trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
8.9.2008
Trương Thái Du
Có nên giữ nguyên hiện trạng Biển Đông?
 
Thế vận hội Bắc Kinh đã kết thúc. Người Trung Quốc đã tự tin họ vừa trở thành cường quốc, với mũi nhọn thể thao đi đầu. Chủ nghĩa dân tộc sô vanh cực đoan ở phương bắc đang ngất ngây sau liều doping cơ bắp hoành tráng.

Chiến tranh muôn đời nay luôn khởi đi từ kẻ mạnh. Thủ đoạn ưa dùng của một cường quốc là khiến vũ lực chuyển hóa các thông điệp yêu cầu quyền lợi, tôi luyện khả năng tự vệ và gây hấn. Hãy xem nước Mỹ hơn nửa thế kỷ qua, từ sau Thế chiến thứ Hai, có bao giờ nó ngừng nghỉ chiến tranh can thiệp, ngừng nghỉ việc tạo ra những kháng thể bạo lực để tự hoàn thiện sức mạnh. Mỹ thất bại ở Việt Nam khi tiết chế kém hợp lý qui mô xung đột, dù luôn tỉnh táo không đưa bộ binh vượt vĩ tuyến 17. Nga Xô ngã quị, tan rã và chỉ gượng dậy được sau hơn hai chục năm vì “biến chứng quá liều” ở Apghanistan. Trong “đơn thuốc” phục hồi của họ có tên Chechnya, Caucasus Trung Á và mới đây là Gruzia. Mầm non cường quốc Nhật Bản xưa hăng máu quá, thắng Nga, thắng Trung Quốc nhưng lại trượt dài trên Thái Bình Dương bao la đến nỗi trở thành kẻ bạc nhược.

Cho nên tôi không nghi ngờ Trung Quốc đang cân nhắc chiến tranh, mà chỉ muốn tiên đoán họ định giới hạn chiến tranh như thế nào. Mấy thập kỷ nay họ dùng loại “kháng thể” Đài Loan để rèn giũa sức mạnh quân đội. Hình như Mỹ vẫn khoan khoái nhấm nháp “quả lừa” cùng tên. Thật vậy, hãy tưởng tượng một cuộc xung đột ngoài ý muốn giữa Trung – Nhật hoặc Trung – Mỹ, vũ khí mà Đài Loan “tậu” được bấy nay sẽ ý nghĩa thế nào, hành xử của nó sẽ trở nên rất có trọng lượng.

Giới để mắt về phía phương Tây tại Việt Nam luôn có những mong chờ hão huyền nơi nước Mỹ. Bài học khi Mỹ bỏ rơi chính phủ Việt Nam Cộng hòa thỉnh thoảng vẫn ấm ức sôi lên trong tâm tưởng các kiều bào lớn tuổi bên bờ đông Thái Bình Dương. Chỉ có thế thôi, nếu không kể “ký ức Mỹ” chưa bao giờ phai nhạt nơi thị dân miền Nam Việt Nam cũ. Ký ức ấy vừa ti tiện, vừa hạ mình. Với họ cái gì Mỹ cũng nhất. Ký ức ấy sinh ra từ một nền văn minh nông nghiệp thuộc địa lạc hậu, choáng ngợp trước kỹ nghệ tân tiến của những ông trùm tư bản, choáng ngợp trước vũ khí hiện đại kết dính cùng kỹ năng quảng cáo tài tình, nếu không muốn nói là bố láo.

Thật ra nước Mỹ là một thực thể chính trị phi lịch sử, cho nên nó vừa sợ lịch sử vừa coi thường lịch sử và chẳng bao giờ học thuộc một bài học nào của lịch sử. Nó biết Napoléon đã bại trận tại Nga, biết Hitler đã sa lầy tại Liên Xô, nhưng luôn ra vẻ kẻ cả và coi thường nước Nga. Ung nhọt Gruzia bục ra, chẳng biết có làm người Mỹ thức tỉnh. Ngược lại, với Trung Quốc thì Mỹ lại cảnh giác và đề cao quá mức, hết sức nâng đỡ, với phương châm cố gắng biến kẻ thù thành bạn ngang hàng từ ngày Mao Trạch Đông còn tại thế. Các ứng viên tổng thống Mỹ từ kỳ bầu cử này đến kỳ bầu cử khác dù hiểu rõ hiểm họa tiềm tàng từ Bắc Kinh, song khi đã yên vị trong Nhà trắng, họ chẳng bao giờ cưỡng lại được nguồn lợi kinh tế từ một cộng đồng tiêu thụ/sản xuất gồm 1,3 tỷ cái mồm, 2,6 tỷ bàn tay. Hai ví dụ trên chứng minh sự non yếu, thiếu nhất quán và xuyên suốt của chính sách ngoại giao quốc tế tại Washington.

*


Lướt qua các điểm nóng mà Trung Quốc có thể khuấy lên là Đông Hải, Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương và Nam Hải (tức Biển Đông trong ngôn ngữ Việt Nam, tôi dùng từ này để tránh nhầm lẫn với Đông Hải, nơi xung đột lợi ích giữa Trung Quốc và Nhật Bản). Như trên đã nói, Đài Loan rốt cuộc chỉ là nghi binh của Bắc Kinh mà thôi. Thực tế chứng minh người Đài Loan đã chọn Quốc dân Đảng và phương châm hòa bình cho eo biển, cho những con cháu chung tiên tổ Viêm – Hoàng. Tân Cương đang manh nha chiến tranh du kích, phá hoại. Tây Tạng là kiểu xuống đường, tập hợp quần chúng. Đông Hải đang tạm yên với những thỏa thuận chia sẻ đôi bên cùng có lợi. Trung Quốc chỉ còn mỗi Nam Hải để “sắc thuốc”. Hơn nữa một trong những nghệ thuật chính trị của văn minh Hoa Hạ là dùng lửa dập lửa. Viễn cảnh Tây Tạng bùng cháy, đàn áp làm thế giới giận dữ; Tân Cương rối loạn vì khủng bố qua lại từ hai phía; Bắc Kinh sẽ chẳng ngại ngần khêu mồi lửa Nam Hải để hút hết dư luận vào đấy. Quả là nhất cử lưỡng tiện.

Tôi đã đọc rất nhiều ý kiến luận bàn các giải pháp cho Biển Đông. Khía cạnh “khát năng lượng” của Trung Quốc được nêu bật, cho nên giải pháp “chia sẻ”, tìm “sự hiểu biết lẫn nhau” rất sáng. Thậm chí Trung Quốc cũng từng đề nghị gác chủ quyền qua một bên để cùng thăm dò và khai thác tài nguyên. Yếu tố “cường quốc Huê Kỳ” cũng được tính đến. Tôi bỗng nhớ câu chuyện ngụ ngôn “chia bánh” từ ngày thơ bé: “Hai con thỏ bất đồng về sự công bằng bên một chiếc bánh. Gã cáo lưu manh bèn giúp đỡ bằng cách bẻ chiếc bánh làm hai phần không tương xứng. Tất nhiên không chú thỏ nào thỏa mãn. Giải pháp mà cáo đã thực hiện là cứ ăn dần cả hai phần đến khi chỉ còn hai mảnh nhỏ xíu bằng nhau”. Ở đây không khó nhận ra rằng cáo là Mỹ, là Trung Quốc và thỏ là những nước ASEAN yếu ớt trong chia rẽ.

Hợp tác thì khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi, ở ngay trong sự đoàn kết của ASEAN nữa. Tình huống trở thành “bao cát” cho võ sĩ cường quốc “thao dượt” đã khá rõ ràng. Do vậy sự nhạy cảm của người dân và chính phủ Việt Nam với “kế hoạch xâm lăng 31 ngày” trên mạng Sina là dễ hiểu. Thiển nghĩ Việt Nam cũng không đến nỗi bị khủng hoảng tinh thần (kiểu như Gruzia), hơn 1000 năm lập quốc của mình bên cạnh Trung Hoa đã có quá nhiều tiền lệ và đối sách tham khảo cho tình huống. Việt Nam nan giải ở ngoài Biển Đông, nơi các tranh chấp là vô tiền khoáng hậu.

Trong khi dò dường đi, nên chăng, người Việt Nam hãy cân nhắc giải pháp giữ nguyên hiện trạng Biển Đông, cùng vận động bè bạn ASEAN tuyên bố thẳng thừng sẽ để dành tài nguyên dầu mỏ cho con cháu mai sau. Tôi tin chắc các bộ óc ở Trung Nam Hải sẽ bất ngờ với tình huống này. Song song với luận lý ấy, cần thiết luôn đề cao lẽ phải và bằng chứng chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam trên Biển Đông.

Hành động mập mờ đu dây gần đây của chính phủ Việt Nam, như mời gọi những tập đoàn dầu khí xuyên quốc gia thăm dò khu vực ngoài thềm lục địa kề cận vùng nhạy cảm, sẽ không đi đến đâu. Trung Quốc luôn ý thức được ảnh hưởng to lớn của họ trên bất cứ bàn đàm phán thương mại nào liên quan đến Biển Đông. Trước mắt, theo tôi những gì chưa chắc chắn thì không nên làm, tránh tạo cớ cho kẻ mạnh khơi mào tranh chấp như mới rồi tại Gruzia.

Có người bạn hỏi tôi “Mai sau là mai sau nào?”. Tôi đã trả lời: Mai sau tất nhiên là ở thì tương lai, ở giữa một trật tự quốc tế ổn định, ở trong sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau của tất cả các nước liên quan tới Biển Đông, ở lúc tiềm lực văn hóa kinh tế quân sự của đất nước Việt Nam không còn bị chính người Việt Nam bi quan… Với tôi, trong cái “mai sau” ấy, người Việt Nam không còn là thỏ, không ảo tưởng về những “bạn cáo” vô tư, vô vụ lợi, không mỏi mòn tìm kiếm sức mạnh tự vệ ở ngoài bản thân mình.

Thảo Điền, 9.2008

© 2008 talawas