trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
15.10.2008
Võ Huy Tâm
Nọc độc của báo "Nhân văn"
 

Anh chị em công nhân nhà in Xuân Thu đã ngừng lại việc in báo Nhân văn, việc ấy làm cho những kẻ đi gieo rắc những tư tưởng bậy phải suy nghĩ, và phải chùn bước.

Nhưng đối với những số báo Nhân văn đã phát hành, đã có một số người đọc, chúng ta cần vạch rõ nọc độc của nó, quyết không để những nọc độc ấy lây ngấm vào đồng chí đồng bào ta được.

Vậy nọc độc của báo Nhân văn là gì? Trên các báo gần đây đã có nhiều bài vạch rõ lối bôi đen và xuyên tạc của báo Nhân văn, qua những bài như "Con người Trần Dần", "Nhân câu chuyện mấy người tự tử" và một số bài khác. Ở đây tôi muốn góp ý kiến về vấn đề tự do dân chủ.

Ai cũng biết, báo Nhân văn có một điểm mà số nào cũng nêu lên, ấy là vấn đề tự do dân chủ. Và làm như là chỉ có báo Nhân văn mới dám nói đến vấn đề ấy. Nhưng sự thực là thế nào? Anh chị em văn nghệ sĩ và đồng bào ta ai cũng biết: Chế độ của ta là chế độ dân chủ, thường xuyên dùng vũ khí phê bình, tự phê bình và sau hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Đảng chủ trương tổ chức một phong trào phê bình rộng rãi, từ dưới lên trên, ở khắp các cấp bộ, để phê bình lãnh đạo, phát huy tự do dân chủ chống sùng bái cá nhân. Ở hầm mỏ tôi, ở khu Hồng Quảng cũng như ở Hội Văn nghệ Việt Nam… đều tiến hành phê bình lãnh đạo như vậy.

Báo Nhân văn đã lợi dụng phong trào tự do dân chủ do Đảng chủ động đề ra, để nói xấu chế độ, − thể hiện trên rất nhiều bài báo suốt từ số 1 đến số 5.
Cái nguy hiểm của báo Nhân văn là: Nêu to vấn đề tự do dân chủ, mà không nêu vấn đề kỷ luật, vấn đề ý thức tổ chức. Như trong những bài của Trần Duy, Nguyễn Hữu Đang, mạt sát chuyên chính. Bài nói về hiến pháp, bài nói về Ba Lan và Hunggari ở số 5, nhằm mục đích gì nếu không phải là núp dưới chiêu bài đòi dân chủ để gieo rắc những tư tưởng phá hoại.

Qua kinh nghiệm đấu tranh của chúng ta bao năm nay, chúng ta đều đã thấy rõ một nguyên lý rất thông thường là: Dân chủ mà không tập trung, tự do mà không kỷ luật, sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn vô chính phủ. Ngay như ở hầm mỏ, chúng tôi mở một phong trào dân chủ hóa sản xuất, mở hội nghị bàn bạc các việc ở xí nghiệp, phê bình cán bộ, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Nhưng đi đôi với dân chủ hóa, là phải chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật lao động, phải củng cố chuyên môn, công đoàn, củng cố quyền lực của Nhà nước ở bộ phận ấy. Đây là hoàn cảnh ở một xí nghiệp còn hoàn cảnh chung ở các nơi khác, tôi nghĩ về căn bản cũng như vậy. Nên khi phê bình chống những tệ nạn quan liêu, độc đoán, v.v… thì đồng thời cũng phải xây dựng cho lãnh đạo, nâng cao tác dụng của lãnh đạo, làm cho cơ quan lãnh đạo có thực lực thực quyền, như vậy mới là tư tưởng của giai cấp công nhân mới là cách mạng.

Còn thái độ của báo Nhân văn là cổ động mọi người chống lại lãnh đạo, nói cán bộ nào cũng xấu. Như vậy đã là xuyên tạc, đã sai với sự thực rồi; lại không hề nhắc đến ý thức người dân đối với tổ chức. Đấy là tư tưởng gì? Nếu không phải là tư tưởng tự do quá trớn, tư tưởng vô chính phủ, tư tưởng ấy chỉ có lợi cho bọn đế quốc, phong kiến.

Cái hiểm độc của báo Nhân văn là nịnh dân: Nó vin vào những chủ trương của Đảng đang thực hiện là: Tự do dân chủ, nâng cao đời sống cho nhân dân, nhưng nó nói bằng giọng là chỉ có nó mới lớn tiếng đòi quyền lợi cho nhân dân. Từ những bài xã luận đến những mẩu chuyện "không phải chuyện cười", v.v… báo Nhân văn đều thổi phồng các khuyết điểm lên, phỉnh nịnh quần chúng hòng gây những bất bình đối với các cơ quan lãnh đạo, từ Văn nghệ, Mậu dịch, Y tế, Công an, Bưu điện, đến hầu hết các cơ quan khác.

Nhưng những luận điệu như vậy chỉ tạm thời lừa dối được một số người riêng lẻ, rồi ra, ai cũng nhìn rõ.

Lấy một ví dụ: Hiện nay ta xây dựng kinh tế, còn gặp những khó khăn, hàng thủ công nghiệp và công nghiệp chưa đủ. Công tác mậu dịch của ta cũng gặp nhiều khó khăn, mặc dù nó đã có những thành tích đáng kể: khối lượng hàng nhập khẩu nhiều hơn mấy năm trước, hàng đi khắp hang cùng ngõ hẻm, nông thôn đồng bằng và rừng núi nhưng vì nhiều cớ mà nó vấp phải những khuyết điểm về bảo quản và phân phối hàng. Những người buôn không chính đáng, đầu cơ trục lợi, hoặc trước đây được độc quyền trong một ngành nào, giờ họ không còn dễ dàng trong những hành vi kinh doanh, trái với lợi ích của nhân dân được, nên họ không bằng lòng với mậu dịch quốc doanh.

Để lôi kéo quần chúng, báo Nhân văn đã cho đăng một phóng sự bịa đặt thêm để vu khống cho mậu dịch hòng làm được lòng những nhà buôn không chân chính.

Một thí dụ nữa: báo Nhân văn đã định đào một cái hố sâu giữa Đảng và văn nghệ sĩ, lạm dụng tiếng nói của quần chúng văn nghệ sĩ để đả kích lại lãnh đạo, làm như là mình đại biểu cho văn nghệ sĩ.

Là một người viết văn, tôi nói rõ để các ông biết: Chúng tôi thẳng thắn vạch khuyết điểm của lãnh đạo, nhưng chúng tôi không thể tin cậy những người đi gieo rắc những tư tưởng vô chính phủ. Những bản kiến nghị của hàng trăm văn nghệ sĩ, phản đối thái độ chính trị của báo Nhân văn, đã cho các ông bừng tỉnh!

Bất kỳ ai, đã làm việc, thì thể nào cũng có sai lầm khuyết điểm, nhất là làm công tác lãnh đạo. Nhưng những người mắc sai lầm khuyết điểm ấy, được Đảng giáo dục, và được quần chúng phê bình, rồi ra sức sửa chữa, thì dần dần trở nên những cán bộ tốt. Và tới các cuộc đại hội, quần chúng có quyền hoàn toàn chủ động, bầu người này hay không bầu người này, vào cơ quan lãnh đạo.

Nhưng chúng ta quyết không để cho kẻ nào đả kích vào tổ chức của chính phủ và đoàn thể. Chúng ta phải củng cố tổ chức của chúng ta. Không phải dăm bảy tháng hay một năm chúng ta đã xây dựng được một tổ chức. Hội Văn nghệ Việt Nam, không phải là chúng ta đã mất bao nhiêu công phu mới tập hợp xây dựng được đó sao?

Càng đọc kỹ báo Nhân văn, tôi càng hết sức công phẫn, càng thấy cần vạch trần những luận điệu chia rẽ của báo Nhân văn, tung ra những luận điệu "bè phái thống trị văn nghệ", ăn cánh, nịnh hót, v.v… khiến một số anh chị em cũng ngại không muốn gần gũi lãnh đạo. Đó là một cách phá hoại đoàn kết, chia rẽ giữa văn nghệ sĩ và người lãnh đạo.

Là người thợ và nhà văn, tôi rất hoan nghênh việc làm của anh chị em nhà in Xuân Thu, đã kiên quyết ngăn chặn những nọc độc của báo Nhân văn không cho nó gieo rắc vào đồng bào chúng ta nữa. Không phải đến nay anh chị em mới có thái độ, mà ngay từ số 1 anh chị em đã định không in rồi, tỏ rõ sự nhìn nhận sáng suốt của những người trong giai cấp thợ. Hàng ngàn, hàng vạn anh chị em thợ ở khắp các xí nghiệp, trí thức và văn nghệ sĩ, sinh viên và học sinh, cũng như toàn thể đồng bào, đều hết sức hoan nghênh tinh thần đấu tranh của anh chị em.

Còn về hình thức văn nghệ của báo Nhân văn thế nào? Theo tôi thấy, thì do những quan niệm lệch lạc về trăm hoa đua nở, những cái nhìn một chiều hời hợt, nên những bài viết, dù huênh hoang, cũng rất tầm thường. Bài thơ của Lê Đạt dù ngụy biện đến thế nào đi nữa vẫn bôi đen chế độ: "Bóng những ngày u ám, còn lởn vởn che cuộc đời như gấu ăn giăng", lời văn chán ngán như điệu than buồn của giai cấp thống trị bị lật đổ. Truyện ngắn thì nói bóng nói gió, phóng sự thì xuyên tạc sự thật, gọi là "mới", là "chống công thức", mà chỉ là nhai lại những lối viết lối nhìn cũ rích từ lâu rồi. Nội dung tư tưởng của nó như vậy, giá trị nghệ thuật của nó cũng chẳng có gì hơn.

Có bạn cho tôi biết, mỗi người viết báo Nhân văn, mục đích ý nghĩa khác nhau, nhưng cứ nhìn các bài lớn nhỏ dài ngắn, từ những bài "Cần phải chính quy hơn nữa" đến những bài "Không sợ địch lợi dụng", "Trả lời bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân", các bài trích dịch cắt xén, cho đến các bài nhận xét điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, v.v… thì ta nhận thấy những bài nòng cốt nó quyện với những bài khác, thành cái chất vô chính phủ rất nặng, nó như những vị thuốc có chất độc, nặng nhẹ khác nhau, làm "quân, thần, tá, sử" cho nhau trong một thang thuốc độc, gieo rắc đầu độc nhân dân, lôi kéo nhân dân. Nhưng nhân dân đâu có phải dễ dàng lừa dối được. Những tư tưởng đó định nêu lên thành một "ngọn cờ", nhưng thực chất đó chỉ là những mảnh dẻ rách mướp hôi hám, có dán vào đấy cái khẩu hiệu tự do dân chủ (giả hiệu) thì cái mùi vị vô chính phủ cũng đã sặc sụa lên rồi.

Ấy thế mà có ông còn bảo phong trào của quần chúng chống nọc độc của báo Nhân văn là "giả tạo" hoặc là do "cảm tính" đấy. Nhưng những khẩu hiệu báo Nhân văn nêu lên nào "không sợ địch lợi dụng" để tha hồ nói láo, nào "chống chụp mũ" để lấp liếm ý kiến phê bình của quần chúng, những bài viết, tranh vẽ, khiêu khích và vu cáo đã làm cho quần chúng thấy rõ chân tướng của tờ báo Nhân văn rồi. Các ông bảo cảm tính à? Cảm tính của hàng ngàn hàng vạn công nhân và trí thức, cán bộ và đồng bào, cảm tính mà có suy đi nghĩ lại, phân tích kỹ càng, thì các ông cũng nên dè chừng đối với cảm tính ấy! Nếu các ông cứ giữ luận điệu ấy, là tự lừa dối mình đấy thôi.

Lại có ông la làng là đồng bào phản đối báo Nhân văn như thế này thì phong trào tự do dân chủ xẹp mất, những phần tử quan liêu sẽ trỗi dậy để trả thù. Nhưng ai cũng biết, cái mảnh dẻ rách hôi hám của các ông, không thể là lá cờ tự do dân chủ chân chính được.

Chỉ có giai cấp công nhân (thông qua chính đảng của nó) mới có thể dẫn đầu một phong trào tự do dân chủ chân chính, phong trào có tổ chức, có lãnh đạo, tự do dân chủ nhưng mọi người có ý thức tự giác rất cao, đối với tổ chức của giai cấp công nhân, của nhân dân mình. Thì tự do ấy, chính chúng ta cũng đang được hưởng, như: nhân dân thủ đô đã được làm chủ Hà Nội, người thợ của chính phủ đã được làm chủ xí nghiệp, người nông dân đã được làm chủ nông thôn. Người thợ mỏ không còn chịu cảnh đánh đập cúp phạt, văn nghệ sĩ tự do dùng ngòi bút của mình để phục vụ nhân dân, quan hệ bóc lột đế quốc phong kiến bị thủ tiêu. Đấy chính là quyền tự do dân chủ căn bản nhất.

Cuối cùng tôi muốn nói thêm về vấn đề cảnh giác. Báo Nhân văn đả kích rất nhiều về đề cao cảnh giác. Số 5 báo ấy vẽ người soi gương, cho bóng mình là địch, để hòng làm mọi người tê liệt cảnh giác. Nhưng chúng ta không sa vào luận điệu ấy, giai cấp công nhân và toàn thể đồng bào ta luôn luôn tỉnh táo, kịp thời vạch trần và đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại của địch. Chúng ta luôn luôn sáng suốt trên lĩnh vực công tác tư tưởng, sẵn sàng vạch trần những hành động buôn lậu tư tưởng hủ bại, ngụy trang bằng nhiều hình thức tinh xảo. Những người mắc sai lầm đó cần phải thay đổi thái độ. Nếu không thì dù là tờ Nhân văn hay tờ Nhân đức, ký tên là Người quan sát hay Người trung hậu mà nội dung chống lại nhân dân chống lại chế độ, thì cũng bị vạch trần.

Ngày 18-12-1956
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hà Ná»™i, s. 153 (27.12.1956), tr. 5. Lại Nguyên Ân sÆ°u tầm và biên soạn.