Xã hộiThể thao 31.5.2002
Nguyễn Quốc Trụ
Lễ hội cuối thế kỷ
Bóng đá, môn chơi của sức mạnh “thuộc về đàn ông”, nhưng đàn ông tới cỡ nào, có lẽ chỉ mấy ông tiểu thuyết gia, tức chuyên viên về một “hình thức sung mãn nam tính” (G. Lukacs), mới tưởng tượng nổi.
John Fowler, trong bài viết The Aristos: A Self-Portrait in Ideas, Poems... nhân mùa World Cup 1966, đã đưa ra nhận xét: “Bóng đá gồm 22 cây gậy [của tên ăn mày, như các cụ thường nói], đuổi theo một cái âm hộ; cái chày của môn chơi golf là một dương vật cán bằng thép; vua và hoàng hậu trong môn cờ là Laius và Jocasta, mọi chiến thắng đều là một dạng, hoặc bài tiết hoặc xuất tinh.”. Có thể nói, văn chương nghệ thuật Tây phương bắt đầu, bằng cuộc tranh giành một nàng Hélène de Troie.
[Laius là phụ vương, Jocasta là mẫu hậu mà Oedipus, bị lời nguyền của con nhân sư, phải giết chết cha và lấy mẹ làm vợ. Jocasta sau treo cổ tự tử, Oedipus tự chọc mắt, làm người mù chống gậy đi lang thang giữa sa mạc]
Ở giữa (thí dụ như: giữa hai nền văn hóa, hai miền đất, hai nơi chốn: trong và ngoài...) có nghĩa là chẳng ở đâu. Ðối với bóng đá, người ta càng không thể ở giữa. Khi cuộc chơi bắt đầu, lập tức chúng ta chọn bên, chọn người, giữa 11/11, và 1/11, để có được cây gậy số một. Ông vua Cúp thế giới kết thúc thiên kỷ, mở đầu thiên kỷ thứ ba của nhân loại, vị thần trên sân cỏ Stade de France - sân vận động của thiên kỷ thứ ba - phải chăng sẽ là Ronaldo, 21 tuổi, thuộc đội bóng Brazil, như anh xuất hiện trong dáng dấp của một vị thần La mã, trên bìa một số báo Paris Match?
Chào mừng bạn tới trái tim hành tinh “planète foot”: Stade de France, chiếc đĩa bay khổng lồ trên nền trời Plaine-Saint-Denis, là niềm tự hào của kỹ thuật, với 6 ấn bản khác nhau: là sân cỏ 80 ngàn chỗ ngồi, hoặc sân vận động thể dục điền kinh (75 ngàn), thính đường nhạc hòa tấu (75 ngàn), vận động trường thể thao, như đua xe super-motorcross (30 ngàn), sân khấu cổ điển ( théâtre antique): 18 ngàn chỗ. Với cái bụng lớn gấp rưỡi chiều cao Khải Hoàn Môn, nó có thể chứa thoải mái tháp Eiffel trong lòng đĩa. Mái hình ellipse, là một siêu phẩm kiến trúc, diện tích 60 ngàn mét vuông, nặng 9100 tấn thép, kể thêm phụ tùng 17 ngàn tấn, lơ lửng cách mặt đất 42 mét, hoàn thành trong chưa đầy 9 tháng! Trên ngọn 18 cây cột của nó là những thiết bị khí tượng thật tinh nhậy. Nhà hàng toàn cảnh (panoramique) gồm hai từng, chứa 300 bàn ăn. Thực đơn thứ nhất: 180 francs. Với rất nhiều lối ra, 80 ngàn khán giả giải tán trong vòng chưa đầy 15 phút. Riêng thảm cỏ 900 mét vuông, trị giá chiếm 10 triệu francs trong tổng số 2, 6 tỉ trị giá kỳ quan của thế kỷ.
Chỉ mới cách đây vài năm, một trong những ngôi sao chiếu sáng những ngày cuối cùng của thế kỷ, soi đường cho nhân loại bước vào thiên kỷ tới, Ronaldo Luis Nazario de Liam còn sống với cha mẹ trong một khu xập xệ ở Rio. Học dở, anh kiếm sống bằng cách bán trái cây chui. Như mọi chuyện thần tiên về bóng đá, trong khi chơi với bạn bè cùng trang lứa trên đường phố, anh đã lọt mắt một chuyên viên săn lùng tài năng. Ronaldo vẫn còn nhớ, anh đã khóc ròng, khi đội banh Pháp của Platini loại Brazil khỏi Cúp Thế Giới 1986. Tất cả mọi người đều khóc, bữa đó, ở Brazil, anh kể lại. Ðó là một trong những Cúp Bóng Ðá đẹp nhất trong lịch sử bóng đá. Nhưng Trời ơi! Sao nó buồn đến như vậy!
Francis Huster, trong lá thư ngỏ gửi cho Fernand Sastre và Michel Platini, viết, đại khái: Hãy cứ coi đây là nụ cười thiên lương (bonté), của thế kỷ 20, vào những giờ phút hấp hối của nó. Hãy cứ coi đây như là một lễ hội. Như tất cả đều được quên lãng. Như hai cuốn phim vĩ đại nhất Cuốn Theo Chiều Gió, Titanic đã từng làm người ta (tạm) quên đi những thiên tai, nhân tai của thế kỷ: một phim cháy sáng trong nỗi đau đớn, những trò độc ác của cuộc nội chiến Nam Bắc, bắt nguồn từ kỳ thị chủng tộc, vốn chẳng tàn lụi đi mà cứ được nhân lên mãi. Một biến mất vào lòng đại dương, như một biểu tượng cho sự tan biến của chủ nghĩa CS, bách chiến bách thắng như một con tầu không thể nào chìm... Trên sân cỏ, cũng như trong cuộc sống, không phải cứ giỏi giang là hơn hết. Nhưng đôi khi, như trong cuộc sống, kẻ nào năng động, tích cực, kẻ ấy thắng. Xin cám ơn cả hai vị, Fernand Sastre và Michel Platini về điều các vị đã toan tính, trông mong, kỳ vọng: lại đem đến cho toàn thế giới phẩm giá của nó. Hãy tái chinh phục tâm hồn trẻ thơ. Hãy quên đi sự khinh khi, và hãy chìa tay ra, hỡi những Croatia và Nam Tư, Hoa-kỳ và Iran...
Bài viết trên đây, được viết trước khi Pháp đoạt Cúp Vô Ðịch. Fowler đưa ra những nhận xét trên trước khi có những đội nữ chuyên nghiệp.
Mới đây, Mario Vargas LLosa, nhà văn Peru, trong bài viết World Cup, Spain 1982 (xem Making Waves, Penguin Books), ông có nhắc tới nhà văn người Pháp Albert Camus. Camus viết, những bài học đạo hạnh đẹp nhất mà ông học được, không phải ở trong những căn phòng đại học, mà chính là trên sân cỏ.
Mở ra bằng một nhận định như thế, bài viết tuy nhiên lại có cái nhan đề “Trước cuộc truy hoan” (Before the orgy) thật đúng ý Fowler, nhà văn gốc Hồng Mao, nơi phát sinh ra môn bóng đá. Trong bài viết, tác giả cũng đưa ra một vài ẩn dụ rất ư là bực mình, và cũng thật đáng quan ngại, về bóng đá, mà ông bảo là, của một người bạn của ông: Khung thành là một cái âm hộ qua đó, một cầu thủ, một đội banh, một sân đất, một xứ sở, cả nhân loại, “bất thình lình xả hết sinh lực tạo giống của ‘chúng mình’ ra”. Mọi xứ sở đều chơi bóng đá theo đúng cái kiểu mà họ làm tình. Những mánh lới, kỹ thuật này nọ của những cầu thủ, nơi sân banh, đâu có khác chi một sự chuyển dịch (translation) vào trong môn chơi bóng đá, những trò yêu đương quái dị, khác thường, khác các giống dân khác, và những tập tục ân ái từ thuở “Hùng Vương lập nước”, (thì cứ thí dụ vậy), lưu truyền lại. Ông đưa ra thí dụ: Những cầu thủ Brazil mân mê trái banh thay vì đá nó. Anh ta không muốn rời nó ra, và thay vì đá trái banh vào khung thành, anh ta lao cả người vô theo! Ngược hẳn với cầu thủ người Nga, buồn bã, u sầu, và hung bạo, hứa hẹn những pha bộc phát không thể nào tiên đoán được và cũng thật là đầy chất tranh luận! Mối liên hệ giữa anh ta và trái banh làm chúng ta liên tưởng tới những anh chàng yêu đương dòng Slav với những cô bạn gái của họ: đầy thơ ca và nước mắt, và tận cùng bằng những pha bắn súng.
Và để kết luận ông trở lại với Camus: “Khi tôi chào từ biệt ông bạn Andrés, cuối cùng tôi hiểu ra tại sao Camus lại nói như vậy, về sân bóng đá, và tôi quá nôn nao vẽ ra ở trong đầu mình những cuộc truy hoan khác thường đang chờ đợi chúng ta, ở Cúp Thế Giới...”
|