Tháng Mười Một 1982 tôi tham gia bầu cử Mỹ lần đầu tiên. Năm đó không có bầu tổng thống, nhưng ở bang California có bầu chọn thống đốc. Cuộc tranh cử diễn ra gay go và sôi động giữa Thị trưởng Los Angeles là Tom Bradley, người da đen và Bộ trưởng Tư pháp Tiểu bang George Deukmejian, người da trắng mà ảnh hưởng cuả nó có thể lây lan qua kết quả bầu cử tổng thống kì này, gọi là “Bradley Effect” - Hiệu ứng Bradley - tức là ảnh hưởng bởi mầu da.
1. Kinh tế và bầu cử tổng thống Hai năm trước đó tôi có cơ hội quan sát cử tri Mỹ bầu tổng thống.
Năm 1980, qua bốn năm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Jimmy Carter hình ảnh nước Mỹ trên bàn cờ quốc tế chỉ như con hổ giấy. Sau Nam Việt Nam, phe mác-xít còn lên nắm quyền tại nhiều nơi khác như Angola, Nicaragua và Afghanistan. Để phản đối Liên Xô xâm lăng Afghanistan, Tổng thống Carter kêu gọi tẩy chay Olympic Moskva 1980. Cũng trong bốn năm dưới thời Carter, Lực lượng Cách mạng Hồi giáo Iran đã tấn công sứ quán Mỹ, bắt 52 nhân viên sứ quán làm con tin, đẩy Hoa Kỳ vào tình trạng khủng hoảng kéo dài. Tổng thống Carter đã ra lệnh giải cứu bằng quân sự nhưng thất bại.
Lúc đó nội tình nước Mỹ còn bị thiếu xăng dầu. Có một thời gian người dân đã phải xếp hàng đổ xăng theo ngày chẵn lẻ dựa trên bảng số xe. Kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái, lãi suất tín dụng tăng cao. Người dân phải thắt lưng buộc bụng.
Trong cuộc bầu cử tháng 11.1980 Đảng Cộng hoà tiến cử Ronald Reagan, cựu tài tử, cựu thống đốc bang California và là người có khuynh hướng bảo thủ, chống cộng. Có dư luận e ngại nếu Reagan lên làm tổng thống, Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự ở nước ngoài nhiều hơn và có thể xảy ra chiến tranh nguyên tử.
Các thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy hai ứng viên Jimmy Carter và Ronald Reagan được cử tri ủng hộ ngang nhau. Nhưng kết quả thật ngạc nhiên. Mới hơn 5 giờ chiều ngày bầu cử ở California, trong khi phòng phiếu còn mở cửa đến 8 giờ tối, các đài truyền hình đã đưa tin Reagan thắng lớn dựa vào kết quả thăm dò những người đã đi bỏ phiếu. Sau khi đếm phiếu, Ronald Reagan đại thắng với 44 triệu phiếu bầu và 489 phiếu cử tri đoàn, Jimmy Carter chỉ được 35.5 triệu và 49 phiếu cử tri đoàn.
Kinh tế suy thoái và yếu đối ngoại là lí do để cử tri Mỹ không tín nhiệm Tổng thống Jimmy Carter thêm một nhiệm kì nữa.
Năm 1992 có cuộc chạy đua giữa Tổng thống đương nhiệm George H.W. Bush (cha) và Thống đốc Bill Clinton. Trong hai năm đầu của nhiệm kì, uy tín Bush lên cao với quyết định đem quân Mỹ qua giải phóng Kuwait khỏi chiếm đóng của Iraq. Cuộc điều binh lớn nhất của quân đội Mỹ kể từ sau cuộc chiến Việt Nam đã đạt được mục tiêu: đánh đuổi quân Iraq và giải phóng Kuwait trong vài ngày.
Nhưng hơn một năm sau đó hào quang chiến thắng quân sự gắn liền với Bush đã biến mất khi kinh tế Mỹ trở nên trì trệ. Tháng 11 năm 1992, 45 triệu cử tri Mỹ đã chọn Clinton, so với 39 triệu chọn Bush.
2. Quan tâm của cử tri năm 2008 |
Một phụ nữ vận động cho Obama-Biden trên phố San Francisco (ảnh Bùi Văn Phú) |
Năm nay bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra khi Hoa Kỳ đang trong tình trạng khủng hoảng kinh tế và yếu đối ngoại. Hình ảnh nước Mỹ trên chính trường quốc tế lúc này không lấy gì được đẹp, nhất là sau khi Tổng thống George W. Bush (Con) ra lệnh đem quân vào Iraq lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003 và chiếm đóng đất nước này từ đó đến nay.
Nhưng hiện thời quan tâm hàng đầu của cử tri là khủng hoảng kinh tế và tín dụng kéo dài đã một năm qua mà chưa thấy ánh sáng hy vọng. Hai Thượng nghị sĩ John McCain và Barack Obama đang chạy nước rút xem ai sẽ tới đích Bạch Cung trong cuộc vận động mang nhiều tính lịch sử này.
|
Phần lớn cư dân San Francisco ủng hộ Đảng Dân chủ nhưng cũng có người ủng hộ McCain-Palin (ảnh Bùi Văn Phú) |
Nước Mỹ cần có hướng đi mới. Câu nói này chính ra phải phát ra từ miệng ứng viên Dân chủ Barack Obama, nhưng đó lại là phát biểu của ứng viên Cộng hoà John McCain trong phần kết thúc cuộc tranh luận sau cùng trên truyền hình vào tối ngày 15/10 vừa qua.
Theo các thăm dò dư luận gần nhất, ba phần tư dân tin rằng Hoa Kỳ đang đi trật hướng. Đảng Cộng hoà đã trật đường mà ứng viên McCain lại tuyên bố cần hướng đi mới thì khó tin được. Cử tri Mỹ đã ra dấu họ muốn thay đổi thực sự và đa số ủng hộ ứng viên Dân chủ Barack Obama. Các tiên đoán đưa ra là Obama sẽ thắng với ít nhất 300 trong tổng số 538 phiếu cử tri đoàn.
3. Yếu tố mầu da Nhưng giới theo dõi thời cuộc cũng e ngại yếu tố mầu da có thể làm đảo ngược kết quả, mà trong quá khứ được gọi là “Bradley Effect” - Hiệu ứng Bradley - tức là ảnh hưởng vì mầu da của ứng viên.
Năm 1982, trong cuộc tranh chức thống đốc bang California có thị trưởng Tom Bradley là một ứng viên da đen sáng giá. Ông đã được bầu làm Thị trưởng Los Angeles hai nhiệm kì. Những thăm dò dư luận trước và cả trong ngày bầu cử đều tiên đoán Bradley thắng. Kết quả ông thua ứng viên George Deukmejian khoảng 100 nghìn trong tổng số 7.5 triệu phiếu bầu.
Phân tích và đối chiếu các thăm dò, một bài học được rút ra là đã có nhiều cử tri nói một đàng làm một nẻo, từ trước ngày bỏ phiếu và ngay cả trong “Exit poll”, là thăm dò thực hiện với những cử tri vừa rời điạ điểm bỏ phiếu, nên truyền thông đã có những tiên đoán sai lạc.
Trong kì bầu cử tổng thống năm 1980 cũng có những tiên đoán không chính xác. Các thăm dò dư luận trước ngày bầu cử cho thấy Carter và Reagan ngang nhau. Nhưng kết quả sau cùng là một chiến thắng đất lở của Reagan. Các phân tích đưa ra hai lí do cho những sai lầm này. Thứ nhất, có đông cử tri quyết định vào phút chót. Hai là có những người được thăm dò không thích giới truyền thông nên đã không trung thực trong câu trả lời.
4. Độ chính xác của thăm dò ý kiến |
Nếu cử tri không có những thay đổi vào phút chót, Barack Obama sẽ trở thành tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ. |
Tôi có kinh nghiệm nhiều năm dạy môn xác suất thống kê và đã chú ý đến những thăm dò bầu cử ở Mỹ gần ba mươi năm qua nên tin vào sự chính xác ở mức 95% của những kết quả tiên đoán. Những thăm dò liên quan đến vật thể qua cách chọn lựa ngẫu nhiên các tập hợp mẫu sao cho phản ánh tổng thể thì kết quả rất chính xác.
Nhưng với cử tri, nhất là trong cuộc bầu cử mang tính lịch sử năm nay vì có ứng viên da đen thì tâm lí thay đổi từng ngày trong cách suy nghĩ và lựa chọn. Tuy nhiên những tổ chức thăm dò đã quan tâm đến mầu da và có những câu hỏi để kết quả phản ánh đúng dư luận quần chúng.
Khảo sát kết quả thăm dò dư luận toàn quốc và tại từng bang vài ngày trước bầu cử của
Newsweek, CNN,
New York Times và usaelectionpolls.com, tôi tin Barack Obama sẽ trở thành tổng thống Hoa Kỳ, với độ ngờ chỉ 5%.
Nếu kết quả bầu chọn ngày 4 tháng 11 trái ngược với những thăm dò dư luận, một bài học lại có thể rút ra là “Hiệu ứng Bradley” đã ảnh hưởng đến kết quả như trong kì bầu thống đốc California năm 1982. Nghĩa là: cử tri Mỹ khi bầu chọn, mầu da là một yếu tố. Họ không nói thật khi được hỏi ý kiến mà thôi.
© 2008 talawas