trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 33 bài
  1 - 20 / 33 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
2.10.2008
Nghiêm Quang
Mấy lời thưa với ông Nguyễn Q. Thắng
 
Theo dõi bài của ông Nguyễn Q. Thắng trả lời các phê bình của ông Phạm Hoàng Quân, tôi thấy cần phải nhận xét ngay hai điểm. Thứ nhất, ông tiếp tục trình ra không ít lỗi căn bản mà người làm công việc biên khảo không nên mắc. Thứ hai, ông không hiểu thấu văn bản nhưng lại rất thuần thục trong việc chụp mũ chính trị cho người đối thoại. Giả như dè dặt không đặt vấn đề đạo đức ra đây thì người ta sẽ nói gì với cung cách tranh luận của ông? Thiếu sòng phẳng?


1. Lỗi sơ đẳng

Lỗi cú pháp, chẳng hạn: “Hoàng tử Lệ làm vua chư hầu ở Yên tên là Lệ". (Tôi có thể “tái cấu trúc” thành một câu êm tai không kém: “Tiến sĩ Tùng dạy học ở Sài Gòn tên là… Tùng”.)

Cách dẫn cẩu thả những chi tiết lịch sử: Ông gọi Chu Lệ/Đệ (húy của Minh Thành Tổ) lúc thì là "vua chư hầu ở Yên" của Huệ Đế, đồng ý, rồi lúc lại là "Lệ Vương", không biết theo sách vở nào, xin ông rộng lượng chỉ cho. Trận hải chiến Trường Sa năm 1988 là một sự kiện lịch sử chỉ mới gần đây mà ông can đảm không dưới một lần kéo nó lùi về 1986! Nam Châu dị vật chí đời Tam Quốc xếp cạnh Vũ bị chí thế kỷ 17 để "viết về bảy lần ‘hạ Tây Dương’ của Trịnh Hòa" hồi thế kỷ 15, có lẽ là phát kiến đặc sắc của ông Nguyễn Q. Thắng?

Sau khi thừa nhận phiên âm sai các từ Vạn Chấn, Khang Thái, Uông Đại Uyên, v.v…, ông biện hộ bằng cách mạnh dạn gạch 4 đầu dòng diễn giải "các lối phiên âm từ Hán Việt" như thế này thế này. Nhưng Pinyin, Wade-Giles, EFEO,... là phiên âm tiếng Hoa [phổ thông] (Romanization of Chinese [Mandarin]) chứ không phải "các lối phiên âm từ Hán Việt"! Tôi cũng không hiểu căn cứ nào ông gạch 4 đầu dòng long trọng đó, trong khi phiên âm tiếng Hoa thì có hàng mấy chục hệ.

Càng giải nghĩa lại càng bộc lộ cái sai về phương pháp. Ai cũng biết là khi làm việc trên các thư tịch cổ chữ Hán (của cả Việt Nam lẫn Trung Hoa) thì các danh từ riêng đều cần được viết đúng âm Hán Việt của các chữ Hán đó, tốt thì kèm thêm chữ nguyên gốc bên cạnh để giúp độc giả tra cứu dễ dàng hơn (như bộ Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, chẳng hạn). Phiên âm những tên đất, tên người không quen thuộc từ Pinyin về tiếng Việt, nhiều phần sẽ cho ra kết quả trật lất (như mấy thí dụ ông Quân đã dẫn). Nếu không biết đọc, ông có thể tìm một sinh viên Hán-Nôm, điều không khó, và thực sự cần thiết đối với một khảo luận về Hoàng Sa - Trường Sa.

Liên quan đến Trịnh Hòa, ông khuyên người đọc nên xem "các sách du kí, nghiên cứu của các học giả thế giới", "đặc biệt là cuốn 1421" của Gavin Menzies. Tuy là best-seller nhưng đây là cuốn bị giới chuyên môn phê phán rất nhiều về các căn cứ sử liệu trong đó, nói theo wikipedia tiếng Việt/Anh/Pháp là gây tranh cãi/controversial/controversé. Nếu không tin tưởng wikipedia, mời ông theo những đường dẫn trong đó tới các bình luận của New York Times, Robert Finlay trên Journal of World History, tạp chí L'Histoire,...

Cách nhìn của học giới về tác giả này thế nào, ông không giới thiệu cho hay, lại dài dòng về tiểu sử bên lề. "Nhiều lần đến các thư viện lớn thế giới nhất là các thư viện của Ðại học Trung Quốc" không hề là một bảo đảm cho chất lượng tác phẩm. Phụ chú đang nói về Menzies, đùng một cái ông nhẩy qua chuyện tầm vóc của Trịnh Hòa, chen ngang trích dẫn Sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê.

Dùng quyển sử phổ thông của học giả họ Nguyễn làm cứ liệu chánh để tranh cãi khi người đối thoại đã đưa ra làm bằng [chứng] các tài liệu gốc (Doanh nhai thắng lãm, Tinh sai thắng lãm, Tây dương phiên quốc chí) thì xin lỗi khó bình luận quá.

Một chuyện nữa, tập sách viết ra có thể dùng để nghiên cứu, đối chiếu cho các công trình sau đó, gọi là hồ sơ không có gì quá đáng. Chưa thấy ai dẫn một mục từ trong danh sách tài liệu tham khảo cho công trình của mình, nên gọi là hồ sơ quả thực không được. Vả, soạn mục từ (trong tự điển) có liên quan đến chánh trị, tất nhiên phải chịu sự chi phối của một quan điểm chánh trị. Đó là lý đo ông Quân nói “Người Trung Quốc có quan điểm soạn từ điển như thế (tức sai sự thật về cuộc chiến 1979 theo quan điểm Việt Nam nhưng đúng sự thật theo quan điểm Trung Quốc) nên chúng (mục từ) xuất hiện rất bình thường”, đại ý không cần phải nghiêm trọng hóa, vì mục từ không có nhiều giá trị khoa học trong nghiên cứu sử. Bỏ rơi mất hai chữ “như thế sau mấy dấu ngoặc đơn, nên ông mới hiểu lầm, tưởng ông Quân đồng tình với loại quan điểm phản dân tộc.


2. Không hiểu văn bản và thiếu sòng phẳng

Về cách viện dẫn "lời đầu sách" để biện hộ, mấy lời đại loại "Tác giả trân trọng cám ơn bạn đọc, các học giả đã quan tâm đến thiên khảo luận này, mặc dầu sách vẫn còn thiếu sót", ai cũng có thể viết và nên viết, nhưng không lẽ vì vậy rồi có quyền viết lách bê bối? Cách thanh minh chày cối này lẽ ra không nên có. Chưa kể đến nhưng lỗi về niên đại quyển Nam Châu dị vật chí, hay tên “Việt dương”, “Việt hải”, ông Thắng chọn thái độ tảng lờ, không chống cũng không nhận. Điểm thiếu sòng phẳng thứ nhất buộc lòng ghi nhận.

Viết câu chưa thạo là một lẽ, thành thực mà nói ông đọc cũng chưa thông vì dám quy kết“tác giả Phạm Hoàng Quân chứng minh rồi kết luận các tài liệu của Lê Quý Ðôn trong Phủ biên tạp lục của Việt Nam là sai”. Chỗ nầy buộc tôi phải cắt nghĩa dài dòng cái logic một chiều sáng sủa của ông Quân:
  • Sau khi dịch tập san Sử Địa số 29 ra tiếng Hoa, Đới Khả Lai và đồng sự viết bài “chứng minh rằng các mô tả và định danh của Lê Quý Đôn trong sách Phủ biên tạp lục không phù hợp với địa lý Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc”.
  • Học giới Trung Quốc sử dụng bản dịch tập san Sử Địa để tranh biện, các bài viết biểu hiện 3 đặc trưng sau: phủ định sử liệu, cách lập luận của đối phương; hiểu vấn đề khác nhau trong cùng tài liệu; thiếu kiến thức về đối phương.
  • Từ cách đặt vấn đề đó, ông Quân cho rằng sách của Nguyễn Q. Thắng thuộc về đặc trưng thứ ba, và sau đó triển khai các phê bình.
Theo tôi hiểu, trường hợp Đới Khả Lai được xếp vào đặc trưng thứ hai, và cũng chỉ là một thí dụ minh họa tình hình nghiên cứu trên hồ sơ Hoàng - Trường hai Sa nầy. Đơn giản có vậy.

Tuy nhiên, chính những điều liên hệ tới Vũ bị chí mới bộc lộ rõ nhất về khả năng đọc văn bản của ông Nguyễn Q. Thắng. Phạm Hoàng Quân không một lời nghi ngờ và các chuyến hải hành của Trịnh Hòa, thậm chí còn dẫn các sách tường thuật những lần "hạ Tây dương" nầy, như sách của Mã Hoan, Phí Tín, Cũng Trân. Nguyễn Q. Thắng lại phí công kể lể trở lại thông qua đoạn trích dẫn Nguyễn Hiến Lê, và tiếp tục khẳng định vô sở cứ rằng 7 chuyến đi "đã viết rõ trong Vũ bị chí"! Trong khi, có thể kiểm tra trên Britannica, trang nhà Thư viện Quốc hội Mỹ (hoặc nhiều nguồn khác) rằng Vũ bị chí (Wu Bei Zhi) đúng là một loại bách khoa toàn thư về quân sự (Treatise on Military Preparedness / Traité d'Art Militaire), và chỉ có liên quan đến Trịnh Hòa qua bức hải đồ sơ lược trong quyển 240 (bản gốc đã thất lạc, chú thích của người viết). Người ta nói về Vũ bị chí, rằng không phải là sách "tường thuật về bảy chuyến đi của Đô đốc Trịnh Hoà", không đồng ý thì mời ông trưng bằng cớ, đừng quàng qua chuyện khác, "sử liệu khác". Dẫn câu chuyện trong sách Nguyễn Hiến Lê để chứng minh câu chuyện đó cũng được kể trong Vũ bị chí, quả là lối tư duy độc nhất vô nhị.

Về tính chất các chuyến hải hành, Phạm Hoàng Quân cũng ghi rõ "học giới Trung Quốc thuộc nhóm nghiên cứu khoa học chỉ nhìn ở góc độ ngoại giao phối hợp việc mậu dịch, kỹ thuật hàng hải và công nghệ đóng tàu đời Minh. Nhóm học giả quá khích nâng quan điểm thành ra các cuộc thám hiểm tìm đất hoang để xác lập chủ quyền và chủ yếu là nhắm vào khu vực quần đảo Trường Sa (Nam Sa), chưa thấy được nhận định và các cứ liệu cho rằng đó là những cuộc hành quân "chinh phục các nước Đông Nam Á…" như Nguyễn Q. Thắng tự phán đoán." Diễn tiến các cuộc hành trình không cho thấy khả năng xâm lược của đoàn Trịnh Hòa. Chiến thắng trong xung đột võ trang với Tích Lan nhưng chưa xác lập chủ quyền và đặt bộ máy cai trị, như vậy cũng được Nguyễn Q. Thắng hiểu là xâm lược?

Khẳng định Trịnh Hòa chưa xâm lược các nước Đông Nam Á không phải là bào chữa, nói tốt cho Trung Quốc mà nó chỉ góp phần chứng tỏ rằng thời điểm đó hạm đội Trịnh Hòa dầu có đi ngang Hoàng Sa, Trường Sa nhưng không hề nghĩ tới việc xác lập chủ quyền Trung Quốc tại những nơi đó. "Trịnh Hòa chinh phục thế giới", hiểu theo nghĩa khám phá miền đất lạ, "chinh phục đỉnh Phanxipang, đỉnh Everest" thì chấp nhận được nhưng hiểu theo nghĩa xâm lược là một suy diễn đầy chất tư biện.

Đã đến lúc đề cập tới điểm nguy hiểm nhất trong bài viết của Nguyễn Q. Thắng: xúc phạm vô căn cứ lòng yêu nước của người khác với những quy chụp trắng trợn như "Hay ông (Phạm Hoàng Quân, chú thích của người viết) là luật sư có nhận thù lao để bảo vệ quyền lợi cho kẻ đi tước đoạt lãnh thổ của nước láng giềng? Có lẽ người mướn bảo vệ sẽ giao cho người biện hộ - bảo vệ - một quyền lợi lớn về vật chất?" “những kẻ đồng lõa với các thế lực bành trướng, cướp đoạt lãnh thổ Việt Nam”, “đi bảo vệ việc làm sai trái, vô nhân, cướp nước người... của các thế lực xâm lược”. Cho dù một vài câu đã được ông yêu cầu rút xuống trong im lặng không kèn không trống, nhưng ở thế giới mạng nầy nó sẽ còn tồn tại rất lâu. Chửi rồi rút không xin lỗi là thái độ không lương thiện.

Cùng kiểu hành xử đó, hoặc Nguyễn Q. Thắng lôi Bộ Ngoại giao, hoặc Nguyễn Q. Thắng kéo cụ Nguyễn Đình Đầu (và thậm chí cụ Lê Quý Đôn) về cùng phía với mình để tố "thế mà ông Phạm Hoàng Quân cho chúng tôi - có lẽ cả Bộ Ngoại giao Việt Nam là ‘lời dẫn rất ngớ ngẩn’, ‘và ông xuyên tạc, bôi nhọ cả ông Nguyễn Ðình Ðầu" kiểu làm mình làm mẩy rất trẻ con không thể tưởng tượng nổi: "Thầy ơi, bạn XYZ vừa chửi con, hàm ý chửi luôn thầy đó!"

Nếu ông Nguyễn Q. Thắng thấy chung cuộc mình không có gì sai thì cứ hồn nhiên như vậy ông nhé. Và mong đừng quên ôn bài ngữ pháp tiếng Việt.

Lần chót kính chào.

© 2008 talawas