trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
24.6.2005
Lê Hồng Lâm
Xem Mùa len trâu - Mảnh vỡ của đàn ông
 
[1]

Trong cuộc hội thảo về “Kinh nghiệm và triển vọng trong việc hợp tác làm phim quốc tế” diễn ra tại Hà Nội cuối tháng 5 vừa qua, khi được hỏi sự thành công của Mùa len trâu [2] ở các LHP Quốc tế có phải là nhờ vào sự độc đáo và ly kỳ của cốt truyện, cũng như đánh vào được sự tò mò và hiếu kỳ về những hình ảnh của một vùng đất hoang dã của vùng nước nổi miền Nam Việt Nam trong quá khứ, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã trả lời rằng: Như bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào, sự rung động của người sáng tác phải chân thực thì mới đem đến được cảm xúc cho người xem. Khi viết kịch bản Mùa len trâu, tôi viết với sự rung động của chính mình, rất chân thực và thậm chí ích kỷ, chứ tôi không hề cố ý viết cho sự hoài niệm của người Việt Nam sống ở nước ngoài hay trong nước, cũng không phải viết cho sự hiếu kỳ hay mơn trớn cảm giác của người châu Âu hay châu Mỹ. Có thể khán giả quốc tế đến với bộ phim này với sự hiếu kỳ nhưng với khán giả Việt Nam, tôi rất mong muốn người xem không chỉ đến để thưởng thức cái lạ, cái độc đáo trên phim - bởi suy cho cùng đó chỉ là hình thức - mà tôi muốn họ tham gia vào những tầng sâu hơn của bộ phim và cùng giải mã những ẩn dụ của nó…

Bài viết này hy vọng góp thêm một cái nhìn khác của người viết sau ba lần xem và choáng ngợp bởi bộ phim của tác giả người Việt này, cảm giác chỉ thực sự trở lại sau hơn 10 năm khi xem Mùi đu đủ xanh của Trần Anh Hùng…


Về bi kịch của những người đàn ông không làm chủ được mình

Báo chí phương Tây khi bình luận về Mùa len trâu đều nhắc đến nội dung chủ đề của bộ phim này là quá trình trưởng thành của một cậu thiếu niên thành một chàng thanh niên, một người đàn ông sau những mùa len trâu trong một môi trường thiên nhiên và con người khá hoang dã... Một cái nhìn hơi duy lý của những nền điện ảnh chuyên nghiệp quen đóng gói bộ phim qua những dòng synopsis (tóm tắt) ngắn gọn. Tuy nhiên, đấy là một cái nhìn khá chính xác về nội dung chủ đề của bộ phim này.

Chuyện phim được dẫn dắt bởi những dòng hồi ức của Kìm khi về già (qua giọng lồng tiếng rất cảm xúc của chính đạo diễn), nhân vật chính của phim, mở và đóng lại bộ phim theo một phong cách kể chuyện khá truyền thống và cổ điển. “Cả đời tôi sống ở đây. Cà Mau hai mùa mưa nắng. Mùa mưa, nước phủ trùm lên tất cả. Cỏ và nhà. Người và Trâu. Tới mùa khô, tôi chỉ nhớ được mùi đất, mùi của những rũ mục để lại từ nước…”. Và với một môi trường thiên nhiên hoang dã như thế trong những năm tháng đầy biến động của Việt Nam (thực dân Pháp xâm lược), con người, từ đời này qua đời khác chỉ biết phó mặc đời mình cho số phận ba nổi bảy chìm, cho trời đất. Ngay cả những người đàn ông, dù mạnh mẽ, như cha của Kìm rồi đến Kìm và cả bọn len trâu giang hồ hảo hớn hay du thủ du thực… đều phải sống một cuộc sống nương nhờ vào thiên nhiên và không hề làm chủ được bản thân mình.

Mở đầu phim là cảnh nước lũ tràn về. Tất cả chìm trong biển nước trắng xoá ngập đến tận chân trời. (Ngay từ đầu bộ phim đã tạo một ấn tượng đặc biệt về nước với quay toàn cảnh và máy quay rất ít di động).

Vì không đủ tiền thuê bọn len trâu giữ hai con trâu qua mùa lũ (đến 10 giạ lúa), nên ông bà Tư Đinh đành để Kìm, cậu con trai 15 tuổi gia nhập vào bọn len trâu đưa hai con trâu đi kiếm thức ăn ở những vùng núi cao. Cảm giác háo hức của Kìm lúc đầu chỉ là những câu chuyện hấp dẫn mà nó nghe lén được từ ông Tư kể cho bà Tư trong đêm, về ấn tượng mạnh mẽ của hành trăm con trâu len trong dòng nước, về những vùng đất hùng vĩ như núi Ba Thê, núi Cấm, hòn Sóc, hòn Đất rồi hợp lại thành vùng Bảy Núi cuối chân trời… Sáng sớm mai, Kìm dắt hai con trâu lên đường, nước bắt đầu tràn ngập tứ phía và cuộc tham dự của nó vào đám len trâu của gã đại ca Lập khét tiếng không dễ chút nào. Sự ngây thơ, trong sáng của Kìm đã bắt đầu thay đổi khi chứng kiến thế giới hoang dã của thiên nhiên và những con người trong đám len trâu. Ban ngày, nó đối mặt với sự hung dữ của dòng nước, của mưa giật, của gió gào, sấm chớp, giông bão. Và khi đêm xuống là cuộc sống bụi bặm của những kẻ len trâu, của những cuộc rượu, thuốc thâu đêm, cảnh thanh trừng, phản bội lẫn nhau giữa các băng nhóm hay trong chính nội bộ chúng hay tiếng kêu một cô gái trẻ bị Lập hãm hiếp trong đêm… Thế giới của cuộc sống hoang dã đó đã làm thay đổi hoàn toàn Kìm, sau mùa len trâu đầu tiên với kết quả là một con trâu bị chết dọc đường, nó đã biết nói tục, chửi thề, hút thuốc, uống rượu rất sành sõi đến nỗi bà mẹ phải thốt lên “Mới một mùa len trâu mà nó đã thành du đãng rồi”…

Nếu như mùa len trâu đầu tiên đưa Kìm bước vào thế giới của người lớn và phá tan sự ngây thơ, trong sáng của nó thì mùa len trâu thứ 2, sự trưởng thành của Kìm mang nhiều nỗi mất mát, sự đắng cay của những mảnh vỡ đàn ông khi khám phá ra bí mật của bản thân. Trâu đã bị bán, cha mẹ chuyển đến vùng đất khác, Kìm tham gia vào nhóm len trâu làm thuê cho người khác. Kìm cùng nhóm với Đẹt đi len trâu riêng và đối mặt với nguy cơ bị Lập trừng phạt. Để rồi từ đây, nó bắt đầu nếm những vị đắng đầu đời khi đem lòng yêu Ban, vợ của Đẹt trong nỗi tuyệt vọng không được đáp trả. Khi vết thương lòng của chàng trai mới lớn đang sưng tấy, Kìm lại biết được tin ông Tư, cha của nó ốm sắp chết và bị bà vợ bỏ rơi. Cảnh Kìm chèo thuyền chở ông Tư đang hấp hối đi trong mùa nước nổi gây ấn tượng rất mạnh về tạo hình. Giữa bốn bề là nước, chiếc thuyền nan chồng chênh trong giông bão, trên mũi thuyền những con quạ đen đang chực chờ rỉa xác chết, ông Tư kể về bí mật của Kìm càng khiến nó thêm tuyệt vọng và hoang mang. Kìm chính là đứa con của ông Tư, khi ông đang là thủ lĩnh của một nhóm len trâu nhiều năm về trước, với người chị gái của Lập bị ông hãm hiếp (đã chết sau khi sinh Kìm). Và tiếng hú của Kìm khi cha chết giữa cảnh biển trời mênh mông nước như sự bung phá của những dồn nén, ẩn ức chất chứa bên trong lòng nó. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, khi còn chưa biết thực hư về xuất thân của mình, thì Kìm phải đối mặt với việc chôn cất ông Tư giữa bốn bề là nước. Và bộ phim mở ra một hướng mới với sự xuất hiện của vợ chồng ông bà Hai Tích trên chiếc chòi nhỏ nổi giữa mênh mông nước. Những cuộc đối thoại mộc mạc giữa ông bà Hai Tích, đặc biệt là việc hy sinh chiếc cối đá, gia tài duy nhất của họ để chôn xác cha của Kìm, neo xuống đáy ruộng để tránh mất xác với những chi tiết hài hước mà tình cảm, giản dị nhưng xúc động đem đến cho người xem những khoảng lắng thực sự về tình người và nghĩa khí của người dân Nam Bộ trong cảnh khốn cùng… Cũng chính những tình cảm và tấm lòng chân chất của họ đã khiến Kìm quay trở về với bản tính thuần chất của nó và từ bỏ cuộc sống hoang dã của những kẻ len trâu…

Cả đời tôi sống ở đây, ba chìm bảy nổi, lênh đênh theo dòng nước. Thế giới của những người đàn ông không làm chủ được cái gì… Lời tự sự buồn của Kìm khi về già như một sự đúc kết, một sự thú nhận buồn bã về sự bất lực của ông và những người đàn ông khác trước thiên nhiên và môi trường hoang dã. Cuộc sống như quay vòng, hết đời này sang đời khác, họ vẫn quẩn quanh với cuộc sống tạm bợ đấy, hết mùa nước đến mùa khô, hết mưa lại nắng. Cho nên những bi kịch của họ là những bi kịch của sự lặp lại. Ông Tư cha của Kìm đi len trâu, hãm hiếp một người phụ nữ trẻ rồi sinh ra Kìm. Tay đại ca Lập nhiều năm trước đi theo ông Tư, chứng kiến cảnh ông Tư hiếp chị gái mình và nuôi mối thù trong lòng. Nhưng sau này, khi đi len trâu, chính gã lại đi hãm hiếp những cô gái trẻ ở mỗi nơi mà gã đi qua. Mối tình của Đẹt và Ban cũng xuất phát từ một cuộc tự tình bị cấm đoán giữa một kẻ len trâu lang bạt với cô gái nghèo trong vùng với cái thai hoang… Cái vòng tròn định mệnh ấy còn thể hiện ở nhiều chi tiết khác trong phim, như những bản sáo tha hương và phiêu bạt của người Miên được truyền từ đời này sang đời khác, từ ông nội của Kìm đến cha của Kìm và sau này Kìm lại truyền lại cho đứa con trai của Đẹt…

Một bộ phim của những êkíp tài năng

Trước hết, xin khẳng định, thành công của Mùa len trâu là nhờ vào một kịch bản rất hoàn chỉnh với một kết cấu chặt chẽ, đa tầng, đa nghĩa và giàu ẩn dụ. Mỗi lần xem là một lần khám phá những ý nghĩa tiềm ẩn của tác giả. Không thể phủ nhận kịch bản dựa trên một chất liệu tuyệt vời từ hai truyện ngắn Mùa len trâuMột cuộc biển dâu cũng như hơi hướng của toàn tập truyện Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam. Tuy nhiên nếu mang hai truyện ngắn trên đem so với kịch bản phim thì rất dễ để thấy rằng, truyện của Sơn Nam mới chỉ là chất liệu, là nguồn cảm hứng, là “good idea” (mà nếu không có chúng thì không có bộ phim này). Và tài năng của Nguyễn Võ Nghiêm Minh trong vai trò kịch bản là kết nối chúng lại rất liền mạch, nâng cao tầm tư tưởng và thẩm mỹ của tác phẩm gốc lên nhiều lần với rất nhiều chi tiết, nhiều nhân vật, nhiều điểm nhấn không thể tìm thấy trong tác phẩm của Sơn Nam. (Trả lời phỏng vấn báo chí phương Tây, đạo diễn có nói rằng, bộ phim này có nhiều biến thể mang dấu ấn của cá nhân ông). Cũng rất lâu rồi, mới thấy một kịch bản phim dựa theo tác phẩm văn học nổi tiếng mà không bị lép vế hay làm mất ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm gốc (Mê Thảo - Thời vang bóng của Việt Linh là sự sân khấu hoá truyện Chùa Đàn của Nguyễn Tuân, Người đàn bà mộng du là sự mờ nhạt hoá từ truyện của Nguyễn Minh Châu…).

Một ấn tượng khó phai mờ của bộ phim này chính là hình ảnh với những thước phim ấn tượng của nhà quay phim người Bỉ Yves Cape. Lần đầu tiên đến Việt Nam và biết đến Việt Nam qua ấn tượng từ hai bộ phim của Trần Anh Hùng là Xích lôMùa hè chiều thẳng đứng, dù vậy khán giả Việt Nam cần phải cám ơn Cape từ những thước phim sáng tạo của ông. Những cảnh quay cận đàn trâu hàng trăm con chen chúc trong làn nước, có khi là những cặp sừng cong vênh, có khi là những bàn chân giẫm đạp với những giọt nước bắn tung toé, có khi là những cú quay ngang cận cảnh lưng một con trâu “át” gần hết màn hình và như che hết tầm nhìn của người xem. Cảnh quay “thầy bói xem trâu” này của Cape luôn khiến người xem căng mắt để theo dõi sự vận chuyển của trâu trong làn nước. Một con vật quá quen thuộc với người dân Việt Nam nhưng sao lên hình lại đem đến nhiều ấn tượng thế!

Trong bộ phim này, nếu tinh ý, bạn cũng sẽ đếm được 5 lần, rải rác từ đầu đến cuối phim những cảnh Cape quay bên trong lòng nước. Nếu như bên trên mặt nước, là những âm thanh ầm ào, dữ dội của cảnh hàng trăm con trâu len trong nước, của tiếng mưa gió, giông bão, sấm chớp… thì bên trong lòng nước là sự tĩnh lặng hoàn toàn (thủ pháp này cũng được thể hiện như một ẩn dụ về sự bí ẩn trong bộ phim The Reurrn của Nga, một kiệt tác nhỏ của điện ảnh nước này từng đoạt giải Sư tử vàng tại LHP Venice năm 2003). Khi tôi hỏi thủ pháp này mang một ẩn dụ gì trong Mùa len trâu, đạo diễn Nghiêm Minh nói rằng ông và nhà quay phim phải nhiều lần lặn xuống dòng nước rất dơ bẩn đó để quay. Mỗi người có thể hiểu theo một cách khác nhau, nhưng về mặt tạo hình, các nhà làm phim muốn đem đến cho người xem những hình ảnh chân thực nhất về thế giới bên trong lòng nước, về sự chuyển động, sự phân rã và hồi sinh ở bên trong ấy. Chính đạo diễn đã nhiều lần nói đến nước như một nhân vật chính xuyên suốt trong bộ phim này là gì?

Âm nhạc và âm thanh là hai yếu tố không thể không nhắc tới của Mùa len trâu với sự đóng góp toàn vẹn của nhạc sĩ Pháp gốc Việt Tôn Thất Tiết và hoà âm người Pháp Thomas Gauder (phim thu thanh đồng bộ). Giám đốc hậu kỳ âm thanh của phim này, ông Olivier Rey (người đã làm hậu kỳ âm thanh cho bộ phim Đứa trẻ của hai anh em người Bỉ từng đoạt giải Cành cọ vàng 2005 vừa qua) trong cuộc gặp gỡ tại Việt Nam ngoài việc khẳng định tầm vóc rất mạnh mẽ về cuộc sống và con người Việt Nam cũng như những giá trị có tính toàn cầu của Mùa len trâu hấp dẫn ông thì phần âm nhạc với những bản sáo tha hương của người Miên (Khmer) hay việc sử dụng bộ gõ rất ấn tượng của nhạc sĩ Tôn Thất Tiết càng khiến ông hài lòng khi làm hậu kỳ âm thanh cho bộ phim này tại Bỉ. Nhạc sĩ Tôn Thất Tiết cũng là người làm âm nhạc cho cả 3 bộ phim của Trần Anh Hùng và ông đã từng đoạt một giải thưởng Quốc tế về phần âm nhạc trong bộ phim Xích lô (1995).

Và phải kể đến đóng góp không nhỏ của dàn diễn viên nghiệp dư nhưng thể hiện rất tốt cái không khí của bộ phim. Dù có sự đóng góp khá lớn của những êkíp nước ngoài nhưng có thể tự hào đây là một bộ phim Việt, một câu chuyện Việt thuần chất. Là Kìm (Lê Thế Lữ) với vai diễn đầu tay tròn đầy, với nhiều xung đột nội tâm nhưng diễn rất thật, mộc mạc và giản dị chứ không bị gượng hay lên gân. Những diễn viên nghiệp dư khác như Võ Hoàng Nhân (Lập), Kra Zan Sram (Đẹt), Nguyễn Hữu Thanh (Định), Nguyễn Thị Kiều Trinh (Ban) thể hiện những vai diễn như chính cuộc sống của người dân Nam Bộ ngoài đời. Hai diễn viên chuyên nghiệp khác là Nguyễn Ánh Hoa và Trương Văn Bé vai ông bà Hai Tích, dù xuất hiện trong một cảnh không dài nhưng thể hiện rõ ràng vai trò của những diễn viên chuyên nghiệp. Tất nhiên, để có được điều này vai trò của đạo diễn không nhỏ và hơn nữa, ông đã tạo ra những nhân vật thật như chính cuộc sống với những đoạn hội thoại rất đặc trưng của những người dân sống ở vùng sông nước Nam Bộ. Xem phim mà hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, sao một ông đạo diễn Việt kiều xa nước lâu năm lại viết những câu thoại sinh động, những lời ăn tiếng nói phương ngữ Nam Bộ rất giàu hình ảnh, lại rất thật – trong khi nhiều đạo diễn sống lâu năm trong đời sống người Việt, mà xem phim không thể thương nổi cái lối viết thoại vừa sáo vừa giả vừa lên gân. Mà nói thế thì không cùng. Tất cả phụ thuộc vào tài năng và đẳng cấp của đạo diễn hết!



[1]Mượn tên một truyện ngắn của Hồ Anh Thái
[2]Mùa len trâu sau nhiều tháng chu du khắp trời Tây và hiện vẫn đang tham dự các LHP Quốc tế ở Mỹ, Ấn Độ, Úc… đã được chiếu chính thức tại Hà Nội. Tại Trung tâm chiếu phim QG, Mùa len trâu đã khởi chiếu từ trung tuần tháng 6 và sắp tới sẽ nâng lên chiếu tại 2 phòng chiếu tại đây sau khi nhận được nhiều tín hiệu tốt từ khán giả. Tháng 7, phim sẽ chiếu chính thức tại TP HCM.
Nguồn: Phần chính của bài viết này đăng trên SVVN số 25 (ra ngày 22.6.2005)