trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
27.9.2008
Phong Uyên
Về những “ẩn ngữ” của ông Trương Công Khanh
 
Tôi xin trao đổi về những ý kiến của ông Trương Công Khanh trong bài “Còn có một ẩn ngữ...”

1. Trong một dòng nói về ông Trần Văn Tích, ông Trương Công Khanh có dùng từ mong ước khi ông nhắc lại câu của ông Tích “tôi mong dân tộc tôi sớm thoát khỏi sự toàn trị của chủ nghĩa cộng sản”. Nếu tôi là ông Tích, tôi thật mát lòng vì “mong ước” không có nghĩa là “chống”, có hàm ý dùng bạo lực hay kích động mọi người dùng bạo lực. Thú thực, những người kết tội ông Tích là “chống cộng mút mùa” đã hơi thái quá vì ông Tích chỉ đơn lược biểu lộ tình cảm của mình với một chế độ mà ông ghét bỏ. Việc ông Khanh ví mong ước của ông Trần Văn Tích với mong ước của ông Hồ Chí Minh có vẻ hơi “phạm thượng”, song có lẽ vì ông Khanh thuộc thế hệ “đêm qua em mơ gặp Bác Hồ” nên có sẵn liên ý (association des idées) chăng? Là người tiếp xúc nhiều với đạo Phật, ông Khanh tỏ ra “thiền” hơn trong sử dụng từ ngữ khi tranh luận và đây là một điểm tích cực: tôi nghĩ rằng trong hoà giải dân tộc, bước đầu ta nên tránh dùng những từ ngữ mang nghĩa đả kích, kết tội nhau nặng nề, kể cả những từ như “chống”, “thân”... mà hãy thay bằng những từ chỉ biểu lộ tình cảm cá nhân như “thích”, “ghét”, “ước mơ”, “ước mong”, “ước muốn”, “thiết tưởng”... Tôi ước mong như vậy, để khi đọc những bài tranh luận được thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm hơn.

Tôi cũng rất hiểu ông Trần Văn Tích khi ông tiếp tục đả kích chế độ đương cuộc bằng lời nói. Như tuyệt đại đa số trí thức thuộc thế hệ ông xuất thân từ miền Nam và có kinh nghiệm đau đớn với chế độ miền Bắc từ 1975 cho tới trước Đổi mới, ông Tích khó có thể không nặng lòng với quá khứ để tiếp tục cho rằng chế độ đương cuộc vẫn y nguyên như hệ thống cộng sản toàn trị hồi 1978, khi ông dời nước ra đi. Trái lại, ông Trương Công Khanh nhờ sinh trưởng và liên tục sống trong lòng chế độ cho tới nay thì đã nhìn thấy nhiều thay đổi từ nền bao chế nên đã tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng mong ước của ông Tích “rất có khả năng trở thành hiện thực do đã có trong thực tế.” Tôi nghĩ việc ông Khanh dùng thừa từ “khả năng” ở đây có một lí do nào đó, chứ một khi “đã có trong thực tế” thì tức là đã trở thành hiện thực rồi. Hơn nữa, chế độ cộng sản toàn trị (thời ông Tích còn trong nước) một khi bị bắt buộc phải “đổi mới” – đi kèm theo sự thiết lập / tái lập phần nào kinh tế thị trường – thì đã không còn nguyên vẹn tính chất “toàn trị” được nữa.


2. Về phương diện lịch sử tư tưởng, như tôi đã có dịp nói trong những bài tôi viết về Marx và chủ nghĩa cộng sản, danh từ “[những người] cộng sản” (les communistes) là do Engels đặt ra để thay cho từ “những người công chính” (les justes) được Marx sử dụng trong các trước tác của mình. Trên thực tế, lí tưởng [của những người] cộng sản — theo tư tưởng nguyên thuỷ của Marx — đã được Engels và những hậu bối của ông từ Đệ nhị Quốc tế (tức Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa, l’Internationale Socialiste) thực thi dưới hình thức dân chủ xã hội (la social-démocratie) vẫn tồn tại và phát triển cho tới ngày nay ở hầu hết các nước dân chủ ở Tây Âu, Trung Âu, Bắc Mỹ và cả một số nước Á châu - Thái Bình dương. Nếu nói cho thật đúng, cái gọi là “chủ nghĩa cộng sản” như đang được hiểu một cách phổ biến ngày nay chỉ là sự thoán đoạt và hư cấu của Staline đối với các hệ tư tưởng nguyên thuỷ của Karl Marx và Vladimir Lénine khi Staline đặt ra “chủ nghĩa Marx - Lénine” (le marxisme-léninisme) vào năm 1925, ngay sau khi Lénine chết. Ở Trung Quốc, khi Mao toàn thắng, Mao đã chế biến “chủ nghĩa Marx - Lénine” này (thực chất là “chủ nghĩa Staline” — le stalinisme) thành “chủ nghĩa Mao” (le maoisme) và áp đặt nó ở Trung Quốc rồi ở Việt Nam. Căn bản của cái “chủ nghĩa Staline - Mao” này là tính chất “toàn trị” của nó, được thể hiện dưới hình thức chế độ bao cấp về cả chính trị - tư tưởng lẫn kinh tế - xã hội. Bởi vậy, một khi đã [buộc] phải bãi bỏ chế độ bao cấp, khởi động (hay tái lập) kinh tế thị trường thì ở Trung Quốc (từ khi Đặng Tiểu Bình chấp chính) và ở Việt Nam (từ Đổi mới), cái chế độ thời ông Trần Văn Tích còn chưa đi khỏi Việt Nam đã biến chất, cho dù vẫn đội lốt là theo chủ nghĩa Marx - Lénine. Hiện nay những người cầm quyền ở Việt Nam chẳng hề theo chủ nghĩa nào cả, và Đảng Cộng sản Việt Nam với hơn 3 triệu đảng viên chỉ là sự liên kết có tổ chức của một đẳng cấp chuyên quyền đặc lợi đang thống trị xã hội Việt Nam. Nói như mấy em lái taxi ở Hà Nội: đó là một thứ Mafia có tên gọi ngang nhiên và gọn lỏn là “Đảng”.


3. Có lẽ vì sinh trưởng trong lòng chế độ nói trên nên ông Trương Công Khanh vẫn giữ cái tư duy hình thành từ những buổi học chính trị là chế độ chính trị nào cũng cần phải có “chủ nghĩa”. Ông lấy cái thí dụ là giới lãnh đạo Trung Quốc đương đại đang tìm cách kết hợp Marx - Lénine với Khổng Tử để tạo ra một chủ nghĩa mới cho mình. Xin thưa với ông là các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện đang phục hưng Khổng Tử — giống như nhà Hán đã từng “khai quật” lại Khổng Tử sau khi Khổng Tử đã chết được 500 năm — chỉ với một mục tiêu duy nhất là củng cố quyền hành của mình: nếu như ngày xưa kia thần dân phải trung với vua như hiếu với cha mẹ (theo đạo quân-thần / phụ-tử của Khổng Tử) thì bây giờ cán bộ và nhân dân phải trung với Đảng [Cộng sản Trung Quốc]. Nếu như với đạo Khổng, bá quyền Đại Hán đã tồn tại được 2000 năm thì Đảng Cộng sản Trung Quốc, kẻ thừa kế của bá quyền Đại Hán, sẽ mong tồn tại đời đời. Nói theo Marx thì thượng tầng chính trị chỉ là phản ánh của hạ tầng kinh tế: nền kinh tế ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam hiện nay không có gì khác hơn là những nền kinh tế tư bản chủ nghĩa của thời bán khai, đã từng hiện diện ở Tây Âu vào sinh thời Marx, cách đây 150 năm. Bên trên cái nền tảng kinh tế [tư bản chủ nghĩa bán khai] đó, chính trị và xã hội tất nhiên cũng sẽ không khác gì Tây Âu của giữa thế kỷ 19: chênh lệch giầu nghèo mỗi ngày một lớn và bóc lột sức lao động mỗi ngày một khắc nghiệt. Còn tồi tệ hơn so với Tây Âu cách đây non 2 thế kỷ, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều có một “đặc sản” cố hữu là tham nhũng và lạm quyền, dù cho có tự đắp điếm cho mình cái vỏ giả dối là đang tiến tới một xã hội xã hội chủ nghĩa. Tôi tin chắc ông Khanh cũng thừa biết rằng cái sự “kết hợp chủ nghĩa Marx - Lénine với tư tưởng Hồ Chí Minh” mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang rêu rao chỉ là một thứ quái thai trống rỗng: một chủ nghĩa đã chết trộn nháo nhào với một hư cấu thuần tuý được mệnh danh “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Các phe nhóm trục lợi đang cầm đầu chính quyền Việt Nam hiện nay cũng dư biết điều đó nên miệng câm như hến, gần đây ngày càng hiếm viện dẫn chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ cho đỡ mất công và đỡ ngượng mồm.


4. Từ toàn trị thực ra là một thuật ngữ, được định nghĩa đủ rõ ràng để không thể nói như ông Trương Công Khanh rằng Mỹ “muốn làm bá chủ thế giới” nghĩa là “muốn toàn trị cả thế giới”. Dưới một chính thể toàn trị, chính trị hoàn toàn chi phối nền kinh tế, đó là trường hợp Liên Xô thời Staline hay Trung Quốc thời Mao. Ở những nước tư bản, sở dĩ kinh tế được phồn thịnh là vì nó chẳng những không bị chính trị chi phối mà còn có thể chi phối ngược lại chính trị. Trong nền kinh tế toàn cầu hoá bây giờ, mọi nước đều phụ thuộc nhau về kinh tế nên không có nước nào có thể dùng sức mạnh chính trị để áp đặt sự toàn trị lên một nước khác được, huống hồ lên cả thế giới. Một thí dụ hiển nhiên là nền kinh tế của Trung Quốc mỗi ngày một gắn chặt với Mỹ khiến Mỹ mỗi ngày một phụ thuộc Trung Quốc về hàng tiêu dùng, cũng như ngược lại, nền sản xuất Trung Quốc mỗi ngày một phụ thuộc thị trường Mỹ, khiến bao nhiêu đô la kiếm được vì bóc lột nhân công Trung Quốc lại đưa cho Mỹ vay để Mỹ có tiền mua đồ rẻ của mình. Và như vậy, tư bản Mỹ, Nga hay Tàu đi nữa, vì bản chất thị trường của nó, sẽ không thể có khả năng hay ý muốn tạo ra cái gọi là [chủ nghĩa] tư bản toàn trị như ông Khanh lí luận (“có khái niệm chủ nghĩa cộng sản toàn trị thì sẽ có khái niệm chủ nghĩa cộng sản không toàn trị và sẽ có chủ nghĩa tư bản toàn trị”). Trong khi đó, cái khái niệm chủ nghĩa cộng sản (chính xác hơn là chủ nghĩa xã hội) không toàn trị đã trở thành hiện thực như tôi đã nói trên, dưới hình thức các chế độ dân chủ xã hội.


5. Ông Khanh cũng nên biết là sở dĩ ngày nay 40% người Đại Hàn theo Thiên Chúa giáo là vì họ tự ý chọn lựa chứ không có “chính sách ngoại giao kinh thánh” nào cả. Hiện tượng theo đạo Thiên Chúa hiện nay rất phổ biến ở châu Á, kể cả ở những nước như Ấn Độ và Trung Quốc. Có thể vì tư tưởng và đời sống tinh thần của người Trung Quốc hiện nay quá nghèo nàn nên cần phải có sự tiếp máu tư tưởng hay tôn giáo đến từ phương Tây. Một triệu chứng đáng để ý là người trẻ Trung Quốc nào cũng lấy tên Mỹ và đa số đeo ở cổ thánh giá to tướng trong khi ở Âu tây (Pháp), kể cả các thầy tu, đều phải giấu kín và bị cấm đeo khi vào lớp học hay vào làm việc trong các công sở.


6. Ông Trương Công Khanh có ý mỉa mai khi nói: “Toàn trị” dưới khía cạnh từ chối đa nguyên đa đảng “thì mới vừa lòng một số người”, với ý rằng đối với một số người, muốn khỏi bị mang tiếng “toàn trị” thì phải thiết lập đa nguyên đa đảng. Trung Quốc hiện nay ngoài Đảng Cộng sản còn có tám chính đảng khác; miền Bắc Việt Nam trước 1975 cũng từng có – ngoài Đảng Lao động (tức Đảng Cộng sản trá hình) – hai đảng Dân chủ và Xã hội. Song cũng không nhờ thế mà hai nước này không phải là hai quốc gia toàn trị. Trong khi đó, chính quyền ở Thụy Điển từ lâu (lâu hơn tất cả các đảng cộng sản trên thế giới) chỉ ở trong tay một đảng là Đảng Dân chủ Xã hội Thuỵ Điển, song không vì thế mà Thuỵ Điển không là một trong những quốc gia dân chủ nhất thế giới. Nhật Bản cũng hoàn toàn tương tự, với sự chấp chính liên tục từ nửa thế kỷ nay của Đảng Dân chủ Tự do. Không biết khi nói như trên, ông Khanh có còn nhớ và thấm thía hay không cái hệ thống toàn trị “đa đảng anh em” thời bao cấp?


7. Nền chính trị “đa nguyên đa đảng” ở những nước dân chủ thực ra có nội hàm rằng ở những nước đó, người dân có quyền được tự do ứng cử và tự do lập đảng. Đó là quyền chứ khi ra ứng cử có được bầu hay không, đảng lập ra có người theo hay không lại là chuyện khác. Thực tế chính trị cho thấy rằng hầu hết các nước dân chủ đều có nhiều hơn một chính đảng; mặt khác dù có nhiều đảng đến đâu rút cục cũng phải liên minh với nhau thành hai khối đối lập nhau, luân phiên nhau chấp chính. Ông Trương Công Khanh viện dẫn rằng ở Mỹ tuy mang tiếng là có nhiều đảng nhưng thật ra là chỉ có hai đảng gần như giống nhau về hầu hết các chính sách đối nội và đối ngoại, vậy thì có hơn gì Việt Nam chỉ có một đảng nhưng “có biểu hiệu đa nguyên trong nội bộ của nó”, với hàm ý lập luận là có nhiều phe cánh tức là cũng dân chủ vậy. Vâng, có một cái khác biệt tối thiểu là ở Mỹ hay ở những nước dân chủ khác như Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật..., giới chính trị gia khi tranh cãi nhau thì đều công khai trước công luận, trước báo chí truyền thông chứ không đấm đá ngầm nhau, triệt hạ nhau hay chia quả thực, chiếu trên chiếu dưới cho nhau trong bóng tối. Khái niệm “đa nguyên” cũng có trong nội hàm của nó các dân quyền tối thiểu như tự do báo chí, tự do ngôn luận và sự độc lập giữa các nhánh quyền lực chính trị (tam quyền phân lập).


8. Ông Khanh có lẽ hơi lạc quan khi tin tưởng rằng “thử nghiệm bầu cử trực tiếp [người lãnh đạo] ở cấp xã nếu thành công nó sẽ được đẩy lên cấp bậc cao hơn”. Tôi hơi ngạc nhiên khi vẫn được tuyên truyền rằng nền dân chủ nhân dân của ta đã được thực thi từ Cách mạng tháng Tám, vậy mà sao bây giờ còn phải “thử nghiệm” ở cấp thấp nhất coi có thành công hay không. Tôi xin nhắc lại là việc bầu lý trưởng đã có từ thời Pháp thuộc. Nhưng thôi đành: dù sao, nếu người dân được tự do lựa chọn mấy ông Phường trưởng, Xã trưởng, cũng bớt được một phần nào nạn cường hào ác bá. Còn hy vọng về việc để người dân bầu cử [thực sự, trực tiếp] ra người lãnh đạo ở cấp cao hơn thì tôi cho cũng giống như mơ ước về một phép lạ: nếu vậy thì “Đảng ta” làm sao chia nhau được chức quyền, ông này Bí thư ông kia Chủ tịch?

*


Để tạm kết luận, tôi có thể có cùng một nhận xét với ông Trương Công Khanh là chế độ [chính trị] hiện nay khó lòng được thay đổi [sớm]. Song nhận định này được đi đến từ hai suy luận khác nhau: Ông Khanh thì không mong ước thay đổi chế độ vì cho rằng nền chính trị đa đảng thay thế nó sẽ chỉ gây nên hỗn loạn, mất ổn định – một lập luận đã được “Đảng ta” đóng đinh. Còn tôi thì nghĩ rằng một khi một chính thể đã “biến đổi gien” để trở thành một tập đoàn cầm quyền có sinh hoạt kiểu mafia thì việc loại bỏ nó sẽ là điều cực kì khó khăn và vẫn nằm trong ước mơ còn xa vời của người dân xứ Việt. Ông Khanh nói “muốn thay đổi (chế độ) phải nghĩ cho người, cho đồng bào, cho tương lai dân tộc nữa”. Nếu ông biết nghĩ như vậy, theo tôi không có lí do gì mà ông không nhìn ra rằng khái niệm [chủ nghĩa] cộng sản không toàn trị” mà xem ra ông có vẻ tâm đắc chính là chế độ dân chủ xã hội mà rất nhiều người hiện nay đang mong ước. Tôi hy vọng rằng, những ai mong ước được sống trong một chế độ tốt đẹp hơn hãy tích cực tranh đấu để thực hiện nó, để thay thế cho cái chế độ hiện nay; nhất là những người có công tâm thuộc thế hệ ông Trương Công Khanh.

Còn trong trước mắt, cái mà người dân mong mỏi ngay bây giờ là có một chút tự do báo chí, tự do ngôn luận, có tam quyền phân lập rõ ràng. Và xa hơn nữa là người dân ước mong trong “Đảng ta” có dân chủ: “dân chủ nội đảng” với cái nghĩa là trong đảng chia làm hai phe như những “courants” trong Đảng Xã hội Pháp. Hai phe đó sẽ, tùy theo số phiếu của 3 triệu đảng viên bầu ra, luân phiên nhau nắm quyền chính. Người dân sẽ tạm nhường quyền lực chính trị của mình cho các đảng viên.


© 2008 talawas