trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
5.6.2008
Tôn Văn
Dạy và học, bàn góp
 
1. Dạy và học, nói theo “kinh viện” là “giáo dục”; dùng tiêu đề “nôm na” này là cố ý cho hợp tầm người viết. Dù đây là đề tài luôn được sự trân trọng quan tâm của nhiều người (như những bài về “trí thức”, về “nguyên khí”, etc. gần đây), nhưng trong tình trạng lạm phát và tiền khủng hoảng kinh tế hiện thời thì có phải là lạc đề không? Chúng tôi cho rằng không những không lạc đề mà còn cần thiết để xem xét lại một cách chi tiết và toàn diện tình hình.

Phần trình bày sau đây là tổng hợp suy nghĩ sau những tìm hiểu và trải nghiệm; chúng tôi trình bày theo tinh thần “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Bụt” (nói thẳng thực tình, nhận rõ bản chất và hoàn thiện nhận thức). Rất hy vọng được sự chỉ giáo của bạn hữu.


2. Giáo dục, xét về mặt xã hội thì hoạt động này lấy “dạy” làm chính; tuy nhiên, xét về mặt tu rèn cá nhân con người và đạo lý xã hội thì “học” mới là cốt lõi. Học là quá trình tiếp thu và chắt lọc hiểu biết để nâng cao trí thức cá nhân góp phần sống đúng và sống tốt trong cộng đồng. Từ nhìn nhận (quan điểm) này, có 3 câu hỏi:
  • Quá trình học của con người được phân định thế nào?
  • Việc học đóng góp gì cho cộng đồng (xã hội)? và
  • gười dạy cần nhìn việc học như thế nào cho đúng thực chất của nó?
Chúng tôi xin lược trình kiến giải về từng vấn đề.


3. Về quá trình tu học của con người, không gì bằng dẫn ra công thức của đức Khổng tử: “tu thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ” (nghĩa là học cho biết và sống cho đúng cái đạo con người, thực hiện những điều đạo đức đó trong gia đình, góp ý kiến và công sức vào việc cộng đồng, giúp các cộng đồng sống hoà hữu với nhau). Xem kỹ thì thấy đó là tuần tự phải theo mới làm được, từ thấp lên cao, từ cơ sở lên toàn thể. Điều lý thú là cái câu chữ Nho này lại có cấu trúc ngữ nghĩa – như diễn giải – rất “Việt”, nhưng khi “dịch” ra tiếng Việt thì không hiểu sao lại “chổng ngược” theo kiểu ngữ pháp Tàu: “Làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân”? Có phải vì thế chăng, mà việc giành quyền làm chủ (lãnh đạo) xã hội (cơ sở cho quyền làm chủ thiên nhiên, đất, ruộng, tiền...) được ưu tiên? Và khi những con người chửa thành người (chưa có đạo đức và biết trách nhiệm trong cộng đồng) đã “thành danh” (có chức vị) thì lập tức họ mang công quỹ (mồ hôi nước mắt của dân) đi đánh bạc? Thật đơn giản và... “nhỡn tiền”. Do thiếu giáo dục [1] hay giáo dục sai mà thành như vậy!

Chuyện cá nhân là bộ phận gắn kết với cộng đồng thì cũng cổ như nhân loại, nhắc đến chỉ là do cần thiết. Người Việt có những câu cửa miệng: Chết cả đống hơn sống một người [nghe ghê ghê, nhưng cũng có thể hiểu rằng: cả đống mà chết thì 1 người (thậm chí “một nhóm người”) cũng không sống được]; hay: “Mạnh, là mạnh cả bè, / Mạnh chi cây nứa le te một mình.” Ở đây tôi muốn dẫn thêm lời của một người khác để thấy con người có những tương đồng, trong bản chất và tư duy; văn sĩ người Anh John Donne (1572-1631) đã viết: “...mỗi con người là một phần trong đại khối nhân sinh, như bộ phận gắn liền cùng đại lục...” [2]

Thế còn cái “cần thiết” ở đây là gì? Là công việc dạy và học cho/của mỗi con người cần hướng tới việc đóng góp và chuẩn bị cho sự phát triển kế tiếp của xã hội. Làm thông (giải quyết) điểm này, công việc giáo dục sẽ thoáng và việc học cũng kết quả tốt hơn: học xong có việc làm, sống đúng và sống tốt.

Trước khi (và cũng để chuẩn bị) đi vào chi tiết cụ thể phương thức giáo dục phương Tây, chúng ta cần xác định xã hội phương tây là xã hội gì và họ đã chuẩn bị “đào tạo thế hệ tương lai cho đời sau” như thế nào: xã hội phương tây là xã hội dân chủ, đa nguyện và, vì thế, luôn phát triển. [Những điểm sau đây dựa trên bài dịch “nhóm hội là gì” và ý kiến ngắn về phổ thông trung học (Gymnasium) gần đây.]


4. Công việc dạy học dựa trên cơ sở khoa học

Người Việt có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ...” Người châu Âu đi vào chi tiết dạy học sau khi tiến hành những nghiên cứu khoa học công phu và toàn diện con người từ buổi sơ sinh. Có thể tìm đọc những số liệu cụ thể trong các sách phổ thông về giáo dục: Trẻ em mới sinh và trong những năm-tháng tuổi kế tiếp thì thể trạng và não bộ phát triển thế nào? Tương ứng các thời kỳ thì chúng có khả năng gì? Không có những nghiên cứu đó thì việc nuôi dạy (dưỡng dục) có thể nói là rất phi khoa học. Không hiểu cơ chế và thời kỳ bập bẹ tập nói của trẻ, không biết rõ lượng từ các trẻ có thể nhớ và hiểu trong mỗi lớp tuổi thì rất khó xác định mục tiêu và chương trình dạy tiếng; thí dụ vậy. Chưa có được những tài liệu về giáo dục của Việt Nam, nhưng tôi không tin là những nhà chuyên môn giáo dục ở ta không nắm được và nêu ra những điểm cơ sở này. Vấn đề là biến nó thành chương trình cụ thể, khoa học chứ không làm một cách duy ý chí.

Giáo dục một cách khoa học nghĩa là nắm rõ bản chất đối tượng để đưa ra những biện pháp dạy học thích hợp nhằm đem lại kết quả tốt. Chính là hiểu rõ tâm sinh lý các bậc tuổi mà người châu Âu đề ra những cách thức và nhu cầu giáo dục cụ thể cho từng bậc học; chính hiểu rõ cơ chế hoạt động của não bộ mà giáo dục châu Âu coi trọng vấn đề trang bị cách thức tư duy bên cạnh việc cung cấp tri thức. Thực ra những điều này cũng không quá xa lạ với tư duy Á đông hay Việt Nam: giáo lý Bút-đa coi trọng “pháp thí” (dạy nguyên lý, cách thức nghĩ bàn, v.v…) hơn “tài/vật thí”, còn dân gian ta thì nói “cho nhau vàng khối không bằng trỏ lối (phương pháp, cách thức) đi buôn”. Xin hãy coi trọng việc học cách thức và phương pháp chứ đừng quá tập trung vào “thu hút ngoại tệ (vàng khối) mọi nguồn”!

Điểm kế tiếp là quan trọng và quyết định.


5. Giáo dục hướng vào việc xây dựng xã hội đa nguyên và dân chủ

Qua kinh nghiệm đấu tranh sinh tồn, qua thực tế phát triển cộng đồng, người châu Âu (xin hiểu cũng bao gồm cả Mỹ) quan niệm phát triển cá nhân là điều kiện phát triển của xã hội. Giáo dục châu Âu lấy phương châm “mỗi cá nhân phải mạnh” trong khi giáo dục Mỹ hướng sâu vào cộng tác tổ nhóm (team work). Con người chỉ phát huy khả năng trong nhóm hội, cho nên văn hoá sinh hoạt nhóm hội, văn hoá tổ chức được giảng dạy cụ theo từng cấp học. Cái “bè” dân ta nói chính là “nhóm hội”. Không có sinh hoạt nhóm hội thì tư duy không được trao đổi và nâng cao để thành ý tưởng hay lý tưởng. Khi lý tưởng và niềm tin phải xin-cho thì không thể nào bền vững được, chẳng khác gì lâu đài trên cát. [nhớ có lời bài hát: đảng đã cho ta niềm tin và ước vọng (!)]

Qua việc xem xét sinh hoạt dân chủ châu Âu, ta có thể thấy rõ: đó là hình thức sinh hoạt phát huy được sức mạnh cộng đồng (quốc gia). Tuy nhiên đó cũng là kết quả một quá trình xây dựng lâu dài và chưa bao giờ hoàn tất. Việc xem xét này cho ta 2 nhận xét: thứ nhất, quan niệm về dân chủ của người châu Âu ngày nay đã khác xưa: cụ thể và gần chân lý hơn; thứ hai, chúng ta vẫn chưa nắm rõ quá trình phát triển đó của châu Âu. Dân chủ (Demokratie) không chỉ được định nghĩa đơn giản là “quyền làm chủ của nhân dân”; nó được diễn giải cụ thể như sau:

Demokratie ist gemeinsam Zukunft gestalten.
Dân chủ là cộng tác kiến tạo tương lai.

Nói “cộng tác – gemeinsam” là nói sự làm việc chung giữa các nhóm hội, đảng phái; nghĩa là, trước hết, cần “đa nguyên” để các tư tưởng khác nhau có điều kiện phát triển, cái tốt có được đồng thuận, cái xấu bị vạch ra và phê phán. Sự “cộng tác” của “đa nguyên” chính là “dân chủ”. Ngày nay chúng ta yếu, chúng ta xấu là do thiếu những cái tốt này!

Học sinh các nước châu Âu được chuẩn bị để sống trong (và cho) xã hội như vậy.


6. Nói thêm

Đã “bàn góp” mà còn “nói thêm”? Thực ra chỉ xin nêu nhận xét rất là... khe khẽ!

Chúng ta có hai lần thống nhất quốc gia: nhà Nguyễn và nhà “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nhà Nguyễn tiếp tục mô hình “hoàng đế Tàu”, nhà Xã hội Chủ nghĩa tiếp tục toàn trị 1 đảng. Cả 2 “nhà”, nói như ông Võ Văn Kiệt, “... đã tỏ ra ‘đuối sức’ trước nhiều vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra trong cơn lốc xây dựng và phát triển...” Nhà Nguyễn thì triều đình không quản nổi địa phương, dân đói, làm loạn và theo “tà” đạo. Nhà “ta” thì dù “Đảng phải có kế hoạch thật tốt” nhưng vẫn phải bỏ để “khoán 10” và lao theo “kinh tế thị trường”. Nhà Nguyễn mất đất; nhà “ta” mất… nhiều hơn chút ít!

Chúng ta có 3 việc làm sai:
  • Nhà Nguyễn gom tiền đi mua “tàu đồng” để sau đó đem đi bán kim loại vụn.
  • Nhà “ta”, cả Nam lẫn Bắc, gom sức đi... xin viện trợ súng đạn về… uýnh nhau.
  • Ngày nay đổi giọng “làm bạn với tất cả các nước” để ... xin tiền.
Thế là cả súng lẫn tiền: Của người, người lại lấy đi! [3]

Xin hãy bắt đầu trở lại: Dân khí! Xin hãy làm lại từ đầu: Giáo dục!

© 2008 talawas


[1]Dân gian nói “nôm” là “mất dạy”. Đây là câu rủa rút gọn rất thâm thuý và đau đớn: (Nhà mày) mất (hết người) dạy (rồi)! Nghĩa là vô phúc, không còn tổ tiên, ông bà, cha mẹ để dạy dỗ mình và để cho mình học hỏi.
[2]“No man is an island, entire of itself; every man is a piece of the continent, a part of the main. If a clod be washed away by the sea, Europe is the less, as well as if a promontory were, as well as if a manor of thy friend's or of thine own were. Any man's death diminishes me because I am involved in mankind; and therefore never send to know for whom the bell tolls; it tolls for thee.” - John Donne
“Niemand ist eine Insel, in sich selbst vollständig; jeder Mensch ist ein Stück des Kontinentes, ein Teil des Festlands. Wenn ein Lehmkloß in das Meer fortgespült wird, so ist Europa weniger, gerade so als ob es ein Vorgebirg wäre, als ob es das Landgut deines Freundes wäre oder dein eigenes. Jedes Menschen Tod ist mein Verlust, denn mich betrifft die Menschheit; und darum verlange nie zu wissen, wem die Stunde schlägt; es gilt dir selbst.” - John Donne. “Chẳng người nào là ốc đảo để tự mình làm nên tất cả; mỗi con người là một phần trong đại khối nhân sinh, như bộ phận gắn liền cùng đại lục. Khi mỗi viên đất nhỏ tan vào biển cả, Hoàng-hôn châu-địa cũng nhỏ lại ít nhiều. Chuyện cũng chẳng khác gì khi đó là mũi đá hoang nhô ra biển cả, là sở địa của thân hữu hay của chính ta. Sự ra đi của mỗi con người đều là tổn thất trong ta bởi ta là một phần trong đại khối; và vì lẽ này, ta chẳng cần tỏ ngộ, chuông nguyện hồn ai đang gióng giữa đời. Khi nguyện hồn, chuông cũng gióng tiếng cho ta, gióng tiếng cho em, và cho hết thảy sinh linh.“ (theo lời tiếng Đức).
[3]Ca dao: Của trời, trời lại lấy đi,
Dương hai con mắt làm chi được trời?