trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
20.10.2008
 
Những đứa con của thiên đường
La Thành dịch
 
[1]

Tổ chức phi chính phủ đang phát triển nhanh nhất trong lòng Trung Quốc

Triệu Tiêu, một cựu viên chức của Đảng Cộng sản đã cải đạo sang Thiên Chúa giáo, tươi cười bên tách trà. Ông cho rằng ở Trung Quốc đang có đến 130 triệu tín đồ đạo Thiên Chúa. Con số này lớn hơn nhiều so với những đánh giá trước đây. Chính phủ thì đưa ra con số 21 triệu – gồm 16 triệu tín đồ Kháng Cách giáo [2] , 5 triệu theo Công giáo. Những con số không chính thức, mà một trong số đó được cung cấp bởi Trung tâm Nghiên cứu Ki-tô giáo Toàn cầu (Centre for the Study of Global Christianity) ở Massachusetts, thì cho ước tính khoảng 70 triệu. Song tiên sinh họ Triệu không đơn độc trong đánh giá của mình. Một khảo cứu về Trung Quốc của PEW FORUM về Tôn giáo và Đời sống Cộng đồng, một cơ quan tư vấn chính sách ở Hoa Kỳ, cho biết những cứ liệu khảo sát gián tiếp gợi ra rằng nhiều Ki-tô hữu không liên kết (= không gia nhập các nhà thờ) đã không được tính vào những đánh giá chính thức. Còn theo một nhóm vận động hậu trường đóng hội sở tại Texas có tên là Hội Cứu tế Trung Quốc (China Aid Association – CAA), thì vị quan chức là giám đốc cơ quan chính phủ đảm trách việc giám sát mọi tôn giáo ở Trung Quốc đã tiết lộ rằng vào đầu năm 2008, con số sát thực tế đã là 130 triệu.

Nếu vậy, Trung Quốc đang có số lượng tín đồ Thiên Chúa giáo nhiều hơn số đảng viên cộng sản (74 triệu), và có lẽ ở Trung Quốc đang có nhiều người theo đạo Chúa hơn ở bất cứ quốc gia nào. Vào năm 1949, khi những người cộng sản chấp chính, [mới chỉ có] dưới 1 phần trăm dân số từng chịu lễ rửa tội (baptism), hầu hết trong số họ là người Công giáo. Giờ đây, số giáo hữu Ki-tô lớn nhất và gia tăng nhanh nhất đang thuộc về các “thánh thất tại gia” Kháng Cách giáo.

Ở một khu ngoại ô của Thượng Hải, qua khỏi đại lộ Hải Ninh, các lân gia đang cảnh giác nhìn sang một hàng hiên dẫn tới một gian phòng, nơi những vị khách đang lần lượt đi vào; lượng người dừng ở con số 25 – sự tụ tập tối đa không cần phải xin phép theo luật định. Bên trong, các giảng huấn viên trẻ người nội thành ngồi trên những chiếc xô-pha và ghế bành bọc giả da. Một thiếu phụ mặc chiếc áo phông in hình Che Guevara đang làm cử chỉ ban phúc cho nhóm người, còn một người đàn ông thì đang chiếu từ chiếc laptop của anh ta lên tường một tài liệu được tải xuống từ Internet. Những mái đầu quay về phía màn ảnh và đồng thanh hát: “Vinh quang... Vinh quang... Vinh quang... Thiêng liêng... Thiêng liêng... Thiêng liêng... Chúa đang ở kề bên mỗi chúng con...” Đó là một buổi sáng Chủ nhật, và những cuộc hành lễ đang được bắt đầu bên trong hàng nghìn ngôi “thánh thất tại gia” trên khắp nước Trung Hoa.

Những “nhà thờ tại gia” là những giáo đoàn nhỏ, tụ tập để hành lễ một cách bí mật – thường trong các căn hộ – nhằm tránh sự dòm ngó của Đảng Cộng sản. Từ thập niên 1950, các nhà thờ Công giáo và Kháng Cách giáo chủ yếu [ở Trung Quốc] đã được chuyển thành những chi nhánh của một cơ quan hành chính chuyên trách về các tôn giáo. Các nhà thờ tại gia [hiện đang] có thân phận không rõ ràng: chẳng bị cấm đoán, song cũng không hoàn toàn được chấp thuận. Các nhà thờ tại gia Kháng Cách – trong nỗ lực nhu hoà tránh đối đầu và giữ quy mô nhỏ (thường dưới 25 người) – đang được hưởng sự khoan thứ nhiều nhất, một cách miễn cưỡng (về phía chính quyền). Các nhóm Công giáo [tại gia] thì bị xăm soi chặt chẽ hơn, phản ánh mối quan hệ căng thẳng giữa [chính quyền] Trung Quốc với Vatican.

Sự tụ tập bí mật tại gia của các tín đồ đã từng là nét đặc trưng của giáo hội Ki-tô thời sơ sử, khi mà họ thường xuyên phải tìm kế trốn tránh sự ruồng bố của nhà cầm quyền Đế quốc La Mã. Điều nghịch lý là việc cố ý giữ các giáo đoàn ở quy mô nhỏ đã giúp quảng bá tín ngưỡng. Diễn biến này giờ đây đang lặp lại ở Trung Quốc. Đảng Cộng sản, ưu phiền bởi một ý thức hệ cạnh tranh, đang đứng trước một lựa chọn khó khăn: việc kìm giữ các thánh thất tại gia ở quy mô nhỏ sẽ đảm bảo cho không một giáo đoàn nào đủ lớn mạnh để đe doạ ban lãnh đạo Đảng ở địa phương, song phải trả giá bằng việc số lượng các thánh thất đang gia tăng nhanh chóng.

Ngôi nhà thờ ở Thượng Hải vừa mới được hai năm tuổi song đã có hai con đẻ: một dành cho công nhân trong các công ty đa quốc gia, cái kia dành cho các lao động di cư [3] . Cùng với sự quảng bá của Lời [4] , sự nhân lên nhanh chóng của các thánh thất đã cung cấp một phương tiện chống lại các mối đe doạ. Vào năm ngoái, một mục sư đã nói với Far Eastern Economic Review rằng khi người đứng đầu một nhà thờ bị bắt, “giáo đoàn sẽ lập tức chia tách thành năm, sáu hoặc thậm chí mười thánh thất tại gia mới.”

Sự hình thành các “nhà thờ” một cách tràn lan vừa là phúc, vừa là hoạ đối với phong trào thánh thất tại gia. Tiên sinh họ Triệu có vẻ mặt luôn tươi cười cho rằng tài chính không phải là vấn đề. “Chúng tôi không phải trả lương hoặc xây nhà thờ.” Song “chất lượng quản lý” thì khó lòng bảo đảm. Các thánh thất tại gia có thể tổ chức giảng thánh kinh hoặc tải xuống các bản thánh ca từ Internet, song lại không dễ có được những mục sư giàu kinh nghiệm. “Ở Trung Quốc, một Ki-tô hữu hai tuổi đạo thì giảng dạy cho các giáo hữu một tuổi,” một mục sư cho hay.

Do chỗ hầu hết các nhà thờ tại gia Kháng Cách là phi giáo phái (không liên kết với các giáo lý như Lutheranism [Tin Lành], Methodism [Giám Lý], v.v...), họ cũng không có những nghi thức lễ bái hay tập tục xác định. Mục vụ của họ giống như các buổi học Kinh Thánh. Điều này chất một gánh nặng lên vai các mục sư. Một vị mục sư thuộc giáo đoàn Thượng Hải từng thăm viếng nhiều nhà thờ tại gia đã thở dài ngao ngán rằng: “Vị cha này biết anh ta đang nói gì...”

Tuy nhiên, những khó nhọc “tuổi mọc răng” của các nhà thờ là chuyện nhỏ so với sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng các Ki-tô hữu. Sau cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989, nhiều nhà dân chủ vỡ mộng đã theo Thiên Chúa giáo: sáu trong số khoảng ba chục nhà lãnh đạo sinh viên đã trở thành các Ki-tô hữu. Các thánh thất tại gia mới ở Trung Quốc đang ngập tràn nhiệt huyết của những người cải đạo: nhiều giáo hữu đến mang theo cả gia đình và đồng nghiệp của họ. Một nho sĩ Trung Hoa nói trong nụ cười buồn bã rằng hầu hết các nữ sinh xinh đẹp ở các trường đại học đã thành giáo dân Thiên Chúa, và chỉ hẹn hò với những Ki-tô hữu khác.


Thánh thiện hơn và thời thượng hơn

Đạo Thiên Chúa cũng đang theo chân những người Hoa xuất dương. Nhiều con chiên của Chúa đã từng theo học ở Hoa Kỳ, cải đạo ở đó rồi mang theo tín ngưỡng mới về nước. Như lời tiên sinh họ Triệu, vài người trong giáo đoàn thánh thất tại gia ở Thượng Hải từng tu nghiệp ở nước ngoài. Một nhà văn ở Bắc Kinh đã cải theo Thiên Chúa giáo cho biết, trước năm 2000, hầu hết tín đồ đều ở thôn quê. Từ sau năm 2000 họ mang tín ngưỡng của mình vào các đô thị, quảng bá đạo Chúa trong giới trí thức.

Toàn bộ điều này đang đưa đến một cái gì đó mà ít nhất, có thể khiến người châu Âu phải ngạc nhiên. Ở nhiều thánh địa xưa kia của đạo Ki-tô, tôn giáo gắn bó với những truyền thống và điển lễ. Ở Trung Quốc, nó [lại] đang liên kết với tính hiện đại, doanh thương và khoa học. “Chúng tôi là những giáo hữu Ki-tô thế hệ đầu tiên và những doanh nhân thế hệ đầu tiên,” lời một mục sư [Kháng Cách] của một thánh thất tại gia. Trong một bài báo từng gây nhiều tranh cãi hồi năm 2006, Triệu tiên sinh đã viết rằng “nền kinh tế thị trường đang đẩy lùi sự vô công rỗi nghề, song lại không thể can ngăn chúng nhân khỏi thói dối trá và làm tàng. Một tín ngưỡng mạnh mẽ sẽ giúp ngăn cản sự thiếu trung thực và xâm hại.” Trong mắt ông, đạo Ki-tô và kinh tế thị trường đang nắm tay nhau song hành.

Lâu nay, đối với cá nhân các tín đồ, sự quảng bá Ki-tô giáo chủ yếu là một công việc riêng tư. Câu hỏi lớn nhất [giờ đây] là liệu nó còn tiếp tục riêng tư được nữa hay không. Mức độ phát triển và số lượng môn đồ của nó đang gợi ý câu trả lời ‘không’. Song vào lúc này, cả các giáo hữu Ki-tô lẫn những người cộng sản đều tỏ ra sẵn lòng để cho tình trạng nhập nhằng kia được nấn ná thêm một thời gian.

“Các giáo hữu Ki-tô sẵn sàng chung sống cùng hệ thống,” tiên sinh họ Triệu thổ lộ. “Thiên Chúa giáo cũng là nền móng cho tư cách công dân tốt ở Trung Quốc.” Hầu hết giáo dân đều nói rằng họ không phải là một tổ chức chính trị và không chủ trương thách thức Đảng Cộng sản. Song họ cũng cho thấy sự đụng độ với chính sách công là không tránh khỏi; để thí dụ: không một giáo dân nào chấp nhận chính sách một con.

Một cách chính thức, Đảng Cộng sản nghiêm cấm các đảng viên giữ niềm tin tôn giáo, còn các nhà thờ thì cho biết họ [thường xuyên] chịu sự quấy rầy của chính quyền. Vị chủ tịch của hiệp hội các nhà thờ tại gia ở Bắc Kinh, ông Trương Minh Tuyền, đã bị trục xuất khỏi thủ đô trước Thế vận hội và được thông báo rằng sự quay trở lại của ông sẽ không được hoan nghênh. Hồi đầu tháng Sáu, chính quyền tỉnh Hà Nam đã bắt giữ nửa tá thành viên các thánh thất tại gia với lời buộc tội rằng họ đã chuyển một cách bất hợp pháp những khoản quyên góp thiện nguyện tới các nạn nhân động đất ở Tứ Xuyên. CAA cáo giác rằng sự cản phá [hoạt động của] các nhà thờ tại gia đang gia tăng.

Trên thực tế, thái độ của nhà cầm quyền tỏ ra là nước đôi. Hồi tháng Mười Hai năm 2007, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã chủ trì một cuộc gặp với các nhà lãnh đạo tôn giáo và nói với họ rằng “tri thức của giáo dân cần phải được khai dụng để xây dựng một xã hội phồn vinh.” Sự thật thì giáo dân Thiên Chúa và những người cộng sản đang vờn nhau trong ánh mắt cảnh giác. Song khó mà tránh khỏi kết luận rằng một ngày nào đó, Thiên Chúa giáo sẽ có một ảnh hưởng chính trị. “Nếu muốn biết nước Trung Hoa sẽ ra sao trong tương lai, hãy soi xét tương lai của Thiên Chúa giáo ở Trung Quốc,” Triệu tiên sinh nhận định.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Nhan đề của nguyên bản – “Sons of heaven” – là một sự chơi chữ: “Son [of God]” (Chúa Con) cũng là danh xưng mà các Ki-tô hữu dùng để gọi Jesus Christ, nhất là khi ông được tham chiếu đến ngôi thứ hai trong khái niệm “Ba Ngôi” (Trinity). (Các chú thích là của người dịch.)
[2]Trên hiện trường tiếng Việt, “Kháng Cách giáo” (Protestantism) thường được gọi là “đạo Tin Lành”, trong khi thực ra, Tin Lành (Lutheranism) chỉ là một trong những hệ phái của Kháng Cách giáo. Rất có thể, điều này phản ánh một thực tế rằng Lutheranism lâu nay đang là hệ phái Kháng Cách duy nhất tồn tại và phát triển ở Việt Nam.
[3]“lao động di cư” (migrant labourers): người lao động có gốc gác nông dân, từ nông thôn tràn vào các đô thị kiếm sống. Ở các thành phố duyên hải Trung Quốc hiện nay, số lượng tổng cộng các lao động loại này rất lớn, chừng 200–300 triệu người. Trong tiếng Trung Quốc, họ được gọi là các “di-cư lao-công” hoặc “nông-công-nhân”.
[4]Lời (Word, viết hoa): một cách gọi khác của Kinh Thánh.
Nguồn: “Christianity in China: Sons of heaven”, The Economist (print edition), Oct 2nd, 2008