trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
26.9.2008
Nam Đan
Mưa thứ Bảy
 

Mưa chiều thứ Bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông... [1]

Có những lúc tôi không muốn làm gì cả, chỉ muốn ngồi thừ ra cho hết ngày, thậm chí cho hết đời, nhất là trong những chiều mưa như hôm nay, chiều thứ Bảy, thì hai câu thơ ấy lại hiện về với tôi. Không hẳn là buồn chán, không hẳn vì một lý do rõ rệt nào cả, không dưng thời tiết của tâm hồn con người có chút gì không ổn. Không dưng, nó chùng xuống.

Dạo này buổi chiều Sài Gòn thường có mưa, những trận mưa lớn tầm tã và kéo rất dài. Có khi mưa suốt buổi chiều, kéo dài đến nửa đêm, đến mãi sáng hôm sau.

Có bao nhiêu điều thú vị để người ta làm trong lúc trời mưa, mưa Sài Gòn? Tôi biết, có thể bạn cho rằng tôi thi vị hóa đời sống một cách lãng xẹt. Cứ gì phải là mưa Sài Gòn mới đáng được kể? Vả lại, có lạ gì những điều thú vị để làm khi trời mưa, những điều ấy xưa nay có rất nhiều người đã tán rồi, từ những thú tao nhã đến những niềm vui trần tục.

Nằm trong chăn ấm nghe tiếng mưa rơi trên mái ngói, hay mái tôn, tay lần giở một trang sách hay, miệng nhai những hạt đậu phộng nóng hôi hổi, chỉ nghĩ đến là thấy ấm cúng làm sao. Chỉ kẹt là đó là một thú vui mà tôi chưa từng thưởng thức. Lý do là khi có sách hay thì trời không mưa, hoặc khi trời mưa và có sách hay thì lại không được nằm xem mà phải chạy kiếm cơm, hay lăng xăng tìm đến một thú vui khác, rộn ràng hơn mà cũng trần tục hơn. Hoặc khi có đủ các điều kiện thì tôi luôn vấp phải rắc rối sau cùng là do quá lười, không đủ kiên nhẫn rang cho mình một nắm đậu phộng nóng giòn hôi hổi để thưởng thức theo đúng bài bản. Thú vui này tôi tự hẹn mình mãi, nếu trời thương thì tôi còn những mấy mươi năm để có ngày hội đủ điều kiện thực hiện nó.

Hay ngồi trong một quán nước nhìn ra đường, nghe tiếng nhạc dìu dặt lẫn trong tiếng mưa rơi, thở chút khói thuốc thơm nồng, ấp tay người tình trong đôi tay mình, nghe mình nói cười những chuyện viễn vông.

Hay ra đứng tắm mưa trong sân hoặc dưới một máng xối, thưởng thức cái lạnh cóng của từng giọt mưa như những mũi kim châm vào da thịt. Há miệng, thè lưỡi nếm vị nước mưa nhạt tan trên vị giác.

Hay khi trời bắt đầu vần vũ và thấy rằng không thể kịp về, thì vào đại một rạp chiếu phim nào đó để trú mưa, cũng là một cái cớ để không phải đối mặt với đời sống thật trong 100 phút. Khi xem xong phim bước ra khỏi rạp thì trời đã quang tạnh, chỉ còn những giọt lất phất cuối cùng trên những hàng cây. Lúc đó Sài Gòn như thể vừa được rửa sạch, tươi mát và nhẹ nhõm. Tâm hồn con người cũng nhẹ nhõm như vừa qua một đoạn mới. Cuốn phim vừa xem có thể không hay, điều ấy không quan trọng, cái quan trọng là mình đã tránh đi được, không phải dự phần vào những giây phút thấp thỏm, hoang mang trước cơn thịnh nộ của đất trời. Mình ăn gian được một quãng ngắn vừa đủ xả hơi để rồi đi tiếp.

Còn thú vui trần tục trong mưa thì có lẽ không gì thú bằng dọn một bàn lai rai cùng dăm người bạn trên một quán rượu nằm cạnh bờ sông. Có thể qua Thanh Ða hay về Thủ Thiêm, để vừa nhấm nháp đưa cay vừa nhìn mưa phủ một màu xám bạc lên mặt nước. Có khi thấy một chiếc thuyền nhỏ bơi trong sông nước ấy. Một bóng người thấp thoáng điều khiển con thuyền không phải bằng tay mà là bằng đôi chân. Bóng người ấy cứ dựa ngửa ra, đạp chân vào đôi mái chèo, từng động tác một, đều đặn. Mặc kệ mưa, mặc kệ gió. Ðều đều từng nhịp, gân guốc. Chiếc thuyền cứ chệnh choạng trôi trong sông mưa. Và trong mắt kẻ sắp say.

Mưa Sài Gòn luôn mang theo hình ảnh những con đường ngập nước. Giữ cho xe khỏi chết máy khi đi qua những đoạn đường này là một kỳ công. Tiếng máy trong lòng pô xe ngộp nước nổ pành pạch như người nghẹn ho. Nước ngập ngoài đường và nước ngập tràn lòng những con hẻm cụt. Bước vào, chân dò dẫm, xối xả nước tuôn tìm cống.

Ngày xưa, con hẻm bên rạp hát Thanh Vân khu Hòa Hưng nhà tôi ở có một anh thanh niên khá đẹp trai mà lại thất tình, thất tình đến phát khùng, nhưng khùng lành. Anh thường múa hát ngây ngô rồi đột nhiên đứng im, mặt ngây ra, hai tay dang rộng giả làm một tượng Chúa đứng trong mưa. Ngoài bọn con nít chúng tôi chiêm ngưỡng anh, rồi cùng nhau sắp thành một hàng và cũng bắt chước Chúa đứng im trong mưa, còn có ánh mắt của vài cô nữ sinh học trọ trong xóm. Bẵng đi một dạo không gặp, tôi đi xa về nghe kể lại, anh chết đuối khi bị sẩy chân té xuống một con mương cạn. Thời buổi chiến tranh, những chuyện như thế trôi đi không vết tích.

Mùa này, những chiều mưa hàng quán thường thưa thớt. Ế ẩm từ quán xá đến người bán dạo. Những người bán trái cây bên đường dùng vải bạt che vội lên sạp. Những trái chôm chôm, thanh long, vải thiều, măng cụt... nhìn thật bắt mắt và giá thật rẻ, nhưng vẫn ế. Ngoại ô thành phố lác đác chợ chiều. Chỉ có các hàng áo mưa trên đường là đắt hàng. Áo đủ màu tươi thắm. Có cả áo mặt hàng mới, áo khoét hai đầu để tình nhân được che chung.

Tôi chưa từng có cái may mắn trú mưa dưới mái hiên với một người duyên dáng nào đó bất ngờ hiện đến trong đời sống tẻ nhạt của mình. Nhưng có lần khi đang chạy xe lên cầu Bình Triệu, vào buổi chiều chạng vạng, thì trời đổ mưa. Cơn mưa hôm đó đổ xuống thật nhanh và lớn. Gió tạt mạnh làm cho cả xe và người liêu xiêu. Ðường vắng, chỉ một bóng người bước tất tả trên cầu. Tôi thấy đó là một phụ nữ tay xách chiếc va-li nhỏ. Tôi đồ chừng đây là một cô công nhân nghỉ phép, đang đi qua bên kia ngã tư Thủ Ðức để đón xe đò về quê. Chiếc váy hoa ướt sũng cứ bị gió dưới cầu thổi tốc lên dưới ánh đèn đường vừa bật sáng như trong một tấm ảnh của tài tử Marylin Monroe. Cô lúng túng dùng tay còn lại để cố giữ tà váy lại một cách khó khăn. Ðôi giày cao gót khiến cô bước đi trầy trượt. Chiếc áo sơ mi trắng ướt dính vào da. Tóc ướt bệt vào gương mặt nhìn không rõ nét. Tôi dừng xe. Tiếng mưa quá lớn không thể nói cho cô nghe được, tôi khoát tay ra dấu mời cô lên xe để chở giúp một đoạn. Cô lên ngồi sau lưng tôi, chiếc va-li gác trên sườn xe phía trước. Xe chạy qua những vũng sình làm nước bắn tung tóe, tôi ngoái lại kịp thấy cô co chân lên, phô một bắp chân trắng tròn, và làn da rất mịn, có lẽ vậy.

Cô bấu tay vào vai tôi ra hiệu dừng xe ở ngã tư kế, rồi bước xuống, vẫy tay chào có ý cám ơn. Tôi phóng xe đi không nhìn lại.

Chỉ có thế, nhưng thật là lạ. Không hiểu sao hình ảnh người đàn bà ngượng nghịu cố giữ chiếc váy hoa khỏi bay tung lên dưới mưa, trên cây cầu vắng ngắt bắt ngang con sông sập soạng tối, lại đọng lại rất lâu trong trí nhớ, chẳng khác gì một câu thơ cũ, những thứ làm cho người ta chỉ muốn ngồi thừ ra cho hết một chiều mưa thứ Bảy, mưa Sài Gòn.

© 2008 talawas



[1]Thơ Phạm Công Thiện