trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
26.4.2008
Phong Uyên
Những khác biệt trong tư duy giữa Tây phương và Trung Hoa về những ý niệm Chủng tộc, Dân tộc, và ý thức Quốc gia
 
Trong lịch sử xã hội loài người, những tổ chức xã hội đầu tiên đưa tới sự hình thành các thị tộc, bộ lạc và các làng xã đều bắt nguồn từ ý thức chủng tộc (Ethnie). Sau đó sự tiến triển của xã hội làm nảy sinh ra một ý thức có khả năng tập hợp cao hơn gọi là ý thức dân tộc (Ethnie-Nation). Cuối cùng là những phát triển về kinh tế khiến ý thức dân tộc không đủ để kiến tạo một xã hội phức tạp và đa dạng hơn, đã đưa tới một ý thức bao hàm hơn gọi là ý thức quốc gia. Nhưng trong sự diễn tiến từ ý thức dân tộc tới ý thức quốc gia, có sự khác biệt rất lớn giữa Tây phương và Trung Hoa. Nguyên nhân nào đã đưa ra sự khác biệt ấy?


1. Lí do thứ nhất là địa lí

Các dân tộc Tây phương hồi khởi đầu đều tọa lập ở những vùng đất bao quanh Địa Trung Hải khiến điều kiện địa lí không cho phép đất đai một dân tộc nào có vị trí trung ương và đủ rộng lớn để kiến tạo một quốc gia lục địa. Ý thức dân tộc chỉ đưa tới sự thành lập các thị thành (cités) và các thành quốc (cités-états) như thời Sumer, thời cổ Hi Lạp... Một trong những thành quốc này, có thể do có ưu thế về thương mại, kinh tế, văn hoá, quân sự..., trở thành một đế quốc với nghĩa một chủng tộc trong một thành quốc có đủ khả năng chế ngự các chủng tộc ở những vùng đất khác, đặt dưới quyền thống trị của cùng một chính quyền như Babylone và sau này như đế quốc La Mã thời thượng cổ. Ý thức quốc gia đưa tới sự thành lập các quốc gia ở Tây Phương chỉ bắt đầu có từ đầu thời Trung cổ với sự phân rã của đế quốc La Mã. Khái niệm “quốc gia” theo nghĩa hiện đại chỉ bắt đầu có với sự hình thành của hai nước Pháp, Anh sau cuộc chiến 100 năm (La Guerre de cent ans) và khi nền quân chủ ở những nước này trở lên vững vàng; nghĩa là mới có khoảng chừng hơn 400 năm, sau Việt Nam tới 500 năm (Nam quốc sơn hà Nam đế cư... thời Lý Thường Kiệt). Những quốc gia khác như Đức, Ý chỉ bắt đầu thành hình từ cuối thế kỷ thứ XIX. Tóm lại, ở Tây phương có sự diễn tiến liên tục trong tư duy nên từ ý thức chủng tộc đã đi đến ý thức dân tộc rồi sau cùng là ý thức quốc gia, trước khi đi đến khái niệm quốc gia. Với Cách mạng 1789 Pháp, khái niệm này bao hàm ý nghĩa một dân tộc hay nhiều dân tộc gồm những thành phần khác nhau, nhưng cùng biểu lộ một sự chọn lựa sống chung với nhau trong một khoảng đất và chia sẻ với nhau một quá khứ, một văn hoá. Cũng từ cách mạng Pháp, còn nảy sinh ra một ý thức mới là ý thức công dân, nguồn gốc của chế độ dân chủ Tây phương.

Trái lại, dân tộc Trung Hoa, toạ lập trên đại lục và khởi đầu bị giới hạn bởi hai con sông Hoàng Hà và Dương Tử, bao quanh bởi những dân tộc khác dũng mãnh hơn tuy không văn minh bằng, khiến bản năng tự tồn đã làm ý niệm dân tộc (Hán) và ý thức quốc gia (Trung Quốc) nảy nở rất sớm và luôn luôn dính chặt vào nhau, tăng cường cho nhau từ 2000 năm nay. Sự gắn kết bất di bất dịch của hai ý niệm dân tộc và quốc gia trong tư duy người Hán đã biến thành một chủ nghĩa: Chủ nghĩa bá quyền dân tộc Đại Hán với một chủ đích duy nhất là bành trướng lãnh thổ và đồng hoá mọi dân tộc dị tộc chung quanh bằng sức mạnh văn hoá của mình.


2. Lí do thứ hai là tôn giáo

Thiên Chúa giáo, bắt đầu là Do Thái giáo rồi đến Ki Tô giáo và Hồi giáo, được truyền từ Cận đông tới, đều đưa ra ý niệm chỉ có một Đấng tạo hoá sinh ra con người và vạn vật, nên mọi người, mọi chủng tộc đều cùng một Đấng sáng tạo, tất nhiên là khi sinh ra đã đều bình đẳng. Khi Thiên chúa giáo từ thế kỷ thứ V có điều kiện phát triển và thay thế các đạo đa thần thời cổ Hi Lạp, mỗi chủng tộc, mỗi dân tộc không còn một hay nhiều ông trời riêng cho mình, để có ông trời này mạnh hơn ông trời kia, và nhân danh ông trời của mình để đè nén dân tộc khác thì ý niệm dân tộc cũng lần lần mai một. Trái lại, chỉ dân tộc Trung Hoa (Hán) là dám coi trời là của riêng mình. Trật tự dưới thế là trật tự Trung Hoa vì chỉ là phản ảnh của trật tự trên trời. Người Trung Hoa tự coi mình là có thiên mệnh và Trung Quốc là trung tâm của vũ trụ, các nước man di như Việt Nam, Hung nô v.v... có bổn phận phải thần phục thiên triều. Đạo Khổng cũng chỉ có mục đích là bắt con người phải theo một hệ thống tôn ti trật tự dưới thế, phản ảnh của trật tự hài hoà trên trời, và trở thành một công cụ để bảo vệ chính quyền Trung Quốc. Cũng vì vậy mà Đạo Khổng được tái phục bởi chính quyền Cộng sản Trung Hoa, vì chỉ cần thay Vua bằng Đảng. Trung với Đảng bây giờ cũng như trung với vua ngày trước.


3. Lí do thứ ba là điều kiện phát triển kinh tế

Các dân tộc Tây phương đều cùng chung một nền văn minh Địa Trung Hải và con đường tiện lợi nhất giao tiếp với nhau cũng là Địa Trung Hải, để thông thương, trao đổi kinh tế, trao đổi sản phẩm nông nghiệp, hàng hoá với nhau, nên dân tộc này phải cần dân tộc kia để tạo thị trường tiêu thụ, cung cấp nhân công cũng như trao đổi kỹ thuật và đưa tới sự hoà chủng lẫn nhau. Đồng thời Địa Trung Hải cũng cho phép tiếp xúc với những dân tộc có nền văn hoá khác ở Cận Đông có thể đem lại những tư tưởng mới thích nghi cho sự tiến triển của kinh tế cũng như về kỹ thuật, khoa học và tư tưởng. Trái lại, dân tộc Hán là một dân tộc lục địa sống về nông nghiệp, cần bám chặt lấy đất và tiêu diệt hay đồng hoá các dân tộc khác để giành đất, giành nước và bành trướng. Ở Tây phương, nhất là từ thế kỷ thứ XIX, yêu cầu sản xuất kinh tế cũng như nông nghiệp đòi hỏi sự cung ứng về nhân công, nên trong một quốc gia sự có mặt của nhiều thành phần di dân thuộc dân tộc khác nhau trở thành cần thiết. Nếu bắt đầu từ thế kỷ thứ XVIII với Cách mạng Pháp, sự hiện hữu của một thành phần năng động gọi là thành phần tư sản, động cơ của những tiến triển về kinh tế cũng như chính trị đã biến ý thức “quốc gia” thành một khái niệm, thì khái niệm này vẫn tiếp tục biến đổi để đi đến một quan niệm siêu quốc gia của Liên minh Âu Châu ngày nay. Ý thức “công dân” của Cách mạng Pháp không phân biệt những cá nhân, những thành phần, những dân tộc khác nhau, nhưng cùng chia sẻ những giá trị tinh thần và những lý tưởng về công bằng xã hội về tự do cá nhân, về quyền cũng như bổn phận của mỗi con người... đã trở thành ý thức chung của mỗi người công dân Liên minh Âu châu, và cũng là ý thức chung của mỗi người dân các nước dân chủ. Ý thức này không những thay đổi con người mà còn làm thay đổi xã hội và chế độ để trở thành chế độ dân chủ xã hội.

Ý niệm về dân tộc và quốc gia đang được Đảng Cộng sản Trung Quốc tôi luyện thành một chủ nghĩa còn nguy hiểm hơn chủ nghĩa Quốc gia Xã hội (Quốc xã) của Hitler. Không những nó chỉ là tiếp tục một chính sách bắt đầu từ Tần Thủy Hoàng, gọi là chính sách “dân tộc Đại Hán” mà nó còn được sự đồng tình của đại đa số người Trung Hoa, kể cả những người Trung Hoa hải ngoại, ngay cả những người đã chống hay không ưa gì chế độ ở đại lục. Những phản ứng mới đây của người gốc Hán về Tây Tạng, về vụ rước đuốc Thế vận hội Bắc kinh đã cho thấy rõ điều ấy. Chủ nghĩa “Đại Hán” này đang làm thay đổi quan hệ thế giới vì được sự hỗ trợ của một nền kinh tế Trung Quốc mỗi ngày một lớn mạnh, và trở thành một mối nguy cơ cho các nước lân bang, đặc biệt là Việt Nam.

Lẽ tất nhiên là chủ nghĩa này không dính gì đến lý thuyết cộng sản của K. Marx, chỉ là một hình thức thế tục của Thiên Chúa giáo với tư tưởng đại đồng, và cũng hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa Mác-Lê của Staline, chỉ là một chủ nghĩa độc tài cá nhân. So với chủ nghĩa thực dân của Tây phương khi trước, chủ nghĩa này nguy hiểm hơn nhiều vì kích thích và duy trì tư tưởng Ðại Hán vẫn trường tồn trong não trạng mỗi người Trung Hoa. Chủ nghĩa thực dân khi trước, thật ra chỉ là những chính sách, những đường lối bóc lột kinh tế có tính cách nhất thời, phụ thuộc vào khai thác kinh tế, trước sau cũng tự bị đào thải với sự biến chuyển của nền kinh tế đang đi tới toàn cầu hoá.

Tây Tạng là con mồi đầu tiên của chủ nghĩa này. Và thảm họa diệt chủng của dân tộc Tây Tạng chỉ là vấn đề thời gian, nhiều lắm là 15 năm: Từ nay cho tới năm 2015-20 sẽ có 20 triệu người Hán tới định cư ở Tây Tạng. Dân số Tây Tạng hiện nay là 5 triệu 500 ngàn người, ở rải rác trên một khoảng đất 1 triệu 200 ngàn cây số vuông. Tính trung bình, 1 cây số vuông có 5 người ở. Thủ tiêu 5 người hay để cho chết đói, ai mà biết! Nếu quốc tế muốn cứu dân Tây Tạng khỏi hoạ diệt chủng, cần phải hoàn toàn thực tiễn: Đừng có biểu tình tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh để tự lừa dối lương tâm mình mà chỉ xin chính quyền Trung Quốc cho phép lập những khu bảo tồn như khu bảo tồn người da đỏ ở Bắc Mỹ. Những khu bảo tồn đó, cũng như những khu sinh thái bảo tồn động vật hiếm, nhiều lắm tổng cộng chỉ chiếm một khoảng đất chừng 200 ngàn cây số vuông là cùng. Nhưng quốc tế có thể kiểm soát được. Một triệu cây số vuông còn lại đành dâng hiến cho người Hán.

Sau Tây Tạng là Việt Nam. Tất nhiên là sẽ không có họa diệt chủng. Nhưng số phận chư hầu cũng vẫn không tránh được. Vụ Trường Sa - Hoàng Sa, khi nhà nước ngăn sinh viên biểu tình sợ làm phật lòng Trung Quốc đủ nói lên sự yếu hèn của chính quyền rồi. Cách đây hơn một năm, trong bài “Cởi mở dân chủ, nếu có, sẽ nằm trong thể chế nào?”, tôi có viết “Có thể nói đã cả ngàn năm, chính trị, tư duy... đều sao y bản chính Trung Quốc... nhất là thời nay vì địa lý chính trị môi hở răng lạnh muốn làm khác cũng không được, sẽ bị đàn anh sang nhắc khéo...” Vừa rồi tân bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, thượng tướng Lương Quang Liệt, trợ lý cho Dương Đắc Chí trong cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam năm 1979, xuất thân từ “lính tẩy” lên đến Tổng tham mưu trưởng, đã qua thăm “hữu nghị” (hay dằn mặt?) Việt Nam năm 2006, có tuyên bố những câu nảy lửa: “Ba ngày tôi sẽ lấy xong Đài Loan... Nếu nước Mỹ đánh vào nước ta, chúng ta sẽ dùng một nửa Trung quốc kể từ Tây An trở về Đông để đổi lấy 400 thành phố Mỹ...” coi mạng người Trung Quốc như ngoé. Tất nhiên là nói những câu đó để ám chỉ Việt Nam. Nếu đụng tới tàu hải quân Trung Quốc ở biển Đông thì sẽ bị “ăn đòn” liền. Cửa biển Đà Nẵng chỉ trong một giờ sẽ tan thành mây khói.

Đã phụ thuộc về chính trị như vậy, kinh tế còn tệ hại hơn nữa. Bao nhiêu thặng dư xuất cảng qua Mỹ không đủ đền bù nhập siêu từ Trung Quốc. Văn hoá là văn hoá tiêu thụ của Mỹ, là phim ảnh của Đại Hàn, Đài Loan. Học vấn là để dành cho con ông cháu Đảng được gửi qua Mỹ. Ai học được, kiếm được việc làm thì trốn ở lại. Ai học hành dở dang, chỉ cần trả tiền lấy chứng chỉ đã theo lớp hè ở Harvard, trở về nước sẽ tiếp tục làm quan. Sáu tỷ kiều hối cho phép một số thân nhân trong nước tạm sống, nhưng cũng vẫn chỉ là tiền dùng cho tiêu thụ. Như tôi đã có lần viết, với chính sách đàn áp trong nước hiện nay, những thế hệ con cháu Việt kiều sau này sẽ xa dần dần Việt Nam, nguồn tài chính sẽ cạn dần, và cái quan trọng hơn hết là chất xám chả có bao nhiêu mà còn đang bị chảy máu cũng sẽ không được tiếp máu bởi 300 ngàn trí thức Việt kiều.

Sau khi đọc bài “Tản mạn về một vài dụng ngữ...” tôi viết lần trước, có bạn độc giả không đồng ý, cho là “nếu không có ý thức dân tộc cao, tinh thần quốc gia mạnh, chắc khó có thể tồn tại, hay khó tránh khỏi bị khống chế, bị ép buộc phải chịu lệ thuộc”. Tôi thấy câu nói hơi sáo: ý thức nhân dân đổi lại là dân tộc có khác gì nhau. Tinh thần quốc gia được đề cao ở miền Nam khi trước chỉ với mục đích là làm chiêu bài chống cộng, bây giờ đem ra dùng lại sẽ đưa ra sự hiểu lầm với chính quyền. Như tôi đã trình bày ở phần trên, cần phải thay thế ý niệm dân tộc bằng khái niệm “công dân” và “quốc gia” không có nghĩa là Nhà nước, một từ luôn luôn được gắn liền với một từ khác là “Đảng”, mà phải có nghĩa là “Tổ quốc” có ý nghĩa thiêng liêng và hợp quần hơn. Cần phải có sự liên đới giữa những người Việt hay tự coi là người Việt ở nước ngoài (có thể thuộc nhiều quốc gia khác nhau), với người Việt trong nước, nhưng coi như cùng chung một Tổ quốc là Việt Nam. Cũng như người Do thái, có thể thuộc nhiều chủng tộc, nhiều quốc gia khác nhau, nhưng về tinh thần chỉ có một tổ quốc Israel.

Trong giai đoạn này, Việt Nam nếu muốn tồn tại và tránh bị lệ thuộc cần phải có chính sách hoà giải dân tộc thật sự, và phải phát huy ý thức công dân để mỗi người dân không phân biệt thành phần cũng như nguồn gốc, biết đâu là quyền lợi của mình và bổn phận của mình. Bảo vệ quốc gia là bảo vệ quyền lợi của chính mình. Muốn vậy, phải có chút ít dân chủ. Chừng nào những từ như thuộc dân tộc nào, theo tôn giáo nào vẫn bị bắt buộc phải được chua rõ trong mọi giấy tờ hành chánh để phân loại những hạng thuộc dân của Đảng - Nhà nước thì vẫn không có chính sách hoà giải thật sự. Ở những nước dân chủ, tiết lộ nguồn gốc của một người công dân, chính kiến hay tôn giáo của người đó đều phạm vào luật hình và vi phạm hiến chương “Quyền làm người” mà chính quyền Việt Nam đã ký.

© 2008 talawas