trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Thể thao
  1 - 20 / 33 bài
  1 - 20 / 33 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThể thao
26.5.2002
Gunter Gebauer
Bóng đá đâu còn là thể thao nữa
Nhà xã hội học Gunter Gebauer nói về tính chất giải trí của bóng đá, các cầu thủ si tình và cuộc hôn nhân giữa bóng đá và thương mại / Phỏng vấn của FR
Trương Hồng Quang dịch
 
Bóng đá không còn là thể thao nữa, nhà xã hội học thể thao và triết gia Gunter Gebauer sống ở Berlin nói như vậy. Đối với ông, bóng đá là một trò giải trí đại chúng được dàn dựng. Ông cảnh báo về tính chất giả tạo của thể thao hiện đại, cái sẽ dẫn đến sự cáo chung của nó. Rainer Schäfer và Christoph Ruf, cộng tác viên của nhật báo Frankfurter Rundschau (FR), đã trao đổi với giáo sư Gunter Gebauer.


FR: Thái độ đả phá trong giới cổ động viên bóng đá đang gia tăng. Ở nhiều hạng bóng đá, cổ động viên đe doạ các ngôi sao của họ. Những lời chửi bới như „Lũ triệu phú đốn mạt“ của bóng đá ngoại hạng xem ra vẫn còn hiền lành. Liệu có thể giải thích điều này bởi lòng ghen ghét do khoảng cách giàu nghèo trong xã hội?

Gebauer: Đó chỉ là một khía cạnh. Thể thao là một sản phẩm ngày càng được dàn dựng quy mô hơn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Người ta chế tác ra các tự sự về những vị anh hùng có khả năng làm những điều phi thường. Đối với các nhà điền kinh, thường đấy là những bộ quần áo được cắt may quá khổ.

Một khi lớp sơn của cái thế giới giả tạo ấy bị tróc lở thì các cổ động viên sẽ nổi loạn?

Điều này có thể xảy ra. Người ta vẫn thường kêu ca là thể thao bị thương mại hoá, tuy nhiên thể thao, ở nước Anh chẳng hạn, từ rất sớm đã gắn liền với việc kiếm lời. Hình dung cho rằng những gì làm đẹp cuộc đời như nghệ thuật, tình yêu và thể thao không được phép dính dáng đến chuyện tiền bạc là một quan niệm điển hình của giới trung lưu và quý tộc. Thông qua đó, người ta lí tưởng hoá tình trạng nghiệp dư và bôi nhọ quan hệ giữa thể thao và thương mại như là một cuộc hôn nhân bẩn thỉu.

Liệu không đúng như vậy sao?

Có cách nào để có thể li dị được cuộc hôn nhân này? Thể thao ngốn một nguồn kinh phí khổng lồ. Coi điều này như một thứ nhơ bẩn là biểu hiện của một thái độ bất nhất đối với thể thao, kể cả ở các đại diện của giới thể thao đối với chính sản phẩm của họ. Chậm nhất kể từ khi ti vi trở thành phương tiện sử dụng thời gian rỗi chủ yếu, thể thao đã biến thành một món hàng hiếm và đương nhiên ngày càng bị chi phối một các mãnh liệt hơn bởi các quan hệ kinh tế. Mà nói cho đúng ra thì trong thể thao chuyện tiền bạc vẫn chưa phải là điều tệ hại nhất.

Vậy thì là cái gì?

Một thực tại được tạo ra với sự hỗ trợ rầm rộ của máy móc. Qua đó mà thể thao mang một tính chất hết sức giả tạo. Mối nguy cơ ở đây là thể thao trở thành một sự kiện mang tính cách trình diễn, không còn liên hệ gì đến thực tại nữa, không liên quan đến những kinh nghiệm riêng tư và cảm giác thân thể của cá nhân. Điều này khiến thể thao sẽ được cảm nhận như là một cái gì đó xa vời. Do vậy mà phản ứng của khán giả đối với thứ sản phẩm nhân tạo này ngày càng trở nên phi lí hơn.

Trong bóng đá, kể cả những câu lạc bộ hạng ba đã cầu viện sự hỗ trợ của các công ti quảng cáo, nhằm qua những chiến dịch gây dựng image (tiếng tăm) để tạo ra một khả năng tiếp thị hiệu quả hơn và tự thể hiện mình như là những sản phẩm chính hiệu. Điều này chỉ có nghĩa là người ta đã đẩy sự chuyên môn hoá và thương mại hoá lên tới giới hạn tột cùng - những xu hướng vốn đã tiềm tàng trong sự phát triển của bóng đá. Từ những năm 20 các câu lạc bộ thể thao đã có những image của mình. HSV (Hamburger Sportverein = CLB thể thao Hamburg, Người dịch) ngay từ 1900 đã quả quyết rằng họ là một câu lạc bộ lịch lãm có cỡ. Có những câu lạc bộ mang một image được hình thành qua lịch sử, song nay image đó đã trở thành một thứ biếm họa của thực tại: Ví dụ như Schalke hay Dortmund với tư cách là những câu lạc bộ công nhân, mặc dù ngay từ những năm 30 những cầu thủ chính đã được miễn việc. Thế nhưng cái image công nhân mỏ này lại gây được thiện cảm, đương nhiên chỉ một khi nó gắn liền với một thành tích bóng đá tuyệt hảo.

Các nữ cầu thủ bóng ném còn bày trò khoả dục (Exhibitionismus), nhằm để rao bán môn thể thao của mình một cách hữu hiệu hơn.

Đấy là một trò thật rẻ tiền. Những môn thể thao không thuộc Top 5 trong danh mục quan tâm của các phương tiện thông tin đại chúng tìm cách nâng giá của mình lên thông qua những yêu tố kích động bản năng „nhòm qua lỗ khoá“ (voyeuristisch). Thế nhưng dù có phô bày cả những chiếc nịt vú thêu đăng ten đen thì môn bóng ném vẫn không trở nên hấp dẫn hơn. Và nếu như người ta xem xét môn thể dục nhịp điệu dưới những khía cạnh tình dục thì đấy là một hình thức cưỡng dâm trẻ em công khai được lấp liếm dưới cái vẻ thể thao.

Liệu có cũng vô liêm sỉ không khi mà các hãng quảng cáo đang móc hết phủ tạng của những tổ chức cổ động viên đã hình thành nên qua nhiều năm trời để kiếm lời?

Có nhiều câu lạc bộ coi cổ động viên của họ như là một nguồn vốn - kể cả trong ý nghĩa kinh tế. Từ giác độ của cổ động viên thì việc người ta kiếm lợi từ vốn tài sản này được cảm nhận như là một hành động tước đoạt. Còn đối với các câu lạc bộ thì điều quan trọng là có được những cổ động viên thứ thiệt như FC St. Pauli hay những cổ động viên sính bạo lực như Real Madrid với cả một tổ chức dân tộc cánh hữu thực hiện việc tuyên truyền hệ tư tưởng phát xit mới của nó dưới sự che chở của lãnh đạo câu lạc bộ. Nhóm cổ động viên Phương Bắc thì tiến hành hoạt động khủng bố và tạo ra một image: Hãy dè chừng trước câu lạc bộ này! Bản thân câu lạc bộ có thể tỏ thái độ bài trừ việc này, tuy nhiên trong thực tế nó lại kiếm lợi từ đó một cách cố tình: Một chiến lược thật xảo quyệt. Trong bóng đá ngoại hạng, sân vận động được biến thành công viên giải trí cho những khán giả có tiền rủng rỉnh trong hầu bao. Người ta mồi chài công chúng mới và xua đuổi công chúng cũ và làm như thể điều đó bị chi phối bởi các mục tiêu thể thao của một câu lạc bộ.
Uli Höness từng nói rằng, ông ta thực hiện chiến lược này chỉ để dành ưu thế thể thao. Một doanh nghiệp thể thao muốn phát triển tiếp thì xét trên phương diện thuần tuý kinh tế sẽ chẳng lợi lộc gì một khi nó phải chung thủy với lớp công chúng cũ của mình. Còn với tư cách là cổ động viên thì người ta lại có thể coi đấy là một điều đáng tiếc.

Trong bối cảnh của một thứ chủ nghĩa bóng đá tân tự do thì cổ động viên cũng phải chấp nhận sự mất mát của các giá trị, chẳng hạn như sự đồng nhất về tinh thần với câu lạc bộ của mình. Liệu họ có nên bằng lòng với việc các cầu thủ trong trường hợp lí tưởng cũng chỉ có thể bày tỏ sự đồng nhất của họ với câu lạc bộ trên sân cỏ mà thôi?

Một cổ động viên thực thụ phải trả giá hơn nhiều lần so với một khán giả bình thường trước ti vi hay ở sân vận động. Anh ta hi sinh một phần của bản thân và đòi hỏi có được một sự đền đáp. Những cổ động viên như vậy tạo nên các ngôi sao của họ. Tác thành thần thánh là công việc của các con chiên, con chiên sản sinh ra các thần tượng của họ. Đến lượt các thần tượng cũng phải hiểu rõ điều đó. Một khi họ không xử sự như mong đợi, tập thể con chiên sẽ rũ bỏ họ. Ngày nay các vị anh hùng bị hạ bệ rất nhanh chóng. Đây là những quá trình đầy quyền lực diễn ra giữa các tổ chức cổ động viên và các ngôi sao của họ.

Liệu tình yêu bị thất vọng của cổ động viên có làm động lòng một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp hay không?

Nếu như một cầu thủ bỏ Schalke và chạy sang Dortmund, anh ta sẽ đánh mất ngay các cổ động viên của mình. Câu hỏi ở đây là liệu anh ta có được những cổ động viên mới đón nhận hay không? Nếu không thì anh ta sẽ đánh mất tất cả. Trong trường hợp đó, anh ta sẽ kiếm được nhiều tiền hơn và có thể sẽ chơi trong một câu lạc bộ tốt hơn. Song anh ta đã đánh mất những gì mà cổ động viên có thể mang lại cho mình. Đó là một điều vô giá.

Liệu cách giấu mặt của nhiều cầu thủ chuyên nghiệp có phải là một chiến lược nhằm ngăn cản xung đột? Người ta tránh bày tỏ một thái độ gắn bó nhất định, bởi đằng nào thì người ta cũng lưu chuyển từ câu lạc bộ này sang câu lạc bộ kia và không thể bộc lộ một thứ đức tin nào đó?

Một tình cảm gắn bó được bày tỏ cũng có thể là chân thật: Bỏ qua một bên chuyện tiền nong, một cầu thủ có thể cảm thấy hết sức thoải mái trong một câu lạc bộ nhất định. Có thể xảy ra, nói như Freud, những quá trình dẫn đến sự phải lòng. Kể cả ở các triệu phú bóng đá. Đây là một điều hiếm có trong bóng đá Đức. Năng lực cảm xúc và tính cách là những phẩm chất mà chỉ rất ít cầu thủ ngoại hạng Đức có được. Xét về mặt tình cảm, các cầu thủ chuyên nghiệp của chúng ta có phần nào nghèo nàn. Ở các nước khác thì việc cầu thủ bộc lộ cảm xúc đã là một giá trị tự thân. Trong đội ngũ diễn viên đông đảo của nền bóng đá Đức quả thật không có lấy gì làm nhiều những nghệ sỹ thể hiện tính cách thực sự. Trong khi đó thì khát vọng hướng đến những ngôi sao và tính cách độc đáo lại thật là vô hạn.
Những mẫu người trung bình như Mario Basler được nống lên thành siêu sao, thành những nhân vật có góc cạnh. Trong thể thao, cổ động viên hướng đến những ngôi sao có tầm vóc vượt hẳn mức trung bình. Điều này càng được gia tăng bởi các yếu tố trình diễn trong TV. Chính vì vậy mà không còn những chương trình thể thao thuần túy nữa, những hình thái hỗn hợp với tính chất của một vở kịch mùi mẫn nhiều tập xuất hiện. Tuy nhiên nhân cách thật sự lại đòi hỏi tính độc đáo, như một Beckenbauer hay một Netzer. Mỗi một ngôi sao vì vậy mà thông qua những khả năng thể thao và diễn xuất của mình tìm cách sắm một kiểu vai nào đó. Vấn đề sẽ trở nên rắc rối khi mà những image được gán ghép một cách giả tạo không có sức thuyết phục. Làm sao có thể thành công được một khi người ta muốn biến Dujardin trở thành loại Cognac ngon nhất thế giới. Cùng lắm thì loại rượu đó cũng chỉ để an ủi các vị hưu trí. Sẽ chẳng ăn nhằm gì nếu người ta bôi son trát phấn một cách quá lộ liễu, kể cả ở trường hợp Mario Basler. Cái dung tục thường xuyên được trưng diễn một cách thậm xưng dưới các hình thức giải trí đại chúng như thể thao hay Big Brother (**). Đây là một hiện tượng có quy mô toàn xã hội. Mọi sự đều được đẩy tới mức quá tải, kể cả trong bóng đá. Việc này sẽ trót lọt một khi khán giả muốn chứng kiến một cái gì đó vượt lên phạm vi của một trận đấu bóng đá. Và đây là một thái độ rất phổ biến. Bóng đá đâu còn là thể thao nữa. Coi bóng đá là thể thao tức là suy nghĩ bằng những phạm trù đã lỗi thời.

Vậy giờ đây chúng ta bắt buộc phải chấp nhận điều này?

Người ta không thể quay ngược bánh xe được nữa. Trước đây 30 năm thể thao còn gắn liền với mục tiêu nâng cao thành tích, cùng với nó là khả năng kiếm thêm một ít thu nhập. Giữa chừng đã hình thành nên một thứ hỗn hợp từ thể thao, sự dàn dựng một cách cường điệu các nhân cách thể thao, giải trí, thương mại, huyền thoại, sử thi và bi kịch. Một hỗn hợp như vậy không ai có thể còn phân giải được nữa. Nó chỉ còn có thể sụp đổ trong chính bản thân nó. Nhưng tạm thời nó vẫn còn khả năng tự duy trì.

________________________________________

Chú thích:

(*) Đầu đề do Talawas đặt
(**) Big Brother: Một chương trình giải trí trên ti vi, thuộc thể loại “Reality-Show”, do công ti Endemol (Hà Lan) sản xuất. Một nhóm người (nửa nam, nửa nữ), trước đó chưa hề gặp nhau, tự nguyện sống chung trong một ngôi nhà hoàn toàn bị cách biệt với thế giới bên ngoài với những điều kiện sinh hoạt ở mức tối thiểu. Ở tất cả các phòng, kể cả phòng tắm, đều đặt máy quay truyền hình; mọi hoạt động và lời nói của những người sống trong nhà đều được theo dõi và phát sóng hàng ngày trên ti vi. Cứ hai tuần một lần, những người sống trong nhà bầu ra hai ứng cử viên phải bỏ cuộc chơi trước thời hạn. Khán giả ti vi thông qua biểu quyết bằng điện thoại sẽ lần lượt quyết định ai là người sẽ phải rời khỏi ngôi nhà. Sau thời gian ba tháng, người còn lại cuối cùng sẽ nhận được giải thưởng từ 250.000 – 300.000 DM.