đương thời là “sự dũng cảm xem xét xã hội không tưởng”. Các xã hội không tưởng sẽ định hướng cho trật tự chính phủ và trật tự xã hội khác thông qua việc thiết kế, mô hình hoá thế giới khả dĩ trong tương lai.


Chương 30
Chính phủ và luân lí

Mặc dù bị Hayek chế giễu nhưng nhà lí thuyết pháp lí Hans Kelsen lại chính là người từng khẳng định một điểm mấu chốt: pháp luật về cơ bản mang tính luân lí. Đó là việc cộng đồng nên hành xử theo cách thể hiện tính đạo đức. Trong tác phẩm Lí thuyết thuần tuý về pháp luật (The Pure Theory of Law) (1934), Kelsen viết, “thông qua ‘chuẩn mực’ [pháp lí] chúng ta muốn nói rằng điều gì đó phải là hay phải xảy ra như thế, đặc biệt liên quan đến việc một người phải xử sự theo một cách cụ thể nào đấy”.1 Pháp luật thuộc về tương lai. Vì thế, nó tất yếu thể hiện tính luân lí, quy định một lối sống nhất định.

Pháp luật là một cơ cấu cưỡng bức của xã hội, nơi diễn ra đời sống chung, đặc biệt là hoạt động kinh tế. Theo quan niệm của Hayek, pháp luật chủ yếu là một trật tự trừu tượng – có thể nói là một khuôn khổ siêu hình – xác định nên xã hội. Hơn thế, chỉ thông qua việc thiết lập những điều kiện trong đó diễn ra hoạt động của con người, chứ không phải xác định kết quả đặc thù từ hoạt động của con người cũng như quản lí những hành động cụ thể, thì quá trình tiến hoá xã hội và phát triển vật chất từng bước mới có thể diễn ra.

Trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do, Hayek nhận xét, “nếu muốn những hành động riêng rẽ của các cá nhân dẫn đến một trật tự chung thì điều cần thiết là: xét những khía cạnh mà thành công trong hoạt động cá nhân của người này phụ thuộc vào hoạt động tương ứng nào đó của những người khác, chí ít phải tồn tại một cơ hội tốt để cho sự tương ứng ấy sẽ diễn ra… [Những gì] mà các nguyên tắc có thể đạt được ở khía cạnh này là tạo điều kiện dễ dàng hơn để cho mọi người hợp nhất lại và hình thành nên sự tương ứng đó”.

Mục đích của các nguyên tắc nhiều khi chỉ vì tính thiết thực. Chúng cho phép sự tương tác của con người có hiệu quả hơn. Chúng đem đến một khuôn khổ xã hội duy lí. Nguyên tắc khác nhau thì có kết quả khác nhau. “Vấn đề của chúng ta là những loại quy tắc ứng xử nào sẽ tạo ra một trật tự xã hội và loại trật tự nào mà những quy tắc cụ thể sẽ tạo ra”.

Đối với Hayek, “pháp luật” không hàm chứa nhiều hoạt động của chính phủ. Trong suy nghĩ của ông có sự khác nhau giữa pháp luật khung xác định nên xã hội và các biện pháp hàng ngày nhiều hơn thế nhằm thực hiện những chức năng phúc lợi công cộng. Quan tâm cốt yếu của ông liên quan đến những biện pháp này là chính phủ nên có quy mô nhỏ thay vì lớn, thực thi ở cấp địa phương hay cấp bang (thay vì cấp quốc gia), hoạt động dịch vụ của chính phủ nên được tổ chức có tính chất cạnh tranh và các dịch vụ phúc lợi công cộng được tư nhân cung cấp càng nhiều càng tốt.

Khái niệm trật tự tự phát là một trong những đóng góp vĩ đại nhất của Hayek. Mặc dù cả cụm từ lẫn ý tưởng đều không phải do ông sáng tạo ra, nhưng có lẽ hơn ai hết chính ông là người đã truyền sức sống cho ý tưởng theo đó tiến bộ vật chất có thể diễn ra và tổ chức xã hội có thể phát triển, cho dù không có một chủ thể chỉ huy nào quyết định các chi tiết của một trật tự xã hội cụ thể. Trong tác phẩm Hiến pháp tự do, thông qua sự mô tả về pha lê trong phần “Trật tự không có chỉ huy” (Order without Commands), Hayek có lẽ đã đưa ra hình tượng tương tự tốt nhất về ý tưởng “trật tự tự phát” khi ông viết, mặc dù “những người quen thuộc hơn với cái cách mà con người sắp xếp các vật thể thường nhận thấy khó nắm bắt được quá trình hình thành các trật tự tự phát, thì cố nhiên vẫn còn nhiều trường hợp mà ở đó chúng ta phải dựa vào những điều chỉnh tự phát các yếu tố cá thể để tạo ra [ngay cả] một trật tự vật lí. Chúng ta không bao giờ có thể sản xuất được pha lê nếu phải đặt từng phân tử hay nguyên tử cá thể vào vị trí thích hợp trong tương quan với số khác. Chúng ta phải dựa vào thực tế là trong những điều kiện nhất định chúng sẽ tự sắp xếp theo một cấu trúc có những đặc tính nhất định. Tương tự, chúng ta có thể tạo ra những điều kiện cho quá trình hình thành một trật tự trong xã hội. Nhiệm vụ của nhà làm luật là tạo ra những điều kiện mà ở đó sự sắp xếp có thể diễn ra và luôn tự đổi mới”.

Trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do, ông phát triển thêm ý tưởng về sự hình thành tự phát của trật tự loài người. Ở tập thứ nhất mang tính quyết định, ông lập luận, khi “Montesquieu và những người dựng lên bản Hiến pháp Mỹ chắp nối khái niệm hiến pháp hạn quyền (limiting constitution) từng phát triển ở Anh, họ đã đặt ra một mô hình mà chủ nghĩa hiến định tự do (liberal constitutionalism) tuân theo kể từ đấy”. Nếu muốn tự do là đặc trưng của xã hội thì vấn đề cốt lõi là cần định nghĩa cũng như giới hạn vai trò của chính phủ – cá nhân cần biết những gì mình có thể làm và không thể làm. Điều này còn bao hàm cả các quy định về tài sản. Việc chính phủ không nên kiểm soát phần lớn quá trình ra quyết định kinh tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cho dù chính phủ đóng vai trò to lớn nhất trong việc tạo ra cái trật tự xã hội lớn hơn, nơi diễn ra các hoạt động kinh tế. Xuất phát từ lí do tự do cũng như năng suất kinh tế mà vai trò của chính phủ cần được phân định và hạn chế.

Hayek chưa bao giờ là một nhà bảo thủ, kể cả khi về già. Ông luôn ủng hộ sự thay đổi, về cơ bản diễn ra trong từng xã hội và giữa các xã hội với nhau. Ông chống lại cánh tả, nhưng điều này không hàm ý ông nhất thiết phải đứng về phía cánh hữu. Việc ông quyết định nhằm sự công kích cuối cùng vào cánh hữu vào các nhà bảo thủ trong tác phẩm Hiến pháp tự do – mà khi viết ông dự định đây sẽ là tuyệt tác của mình – là có ý nghĩa. Có thể thấy nguồn gốc thuyết kiến dựng (constructivist) của Hayek khi ông nhắc đến việc chính sự thách thức của “triết học duy lí” (rationalist philosophy) đã dẫn ông đến với những quan điểm của mình. Ông là một người chống lại chủ nghĩa xã hội cấp tiến (radical anti-socialist). Suốt sự nghiệp của mình, ông nói rằng ông luôn giữ lại nhiều giá trị của các nhà xã hội chủ nghĩa và nếu các quan niệm xã hội chủ nghĩa về diễn tiến thế giới là đúng thì người ta nên áp dụng nhiều thông lệ xã hội chủ nghĩa. Chỗ mà ông chủ yếu khác biệt với các nhà xã hội chủ nghĩa không phải là về giá trị, mà là quan điểm của ông về thực tế. Nếu các nhà xã hội chủ nghĩa có thể thuyết phục được ông rằng cách hiểu về thực tế của họ là chính xác, thì hẳn ông sẽ lại trở thành một nhà xã hội chủ nghĩa.

Ông đặt tên cho những mô hình và kết quả xã hội khác nhau xuất hiện từ quá trình phát triển theo ý đồ và phát triển có tính tiến hoá lần lượt là các “tổ chức” (organisations) và các “trật tự” (orders). Các “tổ chức” được hoạch định còn các “trật tự” thì phát triển tự phát. Theo ông, vì xã hội bắt đầu tiến bộ hơn về công nghệ, nên nó gặp nhiều – chứ không phải ít – khó khăn hơn khi bắt tay vào kế hoạch hoá tập trung. Sự phân công lao động và quan trọng hơn, sự phân hữu tri thức là mạnh mẽ hơn, qua đó làm giảm năng lực của một trí tuệ trong việc quản lí toàn bộ xã hội. Trong một bài báo năm 1940 về bài toán xã hội chủ nghĩa, đề cập đến tác phẩm có tính khai nguồn “Kinh tế học và tri thức” năm 1937 của mình, ông viết rằng “ưu điểm chính của cạnh tranh thực sự là ở chỗ thông qua cạnh tranh mà tri thức phân tán trong nhiều người được sử dụng và nếu sử dụng trong nền kinh tế chỉ huy tập trung, thì tri thức ấy sẽ nhập vào một kế hoạch duy nhất. Việc giả định toàn bộ tri thức ấy sẽ tự động nằm trong tay giới chức kế hoạch hoá đối với tôi dường như là đã hiểu sai vấn đề”. Cuối sự nghiệp của mình, ông lập luận, “toàn bộ bài toán kinh tế là bài toán về khai thác tri thức bị phân tán rộng rãi mà không ai sở hữu dưới hình thái toàn vẹn”; “cơ chế kinh tế là quá trình thích ứng với tri thức bị phân tán rộng rãi”; và “xã hội của chúng ta được xây dựng trên thực tế là chúng ta phục vụ những người mà mình không biết”. Ưu thế của thị trường cạnh tranh với đặc trưng là tự do trao đổi, tư hữu, giá cả, lợi nhuận và hợp đồng, thể hiện nhiều ở chỗ nó thích ứng với tri thức cá nhân không hoàn chỉnh và hoàn hảo. Cạnh tranh là một quá trình khám phá.

Hayek nhấn mạnh khái niệm “Xã hội rộng lớn” hay “Xã hội mở”. Qua những tên gọi này, ông muốn nói tới xã hội mà ở đó những hành động tự phát và được phối hợp mà không do cưỡng bức sẽ – thông qua pháp luật, tập quán và luân lí phù hợp – dẫn đến quá trình phát triển liên tục hướng tới nền sản xuất vật chất to lớn hơn. Ông nhận xét, sự phân công lao động là một bước phát triển lịch sử của Xã hội rộng lớn hay Xã hội mở. Dù thế, trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do – và đóng góp chủ yếu của ông là ở đây – ông viết rằng chắc chắn người ta đã không nhấn mạnh đến “sự phân tán của tri thức, dựa trên thực tế là mỗi thành viên xã hội chỉ có thể có được một phần nhỏ tri thức mà tất cả mọi người sở hữu và vì thế mỗi người đều thiếu hiểu biết về những dữ kiện mà sự vận hành của xã hội dựa vào”. Cho đến lúc này, một trật tự mà sự tồn tại của nó phụ thuộc vào những người có tri thức toàn diện đóng vai trò chỉ huy vẫn chưa có tính thực tiễn. Trật tự là một thuật ngữ mô tả đồng thời là một lí tưởng đạo đức.

Điểm cốt lõi trong tiên đề của ông, theo đó các xã hội không thể, cũng như không nên, giả thiết về sự tồn tại của trí thông minh toàn năng trong bất kì một hay một số người nhất định, là ở chỗ điều này sẽ khiến cho cách tiếp cận có tính hoạch định xã hội – nỗ lực quản lí toàn bộ chi tiết của đời sống kinh tế – sẽ bị phá sản đi nhiều, qua đó dọn đường cho việc tái khái niệm hoá xã hội tối ưu theo mô hình của Hayek. Không phải chủ nghĩa xã hội là không thể đạt được về mặt luân lí mà chủ yếu là nó không khả thi về mặt trí tuệ. Theo Hayek, “Chỉ trong loại hình tổ chức đơn giản nhất mới có thể hình dung được rằng toàn bộ chi tiết các hoạt động là do một trí tuệ duy nhất kiểm soát”; “cuộc đấu tranh giữa những người chủ trương xã hội tự do và những người chủ trương hệ thống xã hội chủ nghĩa không phải là sự xung đột về đạo đức mà là về trí tuệ”.11

Ông ủng hộ vai trò nổi bật của tập quán và truyền thống, trái với Mill, người từng lập luận trong tác phẩm Bàn về tự do là “các phương tiện bạo hành của xã hội không bị giới hạn trong phạm vi những hành động mà nó có thể thực hiện thông qua bàn tay các quan chức chính trị của nó. Xã hội có thể và thực sự thực thi sứ mệnh của bản thân nó; và khi nó ban hành những mệnh lệnh sai thay vì đúng, hay ban hành bất kì mệnh lệnh nào về những việc mà nó không nên nhúng tay vào, thì nó đã thực hành một chế độ xã hội bạo hành đáng sợ hơn so với nhiều kiểu đàn áp chính trị, bởi lẽ, cho dù không thường xuyên duy trì bằng những hình phạt cực đoan thì lối thoát mà nó chừa ra vẫn ít hơn. Do vậy, sự bảo vệ trước chuyên quyền của quan toà là vẫn chưa đủ, mà còn cần sự bảo vệ trước hành vi bạo hành xuất phát từ quan điểm và tình cảm đang thịnh hành”.12 Trái lại, Hayek tin tưởng, “thực tế theo đó hành vi trong phạm vi riêng tư không phải là đối tượng thích đáng cho hành động cưỡng bức của nhà nước không nhất thiết hàm ý trong xã hội tự do những hành vi như vậy cũng cần được loại trừ khỏi áp lực của công luận hay sự phản đối. Mill hướng sự công kích nặng nề nhất của mình vào sự ‘cưỡng bức luân lí’ như thế. Có lẽ ông đã cường điệu luận điểm về tự do ở đây”.

Trong bài nghiên cứu về cuộc li hôn của Hayek, Stephen Kresge kéo sự chú ý đến việc Hayek nhấn mạnh vai trò của tập tục và luân lí. Kresge trích dẫn đoạn sau từ tác phẩm Hiến pháp tự do: “Trên thực tế, tự do chưa bao giờ hiện hữu nếu không có những niềm tin sâu sắc vào luân lí và sự cưỡng bức chỉ có thể giảm thiểu ở nơi mà các cá nhân có thể được trông đợi – như một quy luật – tự nguyện tuân theo những nguyên tắc nhất định. Sự tuân thủ những nguyên tắc phi cưỡng bức là một thuận lợi bởi lẽ điều thường đáng mong muốn là nguyên tắc chỉ cần được tuân thủ trong phần lớn trường hợp và cá nhân cần có khả năng vi phạm nguyên tắc khi mà dường như đối với anh ta, việc hứng chịu sự căm ghét mà điều đó mang lại là đáng giá. Trong lĩnh vực luân lí, chính tính chất linh hoạt của những nguyên tắc tự nguyện này đã khiến cho quá trình tiến hoá từng bước và phát triển tự phát trở nên khả thi, cho phép có kinh nghiệm để dẫn đến những cải biến và hoàn thiện”.

Hayek cũng lập luận, “các nguyên tắc và quy ước luân lí vốn có ít sức mạnh ràng buộc hơn so với pháp luật lại đóng vai trò quan trọng và thậm chí không thể thiếu… và có lẽ góp phần vào sự vận hành của xã hội không kém những nguyên tắc chặt chẽ của pháp luật”. Ngoài những vai trò khác, tập tục và luân lí còn “đảm bảo một mức độ đồng đều tối thiểu nhất định về hành vi”.

Tập tục và luân lí, cùng với pháp luật, là những trụ cột của xã hội. Sự khác biệt giữa luân lí và pháp luật của chính phủ là ở chỗ, pháp luật chịu sự thi hành cưỡng bức, còn luân lí chỉ là những niềm tin phổ biến mà một cá nhân có thể vi phạm, dù có nguy cơ đánh mất sự giao hữu với những người khác. Chủ nghĩa tự do cá nhân không phải là tình trạng vô chính phủ về pháp luật cũng như về luân lí.


*

Richard Cockett nhận xét, “cha đẻ của Hội Mont Pelerin gồm phần lớn những nhà kinh tế học tự do lỗi lạc nhất, nhiều người trong số họ về sau đã có ảnh hưởng đáng kể đến đất nước của mình, đặc biệt ở Đức, Mỹ, Pháp và Anh”. Các thành viên Mont Pelerin xuất chúng có ảnh hưởng đến chính sách kinh tế của nước Đức thời hậu chiến gồm những người theo trường phái kinh tế học Freiburg, họ đã tạo cơ sở lí thuyết cho bước chuyển rất thành công của Tây Đức sang nền kinh tế thị trường. Trong số thành viên Mont Pelerin buổi đầu gắn bó với trường phái kinh tế học Freiburg có Walter Eucken và Wilhelm Ropke. Thành viên Mont Pelerin quan trọng nhất khác của Tây Đức là Ludwig Erhard, bộ trưởng kinh tế Tây Đức từ năm 1949 đến 1963 và sau đó là thủ tướng liên bang cho đến năm 1966. Các cố vấn của ông gồm có Ropke và Eucken và ông là quan chức chính phủ chủ chốt sau chiến tranh đã có công đưa Tây Đức quá độ sang nền kinh tế thị trường.

Peter Klein, người biên tập Hayek toàn tập, nhận xét về thành tích của Erhard trên cơ sở đặc điểm thịnh hành thời đó, “bầu không khí trí tuệ bấy giờ bị cuốn hút bởi phản ứng của giới kinh tế học trước quyết định của bộ trưởng Ludwig Erhard nhằm thả lỏng giá cả và tiền lương trên đất nước Tây Đức non trẻ… Hayek còn nhớ câu chuyện của chính Erhard, ‘Ông hân hoan kể với tôi về cái nghị định nổi tiếng, thả nổi toàn bộ giá cả kèm theo việc đưa vào lưu hành đồng mark Đức mới, sẽ được công bố như thế nào vào ngày Chủ nhật ấy. Viên tư lệnh tối cao của quân đội Mỹ gọi điện cho ông và nói qua điện thoại, “Thưa giáo sư Erhard, các cố vấn của tôi nói với tôi rằng ngài đang phạm một sai lầm to lớn”, Erhard khi đó trả lời, “Đấy cũng là điều mà các cố vấn của tôi nói với tôi”‘.”

Lord Dahrendorf viết, Erhard là “một người từng có được khoảnh khắc của mình trong lịch sử và ông đã nắm lấy nó. Với tư cách người đứng đầu Cục Kinh tế trong chính quyền tiền thân của Cộng hoà Liên bang Đức, ông là tác giả của quyết định kết hợp cuộc cải cách tiền tệ năm 1948 với việc bãi bỏ phân phối hạn mức và những quy định hạn chế về sản xuất, phân phối và chuyển dịch tư bản. Nhiều người cho rằng ‘kì tích kinh tế’ Đức phần nhiều nhờ vào những quyết định này”. Khi được phỏng vấn về những “dẫn chứng” cho các quốc gia có khả năng “tái lập thể chế pháp trị” sau khi đã “ve vãn chủ nghĩa xã hội hay nhà nước phúc lợi”, Hayek trả lời: “Ồ, rất rõ ràng là nước Đức sau Chiến tranh Thế giới II, dù trong trường hợp này đó là thành tựu gần như chỉ của một người… Ludwig Erhard”. Ông cũng nói, Erhard “hẳn không bao giờ có thể đạt được những gì mà ông đã làm nếu phải chịu những ràng buộc quan liêu hay dân chủ. Một khoảnh khắc may mắn khi một con người thích hợp ở vào địa vị thích hợp được tự do làm những gì mà anh ta coi là đúng, cho dù anh ta có thể chưa bao giờ từng thuyết phục được bất kì ai khác rằng điều đó là đúng”.

Walter Eucken là thủ lĩnh lí thuyết của trường phái Freiburg. Trong thế giới nói tiếng Đức, ông thường được xem là nhà kinh tế học người Đức hàng đầu thế giới ở thế kỉ XX. Có lẽ bởi trong thế giới nói tiếng Đức, kinh tế học vẫn được dạy với danh nghĩa một phần thuộc khoa luật của các trường đại học, nên ở đây có sự nhấn mạnh hơn đến mối quan hệ giữa kinh tế học và luật học, điều này thể hiện trong các công trình của Hayek. Tương tự như Hayek, Eucken cũng nêu bật sự khác biệt giữa trật tự kinh tế – khuôn khổ mà ở đó các quyết định kinh tế được đưa ra – và quá trình kinh tế, vốn là bản thân các hoạt động kinh tế. Năm 1983, Hayek nhận xét rằng Eucken “có lẽ là nhà tư tưởng quan trọng nhất trong lĩnh vực triết học xã hội mà nước Đức từng sản sinh ra suốt một trăm năm qua”. Ông lưu ý “vai trò” của Eucken “vào đúng thời điểm khởi đầu của một trào lưu quốc tế nhằm giúp mọi người hiểu được những điều kiện tiên quyết của tự do. Bởi có một vấn đề thực sự là nhiều người vẫn ảo tưởng rằng tự do có thể được áp đặt từ trên xuống, thay vì thông qua việc tạo lập những điều kiện tiên quyết mà với chúng con người được trao cho khả năng quyết định số phận của chính mình”.

Trong bài diễn văn ra mắt tại Freiburg năm 1962, Hayek phát biểu là các cử toạ biết “nhiều hơn tôi về những thành tựu của Eucken ở Đức. Vì thế tôi không cần phải giải thích thêm ý nghĩa nếu hôm nay tôi phát biểu ở đây rằng tôi sẽ coi một trong những nhiệm vụ chính của mình là tiếp tục và duy trì truyền thống mà Eucken cùng bạn bè ông đã tạo nên tại Đại học Freiburg và ở Đức. Đấy là truyền thống về tính nhất quán khoa học vĩ đại nhất và đồng thời là niềm tin chính trực vào những chủ đề lớn lao của đời sống công chúng”. Hayek cũng nhận xét ở đây là ông có “sự đồng thuận gần gũi nhất về các vấn đề khoa học cũng như chính trị với Walter Eucken, con người không thể nào quên”. Lần khác ông nói, Eucken là “một người bạn giá trị đối với tôi. Cuối thập niên 1930, trước khi chiến tranh nổ ra, khi tôi lần đầu tiên tậu được một chiếc ô tô và vẫn đi từ London về Áo bằng ô tô, tôi thường dừng chân ở Freiburg chỉ để thăm Eucken và giữ mối giao hảo với ông”.

Hayek nhận xét về Wilhelm Ropke trong quãng thời gian vui vẻ hơn so với những bất đồng cay đắng của họ tại Hội Mont Pelerin là nếu “sự tồn tại của một trào lưu tự do mới [ở Đức] được biết đến vượt xa ra ngoài phạm vi hạn hẹp của giới chuyên gia thì công lao chủ yếu thuộc về Ropke”. Trọng tâm của Ropke là kinh tế học ứng dụng, trái với lí thuyết thuần tuý và tác phẩm Nền kinh tế nhân đạo: Khuôn khổ xã hội của thị trường tự do (A Humane Economy: The Social Framework of the Free Market, 1958) là một công trình đặc biệt nổi tiếng. Không lâu ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Henry Hazzlitt đã xếp Ropke cùng với Mises và Hayek là “một trong ba thủ lĩnh có ảnh hưởng nhất của trào lưu tự do mới thoát ra khỏi sự chi phối của nhà nước và hướng tới sự phục hồi tự do cá nhân”.25 Erhard nói, “Những đóng góp của tôi nhằm đạt tới một xã hội tự do thật khó mà đủ để diễn tả lòng biết ơn đối với ông [Ropke], người đã có ảnh hưởng rất lớn đến lập trường và cách xử thế của tôi”. Mặc dù rốt cục Hayek và Ropke đã nảy ra bất đồng trong Hội Mont Pelerin, Hayek vẫn nói về quá trình phát triển thời kì đầu của hội là ông “từng nhận được sự hỗ trợ rất lớn trong công tác tổ chức, nhất là từ Ropke”.

Việc Hayek xem xét về “nền kinh tế thị trường xã hội” của Tây Đức đã làm sáng tỏ quan niệm của ông về trật tự xã hội tối ưu, hay chí ít là thoả đáng. Hayek thuật lại câu chuyện về Erhard, “chúng tôi chỉ còn lại hai người trong chốc lát và ông quay sang tôi rồi lên tiếng, ‘Tôi hi vọng ngài sẽ không hiểu sai khi tôi nói về nền kinh tế thị trường xã hội (Sozialen Marktwirtschaft). Qua đó tôi muốn nói rằng nền kinh tế thị trường xã hội theo đúng nghĩa là có tính xã hội, chứ không phải cần làm cho nó có tính xã hội”. Trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do, Hayek bình luận về thuật ngữ “nền kinh tế thị trường xã hội”: “Tôi lấy làm tiếc về cách dùng này dù rằng nhờ nó mà một số bạn bè của tôi ở Đức (và gần đây hơn, ở Anh) rõ ràng là đã thành công trong việc khiến cho hình thức trật tự xã hội mà tôi đang kêu gọi bắt đầu có thể chấp nhận được ở những tầng lớp rộng lớn hơn”.

Năm 1976, Hayek trả lời bức thư ca ngợi các chính sách ở Tây Đức mà đối thủ cũ của ông tại LSE là Nicholas Kaldor đã gửi cho tạp chí Times ở London: “Đối với Lord Kaldor, việc một đất nước suốt 27 năm ròng chưa hề biến đến quốc hữu hoá, kiểm soát giá cả, kiểm soát tỉ giá và đảng ‘dân chủ xã hội’ cầm quyền của nó từng công khai cam kết vì một nền kinh tế thị trường mà lại được mô tả là ‘tiến bộ xa bất kể so với Pháp, Anh hay Italia về các “chính sách xã hội chủ nghĩa”’, đã chỉ ra sự hiểu biết kém cỏi về các chính sách mà chính ông ta vẫn đang khuyến khích, một điều hơi đáng ngạc nhiên”. Cùng năm đó, ông viết trong lời tựa tác phẩm Con đường tới nô lệ, “Ngày nay Thuỵ Điển có cơ cấu thể hiện ít tính chất xã hội chủ nghĩa hơn rất nhiều so với Anh” vì mặc dù là một nhà nước phúc lợi lớn hơn Anh, nhưng Thuỵ Điển lại sở hữu ít ngành quốc hữu hoá hơn.

Những năm tháng mà Hayek ngợi ca Tây Đức, tỉ trọng tổng sản phẩm quốc nội của chính phủ nằm trong khoảng từ 40 đến 50%. Hayek tin tưởng việc chính phủ làm gì và làm như thế nào có ý nghĩa quan trọng hơn so với tỉ lệ tổng sản phẩm quốc nội mà nó đánh thuế và chi tiêu”.

Ở Pháp, Jacques Rueff, thành viên Hội Mont Pelerin, là cố vấn chính phủ nổi bật của Tướng Charles de Gaulle về chính sách thị trường tự do. Reinhard Kamitz, một thành viên khác của hội, cũng đóng vai trò tương tự ở Áo sau chiến tranh. Luigi Einaudi, cựu tổng thống Italia, nguyên là thành viên sáng lập của Hội Mont Pelerin.



[1]Xã hội mở là khái niệm đầu tiên do triết gia Henry Bergson (1859-1941) người Pháp, đoạt Giải Nobel Văn học năm 1927, đề ra. Trong một xã hội như thế, chính phủ tiến hoá không ngừng và thể chế chính trị của nó chịu sự phê phán và thay đổi. Chính phủ hoạt động công khai, minh bạch trước mắt công chúng; đây là một xã hội phi độc đoán trong đó tất cả mọi người đều được biết hết thông tin. Nền tảng của xã hội mở là quyền tự do đi lại và quyền con người. (ND)
[2]Trong triết học, thuyết kiến dựng (constructivism) là quan điểm cho rằng thực tại, hay chí ít hiểu biết của chúng ta về nó, là một cấu trúc chủ quan chứa đầy giá trị (value-laden subjective construction) thay vì là quá trình thu nhận các đặc điểm chủ quan một cách thụ động. Thuyết kiến dựng coi toàn bộ tri thức của chúng ta như được “kiến dựng” (constructed), không phản ảnh bất kì một thực tại “siêu nghiệm” bên ngoài nào, nhưng lại tuỳ thuộc vào quy ước (convention), nhận thức của con người và kinh nghiệm xã hội. (ND)
[3]Sau đổi tên thành World Wide Fund for Nature. (ND)
[4]Còn gọi là National Audobon Society, một tổ chức bảo tồn tư nhân nhằm thúc đẩy nhận thức của xã hội về sự cần thiết phải bảo tồn đất đai, nước, thực vật, và đời sống hoang dã. (ND)
Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich von Hayek - cuá»™c đời và sá»± nghiệp, Lê Anh Hùng dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính và giá»›i thiệu, Nxb. Tri thức 6.2007. Sách dày 715 trang, khổ 14,5x20,5. Các chÆ°Æ¡ng trích đăng thuá»™c Phần thứ Năm, chÆ°Æ¡ng 28-30, tr. 439-462. Đăng vá»›i sá»± đồng ý của dịch giả.