trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
26.2.2005
Ðỗ Minh Tuấn
Từ sự thắng thế của phim nội địa Tết Ất Dậu: Quả bóng vẫn trong chân các chủ rạp và các nhà quản lý
 
Doanh thu chiếu phim Việt Nam Tết Ất Dậu đã đem đến nhiều niềm vui cho những ai quan tâm tới điện ảnh nước nhà. Sự biến mất của các-ông chủ-phim-ngoại đã diễn ra thật ngoạn mục, y như tượng Thần Tự do đột ngột biến mất trong trò ảo thuật cuả David Copperfield, khiến những người bi quan với số phận điện ảnh nước nhà không khỏi hoài nghi. Trong một thị trường thiếu ổn định, đôi lúc bốc đồng như thị trường thể thao văn hoá Việt Nam, thì những con số về doanh thu chiếu bóng chưa thể là bằng chứng hùng hồn về thể thượng phong của điện ảnh nội địa trong tương lai. Nhưng ít ra cũng phải thấy những bước tiến đáng ghi nhận qua trận thắng lớn của phim nội vừa qua, đó là sự khẳng định đẳng cấp mới của dòng phim giải trí Việt Nam, sự hướng tới phim nội của các chủ rạp và sự dấn thân khẳng định dòng phim tư nhân của các nhà quản lý. Vấn đề đặt ra là đừng để thắng lợi về doanh thu này trở thành đám hoả mù che khuất những vấn đề cốt tử của điện ảnh Việt Nam hôm nay, che khuất các trách nhiệm văn hoá của những người quản lý.


Một chùm phim giải trí sâu sắc

Nếu như trước đây phim Những cô gái chân dài còn để lộ nhiều cảnh cóp nhặt từ phim nước ngoài, mà người ta có thể chỉ ra địa chỉ nguyên gốc, thì các phim Khi đàn ông có bầu, Nữ tướng cướp, Lấy vợ Sài Gòn thể hiện rõ tính sáng tạo độc lập tự tin của các nghệ sĩ Việt Nam với sự "chịu chơi" của các nhà sản xuất, tạo điều kiện cho đạo diễn sáng tạo và thể nghiệm. Tuy bị định kiến là những phim giải trí thuần tuý, không có tư tưởng, nhưng thực ra các bộ phim Khi đàn ông có bầu, Nữ tướng cướp và Lấy vợ Sài Gòn có cái sâu sắc riêng của cả một chùm phim. Cả ba phim gợi cho ta suy nghĩ về sự đổi ngôi của tạo hoá trong thời buổi hôm nay. Người nữ giờ đây đã vượt khỏi tư cách trò chơi của đàn ông trong các phim Gái nhảy, Lọ lem hè phố, Những cô gái chân dài để trở nên cường thịnh, không đơn giản chỉ là "Âm thịnh dương suy" theo nghĩa thời vận, mà còn là sự nỗ lực chủ động vượt lên hoàn cảnh, giành giật lấy hạnh phúc, tình yêu, giữ thế thẩm định tư cách người đàn ông và bắt người đàn ông phải san sẻ cái gánh nặng truyền kiếp của giới tính. Còn giới đàn ông vốn có sứ mạng gieo giống cho thiên hạ, có lúc huênh hoang về sứ mệnh của mình thì bây giờ lại cam chịu số phận nuôi giống của kẻ khác truyền vào như một thứ thuộc địa sinh tồn. Có thể nói đó là chùm phim sâu sắc về tư tưởng, bám sát tình cảnh cuộc sống hôm nay, gần gũi với mối quan tâm của người xem.


Thiện chí đặc biệt giành cho phim tư nhân

Không thể không nói đến thái độ dấn thân của các nhà quản lý chỉ đạo tư tưởng và văn hoá khi nỗ lực khẳng định dòng phim tư nhân bằng những hành vi táo bạo chưa từng thấy. Bộ trưởng Phạm Quang Nghị trong tư cách Trưởng ban chỉ đạo LHP quốc gia đã thực hiện một hành vi quản lý ngoạn mục khi quyết định trao giải Bông sen bạc cho Những cô gái chân dài. Nhà văn Ðỗ Kim Cuông, Vụ trưởng Vụ văn nghệ của Ban TTVH Trung ương cũng thể hiện sự ga-lăng không kém khi đích thân viết bài giới thiệu lăng xê cho Nữ tướng cướp trên báo Văn nghệ, một hiện tượng chưa từng xảy ra, cũng như việc Cục điện ảnh tổ chức cả một buổi lễ long trọng với sự chứng kiến của báo giới để trao giải Bông sen bạc cho Hãng phim Thiên Ngân vì Hãng này… không đi dự LHP nên không có ai lên sân khấu nhận giải. Lâu nay, những người không có mặt tại Lễ trao giải ngành điện ảnh chẳng bao giờ tổ chức trao giải riêng, dù đó là các nghệ sĩ nhân dân. Nhiều người cho rằng sự dấn thân đua nhau tôn vinh hãng Thiên Ngân này xuất phát từ những lý do rất tầm thường, nhưng có lẽ đó là sự thể hiện vụng về thiện chí của những người lãnh đạo - họ muốn bắn ra một thông điệp về sự tích cực đổi mới, ủng hộ dòng phim tư nhân, trong đó hãng Thiên Ngân được chọn chỉ vì nó là tấm bia quá lớn mà bất cứ xạ thủ kém cỏi nào cũng có thể bắn trúng vòng mười! Ngoài các vị lãnh đạo Bộ Văn hoá và ngành điện ảnh ra, cũng phải ghi nhận thiện chí của các chủ rạp với các phim tư nhân trong dịp Tết này. Bằng chứng là, cũng là phim "hướng đến khán giả", được giới chuyên môn đánh giá cao, còn cho là hay hơn Những cô gái chân dài, nhưng phim Chiến dịch trái tim bên phải của đạo diễn Ðào Duy Phúc vẫn chỉ vật vờ le lói ở vòng ngoài. Người ta cho rằng Chiến dịch trái tim bên phải phải chịu số phận hẩm hiu này không phải vì cách làm phim, mà vì nó được làm ra ở một Hãng phim quốc doanh. Lấy vợ Sài Gòn khi công chiếu cũng được khán giả đón nhận nhiệt tình, cười "vỡ rạp" như có báo đã miêu tả, nhưng bên cạnh đó người ta vẫn dành cho phim này một sự đánh giá khá nghiệt ngã, có lẽ cũng vì nó là sản phẩm quốc doanh! Trong cuộc ăn trả bữa khá căng bụng của phim nội địa, các nhà quản lý và các chủ rạp đã chọn các hãng phim tư nhân không phải vì họ thoáng trong “văn hoá phong bì” như cách nghĩ quen thuộc của nhiều người, mà đó là sự thể hiện cái ý chí tích cực xã hội hoá điện ảnh theo tinh thần đổi mới, hội nhập chân thành của Ðảng ta. Nhưng từ thiện chí đó mà các nhà quản lý văn hoá, các ông chủ rạp nhà nước, các vị chủ báo nhà nước lại quay ra bất công với các Hãng phim nhà nước thì đó là một dấu hiệu đáng buồn và đáng hồ nghi. "Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau", cùng nòi nhà nước với nhau lại đạp lên nhau để lấy lòng các ông chủ tư nhân thì chẳng phải là tệ bạc lắm ru?


Ðừng quên cổ phần hoá các rạp nhà nước

Vậy là sự thắng lợi ròn rã của phim Việt Nam trong dịp Tết con gà là số thành của sự chịu chơi trong sáng tạo điện ảnh, chịu dấn thân trong quản lý và thiện chí trong việc chiếu phim. Thông điệp mà người ta muốn toát lên từ sự thành công đó là gì? Ðó là hãy mạnh dạn đầu tư phát triển dòng phim tư nhân, hãy thay đổi cách làm phim như thế, hãy cổ phần hoá nhanh chóng các hãng phim quốc doanh đi! Nghĩa là, người ta có thể thuyết minh rằng thực tế đã chứng tỏ hùng hồn việc lâu nay phim nội không đến được với khán giả là lỗi ở khâu sản xuất, không phải lỗi ở khâu phát hành và chiếu bóng đâu! Hãy có nhiều hãng Thiên Ngân, hãy làm nhiều phim như Khi đàn ông có bầu, Nữ tướng cướp thì cũng vẫn chủ rạp ấy thôi, điện ảnh Việt Nam vẫn sống khoẻ, sống lâu, sống xôm trò lắm! Nếu không cẩn thận, những trận pháo hoa ngôn từ bắn lên chào mừng sự thành công về doanh thu chiếu bóng phim Việt Nam trong dịp Tết nguyên đán đã tạo ra một đám hoả mù để quả bóng đang nằm trong chân các nhà quản lý, các nhà phát hành phim và chiếu bóng được đưa trở lại về chân các nghệ sĩ. Và nếu không tỉnh táo, các nghệ sĩ, các hãng phim của nhà nước sẽ phải vào lưới nhặt bóng do chính các vị trọng tài cầm cân nảy mực cố ý đá vào.

Trong sự thành công của phim nội địa thời gian vừa qua phần quan trọng nhất là do thiện chí đáng hoan nghênh của các vị chủ rạp, chúng ta cảm ơn các quý vị, mong các quý vị hãy tiếp tục thiện chí, nhưng các nghệ sỹ, các hãng phim không thể chỉ mãi mãi chạy theo năn nỉ sự thiện chí của các quý vị chủ rạp mà hơn 90% là chủ nhà nước. Nếu các quý vị thấy chán ngấy các hãng phim nhà nước thì người ta cũng có quyền chán ngấy các rạp chiếu bóng của nhà nước. Các vị lớn tiếng khua chiêng, gõ mõ đòi cổ phần hoá ngay các hãng phim Nhà nước, thì người ta cũng phải có quyền lên tiếng đòi cổ phần hoá ngay các rạp chiếu bóng quốc doanh. Nói chính xác hơn, cần phải cổ phần hoá điện ảnh một cách toàn diện, triệt để cả ba khâu sản xuất, phát hành phim và chiếu bóng, không có lối các nhà quản lý và các tạp chiếu bóng vừa "bỏ định hướng chạy lấy người", vừa tiếp tục nhân danh sự nghiệp văn hoá, ôm khư khư tài sản quốc gia để độc quyền thiện chí, bắt tay tỏ tình với các hãng tư nhân, ghẻ lạnh quay lưng với các hãng phim nhà nước! Thật lạ lùng khi người ta chỉ ráo riết thúc đẩy cổ phần hoá các hãng làm phim mà không thấy một động thái đáng kể nào triển khai cổ phần hoá các Công ty phát hành phim và các rạp chiếu phim. Hiện nay chỉ có 2 Công ty chiếu bóng là đơn vị sản xuất kinh doanh, còn lại đều là các cơ quan sự nghiệp có thu nằm dưới sự quản lý của các địa phương và sự bảo trợ nhiệt tình của ngành văn hoá.

Chỉ khi cổ phần hoá các rạp chiếu đồng thời với cổ phần hoá các hãng phim thì những nhà đầu tư mới có cơ hội làm chủ sản phẩm của mình. Họ có thể mua cổ phần ở hãng phim và rạp chiếu phim, bằng cách đó họ có thể quyết định trực tiếp số phận sản phẩm do mình đầu tư, không phải trông chờ vào thiện chí của các nhà quản lý và các ông chủ rạp, cũng không cần “đi đêm” với họ.


Sự chênh lệch trong hưởng thụ văn hoá

Thắng lợi của đợt phim Tết vừa qua dù có công lớn của các nhà quản lý văn hoá, nhưng họ không dễ bề ngủ ngon trên con số doanh thu đó coi như đã hoàn thành trách nhiệm của mình. Cũng không thể bắt đầu mơ màng nghĩ đến đổ ngân sách xây thêm hàng loạt rạp chiếu bóng tân kỳ trong các thành phố lớn như ai đó đã sốt sắng gợi ý. Các nhà quản lý hãy nghĩ đến các dự án xây rạp ở nông thôn, miền núi và hải đảo để nông dân, ngư dân, bộ đội chiếm 80% dân số được vào xem các phim Khi đàn ông có bầu, Nữ tướng cướp v.v. Trước mắt cần tài trợ cho ngành phát hành phim và chiếu bóng để đưa các phim này đến cho bà con ăn Tết văn hoá muộn. Trước đổi mới, cả nước có mấy ngàn bãi chiếu, đội chiếu phim lưu động, nay chỉ còn vài trăm đội, thiết bị cũ rích, phương tiện vận chuyển thô sơ, lương cán bộ vô cùng thấp, phim phải thuê với giá cao, tiền chi phí cho mỗi buổi chiếu phim ở vùng cao chỉ hai trăm ngàn cho cả đội. Trong bối cảnh thê thảm đó, sự thắng lợi về doanh thu chiếu bóng phim Tết vừa qua chỉ làm bật lên sự chênh lệch ghê gớm mức sống của người dân ở nông thôn và thành phố. Có thể đổ lỗi cho điều kiện, cho số phận, nhưng không thể tha thứ được việc lãng quên và dửng dưng trước sự thụt lùi về hưởng thụ văn hoá điện ảnh của người dân nông thôn, miền núi và hải đảo. Ai lo việc này ? Có dự án nào xây dựng các bãi chiếu tử tế ở thông thôn, chẳng hạn, có ghế bằng bê tông và lều đặt máy chiếu phim cố định có mái che? Hay hàng triệu những con người đổ máu giành độc lập kia sẽ vĩnh viễn xem phim theo cái cách họ đã xem ở chiến dịch Ðiện Biên Phủ ngày xưa?


Khách hàng và khán giả

Trong các văn bản của Ðảng và nước điện ảnh vẫn là một vũ khí cách mạng, nhưng trong thực tế và trên công luận điện ảnh bị đo bằng thước đo hàng hoá. Coi điện ảnh chỉ là hàng hoá thuần tuý, người ta đã quen đánh đồng khán giả với khách hàng là người mua vé, vô tình hay cố ý lãng quên trách nhiệm văn hoá của nhà nước trong việc xây dựng nền điện ảnh dân tộc, xây dựng con người. Ở Pháp, nhà nước đã có các biện pháp để hàng năm hỗ trợ cho điện ảnh 250 triệu Euro, khoảng 5000 tỷ tiền Việt. Số tiền đó để giúp các nghệ sĩ sáng tác phim nghệ thuật, các phim về vẻ đẹp văn hoá Pháp, để tài trợ chiếu bóng cho người già và cho học sinh, sinh viên, v.v. Nghĩa là người ta có ý thức xây dựng khán giả, hướng dẫn khán giả và đáp ứng nhu cầu đa dạng về văn hoá trong khán giả. Thậm chí, nhiều khi họ không coi người bỏ tiền mua vé là khán giả. Ở một số rạp ba-lê New York người ta không cho khách đã mua vé vào rạp vì không mặc com-lê. Các em học sinh được nhà trường cho tiếp xúc với các phim nghệ thuật, các phim phi thương mại, trở nên những khán giả có đẳng cấp, có văn hoá. Lớn lên, những khán giả đó bỏ tiền mua vé xem loại phim mình thích thì đã có các rạp dành riêng cho loại phim ấy mở cửa đón chờ.

Việc đông khách mua vé phim nội trong dịp Tết vừa qua là dấu hiệu đáng mừng, nhưng không thể khiến các nhà quản lý văn hoá ngủ ngon, lãng quên trách nhiệm xây dựng khán giả, nâng cấp khán giả, tài trợ cho chiếu phim nghệ thuật, dành rạp cho các loại phim khác nhau, phục vụ nhu cầu tinh tế và sâu sắc của những khán giả ở đẳng cấp cao.

Nguồn: Văn nghệ trẻ số 431 ra ngày 27.2.2005