trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 33 bài
  1 - 20 / 33 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
30.9.2008
Hoàng Quốc Bão
Mấy đề xuất cho tác giả sách “Hoàng Sa – Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam nhìn từ Công pháp Quốc tế”
 
Tôi có mua và đọc quyển sách Hoàng Sa – Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam nhìn từ Công pháp Quốc tế của tác giả Nguyễn Q. Thắng do NXB Tri Thức xuất bản.

Sau khi đọc sách, gần đây lại đọc bài viết của ông Phạm Hoàng Quân đăng trên talawas, góp ý các sai sót về học thuật cần chỉnh sửa để hoàn thiện bản in lần sau, tôi rất hoan hỉ, vì vấn đề khoa học quan trọng như thế, có nhiều người tham gia nhuận chính, góp ý, là cần thiết cho học giới và giúp cho độc giả có thêm niềm tin vào các công trình tương tự.

Đến khi đọc bài trả lời của ông Nguyễn Q. Thắng về bài viết trên của ông Quân, tôi có mấy ý đề xuất, để chia sẻ với hai tác giả “nội vụ” và những người quan tâm.


1. Trong trường hợp có thể, ông Nguyễn Q. Thắng nên sử dụng tài liệu gốc để nghiên cứu. Về văn bản học, nhà nghiên cứu phải căn cứ trên văn bản ngôn ngữ gốc (có thể là các tái bản, nhưng vẫn phải là ngôn ngữ gốc). Nếu trường hợp tài liệu độc bản và trước mắt chưa có khả năng tiếp cận văn bản gốc, thì người nghiên cứu phải phối kiểm và thuyết minh bản văn tài liệu mình sử dụng có độ tin cậy tương đương với văn bản gốc. Ở đây, trong cách phiên âm nhân danh địa danh Trung Quốc, ông Nguyễn Q. Thắng đã không căn cứ trên tài liệu tiếng Trung Quốc, mà dựa vào các tài liệu Âu, Mỹ dịch lại từ tiếng Trung Quốc, dẫn đến sai sót. Thủ pháp chuyển ngữ dựa trên tài liệu thứ cấp này thường được xem là kém tính khoa học. Do vậy, khi có người (thường phải dựa vào văn bản ngôn ngữ gốc) chỉ ra chỗ sai, thì người làm khoa học nên tiếp nhận và động tác cần thiết là phải chỉnh sửa ngay (hoặc hứa sẽ chỉnh sửa trong lần tái bản) công trình phạm sai sót nhưng đã trót công bố của mình. Đằng này, ông Nguyễn Q. Thắng mặc dù có nhận “tôi đọc sai các từ trên là do lỗi của tôi khi phiên âm từ các sách Âu, Mĩ...”, nhưng lại dẫn ra các cách khác nhau để phiên âm tiếng Trung Quốc ra tiếng Âu, Mỹ, và ông cho là các cách này có hạn chế. Nhưng vấn đề ở đây là việc phiên âm địa danh, nhân danh từ tiếng Trung sang tiếng Việt kia mà. Phiên âm Hán – Việt xưa nay đâu phải không ai làm, các cách đọc khác nhau trong cùng một chữ thì người tập đọc chữ Hán cũng phải học để biết. Có lẽ, với cách phiên âm Hán – Việt như trên, ông Nguyễn Q. Thắng nên lý giải là ông đã phiên âm từ tiếng Hán (Trung Quốc) sang tiếng Việt theo cách đọc của dân tộc nào trong cộng đồng 54 dân tộc anh em Việt Nam, thì người đọc thấy gần gũi hơn là biện hộ theo kiểu: tôi chỉ hạn chế vì tôi dịch theo cái hạn chế của những anh Âu, Mỹ!


2. Nếu được, ông Nguyễn Q. Thắng nên đọc kỹ tài liệu của mình khi có ý kiến phê bình nhằm vào tài liệu đó, để sự trao đổi được tập trung hơn. Ở đây là trường hợp ông Phạm Hoàng Quân cho rằng: Sách Vũ bị chí không chép các chuyến hạ Tây dương của Trịnh Hòa. Thế thì, ông Nguyễn Q. Thắng – người đưa vấn đề “có nội dung Trịnh Hòa hạ Tây dương trong Vũ bị chí – phải thuyết phục người tranh biện bằng cách nêu rõ ông đã dựa vào những câu nào, đoạn nào, trang nào, chương nào… của sách Vũ bị chí để nêu vấn đề “Vũ bị chí của Mao Nguyên Nghi thuật lại bảy chuyến đi của Đô đốc Zheng He (tức Đô đốc Trịnh Hoà)”. Và nếu được, ông ghi chú khảo tả thông tin về bản sách Vũ bị chí mà ông đang y cứ để nghiên cứu, để tránh tình trạng ông Quân và ông Thắng mỗi người sở hữu một quyển sách có cùng tên Vũ bị chí nhưng khác nhau về nội dung. Ở đây, ông Nguyễn Q. Thắng đã bỏ qua những việc cần làm như vậy, mà lại dành nhiều câu chữ để thuyết minh về nội dung các chuyến hạ Tây dương của Trịnh Hòa. Thiết nghĩ, nội dung các chuyến hạ Tây dương của Trịnh Hòa có nhiều người biết, nhiều sách viết (ở đây ông Phạm Hoàng Quân cũng dẫn ra 3 quyển), và vấn đề đang bàn cãi là nội dung ấy có được viết trong sách Vũ bị chí hay không? Viết ở những chỗ nào? Ông Thắng, tiếc thay, không làm rõ điều này trong bài trả lời của ông, mà dành thời gian thuyết minh về sự hiểu biết về các chuyến đi biển của Trịnh Hòa… ở các sách khác.


3. Ngoài việc đọc kỹ tài liệu của mình, tôi đề xuất ông Nguyễn Q. Thắng nên đọc kỹ bài viết phê bình của người khác mỗi khi có ý định tranh biện, để tránh làm người đọc thêm rối rắm khi theo dõi các bài viết của ông. Ở đây là chi tiết ông viết trong bài trả lời: “Về sách Nam Châu dị vật chí, Vũ bị chí của Trung Quốc viết về bảy lần ‘hạ Tây Dương’ của Trịnh Hòa, ông Phạm Hoàng Quân cho là một loại ‘Bách khoa thư quân sự’…”. Tôi đã đọc lại bài của ông Phạm Hoàng Quân, thấy ông Quân không hề ghép sách Nam châu dị vật chí vào đoạn phân tích Vũ bị chí. Sách Nam châu dị vật chí được ông Quân nhắc đến trong bài viết của mình với lý do ông Thắng ghi nhầm niên đại thành sách của tác phẩm này, và đó là nội dung khác với việc ông Thắng cho rằng Vũ bị chí có chép chuyện “Trịnh Hòa hạ Tây dương”. Khi tiến hành tranh biện căn cứ trên bài viết của người khác, mà ông Nguyễn Q. Thắng đọc không kỹ dẫn đến gán ghép như thế, khiến cho người đọc muốn ủng hộ những chứng lý của ông cũng đâm thiếu tự tin.

Tôi không thấy ông Nguyễn Q. Thắng đả động đến các nội dung sai sót khác mà ông Phạm Hoàng Quân đã nêu. Ví dụ: Niên đại thành sách của Nam châu dị vật chí Phù Nam truyện; cách gọi nhầm chữ Việt (粵) – biệt danh của tỉnh Quảng Đông, khác với chữ Việt (越) trong tên gọi Việt Nam – dẫn đến hiểu sai về các từ Việt dương (粵 洋), Việt hải (粵 海) trong sách Hải quốc văn kiến lục của Trần Luân Quýnh… Về giao tiếp khoa học, tôi đề xuất ông Nguyễn Q. Thắng nên mạnh dạn lập một danh sách các nội dung sai sót trong tập sách Hoàng Sa – Trường Sa, Lãnh thổ Việt Nam nhìn từ Công pháp Quốc tế đã được ông Phạm Hoàng Quân dẫn ra, và thẳng thắn thông báo sẽ đính chính để hoàn thiện sách này trong lần tái bản nếu có. Ngoài ra, ông Thắng cũng nên xin lỗi những bạn đọc đã bỏ tiền mua sách của ông vì những sai sót đã có. Và nếu được, ông Nguyễn Q. Thắng nên thu xếp với NXB Tri Thức – đơn vị đã công bố sản phẩm chất lượng kém như đã phân tích – để có kế hoạch sữa chữa, tái bản quyển sách trên và đổi lại cho những bạn đọc nào đã trót mua từ lần phát hành trước (được như vậy, người viết bài này rất hoan hỉ vì không phải lưu giữ một bản sách mà mình biết chắc có các lỗi sai). Những đề xuất trên đây có thể chưa quen đối với ông Nguyễn Q. Thắng, nhưng sách Minh Tâm có lưu ý “Người chê ta mà chê phải, là thầy ta”, một lời cảm ơn của ông Nguyễn Q. Thắng dành cho ông Phạm Hoàng Quân là nên thiết lập, và như thế, bạn đọc cũng vui hơn khi thấy các nhà nghiên cứu đoàn kết với nhau trong những vấn đề học thuật quan trọng của quốc gia.

TP. Hồ Chí Minh – 29-9-2008

© 2008 talawas