trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
16.6.2004
Patrick Raszelenberg
Buồn rồi lại còn cười ?
 
Việc dựng tường lửa chặn trang talawas vào thời điểm này vừa kém hữu hiệu vừa không đủ cân nhắc. Ngoài ra, thời điểm và cách xử lý đã được lựa chọn một cách không thích hợp. Xin phép nói chi tiết hơn về ba điểm này:


1.

Kém hữu hiệu ở hai điểm: Một mặt, người ta vẫn tìm được cách truy cập trang này và số lượng những người ngày càng hiểu rõ hơn về mạng để tự tìm cách truy cập đang tăng lên không ngừng. Một trong những chân lý hiển nhiên cổ xưa nhất của nhân loại là có thách thức mới có tiến bộ, tức có khó khăn phải vượt qua mới đi tìm đường lối cụ thể, phương pháp giải quyết nó. Mặt khác, biến một diễn đàn vô hại thành huyền thoại dẫn đến tình trạng nó có thể trở thành nguy hiểm, đơn thuần vì bị cấm. Mặc dầu nó vẫn vô hại, nhưng bị cấm thì ắt phải nguy hiểm, vì nếu không thì chẳng có lý do nào để ngăn chặn nó. Như vậy, xác định rằng talawas xứng đáng bị tường lửa đã vô tình xếp nó vào loại nguy hiểm, và như thế, phương pháp giải quyết tự ngáng chân mình này mới làm nảy sinh lắm vấn đề.


2.

Không đủ cân nhắc, vì talawas rất khó có thể được người tỉnh táo nào coi là đối đầu bởi nó hoàn toàn trung lập. Có điều là sự trung lập đó tạo điều kiện cho một chất lượng cao: không có trò cực đoan nào về mọi phương diện, nhất là chính trị. Tuy nhiên talawas không cho phép diễn đàn này thành bãi cỏ vui chơi cho những quan điểm lố bịch, những lập luận hời hợt, ấu trĩ và cục bộ. Chính điều đó khó chấp nhận đối với vài người: họ bỗng thấy phải tự bảo vệ cho những lời nói sáo rỗng, những chân lý mà bản thân họ không dám nghi vấn. Hơn nữa, tự bảo vệ trước giới độc giả talawas mà phần lớn là những người hiểu khá sâu sắc về các lĩnh vực của họ, không phải là chuyện dễ như viết bài cẩu thả cho những tờ báo rẻ tiền.

talawas luôn sẵn sàng dành chỗ cho các ý kiến khác nhau. Mỗi tác giả có bài trên diễn đàn này có khuynh hướng riêng của mình và phải tự chịu trách nhiệm về nội dung, quan điểm của bài (hay kể cả thư độc giả).

Như vậy việc cấm diễn đàn này trong khi không thể thật sự cấm được nó một cách hữu hiệu – vì như đã nói, ai hiểu chút ít về mạng vẫn vào được thoải mái - có phần khó hiểu. Chính vì thế bản thân tôi nghĩ rằng talawas bị cấm không phải là do cơ quan chính trị nào. Việt Nam đang giữa đường hiện đại hóa đất nước và giới chính trị không hạ cố bận tâm về những việc vụn vặt so với các thách thức lớn hơn nhiều. Ngoài ra, hiện đại hóa không phải là hiện đại hóa chỉ riêng về mặt vật chất, bỏ mặc mặt trí thức. Muốn hiện đại hóa phải hiện đại hóa một cách toàn diện. Nếu không, đó sẽ là hiện đại hóa mà không có hiện đại.

Đi tìm hiểu những lý do cho sự kiện này, tôi phải nghĩ đến thư độc giả của Đỗ Kh. ngày 20 tháng 12 năm ngoái, trong đó ông viết về hiện tượng «có tranh không có luận». Gần đây, Hoằng Danh cũng ám chỉ tới «những người xúc xiểm nào đó» và đoán rằng vụ này xuất phát từ sự cạnh tranh gián tiếp giữa talawas và các cơ quan văn hóa trong nước. Khả năng đó luôn phải tính đến. Cơ quan nào được hưởng độc quyền về một lĩnh vực, gặp biến cố phải cạnh tranh bằng sức của trí tuệ để giữ địa vị cao sang và uy tín của mình, làm thế nào mà không kêu rằng chỉ thua khi giặc bước qua xác tôi. Giặc thì không có rồi, nhưng cứ kêu như chim sẻ bị mèo săn. talawas không cạnh tranh, đọ sức với cơ quan nào. Có một loại cạnh tranh với các diễn đàn cùng loại, tức lành mạnh và thiện chí. Nhưng đó là sự cạnh tranh bổ ích bằng tinh thần làm giàu kiến thức lẫn nhau. Có vẻ như một số người quan niệm rằng talawas hoạt động như học trò của ông Tú Cát. Thế nhầm rồi. Ngoài ra, cả ông Tú Cát cũng không diệt trừ con bọ hung bằng bom nguyên tử.

Trong phỏng vấn với báo Văn Nghệ gần đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông Tin Đỗ Quý Doãn đã xác định: “Ví dụ như Talawas từ Đức thì làm sao chúng ta có thể ngăn chặn được. Chúng ta chỉ có thể cung cấp thông tin và đưa ra quan điểm đúng đắn của mình để những người truy cập nhận ra đúng sai mà thôi“. Đối với tôi, câu này nghe hoàn toàn hợp lý trừ một chi tiết là „quan điểm đúng đắn của mình“. Nói như thế mang ngụ ý rằng quan điểm mình luôn luôn đúng đắn, và như thế đã là không đúng vì quan điểm nào cũng có thể thay đổi và không cá nhân, cơ quan nào có thể lập luận rằng mình là trại sản xuất sự thật một cách ngẫu nhiên. Rốt cuộc thì cái đầu của con người không vuông mà tròn, chính là để tư duy dễ xoay vòng.

Chính khuynh hướng «luôn luôn đúng đắn» của các cơ quan nhà nước đã thay đổi bao nhiều lần trong những thập niên vừa qua. Quan điểm văn hóa của các thể chế nhà nước không phải lúc nào cũng thống nhất và những ý chí, những phương pháp xử lý sự cạnh tranh cũng chẳng phải là không hề lay chuyển.


3.

Không thích hợp, vì đã muốn ngăn chặn talawas một cách hiệu quả, phải dựng tường lửa sớm hơn nhiều. Nguyên nhân chính khiến tôi nghĩ quyết định phản-ta-la-was này không xuất phát từ một cơ quan chính trị là sự chậm trễ này. Nhìn từ góc độ chính trị, một quyết định muộn màng như thế vừa không chuyên nghiệp vừa thiếu ý thức. (Đợi đến lúc talawas được mọi người biết đến và có ảnh hưởng thì việc ngăn chặn nó kéo theo nhiều hậu quả hơn việc vô hiệu hóa nó kịp thời từ trước.) Như vậy, sự tính toán của Hoằng Danh rằng vụ này do một cơ quan văn hóa nào khởi xướng có lẽ cũng hợp lý – nhưng thật buồn và buồn cười: talawas có vẻ như đang khiến cho một số người phải lúng túng trước sự thách thức rằng nó không có đường lối, xu hướng nào ngoài sự trung lập. Tất nhiên chẳng ai có thể tuyệt đối vừa lòng với bất cứ một diễn đàn, tạp chí nào. Người không ưa điểm này, người dị ứng điểm kia. Nhưng xích mích với hàng xóm mà phải kéo nhau ra toà, khăng khăng tranh phần thắng, thay vì rộng lòng bỏ qua cho nhau để cùng chung sống, thì thật là lố bịch. Trong những cuộc cãi vã ngớ ngẩn như thế không thể có kẻ thắng. Điều quan trọng nhất nên rút ra từ những xung đột như vậy là thậm chí đừng nên tính đến chuyện tranh thắng, vì kết cục chắc chắn là người ta chẳng được cái gì.

*


Sự kiện này đã làm xuất phát một hiện tượng mới: Giới trí thức không còn khoanh tay đứng nhìn. Hàng loạt người đã lên án sự ngăn chặn này. Độc giả nào đã theo dõi talawas đủ lâu cũng biết rằng, trong số này có người đã từng là đối tượng phê phán của những tranh luận thẳng thắn trong quá khứ, nhưng họ hiểu rằng tranh luận trên diễn đàn này luôn diễn ra trong tinh thần công khai, và việc ai thuyết phục ai là tại lý trí chứ không phải do vị trí, vì cuối cùng độc giả sẽ tự nhận ra – mà không cần hướng dẫn- ai là người có lý lẽ chính đáng.

Dầu sao, bị ngăn chặn thì bao giờ cũng nên tự trách mình trước, thay vì đề cao lòng tự ái để che lấp đi sự thất bại của mình. Như vậy, đây cũng là dịp để talawas phải xem kỹ, mình có thực sự giữ thái độ trung lập, có thật bảo đảm cho chất lượng cao, hay đã phạm phải những khuyết điểm không ngờ? Như nhiều người khác, tôi cũng suy diễn về điều đó. Tuần trước Tưởng Bình Minh cho rằng „thực ra tôi cũng khá ngại khi nhận thấy sự ủng hộ của mình đối với quyết định chặn talawas là khá đơn độc“. Ngại thì không nên, vì quyết định này chắc cũng có lý do của nó. Nhưng thông cảm lại là chuyện khác. Tôi hy vọng người ta đủ dũng cảm để thừa nhận sự vội vã của mình và hủy bỏ quyết định này, một quyết định mà Dương Tường và Nguyên Ngọc gọi là „hạ sách“ và Trần Ngọc Vương cho rằng nó „đáng xấu hổ“. Ba tác giả này không chỉ phát biểu ý kiến riêng của mình mà nói cho nhiều người khác nữa - độc giả talawas, giới trí thức ở trong và ngoài nước, và chắc cũng cho một phần đáng kể của quan chức, viên chức đang tự hỏi, vì sao có thể có một quyết định mang tính cổ hủ, lỗi thời như thế?

© 2004 talawas