trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
9.6.2008
Tạp chí Văn
Hoài niệm Nhất Linh
 1   2   3   4 
 
Nhớ khi ném bút, quên tin tưởng
Lửa đốt rừng hoang, tôi với anh.
(Bùi Khánh Đản, “Khóc bạn”)



Vũ Hoàng Chương
Ai điếu Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam



Câu đối thứ nhất
  • Sổ thập niên bút mặc thành danh, nhất khả đoạn nhị khả tuyệt, nhi tam bất hủ.
  • Song thất dạ vân tiêu lạc phượng, tiền phong hoá hậu văn hoá, ư trung lập ngôn.
Tạm dịch lấy ý
  • Từ năm ba mươi ba (1933) bút mực đã thành danh, tuy bút có thể đoạn mực có thể tuyệt, mà vẫn danh kia bất hủ.
  • Giữa ngày tháng bảy (7-7-1963) trời mây vừa rớt phượng, nhưng trước có phong hoá sau có văn hoá, đủ rồi phượng ấy lập ngôn.

Câu đối thứ hai

  • Người quay tơ đôi bạn tối tăm, anh phải sống chứ sao đoạn tuyệt?
  • Đời mưa gió lạnh lùng bướm trắng, buổi chiều vàng đâu nhỉ nắng thu?
Ghi chú: Trừ bốn chữ in đứng, tất cả những chữ khác đều ứng vào nhan đề tác phẩm của Nhất Linh.


Câu đối thứ ba

  • Đời nay mấy mặt tiên tri, thế đó: nửa thương nửa giận!
  • Văn bút hai ta cố vấn, giờ đây: một mất một còn!
(Sài Đô, 11-7-1963)


*



Vũ Hoàng Chương
Bài văn truy điệu

Than ôi! Đời chính trị lông hồng gieo núi Thái, ngẩng đầu lên sấm sét vẫn chưa nguôi; việc văn chương một tấc để ngàn thu, ngoảnh mặt lại đá vàng sao khỏi thẹn.

Muốn gào to hồn phách anh linh; để vọng khắp giang sơn tam biến.

Nhớ xưa tiên sinh: Chào đời khi gió nổi Đông du; mài thép dưới trăng mờ Thế chiến.

Nghiệp truyền gia giáo, thuở nhập môn từng đất Bắc vui quê; vai nặng quốc thù, bước du học lại trời Tây vượt biển.

Rèn chí đấu tranh; đua tài hùng biện.

Chí khí ngày kia một kiên cường; tài năng ấy càng thêm phát triển.

Bao năm xuất ngoại, đã lưu tâm tại chỗ, từng mưu lừa chước dối thực dân; một sớm hồi hương, lại ngứa mắt trông ra, cả tấn kịch trò hề phong kiến.

Thi văn đoàn Tự lực thế tất phải xung phong; mà tuần báo Ngày nay phải kịp thời xuất hiện.

Vì dân vì nước đẩy mạnh phong trào; có chí có gan thiếu gì phương tiện.

Nào hia với hốt, phá cho tan trò hoạn lộ thanh vân; nay cấp mai bằng, cười đến tỉnh lũ thư sinh bạch diện.

Từ đó tiên sinh: Lấy văn đàn làm nơi bái tướng, cờ phất dọc ngang; giữa chính trường cao giọng lập ngôn, bút mài sắc bén.

Làm sống lại tinh thần Yên Bái, nửa bước không lùi; cuốn ào lên tâm huyết Quốc dân, một dòng thẳng tiến.

Bôn ba nơi hải ngoại, Hàng Châu, Quỳ Châu, Liễu Châu; đối lập mọi cường quyền, chống Pháp, chống Cộng, chống Diệm.

Ai hay: Gió gọi chưa lên; giờ nghe đã điểm.

Giữa cao trào Phật giáo, để hoằng dương chính pháp, lửa từ bi vừa thượng toạ thiêu thân; nêu đại nghĩa Nho gia, nhằm cảnh cáo độc tài, chén tân khổ cũng tiên sinh tuyên chiến.

Sét ngang tai, bạo lực thấy ghê hồn: Trời cúi mặt, không gian chờ nảy điện.

Lửa-Cách-Mạng dâng về thư tuyệt mạng, thôi rồi tay lãnh tụ! Khắp các giới: thức giả, bình dân, sinh viên, đồng chí, cùng dạt dào tim vỡ máu sôi; Người-Quay-Tơ đành bỏ trống guồng tơ, đâu nữa mặt kinh luân? Cả bốn phương: Cà Mau, Thuận Hoá, Bến Hải, Nam Quan, nghe giục giã sông dời núi chuyển.

Nhưng đau đớn thay: Phút hạ huyệt súng gươm vây kín, muôn dòng châu đứt nối chưa tròn; buổi cầu siêu hương khói âm thầm, bao tiếng khóc dở dang còn nghẹn.

Cho nên hôm nay: Mừng quốc gia vừa khắc bạo trừ hung; đẹp hy vọng sẽ hà thanh hải yến.

Dân chúng thủ đô hướng về tiên sinh: Lễ Truy điệu mở đầu năm dương lịch, chạnh tưởng cồn dâu bãi bể, đốt hương lòng toả khắp mười phương; vườn Tao Đàn rung hết đợt âm giai, trông ra ngọn cỏ lá cây, hoà nước mắt vẩy quanh một chén.

Mong cảm tới tiên sinh: Dám nề chi u hiển.
Hỡi ơi: Tố Đoạn-tuyệt thành hồ đoạn tịch, mộng dẫu chơi vơi nửa cuộc, sử còn thơm danh liệt sĩ Tường Tam; Phượng Nhất Linh hề thiên nhất phương, lầu tuy ngơ ngác bên sông, gió vẫn nổi tiếng văn hào họ Nguyễn.

(Sài Đô, 5-1-1964)

*



Hiếu Chân
Hoài niệm Nguyễn Tường Tam

Bài này trước đây (tháng 7 năm 1963) đã được đăng trên nhật báo Tự do (mục “Nói hay đừng”), nhưng bị kiểm duyệt bỏ mất nhiều. Nay, chúng tôi tìm được bản thảo viết tay và xin phép tác giả Hiếu Chân cho lục đăng toàn vẹn nguyên văn.

Vào một ngày đầu xuân năm Bính Tuất (1946), lần thứ nhất tôi gặp Anh trên căn gác hẹp của toà nhà 80 Quan Thánh. Buổi sáng hôm ấy tuy đã sang giêng mà trời còn rét như cắt vì dường như mùa đông gió lạnh hiếm có của năm Ất Dậu vừa qua hãy còn muốn nán lại, đất Bắc đang trải qua một cuộc chuyển mình vĩ đại đầy tang tóc với không biết bao nhiêu biến cố trọng đại dồn dập diễn ra từng ngày, từng giờ. Lúc tôi đẩy cửa phòng bước vào thì đã thấy Anh ngồi đối diện với anh Khái Hưng trước một chiếc bàn trên có hai tách cà-phê đang bốc khói. Hôm ấy Anh mặc chiếc blouson da đúng như trong bức ảnh đã đăng trên các báo hồi anh mới từ Hoa Nam trở về. Tuy biết đó là Nguyễn Tường Tam, một lãnh tụ trong Mặt trận Cách mạng Đồng minh mà tôi đang là một cán bộ, nhưng tôi vẫn không khỏi kinh ngạc và e dè trước bộ mặt quắc thước của Anh: tôi dừng chân, gật đầu chào định nói lời xin lỗi để quay ra thì anh Khái Hưng nhìn tôi qua cặp mắt kính cười “hà hà” đứng lên nắm lấy cánh tay tôi kéo vào và bảo:

“Anh Nhất Linh của chúng mình đây chứ có phải hồ cáo gì đâu mà anh ngại? Cứ vào đây.”

Tôi e ấp đáp:

“Nhưng sợ các anh có chuyện riêng chăng?”

Lúc này Nguyễn Tường Tam cũng nhìn tôi mỉm cười đáp:

“Lúc này còn làm gì có chuyện riêng nữa! Đồng chí cứ vào!”

Tôi ngồi xuống ghế rồi nhưng vẫn yên lặng ngắm nhìn Anh không chớp mắt: con người cao lớn, quắc thước ngồi trước mặt tôi đây đã ngự trị trong tâm hồn tôi suốt cả thời kỳ niên thiếu; trong mấy năm học ở Trường Bưởi tôi đã say mê Nhất Linh và Khái Hưng qua các tác phẩm văn nghệ. Cũng như hầu hết – nếu không muốn nói là toàn thể – thế hệ thanh niên cùng lứa tuổi với tôi. Tôi đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của Tự lực Văn đoàn về mặt văn nghệ, tư tưởng. Nhưng giờ đây chính người ấy lại là người lãnh đạo tôi trên con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Bởi vậy tôi không biết phải nhìn Nguyễn Tường Tam theo khía cạnh nào.

Thấy tôi ngồi ngây người, phân vân, anh Khái Hưng liền cất tiếng giới thiệu tôi với Nguyễn Tường Tam:

“Đồng chí đây là một cây bút xuất sắc mà chúng tôi mới tìm ra; anh ấy đã viết mấy thiên phóng sự rất đặc biệt trên Ngày nay bộ mới sau ngày Nhật đảo chính và từ trước ngày 19 tháng 8 năm ngoái anh ấy đã hoạt động cách mạng.”

Nguyễn Tường Tam nhìn lại tôi lần nữa rồi đưa tách cà-phê mời tôi. Khái Hưng quay lại tôi hỏi:

“Thế nào? Ở Lạng Sơn về rồi đấy à? Tình hình trên ấy ra sao?”

Tôi tuần tự tường thuật lại tình hình Lạng Sơn về mọi mặt chính trị, quân sự, nội bộ rồi đôi mắt tôi chăm chăm nhìn vào Anh, tôi nói nửa như chất vấn, nửa như trách móc:

“Lệnh của Trung ương ban xuống bắt phá cuộc tổng tuyển cử bịp bợm của cộng sản đã được học tập và chuẩn bị chu đáo, chỉ đợi ngày thi hành thì đánh độp một cái lại có phản lệnh bãi bỏ rồi tiếp đến việc Trung ương ký Tinh thành Đoàn kết với cộng sản mà không hề có lời giải thích hoặc giải thích không đầy đủ khiến tinh thần các đồng chí cán bộ và chiến sĩ Quốc dân quân hoang mang. Cán bộ các cấp chúng tôi ở địa phương không thể hiểu được thái độ của Trung ương ra sao cả! Chúng tôi hy sinh tính mạng, sống cơ cực hiểm nguy có phải là để tranh lấy 70 ghế cho Trung ương trong cái Quốc hội của bọn Vẹm đâu? Vả chăng, nếu các đồng chí thấu hiểu tình hình địa phương, tất các đồng chí đã không ký kết một cách quá dễ dãi như thế được vì hơn ai hết chúng tôi tin chắc rằng không thể nào thoả hiệp với bọn ‘Két’, dù là thoả hiệp tạm thời. Xem ngay như ở Lạng Sơn thì rõ: ở đấy ta mạnh hơn chúng về chính trị và quân sự, thế mà ngay sau khi bản Tinh thành Đoàn kết được công bố vài ngày, chúng nó đã trở mặt cướp trụ sở của mình, lấy súng và âm mưu ám sát cán bộ ta, như thế thì sự ký kết của các anh ở Trung ương chỉ là một hành động có hại cho địa phương; bản Tinh thành Đoàn kết ấy đã trở thành một lợi khí cho chính quyền Vẹm trói chân trói tay chúng tôi mà thôi.”

Tôi nói dứt lời, Anh trầm ngâm suy nghĩ rồi nhìn thẳng vào mắt tôi Anh đáp:

“Riêng tôi cũng biết rõ như thế nhưng xin các đồng chí xét rộng ra mới hiểu nỗi khổ tâm của chúng tôi. Những người cộng sản đã mau tay cướp được chính quyền, trong việc này họ đã được lợi thế rất nhiều vì sự nhu nhược thiển cận của chính quyền Trần Trọng Kim cũng như sự phò trợ gián tiếp của bọn cầm quyền quân sự của Nhật ở đây sau ngày đình chiến. Sau này họ lại mua chuộc được bọn tướng lĩnh Tàu và ngầm kết liên với bọn thực dân Pháp. Tinh thần dân chúng cũng như cán bộ ta tuy có cao nhưng nếu cuộc tranh đấu đi đến nội chiến thì máu đồng bào ta và cán bộ ta sẽ phải chảy rất nhiều, hậu quả tai hại không biết thế nào mà lường được, nhất là dân tộc ta đã phải trải qua bao thảm hoạ chiến tranh, nào bom đạn Đồng minh, nào bệnh tật, nào nạn đói năm ngoái. Bởi vậy tranh đấu quyết liệt, chúng ta lúc nào cũng phải nghĩ đến nhân dân đồng bào. Sự ký kết này cũng có những lý do của nó, xin đồng chí hiểu cho.”

Mặc dầu phát ra từ miệng một Nhất Linh mà tôi hằng mê say kính phục, lời giải thích đó không làm tôi thoả mãn. Điều này cũng dễ hiểu vì hồi đó tôi mới ngót ba mươi tuổi lại vừa bước chân vào con đường hoạt động cách mạng thì thử hỏi làm sao tôi có thể chấp nhận một quan niệm tranh đấu lưng chừng, uỷ mị kiểu văn nhân lòng mến như thế được? Nhất là từ sau ngày Đảng Cộng sản Đông Dương cướp được chính quyền, tất cả những hành vi của họ qua mắt tôi đều đúng tăm tắp với những lý thuyết của Đệ tam Quốc tế mà tôi đã thấu hiểu qua sách vở báo chí cộng sản. Trước mắt tôi lúc bấy giờ chỉ có một mục tiêu duy nhất là đánh đổ chính quyền cộng sản; mục tiêu ấy có đạt được thì mới mong cứu vãn dân tộc được; bởi thế mọi thoả hiệp với Việt Minh dưới bất cứ hình thức nào cũng đều bị tôi gạt bỏ; đối với tôi hồi ấy thì chỉ có hai thái độ: một là tranh đấu đến một mất một còn với cộng sản, hai là khuất phục thuận tòng chúng. Chứ không thể có thoả hiệp, dù là thoả hiệp tạm thời theo chính sách giai đoạn.

Với thái độ quyết liệt như vậy, tôi từ biệt Nguyễn Tường Tam ra đi trong một tâm trạng bâng khuâng nghi ngại. Sau đó vì phải bôn ba trên đường công tác tôi không còn được gặp Anh lần nào nữa nhưng hồi ở tỉnh bộ Nam Định, khi nhận được tin ký kết bản Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 với Pháp, thấy không có tên Nguyễn Tường Tam trong đó, tôi những mừng thầm không khác gì chính danh dự mình được cứu vãn. Thế rồi, không cần đợi chỉ thị của Trung ương, tôi liền thảo luận cùng các đồng chí trong tỉnh bộ tổ chức ngay hôm đó một cuộc biểu tình phản đối Hiệp định Sơ bộ. Thành thực mà nói, nếu có tên Nguyễn Tường Tam ký dưới bản Hiệp định đó có lẽ tôi đã không làm thế: sau này phân tích tâm trạng của chính mình, tôi cũng không hiểu tại sao mình lại vô lý đến như thế nhưng ở vào cái tuổi ba mươi tôi đâu có cần lý luận tách bạch? Kế đó với tư cách là Tổng trưởng Ngoại giao Việt Nam đi dự Hội nghị Sơ bộ với phái đoàn Pháp tại Đà Lạt, Hội nghị này chuẩn bị cho cuộc đàm phán chính thức ở Fontainebleau cũng sẽ do Anh cầm đầu. Theo dõi các tin tức trên báo chí và qua chỉ thị của Trung ương, tôi chỉ nóng lòng mong mỏi cho Hội nghị Đà Lạt tan vỡ.

Rồi quả nhiên nó tan vỡ thật: lòng tôi lại như được cất bổng đi một gánh nặng. Kế đó khi hay tin Nguyễn Tường Tam đã từ bỏ chức vị Tổng trưởng Ngoại giao, ly khai Chính phủ Liên hiệp để trốn sang Trung Hoa đồng thời với cụ Nguyễn Hải Thần để tổ chức lại lực lượng cách mạng quốc gia chống Cộng phản Thực, lòng tôi mừng rỡ khôn xiết. Ngay đêm đó tôi tổ chức một bữa rượu cùng mấy chiến hữu uống cho đến quá nửa đêm.

Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao tôi lại có tâm trạng và thái độ như vậy – một tâm trạng khó hiểu và một thái độ hầu như phi lý – nhưng quả tình là con người Nguyễn Tường Tam đã ngự trị tâm hồn tôi: tôi muốn cho nhân vật ấy được trong trắng cao thượng trong lòng tôi mãi mãi cho đến khi tôi từ giã cõi trần hình ảnh ấy cũng không bị lu mờ, hoen ố.

Sau này, khi cuộc kháng chiến nổ ra, tôi lưu lạc hết năm này qua năm khác trên miền rừng núi Sơn Tây – Hoà Bình nhưng không lúc nào là không nhớ đến bóng dáng, đến sắc diện của các chiến hữu đã cùng tôi san sẻ những nỗi cay đắng, khổ đau, những niềm hy vọng phấn khởi trong cuộc tranh đấu hồi 1945-1946 như Nguyễn Tường Tam, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Tường Bách, Gia Trí, mặc dầu tôi cho rằng không chắc gì những người ấy đã nhớ đến tôi. Hoài niệm đó có lần đã được diễn tả ra thành lời thơ qua những bữa rượu tiêu sầu bên sông Đà:

Ta nhớ xa xa những bạn nào,
Đêm nay trăng sáng, nhạt thưa sao.
Bên trời, ôm ấp hàm ca hận,
Vọng mỹ nhân hề ai hát ngao?

Ba chữ “vọng mỹ nhân” tôi lấy ở “Phú Xích Bích” của Tô Đông Pha, có nghĩa là nhớ bạn hiền, nhớ người quân tử.

*


Bây giờ đây, sau hơn mười năm sống ngoài xã hội cộng sản, thật khó mà hồi tưởng lại được một cách trung thực và đầy đủ cái tâm trạng của chính tôi trong mấy năm đầu của cuộc kháng chiến: tâm trạng đó không hẳn là tâm trạng tuyệt vọng của một kẻ chiến bại vì, tuy lạc lõng theo cái biển người từng đợt lại từng đợt kéo đi trên mọi nẻo đường từ khu 3 đến Việt Bắc, nơi nào cũng nặng trĩu một không khí kinh hoàng của chết chóc giam cầm, giả dối và nghi kỵ, tôi đã gặp được biết bao tâm hồn đồng điệu! Họ là những thanh niên vừa được tha ra khỏi những trại tập trung Mai Côi, Phi Đình, Thái Nguyên, Bắc Kạn sau hàng năm trời bị đày ải, đánh đập nhưng tinh thần của họ càng nhờ thế mà thêm vững chắc: niềm tin tưởng của họ là một niềm tin tưởng bất diệt vào tương lai cuộc tranh đấu của cả dân tộc để tự thoát ra khỏi mọi chế độ áp bức dưới bất cứ hình thức nào. Nhiều người trong số những thanh niên đó kể lại cho tôi nghe rằng có những nam nữ chiến sĩ Quốc dân Đảng trước khi nhắm mắt lìa đời sau những ngày dài bệnh hoạn trong một xó trại giam ở giữa rừng còn nhắc đến tên “Nguyễn Tường Tam”. Hơn thế lại óc những chiến sĩ trong khi bị bịt mắt dẫn ra pháp trường cũng như trước khi giơ ngực ra để đón nhận lấy những phát đạn hoặc những nhát dao của bọn đao phủ cộng sản đã thu hết tàn lực của họ để hô to ba tiếng “Nguyễn Tường Tam”. Sau khi được nghe chuyện do chính miệng những người thoát chết kể lại, tôi cảm thấy lòng được an ủi một phần nào trong cái cảnh bơ vơ lạc lõng của một kẻ chiến bại.

Đến cuối năm 1947 và sang đầu năm 1948, sau khi bị thất vọng vì bài diễn văn của Cao uỷ Pháp Bollaert đọc tại Hà Đông (trong vùng chiếm đóng), chính quyền cộng sản liền cho phát động một phong trào tuyên truyền đã kích rất sâu rộng để triệt hạ uy tín của Bảo Đại, bỡi lẽ thời ấy, trong dư luận dân chúng cũng như các phần tử trí thức bỗng dưng phát sinh ra một khuynh hướng luyến tiếc vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã thoái vị: người ta nhắc lại những lời trong bản tuyên cáo thoát vị của vua Bảo Đại với rất nhiều thiện cảm. Để thủ tiêu nốt đôi chút uy tín mà người vắng mặt còn lưu lại trong tâm não dân chúng, bọn cộng sản đã dùng đủ mọi hình thức: ngoài những cuộc mít-tinh tuyên truyền liên tục, những biểu ngữ nhan nhản khắp nơi, chúng còn cho vẽ tranh để bôi nhọ Bảo Đại và nhất là kết rơm thành những “hình nộm” Bảo Đại đặt tại các chợ búa trường học, các chốn thị tứ rồi cho người chọc mắt, đâm thủng ngực cuối cùng đem đốt.

Thế rồi bỗng nhiên phong trào đó ngưng hẳn lại để được thay thế bằng một phong trào khác, rầm rộ hơn: phong trào hạ bệ Nguyễn Tường Tam.

*


Phong trào tuyên truyền đả phá Nguyễn triều và Bảo Đại rầm rộ về mặt tổ chức và nặng nề về hình thức bề mặt bao nhiêu thì trái lại phong trào hạ bệ Nguyễn Tường Tam lại chú trọng về chiều sâu. Những người cộng sản Đông Dương thừa hiểu rằng uy tín của Nguyễn Tường Tam đã được xây dựng một cách vững chắc trong tâm não đại đa số nhân dân quần chúng trước hết bởi văn học nghệ thuật rồi sau đó lại được củng cố và phát triển bởi những hoạt động cách mạng, cho nên muốn huỷ diệt cái thế lực tinh thần của nhân vật đó trong dư luận không thể dùng đến mít-tinh, biểu ngữ, khẩu hiệu hoặc hình nộm mà được. Họ cũng thừa biết rằng những tư tưởng cách mạng dân chủ của Đảng Đại Việt Dân chính do Nguyễn Tường Tam khai sáng và lãnh đạo đã thâm nhập vào cốt tuỷ của cả một thế hệ thanh niên do con đường văn hoá thì không thể một sớm một chiều đánh tan đi được bằng những trò bịp bợm quá nông cạn, hời hợt. Chính vì thế, từ cuối năm 1947 trở đi, Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra lệnh cho tất cả đoàn thể văn hoá cũng như đảng bộ các cấp phải thường xuyên học tập, thảo luận để đưa ra những lý luận đả kích Nguyễn Tường Tam và nhóm Tự lực Văn đoàn dưới hình thức phê bình văn học và nghệ thuật.

Những lý luận đó không nhất thiết được đưa ra một cách máy móc như trong vấn đề chính trị khác mà nội dung thay đổi tuỳ theo đối tượng tuyên truyền của chúng. Đại khái đối với giới trí thức thanh bình thì chúng trình bày Nguyễn Tường Tam như một nhân vật điển hình cho phong trào phản ứng uỷ mị của giai cấp tiểu tư sản trong chế độ áp bức của thực dân phong kiến và cái cách mạng kiểu tiểu tư sản của Nguyễn Tường Tam chỉ là một thứ cách mạng tạm bợ trong một giai đoạn quá độ, chỉ cần thiết trong một xã hội tiệm tiến chứ đối với một xã hội đã có cách mạng bột phát như của Việt Nam sau ngày 19 tháng 8 năm 1945 thì một phong trào cách mạng như thế rõ rệt là lỗi thời. Đó là luận điệu giải thích cho giới trí thức trung lưu còn đối với các cán bộ đảng viên, bọn cộng sản thẳng thắn cho rằng Nguyễn Tường Tam là kẻ thù trước mắt của cuộc cách mạng vô sản bởi lẽ, với danh nghĩa giải phóng dân tộc và chủ trương đem chính quyền về cho nhân dân (dân chính) phong trào cách mạng của Nguyễn Tường Tam rất được đại đa số quần chúng tán thành và như thế một mai lực lượng tiềm tàng của cách mạng dân chính có thể trở thành nguy cơ lâu dài cho chính quyền vô sản. Vì những lý do đó người cộng sản phải đối phó ngay từ bây giờ và luôn luôn đả phá uy tín của Nguyễn Tường Tam và triệt hạ mọi phần tử có khuynh hướng dân chính.

Qua hai phong trào hạ bệ nói trên hồi đó tôi thường lấy làm lạ tự hỏi tại sao trong khi chúng đã nắm trọn chính quyền trong tay và đang gặp hoàn cảnh vô cùng thuận lợi để thực thi chủ nghĩa, nấp sau nhãn hiệu kháng chiến chống Pháp, bọn Cộng sản Đông Dương lại tỏ ra quá sợ hãi những kẻ vắng mặt? Và nhất là trong lúc chúng đang cao rao khẩu hiệu “Toàn dân đoàn kết chống xâm lăng” mà chúng lại giở những trò xảo quỷ ấy ra thì khỏi sao gây hoang mang, thắc mắc cho dân chúng vì, một mặt thì kêu gọi đoàn kết mà một mặt lại trâng tráo thực hiện chia rẽ như thế, dân chúng ai còn tin nữa?

Thế rồi một bữa kia, nhân lúc tửu hứng, một đảng viên cao cấp của cộng sản đã nói lộ ra cho tôi biết cái nguyên nhân chính trong phong trào hạ bệ Nguyễn Tường Tam: sở dĩ Chính phủ và Đảng phải làm thế là vì ở bên Trung Hoa Nguyễn Tường Tam đang tiến mạnh đến sự liên kết tất cả các đảng phái quốc gia để lập ra một tổ chức khá mạnh là Mặt trận Quốc gia Liên kết (thực ra thì đó là Mặt trận Thống nhất Toàn lực chứ không phải Quốc gia Liên kết như lời cán bộ đảng viên đã nói). Nhân đó tôi có hỏi tại sao phong trào hạ bệ Bảo Đại tự nhiên lại ngưng để thay thế bằng phong trào đả kích Nguyễn Tường Tam thì y trả lời:

“Bảo Đại dù sao cũng chỉ là nhân vật rất lu mờ, uy tín không đáng kể cho nên dù hắn có bắt tay với Pháp, cũng không đáng sợ. Trái lại, uy tín và anh hùng của Nguyễn Tường Tam đối với dư luận trong nước và quốc tế lúc này đây và mai sau nữa vẫn còn là trở ngại khá lớn cho chính quyền vô sản chúng ta. Từ trước đến giờ các lực lượng quốc gia phản động chỉ được coi như những viên gạch vỡ lăn lóc, mỗi nơi một viên nhưng bây giờ Nguyễn Tường Tam có thể là chất xi-măng gắn liền những viên gạch rời rạc đó vào với nhau để trở thành một khối chận đường của chính thể ta sau này.”

Đồng thời với cuộc tấn công bằng tuyên truyền và học tập có kế hoạch tỉ mỉ, chính quyền cộng sản lại bắt tay vào một cuộc khủng bố mới. Ngoài việc bắt bớ thêm một số người bị nghi là đã có những hoạt động chống đối chính quyền từ trước ngày Toàn quốc Kháng chiến, ngoài việc đem những phạm nhân chính trị – hầu hết là đảng viên các đảng quốc gia đối lập – ra tàn sát một cách vội vã, không cần đến mọi hình thức và thủ tục tư pháp nhân cuộc quân Pháp nhảy dù xuống Phú Thọ và tiến đánh Việt Bắc, chính quyền và Đảng Cộng sản còn bắt tay vào một cuộc thanh trừng rộng lớn trong bộ máy hành chính và quân sự: tất cả cán bộ các ngành đều phải khai lý lịch đến tam đại, phải tự tay ghi rõ thành phần xã hội của mình vào lý lịch (công nhân, nông dân hay tiểu tư sản? Trí thức bậc nào? Tôn giáo nào?); thế rồi sau đó lệnh giản chính được thi hành để loại bỏ những phần tử bị coi là bất hảo ra khỏi bộ máy hành chính, ra khỏi các chức và chỉ huy trong quân đội và nhất là ra khỏi các cơ cấu của Đảng và Mặt trận. Tất cả những biện pháp đó đều nhắm một mục đích là loại trừ mọi ảnh hưởng của phong trào Quốc gia Liên kết có thể từ hải ngoại tẩm nhập vào nội bộ kháng chiến, một phong trào mà tinh thần dân chính của Nguyễn Tường Tam là động cơ chủ não.

Cuối năm 1949, sau khi hầu hết tỉnh Sơn Tây đã lọt vào phạm vi chiếm đóng của quân đội viễn chinh Pháp, vào một ngày cuối thu, ba-lô trên lưng, tôi sang một làng nọ thuộc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên để mở lớp huấn luyện địch vận, làng này ở cách làng Thổ Tang, quê hương Nguyễn Thái Học có một cánh đồng và lúc bấy giờ đúng vào thời kỳ cộng sản đang khủng bố mạnh nhất: nhiều nhân sĩ cao niên đã từng tham gia cách mạng trong phán bảo Nguyễn Thái Học cũng lần lượt bị bắt và đưa đi trại tập trung. Lớp huấn luyện cán bộ địch vận mà tôi phụ trách mở ngay tại một toà nhà ngói cổ, có sân và có vườn rộng nhưng chủ nhà, một cụ Lang nổi tiếng Nho phong nền nếp năm đó đã ngót sáu mươi tuổi, cũng đã bị bắt từ mấy tháng trước. Trong thời kháng chiến, các lớp huấn luyện đều được tổ chức theo lối sống tập thể vì học viên hầu hết đều là những cán bộ hạ tầng từ trong vùng địch chiếm trốn ra theo học. Vào một đêm trăng nọ, giữa khoá huấn luyện, phần kiểm thảo hàng ngày vừa xong, theo thường lệ, các cán bộ huấn luyện cũng như các học vấn đều tụ tập ở giữa sân để dự cuộc “vui nhộn” trong đó mỗi người cống hiến một trò giúp vui cho tập thể, hoặc một bản đàn, một bài ca, hoặc ngâm thơ hoặc diễn kịch cùng lắm phải kể một câu chuyện tiếu lâm hoặc chuyện cổ tích. Thế rồi đến lượt một học vấn tuổi chừng ba mươi, vẻ người láu lỉnh, quê ở Phúc Thọ đứng lên tự giới thiệu để ca một bài vọng cổ: cử toạ vỗ tay reo lên vì điệu hát vọng cổ trong thời đó ở miền Bắc là một môn văn nghệ độc đáo bên cạnh những bài tân nhạc ca tụng cách mạng và lãnh tụ. Ngồi một góc sân tôi cũng theo dõi cuộc vui nhộn thì thấy người cán bộ học vấn giới thiệu cái tên của bài ca là “Nguyễn Tường Tam”, tôi lạ quá cố lắng tai nghe. Qua mấy câu nói lối kể lại gốc tích Nguyễn Tường Tam đại khái như sau:

Vốn quê ở Quảng Nam, Nguyễn Tường Tam thuộc dòng dõi phong kiến, tổ tiên đều làm quan, cha thì làm tri huyện Cẩm Giàng cho đến Nguyễn Tường Tam sang Pháp du học đỗ bằng cử nhân nhưng vì tính thích lêu lổng chơi bời, thực dân không dùng nên sinh ra bất mãn v.v… Sau mấy câu nói lối, bắt sang diệu vọng cổ, y đổi giọng ngâm nga kết tội Nguyễn Tường Tam là tên trùm phản động, là tiêu biểu cho giai cấp trí thức tiểu tư sản lạc hậu, thối nát; cuối cùng là bài ca ngả hẳn sang luận điệu hô hào cổ võ đồng bào đừng nên mắc mưu tuyên truyền của bọn phản động đội lốt cách mạng mà Nguyễn Tường Tam là kẻ cầm đầu và dĩ nhiên bài ca kết thúc bằng một vài câu xưng tụng Hồ Chí Minh, đề cao cuộc cách mạng vô sản.

Nghe hết bài vọng cổ, tôi trầm ngâm suy nghĩ trong khi từ cán bộ huấn luyện đến cán bộ học vấn ai nấy đều vỗ tay hoan hô: có kẻ lại vội vã lấy bút và sổ tay ra xúm quanh gã cán bộ vừa hành trình để xin chép lại bài vọng cổ.

Hôm sau tôi lân la đến làm quen với người cán bộ vùng Tề đã hát bài vọng cổ đêm trước rồi dần dà tôi được biết hắn là đảng viên dự bị ở miền Phúc Thọ, gần thị xã Sơn Tây. Mặt hắn bèn bẹt, đôi mắt hắn híp lại, ti hí mắt lươn, trước đây hắn đã từng làm kép hát và nay làm nghề thợ may. Vì được bảo đảm bởi tư cách đảng viên, hơn thế lại được nhận công tác làm kinh tài trong vùng chiếm đóng nên y vẫn thường xuôi về Hà Nội để đi xem hát cải lương và do đó, căn cứ vào chỉ thị của Đảng, hắn đã đem cái nghề mọn của hắn là nghề hát cải lương để phục vụ đường lối của Đảng trong phong trào hạ bệ Nguyễn Tường Tam.

Hình ảnh của đêm trăng đó với tên cán bộ kép hát và điệu vọng cổ tuyên truyền của hắn đã gây ra trong trí óc tôi một ấn tượng rất sâu đậm về tính cách kệch cỡm, ngu độn và buồn nôn của những kẻ đã bất chấp lý trí và lương tri của con người để bôi nhọ những người mà chúng coi là địch thủ chỉ vì không đi chung đường lối, không chịu khuất phục chúng.

Tuy nhiên có một điều khiến tôi không khinh gã cán bộ kép hát mà chỉ thương hại cho hắn là vì hắn đã không hiểu việc hắn làm, không biết hết những điều hắn nói. Chẳng qua hắn nghêu ngao mấy câu vọng cổ bôi nhọ Nguyễn Tường Tam là vì hắn muốn tâng công với Đảng. Chứ thực tình nếu biết đến nơi đến chốn, có lẽ hắn phải tự thẹn vì mấy câu hát xuyên tạc một cách vô ý thức trong đêm đó. Tôi biết rõ như thế là vì trong một đếm trăng suông sau đó, tôi đã cùng hắn và một vài cán bộ học vấn đi dạo chơi ngoài cánh đồng; khi bước lên bãi cỏ dịu mượt dưới ánh trăng chính gã cán bộ kép hát kiêm thợ may, trong một phút xúc cảm trước cảnh thiên nhiên đã bất giác ngâm lên mấy câu thơ của Vũ Hoàng Chương trong bài “Dâng tình”:

“… Đường xanh bóng trăng
Lửa đào tung bay phấp phới
Giai nhân ôi xin dừng gót lại!”

Tôi đã đoán biết rằng gã có một tâm hồn văn nghệ cho nên sau khi gợi ra cho gã đi sâu vào câu chuyện thơ tôi mới đem những tác phẩm của Tự lực Văn đoàn – nhất là mấy tác phẩm chính của Nhất Linh – ra hỏi ý kiến gã. Thì quả nhiên gã như xuất thần say sưa, hoa chân múa tay tán thưởng từ nội dung đến văn chương của những tác phẩm như Gánh hàng hoa, Nửa chừng xuân và nhất là Lạnh lùng, Đoạn tuyệt Bướm trắng. Để gã thao thao bất tuyệt một hồi lâu rồi tôi mới hỏi:

“Thế qua tất cả những tiểu thuyết đó của Tự lực Văn đoàn, đặc biệt là của Khái Hưng và Nhất Linh, đồng chí nhận thấy có khuynh hướng gì?”

Gã cán bộ tuy cảm thấy nhưng không thể diễn tả hết ra lời được. Thấy thế tôi khơi mào hỏi:

“Ý muốn của Nhất Linh và Khái Hưng là phá bỏ tất cả những cái gì lạc hậu, xấu xa, giả dối trong chế độ gia đình và xã hội cũ để tạo lập nên một xã hội mới theo một tinh thần mới trong đó con người được giải phóng và tự do hơn, đồng chí có nghĩ như thế không?”

Gã cán bộ vỗ tay reo lên:

“Phải rồi! Chính tôi cũng nhận thấy như thế nhưng không nói ra được.”

Tôi lại hỏi:

“Theo đồng chí thì phá bỏ cái cũ để kiến tạo cái mới cho thích hợp với sự tiến bộ của loài người, như thế có phải là cách mạng không?”

Người cán bộ đáp không suy nghĩ:

“Thế đúng là cách mạng chứ!”

Cuối cùng trước khi ra về tôi ghé tai bảo thầm gã cán bộ kép hát:

“Nhất Linh là Nguyễn Tường Tam đấy, đồng chí có biết không?”

Gã lặng người không đáp. Và từ hôm ấy cho đến ngày chia tay, gã trở nên ít nói, thỉnh thoảng chỉ nhìn trộm tôi với tất cả vẻ ngượng ngập trong ánh mắt.

*


Câu chuyện trên đây tôi nhớ như mới xảy ra ngày hôm qua. Từ đó đến nay tôi đã được nghe hoặc được đọc khá nhiều những luận điệu chê bai, chỉ trích hoặc bôi nhọ Nguyễn Tường Tam phát ra từ miệng những kẻ không phải là đảng viên cộng sản mà cũng chẳng phải là kép hát. Nhưng nếu so sánh với gã cán bộ vùng Tề năm nọ thì những kẻ sau này còn đáng phỉ nhổ hơn nhiều: người công nhân yêu chuộng văn nghệ vùng Phúc Thọ có lương tri vì đã biết tỏ ra hổ thẹn khi thấy là mình lầm trong khi có biết bao nhiêu kẻ khác – tuy vẫn tự vỗ ngực là chiến sĩ quốc gia, dân tộc vì tự do mà chống cộng – nhưng chúng đã không từ một hành vi xảo quỷ nào, không kiêng một lời lẽ hạ tiện nào để bôi nhọ nhằm hạ uy tín của một văn hào, một chiến sĩ đã dám hy sinh cả cuộc đời mình cho lý tưởng duy nhất là đem lại tự do và hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.

Từ cuối năm 1949 cho đến hết năm 1950, với tư cách là một cán bộ huấn luyện công tác địch vận, tôi đã có cơ hội được đặt chân đến rất nhiều miền quê ở trung châu và thượng du Bắc Việt. Nhờ đó chính tôi đã được mắt thấy tai nghe muôn vàn thảm cảnh của đồng bào, những thảm cảnh do chiến tranh gây nên cũng có mà do chính quyền Cộng sản tạo ra cũng có. Sau khi lệnh tổng đảng viên nhân lực vật lực và tài lực được ban bố và thi hành thì nhân dân – nhất là nông dân – hầu như tuyệt cả đường sống, nhất là những nông dân sống sát miền địch chiếm đóng. Vào một chiều đông năm 1949, nhân một chuyến đi công tác tôi ghé qua một căn lều của một gia đình nông dân dựng tạm lên dưới chân một ngọn đồi hẻo lánh thuộc một làng ven sông Hồng gần Hưng Hoá. Cảnh sống xơ sác, kinh hoàng của gia đình này cũng là cảnh sống đày đoạ vất vưởng của đa số nông dân miền Bắc hồi đó. Thế rồi khi chia tay, người nông dân bùi ngùi đến rơi lệ mà bảo với tôi rằng:

“Các ông ở Hà Nội thì mai kia còn có Hà Nội mà về chứ như chúng cháu đây thì không biết về đâu mà sống được?”

Sau đó có những đêm dài trằn trọc tôi nhớ lại lời của Ninh đã nói với tôi trước mặt Khái Hưng trên căn gác 80 Quan Thánh vào một buổi sáng mùa xuân năm Bính Tuất:

“Nếu cuộc tranh đấu đi đến nội chiến thì máu đồng bào và cán bộ ta sẽ phải chảy rất nhiều, hậu quả sẽ tai hại không biết thế nào mà lường được…”.

Lời nói đó bây giờ đây tôi mới nhận thức được cái ý nghĩa chính xác và cao cả của nó. Thì ra tấm lòng yêu nước thương đồng bào đã là động cơ duy nhất thúc đẩy Nguyễn Tường Tam vào con đường đấu tranh cách mạng: không lúc nào Anh để cho tinh thần đó bị xóa nhoà bởi những thủ đoạn chính trị giai đoạn. Trong Anh không thể có sự phân biệt giữa phương tiện và cứu cánh: bất cứ thủ đoạn nào, bất cứ phương tiện nao dù cho nó mang lại thắng lợi cho cá nhân hoặc đoàn thể mà đi ngược lại với quyền lợi và hạnh phúc của dân tộc cũng đều bị Anh gạt bỏ. Rõ rệt là trong con người cách mạng Nguyễn Tường Tam người ta vẫn nhận thấy cốt cách, tâm não của con người văn nghệ Nhất Linh.

Trở lại với hiện tình đấu tranh của bản thân mình, tôi không lúc nào quên lời nói của người tài liệu và lời than thở nghẹn ngào qua ánh lệ của người nông dân miền Hưng Hoá rồi tôi tự hỏi không biết có nên cứ bám mãi vào cái danh nghĩa kháng chiến hư huyễn này không? Và bên kia vành đai trắng, trong miền chiếm đóng, có ai là người còn nghĩ đến cái thảm cảnh của người dân ngoài này đeo nặng trên tâm hồn và thể xác cái gông cùm áp bức nô lệ được tô vẽ bằng danh nghĩa kháng chiến chăng?

Tâm sự này có lần tôi đã thổ lộ ra bằng những lời thơ qua những cuộc rượu thâu đêm trong một quán vắng bên sông Đáy kế cận vùng địch chiếm:

Đêm nay súng rộn giang biên
Lờ mờ binh hoả kìa miền Thăng Long
Không sang chẳng tại cách sông
Đây chưa là bến đây không có bờ
Đêm nay có một con đò
Bơ vơ bến lạ, quanh co sông người.

Rồi, trong những lúc canh tà bóng xế ngồi một mình trên căn nhà sàn giữa xóm Mường Bá Trại tôi dở cuốn sổ tay ra đọc lại những lời lẽ mà Nguyễn Tường Tam từ bên kia biên giới đã gửi về cho các đồng chí trong nước hồi tháng 1 năm 1945, trước ngày Nhật đảo chính Pháp đúng 2 tháng:

Cùng hết thảy các bạn chiến đấu,

Sau mấy năm cách mặt, đến giờ mới có cơ hội gởi lời thăm hết thảy các bạn xa gần, già trẻ, biết hay không biết nhưng đã cùng tôi trong bấy lâu chiến đấu dưới một lá cờ, phụng sự một lý tưởng: cứu nước và duy trì nòi giống, đưa dân tộc đến chỗ vinh quang. Thời giờ thật là khẩn cấp, chiến tranh biên giới sắp đến hồi quyết định sự hưng vong của nòi giống Đại Việt ta là ở lúc này đây. Mong anh em ra tâm phấn đấu, đếm hết sức lực ra để làm cho Đảng chúng ta mạnh mẽ gấp mười trước, có thể đối phó với thời cuộc, đem lại cho nước ta sự độc lập ao ước bao lâu. Ở trong nước hy vọng đặt cả vào anh em. Ở ngoài này chúng tôi xin nỗ lực cho khỏi phụ lòng anh mong mỏi. Ở ngoài, ở trong cùng hết sức để rồi có ngày kia bắt tay nhau trên đất nước nhà trong cái không khí tưng bừng của ngày Quốc hội: ngày đầu tiên của nước Đại Việt độc lập.

Vân Nam, ngày 17-1-1945

Tường Tam

Niềm hy vọng mãnh liệt chứa chan của Nguyễn Tường Tam bốc toả lên qua mấy lời hiệu triệu trên đây, theo tôi nghĩ, có thể được ghi lại như một sức khoẻ lịch sử tiêu biểu cho tinh thần ham chuộng Tự Do của thực tế dân tộc trong một giai đoạn đầy hào hứng và phấn khởi ít thấy trong lịch sử. Nhưng than ôi! Khát vọng đó của Nguyễn Tường Tam cũng như của cả một dân tộc đã bị cộng sản bóp chết ngay từ chớm nở. Và, nếu những lãnh tụ các lực lượng quốc gia được thấy tận mắt cái cảnh thảm khốc ngày nay mà dân tộc đang phải chịu thì chắc chắn là vào hồi đầu năm 1946 họ đã ít dè dặt hơn trước viễn tượng một cuộc nội chiến.

Trước kia tôi đã cương ngạnh phản đối mọi thoả hiệp với cộng sản thì giờ đây, sau bao kinh nghiệm bản thân, tôi lại càng kiên quyết cho rằng lý tưởng Tự do Độc lập và Hạnh phúc Dân tộc không phải là hoàn toàn chỉ nhờ vào thiện chí và quyết tâm mà đủ: nếu chỉ vì sợ phương hại đến đoàn kết mà chịu nhân nhượng cả với bọn gian tham quỷ quyệt độc ác bạo tàn thì còn tệ hại hơn cả sự đầu hàng kẻ địch. Qua ngót một thế kỷ Pháp thuộc chúng ta há chẳng nhận thấy rằng cường hào, quan lại, phong kiến còn đáng sợ hơn Thực dân và từ sau ngày cộng sản nắm được chính quyền thì Cộng sản lại còn đáng sợ hơn quan lại, phong kiến. Muốn có một đĩa trứng tráng ngon lành tất nhiên phải đập vỡ quả trứng tròn đẹp; bởi vậy trong thâm tâm tôi vẫn hy vọng rằng rồi ra thực tế sẽ tài bồi cho Mặt trận Thống nhất Toàn lực của Nguyễn Tường Tam thêm nhiều kinh nghiệm tranh đấu. Tôi tin tưởng ở sự thành công của đoàn thể Đại Việt Dân Chính vì ngay trong hàng ngũ kháng chiến lúc bấy giờ hiện còn có biết bao nhiêu phần tử trí thức đã – hoặc nhiều hoặc ít, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp – chịu sự chi phối của đoàn thể đó, tỉ dụ như Dương Đức Hiền hồi đó là lãnh tụ Đảng Dân chủ dưới sự kiềm chế của Đảng Cộng sản Đông Dương, trước ngày 19-8-1945 chính là Trưởng ban Thanh niên Tiền tuyến của Đại Việt Dân Chính. Tất cả những người bạn đồng cảnh đó của tôi trong kháng chiến chắc cũng phải có những giờ phút sống tâm trạng khắc khoải của một kẻ lạc ngũ như tôi. Mấy năm sau, khi đã rời bỏ hàng ngũ kháng chiến để trở về thành, tôi mới được anh bạn Lý Thắng đưa cho xem một bức thư – đúng hơn là một mẩu giấy chỉ bằng bàn tay – do chính Nguyễn Tường Tam viết cho Dương Đức Hiền nhưng tên người nhận chỉ được viết tắt là H…, nguyên văn như sau:

Anh H…

Từ lúc chúng mình đứng trước lá cờ của Đảng, lúc nào tôi cũng tin tưởng ở anh và chứa chan hy vọng ở anh, một chiến đấu viên có thể làm vinh dự cho Đảng, cho nước. Sau một hồi yên lặng bắt buộc vì tình thế, lại mong anh gia nhập hàng ngũ để cùng anh em khác chiến đấu, để nâng dắt các anh em khác, gây cho Đảng Đại Việt ta một sức cứng như thép, đủ đối phó với thời cuộc rất khẩn cấp hiện nay. Mọi việc anh thương thảo với R… rồi hành động ngay đi. Tôi ở ngoài này đợi tin anh và tôi chắc không bao lâu sẽ vui mừng, thấy anh, trước cũng như sau, bao giờ cũng là chiến đấu viên trung thành của Đảng và dự một phần vào công việc tăng thêm sức cho Đảng, đã quyết tâm hy sinh, đã biết lý tưởng của chúng ta là đúng thì hăng hái theo cho đến cùng, đến khi cứu được nòi giống ra khỏi vùng áp bức nô lệ.

Bạn chiến đấu của anh

Tường Tam

Mấy dòng chữ có quan hệ lịch sử này cho tới nay vẫn chưa đến tay người nhận. Và, trong giờ phút mà tôi viết ra mấy lời hoài niệm này, tác giả bức thư – Nguyễn Tường Tam – cùng người nhận thư – Dương Đức Hiền – đều đã nằm sâu dưới đáy mộ, một ở miền Nam và một ở miền Bắc. Câu chuyện thương tâm trên đây có thể co là một điển hình cho cả một thời đại bi đát mà dân tộc ta đã trải qua trong mười lăm năm gần đây: có những người bạn đồng chí cùng nhau nguyện thề dưới một lá cờ để phụng sự một lý tưởng mà rồi đến nước phải sống xa nhau như âm dương cách trở, những dòng chữ chuyển đạt tâm tư được gửi đi mà không đến tay người nhận và rút cục mỗi người phải nhắm mắt lìa đời ở một phương trời, mang theo cả tâm sự ngàn đời xuống đáy mồ khép kín.

Người xưa có câu “Cái quan định luận”, nghĩa là sau khi đậy nắp quan tài mới định rõ được giá trị chân xác của cuộc đời một người. Nhưng trong trường hợp Nguyễn Tường Tam và Dương Đức Hiền – cũng như trường hợp của trăm ngàn chiến sĩ vô danh khác đã bỏ mình trong tủi hận vì chính nghĩa dân tộc trong khoảng mười lăm năm nay, - dù cho nắp quan tài đã đóng lại và dù cho cỏ xanh đã phủ kín mộ phần, đã chắc gì thế nhân có thể định luận cho đúng mức được?

*


Kẻ viết mấy hàng hoài niệm này, may mắn đã không phải ở vào hoàn cảnh của Dương Đức Hiền. Vào khoảng đầu năm 1951, khi tôi đã rời bỏ hàng ngũ kháng chiến để hồi cư về Hà Nội được mấy tháng thì thấy các báo đăng tin Nguyễn Tường Tam cũng vừa từ Hương Cảng về nước. Mặc dầu đang ở vào tâm trạng ngỡ ngàng của một kẻ “neo thuyền bến lạ” sau khi đặt chân vào vùng chiếm đóng được mệnh danh là vùng Quốc gia, tôi cũng không nén nỗi vui mừng vì thực tâm tôi đặt rất nhiều hy vọng vào sự trở về của Nguyễn Tường Tam: tình thế lúc bấy giờ, về đối nội cũng như đối ngoại, đã lâm vào một trạng thái vô cùng phức tạp, khó xử chứ không còn giản dị như hồi đầu năm 1945 nữa.

Hồi đó Pháp đang dốc toàn lực sang Đông Dương để cố thanh toán cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đằng sau Pháp lại có cả Hoa Kỳ và Anh vẫn nỗ lực viện trợ về mọi mặt để Pháp lại được vững chân trên bán đảo Đông Dương: giải pháp Bảo Đại chỉ là một nước sơn rất mỏng không đủ che mặt bất cứ người Việt Nam yêu nước nào. Trong khi đó cộng sản Trung Hoa đã thôn tính trọn lục địa và còn thừa sức để võ trang cho hàng sư đoàn Vệ Quốc quân Việt Nam ngày đêm ùn ùn kéo qua biên giới với chiếc đầu trọc lốc và hai bàn tay không để trở về các mặt trận với súng ống tối tân của Tiệp Khắc và Trung cộng. Ngày 6 tháng 1 năm 1950, trước ngày tôi trốn về thành nửa năm, đúng vào lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, tôi đã được nghe một cán bộ Đảng công khai tuyên bố rằng cuộc tổng phản công tất nhiên sẽ phải đến vì một là nước bạn Trung Quốc sẽ dốc toàn lực để giúp chúng ta giải quyết chiến trường Việt Nam, hai là sẽ mở thêm trận tuyến ở một nơi khác để chia sẻ lực lượng của phe Đế quốc: mặt trận thứ hai đó có thể là Triều Tiên.

Bắt đầu trốn về Hà Nội ngày 19 tháng 5 năm 1950 thì sang tháng 6, tôi bàng hoàng nghe tin cuộc chiến tranh Cao Ly bùng nổ. Trước đó tôi không tin vào lời gã cán bộ đảng viên và cho đó chỉ là một luận điệu tuyên truyền hứa hẹn hão để khích lệ dân chúng trong nỗ lực đóng góp cho cuộc tổng phản công. Nhưng giờ đây, lời nói đã trở thành sự thực và cái thế nước lúc bấy giờ có thể tóm tắt như sau:

Hai huy hoàng quân sự và chính trị tương tranh trên dải đất Việt Nam là cộng sản và thực dân: lực lượng Cộng sản Việt Nam có Trung Cộng trực tiếp giúp đỡ là một lực lượng đang lớn mạnh lại được võ trang bằng chính nghĩa kháng chiến cho nên mặc dầu đã được Mỹ và các nước Đồng minh Tây phương giúp dập dủ đường, Pháp không thể nào giải quyết được vấn đề Việt Nam theo ý muốn bằng một giải pháp chính trị hay một cuộc tấn công quân sự. Tuy nhiên người ta không thể đoán được rằng Pháp sẽ chấm dứt cuộc “sa lầy” ở Đông Dương bằng phương thức nào. Trước thực trạng đó, những người Việt Nam thật lòng yêu nước khó có thể chấp nhận được một sự hợp tác với thứ chính quyền hữu danh vô thực được mệnh danh là “giải pháp Bảo Đại”, bởi lẽ cái chính quyền quốc gia hồi đó, qua mấy nội các kế tiếp nhau, trong thực chất chỉ là những triều đình tạm bợ gồm toàn những ông tri huyện và đốc phủ cũ, từ xưa vốn chỉ quen với nhiệm vụ thừa hành chứ không hề biết đến chính trị và cách mạng nào hết. Thật đúng với lời một người pháp thời ấy đã định nghĩa triều đình Bảo Đại là triều đình của những “tri huyện còm” (une cour để petits tri huyện).

Chính trong trạng huống bi đát đó mà tôi gặp Nguyễn Tường Tam lần thứ nhì trong đời: gặp trong một bữa tiệc do ông Giám đốc Thông tin Nguyễn Trọng Trạc thết tại tư thất đường Quan Thánh. Thời ấy những nhà cách mạng hải ngoại trở về đã là những món hàng được giá: người ta muốn có những quân cờ mới, những tài tử mới để mong gợi hứng cho dư luận đã quá chán chường vì không khí tẻ nhạt của sân khấu chính trị trong vùng chiếm đóng. Chính vì lý do đó mà đã có những “cách mạng gia” bất đắc dĩ và cũng bất đắc dĩ phải sống cuộc đời lưu vong trong ít năm khi trở về đã được cả một bầy tay em đầu cơ xoắn lấy, bao vây thật chặt để dùng làm “đầu tàu”, hoặc một món hàng tung ra thị trường chính trị khi cần đến. Bởi vậy, tuy ngồi thiết bị bàn tiệc mà lòng tôi lo ngay ngáy, chỉ sợ Nguyễn Tường Tam cũng sẽ bị lợi dụng, cũng sẽ “điểm mại” cả cuộc đời cách mạng của Anh để lấy một chức Bộ trưởng hoặc Tổng trưởng như sau đó một vài người đã làm. Nhưng may thay, Anh đã tuyên bố rõ rệt và cương quyết ngay trong bữa tiệc với các người thân cũng như trước đó đã tuyên bố với báo chí rằng Anh sẽ không hoạt động chính trị và sẽ quay về với hoạt động văn hoá.

Lời tuyên bố này đã khiến nhiều người hoặc ngạc nhiên hoặc chán nản nhưng riêng tôi, tôi nhận thấy như thế là rất phải. Nguyễn Tường Tam không hề bao giờ làm chính trị và không thể nào làm chính trị được: ANH CHỈ LÀ CON NGƯỜI CỦA VEN, CON NGƯỜI CỦA CÁCH MẠNG. Văn nghệ và Cách mạng có những tương quan rất chặt chẽ như môi với răng nhưng Cách mạng không thể là Chính trị. Cho nên lúc bấy giờ tôi tin tưởng rằng Nguyễn Tường Tam không làm chính trị nhưng sẽ vẫn làm cách mạng.

Cho đến lúc từ giã nhau sau bữa tiệc, Nguyễn Tường Tam vẫn không nhận ra tôi là một đồng chí cũ của Anh; còn tôi, tôi vẫn yên lặng theo dõi hành vi của người lãnh tụ.

*


Sau khi di cư vào Nam tôi cũng không hề tìm gặp lại Nguyễn Tường Tam mặc dầu giữa chúng tôi vẫn có những sự tương quan qua trung gian của người khác. Cho đến mùa đông năm 1957 tôi đã theo chân một vài người bạn văn tìm đến thăm Nguyễn Tường Tam tại một biệt thự ở Đà Lạt vào đúng đêm Giáng sinh: Anh nói chuyện về phong lan cho chúng tôi nghe trong một gian phòng rộng có bày đầy những chậu lan quý. Tôi vốn tính không ưa những trò tỉ mỉ như chơi hoa và nuôi chim, có lẽ vì cái óc thực tế tạo ra do cuộc đời nghèo khổ của tôi từ tấm bé và do cả những tao ngộ bi đát trong những năm hoạt động cách mạng và kháng chiến. Hơn thế, đối với tôi lan là một thứ hoa vương giả, phải mất nhiều công phu tìm kiếm, vun tưới, chăm sóc thì mới đâm hoa được. Cho nên trong buổi tối đó tôi đã không chú ý lắm vào câu chuyện phong lan của Anh. Và tôi lại lấy làm lạ là sao một người như Anh mà lại đi tiêu phí thời giờ vào một thú chơi vương giả đó. Nhưng sau này tôi mới biết là tôi đã xét đoán một cách vội vã, nông nổi.

Sang năm 1958, Nguyễn Tường Tam từ giã toà biệt thự hoang lạnh trên Đà Lạt và tạm đoạn tuyệt với cái thú chơi lan để về Sài Gòn cùng một số văn hữu bắt tay vào hoạt động văn nghệ. Do lời đề nghị khẩn thiết của Đỗ Đức Thu và tôi, Anh nhận làm Cố vấn cho Trung tâm Văn Bút Quốc tế tại Việt Nam vừa được thành lập và công nhận trong hội nghị quốc tế tại Đông Kinh vào tháng 9 năm 1957. Đồng thời Anh cũng sửa soạn cho ra đời tạp chí Văn hoá ngày nay với sự cộng tác của một nhóm văn hữu trong nhóm Phượng Giang. Và từ đó, Nguyễn Tường Tam cùng tôi đã trở thành đôi bạn văn khá mật thiết: trong suốt mấy năm trời không mấy ngày là chúng tôi không gặp nhau nhưng tuyệt nhiên tôi vẫn không để Anh hay biết việc tôi đã từng hoạt động cách mạng cùng trong một đoàn thể với Anh trước đây.

Kể ra thì cũng khá kỳ thú! Tôi bắt đầu say mê Nhất Linh qua văn nghệ, kế đó tôi gặp Nguyễn Tường Tam trên con đường tranh đấu cách mạng để rồi cuối cùng tôi lại trở thành người bạn của Anh trong văn nghệ.

Còn nhớ hồi tôi còn ở trên một căn gác hẹp trong xóm Vườn Chuối, Anh cùng Đỗ Đức Thu tìm quanh co suốt cả buổi sau cùng lần mò đến được chỗ tôi ngụ thì tôi lại đi vắng. Hôm sau gặp tôi, anh kể lại nỗi khổ đi tìm nhà trong khu Bàn Cờ rồi cười mà bảo tôi:

“Để cho bạn hữu dễ tìm thiết tưởng anh nên trưng lên trước căn gác một tấm biển để bốn chữ “Quân tử cư chi” như thế có lẽ tiện hơn.”

Tôi cũng cười đáp:

“Tôi sợ nếu làm thế thì các anh lại càng khó tìm hơn vì trong thời đại này của chính mình một thằng ăn cắp cũng vẫn dám tự xưng là quân tử với tất cả những biểu tượng kênh kiệu thì mấy chữ trong Luận ngữ có nghĩa gì đâu, nhất là tôi lại ở ngay cạnh chợ Vườn Chuối lắm kẻ cắp lắm.”

Sau một thời gian ngắn tạm trú tại căn phòng tồi tàn dành cho bồi bếp trong toà biệt thự của một người thân đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Tường Tam trở về với gia đình tại căn gác ngay giữa chợ An Đông. Thật là một sự tình cờ có lẽ đã khiến xui Anh cũng như tôi, hai người vốn ưa tĩnh mịch mà lại cùng phải ở vào giữa cảnh ồn ào của hai khu chợ náo nhiệt và bẩn thỉu vào bậc nhất của thành phố Sài Gòn. Nhưng có điều khác với câu ngạn ngữ Tàu “Bần cư trung thị vô nhân vấn”, từ sau ngày anh có ngụ sở nhất định rồi thì anh em văn hữu cũng dễ dàng tìm gặp.

Ở gần Nguyễn Tường Tam lâu ngày, dần dà tôi mới nhận thấy tất cả những điểm đáng mến trong con người của Anh. Cuộc sống của anh rất giản dị về mặt vật chất và rất thuần phác cởi mở về mặt tinh thần. Khi nói chuyện tiếng nói của anh chỉ vừa đủ nghe và có những câu trào phúng rất ý nhị, anh nói ra bằng một giọng điệu và vẻ mặt thản nhiên khiến người kém thông minh không thể nhận ngay ra được là một câu khôi hài. Còn nhớ trong một cuộc họp mặt với một nhóm văn hữu tại trụ sở Trung tâm Văn Bút ở đường Phan Đình Phùng nhân bàn về kỹ thuật sân khấu của hai môn chèo và kịch, Anh có nói ra một câu khôi hài khiến mọi người phải ôm bụng cười, trong khi đó mặt Anh vẫn thản nhiên như không.

Vũ Khắc Khoan hỏi Vũ Huy Chấn về nghệ thuật xếp đặt sân khấu trong một buổi hát chèo:

“Bây giờ không nói đến cách trang trí trong một rạp, tôi chỉ cần hỏi xem trong một tối hát chèo ở sân đình hoặc trên một mô đất dùng làm sân khấu chẳng hạn thì có cái gì ngăn cách phòng hoá trang của đào kép với sân khấu không? Tôi nghĩ ít ra cũng phải có một manh chiếu hay một tấm phên chứ. Nếu không thì tài tử ở đâu mà chui ra?”

Sau câu hỏi này Vũ Huy Chấn chưa kịp đáp thì Nguyễn Tường Tam đã nghiêm mặt giơ tay nói một cách trịnh trọng:

“Ấy chết! Xin các anh giữ mồm giữ miệng: ở đây không nói chuyện chính trị!”

Tôi nghe câu ấy không thể nhịn được cười phá ra! Chả là hồi đó mấy ông bà dân biểu vừa tranh luận rất gay go tại Quốc hội về vấn đề “nam nữ bình quyền” và một bà dân biểu đã trắng trợn nói ra trên diễn dàn Quốc hội câu hỏi bất hủ: “Nếu không có đàn bà thì đàn ông ở đâu mà chui ra?”, câu này đã được đăng trên khắp các báo. Mấy tiếng “ở đâu mà chui ra” của Vũ Khắc Khoan vô tình đã trở thành đề tài cho lời nói khôi hài của Anh.

Trong mấy năm liền, có những buổi chiều Anh ngồi đeo sau chiếc xe Lambretta của tôi để dạo chơi khắp nơi trong thành phố: chúng tôi có thói quen vừa ngồi trên xe như vậy vừa nói chuyện chứ không chịu ghé vào nhà ai cả. Thấy thế có những văn hữu sợ Anh tuổi già đa bệnh ngồi xe như thế sẽ dễ mỏi và nguy hiểm nên ngỏ ý muốn nhường xe hơi cho Anh dùng nhưng Anh một mực từ chối, cho rằng ngồi sau xì-cút-tơ thoáng mát hơn. Bởi thế một văn hữu đã gọi Anh là “người ngồi sau xe xì-cút-tơ”. Ngồi đeo sau xe “xì-cút-tơ” do tôi lái, Anh thường nghiêm khắc chê trách tôi hai tật: một là đi quá nhanh và hai là không chú ý đến bên tay trái mỗi khi qua ngã tư mà chỉ chú tâm nhường tay phải. Tôi tự bào chữa:

“Chỉ cần chú trọng đến những xe bên tay phải vì họ có quyền ưu tiên. Đến như các xe cộ bên tay trái thì họ phải nhường mình chứ.”

Anh cười khẩy đáp:

Anh tin tưởng như thế thì có ngày hai chúng mình vào nhà thương mất thôi vì trong đời chính những kẻ đáng lý ra không có quyền hại mình chúng mới hay gây hại cho mình.

Giờ đây Nguyễn Tường Tam không còn nữa! Cái chết của Anh sẽ có Lịch sử ghi lại hậu thế phê phán cho nên ở đây tôi chỉ muốn ghi lại những kỷ niệm cùng với những cảm xúc chân thành của cá nhân tôi với niềm hy vọng nói lên tiếng nói của một nhân chứng. Những lời ai điếu Nguyễn Tường Tam trước quan tài trong giờ mai táng, hoặc do chiến hữu, hoặc do văn hữu, hoặc do thanh niên và sinh viên lớp trẻ đã thốt ra đã đủ là những tài liệu chứng minh giá trị của một cái chết.

Mấy tuần gần đây, sau ngày đi theo linh cữu anh đến nơi an nghỉ cuối cùng, có những buổi sáng bừng mắt dậy trước những luồng nắng sớm chan hoà qua song cửa, tôi giật mình tưởng tượng ra vẻ mặt mệt mỏi với đôi mắt sâu thẳm trên đôi vai gầy guộc với thân hình dong dỏng cao của Anh hiện ra qua khung cửa gỗ. Trong mấy năm qua Anh thường đến chơi thăm tôi trong những giờ rất sớm vào buổi sáng; có khi tôi hãy còn mê man trong giấc ngủ, bừng mắt dậy đã thấy Anh đứng ngay trên đầu đi-văng tôi nằm.

Thế rồi khi chợt nhớ ra rằng Anh đã chết tôi không khỏi bàng hoàng tự hỏi không biết rằng thực Anh đã chết hay là Anh chỉ mới bắt đầu đi vào một Cõi Sống khác, cực lạc và bất diệt khác hẳn với cái thế giới Ta Bà đầy khổ não bất công này?

Và rồi tôi không khỏi nhớ lại những lời của Lỗ Tấn mà tôi xin dùng làm đoạn kết cho mấy dòng tâm sự hoài niệm này:

Tôi thường thấy rằng giữa chính trị và văn nghệ vẫn có sự xung đột. Văn nghệ cùng với Cách mạng vốn dĩ không có gì tương phản nhau, trái lại giữa hai cái đó vẫn có sự đồng nhất về điểm bằng lòng ở hiện trạng.

Duy có chính trị là muốn duy trì hiện trạng nên chính trị cùng với văn nghệ (cái thứ văn nghệ không lúc nào thấy yên ở hiện trạng) tự nhiên không cùng một phương hướng là do đó…

Loài người vốn rất thích xem kịch cho nên các nhà văn nghệ tự dấn thân ra làm kịch cho người ta xem. Hoặc họ bị trói tay, chặt đầu dưới trướng; hoặc họ phải chết gục dưới chân tường, đó đều là để làm cho Nhân loại náo nhiệt lên một chút mà thôi. Như ở Thượng Hải lính cảnh sát dùng dùi cui đánh người, ai nấy đều quay tròn chung quanh để xem. Tuy chính họ không ưa cái việc đánh người như thế nhưng khi xem người khác bị đánh đập, áp bức, con người cũng sớm hiểu được đôi chút cái thân phận của mình”.

Cho nên cùng với cái chết của Nguyễn Tường Tam, thế nhân chúng ta đã hơn một lần được xem những bậc tiên giác dùng chính thân họ ra để giác ngộ người đời.

Nhưng người đời đã thực sự được giác ngộ chưa?

Sài Gòn, một ngày mưa tháng Năm năm Quý Mão (1963)
Nguồn: Văn. Tập san Văn chÆ°Æ¡ng – TÆ° tưởng – Nghệ thuật. Năm thứ Bảy, số 156, ra ngày 15 tháng 6 năm 1970. Toà soạn và trị sá»±: 38, Phạm NgÅ© Lão, Sài Gòn. ĐT: 23.595. Tập san xuất bản do nghị định số 64/BTT/NĐ, ngày 4-12-1963. Bìa 1 số này: Chân dung Nhất Linh, vẽ bởi Nguyá»…n Gia Trí. Chi phiếu đề tên ông Nguyá»…n Đình Vượng (chủ nhiệm kiêm chủ bút). ThÆ° từ, bản thảo đề tên ông Trần Phong Giao (thÆ° ký toà soạn). Giao thiệp trá»±c tiếp ông Gia Tuấn (phụ tá thÆ° ký toà soạn). In tại nhà in riêng của báo Văn. Quản lý: cô Nguyá»…n Thị Tuấn. Giá 280Ä‘. [Chúng tôi nhập liệu nguyên văn từ trang 1 đến trang 78, tập san này dày 125 trang, có bỏ má»™t vài bản tin rao vặt, quảng cáo sách]. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.