trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
9.9.2008
Semyon Novoprudsky
Tấm “Huân chương Hữu nghị” và cuộc chiến tranh phục hận
La Thành dịch
 
Lời đầu của người dịch

Việc ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh Xô-viết gốc Georgia Vakhtang “Buba” Kikabidze từ chối tấm “Huân chương Hữu nghị” và buổi công diễn khánh thọ trong Đại Điện Kremli do Chính phủ Nga trao tặng đã gây nên phản ứng khá mạnh từ một số đồng nghiệp người Nga của ông, trong đó có những nghệ sĩ danh tiếng như Iosif Kobzon, bạn thân của Buba. Thực ra, sự kiện này không phải là chưa có tiền lệ: Aleksandr Solzhenitsyn đã từng hai lần từ chối sự vinh thưởng của những người đứng đầu nước Nga. Tuy nhiên, giữa Solzhenitsyn và Kikabidze có một vài khác biệt. Trong khi Solzhenitsyn là người Nga, từng bị chính nước Nga hạ nhục, ruồng bỏ và thành danh chủ yếu nhờ các yếu tố bên ngoài, thì Kikabidze là người Georgia, thành danh trong lòng xã hội Nga, được nước Nga ưu ái, chăm sóc và trên thực tế, đã trở thành một người-Nga-về-văn-hoá. Nếu như đứng trước Solzhenitsyn, nước Nga (vào đầu những năm 90 của thế kỉ trước) từng cảm thấy có lỗi đồng thời phải hàm ơn ông — người đã phát quang con đường đưa nó ra khỏi khu rừng rậm tăm tối của chủ nghĩa toàn trị —, thì trước Kikabidze trong những ngày vừa qua, nó lại có mặc cảm của một đại ân nhân đang bị kẻ hàm ơn thất lễ.

Đối với những trí thức Nga đang phản đối Kikabidze, hệ thống giá trị của thời đại Xô-viết vẫn không thay đổi. Các nhà lãnh đạo chính trị của họ, đang sống và làm việc trong cung điện của các Sa hoàng trước kia, vẫn là các Sa hoàng mới đầy quyền uy, đứng đầu một đế quốc to lớn mà cả thế giới cần phải nể vì, kính trọng. Việc một trí thức cứng đầu của một lân bang nhỏ bé — từng là thuộc quốc của nước Nga — từ chối sự vinh thưởng của nước Nga đã làm bẽ mặt Sa hoàng của họ, xúc phạm đến niềm tự tôn đế quốc của họ, khiến họ không thể chấp nhận. Như một hiển nhiên, niềm tự tôn đế quốc luôn luôn là thứ tình cảm được vũ trang bởi một bộ tiêu chuẩn kép, một hệ thống giá trị hai mặt. Trong khi “run giọng vì xúc động” lên lớp Kikabidze về đạo đức, họ lại dường như không cảm thấy có gì bất ổn về cả luân lý lẫn công lý khi, ở thế kỉ 21, Sa hoàng của họ xua binh hùng tướng mạnh can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền với dân số nhỏ hơn 30 lần và diện tích nhỏ hơn 245 lần so với đế quốc của họ.

Tuy nhiên, nước Nga đã từng và luôn luôn có những công dân trung thực, dũng cảm, đã không ngần ngại gọi cuộc can thiệp quân sự của chính quyền Nga vào Georgia hồi trung tuần tháng Tám vừa qua là một “sự thô lỗ đế quốc”, đồng thời bày tỏ sự thông cảm với hành động tự trọng và ái quốc của Kikabidze. Bài báo dưới đây, đăng trên một diễn đàn Nga độc lập có đông đảo độc giả, Gazeta.Ru, là tiếng nói của một công dân Nga như thế.

Còn một điều này nữa. Trong khi đọc và biên dịch bài báo, những thao tác lý tính của tư duy đã đưa tôi đến một điểm nhìn ở cách rất xa đường biên giới địa chính trị Georgia-Nga. Ở đó có một dân tộc đông dân hơn Georgia 20 lần, sống trên một đất nước gần 5 lần rộng hơn Georgia. Song, một quốc gia lớn hơn không luôn luôn là một quốc gia mà giới cầm quyền của nó có ý thức hơn về phẩm giá.
La Thành
Câu chuyện này đã khởi đầu rất đẹp. Tân Tổng thống Nga, một người đàn ông trẻ trung, hiện đại, sử dụng thành thạo Internet và xuất thân từ một gia đình trí thức, đã kí sắc lệnh tưởng thưởng Vakhtang Kikabidze — người nghệ sĩ nhân dân (không phải như một giai hàm vinh dự, mà trên thực chất) của cả hai quốc gia Nga và Georgia — huân chương “Hữu nghị” nhân sinh nhật lần thứ 70 của ông, theo quốc tục.

Và bậc nghệ sư có biệt danh “Buba” rất được công chúng mến mộ này đang sửa soạn cho chuỗi công diễn kỉ niệm thất thập chu niên của mình ở Moskva vào mùa thu sắp tới, đồng thời lãnh nhận sự tôn vinh [của Tổng thống Nga] vào dịp đó.

Đương nhiên, sau biến cố vừa qua giữa Nga và Georgia mà đối với nó, chính quyền Nga đã sử dụng bạo lực không thua kém “chế độ Saakashvili” khét tiếng (theo quan điểm Nga — người dịch), Kikabidze đã [tuyên bố] từ chối tấm huân chương “Hữu nghị” [của nước Nga]. Và các chuyên viên ngành văn hoá của chúng ta, những người luôn thừa lịch lãm và, trên thực tế, luôn là những ca sĩ hát bè sau mọi lĩnh xướng của chính quyền Nga, bắt đầu chỉ trích lão nghệ sĩ xuất chúng về sự từ chối của ông.

Nói thẳng thắn, quân đội Nga đã không tự chế mình bên trong các đường biên giới của Nam Ossetia và Abkhazia; cũng như nước Nga, nói cho ngay, trong chính sách đối nội và đối ngoại đã từ lâu không tự chế mình trong các giới hạn của danh dự, lương tri và công lý. Vào đỉnh điểm của cuộc xung đột (đừng quên rằng chiến cuộc vẫn chưa kết thúc và quân đội Nga vẫn còn tuần tiễu trong khu vực cảng Poti, một địa danh chẳng dính dáng gì tới Abkhazia và Nam Ossetia hết), Vakhtang Kikabidze đã cho một phỏng vấn đau lòng [1] cùng một trong những tờ báo ở Tbilisi. Những trích đoạn sau đây từ bài phỏng vấn đã được đăng tải bởi một trong những tờ báo Nga thuộc loại thường xuyên vuốt ve tán tụng chính quyền Nga:

“Thoạt đầu tôi cứ nghĩ rằng quân đội Nga chỉ hoạt động giới hạn trong khu vực có xung đột, nhưng khi nó tràn lấn suýt nữa thì cả nước Georgia, tôi mới vỡ lẽ: người Nga đã phát động cuộc chiến tranh man rợ này một cách có chủ đích. Chúng ta phải tận lực tống cổ họ ra. Phương Tây cần giúp đỡ chúng ta trong việc này... Cả thế giới đã thấy rõ Nga là một nước như thế nào. Chính họ đã san phẳng Tskhinvali (thủ phủ Nam Ossetia — người dịch), nhưng giờ đây [họ] lại buộc tội người Georgia đã làm việc đó... Tôi muốn nói với người Georgia rằng: chúng ta cần phải biết làm tất cả để bảo vệ đất nước của chúng ta. Người Nga cần phải cút khỏi nơi đây...” [2]

Bất luận những lời nói kia phản ánh điều gì — một sự thật cay đắng hay tiếng thét tuyệt vọng của một người đã có tuổi trước việc quân đội của đất nước mà ông yêu mến đang cướp đoạt Tổ quốc của ông trên thực tế —, chúng đã trở thành hậu quả của cả hai nền chính trị Georgia và Nga.

Georgia không hề tấn công nước Nga như nước Đức Hitler đã từng làm. Nước này chỉ làm đúng cái việc mà Nga đã làm ở Chechnya: cố gắng khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của mình bằng giải pháp quân sự. Hẳn là chúng ta chẳng bao giờ thích thú khi người khác làm đúng cái việc mà chúng ta đang làm.

Tôi không rõ các nghệ sĩ Nga sẽ cho báo chí ở Moskva những phỏng vấn như thế nào nếu như Georgia là nước lớn như Nga, còn Nga chỉ nhỏ như Georgia, và Georgia [tuyên bố] công nhận nền độc lập của Chechnya mà tại đó nó đã gửi quân đội chính qui vào từ trước. Nhưng tôi đoan chắc một điều, rằng Nga vốn dĩ — trải qua lịch sử nhiều thế kỉ — đã được xây dựng thành một đất nước đa sắc tộc; song nhà nước Nga thì lại chưa bao giờ là một nhà nước đa sắc tộc, ngay cả hiện nay cũng vậy. Tôi cũng đoan chắc một điều, rằng không tồn tại cái gọi là “tình hữu nghị” giữa các dân tộc: cái thường được thấy chỉ là sự thù hằn giữa các dân tộc mà thôi; và rằng những người cầm quyền của các quốc gia — đặc biệt là của những nước lớn hơn và mạnh hơn — có trách nhiệm cá nhân trong việc loại trừ lòng thù hận đó.

Nước Nga đã dùng sức mạnh vũ trang đẩy sang phía đối địch một dân tộc có cùng tín ngưỡng với nhân dân của nó; với dân tộc này, người Nga đã luôn luôn có các mối quan hệ tinh thần, văn hoá và cả con người. Liệu chúng ta có thể nói rằng nước Nga đã chiếm được cảm tình của người Abkhazia và người Ossetia hay không?

Than ôi, cơn hôn mê đế quốc mà suốt tám năm qua, chính quyền ngu muội của nước Nga đã đẩy bản thân nó và nhân dân của nó vào, bằng những bài kệ tuyên truyền đầy ngữ khí kích hấn, đã không hề hàm chứa những thiện cảm có thật — hay ngay cả sự tôn trọng tối thiểu — đối với các sắc dân đã được/bị người Nga chúng ta “thuần dưỡng”. Công an Nga sẽ không kiểm tra hộ chiếu của người Ossetia và người Abkhazia một cách nhã nhặn hơn như nó vẫn làm cho đến lúc này. Người bình dân trong đế quốc của chúng ta sẽ không bắt đầu cư xử với người Caucasus một cách trìu mến hơn so với bây giờ.

Bản thân sự tồn vong của nước Nga nếu không phải là đang phụ thuộc vào tình hữu nghị giữa các dân tộc của nó (tôi xin nhắc lại rằng cái có tên như thế không tồn tại, chỉ tồn tại tình bạn giữa những con người) thì cũng phụ thuộc vào sự chung sống hoà bình một cách có tổ chức giữa các cư dân thuộc về các dân/sắc tộc rất khác nhau của nó.

Ở Liên Xô trước đây đã từng tồn tại một dạng vinh thưởng gọi là “Huân chương Hữu nghị giữa Các dân tộc” (Orden Druzhby Narodov), và điều này đã không ngăn cản tuyệt đại đa số các cư dân bình thường của nước Nga — những con người hoàn toàn hiền hoà và dễ mến, không có một chút (dù nhỏ) biểu hiện dân tộc chủ nghĩa nào — thường xuyên lẫn lộn người Tajikistan với người Uzbekistan, người Kyrgyzstan với người Kazakhstan, trong khi đang sống chung với họ trên cùng một quốc gia. [3] Chính trong giai đoạn Xô-viết “thanh bình” ấy, trên một sân vận động ở Kiev, những cổ động viên cuồng nhiệt (của đội bóng địa phương — người dịch) đã gào vào mặt đội bóng đến từ Kazakhstan: “Đập, đập chết lũ khốn đi!” Nước Nga không nên tiếp tục tạo ra thù hận như nó đã làm trong suốt những năm qua, không nên xúi giục các cư dân của mình đối đầu với cả thế giới còn lại, không nên trở thành con ngoáo ộp đối với các lân bang theo lề thói của Liên Xô (hãy chú ý rằng thiết chế này đã thuộc về quá khứ và đã tan rã)! Bởi lẽ những ai mà chúng ta khiến họ sợ sẽ không bao giờ yêu thích và trân trọng chúng ta. Mọi liên minh bất bình đẳng đều sớm muộn sẽ tan rã.

Tôi mong Vakhtang Kikabidze sẽ sống đến ngày mà ông có thể đến Moskva để lãnh nhận — trong khi không cảm thấy điều gì xúc phạm đến lương tâm mình — tấm huân chương “Hữu nghị” công huân từ tay vị Tổng thống Nga có vẻ ngoài đầy trí thức [như] Dmitry Medvedev.

Tôi cũng hi vọng một ngày nào đó, thứ vi-rút của căn bệnh thô lỗ đế quốc chủ nghĩa sẽ bị triệt loại khỏi huyết quản của hệ thống nhà nước Nga, nếu nó không muốn tự suy vong.

“Chúng ta không e sợ bất cứ điều gì, kể cả triển vọng về một cuộc chiến tranh lạnh.” Dmitry Medvedev đã nói như vậy trong cuộc phỏng vấn do kênh truyền hình tuyên huấn Nga phát qua tiếng Anh Russia Today thực hiện, ngay sau khi nước Nga phạm phải sai lầm địa chính trị lớn nhất kể từ thời điểm Liên Xô sụp đổ. Thật đáng tiếc: những chính trị gia có trách nhiệm cần phải e sợ triển vọng của bất cứ một cuộc chiến tranh nào!

Nguồn: Семён Новопрудский, «Орден Вражды», Газета.Ru, 29 августа 2008, 10:28



Phụ lục

Kobzon phê phán Kikabidze

Theo RIA Novosti, ca sĩ và đại biểu Gosduma Liên bang Nga Iosif Kobzon [4] đã phê phán người bạn Vakhtang Kikabidze của mình về việc nghệ sĩ người Georgia đã khước từ Huân chương Hữu nghị của nước Nga và buổi công diễn ở Moskva.

“Tôi lấy làm tiếc về việc người bạn và người đồng nghiệp quí mến của tôi, nghệ sĩ kiệt xuất Vakhtang Kikabidze tức Buba sau thảm kịch Georgia-Ossetia đã ra tuyên bố về việc ông từ chối huân chương và huỷ bỏ chuyến lưu diễn mùa thu của mình,” — lời Kobzon hôm 19 tháng Tám.

“Trong những năm tháng khó khăn nhất, hồi đầu thập kỉ 90, khi nước Nga mới đang hình thành và khi Georgia đang tàn tạ dưới ách cai trị của Gamsakhurdia [5] , ông ấy đã sống và cư trú ở nước Nga. Nước Nga đã yêu quí và vẫn đang yêu quí ông ấy, nước Nga đã mang lại cho ông ấy công việc và tiền bạc,” — Kobzon nhận định.

“Làm sao ông có thể khó chịu với chúng tôi — với những người đã yêu quí ông, với những người đã giao phó cho ông quyền đại diện cho mình ở các quốc gia khác?! Và sau hết, Mimino là bộ phim mà thành công của nó đã vang dội trước hết ở Liên Xô,” — Kobzon run giọng vì xúc động.

Còn nhớ hôm 12 tháng Tám, Vakhtang Kikabidze đã tuyên bố trên sóng của đài phát thanh Tiếng vọng Moskva (Ėkho Moskvy) rằng vào tháng Chín tới, ông không thể ra mắt ở Moskva trong buổi công diễn khánh thọ thất thập chu niên của mình, đồng thời khước từ tấm Huân chương Hữu nghị đã được Tổng thống Nga ra sắc lệnh tặng thưởng hồi tháng Bảy năm nay: “Ngày hôm qua, một cuộc chiến tranh qui mô đã nổ ra ở Georgia. Tôi phải nhận huân chương như thế nào đây? Cho đến lúc này, tôi không rõ tôi có thể đi [Moskva để nhận huân chương] cách nào, trong khi điều đó (= chiến tranh) đã được gây ra ở đây. Rất tiếc! Dĩ nhiên. Riêng tôi lúc này rất yếu. Hôm qua, lúc [không quân Nga] ném bom, một nhà báo là bạn rất thân của cháu tôi đã tử nạn. Tôi phải hát thế nào đây? [Vậy mà] hát là nghề của tôi; ngoài hát ra, tôi còn có công việc gì nữa đâu.”

Nguồn: «Кобзон осудил Кикабидзе», salat.zahav.ru, 19.08.2008 в 22:29.


Ý kiến của Yury Aksyuta về Kobzon và Kikabidze

Trưởng ban Ca nhạc của kênh truyền hình Số 1 (Pervy Kanal) Yury Aksyuta, người đã đồng tình với Kobzon khi ông này chỉ trích hành vi của Kikabidze, phát biểu: “[...] Tôi thực sự không hiểu nổi vì sao một diễn viên lớn như Vakhtang Kikabidze, một con người vĩ đại — tôi không hề cường điệu chút nào — lại quay lưng lại với nước Nga. Đối với ông, nước Nga đã là tổ quốc thứ hai. Ông đã sống qua bấy nhiêu năm trên đất nước chúng ta, và đã quá nổi tiếng ở đây. Cần phải hiểu cái nào là quan trọng: các nhà chính trị đến rồi lại đi, chỉ còn lại nhân dân và tình hữu nghị. Tất cả sẽ được thử thách bởi thời gian. Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Iosif Davydovich (tên và phụ danh của Kobzon — người dịch). Theo quan điểm của tôi, từ chối những sự tôn vinh như vậy là không đúng đắn. Tuy nhiên, tôi không có quyền nói gì với những nhân cách lớn như vậy. Vấn đề thật là phức tạp. Có quá nhiều xúc cảm ở đây.”

Nguồn: «Скандал между Кобзоном и Кикабидзе», Life.Ru, 20.08.2008 00:05:06


Kikabidze trả lời Kobzon

[...] Sau khi Kikabidze từ chối Huân chương Hữu nghị mà Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã tặng thưởng ông, truyền thông và các đồng nghiệp Nga của người nghệ sĩ đã chỉ trích quyết định của ông. Một số nghệ sĩ Nga đã gọi cử chỉ của ông là vội vã, thiếu cân nhắc. Người diễn viên vĩ đại đã trả lời một trong số họ thông qua truyền thông Ukraine.

“Hãy cứ để Kobzon không chấp nhận. Tôi không từ chối các danh hiệu được nhân dân [Nga] tôn vinh. Tôi biết rõ đâu là nhân dân, còn đâu là chính quyền... Ông ấy không cần phải đóng vai một người sáng suốt! Hãy để ông ấy đến đây và hiểu ra rằng tôi đúng. Nói về việc của người khác thì thật dễ... Hãy biết rằng tôi không khó chịu với ai cả. Tôi chỉ khó chịu với những gì đang xảy ra trên đất nước tôi mà thôi.” [...]

Nguồn: «Кикабидзе ответил Кобзону», salat.zahav.ru, 20.08.2008 в 12:17.


Vakhtang Kikabidze sẽ tổ chức khánh thọ tại Kiev

Diễn viên và ca sĩ người Georgia Vakhtang Kikabidze, người đã từ chối nhận Huân chương Hữu nghị của nước Nga và huỷ bỏ các buổi biểu diễn khánh thọ mình tại Nga do cuộc chiến tranh ở Georgia, sẽ kỉ niệm sinh nhật lần thứ 70 của mình tại Kiev.

Theo lời Kikabidze, ông đang liên tục theo dõi tin tức. “Nếu đột nhiên một sự kiện như thế (sự can thiệp quân sự của nước Nga — người dịch) xảy ra với Ukraine thì có lẽ tôi sẽ tức tốc bay sang Ukraine, đứng bên những người bảo vệ nền tự do của Ukraine,” — Kikabidze tuyên bố. [...]

Ukraine sẽ được nghe giọng hát của Vakhtang Kikabidze trong mùa thu tới.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas


[1]“đau lòng” về phía tác giả bài báo. Nên nhớ rằng về căn cước văn hoá, V. Kikabidze đã thực sự là một người Nga. Xem thêm Phụ lục. (Các chú thích là của người dịch.)
[2]Nội dung bài phỏng vấn này đã được dịch và đăng trên talawas dưới nhan đề “Không ai nói cho nhân dân Nga biết sự thật...
[3]Ý nói người bình thường thuộc dân tộc Nga hoàn toàn lãnh đạm với sự tồn tại (trong cùng Liên bang Xô-viết) của những người thuộc “các dân tộc anh em” của họ.
[4]Iosif Davydovich Kobzon (1937—): Ca sĩ nhạc pop giọng baritone của Liên Xô cũ và Nga, người gốc Ukraine, Nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô, nghị sĩ và chủ tịch Uỷ ban Văn hoá của Duma Quốc gia Liên bang Nga. Ông được ghi nhận là nghệ sĩ có nhiều thành tích nhất (giành được nhiều giải thưởng nhất) trong lịch sử Liên Xô và Liên bang Nga, và từng được mệnh danh là “giọng hát chính thức của Liên Xô”.
[5]Zviad Konstantinovich Gamsakhurdia (1939—1993): nhà ngôn ngữ học, nhà văn và nhà bất đồng chính kiến thời Xô-viết, người Georgia, Tổng thống dân cử đầu tiên của nước Cộng hoà Georgia vào lúc Liên Xô đang tan rã. Sau 9 tháng cầm quyền (từ tháng 4.1991 đến tháng 1.1992), Gamsakhurdia bị phe đối lập (có sự hậu thuẫn của Liên Xô) làm đảo chính lật đổ, chuyển chính quyền ở Georgia vào tay Ėduard Shevarnadze, khiến ông phải sống lưu vong một thời gian, sau đó tử nạn (31.12.1993) tại miền Tây Georgia vì một nguyên nhân đến nay vẫn chưa rõ ràng. Là người có công lao khôi phục nền độc lập của Georgia từ Liên bang Xô-viết vào tháng 3.1991, song Gamsakhurdia thường bị chính giới Liên Xô và Nga cáo buộc là đã kích động hằn thù dân tộc giữa Georgia và Nga.