trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
15.9.2008
Phong Uyên
Bối cảnh lịch sử năm 1946 tái xuất hiện. Phải sớm quốc tế hoá vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa
 
Hầu như mọi người Việt Nam, trong nước cũng như ngoài nước, đều vô cùng bức xúc khi được tin trên các trang liên mạng của Trung Quốc đang dấy lên một chiến dịch truyền thông nhằm vào Việt Nam với những lời lẽ sách động, gây hấn. Song song với chiến dịch này là những hành động khiêu khích trên biển Đông của các “ngư phủ” trá hình Trung Quốc mang vũ khí. Nếu trong thời gian qua, mọi người từng cảm thấy thất vọng, căm phẫn và nhục nhã trước những phản ứng nhu nhược, hèn đớn của các nhà lãnh đạo trong nước khi Trung Quốc sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa) vào huyện lỵ Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam, thì mới đây nhiều người – trong đó có những người bất đồng chính kiến với chính quyền cộng sản Việt Nam – đã hả hê khi đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam bắt đầu tỏ ra mạnh mẽ hơn trong các đối đáp với Trung Quốc.

Nhưng liệu đó có phải là biểu hiện của một sự chuyển biến chính trị của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, đã xích lại gần nhân dân hơn và thật tâm muốn cùng nhân dân đối mặt với một ngoại bang đầy dã tâm, hay vẫn tiếp tục chỉ là những màn kịch chiếu lệ để xoa dịu lòng dân? Viết bài này, tôi muốn phân tích một cách khách quan những động thái ngoại giao và quân sự của chính quyền Nguyễn Tấn Dũng trong sự đối phó với Trung Quốc để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên.


Động cơ của những tham vọng lãnh thổ và lãnh hải từ Trung Quốc

Trước hết, tôi thấy cần thiết phải nhắc lại một số luận điểm về chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc và tư tưởng đại dân tộc của người Hán mà tôi từng nêu và chứng minh trong những bài viết của mình về chủ đề này.

Lịch sử đã chỉ ra rằng sự hình thành, tồn tại và phát triển của chủ nghĩa bá quyền và ý thức hệ đại dân tộc Trung Hoa từ hơn hai nghìn năm nay, được duy trì và củng cố qua mọi thời đại và chế độ ở Trung Quốc, là chính sách duy nhất đã bảo đảm được sự sống còn của dân tộc Hán. Hiện nay hơn lúc nào hết, những khó khăn về dân số và tài nguyên đang hối thúc nhà cầm quyền Trung Quốc bắt buộc phải thực thi chính sách di dân về các phần lãnh thổ phía Tây và phía Bắc, bao gồm cả ý đồ tiêu diệt lần lần các dân tộc ít người như Tây Tạng, Hồi, Mông để lấy đất sống cho một tỷ ba trăm triệu người Hán. Chính sách “một con” – được áp dụng lâu nay như một nỗ lực giảm thiểu sức ép dân số – không thể duy trì mãi vì nếu cứ tiếp tục, sau 20 năm nữa một người trẻ không thể nuôi được 2 ông bà già 65 tuổi. Mặt khác, thực ra chính sách một con thời gian qua chỉ thực hiện được ở thành thị; tỷ suất tăng dân số ở các vùng nông thôn (hiện nay khoảng 800 triệu người) không những không thuyên giảm mà còn gia tăng. Quỹ đất không đủ nuôi số dân thặng dư khiến dân quê mỗi năm tràn ngập vào các đô thị cả trăm triệu người, khiến tư bản đỏ tha hồ bóc lột nhân công, tạo ra nền kinh tế phồn thịnh giả tạo. Chênh lệch thôn quê - thành thị mỗi ngày một dãn rộng, tiềm ẩn những ngòi nổ bạo loạn nếu không có chính sách di dân và chiếm hữu đất đai của những dân tộc ít người. Nhưng muốn giải quyết vấn đề thặng dư dân số thành thị thì chỉ có cách là dùng áp lực chính trị, quân sự thao túng nền kinh tế các nước Đông Nam Á, tạo cơ hội cho thương nhân Trung Quốc di dân và lập nghiệp ở những nước đó. Con mồi đầu tiên là những nước còn ít người như Lào, Cambốt. Nhưng chướng ngại vật duy nhất khiến đường xuống Đông Nam Á bị đi vào ngõ cụt (cul de sac) lại là Việt Nam. Song, vì Lào và Cambốt trong lịch sử cận đại và hiện đại là vùng chịu ảnh hưởng của Việt Nam, một cuộc đụng độ quy mô lớn với Việt Nam là khó tránh khỏi. Vì những lý do sống còn này, tuyệt đối không thể hy vọng các nhà cầm quyền Trung Quốc, hôm nay và muôn đời sau, từ bỏ manh tâm đối với Việt Nam. Đây là điều mà bất cứ một nhà lãnh đạo chính trị nào của Việt Nam – hiện tại và tương lai – đều không được phép mơ hồ!


Chiến dịch truyền thông trên Sina.com dụng ý gì?

Trong một bài viết về chủ đề Trung Quốc, tôi đã chỉ ra rằng hiện nay Trung Quốc đã hoàn thành được “sợi dây xích trói chặt Việt Nam bốn bề: từ biên giới phía Bắc bọc qua Hoàng Sa - Trường Sa phía Đông, dọc theo sông Mê Kông từ Tây Tạng tới những nước đã bị khống chế như Lào, Cambốt phía Tây...”. Những khiêu khích mới đây cốt để biểu tỏ rằng giai đoạn tiếp theo đã có thể triển khai? Và cái đang được rêu rao (trên mạng Sina.com) là “phương án A” phải chăng là mũi dùi sẽ được sử dụng đầu tiên, hay còn có những mũi dùi khác, từ Trường Sa và Hoàng Sa, cùng một lúc sẽ đâm thẳng vào Việt Nam? Chiến thuật hư hư thật thật của Tôn Tử và Khổng Minh có thể lừa bịp được phương Tây, chứ người Việt Nam nào cũng biết tỏng như đi guốc vào bụng mấy anh Tàu rồi. Chẳng khó khăn gì để đoán biết được dụng tâm của bọn họ.

Theo tôi, sự rêu rao phô bày “phương án A” có ít nhất hai dụng ý:
  1. Trước hết, uy hiếp tinh thần người dân và chính quyền Việt Nam, khiến Việt Nam phải duy trì một lực lượng vũ trang phòng bị thường xuyên túc trực dọc biên giới Việt - Trung, đồng thời khiến nhân dân Việt Nam luôn luôn lo sợ nguy cơ chiến tranh, không làm ăn buôn bán gì được.
  2. Tương kế tựu kế, khả năng hiện thực hoá “phương án A” không hề bị loại trừ. Sự động viên một binh lực ba trăm nghìn lính chẳng hề là việc khó đối với Trung Quốc, cho dù có phải hy sinh một trăm nghìn trong số đó. Vả lại, một trong những mục tiêu động binh là giết chóc, khủng bố và tàn phá rồi mau lẹ thoái binh trước khi quốc tế kịp phản ứng, nhiều khi chỉ sau 3 ngày chứ không cần tới 30-31 ngày.
Đánh giới hạn và chớp nhoáng hay tiếp tục chiến tranh tâm lý bằng cách rêu rao một “phương án” A, B nào đó trên truyền thông còn thủ lợi ở chỗ – ngoài nhằm duy trì liên tục tinh thần bài Việt cho dân chúng Trung Quốc – tạo ra áp lực chính trị thuận lợi cho phe bảo thủ thân Trung Quốc ở Việt Nam củng cố địa vị, thậm chí có thể làm đảo chính cung đình để rảnh tay tiếp tục nhượng bộ Trung Quốc, bán rẻ Tổ quốc để cầu vinh.

Thật ra, đối với người Trung Quốc, không có phương án nào được coi là thượng sách, phương án nào là hạ sách, vấn đề quan trọng đối với họ chỉ là thời cơ. Từ điểm nhìn này, họ có thể có những phương án khác, dễ có thời cơ và dễ thực hiện hơn, kiến hiệu hơn:
  • Chỉ đánh chớp nhoáng một địa phương ở biên giới nhưng tàn phá tối đa và rút đi sau vài giờ, gọi là cho Việt Nam một bài học chớp nhoáng.
  • Viện cớ tàu tuần tiễu hải quân Việt Nam đã uy hiếp, xúc phạm ngư dân Trung Quốc, hải quân Việt Nam đã xâm phạm tới lãnh hải của Trung Quốc, cho không quân, hải quân bắn tên lửa tàn phá một căn cứ hải quân nào đó của Việt Nam.
  • Song, có lẽ, điều dễ xảy ra nhất và sẽ xảy ra với xác suất cao là lợi dụng một cơ hội nào đó để đánh chiếm nốt những đảo còn có quân đội Việt Nam đồn trú, như Trung Quốc đã từng thực hiện hồi năm 1974 hay 1988. Đây chắc chắn là phương án dễ thành công nhất, đồng thời còn đem đến một hệ luỵ lâu dài khác là tạo ra trong tâm lý quân và dân Việt Nam một nỗi uất ức và một mặc cảm bất lực. Tôi không thể loại ra khỏi tâm trí một dự cảm rằng mỗi quân nhân đang công tác trên các đảo còn lại của Trường Sa, hay mỗi ngư phủ Việt Nam mỗi ngày ra khơi đánh cá, sẽ là những Kinh Kha tiềm tàng. Họ sẽ là những anh hùng không tên tuổi vì chắc chắn là sẽ không bao giờ được nhắc đến tên tuổi, dù chỉ là một dòng, trên báo chí Việt Nam và thế giới.

Đối sách khẩn cấp cần lấy: quốc tế hoá vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa

Để tránh sự hy sinh vô ích của binh sỹ và nhân dân, ngăn không cho Trung Quốc tái diễn lại những kịch bản 1974 và 1988, cần phải mau mau đưa vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa ra Toà án Quốc tế, đòi Toà án chứng thực chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này. Ngay cả trong trường hợp Toà án Quốc tế chưa thể có những phán quyết mau chóng và thuận lợi cho Việt Nam, việc đưa vụ việc ra Toà án Quốc tế vẫn có một hiệu quả to lớn là thức tỉnh dư luận thế giới để nếu một khi Trung Quốc lựa chọn động binh, giải quyết vấn đề bằng vũ lực, thì dư luận thế giới cũng đã được chuẩn bị sẵn.

Việc quốc tế hoá vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa nhất thiết phải có sự cộng tác của các luật gia Việt Nam ở hải ngoại cũng như của các đồng sự quốc tế của họ. Điều này, một lần nữa, lại đặt ra vấn đề phải thực thi hoà giải - hoà hợp dân tộc và dân chủ hoá đời sống chính trị - xã hội, đưa Việt Nam hoà nhập vào cộng đồng các quốc gia dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

Liệu giới lãnh đạo Trung Quốc có đang suy tính dấn thêm một bước nữa trong việc bóp ngẹt Việt Nam hay chưa? Cần phải hiểu rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước sau vẫn có cái đầu óc của người Trung Quốc: bao giờ cũng tính toán lời lỗ tùy theo phản ứng thực tế của Việt Nam và quốc tế.

Tuy nhiên, trên trường quốc tế, Trung Quốc chỉ thực sự đắn đo về phản ứng của Hoa Kỳ, về cả quân sự lẫn kinh tế. Trên mặt biển Thái Bình dương, Trung Quốc dư biết rằng mặc dù đã mất miền Nam Việt Nam sau năm 1975, sự có mặt của Mỹ ở Thái Bình dương vẫn không xuy xuyển, Mỹ vẫn duy trì được một vành đai ảnh hưởng bao quanh biển Đông, khả dĩ ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc về phía các quốc gia Thái Bình dương. Trung Quốc dù có tăng cường sức mạnh Hạm đội Nam Hải của mình tới đâu cũng không thể đột phá nổi vành đai đó, và họ cũng sẽ không dại gì đương đầu với Hạm đội 7. Như vậy, hành lang duy nhất để Trung Quốc khả dĩ tiếp cận các quốc gia trên bán đảo Trung - Ấn và toàn bộ khu vực Đông Nam Á vẫn chỉ là con đường trên đất liền, thông qua xâm nhập lần lần dưới hình thức hỗ trợ quân sự, đưa công binh làm đường, xây dựng cầu cống, v.v... Song, điều này chỉ có thể thực hiện được khi và chỉ khi Việt Nam vẫn phụ thuộc Trung Quốc về cả kinh tế lẫn chính trị như miền Bắc Việt Nam đã từng trước 1975. Một khi Việt Nam đã thoát khỏi sự chi phối chính trị và kinh tế của Trung Quốc, hơn nữa lại ngả sang hội nhập vào vành đai ảnh hưởng của Mỹ thì hành lang xuyên lục địa để tiến xuống Đông Nam Á đi qua Đông Dương thuộc Pháp cũ kể như đã tắc nghẽn.

Để đối phó với những trở ngại nêu trên, Trung Quốc hoàn toàn có thể lựa chọn gia tăng sức mạnh của Hạm đội Nam Hải của họ, tạo nên sức ép quân sự suốt dọc 2000 cây số bờ biển Việt Nam để hậu thuẫn cho áp lực chính trị, đồng thời chờ thời cơ chiếm nốt những hòn đảo vẫn còn trong tay Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là một nguy cơ hoàn toàn hiện thực và một khi điều này xảy ra, cộng đồng quốc tế (ngoài Mỹ) khó lòng kịp thời hay có ý muốn can thiệp, trong điều kiện Việt Nam vẫn ở thế cách biệt chính trị với hạnh kiểm dân chủ và nhân quyền tồi như hiện nay. Một quốc sách cần được lấy sớm chừng nào tốt chừng ấy là Việt Nam phải thiết lập quan hệ hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ (giống như – chẳng hạn – Phi Luật Tân), trên cơ sở đó ràng buộc trách nhiệm của Hoa Kỳ đối với vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa. Tuy nhiên, mọi người Việt Nam có lương tri đều biết rõ rằng trở lực duy nhất cho một quan hệ hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ chỉ là thể chế chính trị. Một khi cải tổ chính trị ở Việt Nam chưa được khai thông, mọi lợi ích kinh tế (cho dù đó là tài nguyên chiến lược như dầu và khí) mà chính quyền Hà Nội đưa ra mời chào Mỹ đều không thể làm nghiêng hẳn cán cân lợi ích của Mỹ về phía Việt Nam: với Trung Quốc, Mỹ hiện đang có nhiều ràng buộc về về lợi ích (kinh tế, tài chính...) hơn nhiều so với Việt Nam. Trái lại, một khi Trung Quốc đã thôn tính hoàn toàn Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, họ sẽ ngẩng cao đầu mời thầu các công ty khai thác dầu khí của Hoa Kỳ và phương Tây như một đối tác đáng tin cậy, hơn nữa còn được hậu thuẫn bởi ưu thế quân sự tuyệt đối của họ lúc đó trên biển Đông.

Thời gian vừa qua, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có một số thành tích ngoại giao quan trọng đáng được ghi nhận. Tôi sẽ không nhắc lại những sự kiện như sự gia nhập Tổ chức Doanh thương Thế giới (WTO), sự chủ trì Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình dương (APEC) hay sự đắc cử thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC), mà sẽ chỉ phân tích sơ lược tác hiệu của một số hoạt động ngoại giao gần đây trong công cuộc phòng thủ chống chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc. Theo tôi, việc Thủ tướng Dũng trở về từ chuyến công du Hoa Kỳ hồi tháng Sáu đem theo lời cam kết về sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam là một chuyển biến ngoại giao hệ trọng, song không hẳn đã thật đáng mừng: khái niệm “lãnh thổ Việt Nam” trong hiện trạng là một khái niệm mù mờ, bởi đối với thế giới bên ngoài, khái niệm này có thể bao gồm hoặc không hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Song, có lẽ chính sự cam kết này từ Hoa Kỳ đã tiếp dũng khí cho Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng, khi ông mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của Việt Nam trong việc mời Công ty Exxon Mobil của Hoa Kỳ thăm dò và khai thác dầu ở ngoài khơi biển Đông, “Quyền của chúng ta thì chúng ta làm!” Sự đón tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Negroponte sang thăm công vụ trong những ngày này cũng đầy dụng ý.

Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống sắp tới đây ở Hoa Kỳ, dù McCain hay Obama thắng cử, cũng thuận lợi cho Việt Nam. Là cựu sĩ quan hải quân, con trai của cựu Tư lệnh Các lực lượng Mỹ ở Thái Bình dương, McCain được trông đợi sẽ không bao giờ để Trung Quốc lấn chiếm thêm phần các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nằm trong vành đai bảo vệ Phi Luật Tân của Hạm đội 7 Mỹ. Chính sách ngoại giao của Việt Nam cần phải nhận thức và tranh thủ được nguyên tắc chiến lược này của Hoa Kỳ. Còn trong trường hợp Obama thắng cử, chính quyền Đảng Dân chủ sẽ không chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế như các chính quyền Đảng Cộng hoà để không hậu thuẫn cho Obama đòi Trung Quốc phải ngưng đàn áp người Tây Tạng, đàn áp người Hồi giáo Trung Quốc và nới rộng các quyền tự do dân chủ cho người dân.

Trong việc sắp xếp nhân sự cho công tác phòng thủ đất nước, được biết rằng chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng của tướng Phùng Quang Thanh đã chỉ xác định sau một hồi tranh đấu nội bộ đầy gay cấn. Những hệ quả tích cực của việc này đã được nhiều người thấy rõ: sự tăng cường các quan hệ hợp tác quân sự mật thiết hơn với các quốc gia lân bang, nhất là với Mã Lai Á (Malaysia) và Phi Luật Tân (Philippines), với sự ủng hộ ngầm của Hoa Kỳ, đang làm hình thành một “liên minh quân sự không tên” đối phó với chiến lược biển Đông của Trung Quốc. Sự loại bỏ cùng một lúc năm (5) tướng lĩnh trong Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô cũng nên được hiểu như một thành công quan trọng của Thủ tướng Dũng: hẳn là ông Dũng đã đi tới quyết định quyết liệt này sau những trăn trở về việc bảo vệ thủ đô Hà Nội trước nguy cơ xâm lăng của Trung Quốc. Mong sao là như vậy.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển động tích cực nêu trên, việc đàn áp các nhà báo chống tham nhũng, sự xiết chặt kiểm soát Internet, sự áp chế Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, vụ trấn áp Giáo xứ Thái Hà lại là những vệt tối. Song cũng chưa thể khẳng định đó là mặt trái của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hay là những đòn phản công của phe bảo thủ. Những ai để ý có thể thấy: mỗi lần Việt Nam xích lại gần hơn về phía Hoa Kỳ, thế nào cũng có những phản ứng tiêu cực nhắm vào truyền thông báo chí, Công giáo, Phật giáo và những người đòi hỏi dân chủ – những “vật tế thần” cho sự cân bằng phiếm định giữa hai phe bảo thủ và cải cách.


Bối cảnh lịch sử 1946 đang lặp lại?

Chiến dịch khiêu khích truyền thông của Trung Quốc đã khiến tôi nhớ lại những hành động khiêu khích, gây hấn của thực dân Pháp hồi cuối năm 1946. Ngày đó, khi quân đội Pháp vô cớ bắn phá Hải Phòng, lính lê-dương Pháp vô cớ bắn giết dân phố Hà Nội với mục đích khủng bố tinh thần, uy hiếp dân chúng Việt Nam, chúng đã không hề khiến nhân dân Việt Nam khiếp sợ mà còn giúp thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong dân tộc chúng ta. Chính cục diện tinh thần của người Việt do dã tâm của thực dân Pháp vô tình tạo ra đã trao cho Việt Minh cơ hội lôi kéo đông đảo người Việt Nam đứng vào dưới ngọn cờ kháng chiến của mình: họ dường như đã tranh thủ được mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có nhiều người thuộc những đảng phái chính trị đối lập theo chủ nghĩa quốc gia.

Nguy cơ Trung Quốc gây hấn đang khơi động lại bầu không khí yêu nước mãnh liệt hồi năm 1946. Tuy nhiên, để động viên được tinh thần yêu nước đó và không làm nhân dân thất vọng khi phải hồi tưởng lại những sự lừa gạt, dối trá của Việt Minh ngày trước, chính quyền Nguyễn Tấn Dũng phải ngay lập tức và thực tâm thực thi chính sách hoà giải - hoà hợp dân tộc. Các quyền con người cơ bản, bắt đầu bằng quyền tự do ngôn luận, cũng là đòi hỏi đang bức thiết của mọi người dân Việt Nam mà chính quyền Nguyễn Tấn Dũng cần phải sớm thoả mãn để mong giành được sự ủng hộ của công luận quốc tế, và để mọi người Việt trong và ngoài nước từ đây chỉ một lòng chăm lo bảo vệ đất nước trước kẻ thù truyền kiếp phương Bắc.

© 2008 talawas