trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
10.10.2008
Trương Nhân Tuấn
Tìm hiểu về Ải Nam Quan qua một vài tài liệu
 1   2 
 
Nhân ông Lê Công Phụng trả lời phỏng vấn nhà báo Lý Kiến Trúc về biên giới hai nước Việt - Trung đầu tháng 10 năm 2008, một số bạn có đặt cho tôi câu hỏi: Việt Nam có mất Ải Nam Quan không? Xin gởi bài viết sau đây, hy vọng làm sáng tỏ vấn đề.
Hình Nam Quan trên chụp từ hướng Trung Quốc về Việt Nam


1. Ý nghĩa các danh từ Quan 關, Ải 隘 và Ca 卡

Theo một tài liệu bằng tiếng Pháp, dịch từ ba trang mang số 15, 16 và 17 ở quyển thứ nhứt của bộ Long Châu ký lược (Longtcheou Ki lio – Abrégé des Anales de Longtcheou), thì người Hoa sử dụng đến ba danh từ khác nhau để chỉ cửa ngõ thông thương giữa hai nước Việt-Trung. Ðó là: QUAN, ẢI và CA (hay Tạp). [Long Châu là một châu quan trọng ở biên giới thuộc tỉnh Quảng Tây, phủ Thái Bình, về phía Ðông giáp châu Bằng Tường, giáp với Việt Nam về phía Bắc Lạng Sơn và phía Ðông Nam tỉnh Cao Bằng]. Long Châu ký lược là sơ lược về lịch sử ở vùng Long Châu. Theo tài liệu này, số cửa ngõ thông thương từ Long Châu sang Việt Nam gồm có 2 cửa “QUAN”, 14 cửa “ẢI” và 3 cửa “Ca” (thời nhà Thanh còn gọi là “thủ tạp” để chỉ các nơi canh phòng). Hai cửa QUAN là Bình Nhi Quan 苹 而 關 và Thủy Khẩu Quan 水 口 關 . 14 cửa Ải là Yêm Bố 淹 布 (có bộ “khẩu” 口 đứng trước chữ “bố”), Long Sương 龍 廂, (Ná Lang 那 懶,), Cảm Môn 敢 門, (Na Tuyết 那 雪 ), Na Duệ 那 曳 (Bản Khô 板 枯 ), Khiếu Canh 叫 更, (có bộ “sơn” 山 trên chữ “canh”) (Bản Ma 板 厤 ), Bế Thôn 閉 村, Na Hoài 那 懷 (Na Ai 那 哀), Ná Hà 那何, Long Mính 龍 茗 (Na Thông那), Hợp Thạch 合 石 (Long Cống 龍 貢). Ba cửa CA là Hồ Tông 葫淙, Khiếu Khâm 叫欽 và Bách Bố 百布.

Như vậy có những khác biệt, ngoài cách viết, về ý nghĩa của QUAN, ẢI và CA. Cả ba cùng có ý nghĩa là cửa thông thương giữa hai nước nhưng chúng khác nhau ở tầm quan trọng. Thật vậy, trong số các ngõ thông thương sang Việt Nam, từ Long Châu, hai ngõ quan trọng nhất là Bình Nhi và Thủy Khẩu. Theo thứ tự sắp xếp hành chánh và theo mức độ nhân sự qua lại, các cửa “Quan” có tầm quan trọng hơn hết, sau đó là cửa “Ải”, cuối cùng là cửa “Ca” hay “Tạp”. Cửa “Ca” là một cửa biên giới thường xuyên bị đóng. Một ghi nhận, Bình Nhi Quan và Thủy Khẩu Quan đều là hai cửa chặn hai con sông. Cửa Bình Nhi ở trên sông Kỳ Cùng và cửa Thủy Khẩu ở trên sông Bằng Giang. Tuy nhiên, Nam Quan (thuộc châu Bằng Tường) tọa lạc trên trên “la route mandarine”, tức quan lộ, là cửa thông thương chính thức giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Sứ thần chính thức của hai bên hầu như đều đi qua cửa này. Như thế, “quan” chỉ chung cho cửa thông thương trên bộ hay trên sông.

Dựa trên logic này, có thể người Việt ta gọi khác người Hoa về những địa danh do người Hoa đặt ra. Người Hoa gọi là Nam Quan thì chúng ta gọi là “Ải” Nam Quan. Chữ “ải” được thêm vào. Ðôi khi, trong một số tài liệu, người Hoa gọi Nam Quan là Nam Ải, ải Rô là Rô Ải (Yo Ai), cũng như Bình Nhi Quan là Bình Nhi Ải (vì nơi này sông uốn qua một hẻm núi hiểm trở hình chữ C), nhưng không bao giờ ta thấy họ gọi là Nam Quan là Nam Quan Ải hay Bình Nhi Quan là Bình Nhi Quan Ải. Ta gọi Ải Nam Quan, cũng như gọi “cửa ngọ môn”. Môn là cửa, gọi “cửa ngọ môn” ta lập lại chữ “cửa” hai lần, một lần tiếng Việt, một lần tiếng Hán. Ải Nam Quan cũng vậy, ta cũng lặp lại hai lần một ý nghĩa của: quan và ải. Và ta có thể tìm thấy nhiều trường hợp tương tự. Người Việt ta gọi thế là theo thói quen hay là một “ngoại lệ văn hóa” (exception culturelle) Việt Nam? Riêng người Pháp, trong công việc phân định biên giới giữa Việt Nam và Trung Hoa, như tài liệu trên đã ghi nhận, đã có một nhận thức về sự khác biệt giữa Quan, Ải và Ca. Họ dịch lần lượt là Porte, Passage và Barrière. Porte có nghĩa thông thường là cửa. Passage có rất nhiều nghĩa, trong trường hợp này có thể là nơi mà mọi người qua lại. Barrière cũng có nhiều nghĩa, nhưng ở đây có thể là nơi qua lại có rào hay vật cản. Tuy nhiên, sau này, có thể vì để dễ dàng trong công việc, quan, ải hay ca đều được các nhân viên phân giới dịch bằng chữ “porte”, có nghĩa là “cửa”. Nhưng dầu thế nào chữ “porte” (quan) và “passage” (ải) không bao giờ đi chung với nhau trong một danh tự ghép chỉ định một địa danh như trường hợp Ải Nam Quan mà dân ta thường dùng. (Trường hợp danh từ ghép quan-ải thì có nghĩa tương tự như biên cương, biên tái, biên viễn, biên thùy, biên ngung... chỉ cho những nơi xa xôi “quan tái” lạnh lẽo, những vùng tuyến đầu hay nơi trận mạc). Trong loạt bút ký của bác sĩ Néis mang tựa đề Sur le frontière du Tonkin viết năm 1887, đăng trên Le Tour du Monde, các địa danh Nam Quan, ải Rô, ải Loa v.v... được dịch là Porte de Chine de Nam Quan, Porte de Chine d’Ai Ro, Porte De Chine d’Ai loa v.v... Tất cả những cửa thông thương đều được ông bác sĩ này gọi là “Porte de Chine”, “Cửa Tàu”. Nhưng Nam Quan là cửa thông thương quan trọng hơn cả, hơn nữa, cửa Nam Quan được Tàu xây đồ sộ sau này, có lẽ vì thế mà khi nói đến Porte de Chine thì người ta chỉ liên tưởng đến Nam Quan.

Về phương diện chiết tự, chữ Ải 隘, tác giả chỉ mới biết chữ Hán do tự học, còn rất sơ lược, xin để phần này cho các chuyên gia bổ túc thêm.

Về ý nghĩa địa lý của danh từ Ải: Ải là hẻm núi; là đường hẹp đi giữa hai trái núi hay đồi. Từ Ải 隘 tiếng Hán cũng có nghĩa là nơi hiểm trở, thu hẹp lại. Ngày xưa khi lưu thông chỉ còn là đi bộ, hay đi ngựa, hàng hóa được người gánh gồng hay chở bằng xe ngựa, xe trâu... muốn vượt qua núi thì người ta chỉ có hai cách: hoặc là leo núi để vượt qua; hoặc nếu núi cao, không vượt được, thì tìm cách len lỏi theo các chân núi tìm hẻm núi để đi qua. Các đường hẻm núi người ta gọi là ẢI (passe). Những con đường (ải) này nhiều khi đi vòng vo rất dài. Ngày hôm nay với cơ khí nặng, người ta có thể thu ngắn đoạn đường bằng cách đục núi làm hầm thông qua (tunnel), hay ủi những con đường đi lượn quanh trên sườn núi để vượt qua núi. Ðường này gọi là ÐÈO (col). Giống nhau giữa đèo và ải là cả hai cùng là con đường qua núi. Khác nhau giữa đèo và ải là đường đèo leo lên lưng chừng núi, hay vượt thẳng qua núi, còn đường ải thì len lỏi dưới chân núi để qua núi mà không leo lên núi. Chiều dài của đèo và ải có thể dài ngắn khác nhau.


2. Ải Nam Quan theo Phương Đình địa dư chí

Theo Phương Ðình địa dư chí của cụ Nguyễn Văn Siêu (Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2001, tr. 451): “Ải Nam Quan ở địa phận hai xã Ðồng Ðăng và Bảo Lâm châu Văn Uyên. Phía Bắc giáp địa giới châu Bằng Tường tỉnh Quảng Tây Trung Quốc, 2 bên tả hữu núi đá cao ngất, ở giữa mở một cửa quan, cánh cửa có khóa, chỉ khi có việc sứ mới mở, tên là cửa Nam Quan (một tên là Ðại Nam Quan, một tên là Trấn Di Quan, lại có tên là Trấn Nam Quan”.

Cũng theo cụ Nguyễn Văn Siêu (tr. 180), trích từ Ðịa chí loại tạp khảo: “Cửa Trấn Nam (Chấn Nam) ở trên đường từ Ung Châu đến Lạng Sơn, được mở vào thời nhà Tống, thuộc động Bằng Tường, phủ Tư Minh. Theo Ðại Nam nhứt thống chí Trấn Nam Quan ở trong nội địa nước Tàu, dựng dưới thời Gia Tĩnh nhà Minh”  (1522-1566).

Theo Thanh nhứt thống chí, năm 1726, tức năm thứ 2 triều Ung Chính, cửa được “tu bổ” lại: “Cửa quan dài 110 trượng (khoảng 50m), có đề 3 chữ Trấn Nam Quan, nghĩa là cửa quan để phòng giữ phương Nam. Ðằng sau cửa có đài Chiêu Ðức và đình Tham Ðường, là nơi đón tiếp sứ bộ nước ta”.

Vì vậy, có lẽ ải Trấn Nam được thông mở dưới thời Tống. Ðến triều Minh thì cửa ải có xây một “cửa” (ngoại sách hay quan ngoại) và cửa được tu bổ lại vào triều Ung Chính nhà Thanh 1726. Cửa ải có nhiều tên khác nhau: Ðại Nam Quan, Trấn Nam Quan, Trấn Di Quan v.v...

Cũng theo Phương Đình địa dư chí của Nguyễn Văn Siêu (tr. 57): “Tháng 6 năm thứ 5 triều Vĩnh Lạc, đổi Kê Lang Quan làm Trấn Di Quan… Trấn Di Quan thuộc huyện Kê Lăng, Pha Lũy Môn thuộc huyện Uyên… Năm thứ 9 ngày 4 ngày Quí Mão, huyện Kê Lăng phủ Lạng Sơn được đổi thành huyện Trấn Di, Kê Lăng Ðệ Vận Sở thành Trấn Di Ðệ Vận Sở, Pha Lũy Quan Tuần Kiểm tư huyện Thủy Lãng châu Thất Uyên  thuộc về huyện Uyên».

Trong phần An Nam bị lục (tr. 98), phủ Lạng Sơn được mô tả: “ở phía Bắc Giao Châu, cách 530 dặm, năm thứ 2 niên hiệu Vĩnh Lạc, đổi đặt, có 7 châu: Thượng Văn, Hạ Văn, Thất Nguyên, Vạn Nhai, Quảng Nguyên, Thượng Tư, Hạ Tư và 5 huyện là: Khâu Ôn, Trấn Di, Uyên huyện, Ðan Ba, Thoát huyện.” 

Theo hai tài liệu trên thì tên đầu tiên của Trấn Di Quan, tức Trấn Nam Quan (hay Ðại Nam Quan, Hữu Nghị Quan sau này), là Kê Lăng Quan và hai cửa quan Trấn Nam và Pha Lũy hoàn toàn khác nhau. Cửa Trấn Nam, thuộc huyện Trấn Di, là một cửa biên giới còn Pha Lũy thuộc huyện Uyên. Theo tài liệu Chu Tử Bôn (ghi lại phía dưới), Pha Lũy là một trạm để sứ bộ nước ta, trước khi sang Tàu, ngừng ở đây sửa soạn vật triều cống.

Tuy nhiên, An Nam bị lục (tr. 102), phần ghi về phủ Lạng Sơn, có nhắc cửa Lưu Quan: “Ải Lưu Quan ở phía Bắc, thuộc địa giới châu Văn Uyên, lai về phía Nam là Kê Lăng Quan, xa hơn nữa là Cần Trạm. Năm thứ 2 triều Vĩnh Lạc, Hoàng Thông đưa Trần Thiên Bình về An Nam, tiến qua hai cửa quan là Ải Lưu và Kê Lăng, sắp đến Cần Trạm, đường núi hiểm trở, cây cối rậm rạp, quân đi không thành hàng lối, quân phục của An Nam kéo ra giết chết Thiên Bình và quan Ðại Lý Khanh là Tiết Phẩm… Tướng quân Trương Phụ xuất phát từ huyện Bằng Tường, qua Pha Lũy Dịch tiến quân đánh vỡ 2 cửa Ải Lưu và Kê Lăng đến Cần Trạm, lùng soát hai bên đường, phục binh đều trốn hết, bây giờ mới tiến đóng ở chợ Xương Giang, đặt cầu nổi cho quân sang đến khi nước An Nam yên, mới đổi Khê Lăng làm Trấn Di Quan.” 

Theo mô tả thì ở về phía Bắc Kê Lăng Quan còn có Ải Lưu và cửa quan này cũng thuộc Văn Uyên. Khi Trương Phụ đem quân sang nước ta thì trước tiên đi từ Bằng Tường, qua Pha Lũy Dịch, sau đó cửa ải Lưu và cuối cùng qua Kê Lăng để vào đóng tại chợ Xương Giang.

Nhưng cũng từ sách Phương Đình dẫn trên, trang 104-105: “Pha Lũy Dịch ở phía Bắc châu Vạn Uyên 100 dặm, cũng gọi là Pha Lũy Quan. Từ Bằng Tường vào An Nam tất phải qua đường này, nay gọi là Pha Dữ Trạm. Dư Trình ký chép: Từ của quan (Ðại Nam Quan?) thuộc địa giới châu Bằng Tường, đi về phía Nam 30 dặm đến trạm Pha Lôi (Pha Lũy?), lại qua trạm Ðông Bộc, trạm Bất Bộc, trạm Bất Bác, lại 100 dặm đến trạm Bộc Thượng, lại qua trạm Phi Lê, trạm Xương Giang, trạm Chi Kiều, trạm Lã Khôi tất cả 210 dặm qua sông Phú Lương đến thành An Nam.” 

Như vậy có một mâu thuẫn lớn về vị trí và tên gọi của Kê Lăng (tức Trấn Di Quan, Trấn Nam Quan hay Ðại Nam Quan), Pha Lũy Dịch (Pha Lôi hay Pha Dữ) và Ải Lưu từ các tài liệu dẫn trên. Ta thấy lúc thì có dữ kiện cho rằng Kê Lăng Quan ở phía Nam Pha Lũy Dịch, lúc thì cho rằng Kê Lăng Quan ở phía Bắc Pha Lũy Dịch.

Việc này có thể giải thích bằng nhiều giả thuyết. Thứ nhứt là do tác giả không có cách nào để tiếp cận tham khảo các bộ địa chí của Việt Nam, ngoài bộ Phương Ðình địa dư chí hiện có. Tác giả không thể kiểm chứng được. Nếu có người chỉ giúp để làm sáng tỏ việc này thì rất mang ơn.

Nếu chỉ trên bộ địa chí này, có thể là do nhà chép sử ngày xưa, tam sao thất bổn. Cũng có thể do ban biên tập quyển Phương Ðình địa dư chí. Ta thấy quyển sách này do nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin Hà Nội phát hành và biên tập là Ðặng Thị Huệ. Lối hành văn vắn tắt của quyển sách làm cho việc sưu khảo khó khăn, lại không ghi chú thêm từ Hán. Nhưng cũng có thể Kê Lăng Quan (được đổi thành Trấn Di Quan vào tháng 6 năm thứ 5 triều Vĩnh Lạc, tức năm 1408) thuộc huyện Kê Lăng, không phải là Trấn Nam Quan, thuộc xã Ðồng Ðăng huyện Văn Uyên, ở vị trí hiện thời. Huyện Kê Lăng được đổi thành huyện Trấn Di và huyện này hoàn toàn khác biệt với huyện Uyên (thời Minh thuộc gọi là Uyên huyện, nhà Lê đổi thành Văn Uyên). Có lẽ huyện Trấn Di sau này được đổi tên hay sáp nhập vào một huyện khác. Nếu đoán theo tương đối của vị trí và cách phát âm thì Kê Lăng Quan (Trấn Di Quan) chính là ải Chi Lăng. Huyện Trấn Di có thể đã đổi thành huyện Chi Lăng. Nếu thế Trấn Nam Quan (tức Ðại Nam Quan) không thể có tên Trấn Di Quan như cụ Nguyễn Văn Siêu (và một số sử gia Việt Nam) đã viết.


3. Tên Việt của Nam Quan

Nam Quan, địa danh mang tên Hoa, nhưng cũng có một tên Việt. Bài thơ “Hai chữ nước nhà” của Á Nam Trần Tuấn Khải mở đầu bằng các câu sau:

Hai chữ nước nhà
(Nghĩ tới Phi Khanh dặn ông Nguyễn Trãi khi ông bị quân Minh bắt giải sang Tàu)

Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm
Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu
Bốn bề hổ thét chim kêu
Ðoái nom phong cảnh như khêu bất bình
...

Bài thơ đại ý nói lên tâm sự đau xót của Nguyễn Phi Khanh, lúc bị bắt đưa sang Tàu. Khi đoàn tù đi đến ải Bắc - tức sắp sang đất Tàu - thì ông Nguyễn Phi Khanh nhìn lại thấy con là Nguyễn Trãi vẫn theo bước chân đoàn tù để cùng sang Tàu với cha cho vẹn đường hiếu đạo. Nguyễn Phi Khanh mới lên tiếng khuyên con quay trở về để mưu cầu phục hận. Nguyễn Trãi gạt nước mắt vâng lời sau này theo Bình Ðịnh Vương Lê Lợi dựng lên nghiệp lớn.

Vì thế, Nam Quan là từ Hán do người Hoa đặt cho một địa danh ở vùng biên giới Việt Nam và Trung Quốc. Dân ta ngày xưa đã gọi địa danh đó là Ải Bắc. Người Hoa cho địa danh đó là một cửa Quan (Trấn Nam Quan, Đại Nam Quan…), người Việt cho là cửa Ải (ải Nam Quan, ải Đại Nam…). “Quan” hay “Ải”, theo nhận định phần 1, có cùng một ý nghĩa là cửa thông thương của hai nước, nhưng chỉ khác nhau về tầm quan trọng. Người Hoa gọi đó là cửa qua phương Nam và ta gọi đó là cửa qua phương Bắc.

Nhưng ta ít khi nghe người Việt mình sử dụng từ "ải Bắc". Có lẽ vì cách gọi Ải Bắc là nôm nacha mách qué nên chúng ta không dùng, lâu ngày nên quên đi chăng?


4. Vị trí Ải Nam Quan

Một góc bản đồ vùng Nam Quan của Sở Địa dư Đông Dương 1935 (hoặc 1948?)


Tác giả chưa tìm thấy tài liệu nào ghi lại một cách chính xác các đường thông thương giữa Trung Quốc và Việt Nam trước thế kỷ thứ XV. Ta chỉ biết một cách sơ sài rằng vào thời nhà Tiền Hán (năm 41 dương lịch), lần đầu tiên quân Tàu xâm chiếm nước ta, do Phục Ba Tướng Quân Mã Viện cầm binh. Ông này dẫn thủy quân vào Việt Nam qua ngả Quảng Ðông. Theo Ðại Thanh nhứt thống chí, quyển 348, tờ 8 và tờ 15, thì vào năm 74 dương lịch, quân Tàu vượt qua núi Phân Mao để tiến vào châu Tiên Yên (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh). Cũng theo Ðại Thanh nhứt thống chí thì núi này ở về phía Tây phủ Khâm Châu, tỉnh Quảng Ðông. Theo một tài liệu khác thì núi này cách phủ Khâm Châu 360 lý về hướng Tây. Ðến triều nhà Tống (1052), quân Tàu mới vào nước ta theo đường bộ qua ngả Quảng Tây. Không thấy chú thích đoàn quân này đã vượt qua các ải nào. Và chỉ dưới thời nhà Minh (1406) đường vào nước ta từ Trung Quốc qua ngả Vân Nam mới được mở.


Ghi chú
  • Lý: đơn vị đo chiều dài, có nhiều trị số khác nhau. Ðơn vị lý được Pháp dùng với Tàu để phân định biên giới Việt - Trung có chiều dài 560 mét. Lý “bình thường”, dùng trong các sử sách như Ðại Thanh nhứt thống chí có chiều dài là 400 mét. Nhưng trong các bản đồ do các nhà truyền giáo Jésuites thiết lập thì họ sử dụng đường kinh tuyến Bắc Kinh (114° 49’ 30’’), đơn vị lý được tính theo hải lý (mille marin, dặm biển), mỗi hải lý dài 10 lý. Tức 1 lý vào khoảng 185 mét.

  • Khoảng cách đo được từ hai địa phương trên một lộ trình là là đoạn đường mà người bộ hành đã đi qua, tính theo thời gian nhân với vận tốc trung bình. Vì thế các đoạn đường đèo hay ải đi quanh co trong núi thì thường dài hơn rất nhiều so với khoảng cách tính theo đường chim bay.

4.1. Tài liệu 1

Bản đồ Itinéraires De Chine en Annam (“Các lộ trình từ Trung Quốc đến An Nam”, đính kèm) được thiết lập dưới triều Nguyên (Mông Cổ), và được Tschou-Sse-Peun (Châu Tử Bôn) chú giải thêm và công bố vào năm 1579. Có lẽ các chi tiết trên bản đồ này được ghi lại trong Phương Đình, phần Dư (hay Du?) Trình Ký đã dẫn ở trên.

Theo bản đồ thì thông thương giữa Quảng Tây và thủ đô An Nam là Hà Nội có ba lộ trình. Hà Nội lúc đó tên gọi là Ðông Kinh; Bắc Ninh tên gọi là Kinh Bắc; Thanh Hóa tên gọi là Tây Kinh...



Lộ trình thứ nhứt: Từ châu Bằng Tường (Ping-shiang-tcheou), qua cửa ải phía Nam (tức Nam Quan), đến Pha Lũy Dịch thuộc châu Văn Uyên, hoặc đi về phía Bắc châu Thoát Lảng, hai ngã cùng đến phủ Lạng Sơn trong một ngày đường. Từ đây đi về hướng Bắc Châu Ôn, một ngày đường thì đến Quỉ Môn Quan; nếu về hướng Nam Châu Ôn, qua thôn Tân Lê, vượt Nhị Thập Giang, đi một ngày đến huyện Bảo Lộc. Ði tiếp nửa ngày thì đến Xương giang (Thọ Xương?), vượt sông; một ngày thì đến cầu sông Thị Kiều phía Nam huyện An Việt (Kinh Bắc). Huyện này ở trên nhánh bắc ngạn của sông (Thị Kiều).

(Có lẽ sông Thị Kiều là sông Cầu, cách Bắc Ninh khoảng 5 hay 6 Km về hướng Bắc. Sông rộng không hơn 200 m, nước chảy không mạnh, có thể vượt sông dễ dàng bằng phà.)

Lộ trình thứ hai: Ði từ Tử Minh Châu, vượt qua núi Ma Thiên Lãnh, đến Tử Lăng Châu; từ đây, trong một ngày đường, qua Biên Cương Ải đến châu Lộc Bình; phía Tây huyện này có đường dẫn đến phủ Lạng Sơn trong một ngày.

Nếu đi về hướng Ðông thì phải vượt qua sông Thiên Lý (tức sông Kỳ Cùng). Con sông này dưới thời vua Yong Lô (tức Chu Lệ, hiệu Vĩnh Lạc 1403-1425) đã bị lấp dưới lệnh của vua Lê Lợi nhằm mục đích cản đường đi của quân Tàu. Nhưng quân Tàu đã được báo trước nên tháo gỡ vật chướng ngại và vượt qua.

Từ sông Thiên Lý đi một ngày rưỡi thì đến châu An Bác; từ đây đi một ngày rưỡi thì tới núi Hao Quân Ðộng. Con đường qua lối này rất hiểm trở. Sau một ngày đường thì tới huyện Phong Nhân; từ đây có hai ngả: Ngả thứ nhứt đi một ngày qua sông Xương và đến huyện Bảo Lộc. Ngả thứ hai xuyên qua phủ Lạng Sơn và trong một ngày đường thì đến cầu Thị Kiều ở phía Nam huyện An Việt. Tại đây hai ngả đường gặp lại nhau.

Lộ trình thứ ba: Vào Long Châu đi một ngày đường tới Bình Nhi Ải và một ngày nữa thì tới châu Thất Uyên (Cao Bằng). Từ đây đi hai ngày đến xã Bình Gia thuộc Văn Lang. Từ nơi này có hai đường đi khác nhau để đến huyện An Việt.

Ðường thứ nhứt đi một ngày từ Văn Lang, xuyên qua rặng núi phía bắc huyện Hữu Lũng, qua Quỉ Môn Quan; thêm 40 lý đường bằng phẳng, sau đó băng qua sông Xương, phía Nam Hữu Lũng, kế tiếp đi xuống nam ngạn của sông, trong một ngày tới huyện An Ðồng. Từ huyện Thế An đường xá bằng phẳng. Từ huyện An Ðồng mất một ngày đường thì đến cầu trung tâm chợ huyện An Việt, trên phía bắc ngạn của sông.

Ðường thứ hai từ Văn Lang đi một ngày rưỡi đường phía Tây ải Bình Nhi, xuyên qua châu Vô Ngạn; đây là một đường núi. Ði tiếp hai ngày đến huyện Tú Nộng, đường bằng phẳng. Từ đây đi một ngày rưỡi đường thì đến cầu Thị Kiều, phía bắc huyện An Việt, bên bờ bắc ngạn thượng nguồn sông Thị Kiều. Con sông này chảy phía Nam của sông Xương Giang và xuyên qua trung tâm huyện An Việt; huyện này ở phía Nam của sông Thị Kiều. Tất cả các đường đều tụ tập nơi đây, và những con đường này đều có thể vận chuyển quân binh.

Từ huyện An Việt đi một ngày đường thì tới phủ Từ Sơn, kế tiếp là đến huyện Ðông Ngàn, huyện Gia Lãm và các huyện khác. Sau đó qua sông Phú Lường để vào đến Giao Châu.

Ghi nhận
  • So sánh bản đồ này và các chi tiết ba lộ trình của nó với các bản đồ và lộ trình hiện nay, ta nhận thấy đã có nhiều sai biệt, nhất là ý niệm về khoảng cách, tỉ lệ. Nhưng việc liên hệ đến bài viết này là các địa danh mà theo đó chúng có khả năng giúp ta soi sáng một vài điểm mờ của địa lý và lịch sử: châu Bằng Tường, Nam Quan, Pha Lũy Dịch, Văn Uyên Châu, Thiên Lý Giang...

  • Bản đồ cho thấy có sự khác biệt rõ rệt giữa Nam Quan và Pha Lũy Dịch. Theo bản đồ thì đi từ châu Bằng Tường trước hết phải qua Nam Quan, đến châu Văn Uyên (Ðồng Ðăng) rồi mới đến Pha Lũy Dịch. Pha Lũy Dịch ở trên bờ bắc ngạn sông Thiên Lý, tức sông Kỳ Cùng. Nhìn lên bản đồ hiện nay thì thị trấn ở bên bờ bắc ngạn sông Kỳ Cùng là Kỳ Lừa. Phủ Lạng Sơn ở phía nam ngạn sông Kỳ Cùng. Phải chăng Pha Lũy Dịch chính là Kỳ Lừa?

4.2. Tài liệu 2


Lộ trình từ Hà Nội qua ngả Lạng Sơn, Quảng Tây, sông Tây Giang để đến Canton (năm 1837) tác-giả Tsai-Tin-Lang (?), chuyển ngữ sang tiếng Pháp trong Itinéraire de Hanoi à Canton par Lang-Son, le Kouang-Si et la rivière Si-kiang, tác giả tạm dịch như sau:

Tác giả Tsai-Tin-lang, bị đắm tàu tại vùng biển An Nam; đi đến Huế và không muốn gặp lại nguy hiểm nữa cho nên quyết định trở về cố hương bằng đường bộ. Ông bắt đầu đi từ Huế đến Quảng Tây và sau đó từ đây đi Canton (Quảng Đông) bằng thuyền trên sông Tả Giang. Toàn bộ bút ký liên hệ đến cuộc du hành này được đăng trọn trong bộ sách của Ecole De Langues Orientales Vivantes - Trường Sinh ngữ Ðông phương, quyển có tên Recueil d’itinéraires et de voyages dans l’Asie centrale et dans l’Extrême Orient (E. Leroux, 1887) Sưu tập về các hành trình và du hành ở Trung Á và Viễn Ðông.

Từ Hà Nội đến Bắc Ninh

Tsai-tin-lang rời Hà Nội ngày 15 tháng 3 năm 1837. Ông tính khoảng cách từ Hà Nội đến Bắc Ninh là 130 lý.

Từ Bắc Ninh đến Lạng Sơn

Ngày 17 tháng 3, ông Tsai qua đêm tại phủ Lưỡng Giang.

Ngày 18 ông đến trạm Tsin-in-chung (?), gần chỗ đó, trên vùng giáp ranh của huyện Vyng-tsyiang (Vân Uyên?), là hồ Hou-lou-hai (?), nơi đây người ta lấy rất nhiều chất thần sa (son đỏ).

Ngày 19, ông nghỉ đêm tại trạm Huan-lang (Văn Lang?) sau khi đi qua 7 trạm khác có quan quân canh gác.

Ngày 20, sau khi đi được 13 lý, ông Tsai đến Quỉ Môn Quan. Truyền thuyết địa phương cho rằng mười người đi vào cửa Quỉ Môn thì chỉ có một người sống sót đi ra. Dân chúng vẫn tin rằng ngày hôm nay tại đó vẫn còn một khu chợ ma. Các hồn ma đêm hôm tụ tập để mua bán, người nào đến quấy rầy sẽ bị trù mà sinh bịnh. Ông Tsai ngừng chân tạm nghỉ dưới tường của Quỉ Môn Quan. Nhưng thình lình cả người ông run lên bần bật, tóc trên đầu dựng đứng. Ông Tsai phải vội vã đứng dậy.

Kế bên Quỉ Môn Quan là đền thờ Phục Ba, biệt danh của tướng Mã Viện. Viên tướng này đã cầm quân xâm chiếm Giao Chỉ vào năm 41. Các quan lại triều đình đi qua đều vào thắp nhang khấn vái. Phía ngoài đền thờ có loại lương thảo Y-dze (bo bo) mọc. Loại lương thảo được quân lính của Mã Viện đem làm lương thực. Nó có hiệu lực trừ được chướng khí và độc thủy. (Người ta tìm thấy trong sử sách của Kouang Vou (?) rằng Mã Viện đau bệnh vì do phong thổ độc địa không thích hợp. Ðể chửa trị, Mã Viện đã ăn một lượng lớn bo bo. Khi Mã Viện trở về Tàu thì có cho xe kéo chở về theo. Nhưng tướng Mã Viện bị trách tội vì không đem nó dâng lên cho nhà Vua. Ông phải chết vì việc này và vợ ông không dám làm lễ an táng cho ông.)

Khoảng 2 lý, phía Ðông Nam, người ta sẽ gặp một ngọn núi đá. Trên đỉnh núi ấy có một trụ đồng tương tự như trụ đồng được cắm trên đỉnh núi Phân Mao, thuộc địa phận Khâm Châu (Kin-tcheou), Canton (Quảng Ðông). Trụ đồng cao khoảng 10 trượng và dầy khoảng 10 phân. Từ xa mầu sắc của đồng trụ giống như màu đá, vì bao phủ bởi phân chim. Dân địa phương kể rằng người ta thường thấy những con chim thần đậu trên trụ đồng...

Cùng đêm đó (20 tháng 3), Tsai-tin-lang ngừng bước tại pháo đài thứ 5 (5e batterie). Ngày xưa, vào thế kỷ thứ 18, người An Nam (triều nhà Lê?) đã dựng lên 18 pháo đài, tương tự như dàn pháo thứ 5 này để chống lại quân Tây Sơn. Người ta có thể đứng từ dàn pháo này trông thấy dàn pháo kế; nhưng chúng đã không còn nữa, ngoài pháo đài thứ 3 và thứ 5.

Toàn vùng này đồi cao hoang vu bao phủ, đôi lúc một con đường mòn vắng lặng cắt ngang qua. Khắp nơi xen lẫn bụi rậm gai góc là cỏ dại mọc cao đến 10 trượng. Ðường đi lúc thì núi đá hiểm trở, lúc thì vực thẳm tối tăm. Không thấy một dấu vết con người; ngoài những đám cướp hung dữ lấy vùng này làm sào huyệt. Giữa các tảng đá lớn hay phía dưới những vực sâu là nơi chướng khí tụ tập. Hơi nước độc địa tại các nơi đây không tan hết trong ngày. Mặc dầu là mùa xuân, cây cối trong rừng đều vàng vọt và khô héo. Các tảng đá rêu mốc phủ đầy. Tuy nhiên, hai bên bờ của con sông chảy qua vùng này thì cây cối um tùm, rậm rạp. Trên sông có những con công đang bơi lội. Trên đường mòn, mà những con công theo đó đến đây, cây cối che phủ dầy dặc, kín mít, không một tia nắng xuyên lọt qua. Rắn rết, bò cạp khắp nơi, chúng nhả chất độc ô nhiễm cả dòng sông. Những người du hành đi qua vùng này đều mang theo hạt kê rang và lương thực. Họ uống nước sông nhưng với nhiều thận trọng. Nước này được nấu sôi với thân cây bo bo, dùng như là một loại thuốc ngừa bệnh, uống như nước trà. Ðối với người không quen phong thổ, phương cách này lại càng cần thiết hơn.

Gần đến Lạng Sơn, đường chân trời bao bọc vô số chóp núi lô nhô và nhọn bén. Nhìn từ xa thấy chấp chởm hàng ngàn điểm đen. Tại đây rặng núi Pang-che-ling (?) bao phủ trên một vùng khoảng 20 lý. Con đường mòn xuyên qua đi rất khó nhọc; lúc thì phải leo qua những đỉnh cao, lúc thì phải đi đánh vòng rất khổ sở. Ngày 21, Tsai-tin-lang đến Lạng Sơn vào lúc xế trưa. Viên quan trấn thủ Lạng Sơn, theo như thông lệ, gởi một sứ giả sang Quảng Tây để hỏi quan phủ Thái Bình lúc nào thì cho phép ông Tsai đi qua cửa ải. Sứ giả trở về Lạng Sơn ngày 31 tháng 3 mang tin rằng ông Tsai được phép qua cửa ải vào ngày 8 tháng 4. Trong lúc chờ đợi, ông Tsai thăm viếng vùng chung quanh Lạng Sơn và lên đường vào ngày 3 tháng 4.

Từ Lạng Sơn đến biên giới

Ngày 3 tháng 4 sau khi qua sông, ông Tsai đi qua chợ Tsoi-moi-pou (Kỳ Lừa), thương buôn tại đây toàn là người Tàu từ Quảng Tây và Quảng Ðông. Sau khi đi được 35 lý ông đến Văn Uyên (Ðồng Ðăng). Ông lên đường lúc 8 giờ sáng. Ðường đi là đường mòn nhỏ, đi vòng vo quanh núi. Im lặng và cô lập. Khắp nơi không thấy bóng dáng một người nào. Không nghe tiếng gà gáy cũng như tiếng chó sủa. Ði được 45 lý, ông Tsai đến Yo-ai hay Nan-Kouan (Nam Quan). Người An-Nam gọi ải này là Io-tsong-ai. Cùng ngày, quan viên Tàu ở Tả Giang và vùng Ning-ming-tcheou (Ninh Minh Châu) gởi người đến cửa ải để đón Tsai-tin-lang...

Từ Trấn Nam Quan đến phủ Nam Ninh, bến sông Tây Giang (Si-kiang hay Nei-si-ho)

Ngày 8 tháng 4 Tsai-tin-lang vượt cửa biên giới phía Nam (tức Trấn Nam Quan). Sau khi qua khỏi nơi đây, người ta cũng ít thấy nhà cửa. Ðường xá cũng khó đi như phía bên kia ải. Cũng toàn là núi non hiểm trở. Ði được 25 lý, ông Tsai ngừng chân ở một trạm nghỉ ngơi thuộc huyện Hia Che (Hạ Thạch?). Ông lên đường cùng ngày và đến Chang Che-tcheou (Sơn Thạch Châu?). Ðoàn người theo hộ vệ ông là dân địa phương thuộc Quảng Tây, không được dân Tàu xem là người Hán.

Ngày hôm sau, 9 tháng 4, ông này đến Ning-ming-tcheou (Ninh Minh Châu) sau khi đi được 70 lý.

Ghi nhận 

Ðiểm đáng chú ý của đoạn văn trên đây là:
  • Cuộc du hành này đã được tác giả "thần thoại hóa” hơi quá lố. Quan trọng là sự hiện hữu của trụ đồng, có thật hay không? Làm sao nó còn nguyên vẹn hàng ngàn năm mà không tiêu hủy do rỉ sét?

  • Theo ông Tsai-tin-Lang thì ải này có tên Việt, đọc theo lối Tàu là Yo-Ai (Ải Rô? Ải Du?) hay Io-Tsong-Ai (?).

  • Theo cách tính của ông Tsai, khi biết được vận tốc trung bình người đi bộ và thời gian đi đường, khoảng cách Kỳ Lừa và châu Văn Uyên (Ðồng Ðăng) là 35 lý (14 Km). Từ Lạng Sơn đến cửa ải là 45 lý (18 Km). Như thế từ Đồng Đăng lên cửa ải là 4km. Sau khi qua cửa được 25 lý (10 Km) là một trạm nghỉ không biết tên, thuộc huyện Hia-Che (Hạ Thạch), có lẽ đây là châu Bằng Tường, và trong ngày thì ông đến Chang-Che-Tcheou (Sơn Thạch Châu).

  • Cửa ải thuộc đất Tàu, có quân Tàu canh gác. Muốn qua cửa phải xin phép trước.
Theo bản đồ phủ Thái Bình (đính kèm) của các nhà truyền giáo Jésuites thiết lập năm 1718, dưới chiếu chỉ vua Khang Hi nhà Thanh năm 1708, thì Hie-Che là một châu chớ không phải huyện. Hia-Che-Tcheou (Hạ Thạch Châu).

Theo Ðại Thanh nhứt thống chí thì Chang-Che Tcheou (Sơn Thạch Châu) cách biên giới An Nam, châu Vân Uyên là 30 lý (12 Km) về hướng Tây và 25 lý (10 Km) hướng Tây Bắc. Không có ghi chú về Hia-Che-Tcheou.


© 2008 talawas