trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
19.9.2008
Trương Công Khanh
Còn có một ẩn ngữ...
 
Đọc ý kiến ngắn của ông Trần Văn Tích, tôi thấy ông có một mong ước lớn nhất: “Tôi mong dân tộc tôi sớm thoát khỏi sự toàn trị của chủ nghĩa cộng sản.” Theo tôi mong ước này cũng lớn lao không kém mong ước của Hồ Chí Minh “Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.” Nhưng cả đến khi Hồ Chí Minh mất đi, cái ước muốn ấy của ông cũng vẫn chưa thành hiện thực, ít nhất vì đó là một ước muốn vượt quá khả năng thực hiện của một cá nhân. Còn ước muốn của ông Trần Văn Tích rất có khả năng trở thành hiện thực do đã có thực tế: một Liên Xô theo “chủ nghĩa cộng sản toàn trị” đã sụp đổ rồi. Vả lại dù có mong muốn thế nào thì ông Trần Văn Tích cũng phải thừa nhận rằng, chẳng có chế độ “anh minh” hay “bạo chúa” nào trong lịch sử có thể tồn tại mãi, bởi sự hiện diện của nó không chỉ là chủ nghĩa, triết thuyết mà còn tuỳ thuộc rất nhiều vào tài thao lược của các cá nhân theo đuổi cái chủ nghĩa, triết thuyết ấy.

Lịch sử của Trung Quốc ngay từ bình minh đã cho nhân loại thấy một cái nhìn khá thú vị khi mà tư tưởng nọ muốn tư tưởng kia biến mất, cụ thể Pháp đã có lúc tiêu diệt Nho. Nhưng diệt nhau chán chê cuối cùng lại dẫn đến một hệ quả khác đó là làm xuất hiện kiểu cai trị “âm Pháp - dương Nho”, “ngoại Pháp - nội Nho”. Cách dùng lúc này lúc kia có gia giảm liều lượng, nhưng mục đích là để thể chế tồn tại lâu dài. Sinh thời, Khổng Tử đi nhiều nước truyền bá tư tưởng của mình, nhưng ở cái lúc mà thiên hạ chia năm, xẻ bảy, chư hầu cát cứ khắp nơi, tư tưởng của ông tỏ ra không thích hợp nên chẳng ai theo. Chán nản quá, ông đành phải về quê mở trường dạy học. Mong ước của ông phải đợi đến Mạnh Tử triển khai, mở rộng thì mới được các vương triều chú ý sử dụng, và nó đã tồn tại trong nhiều triều đại xuyên suốt lịch sử Trung Hoa, và nhiều nước châu Á cho đến ngày tàn của chế độ phong kiến.

Nhưng thật lạ, bây giờ Trung Quốc cộng sản sau một thời gian “thay da đổi thịt”, tham dự vào nền kinh tế thị trường, vẫn mang tiếng là “chủ nghĩa cộng sản toàn trị” lại có thể tôn vinh những giá trị của Nho giáo như một niềm tự hào của dân tộc Trung Hoa, không thấy bóng dáng nào của các ông Mác, Lê-nin cả. Màn trình diễn ở Thế vận hội Bắc Kinh đã phần nào cho thế giới thấy điều đó. Ở Trung Quốc, Nho giáo vừa là một tư tưởng, vừa là một tôn giáo. Một dân tộc có triết lý và tư tưởng có tầm ảnh hưởng khu vực như Trung Quốc sao không tự hào cho được? Như vậy phải chăng ở nơi đây, “triết lý dân tộc” và “chủ nghĩa cộng sản” đang nắm tay nhau cùng tiến?

Khôn ngoan quá đi chứ, bởi khi nó đã nắm tay nhau rồi, gắn chặt với nhau như một thực thể dù là ở mức độ tương đối rồi thì chẳng phải đánh đổ cái này cũng đồng nghĩa với đánh đổ cái kia hay sao? Đó không phải là chuyện không căn cứ, bởi thực chất xã hội phương Đông đã từng tồn tại mô hình “tam giáo đồng nguyên”. Vậy thì nhiệm vụ của những người cộng sản Trung Quốc là ra sức “định nghĩa” lại “chủ nghĩa xã hội” để có thể đưa tên tuổi của mình đứng chung hàng với Mác - Lê-nin, tức là có quyền tham dự vào bổ túc cho các triết lý ấy. Tìm ra khiếm khuyết của nó và hoàn thiện nó há chẳng phải là “nhất cử lưỡng tiện” sao? Nhưng cái khó nhất xưa nay lại nằm ở hai cái điều tưởng chừng như đơn giản ấy: “tìm ra khiếm khuyết của nó” và “hoàn thiện nó”.

Từ Trung Quốc, Việt Nam, hãy nhìn sang Mỹ. Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ? Nói là hai nhưng thực chất chỉ là một. Sự phân chia “nhiệm vụ” (lợi ích) cũng rất rõ: tuỳ vào thực tế diễn biến của tình hình thế giới cũng như tình hình trong nước mà đảng nào sẽ lên thay đảng kia trị vì đất nước. Có nghĩa rằng chính sách đối nội và đối ngoại chung của Mỹ là nhất quán. Đa nguyên, đa đảng nhưng nhất quán trong chính sách đối nội, đối ngoại và muốn làm “bá chủ thế giới” thì xem ra nó cũng không xa lắm với nghĩa của khái niệm “toàn trị”, không phải chỉ toàn trị dân tộc đâu mà toàn trị cả thế giới. Có một điều không thể không lưu tâm, ngoại giao Mỹ còn được hậu thuẫn phía sau mình bởi “ngoại giao Kinh Thánh”: đạo Tin lành Mỹ được nhập khẩu nhiều vào Hàn Quốc, một đồng minh gần gũi của Mỹ tại châu Á. Hóa ra “chủ nghĩa tư bản” với cả những vinh quang và cặn bã của nó lại có thể gắn với nhiều thứ tưởng chừng mâu thuẫn nhau như thế.

Ở Ấn Độ, cũng là một thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng, không biết gọi Ấn Độ là chủ nghĩa gì, nhưng rõ ràng ở Ấn vẫn tồn tại quan điểm “chủ nghĩa tư bản không bao giờ có thể thành công được trên đất Ấn”, thậm chí các tôn giáo ngoại nhập cũng vậy. Phải chăng “nhân quyền”, “dân chủ” thua cả trật tự đẳng cấp được duy trì bền chặt dù đã trải qua 4000 năm? Phải chăng triết lý nhập khẩu không hay ho gì hơn mấy ông thầy Bà-la-môn ngồi lê la dưới các gốc cây nói chuyện triết lý với các tín đồ của mình?

Có một thứ mà buộc những nhà nghiên cứu phát triển những năm gần đây phải chú ý đó chính là “văn hóa”. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều là những quốc gia mà nền văn hóa của họ có tầm ảnh hưởng khu vực. Mọi “dòng sông tư tưởng” chảy vào đều bị hòa tan trong “biển Ấn Độ”. Nói đến “văn hóa” thì đừng ai bảo uống rượu nho hơn chấm nước nắm, đừng ai bảo ăn bốc thua cách ăn bằng đũa hay bằng muỗng.

Việt Nam được xem là quốc gia đang theo “chủ nghĩa cộng sản toàn trị”, nhưng biết lấy triết lý tư tưởng nào để tôn vinh? Dĩ nhiên, khẩu hiệu của Đảng “kết hợp triết học Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho hành động” có phần hợp lý hơn là thuần chỉ có triết học Mác - Lê-nin. Tuy nhiên, khẩu hiệu ấy chưa thực sự là điều “khôn ngoan”, bởi thực tế người ta vẫn hiểu ngầm nó là một, cho dù Hồ Chí Minh là một người cộng sản có đường lối dân tộc.

Phải là một cái gì đó khác ảnh hưởng lên đa số người dân Việt Nam kia. “Đạo” thờ ông bà chăng? Đạo Phật chăng? Hay cả hai? Đó vẫn còn là một ẩn số. Nhưng sớm hay muộn cũng phải tìm cho ra. Những năm gần đây, người ta nghĩ nhiều đến việc phục dựng nhiều các hình thức tôn giáo mà bấy lâu vẫn bị quy chụp là “mê tín dị đoan”. Đó là chưa kể đến việc xây cất những ngôi đền thờ danh nhân, anh hùng dân tộc, nghĩa trang liệt sĩ, nhưng cuộc cầu siêu linh hồn trở thành những hiện tượng xã hội mang màu sắc tâm linh rất rõ.

Nói vòng vo như vậy để quay lại với khái niệm “toàn trị” trong chủ nghĩa cộng sản mà ông Trần Văn Tích nêu ra. Bởi khi có khái niệm “chủ nghĩa cộng sản toàn trị” thì sẽ có khái niệm “chủ nghĩa cộng sản không toàn trị”. Từ đó ta liền có một liên hệ đến khái niệm “chủ nghĩa tư bản không toàn trị” và dĩ nhiên theo lẽ thường thì sẽ có “chủ nghĩa tư bản toàn trị”. Sẽ có chứ không phải không có. Bởi nằm giữa hay nằm cạnh bên “chủ nghĩa tư bản” và “chủ nghĩa cộng sản” còn có “chủ nghĩa phát xít”, “chủ nghĩa tư bản mới”, “chủ nghĩa phát xít mới”. Chưa ai nghe nói “chủ nghĩa xã hội mới”, nhưng đã có “chủ nghĩa xét lại” tức là xét lại cả chủ nghĩa xã hội. Vậy “chủ nghĩa xã hội mới” là gì, còn chờ đợi người ta cho nó một hình thức và nội dung mới.

Như thế thì “chủ nghĩa cộng sản” dù có yếu ở nơi này nơi kia nhưng bảo nó mất thì nó không mất đi đâu, nhất định nó sẽ có biến thể mới. Chủ nghĩa cộng sản, triết lý dân tộc và tư tưởng bành trướng là bộ mặt của Trung Quốc hiện nay. Còn cái việc tham gia vào nền kinh tế thị trường để cho thế giới ồn ào bàn tán rằng “chủ nghĩa cộng sản” Trung Quốc mất chất rồi... Đó chẳng phải là điều mà Trung Quốc quan tâm. Cho dù bây giờ các nước phương Tây phân tích rằng “chủ nghĩa cộng sản” Trung Quốc đang tư bản hóa thì họ cũng không hề vui mừng hơn khi Trung Quốc đang tiến nhanh trên nhiều lĩnh vực kinh tế, quân sự, khoa học, công nghệ...

Toàn trị, có phải là độc quyền không? Độc quyền trong phạm vi quốc gia hay độc quyền trong phạm vi thế giới? Độc quyền trong phạm vi tập đoàn kinh tế hay trong phạm vi gia đình? Câu hỏi xem ra khá phức tạp, bởi có những người không độc tài toàn trị trong tư tưởng xã hội, nhưng lại rất độc tài với gia đình, vợ con mình, xem mệnh lệnh của mình là tuyệt đối; có nhiều nước không “độc tài” trong nước nhưng rất độc tài quốc tế.

Nhưng nếu nói đến “mệnh lệnh tuyệt đối” đến mức bảo ai chết là người đó phải chết thì chế độ phong kiến là độc tài nhất. Một hình thức nhà nước phong kiến độc tài kéo dài nhiều thế kỷ, quyền lực tuyệt đối nằm trong tay vua, nhưng tại sao lại để lại cho dân tộc không biết bao nhiêu giá trị về văn hóa, học thuật, thơ văn, triết lý, đạo đức, thẩm mỹ, điêu khắc, kiến trúc... như vậy? Điều này có gì mâu thuẫn với sự “độc tài” của chính nó hay không?

Các hình thức nhà nước hiện nay có nhiều khi chỉ là “bình cũ rượu mới”, “bình mới rượu cũ”, “bình mới rượu mới” hay vẫn chỉ là “bình cũ rượu cũ” trong cai trị. Việc thay đổi hình thức, khái niệm ngôn từ chỉ là những “ứng đối” xã hội ở những phạm vi, điều kiện cụ thể. Chẳng hạn trước kia người kinh doanh lớn gọi là “chủ tư sản” bây giờ gọi “chủ doanh nghiệp”, trước kia gọi là “địa chủ” bây giờ gọi là “chủ trang trại”... Nhưng hình thức, nội dung bóc lột có khác nhau không thì cần phải suy nghĩ thêm.

Có lẽ phải nhắc đến khái niệm “toàn trị” dưới khía cạnh từ chối “đa nguyên”, “đa đảng” thì mới vừa lòng một số người. Ở Mỹ nói đa đảng nhưng đáng kể nhất chỉ có hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ. Đảng nào thắng lợi trong bầu cử Tổng thổng, đảng ấy có quyền ra quyết sách trong đường lối đối nội và đối ngoại, có nghĩa đảng đó nắm quyền trong một khoảng thời gian là một khóa hay hai khóa nếu tái đắc cử. Đó là sự cai trị được phân chia, cắt cử luân phiên và mục tiêu, đường lối của các cá nhân người đứng mũi chịu sào có vai trò ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống của dân chúng.

Ở Việt Nam không có đa đảng nhưng không phải không có các biểu hiện “đa nguyên” trong nội bộ của nó. Tuy nhiên, đây cũng chẳng phải vấn đề mới, thời phong kiến có cả rồi, nào là lực lượng của vua, lực lượng của thái sư, lực lượng của tể tướng, lực lượng giang hồ, lực lượng tôn giáo... ở trong thế giằng co, phản biện, khắc chế lẫn nhau. Chính vị vua phải duy trì các thế đó, nếu bất cứ bên nào bị yếu hay sụp đổ thì ngôi vua đều có nguy cơ bị đe dọa.

Có hay không sự xuất hiện của “chủ nghĩa cộng sản không toàn trị” tại Việt Nam trong tương lai? Muốn có hay không thì cũng nên định nghĩa hay suy nghĩ thêm về nó. Định nghĩa được nó thì không chừng sẽ làm mới cả “chủ nghĩa xã hội”... Bởi người có thể “thay áo” chứ chẳng ai dại gì đi “thay người”, còn những người “thay người” như “thay áo” thì dễ mang tiếng “sở khanh” tư tưởng lắm. Không có “đối thoại”, “phản biện” nội bộ thì sẽ dẫn đến trì trệ, quan liêu, độc đoán, mất dân chủ. Dân chủ nội tại, giống như chiếc trống công đường phủ nha thời phong kiến, ai cũng có thể gõ trống ấy để nói lên tiếng nói của mình. Dân chủ ngoại tại là đừng có đặt trống ở đó nhưng lại cản đường người đánh trống, thậm chí thủ tiêu người đánh trống. Được gõ trống, được nói lên tiếng nói của mình, được phản biện, đối thoại thì trăm họ vẫn quy ngưỡng về một mối. Chế độ phong kiến đã làm điều đó suốt cả mấy nghìn năm, không lẽ nó không để lại một bài học nào? Giữ được dân chủ thì giống như giữ được rừng, lo gì thiếu củi đốt.

Việt Nam hiện nay đang tiến hành thử nghiệm “bầu cử trực tiếp ở cấp xã”, nếu thành công nó sẽ được đẩy lên ở những cấp cao hơn. Và tương lai gần không chừng sẽ xuất hiện khái niệm “Tổng thống Việt Nam”. Thực tế, trong nội bộ Việt Nam vẫn ngầm có những “phe” mang những nội dung như “cánh tả”, “cánh hữu”, “trung dung”, “thân Mỹ”, “thân phương Tây”, “thân Trung Quốc”... Tuỳ theo chính sách đối nội, đối ngoại trong tình hình chung của thế giới mà vận dụng uyển chuyển để phe này, phe kia giữ vai trò trung tâm vừa đảm bảo lợi ích cho các bên, lợi ích dân tộc mặc dù dưới một hình thức “Đảng Cộng sản lãnh đạo”. Thực chất phải nói là “đảng cầm quyền”, bởi chỉ có cầm quyền thì mới có thực quyền, mới thực thi dân chủ rộng rãi trong xã hội được.

Thực tế không phải nước nào có nhiều đảng thì cũng sẽ tiến bộ, bởi nó không phải phản biện để đưa dân tộc, đất nước tiến lên theo kịp các cường quốc mà là nó muốn choảng nhau, triệt tiêu nhau, và dân chúng hết năm này tháng nọ biểu tình thì có dư, thất nghiệp thì cũng thừa mà phát triển thì luôn luôn thiếu. Iraq vừa thoát khỏi chế độ độc tài Saddam Hussein thì xã hội lại cấu xé nhau, đánh bom khủng bố liên miên, ngay cả cùng là Hồi giáo với nhau mà đánh nhau đến sứt đầu bể trán, từ một nước giàu có ở vùng Vịnh trở thành một nước chẳng có gì để nhắc tới ngoài chuyện đánh bom tự sát hàng ngày.

Dưới thời ông Ngô Đình Diệm, không biết chế độ Việt Nam Cộng hoà lúc đó có bao nhiêu đảng, nhưng người ta vẫn gọi chế độ của ông là chế độ độc tài, gia đình trị. Bên kia miền Bắc là “toàn trị”, bên này miền Nam là “gia đình trị”. Kẻ tám lạng, người nửa cân bên nào cũng ra đứng vĩ tuyến 17 chỉ về phía bên kia hùng hồn tuyên bố Nam tiến, Bắc tiến. Nhưng cuối cùng thì người cộng sản đã chiến thắng.

Nước Mỹ có hai đảng chính trị lớn nhưng đường lối đối ngoại với thế giới, đặc biệt với Nga, Trung Quốc thì đừng ai nghĩ rằng nó sẽ có nhiều thay đổi khi một đảng bị đảng kia thay thế sau khi bầu cử. Bởi vậy, mặc dù Nga đã thay “bình mới” nhưng “rượu cũ” của Nga thì Mỹ vẫn không thể không đề phòng khi uống. Hóa ra cuối cùng mới vỡ lẽ, đừng để nó thay bình thì nó cũng sẽ tự giết chết nó thôi. Cuối cùng tưởng vui mừng khi thay được bình cho nó, ai dè lúc nó “phục sinh” nó lại mạnh và đáng đe dọa hơn bất cứ lúc nào. Thật là phúc họa khôn lường. Hóa ra “thay đổi mà không thay đổi gì hết mới là thay đổi”.

Còn Việt Nam, với vị thế của một nước nhỏ, tiếng nói là độc đảng nhưng đường lối đối ngoại gần đây lại có nhiều điều chỉnh, khiến cho nước nào cũng muốn chơi và nước nào cũng muốn cảnh giác đề phòng vì bởi cái vị trí chiến lược của nó trên Biển Đông, và các nước lớn buộc phải tham dự vào nó để duy trì một trật tự tương đối cho tất cả các phía, đừng vội vã làm bạn hay làm thù bằng không sẽ gặp thất bại.

Nói đến mong ước của ông Trần Văn Tích, tôi hiểu được phần nào mong ước ấy của ông khi ông đang sống yên trong một xã hội phát triển và nhìn về quê hương với một con mắt khác. Còn tôi vẫn mang trong mình quốc tịch Việt Nam, tôi mong Việt Nam có một sự điều chỉnh lớn hơn trong đối nội cũng như đối ngoại, nhưng tôi không mong một sự thay đổi chế độ. Bởi muốn thay đổi một cái gì đó phải nghĩ kỹ lắm, nghĩ nhiều lắm, và không chỉ nghĩ cho mình thôi đâu mà còn phải nghĩ cho người, cho đồng bào, cho tương lai của dân tộc nữa.

Nói sao cho hết vấn đề, nếu xã hội luôn luôn hiện diện một “mẹ chồng cộng sản” và một “nàng dâu tư bản”, và ngược lại? Mọi suy nghĩ đều có thể rất thừa thãi khi sự việc không hề diễn ra theo trật tự mong muốn của mình... Qua một đêm nằm ngủ, mở mắt dậy đã thấy tin tức “11-9”, tin tức “sóng thần” tràn ngập đường phố, phải chăng đây là thời đại của những cơn sốc lớn mà những kỹ thuật tiên tiến nhất của con người vẫn còn chưa chế ngự được? Và phải chăng trong sự ồn ào của các chủ nghĩa và tư tưởng, còn có một “ẩn ngữ” chưa được nói ra: Con Người?


© 2008 talawas