trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
21.6.2008
Nguyá»…n Vy Khanh
Từ văn bản đến sự kiện lịch sử
 
Lịch sử luôn luôn duyệt lại,
không ai lừa được cuộc đời...”
(Lê Đạt, 7-1956)

Từ khi ông Nguyễn Trọng Văn đưa lên talawas lá thư đã gởi cho một số bạn bè (“Một sỉ nhục cho trí thức”), biến thư tham khảo ý kiến thành tranh luận lời qua tiếng qua lại và có vẻ đặt nặng hiềm khích cá nhân, chúng tôi đã một lần lên tiếng. Sau đó ông Nguyễn Trọng Văn có trả lời một phần những nghi vấn của chúng tôi trong bài “Ba người bạn” (và ông Lữ Phương “tham gia” diễn đàn với vài tư liệu không được minh bạch, cắt và có thêm bớt các bản gốc có thể với ý đồ cá nhân, chúng tôi sẽ trở lại dịp khác). Về ông Nguyễn Trọng Văn, chúng tôi vẫn chờ đợi phần trả lời tiếp theo của ông, và ngay những trả lời lần đầu đã có những lấn cấn, không thật. Nay chúng tôi xin góp thêm vài nhận xét.

Ông Nguyễn Trọng Văn cho biết có bốn (4) văn bản khác nhau. Thật ra chỉ có hai bài. Một bài ông Nguyễn Trọng Văn viết vào năm 1967 và bản báo cáo viết ngày 8 tháng 6 năm 1978, ba năm sau biến cố 30-4-1975 và nằm trong chiến dịch “khủng bố” trí thức và văn nghệ sĩ của miền Nam.

Bài viết năm 1967 ông Nguyễn Trọng Văn ký tên là Nguyễn Văn Bảy, tựa đề “Phê bình quan điểm cách mạng xã hội của hai ông Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung”, đăng trong tạp chí Sinh viên số 6 (10/1967). Giáo sư Nguyễn Văn Trung thu thập in lại trong Hồ sơ về tạp chí Hành trình Sài Gòn 1964-65 (Montréal, 2000), từ trang 180-211, nhưng vẫn giữ số trang gốc 14-39 từ báo Sinh viên, vì bản 2000 chỉ là một bản photocopy rồi ghi số trang mới đè lên.

Văn bản thứ hai ký tên Nguyễn Trọng Văn với tựa (lần này tôi ghi lại chính xác như nguyên bản) “CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHÔNG [1] CỘNG SẢN tại miền Nam Việt Nam thời Mỹ-nguỵ: NỘI DUNG và ẢNH HƯỞNG”. Dưới tựa đề ghi: “Tham luận của Nguyễn Trọng Văn, đại học tổng hợp, cơ sở 2, thành phố HồchíMinh (sic), tháng 6 năm 1978” ở trang 1. Đầu trang 2 lặp lại tựa bài toàn bộ viết hoa, sau đó ghi “Nội dung bản báo cáo gồm những điểm sau...” Cuối bài ở trang 12 ký tên Nguyễn Trọng Văn với ngày tháng “8/6/1978” trước phần “Tài liệu tham khảo” từ trang 13 đến 24. Như vậy, văn bản này (in lại năm 2000) gồm 24 trang như ông Nguyễn Trọng Văn đính chính, số trang cũ vẫn còn đó với số trang mới ghi đè lên của tập Hồ sơ..., tức trang 221-245. Đối chiếu hai bản này với bản ông Nguyễn Trọng Văn trả lời thì giống nhau, không hề có chuyện “hai khác biệt: về đề tài, nguyên bản chữ in/hoa/đứng chứ không in nghiêng, chữ to, chữ nhỏ; về xuất xứ, ghi rõ 8/6/1978 chứ không chỉ ghi tháng mà thôi” như ông Văn kể. Đề tài là (báo cáo và phê phán) những khuynh hướng xã hội không cộng sản ở miền Nam trước 1975. Tuy nhiên bài ký tên Nguyễn Văn Bảy đăng trên tạp chí Sinh viên tháng 10 năm 1967 giọng văn ôn hoà, lễ nghĩa hơn vì phê phán hai giáo sư Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung của ông, còn bài báo cáo viết ngày 8-6-1978 thì lúc ấy giáo sư Lý Chánh Trung đang là dân biểu cộng sản, chỉ còn ông Nguyễn Văn Trung và những người khác không được chế độ mới chấp nhận. Nguyễn Trọng Văn của năm 1967 đã viết:

“Hai ông Lý Chánh Trung và Nguyễn Văn Trung đã can đảm và thành khẩn khi đặt vấn đề cách mạng xã hội. Phương thức [2] thực hiện cách mạng do hai ông đưa ra càng ngày càng trở nên ảo tưởng, nhưng lý tưởng [3] cách mạng do hai ông nêu lên thì càng ngày càng trở nên khẩn thiết và rõ ràng hơn.” (trang 39)

Trong bản báo cáo năm 1978 thì Nguyễn Trọng Văn phê phán nặng nề, độc địa hơn:

“Về mặt giai cấp, đấu tranh [4] , quan niệm CNXHKCS (sic, tức chủ nghĩa xã hội không cộng sản) phản ánh ý thức hệ của giai cấp tư sản và tầng lớp tiểu tư sản tại các thuộc địa muốn củng cố quyền hành, trước các thế lực phản động và trước các lực lượng cách mạng đang lên. (...) họ gần thực dân, đế quốc và tư sản, mại bản hơn là với cách mạng, chính mặt tiêu cực này đã khiến họ xa lạ với cách mạng trước kia và dễ hoang mang, bất mãn đối với công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa hiện nay”.

Và ông kết luận thêm:

“Một lần nữa, lịch sử đã chứng minh sứ mạng lãnh đạo của giai cấp công nhân với đảng tiên phong của nó là đảng Lao động trước đây, và đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Một lần nữa, trong cuộc đấu tranh ai thắng ai giữa hai con đường, chủ nghĩa Mác-Lênin đã chiến thắng vẻ vang không những về mặt chính trị, quân sự mà cả về mặt văn hoá tư tưởng nữa.” (trang 12)

Cuộc tranh luận và lời qua tiếng lại trên talawas từ khi ông Nguyễn Trọng Văn đưa lên bài viết “Một sỉ nhục cho trí thức” thật ra là từ văn bản này (“CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHÔNG [5] CỘNG SẢN tại miền Nam Việt Nam thời Mỹ-nguỵ...”), vì những hậu quả của nó và những biến cố lịch sử liên hệ. Ông Nguyễn Trọng Văn nói có 4 văn bản là một cách tung hoả mù vì không thể thấy các văn bản để có thể xét đoán. Tưởng làm như vậy người đọc được thêm dữ kiện, nhưng vấn đề văn bản đã bị/được ông Nguyễn Trọng Văn dùng để nguỵ biện chối bỏ sự thực. Điểm chính trong cuộc tranh luận này là nội dung và sự “hiện hữu” của tham luận-báo cáo ngày 8-6-1978 của ông Nguyễn Trọng Văn (và Lữ Phương) đã đưa đến bắt bớ, tù tội mà nạn nhân ngoài giáo sư Nguyễn Văn Trung (bị bắt ngày 14-6-1978, tức 6 ngày sau khi ông Nguyễn Trọng Văn viết báo cáo), còn có những giáo sư, trí thức, nhà văn khác! Báo cáo của ông Nguyễn Trọng Văn cũng nhắc đến các nhóm Thái độ, Lá bối, Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội, Phong trào Học đường Mới, “nhóm của Mỹ” với Hà Tường Cát, Phan Văn Phùng, Đỗ Ngọc Yến, Phạm Phú Minh với chương trình CPS.

Thật vậy, lùi lại các biến cố lịch sử để thấy rõ hơn. Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, quốc gia Việt Nam Cộng hoà bị xoá trong lịch sử kẻ thắng đã đành, văn học của những người sống ở miền Nam trong vùng bị chiến bại cũng bị xoá bỏ bằng những nghị định và chiến dịch. Nghị định 20-8-1975 của Lưu Hữu Phước, Bộ trưởng Thông tin Văn hoá của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam - cấm lưu hành sách báo xuất bản tại miền Nam trước đó. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV (1976) ghi rõ nhiệm vụ phải “quét sạch ảnh hưởng của tư tưởng và văn hoá thực dân mới” ở miền Nam [Trích từ Văn hoá văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ Nguỵ (Hà Nội: Văn hoá, 1977), tr. 8]. Một danh sách 122 tác giả miền Nam với toàn bộ tác phẩm bị cấm lưu hành. Rồi những trình diện và những lớp học tập, ở thành phố và những nơi nước độc hiểm trở núi rừng biên giới. Tháng 3-1976, từng đoàn từng đoàn cán bộ càn quét tịch thu hết sách báo xuất bản dưới thời chế độ cũ, để đốt, “tẩy”. Chiến dịch thanh toán “bọn văn nghệ sĩ phản động” khởi đầu sáng 3-4-1976, hai ngày sau vụ nổ Công viên Con Rùa đường Duy Tân: công an lùng bắt hầu hết văn nghệ sĩ và trí thức. Sau đó là tù đày, cải tạo, và khi nghi bóng nghi gió lại tiếp tục càn quét thu vét sách Việt Nam Cộng hoà. Vào tháng 3-1981, nhà cầm quyền ra hẳn một cuốn danh mục sách và tác giả cấm lưu hành. Những gì không xuất phát từ văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản đều phải xoá bỏ, phủ định, vì “mảng” văn học này bị kết án là “đồi truỵ hoá con người”, “phục vụ xã hội tiêu thụ miền Nam”, tức một thứ “văn học phục vụ chính trị phản động”, phản cách mạng - những cái nhãn hiệu có thể làm tiêu mạng sống con người! Từ 1975 đến nay, có khoảng 20 cuốn sách phê phán xuyên tạc nền văn nghệ Việt Nam Cộng hoà là văn học tay sai cho thực dân mới, cũ, nhưng đáng sợ như những trái bom! Trong chiến dịch lên án và triệt hạ này, theo thống kê chính thức năm 1981, chính quyền cộng sản đã tịch thu trên toàn quốc 316.924 cuốn sách; riêng ở Sài Gòn 60 tấn sách (151.200 cuốn), 41.723 cuộn băng nhạc, 53.751 bức tranh, 631 cuộn phim, v.v… (Theo Trần Thọ, Tạp chí Cộng sản 10-1981).

Như vậy, ngay sau khi “chiến thắng”, các cán bộ và cả guồng máy liền gấp rút tấn công và thủ tiêu những thành tích văn hoá văn học ở miền Nam trước khi họ đến. Những khoá “bồi dưỡng chính trị và văn nghệ” liên tiếp được mở ra ở Sài Gòn, nơi họ cho là có nhiều “phản động” nhất. Trong số các lớp học và khoá “bồi dưỡng chính trị và văn nghệ”, vào khoảng ngày 8 tháng 6 năm 1978 ở Sài Gòn đã có một (nhiều) hội nghị do Viện Triết học tổ chức tại Ðại học Tổng hợp, cơ sở 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Dấu vết văn bản nay còn lại là hai bài báo cáo của Nguyễn Trọng Văn và Lữ Phương được chuyền tay trong nước và ở hải ngoại, giáo sư Nguyễn Văn Trung đã in như là phụ bản cho tập Hồ sơ về tạp chí Hành trình Sài Gòn 1964-65 do nhà Nam Sơn xuất bản ở Montréal, năm 2000. Tập này in số lượng hạn chế, nhưng đã có mặt ở một số thư viện ở Bắc Mỹ và ở trong tay một số nhà nghiên cứu và độc giả. Về vấn đề văn khố, trong hoàn cảnh chính trị hiện nay ở Việt Nam, mấy ai có thể tham khảo những văn bản của những chiến dịch, chương trình xã hội chủ nghĩa hoá miền Nam cũng như chính sách “học tập”, “đánh tư sản mại bản”, “kinh tế mới”, v.v… Khó, không dễ tìm, không có nghĩa là không có thật, không từng diễn ra!

Như vậy, sự kiện lịch sử đã xảy ra là đã có lệnh cấm sách báo miền Nam, có những vụ bắt bớ, tù đày, xét xử và không xét xử, những đày đoạ thân xác, tinh thần các nhà văn nghệ miền Nam, những cái chết tại “hiện trường” của Nguyễn Mạnh Côn, Phạm Văn Sơn, Dương Hùng Cường, Nguyễn Hoạt, các nhạc sĩ Minh Kỳ, Thục Vũ, và những cái chết ngay sau khi “thả” của Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường, Trần Việt Sơn... Đây không phải là “chính sách khủng bố” mà ông Nguyễn Trọng Văn chối, thì nên gọi là gì? Dĩ nhiên, cuộc “khủng bố” ở miền Nam không triệt để như Khmer Đỏ sau tháng Tư 1975 đã thiêu huỷ hết tàn tích văn hoá, lịch sử mà nếu không nhờ người Pháp microfilmé (chụp vi phim) trước đó, thì nay các thư viện, trường học Cam Bốt lấy đâu ra văn bản, sách vở, kinh kệ? Nhưng ở Việt Nam, “chính sách khủng bố” văn hoá miền Nam đó đã thật sự chấm dứt 21 năm sau thời “đổi mới” chưa? Câu trả lời là còn. Còn ít hay nhiều thì “chính sách khủng bố” vẫn hiện diện. Ít hay nhiều vẫn là CÓ chớ không phải là KHÔNG! Sách báo miền Nam đã thật sự được in lại ở trong nước chưa? Câu trả lời vẫn là phủ định. Ngoài các sách dịch, kinh kệ, sách “học làm người”, nghiên cứu lịch sử xa xưa, các truyện tình vô thưởng vô phạt hay xã hội thời Pháp thuộc..., thì các tác phẩm khác vẫn còn có vấn đề. Vũ Hạnh và một số quan chức to tiếng gần đây khi nhà Phương Nam in lại mấy tập truyện của Dương Nghiễm Mậu và một cuốn của Lê Xuyên, v.v… Di sản của các chính sách này hãy còn thời sự tính, vì vẫn còn đó, dù không còn được công khai thừa nhận, dù đã hơn 20 năm “đổi mới”, đất nước và người dân Việt Nam vẫn chưa thấy biết thế nào là “glasnost” vốn là đứa con sinh đôi với perestroika và của thật sự kinh tế thị trường!

Nguyễn Trọng Văn hay Lữ Phương đều là những con cờ của một chế độ chính trị chuyên chính. Có thể không chủ động (!?), nhưng bàn tay họ đã nhúng chàm. Phải chăng ở các chế độ chuyên chính, sự thật chỉ có thể tìm thấy trong những phần hồi ký bị kiểm duyệt cắt bỏ, như hồi ký của Đào Duy Anh (Nhớ nghĩ chiều hôm), Nguyễn Hiến Lê, Lý Quí Chung, v.v…, hay những thơ văn viết cuối đời hoặc chỉ công bố sau khi mất, như của Chế Lan Viên (Di cảo Thơ), Nguyễn Khải (“Đi tìm cái tôi đã mất”), v.v…?

Cuối cùng, miền Nam không phải chỉ có “Mỹ-Diệm, Thiệu-Kỳ”, mà có hàng triệu người miền Nam đã chiến đấu để bảo vệ tự do, cùng nhiều giá trị nhân quyền khác, cho phần đất này và những con người sống ở đó như các ông Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn, Vũ Hạnh, v.v… được tự do ngôn luận (tờ Tin văn, Nhân loại), dân chủ, đại học tự trị (tạp chí Sinh viên), tự do đi lại (vô ra bưng như Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Ngọc Lan, Sơn Nam...). Và người trí thức chân chính không thể có những khẳng định chối tội, bẻ cong lịch sử như “không hề có những vụ Việt cộng giết người ở Huế dịp Tết Mậu Thân”, “không hề có chính sách khủng bố sau ngày 30-4-1975”, v.v…!

(Mới đây, tôi được biết giáo sư Nguyễn Văn Trung sẽ lên tiếng bằng phương tiện truyền thông khác hơn là qua bản viết; từ gần năm nay, thị giác ông đã giảm nhiều, email cũng như báo chí, người nhà đã phải đọc giúp ông. Nếu ông Nguyễn Trọng Văn có bài viết khác về ông Trung như đã cho biết qua bài “Ba người bạn”, thì nếu công bố sớm, người đọc sẽ có cơ hội biết quan điểm của đôi bên hơn - thiển nghĩ cũng là điều tốt và nên, khi các đương sự còn có thể và có phương tiện để lên tiếng, để dư luận và những người nghiên cứu về một giai đoạn lịch sử còn có thể có những yếu tố mới cũ đáng được biết).

20-06-2008

© 2008 talawas


[1]talawas: Trong nguyên bản chữ KHÔNG có gạch chân, chúng tôi đổi sang in đậm vì ký hiệu gạch chân trên talawas là hiển thị link bài. Những chữ in đậm không có chú thích là của tác giả.
[2]Như trên – talawas
[3]Như trên – talawas
[4]Như trên – talawas
[5]Như trên – talawas