trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
26.1.2008
Viên Linh
Tình nước mặn
 1   2   3   4   5 
 
1.

Vào tháng tư, mưa bắt đầu đổ xuống Bắc Phố.

Ở Bắc Phố, mưa thường đến sớm hơn các nơi khác trong vùng. Thẩm tới thành phố biển này trong một ngày mưa tầm tã.

Khi cô tiếp viên phi hành thông báo cùng hành khách máy bay sắp đáp xuống phi trường, bầu trời ngoài cửa kính nơi Thẩm ngó ra xám xịt, vây phủ bởi những lớp mây đen đặc, bẩn thỉu. Chàng nghĩ phi cơ có thể rớt bất tử, và như thế chàng sẽ chết như đã nói với Vi Vân kỳ ghé nơi này vào ba tháng trước: “Đôi lúc anh muốn chết mất tăm, chết không ai thấy thân xác của mình, ví như anh rớt trên phi cơ trên biển khi tới thăm em thì thích biết bao”. Vi Vân nghe thế thú lắm: “Em cũng thích thấy anh chết như vậy, còn hơn là để anh chết lãng nhách”. Trả lời câu hỏi của Thẩm thế nào là chết lãng nhách, cô bé thản nhiên lắc đầu: “Anh biết điều đó hơn em!” Chết lãng nhách là sống lãng nhách”.

Thẩm không tin mình sống dở như thế, song công nhận trong mấy năm sau này, đời chàng thật nhạt nhẽo. Vi Vân hỏi có phải vì thế chàng mới nghĩ tới chuyện ghé Bắc Phố thăm nàng không thì Thẩm lắc đầu. Kỳ trước, chàng tới thành phố biển chỉ mấy giờ sau khi quyết định. Bấy giờ, Thẩm cư ngụ trong nhà của một người bạn ở đường Đồng Khởi, và đánh xì phé suốt đêm trước. Tới tám giờ sáng chàng thua trên ba trăm ngàn, còn vỏn vẹn sáu ngàn trong láng. Thẩm thấy đã quá mệt mỏi, vả không còn hy vọng gỡ gạc vào giờ đó nữa, nên chờ có đôi là đánh xả láng. Chàng tuyên bố với làng, là đôi gì chàng cũng đánh xả láng. Cả ba đều khuyến khích vì đều muốn đứng dậy. Thẩm líp đôi cẩu, tới lượt đi tiền liền thực hiện lời tuyên bố: “Đôi cẩu đấy, đánh hết trăm ngàn”. Cả ba nhà kia đều chấp nhận và điều đình rút tít luôn với nhau. Thẩm xoa tay nói: “Tụi mày sẽ bắt nhằng của nhau hết, để tao ăn ván này. Đớp ván này tao sẽ đi Bắc Phố thăm người yêu”.

“Tiên sư đứa nào không đi”. Thẩm sợ thua nói:

“O.K. Cứ cho tao đớp đi, tao đi liền sau đây như mày thấy”. Hình ảnh Vi Vân hiện ra với bãi cát giữa trưa nắng vàng kỳ Thẩm ghé Bắc Phố lần thứ nhất. Hồi ấy Vi Vân mới mười ba tuổi rưỡi, vú mới nhỉnh trên vai ghế một gang tay. Thẩm không biết tí gì về gia đình cô bé. Chàng tới nơi này thăm một người bạn dạy tại trường tiểu học tỉnh, anh ta dẫn chàng tới thăm nhà Vi Vân. Mẹ Vi Vân là đồng nghiệp của anh ta.

Hồi ấy Thẩm không để ý tới ai hết, dĩ nhiên Vi Vân càng chưa đáng để ý tới, vì còn nhỏ quá. Nhưng hai năm sau Vi Vân viết thư cho chàng kể lại hôm chàng tới nhà. Thẩm mê ngay người viết thư. Giọng điệu thông minh kỳ lạ và khác thường. Thẩm trả lời lá thư…

Thẩm rút cây bài chót, hé nhìn lỗ soi giữa. Chàng la khẽ: “Đặc bung”. Cả làng ngẩn mặt. Một tên nói: “Xì đấy, sức mấy có cẩu”. Nhưng Thẩm tin là cẩu, vì trong bọn chúng phải có một tên tẩy xì, mà xì đã lên hai cây rồi. Chàng nặn bài tiếp, rồi quăng cây bài xuống thảm: “Chào chúng mày, tao đi Bắc Phố thăm em”. Ván đó ba cẩu, Thẩm vơ về hai mươi tư ngàn.

Thẩm đếm lại tiền bỏ túi, xuống văn phòng khách sạn điện thoại ra Hàng không Việt Nam nhờ một người bạn ở đó dành chỗ đi Bắc Phố vào chuyến sớm nhất. Hai giờ trưa chàng trên đường tới thành phố biển.

Lần này Thẩm cũng tới Bắc Phố mà không báo trước cho Vi Vân. Khi máy bay đáp xuống phi trường đồng hồ đã chỉ bốn rưỡi. Vi Vân tan sở lúc bốn giờ.

Vào tới thành phố, Thẩm thuê một phòng khách sạn gần bờ biển. Sau khi tắm rửa, chàng nằm dài trên giường, chưa biết tìm cách nào để liên lạc với Vi Vân. Thẩm nhớ mang máng trong một lá thư viết cho chàng cách đây ba bốn tháng, Vi Vân khoe ngôi nhà nàng là ngôi nhà đẹp nhất ở đường Tân Viên. Ngôi nhà sơn đỏ, mọi cửa sổ cửa lớn đều mở ra vườn cây, mỗi sáng tinh mơ hay mỗi đêm khuya đều phảng phất hương thơm hoa cỏ.

Trong sân còn một chuồng chim cu gần một trăm con “Hôm nào anh về em sẽ làm món chim quay đặc biệt cho anh ăn” – Nói vậy nhưng nàng chỉ muốn bầy chim mỗi ngày một đông, bay rợp khu phố nàng ở.

Thẩm nhỏm dậy lấy quần áo mới ra mặc. Sau đó chàng xuống phố kiếm một chiếc xe. Phải đi bộ một quãng xa Thẩm mới gọi được một chiếc xích lô, đang đậu nơi ngã ba ngoài bờ biển.

Đường Tân Viên.

Chiếc xe bắt đầu chạy vào bóng tối trên quãng đường lồi lõm nhan nhản đá nổi. Tự dưng Thẩm nôn nao. Chàng không hiểu giờ này Vi Vân đang làm gì, biết đâu nàng lại không đang đi chơi với gã phi công nào. “Hôm qua – nàng viết thư kể – một chàng phi công hỏi em có đi chơi một vòng Đà Lạt, Pleiku không. Em chê. Em bảo có về Sài Gòn thì em về. Về cho anh mi một cái rồi em lại đi”.

Vi Vân thường về Sài Gòn mỗi tuần, nàng đi máy bay quân sự như đi taxi. Trước cửa nhà nàng luôn luôn có xe Jeep lui tới. Nhưng không mấy khi nàng trèo lên những chiếc xe đó nếu họ không đưa nàng ra phi trường hay không đưa nàng từ phi trường về thành phố. “Anh biết không, có một chú phi công mới ngỏ ý muốn cưới em. Em muốn hỏi ý kiến anh”.

Vi Vân nói trong điện thoại liên tỉnh nghe không rõ lắm.

Thẩm nhớ chuyện này mới xảy ra cách đây ít tuần. Chàng nói: “Bỏ hắn đi”.

Cuộc đối thoại cho đến giờ Thẩm vẫn không rõ là đùa hay thật:

“Thiệt không?”

“Thiệt chứ sao không”.

“Tại sao vậy anh?”

Thẩm cười để suy nghĩ:

“Tại em không thích hắn. Nếu em thích em đã không gọi hắn bằng chú”.

Vi Vân ứ hư suy tưởng cổ:

“Anh khôn thấy bà. Em không muốn anh nói thế. Em muốn chính anh nói cơ. Về phần anh, anh nghĩ sao?”

Thẩm lại suy nghĩ. Đã ba mươi hai tuổi, chàng không thể làm những việc vô trách nhiệm. Chàng vẫn thường nghĩ không hiểu mình có thể sống với cô bé được không. Giữa hai người chàng thường gọi Vi Vân là bé con. Chàng không hiểu chàng có thể lấy con bé được không. Vì chàng đã có vợ dù rằng có đôi lần chàng muốn bỏ vợ.

“Sao anh”Nói gì đi chứ!”

“Em muốn anh nói gì?”

“Nói bất cứ điều gì”.

“Em đừng lấy hắn”.

“Nhất định chưa?”

“Nhất định”.

Nàng cười và cúp máy. Cứ thế mỗi ngày Thẩm thấy mình có thêm một chút trách nhiệm. Mỗi tuần chàng còn nhận được ít nhất một lá thư của Vi Vân, mà Thẩm gọi là những đám mây u sầu nhỏ, gieo xuống lòng chàng những cơn mưa buồn bã. Những cơn mưa của một mối tình xa cách.

Chiếc xích lô quẹo qua quẹo lại. Thẩm ngồi trên nệm xe mà cũng thấy mệt. Chàng lại sợ biết đâu hôm nay cuối tuần, Vi Vân bổ vào Sài Gòn.

“Đường Tân Viên đây cậu”.

Thẩm xuống xe, trả tiền, khởi sự quan sát nhà cửa hai bên đường, tìm ngôi nhà sơn đỏ nhiều cửa sổ như Vi Vân đã tả trong thư.

Đây là lần đầu tiên chàng đặt chân lên con đường này, nhưng trong mấy năm qua, nhất là trong mấy tháng gần đây, chàng vẫn được nghe cô bé nói đến. Vi Vân tả con đường đầy bụi bặm, rộng thênh thang, dọc hai bên lề là những bụi cây thấp, những khoảng sân trống, những ngôi nhà thấp. Ban đêm, đi về thắc thỏm vì những bóng người hiện ra lù lù, bị bao phủ trong bóng tối, thường khi gần như sắp chạm vào nhau mới nhìn thấy. Mới đi khoảng chục thước, Thẩm đã suýt chạm một người lính đi ngược chiều với chàng. Anh ta đột ngột xuất hiện, rồi lẹ làng băng qua, lẩn vào bóng đêm. Lúc chàng ngoảnh lui đã không còn nhìn thấy gì nữa.

Thẩm thấy rất nhiều ngôi nhà có thể là nhà Vi Vân. Cũng những ngôi nhà nằm ngang, cả ba gian nhìn thẳng ra đường, cũng sau một khoảng sân rộng, sau một bờ rào cây. Và có tới ba căn nhà có chuồng chim cu. Cuối cùng đi hết đường Tân Viên, chàng vẫn chưa chắc đâu là nhà Vi Vân. Chàng lại không thể nào hỏi tận nơi. Không ai có thể chấp nhận sự liên lạc giữa chàng và cô bé.

Lần trước, hai người đi với nhau từ bờ biển vào khách sạn. Dọc đường, Thẩm bắt gặp những cái nhìn tò mò, nghi hoặc. Chàng cười thầm.

“Anh cười gì vậy”. Vi Vân hỏi.

“Anh thích”.

“Thích gì?”

“Đi chơi với em ngoài phố. Người ta không hiểu anh với em là thế nào”.

Vi Vân chùn vai:

“Nếu anh nghiêm nghị một chút, người ta sẽ tưởng lầm. Anh kém ông bố em có bảy tuổi. Anh bằng tuổi má em”.

“Vậy cứ để người ta tưởng lầm”.

“Cái mặt anh mà ai tưởng lầm được. Lớn đầu rồi mà nhiều lúc như con nít”.

Thẩm đùa thêm:

“Chơi với con nít, người ta cũng phải con nít”.

Vi Vân lắc tay chàng:

“Ê, em không có chịu đâu. Nếu khoái bạn con nít em đâu có thèm chơi với anh. Thiếu gì bọn nó xin chơi với em, em chê. Em thích chơi với người lớn”.

Thẩm buồn. Chàng đang cảm thấy mình già, dù chàng mới vừa qua ba mươi tuổi. Giữa giờ làm việc, nhiều lúc Thẩm thấy mệt mỏi buồn chán. Chàng bỏ ngay công việc, bỏ luôn cả chiếc xe hàng ngày vẫn dùng để di chuyển, dùng một cách khác, tới một chỗ khác, với ý tưởng đổi thay được chút nào hơn chút đó nếp sống hiện tại. Cách khác của Thẩm không có gì ghê gớm cả.

Bỏ xe mình, chàng đi nhờ xe một người bạn, đi bộ hay gọi một chiếc taxi. Chỗ khác của chàng cũng không ở đâu xa, vẫn là một nơi nào đó trong thành phố, nhưng là một xó khuất chàng ít tới, hay chưa hề tới. Một ngõ ngách san sát nhà cửa trong khu Chợ Cũ, nơi những người Trung Hoa làm việc trong nhà, sinh hoạt chăm chỉ. Một con đường vô danh ở Chợ Lớn, với một bộ mặt nhộn nhịp, vụn nát, xám ngoét. Hay một quán cóc nào đó ở một góc đường nào đó. Chàng muốn được sống khác như bây giờ.

Vì thế hôm đó nghe Vi Vân, chàng hơi buồn. Dù sao, chàng nghĩ lại, Vi Vân kém chàng tới mười lăm tuổi, và chàng lại mới vừa qua tuổi ba mươi, chàng bằng tuổi mẹ Vi Vân.

Bà sinh cô bé năm mười bảy tuổi rưỡi.

Một chiếc xe hơi vừa quẹo vào đường Tân Viên pha đèn rực sáng. Thẩm nhìn bóng mình phóng lớn, chạy dài trên đường phố vắng. Chàng đứng dạt vào lề, chờ cho chiếc xe qua. Trong lòng chàng buồn chán và khi chiếc xe qua hẳn, trong bóng tối vừa trùm xuống trở lại, chàng ra đường lớn, kêu xe trở ra trung tâm thành phố.

Lòng Thẩm hoang mang cùng với tiếng gió vừa ào ào bay lọt con đường.

Tới phố chính, Thẩm xuống xe. Ban đêm ở đây đường như chỉ khu phố này còn sinh hoạt. Cửa hàng còn mở, bộ hành theo nhau trên lề đường, xe cộ vùn vụt ở giữa.

Thẩm hy vọng sẽ tình cờ bắt gặp Vi Vân. Trước mắt chàng, những chiếc Honda vùn vụt chạy qua, chàng dõi theo bóng các thiếu nữ đến mỏi mắt. Chàng đi dọc con phố cho tới lúc ra tới bờ biển. Lúc ấy đã khoảng mười giờ khuya.

Biển trước mặt Thẩm, biển đen ngòm. Thẩm lại hút thuốc. Cuối cùng chàng bước vào ngôi quán trên bãi cát, thả mình vào lòng chiếc ghế dựa, gác chân lên bờ rào gỗ ngăn nền quán với bãi cát phía dưới. Dưới đó, biển rào rào, rào rào bất tận.

Một chú bé tới. Thẩm gọi bia. Một chút rượu cho sự mệt mỏi cô đơn. Chai bia cạn, Thẩm kêu nữa, bắt đầu thấy lẻ loi hơn. Quán vắng, những tàu lá dừa trên đầu reo lào xào, biển ì ầm, trời đen thẫm li ti những đốm sao yếu.

Vi Vân thường giục chàng ra. “Anh không ra em cô đơn lắm, không biết em phải sống cô đơn đến bao giờ”. Hôm rồi có người muốn đi hỏi em. Hải quân. Em sợ”.

Thẩm vừa vượt trên năm trăm cây số, lúc này Thẩm đang ở cách nàng khoảng một cuốc xe hai mươi phút, nhưng nỗi cô đơn còn mênh mông hơn. Gặp nhau trong thời gian mới là gặp nhau, Thẩm nghĩ thế. Chúng ta đang ở rất gần nhau, nhưng em đâu biết và chẳng khác gì chúng ta sống ở hai thế giới.

Uống hết chai bia thứ ba, chàng rời quán, đi bộ về khách sạn, một chiếc xích lô đạp rề rề chạy theo. Thẩm lắc đầu. Ban đêm, bộ mặt khách sạn đổi khác. Xe hơi của một hãng thầu ngoại quốc đậu trong sân, trước cổng mấy cô gái cười đùa ầm ĩ. Thẩm nhìn họ nhưng họ lờ chàng.

Lên lầu, về phòng mình, thay quần áo, Thẩm ra ban công ngồi ngó xuống.

Phía dưới, mấy cô gái đùa nghịch nói tục cười cợt. Thẩm ngắm nghía họ, và vẫn ao ước thấy Vi Vân. Chàng hút thuốc liên miên buồn bực. Chàng vừa trải qua một ngày mệt mỏi, vượt qua quãng đường thật dài để đến đây ngồi một mình trong bóng tối. Vi Vân, không lúc nào bằng lúc này, trở nên một hình ảnh khao khát, một niềm thương, một bóng tối để chàng nằm ngủ yên ấm trong đó.

Một cô gái chỉ tay lên phía Thẩm, cười rũ. Chàng nghiêm nét mặt. Một cậu nhỏ băng qua khoảng sân rộng. Thẩm nghe tiếng chân liên tục chạy trên cầu thang. Lát sau nó thở hào hển hiện ra phía đầu hành lang. Nó cười cười đến gần người khách mới:

“Gì đó mày?”

Thẩm hất hàm hỏi, liếc mắt nhìn xuống sân khách sạn. Cô gái mặc áo đỏ ngẩng cao đầu nghênh Thẩm. Thằng nhỏ chỉ cô gái, nói:

“Chị đó biểu tôi lên hỏi anh”.

Thẩm cười, trừng mắt nhìn nó. Nó cười toe toét:

“Chị biểu anh có cần gì không?”

“Để xem”.

Thẩm ngó cô gái. Lần này cô quay lưng lại.

“Bao nhiêu mày?”

“Ngàn”.

“Cái gì? Ở đây mà cũng một ngàn”.

“Dạ”.

“Cả đêm?”

“Hai ngàn. Đó là từ giờ tới sáng. Giờ cũng khuya rồi hả cậu? Còn nếu từ quãng bảy, tám giờ trở đi thì ba ngàn”.

Chàng nhún vai:

“Mắc bỏ mẹ”.

Thằng nhỏ muốn đi, Thẩm ngần ngừ, nhưng rồi cũng để kệ cho nó đi.

Thẩm xem giờ, thầm nhắc Vi Vân. Biễn vỗ rì rào phía dưới, bên kia con đường. Chàng lặng lẽ đứng dậy, vào phòng đóng cửa đi ngủ. Lúc vào giường, chàng thấy xa Vi Vân hơn bao giờ hết.
Nguồn: Viên Linh, Tình nÆ°á»›c mặn, truyện dài. Mẫu bìa Duy Thanh. Nguyệt san Tân Văn ấn hành lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của cÆ¡ sở Văn, xong ngày 10.2.1972. Tác giả giữ bản quyền. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.