trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Sân khấu
  1 - 20 / 24 bài
  1 - 20 / 24 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtSân khấu
25.10.2007
Vũ Ngọc Liễn
Muốn tồn tại, hát bội Bình Định phải làm gì?
 
I. Thực trạng của hát bội Bình Định

Ở Bình Định hiện nay ngoài Nhà hát Đào Tấn ra còn có 12 đơn vị nghệ thuật có lúc gọi là đoàn, có lúc gọi là câu lạc bộ, hoạt động khắp nơi trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Nhà hát Đào Tấn được mệnh danh là lực lượng hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp cậy vào nguồn kinh phí của ngân sách tỉnh nhà cấp hằng năm và nguồn thu ít ỏi từ hoạt động biểu diễn.

12 đơn vị được mệnh danh là hoạt động không chuyên kỳ thực rất chuyên, nằm rải rác ở các huyện thị như: Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát, Vĩnh Thạnh. Nguồn kinh phí của họ cậy vào thu nhập từ tài năng biểu diễn nghệ thuật của mình, tức bằng cách mà ngày nay người ta gọi là “xã hội hoá”, thực ra họ đã xã hội hoá từ bao đời nay. Phương thức hoạt động nghệ thuật của họ rất gọn nhẹ, dễ di chuyển, ít tốn kém, đáp ứng được mọi yêu cầu của khách hàng. Phạm vi hoạt động khá rộng, không chỉ trong tỉnh Bình Định mà còn vươn xa đến tận tỉnh Bình Thuận, đến tận đảo Lý Sơn, nhận hợp đồng biểu diễn ở Phú Yên, Khánh Hoà là chuyện cơm bữa. Đương nhiên vào mùa mưa gió thì họ chuyển sang làm nông nghiệp hoặc nghề khác. Đoàn nào cũng có bầu, bầu nào cũng có lãi nên mới có sức gắn kết vào nhau mà nương tựa hành nghề. Các ông bầu đều là người giao du lịch thiệp, nắm bắt thông tin yêu cầu biểu diễn khá chặt chẽ. Tiền thu nhập của mỗi nghệ sĩ không chỉ đủ nuôi thân mà còn có thể bổ sung vốn cho các nghề phụ. Thực ra thời gian nghỉ thì ít, thời gian hoạt động nghệ thuật thì nhiều, vậy mà gọi họ là “không chuyên” e không phải lẽ.

Có điều là họ diễn đi diễn lại hầu hết các vở tuồng diễn dịch từ truyện tích xưa, cũ, mặc nhiên họ là lực lượng nghệ thuật chuyên việc truyền bá những kiến thức lịch sử, truyền bá truyện dân gian, truyền bá những kinh nghiệm cuộc sống, đã vậy diễn càng nhiều càng dốc sức tinh luyện, sáng tạo, tạo nên chất lượng mới, khách lại càng thích xem, không chán. Có thể coi đây là bí quyết, là yếu tố mấu chốt về sự tồn tại của họ. Điều kiện sống và hoạt động nghệ thuật như vậy nếu muốn xây dựng một vở mới để bổ sung dàn tiết mục cho đoàn như các nhà hát chuyên nghiệp làm hằng năm thì rất khó, bởi không có ông bầu nào chịu xuất chi, cũng không có thời gian và phương tiện để làm việc ấy, nhất là đang mùa biểu diễn.

Quan hệ giữa Nhà hát Đào Tấn hiện nay với 12 đơn vị “không chuyên” như con cùng cha khác mẹ, vẫn là dòng giống nhưng mạnh ai nấy kiếm sống, chẳng ai giúp được ai. Ngày mai hát bội Bình Định sẽ ra sao thì tuỳ lượng thượng đế, đố ai đoán trước được!


II. Thời đại mới, hát bội Bình Định đối diện với thực tại

Thực trạng vừa trình bày, so với mặt bằng đời sống nghệ thuật sân khấu hát bội trên phạm vi cả nước dù sao ở Bình Định có phần may mắn hơn. Có lẽ do vì trên mảnh đất này Đào Tấn và những nghệ sĩ nối nghiệp của Người đã dày công vun trồng, không chỉ vun trồng nòi giống nghệ sĩ mà còn dày công vun trồng các tầng lớp người xem, về tri thức thưởng thức nghệ thuật. Hiện giờ lực lượng khán giả khá am tường này vẫn còn tiếp nối. Vì vậy nghe đâu đó đây có nhận định rằng: “Khán giả Việt Nam ngày nay xa lánh hát bội” (miền Bắc gọi là hát tuồng), e không thoả đáng với thực trạng ở Bình Định. Theo tôi, khán giả ngày nay nói chung chỉ xa lánh thứ hát bội dở mà thôi, cũng như phim dở, kịch nói dở, cải lương dở, chèo dở họ cũng xa lánh. Đừng làm dở rồi đổ lỗi cho khán giả. Nếu thực sự họ xa lánh hát bội thì 12 đơn vị nghệ thuật “không chuyên” ở Bình Định làm sao có thể tồn tại một cách đường hoàng, mà từ khi ra đời đến nay họ có được nhà nước bao cấp chút nào đâu? Cũng đừng thấy vắng khách ở các rạp hát kinh doanh mà vội kết luận rằng khán giả xa lánh. Bởi ngày nay cái sân khấu diễn kịch nói chung được thiết lập ngay trong phòng ngủ của khán giả, tiện lợi biết bao, họ vừa được thưởng thức kịch hay lại vừa không sợ mất cắp, không tốn tiền gởi xe. Hãy làm thế nào để họ không nỡ tắt ti vi hoặc chuyển sang kênh khác. Quan sát kỹ thực tiễn nghệ thuật ở Bình Định tôi nhận ra điều này: Vở cũ mà hay, khán giả thưởng thức say sưa; vở mới mà dở, khán giả sẵn sàng phớt lờ. Huống nữa, khán giả, đối tượng sống còn của nghệ thuật sân khấu (kịch) không phải là sự vật đứng im một chỗ mà thay đổi không ngừng, lớp trước qua rồi lớp sau tiếp nối, Sơn Hậu là pho tuồng cũ đối với lớp khán giả này nhưng lại là vở mới đối với lớp khán giả kia nếu nó thực sự là hay. Cho nên hình như không có chuyện vở cũ vở mới mà chỉ có chuyện vở hay vở dở. Còn thế nào là hay là dở ấy là chuyện còn phải bàn dài dài...

Vậy phải làm gì để có vở hay?

Chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật hiện nay, điều mà chúng tôi gọi là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, hay là mặt chủ yếu của nguyên nhân, đó là sự khủng hoảng về đội ngũ tác gia viết kịch bản (tuồng) cho sân khấu hát bội. Nếu gọi cho đúng với bản chất của sự vật thì lực lượng tác gia, thành viên quan trọng trong cơ cấu nghệ thuật hát bội sắp đến hồi tuyệt chủng.

Như chúng ta đều biết, lịch sử phát triển nghệ thuật kịch của xã hội loài người nói chung, kịch chủng nào cũng vậy, mãi đến khi xuất hiện đội ngũ tác gia viết kịch bản cho kịch chủng ấy mới có thể xác định được là giai đoạn phát triển. Đến lúc thành viên này vắng mặt, đó là thời điểm báo hiệu sự suy vong rồi đến bước cáo chung. Hiện tượng này nằm trong quy luật sinh diệt của sự vật không ai cưỡng lại được nếu không thấy trước mà khắc phục. Có thể ví bệnh thái này không như chứng cao huyết áp, vỡ mạch máu là chết ngay mà là bệnh suy nhược chết mòn theo năm tháng cho đến khi tắt thở mới vỡ lẽ.

Ắt có người hỏi vặn: Hội diễn nghệ thuật các năm qua lần nào cũng có dàn dựng tuồng mới và tuồng mới đã ẵm không ít huy chương vàng bạc đó là gì? Vâng, đó là sự thật, nhưng sau hội diễn, các vở vàng bạc ấy hầu hết xếp xó vì diễn không ai xem, càng là sự thật. Từ đó mà ở quê tôi người ta hay nói đùa với nhau rằng: “bỏ vàng thật ra làm, thu vàng giả đem về”. Vì sao có chuyện như vậy?

Nếu tôi không lầm thì hầu hết các tác giả có tuồng tham gia hội diễn đều là những người làm được rất nhiều nghề. Phương pháp hành nghề của quí vị thường là thế này: cứ sáng chế ra đề cương kịch bản tương đối cụ thể, có vai vế, có tình tiết, có cốt chuyện và nhân vật hẳn hoi rồi muốn chuyển thành tuồng hát bội thì bỏ vào đấy mấy vị thuốc: Nam, khách, nói lối...; nếu chuyển thành cải lương thì bỏ vào đấy mấy vị thuốc: Vọng cổ, tứ đại, kim tiền... Bằng chuyển thành chèo thì bỏ vào các vị: nói sử, đường trường vỡ nước... Cuối cùng cậy vào thao lược và phù phép của các đạo diễn “tài ba” mà tạo thành sản phẩm mang nhãn hiệu kịch chủng. Công bằng mà nói các tác giả và tác phẩm ấy có công lấp kín tình thế khủng hoảng tác gia sân khấu hát bội hiện nay, đồng thời cũng góp phần thúc đẩy sân khấu hát bội của đất nước chóng đến ngày tạ thế.

Sự thể đã vậy khắc phục như thế nào đây?

Theo tôi còn chưa muộn, nhất là tại mảnh đất màu mỡ như hát bội Bình Định phải biết thừa hưởng thành tựu đào tạo khoa văn chương (giờ đây hay gọi là ngữ văn) của các trường đại học, chọn những sĩ tử tốt nghiệp loại ưu có năng khiếu thơ để đào tạo đội ngũ tác gia cho sân khấu hát bội. Đương nhiên phải có một chế độ đãi ngộ đặc cách có sức hấp dẫn họ yên tâm học nghề và hành nghề.

Đào tạo bằng phương pháp giảng tập chừng 2 năm. Nội dung của lớp giảng tập như thế này:
  1. Tập trung chuyên tu cho họ về môn nghệ thuật học (tức mỹ học nghệ thuật). Theo chúng tôi dò biết môn học này ở các trường đại học của ta trang bị cho họ còn quá lờ mờ.

  2. Thông qua chương trình kịch tuyển, chọn trong kho tàng kịch mục truyền thống (chừng 20 vở tuồng xưa) nhằm chuyên tu cho họ về các mặt:

    • Kết cấu một vở tuồng hát bội
    • Cách luật của văn học tuồng hát bộI
    • Cách luật của làn điệu hát bộI
    • Thanh nhạc học của sân khấu hát bội
    • Vấn đề thể tài và phong cách ở sân khấu hát bộI
    • Quan niệm nghệ thuật kịch và phương pháp biểu hiện nghệ thuật của sân khấu hát bội.

  3. Những tri thức về lịch sử nghệ thuật sân khấu (kịch) của xã hội loài người (tức tri thức cần thiết về lịch sử sân khấu thế giới).

  4. Môn học Hán-Nôm cũng đi kèm với các môn khác suốt thời gian 2 năm của giảng tập sinh. Vì không thể làm một tác gia viết kịch bản hát bội hay làm nhà nghiên cứu sân khấu hát bội mà không đọc được vở tuồng gốc bằng Hán-Nôm.
Gọi là lớp giảng tập vì lớp học này không có thầy, cũng không có trò, chỉ có người hướng dẫn chuyên đề đàm luận với giảng tập sinh mà thôi, giảng tập sinh của lớp vừa là trò mà cũng vừa là thầy vì họ sẽ phải vắt óc ra mà nghiên cứu, nhận thức, suy nghiệm, tranh luận tại giảng đường, nhằm làm vỡ lẽ mọi vấn đề nội tại của sân khấu hát bội về cái đẹp, cái xấu, cái hay, cái dở của truyền thống, của hiện đại, từ đó giúp họ phát huy cái cũ, sáng tạo cái mới nhằm đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ của thời đại. Chính vì mục đích và yêu cầu như vậy nên khâu tuyển chọn giảng tập sinh là cực kỳ quan trọng. Kết thúc khoá học, mỗi giảng tập sinh báo công bằng một tác phẩm tuồng hát bội của mình và đó cũng là thành quả của lớp. Tôi tin rằng làm được như vậy, chừng hai năm chúng ta sẽ hình thành một đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp cho sân khấu hát bội Bình Định phù hợp với yêu cầu nguyên lý kế thừa và phát triển.


III. Nhanh chóng sửa đổi cơ chế quản lý nghệ thuật phù hợp với thực tại

Phải hình thành cho kỳ được đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp của sân khấu hát bội Bình Định nhằm giải quyết mặt chủ yếu của nguyên nhân suy thoái, chứ chưa phải là tất cả. Còn nhiều việc phải làm do mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức, tức mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển nghệ thuật với sự trói buộc của phương thức quản lý bao cấp quá cũ kỹ, đã lỗi thời, xuất hiện cũng đã lâu mà không ai thấy, hoặc đã thấy nhưng vì lẽ gì đó không chịu giải quyết. Muốn cho nghê thuật sân khấu hát bội Bình Định trở thành một cơ thể sống cần phải sửa đổi ngay cơ chế quản lý nghệ thuật hiện nay cho phù hợp với tình hình thực tại của hát bội Bình Định, một cơ chế năng động và thông thái.

Căn cứ những tài liệu sưu tập được mấy năm qua cho phép tôi nói rằng: nguồn gốc của hát bội Bình Định là sự dung hợp giữa văn hoá Việt và văn hoá Chămpa. Từ bội trong hát bội bắt nguồn từ tiếng Chăm: pamrơ, có nghĩa là hát xướng, phiên âm ra Hán-Việt là Bội Lô (倍 臚), âm Bắc Kinh đọc là bèi lú, âm tiếng Nhật đọc là Bairo, xưa kia vốn dĩ là tên gọi của một trong 8 điệu nhạc của nước Lâm Ấp (Bình Định là địa bàn trung tâm của Lâm Ấp xa xưa). Lại nữa, cả thế giới đều nhất trí rằng kịch là nghệ thuật tổng hợp, không sai tí nào, chính vì thế mà muốn hiểu biết vì sao giữa các kịch chủng có màu sắc khác nhau phải nghiên cứu, xem xét quá trình tổng hợp, qui luật tổng hợp của từng kịch chủng. Sự dung hợp giữa văn hoá Việt và văn hoá Chămpa trong quá trình tổng hợp của nghệ thuật hát bội Bình Định là một yếu tố khách quan, yếu tố này chi phối và tạo nên sắc thái nghệ thuật, tổng thể nghệ thuật của hát bội Bình Định. Và chỉ riêng điều này thôi cũng đủ đòi hỏi phải xuất hiện một tổ chức quản lý nghệ thuật khác với hiện nay mới có thể đảm đương.

Nên bãi bỏ tổ chức với tên gọi Nhà hát tuồng Đào Tấn hiện nay vì cụm từ này dùng khá tuỳ tiện. Thử hỏi việc làm của cái gọi là “nhà hát” hiện nay so với các đoàn nghệ thuật (nhà nước) ngày trước có gì khác? Chỉ thấy cái khác là chức vị giám đốc nhà hát nghe ra oai hơn trưởng đoàn, còn công việc thì vẫn thế, nghĩa là chỉ khác tên gọi thang thuốc, các vị thuốc vẫn y sì như thế. Vậy nên thay vì trên cơ sở vật chất và nghệ thuật sẵn có từ Nhà hát tuồng Đào Tấn mà xây dựng, phục hồi lại nghệ hiệu đã từng lừng lẫy một thời: Học bộ Đình Đào Tấn. Và Học bộ Đình Đào Tấn thay vị trí Nhà hát tuồng Đào Tấn hiện nay nhằm gánh vác một nội dung mới, trở thành trung tâm khoa học với chức năng: bảo quản, nghiên cứu, đào tạo và biểu diễn thực nghiệm, gìn giữ đi đôi với phát huy di sản nghệ thuật hát bội Bình Định, vốn quí của dân tộc, vừa là bộ máy đầu não của hát bội Bình Định đỡ đầu cho 12 đơn vị nghệ thuật “không chuyên” có điểm tựa để bấu víu hành nghề, tránh sự mai một oan uổng. Nếu có thể ví Học bộ Đình Đào Tấn là một vầng trăng thì 12 đơn vị “không chuyên” kia là những vì sao vận động quanh vầng trăng ấy. Ngoài ra Học bộ Đình Đào Tấn phải hợp tác với Đại học Quy Nhơn giới thiệu nghệ thuật hát bội thường xuyên với sinh viên bằng chương trình truyền bá nghệ thuật có hệ thống nhằm đào tạo lực lượng khán giả cho kịch chủng mình.

Người xưa đã dạy: “Có thực mới vực được đạo”. Kinh phí hoạt động của Học bộ Đình Đào Tấn trông cậy vào 4 nguồn thu sau đây:
  • Nguồn thu từ kinh phí tài trợ hàng năm do tỉnh nhà cấp như đã cấp cho Nhà hát Tuồng Đào Tấn lâu nay;

  • Nguồn thu từ kinh phí tài trợ hàng năm của Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch cấp, bởi hoạt động nghệ thuật của Học bộ Đình Đào Tấn không chỉ nhằm gìn giữ và phát triển cơ đồ nghệ thuật hát bội Bình Định mà còn là cơ ngơi gìn giữ lâu đài nghệ thuật dân tộc của đất nước;

  • Nguồn thu từ biểu diễn nghệ thuật, bán sản phẩm nghệ thuật thành băng, thành đĩa ra thị trường; thu từ các hợp đồng giao lưu nghệ thuật đối nội và đối ngoại;

  • Nguồn thu từ các nhà tài trợ trải lòng đóng góp vì mục đích bảo vệ văn hoá dân tộc.
Như vậy phải có một bộ phận chuyên trách làm công tác kinh tế nghệ thuật cho Học bộ Đình Đào Tấn. Theo tôi, phải như thế mà cũng chỉ phải như thế mới mong bảo tồn phát huy được nền nghệ thuật kịch hát dân tộc như hát bội, nghĩa là phải bằng biện pháp hữu hiệu chứ không thể “bảo tồn”, “phát huy” nghệ thuật dân tộc bằng những giọt nước bọt như cái gọi là Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Nghệ thuật Dân tộc đang rêu rao ở Hà Nội cốt để đánh quả với những ai nhẹ dạ.

Cuối cùng đọng lại một vấn đề không dễ giải, nhưng bắt buộc phải giải cho kỳ được, đó là vấn đề con người, đủ sức, đủ bản lĩnh, đủ kiến thức điều hành và thực thi các chức năng của Học bộ Đình Đào Tấn. Phải biết vượt qua những rào cản và những sức ép nhiều khi rất vô duyên nhưng lại rất “đúng lập trường” từ đâu đâu dội xuống đầu mình.

Gút lại, thực trạng của hát bội Bình Định nói riêng và hát bội cả nước nói chung đang đứng bên bờ vực thẳm do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan từ nhiều năm, nhiều phía gộp lại. Tuy vậy, tình hình cũng chưa đến nỗi bó tay. Nhưng nếu buông xuôi để cho sự vật cứ trôi như thuyền không lái chắc chắn sẽ dẫn đến kết cục bi thảm và cũng chắc chắn lịch sử sẽ phán xét những tội đồ vô trách nhiệm.

Quy Nhơn, 2-10-2007

© 2007 talawas