trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
27.6.2008
Đoan Hùng
Ngôn ngữ và... mặc cảm
 
Câu chuyện đổi tên bệnh viện Từ Dũ thành “xưởng đẻ” chắc hẳn chỉ là một giai thoại tiếu lâm của dân Sài Gòn, nhưng nó cũng nói lên cái cảm nhận về một sự "nhà quê hóa" tiếng Việt. Khái niệm “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” trở thành một sự khôi hài!

Bản thân tôi cũng không thể chịu được những cái tên “thần tượng” của mình bị biến dạng một cách... quê mùa như “chị Giên Phôn Đa” hay “anh Mai Cơn Giắc Sơn”. Những tên thành phố New York, Ba Lê... biến thành Niu Oóc Cơ, Pa Ri. Những từ ngữ "nhà quê" như "tên lửa", "máy bay lên thẳng", "lính thủy đánh bộ" v.v... Thế nhưng lắm lúc tôi muốn đặt ngược lại vấn đề là: Phải chăng ta không “ngửi nổi” những từ Việt hóa như thế chỉ vì chính ta chưa dứt được “mặc cảm”?

Các cụ đồ khi xưa đã bảo “nôm na là cha mách qué”. Ta phê phán cụ đồ nhưng có thực là ta không nghĩ y trang như thế?

Ý nghĩ này đến với tôi nhân một dịp đi thăm Paris. Khi đi chợ Tàu, vợ tôi bỗng chỉ vào bảng tên đường (Quai de Choisy) mà hỏi:

"Anh! Có phải khu này gọi là quai đe soa si không?"

Tôi ngớ người dăm phút rồi cười phá lên:

"Không phải đâu thưa bà! Phải đọc là Ke đờ Xoa di! Ke! Ke chứ không phải là quai đâu cô ạ! Nhà quê ơi là nhà quê!"

Bà xã tôi có vẻ cáu:

"Vâng! Tôi nhà quê! Lúc nào sang Mát Cơ Va mà có không biết thì đừng hỏi em nhé!"

Tôi đành cười hì hì, xí xóa, bởi quả thật nếu sang đó thì tôi sẽ... ngọng. Làm thế nào có thể biết là Mocba không là Mốc Ba mà là Mát Xơ Cơ Va?

Bà xã nhà tôi vốn không chưa từng tiếp xúc với ông bà Vincent, cậu Pierre và cô bé Marie trong “cua đờ lăng đờ la xi vi li da xi ông phờ răng xe” mà chỉ biết ông “mô lô tốp đi dép lốp nghe lốp cốp”. Nhà quê là phải rồi. Ai bảo sống với… VC!

Một thời gian sau, khi đang lái xe trên đưòng phố Ca Li, tôi nghe cô xướng ngôn viên đài Little Saigon đọc bài tiểu sử của học giả Nguyễn Ðăng Thục, ông vừa mới qua đời:

"Trong những năm 1… ông theo học trường...”

Và cô uốn giọng:

"Ao Bợt Xa Row"

Tôi bảo thầm:

"Cô ơi! Ðọc là An Be Xa Rô mới đúng chứ!”

Thế nhưng trong khoảnh khắc ấy tôi chợt nhận ra sự khác biệt của phản ứng của mình trong hai trường hợp hoàn toàn giống nhau. Tôi thấy cô xướng ngôn viên đọc sai, nhưng tôi không hề thấy đó là… “nhà quê”. Tóm lại , trong tâm lý của tôi có sự phân biệt. Ðánh vần tiếng Tây theo kiểu Việt thì là nhà quê, thất học. Còn đánh vần sai theo kiểu Mỹ thì… không có sao. Thậm chí còn "sang"!

Phải chăng đó chính là biểu hiện của “mặc cảm nhược tiểu” nằm sâu trong mỗi người chúng ta? Trước khi đi du học, bố tôi dẫn tôi vào nhà hàng Continental để cho tôi một bài học về cầm dao, nĩa thế nào kẻo… “Tây nó cười cho”. Ấy! Tâm lý chúng ta là thế! Lọng cọng với dao và nĩa thì Tây nó cười. Còn “ông Tây” mà thử lèo khoèo với đôi đũa thì là… một vinh hạnh cho ta!

"Cha trời! Ông Tây mà cầm đũa giỏi quá đi thôi!"

Chúng ta ngạc nhiên và thán phục và... “tự hào” đến rơi lệ khi thấy ông Tây ăn được le mam nem. Còn ta mà ăn được fromage thì chẳng có gì lạ cả. Phải chăng chính cái tâm lý khinh - trọng, sang - hèn làm ta cảm thấy sự Việt hóa là quê kệch, thô sơ và làm nghèo ngôn ngữ?

Thử lấy ví dụ về vấn đề là nên viết danh từ riêng theo nguyên dạng hay phiên âm.

Ngay ở Việt Nam khuynh hướng “để nguyên dạng” cũng đang thắng thế. Nhiều tác giả đã bàn về vấn đề này và nêu nhiều lý do cho lập trường “nguyên dạng”. Nhưng tôi chưa thấy tác giả nào nêu một lý do mà tôi cho rằng là lý do duy nhất hợp lý. Ðó là đơn giản vì để thế nó tiện lợi hơn mà thôi.

Với khối lượng thông tin càng ngày càng lớn như ngày nay, chẳng nên mất thì giờ mà “chuẩn hóa” cách phiên âm từng thành phố, từng anh John, chị Marie! Không Việt hóa là vì không cần thiết, thế thôi!

Nhiều người nêu lý do như:
  • Ðể nguyên dạng thì “quốc tế” hơn và người đọc quen thuộc với tên đó khỏi bỡ ngỡ hay hiểu sai khi đọc sách ngoại quốc.
  • Ðể nguyên dạng thì ta dễ “hội nhập” hơn. Dễ “tiếp thu” văn hóa hơn...
Các lý do đó hoàn toàn không vững. Bởi chẳng có cái tên riêng nào là “quốc tế” cả! Ðể nguyên hay phiên âm thì ra ngoại quốc vẫn cứ bỡ ngỡ như thường. Ðể nguyên dạng thì với các tên với mẫu tự tréo ngoe như Санкт-Петербурга (St. Petersburg) phải làm sao?

Khắp nơi người ta đều “mặc kệ” những cái tên xa lạ, nhưng một khi đã trở nên quen thuộc, gần gũi thì người ta đều bản địa hóa tên riêng nước ngoài. Nói cách khác: Biến tên “xa lạ” thành một cách đọc “thuận miệng” với người xứ đó. Một cách khác, có thể nói đó là “nhà quê hóa” tên riêng nước ngoài. Nghĩa là làm sao cho một bà cụ nhà quê cũng có thể đọc được.

Trước khi sang Ðức du học tôi rất mừng khi biết nơi mình sẽ đến học tiếng Ðức là thành phố Passau nằm trên dòng sông Danuble thơ mộng. Sang đến nơi hỏi đường đi "Pát Xô" (đọc theo kiểu Pháp) thì không ai biết. Suýt chết đói. Té ra phải đọc là "Pát Sau"!

Ðến nơi ở dăm ngày vẫn chưa thấy sông nào là sông Danuble. Dòng sông xanh xanh! Phòng trọ tôi nhìn ra một con sông nước xám xịt, mấy chiếc thuyến chở hàng chạy xình xịch. Lấy làm lạ, tôi hỏi bà chủ nhà đường nào tới sông "Ða Nuýp" để đi chơi.

Bà ngớ ra:

"Wie bitte? Was ist denn Ða Nuýp?"

Tôi vận dụng hết tất cả vốn liếng từ ngôn ngữ đến hội họa, âm nhạc... để diễn tả có một dòng sông xanh xanh mà ông nhạc sĩ Xì Trốt từng ca ngợi.

Và cuối cùng bà hiểu ra:

"Ach so! Die Donau (đọc là Ðô Nau)."

Và bà chỉ ra ngoài cửa sổ:

"Da! Da! Da ist die Donau."

Và lúc đó tôi mới biết là tôi ở ngay ven sông Danuble cả tuần mà không biết. Và cái ông Xi Trau (không phải Xì Trốt!) chỉ nói phét. Xanh... Xanh cái quái gì đâu! Mà cái tên thì... "nhà quê" hết mức. Ðô Nau với lại Ðô Niếc. Nghe cứ như xói vào tai! Quả tình là tôi thấy hết cả đẹp, hết mơ mộng nổi. Trong tận cùng tâm lý tôi vẫn thấy cái tên Danuble nó hay hơn, thanh nhã hơn, mặc dầu chẳng có nơi nào nó chảy qua mà người ta gọi nó là Danuble cả.

Tóm lại, người nước khác cứ tự tiện áp đặt một cái tên miễn sao cho thuận miệng. Thành phố Munich chính ra là Muyn Khần đọc theo lối Ðức “Bắc kỳ” còn theo kiểu “Nam kỳ”, là chính nơi thành phố đó, thì phải là... Min Kà!

Ðịa danh thì thế, thế còn tên người? Có người bảo để nguyên nó... lịch sự hơn. Chẳng lẽ gọi ông Clinton là Tổng thống Cờ Lin Tơn? A! Nghe thì có lý đấy. Gọi là Giôn Sơn, Ních Sơn, Các Tơ thì là lúc… đánh nhau kia. Clinton là bạn, chẳng lẽ gọi thế nó bỉ báng quá!

Trong văn học cũng thế, đọc dịch phẩm văn học Nga tôi vẫn thích lối để nguyên dạng tiếng Nga theo kiểu... Tây như của Nguyễn Hiến Lê như Pierre, André…. trong Chiến tranh và Hòa bình hơn là Pê Trốp, An Đrây. Thôi thì cứ tạm chấp nhận là chẳng cần Việt hóa mấy “ông Tây” André, Pê Trốp, vì dẫu sao họ cũng là người xa lạ. Mà không chừng muốn “hội nhập” thì cứ “để nguyên”, người đọc sau đó đọc nguyên bản sẽ dễ hiểu hơn chăng? Cần gì phải đổi Le Comte De Mont Cristo thành Bá tước Kích Tôn Sơn. Nghe nó... tàu tàu thế nào ấy!

Nếu chấp nhận lập luận ấy thì chẳng lẽ ta sẽ để nguyên tên người Tàu theo “nguyên dạng” bằng cách phát âm chính thức? Nghe thì cũng có lý! Cứ như trường hợp Clinton thì lẽ ra ta cũng phải viết là Jiang Zemin thay vì Giang Trạch Dân. Người đọc khi đọc báo nước ngoài tất khỏi phân vân, khỏi hiểu lầm ông nào là ông nào. Nhưng ta nghĩ sao nếu như nhà hát tuồng đăng quảng cáo là tối nay sẽ diễn tuồng LuBu hý DaoXuan thay vì Lữ Bố hý Ðiêu Thuyền?

Hay ác liệt hơn là ngâm Kiều theo “nguyên dạng”:

Có nhà viên ngoại họ Wang
Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung
Một con trai thứ rốt lòng
WangGuan là chữ nối dòng thư gia
Ðầu lòng hai ả tố nga
SuiCiao là chị em là SuiYun

Nếu không tài nào đọc xuôi thì đó chính là một minh chứng rằng ông cha ta đã Việt hóa chữ Hán một cách… bừa bãi. Tức là cứ đọc sao cho nó vừa miệng. Bất cần ông Tàu ở Bắc Kinh đọc ra sao. SuiCiao nghe cứ như chọc vào tai. Đọc đại thành Thúy Kiều nghe chẳng êm tai hơn sao? Khác nào biến Clinton thành ông Cơ Lin Tơn?

Ông Tàu có thể chê là “dốt” nhưng ta.. mặc kệ! Thơ chữ Hán của Việt Nam không thèm theo âm vận chính thức của Trung Hoa. Các sách về vần để làm thơ của Tàu đối với ta là vô giá trị. Bởi các cụ đồ đọc… ngọng! Đọc trật lất! Chẳng thế mà, nếu như tôi nhớ không lầm thì Lương Khải Siêu có chê văn cụ Phan Bội Châu là… thô lậu!

Thế chẳng phải là muốn làm giàu cho ngôn ngữ, ta phải dứt khoát tước đi cái mặc cảm tự ti, cứ nhập cảng tiếng ngoại quốc vào rồi Việt hóa sao cho vừa miệng sao? Tôi không hiểu nhiều về ngôn ngữ nên chỉ dám nghĩ liều rằng “nguyên tắc Việt hóa” là… cứ đọc đại theo kiểu “nhà quê”. Phải căn cứ trên cách đọc của người... dốt, người không biết ngoại ngữ. Như thế là thuận miệng hơn cả. Phải tước bớt những âm không có trong tiếng Việt. Ðôi lúc không chừng phải thêm dấu vào cho nó có âm điệu. Tiếng Việt không dấu không là tiếng Việt.


Trên thực tế thì người ta đã làm như thế một cách tự nhiên, như : cái “mỏ lết”, “long đền”, “bọc ba ga”, “cà nông” v.v… Chữ nào thuận miệng đều nghe rất “quê”. Có thể đoán rằng tác giả của sự Việt hóa một cách nhuần nhuyễn ấy không đến từ giới trí thức mà từ người… ít học!

Phải chăng chính vì người có học hiểu ngoại ngữ trơn tru, đọc tiếng Tây như Tây, Anh như Mỹ, nên tự mình không thấy có nhu cầu phải Việt hóa một cái gì hết?


© 2008 talawas