trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
3.10.2008
Hồ Phú Bông
Sông đã theo người
 
Lần đó chúng tôi dừng quân ở xã Phước Thiền. Vừa qua khỏi chợ Phước Thiền rẽ trái là xuống nơi đóng quân của một đơn vị thuộc sư đoàn Mãng Xà Vương của Thái Lan, còn đi thẳng là vào quận Nhơn Trạch. Đoạn từ Phước Thiền đi Nhơn Trạch rất nguy hiểm vì thường bị Việt cộng phục kích, đắp mô. Đặc biệt là ở khúc quành Nhà Mồ và xóm Hố. Khu nhà mồ được xây cất kiên cố theo kiến trúc Âu châu, nhà lồng khá lớn và đẹp, lại nằm ngay ở điểm quẹo cho nên một tay súng núp ở đây là có thể quan sát, chọn lựa con mồi từ khá xa. Khi đến chỗ khúc quành, cho dù chạy xe gắn máy cũng phải chậm lại, chờ đến lúc đối diện là chỉ việc lảy cò! Có bắn dở thì con mồi cũng bị thương chứ không thể trật và không cần đến phát thứ hai, sau đó chạy ngay vô rừng phía sau lưng vì đồn Bến Cam của địa phương quân cách đó không xa. Cũng vì thế mà nhà mồ mang nhiều vết thẹo chiến tranh khi hứng đạn phản phục kích. Địa phương quân biết ở đó nguy hiểm nên phát quang chung quanh nhưng khu nhà mồ thì đành chịu! Kế tiếp, đến xóm Hố. Thiên nhiên cũng bù trừ. Sát bên xóm Hố là một gò đất rất cao. Trên đỉnh gò đất nầy có một nhà thờ và trường tiểu học. Muốn lên sân nhà thờ thì phải rú ga xe máy tối đa mới bò lên nổi. Đứng trên sân nhà thờ như đứng trên một đỉnh đồi, nhìn chung quanh chỉ thấy toàn ngọn cây. Ở đây là trung tâm cây trái miền Nam của khu vực Long Thành. Sầu riêng, măng cụt, xoài, ổi, mít, mãng cầu, chôm chôm, không thiếu thứ gì. Ngược với độ cao của khu vực nhà thờ, xóm Hố lại trũng xuống khá sâu so với mặt đất bình thường. Cây cối rậm rịt, nhiều lối mòn chạy sâu hun hút vào trong rừng, nên nếu bị phát hiện, thì kẻ phục kích thừa sức chạy trốn và có bắn theo cũng không thể nào trúng đích. Tôi đã đánh dấu hai chấm đỏ trên bản đồ cầm tay, nhưng con đường đất màu hung trải đá, hai bên mượt bóng cây xanh và đầy ắp tiếng ve mùa hạ vẫn có sức hút đến kỳ lạ. Yên ắng thanh bình cũng đó. Nhưng máu đổ, thịt rơi cũng đó. Bản mặt cuộc chiến thật lạ lùng. Bộ quân phục khoác trên người là cái đích nhắm cho phía bên kia, ngược lại, kẻ bắn lén với dân lành thì vô phương phân biệt. Nếu phản phục kích kịp, cho dù tên du kích chết nhưng thiếu khẩu súng hay quả lựu đạn bên cạnh, thì coi như phải sẳn sàng đương đầu với phản ứng của dân địa phương do bàn tay bọn nằm vùng kích động! Tôi hỏi Khái đứng bên cạnh: “Mầy là dân địa phương có thể nhận diện được tụi nó không?” “Có trời mới biết!” Khái xác nhận.

Mấy ngày bố trí quân và lùng sục chung quanh tạm yên, Khái rủ chúng tôi về thăm nhà cách đấy khoảng hơn 10 cây số. Khái khoe: “Cho mấy ông tha hồ ăn trái cây và tôm cua cá mắm... Có rượu nếp đặc biệt của bà già làm nữa.” Tôi khảy lại: “Cho tụi tao quác cần câu sớm để mầy có thì giờ tí toe với ‘mụ vợ’ mới cưới chứ gì?” Khái cười thành tiếng: “Mới gì nữa. Cũng gần năm rồi!” Tâm tiếp: “Con ong đã tỏ đường đi lối về nên mới thèm hơn, mới cụp lạc hơn.” Rồi Tâm bật lửa đốt thuốc, lơ đãng, hát thật khẽ: ... Anh về qua xóm nhỏ, em chờ anh dưới bóng dừa... Giọng Tâm ấm và vương buồn như hát ca dao. Tôi ngó mông lung vào cánh rừng. Hoàng hôn trải từng mảng lụa nhạt trên các ngọn cây xa. Buồn bỗng dưng kéo đến.

*


Ngôi nhà ba má Khái nằm trên khu đất nhô ra như bán đảo, bên bờ sông Thị Vải [1] . Hai bên lối vào là hai hàng dừa xiêm lùn chủn, đưa tay có thể hái trái. Căn nhà ngói ba gian, có hàng hiên khá rộng nhìn xuống dòng sông. Không biết Khái tin về gia đình lúc nào mà khi chúng tôi đến thì ông bà cụ đã sẳn sàng đón tiếp. Khái giới thiệu người nhà nhưng chúng tôi chỉ chờ ‘mụ vợ’ Khái xuất hiện, lại không thấy. Có người đến nói nhỏ với Khái. Khái xin lỗi rồi chạy vô trong. Ngữ như bâng quơ, nói với theo: “Từ từ nghe ông. Chuyện đâu còn có đó. Còn tới bốn năm tiếng đồng hồ... cho đến nửa chiều!” Khái bươn bả đi cũng đá lại ngay: “Mầy quác cần câu lẹ đi cho tao nhờ.”

Cũng khá lâu, ‘mụ vợ’ Khái xuất hiện, dáng hơi mệt nhưng nụ cười thật tươi và đẹp. ‘Mụ vợ’ Khái chỉ cười, gật đầu chào, rồi đứng im. Nét bẽn lẽn nữ sinh còn nguyên vẹn. Cô sinh viên Sài Gòn trước kia và là cô giáo quận lỵ bây giờ nổi bật như một đóa hoa giữa thiên nhiên vùng ngoại ô. Khái đỡ lời: “Nguyện ít giao thiệp, ít nói và chỉ mới nghe sơ sơ chuyện của mấy ông đã sợ hết hồn rồi!” Tâm lễ phép: “Thưa chị, trước mặt chị ổng nói như vậy nhưng với bọn tôi ổng nói khác,” Tâm huơ tay về phía tôi nhờ làm chứng dối, “ổng nói tao cưới vợ chưa được bao lâu mà lỗ tai đã bị điếc đặc rồi!”

Chiếc ghe nhỏ vừa cặp bến dưới mé sông. Bà cụ có vẻ ngóng đợi nên nói ngay: “Ông à, thằng Út về dưới kia rồi.” Bà đứng lên, đi vội ra trước sân, hỏi vọng xuống: “Có khá không con?” Tiếng cậu Út vui vẻ: “Khá lắm và tôm trộng lắm má à! Con là tay sát ngư mà lại gặp bữa bạn bè của anh hai về nữa!” Cậu Út da cháy nắng, mặc chiếc sơ mi sờn cổ và độc cái quần đùi, xách một giỏ khá nặng leo hơn mười bậc tam cấp đất lồi lõm, lên đến đầu dốc đứng nghỉ. Chúng tôi ùa ra xem. Những chú tôm càng xanh màu ngọc thạch đang lúc nhúc. Mỗi con nặng có thể hơn mấy trăm gờ ram. Tôi có cảm tưởng như những chú tôm nầy vừa được bắt lên từ một cái ao nhà chứ không phải từ một dòng sông! Bà cụ nói: “Phải đợi mấy cháu về mới bắt. Còn tươi xanh như vậy mới ngon chứ bắt rồi phải ủ trúm thì nó hết ngọt. Cho nên tôm bán ở chợ vẫn còn sống nhưng hổng ngon bằng.” Dân thành phố bọn tôi gặp cảnh nầy thì chỉ mới nhìn đã thấy thèm chảy nước miếng.

Dưới kia, chiếc ghe trành với đồ nghề câu cột hờ hững bên gốc tre, cành lá rũ la đà sát mặt nước, đang chao chao gợn sóng.

Tưởng ngon ăn, tôi hỏi cách câu và bắt tôm. Ai ngờ cậu Út phải vất vả đi từ tờ mờ sáng. Khái cùng Út trả lời rành rọt vì là dân ở miệt nầy thì ai cũng biết về sông nước. Được dịp Khái kể thêm mơ ước của riêng mình: “Tôi lớn lên đã thấy cảnh nầy. Hồi còn tiểu học, sau khi tan trường là tôi ngụp lặn dưới sông. Không tắm, không bơi không chịu được. Bịnh ghiền. Hang, ngách nào giữa dòng tôi cũng biết chứ nói chi đến ven bờ. Có lần tôi bắt được con chẽm to và dài đến cỡ nầy.” (Khái gõ vào ống chân rồi dang rộng sải tay.) “Khi mới lên Sài Gòn học tôi nhớ dòng sông đến ngẩn ngơ, nhớ hơn cả nhớ bà già, kỳ cục thiệt! Thằng Út bây giờ là hình ảnh tôi ngày trước. Biết nó có được yên hơn tụi mình không? Nói thiệt, khi rời nhà, tôi như cây đã lớn mà bị bứng gốc.” Khái chỉ mấy nóc nhà ẩn hiện bên kia sông, tiếp: “Phải đợi đến buổi tối mới thấy mấy ánh đèn bên kia nhấp nhô trên nước và tiếng người léo nhéo cho mình sự ấm áp lạ lùng của đêm về. Tôi nói có lẽ mấy ông không cảm được nhưng những âm thanh đó như là loại nhạc đặc biệt chỉ nơi đây mới có. Nó vận vào tôi trong giấc ngủ. Thiếu nó như thiếu hẳn một lời ru thằng Út của bà già!” Đặt cái ly đã cạn xuống bàn, Khái chỉ mô đất nhô hẳn ra dòng sông: “Chỗ đó đó, lúc sẫm tối tôi thường ngồi dài cổ, ngoác họng tán dóc với mấy đứa bạn bên kia sông. Ba hồi rủ nhau đi Long Thành xem hát bóng.” Giọng Ngữ hơi khàn vì rượu: “Mà có mấy con nhỏ nào ở bển không?” “Có. Có mấy đứa, nhưng lúc đó tụi tôi tắm còn ở truồng, té nước nhau tơi bời chứ có biết con mẹ gì đâu!” “Bây giờ tiếc à nghen!” “Mấy nhỏ lấy chồng trên Sài Gòn hết cả rồi! Trong lúc tôi lại tha dân Sài Gòn về đây, thế có lạ đời chưa!” Tâm nói: “Bây giờ tôi thích cắm dùi ở đây được không?” “Chịu thôi. Tứ chiếng giang hồ hết trọi rồi! Nhưng mai mốt được giải ngủ tôi sẽ cất căn nhà chỗ mô đất đó đó! Nguyện cũng thích. Đó là căn nhà tụi tôi đang sắp xếp. Cô giáo của tôi sẽ nuôi nấng mấy nhỏ. Hy vọng chúng sinh ra và lớn lên không khốn nạn như tụi mình!”

Các món ăn ngon miền Nam rất nhiều nhưng chưa có bữa ăn nào làm tôi nhớ mãi và thấy ngon bằng bữa ăn ở nhà Khái. Chỉ mới hai món tôm nướng và tôm luộc với mấy xị đế nếp của bà già, Tâm đã muốn quác cần câu! Ngữ thì ngồi trầm ngâm như triết gia. Tâm và Ngữ đều ra trường chưa lâu, loại lính còn mặc tả [2] . Có tí rượu vào nhìn kỹ khuôn mặt đứa nào cũng bụi nhưng cái bụi còn non choẹt đến thương! Không có chiến tranh chắc tụi nó đang còn mài đũng quần ở trường. Bẩm sinh đâu có mấy ai muốn chơi trò bắn giết, thế mà mỗi đứa lại bị ném cho cây súng. Một trò chơi thật kỳ cục. Đem ngay cơ thể mình đùa cợt với máu me cho “hạnh phúc”, thế mà phe bên kia cứ trương cờ “giải phóng”! “Giải phóng” từ cái yên lành ra cái chiến tranh! Từ cái thương yêu ra cái thù hận. “Giải phóng” cái gì? “Giải phóng” ai?

Tàn tiệc, bà cụ chỉ góc chái hiên nhà, nơi mắc cái võng, bảo tôi nằm nghỉ. Bà kể: “Cái võng nầy bác mua ở chợ Bà Chiểu đem về, những buổi trưa nắng nóng như vầy nằm đây đón ngọn gió dưới lòng sông thổi lên mát rượi, bác ru thằng Khái ngủ hồi còn tí xíu, rồi đến thằng Út. Bi giờ đến lượt cho con nó. Mấy đời lận đó nghen cháu!” Tôi cám ơn bà cụ, nằm đong đưa trên cánh võng. Ngữ và Tâm nằm trên tấm phản ngựa bên trong. Còn Khái biến mất. Mấy ly rượu nếp khá đằm! Tôi lơ mơ nghĩ, lơ mơ nhìn, từ cây mãng cầu xiêm đến ngọn mít, từ buồng chuối đang sây quả đến mấy chùm chôm chôm còn xanh. Ai cũng mong chiến tranh chấm dứt nhưng coi bộ còn lâu. Anh em đánh nhau chí chết rồi rủ phe nầy phe kia kéo nhau sang tận Pháp hội nghị tìm hòa bình! Thật khôi hài. Nhưng chiến tranh rồi cũng phải chấm dứt. Khái sẽ về lại đây cất nhà. Con Khái lại lớn lên với dòng sông đang trôi dưới kia. Một chú chim sâu nhỏ xíu từ đâu bay đến đậu trên nhánh ổi, rồi nhanh nhẹn chuyền từ cành nầy sang cành khác ngoẹo cổ tìm mồi mặt dưới những chiếc lá xanh. Tôi nhớ mấy câu thơ học trò về cuộc tình lỡ dở: Có con chim nhỏ đi làm tổ. Tôi thấy tôi buồn hơn nhánh cây. Có con chim đã quên ngày cũ. Vương vấn, ơ hờ, theo lá bay!

Tôi bảo Khái: “Mầy ở lại nhà vui với gia đình một đêm, trưa mai hẳn về lại đơn vị.” Khái trả lời: “Đi không dặn trước. Bỏ tụi nó tôi không yên tâm, lỡ có chuyện gì thì ân hận chết! Hơn nữa đóng quân ở đây cũng gần nên đi đi về về tí chút cũng được rồi!” Trên đường về, Ngữ khều lại chuyện cũ với Khái: “Bộ lính thì ở đâu cũng đánh nhanh rút nhanh hay sao mà lúc mới về ông bỏ tụi nầy ở ngoài cả nửa tiếng rồi đến khi người đẹp xuất hiện lại bơ phờ, tơi tả?” “Mầy lại khéo tưởng tượng! Tưởng tượng cỡ vậy thì nên về Sài Gòn đi ngã ba Chú Ía [3] một chuyến cho nhẹ bớt đi cha!” Tôi chen vào: “Tình hình còn căng quá. Huỡn huỡn sẽ chia nhau về Sài Gòn xả hơi từng đứa một.” Đợi đến lúc nầy Khái mới báo tin vui: “Hồi sáng ‘mụ vợ’ tôi phụ với bà già lo nấu nướng nhưng thình lình lại ọ oẹ mùi tôm cá nên lủi vô buồng nằm ói, mặt mày xanh mét! Bà già bảo tôi ‘con vợ mày coi bộ có nghén rồi’!”

Giữa ngột ngạt của súng đạn và chiến tranh, tin vui về một đứa bé sẽ ra đời đẹp như một đóa hoa dại vừa len lỏi nhú lên giữa vòng rào kẽm gai nơi chiến hào!

Hơn một tuần lễ, chỉ hơn một tuần lễ sau đó, khi đơn vị chúng tôi nhận lệnh di chuyển gấp thì Khái chết! Mới nửa chiều, thằng Út hớt hơ hớt hãi, đầm đìa nước mắt đến báo cho đơn vị tôi: “Anh Khái bị du kích bắn chết rồi!” Cả đơn vị bàng hoàng. Có lẽ Khái về thăm gia đình lần cuối trước khi theo bước quân hành và bị phục kích giữa đường. Đánh Đông, đánh Tây chẳng hề hấn gì, lại chết lãng xẹt ngay nơi mình sinh ra!

Đơn vị cử Ngữ và Thượng sĩ Thường vụ thân tín với Khái ở lại phụ lo tang lễ. Ngữ đem về trao tôi một tấm ảnh trắng đen, không kèm theo một câu chào hỏi hay lời nói nào, rồi lặng lẽ bỏ đi nơi khác. Tấm ảnh, Nguyện trong màu tang trắng đang ngồi bên mộ chồng nghi ngút khói hương nhìn xuống dòng sông. Gia đình chôn Khái ngay trên mảnh đất nơi mà vợ chồng Khái đang dự trù cất nhà.

*


Hơn ba mươi mấy năm sau, tôi đọc tin trên mạng.
  • Báo VietNamNet ngày 26/9/2008: “Mỗi tháng Vedan ‘đầu độc’ sông Thị Vải bằng 105.600 m3 nước thải... Kết quả xét nghiệm mẫu nước thải tại khu vực bể bán âm và bồn chứa của công ty Vedan cho thấy các thông số về độ màu, COD, BOD5... tỷ lệ vượt từ 10 cho đến 2000 lần, cá biệt lên tới 3675 lần.”
  • Báo Tuổi Trẻ ngày 23/9/2008: “Cứ xả như hiện nay, trời cũng không cứu được sông Thị Vải.” Đó là lời khẳng định của TS Hoàng Dương Tùng, giám đốc Trung tâm Quan trắc và Thông tin Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường).”
  • X-cafevn.org đăng bài viết của Phạm Đình Trọng, “Ai tiếp tay cho Vedan giết sông Thị Vải?” Các báo chí có tiếng nói rộng rãi ở Thành phố Hồ Chí Minh Sài Gòn Giải phóng, Tuổi Trẻ, Người Lao động... đều lên tiếng về tình trạng nước thải của Vedan gây ô nhiễm trầm trọng sông Thị Vải: “Chất thải từ nhà máy có màu đen lan truyền đi khắp cả sông Thị Vải từ thượng nguồn ở Long Thành, Đồng Nai xuống hạ nguồn ở Cần Giờ, TPHCM... Từ ngày nhà máy bột ngọt Vedan hoạt động đổ chất thải ra sông cũng là lúc tôm cá chết hàng loạt.” (Báo Sài Gòn Giải phóng ngày 21.12.1995)

Đối phó với dư luận, Vedan đến cơ quan đại diện phía nam ở TPHCM của một tờ báo trung ương đón “nhà báo” ở đây đến Vedan đãi đằng, hiếu hỉ! Thế là trước khi các báo cấp địa phương ở TPHCM lên án Vedan gây ô nhiễm môi trường thì đã có tờ báo cấp trung ương in ảnh, đăng bài hết lời ca ngơi Vedan với môi trường: Đứng trên cảng Phước Thái lộng gió, tôi nhìn xuống dòng sông Thị Vải, nước trong vắt, từng đàn cá bơi bơi, phía ngoài xa, những chiếc thuyền câu đang quăng lưới.” (Thuyền câu mà lại quăng lưới! Vì tưởng tượng nên lòi đuôi dối trá!) Lạ thay, cả khu công nghiệp quy mô này không hề ngửi thấy một mùi lạ, nếu không nói là chỉ có mùi thơm của gió từ đại ngàn thổi tới... Một công nhân của công ty bắt được con trăn gấm rất to trong lúc anh ta rẫy cỏ. Ông Chủ tịch Hội đồng Quản trị đã ra lệnh cho anh thả con trăn về rừng. (Thời báo Tài chính Việt Nam số 50 (120) ngày 14.12.1995)

Tháng 12 năm 2004, giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai Lê Văn Hưng đã có ngay văn bản gửi Hội đồng Thi đua Khen thưởng tỉnh đề nghị khen thưởng Vedan: Với chức năng quản lí nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Sở Tài nguyên Môi trường đã kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với công ty Vedan Việt Nam... Từ một công ty mới đầu tư có gây ảnh hưởng lớn đến môi trường nước trong khu vực sông Thị Vải những năm 1994 – 1999, nay đã cố gắng khắc phục, xử lí cơ bản nước thải sản xuất, các mẫu nước thải qua kiểm tra gần đây đạt tiêu chuẩn môi trường loại B, tiêu chuẩn Việt Nam! (hết trích)

*


Khái ơi,

Mầy được nằm lại đó, nơi mầy đã sinh ra và lớn lên. Nơi mầy mơ ước sẽ cất một ngôi nhà để nhìn xuống dòng sông. Nơi bốn quai nôi và nhịp võng ầu ơ của bà cụ từng hoà cùng âm hưởng tiếng hát từ dòng sông. Bây giờ, dòng sông cũng đã chết theo mầy, nhờ được người ta “giải phóng”. Nghĩ lại, mầy chết đi là một may mắn, chỉ có vợ con mầy, thằng Út mới tội nghiệp! Con mầy bây giờ cũng xấp xỉ bốn mươi mà bọn tao cũng tản lạc tứ xứ không hề gặp. Vợ con mầy đang ở đâu? Biết họ có còn mong ước được nhìn và nghe tiếng hát của dòng sông Thị Vải?

27.9. 2008

© 2008 talawas



[1]Sông Thị Vải, có chiều dài gần 80 km, chảy qua các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là dòng sông nước mặn, lợ với với chế độ bán nhật triều (thuỷ triều dâng, hạ nửa ngày một lần) và từng có hệ động thực vật từ thượng nguồn đến hạ lưu rất phong phú, đa dạng. Hiện nay, theo VietNamNet, mỗi ngày dòng sông phải hứng chịu khoảng 24.500 m3 nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp trực tiếp xả thẳng ra sông.
[2]tức lính mới.
[3]Địa danh một xóm gái điếm nổi tiếng ở Sài Gòn trước 1975, gần Tổng Y viện Cộng hòa trên đường đi Gò Vấp.