trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Sân khấu
  1 - 20 / 24 bài
  1 - 20 / 24 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtSân khấu
2.11.2005
Hà Văn Cầu
Kiến nghị về nghề
 
Nói về nghệ thuật chèo với cuộc sống đương đại là một chủ đề hết sức rộng lớn, bởi cuộc sống đương đại có thể bắt đầu từ giường ngủ, bàn viết, ra làng xã, đường phố, chợ cóc, ra cả tỉnh, cả huyện, cả nước, thậm chí đến cả năm châu, bốn biển, trong đó con người là chủ thể hành động, yêu ghét, căm thù, đoàn kết và đấu tranh lẫn nhau. Vì vậy, vấn đề đặt ra trong bối cảnh văn học nghệ thuật chung của đất nước, không chỉ nhìn riêng chèo được.

Chúng ta đều biết, từ Nghị quyết 5 (khoá VIII), Đảng đã nhấn mạnh vai trò của các nghệ sĩ sáng tạo trong công cuộc xây dựng Tổ quốc yêu quý của chúng ta. Trong báo cáo về vấn đề văn hoá văn nghệ của đ/c Trần Hoàn, Ban Tư tưởng Văn hoá, với văn nghệ sĩ, ngày 23 tháng 11 năm 2001, nói về tinh thần Nghị quyết 5, đã nhấn mạnh mấy điểm sau đây:

  1. Phải xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc
  2. Phải khai thác văn hoá cổ truyền, góp phần vào văn hoá nhân loại
  3. Chú trọng làm tốt việc đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ trẻ.
Đồng chí Trần Hoàn còn nhắc đến kết luận của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có điểm 3, nhấn mạnh việc nâng cao tay nghề, đảm bảo sáng tạo có giá trị.

Ngày 22 tháng 4 năm 2002, đ/c Nguyễn Khoa Điềm giới thiệu chỉ thị 18 của Trung ương về văn học nghệ thuật, đã nêu ra tám vấn đề lớn, trong đó vấn đề thứ tư nhấn mạnh tình hình "lý luận, phê bình, nghiên cứu không được quan tâm lãnh đạo để định hướng hỗ trợ cho sáng tác, cho nên các tác phẩm thiếu thuyết phục".

Trong 5 điểm gợi ý về phương hướng chung, đồng chí nhấn mạnh: Điểm 1: Đảng đề nghị phải có chính sách khuyến khích cho nghệ thuật truyền thống. Điểm 2: Đẩy mạnh công tác lý luận, phê bình và nghiên cứu văn học nghệ thuật. Cụ thể là mỗi ngành phải có hội đồng của mình.

Lại đến ngày 4 tháng 8 năm 2004, đ/c Nguyễn Khoa Điềm lại giới thiệu nội dung Nghị quyết TW 10 (khoá IX), kiểm điểm việc thi hành NQ 5 nói trên, thì tình hình văn nghệ của chúng ta mỗi ngày một sa sút thêm. Cụ thể là:

  • Quan điểm lý luận về văn học nghệ thuật còn mơ hồ
  • Tác giả coi thường hiện thực, không thấy mối liên quan giữa tác phẩm với xã hội
  • Chủ đề các tác phẩm thường sáo mòn và thường chú trọng đến mặt tiêu cực hơn mặt tích cực
  • Khuynh hướng hình thức và tư tưởng vọng ngoại, lai căng ngày càng nặng nề
  • Nói chung, văn nghệ sĩ thiếu tin tưởng vào truyền thống dân tộc.
Đồng chí nhấn mạnh tinh thần quán triệt Nghị quyết là gắn kết các nhiệm vụ "kinh tế-chính trị-văn hoá" làm nền tảng tinh thần, coi đó là ba trụ cột để xây dựng và phát triển đất nước.

Nhắc lại những điều trên để thấy rằng trong công tác lãnh đạo, Đảng rất coi trọng văn hoá văn nghệ truyền thống. Cái thiếu sót là ở khâu chấp hành. Tôi nói chấp hành ở đây là bao gồm cả các cơ quan quản lý văn hoá văn nghệ của Nhà nước.

Nhìn vào Nghị quyết 5, khoá 8 và Nghị quyết 10, khoá 9 chúng ta thấy: Ngay từ đầu thiên niên kỷ này, Đảng đã rất quan tâm đến văn hoá văn nghệ truyền thống, coi trọng công tác lý luận, phê bình, nghiên cứu thiết thực và ứng dụng, đồng thời quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ trẻ, nâng cao chức năng giáo dục thẩm mỹ, nhận thức của văn học nghệ thuật.

Đảng coi trọng văn hoá như một trong ba chân kiềng xây dựng Tổ quốc ngang với kinh tế và chính trị, nhưng chỉ có bản thân cơ quan văn hoá lại không thấy động đậy gì, hoặc có động đậy thì cũng là bày vẽ ra cho đủ việc, còn kết quả ra sao không nắm được.

Có phải các cơ quan lãnh đạo văn hoá của chúng ta thiếu người không? Có thiếu phương tiện và khả năng đầu tư không? Có thể trả lời: "Hoàn toàn không phải"! Bộ, Hội, và các cơ quan tham mưu chức năng (như Cục biểu diễn nghệ thuật, Viện nghiên cứu sân khấu, Vụ Đào tạo, Trường Đại học…) đã làm gì thật thiết thực trong bốn năm qua để biến NQ TW 5 (khoá VIII) thành hiện thực?

Đảng nhấn mạnh vào nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thì Bộ đã có chủ trương chế độ, chính sách, nhất là có định hướng xã hội chủ nghĩa gì cho văn nghệ sĩ làm chỗ dựa để biết mình được làm gì, dạy gì, tiếp thu cái gì của thế giới, khai thác đề tài gì ở trong nước, miêu tả cuộc sống dưới hình thức nào mà không vi phạm các nguyên tắc của định hướng đó?

Nếu chỉ kêu gọi anh chị em làm chèo quay về diễn vở cổ thì theo tôi là sai lầm, trái với đường lối của Đảng, vừa xấu hổ với cha ông, vừa có lỗi với con cháu. Bởi tính dân tộc phải luôn luôn đi đôi với tính hiện đại. Quay trở về đường xưa lối cũ là giậm chân tại chỗ, là thụt lùi đối với nhân dân cả nước đang cùng thế giới đi tới. Vả lại, những vở gọi là vở cổ có còn thật cổ nữa đâu, vì vở nào cũng có bàn tay của con người hiện đại: tác giả, đạo diễn, diễn viên, những người sáng tạo theo cảm hứng của con người hôm nay chứ không hề làm theo các cụ.

Về mặt lãnh đạo, trong mười năm qua, anh chị em ngành sân khấu đã có nhiều cuộc hội thảo nhằm tháo gỡ các khó khăn về nghiệp vụ mà chẳng có cuộc hội thảo nào được các vị hạ cố xuống xem anh chị em chúng tôi bàn cái gì, kiến nghị cái gì. Tại sao vậy? Các vị giỏi hơn chúng tôi về lý luận, có thể, nhưng từng trải nghề hơn và lo nghĩ về nghề hơn thì chưa chắc đâu. Tổ tiên chúng ta nói rồi: "Ba cây chụm lại nên hòn núi cao" kia mà. Vì thế, tôi đề nghị Bộ và các cơ quan hữu quan có một cuộc tổng kiểm điểm thật chân thành và sâu sắc về công tác quản lý của mình trong việc thực thi đường lối của Đảng về văn học văn nghệ một cách cụ thể và có các biện pháp mang tính "cương lĩnh" cho 15-20 năm tới. Cho phép chúng tôi được dự thính và hơn thế, được bàn góp (không cần nhận phong bì).

Về công việc đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ trẻ, Bộ đã có chủ trương gì? Riêng ở chèo, chúng tôi nhận thấy kết quả đào tạo, bồi dưỡng sau đây:

Nhà trường của chúng ta, không biết vì sao đã đào tạo cho ngành chèo rất nhiều cán bộ, song khi cán bộ đó về đến vị, mỗi khi cần làm vở thì các đoàn lại chạy đôn chạy đáo về Hà Nội mời thầy bà (vì họ không đủ sức độc lập tác chiến). Rút cục, quanh quẩn vẫn chỉ mấy tác giả, mấy đạo diễn quen thuộc đi làm ăn các nơi. Diễn viên được đào tạo theo phương pháp truyền thống và chuyển hoá mô hình, khi làm vở mới, lại diễn theo gợi ý thậm chí theo thị phạm của đạo diễn kịch nói thì làm thế nào cho ra chèo?

Tôi xin kiến nghị một đôi điều sau đây:

  1. Bộ hoặc Bộ uỷ quyền cho Vụ Đào tạo, Viện Sân khấu soạn thảo ngay một bài giảng nói về định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, các điểm a, b, c, d và 1, 2, 3, 4… cho anh chị em làm nghề chúng tôi học tập thật nghiêm túc để có chỗ dựa về phương hướng và có bàn đạp về nguyên tắc trong khi nghiên cứu, sáng tác và hành nghề.

  2. Vụ Đào tạo và Trường thành lập ngay một hội đồng tu thư gồm những thành viên có uy tín nghiệp vụ, chỉ đạo việc biên soạn một bộ giáo trình theo các phương pháp sư phạm hiện đại của thế giới (CV, PBL, CL, CCL) vừa lý thuyết hàn lâm, vừa lý thuyết nghịch thường, có các học phần, chủ điểm, mục đích, yêu cầu, toát yếu, phát vấn và bài tập hẳn hoi, không dạy chay. Về tỷ trọng thì 70% thực hành tác nghiệp, còn lại là nghiên cứu chèo xưa. Các vấn đề triết học, mỹ học, ngoại ngữ, khoa học phụ trợ (dân tộc, phong tục, lịch sử) cũngđược coi trọng đúng mức.

Xin được phép mở ngoặc: Trong Hội đồng này không nhất thiết cứ phải mời người có học hàm, học vị, bởi trong ngành có nhiều người giàu kinh nghiệm mà không có bằng cấp gì, không nên bỏ sót. Theo thống kê của Tạp chí Giáo dục số chuyên đề tháng 12 năm 2002 thì các khối trường Đại học, tính cả đào tạo theo hợp đồng và liên kết thì ngành ít sinh viên nhất là Y cũng có tới 18.531 người, đông sinh viên nhất là đa ngành cơ bản có 292.826 người. Các trường văn hoá, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu cộng lại chỉ có 6843 sinh viên. Nhân sự được đào tạo đã ít mà nói riêng bộ môn chèo trong ngành sân khấu, chất lượng lại yếu như vừa nói trên kia thì làm sao có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng to lớn của thời đại, làm sao có thể xứng đáng góp sức vào vai trò là một trong ba chân kiềng (ba cột trụ) của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước?

Nhìn vào công việc sáng tác kịch bản của bản thân và của bạn nghề hơn nửa thế kỷ qua, tôi nhận thấy rằng cho tới hôm nay, quan niệm và hình dung về kịch bản chèo mỗi người một khác, nếu ví von một cách què quặt thì tình hình hiểu biết về chèo, nói chung, không khác gì "thầy bói xem voi", ai nói cũng không sai, nên chẳng ai chịu ai, nhưng rồi chẳng có ai đúng, bởi mỗi người chỉ thấy một khiá cạnh mà không thấy được toàn thể vóc dáng của chèo truyền thống. Bảo rằng: Chèo là sân khấu tự sự, đúng, nhưng cái tự sự của chèo như thế nào, không ai nói được. Kể chuyện ư, trần thuật ư? Thì đấy, biết bao vở đã kể, đã trần thuật? Bảo chèo là loại hình sân khấu thì bản chất cũng phải là hành động, phải bắt đầu từ mâu thuẫn, xung đột, thì đấy, biết bao vở chèo đã đưa hành động, mâu thuẫn, xung đột vào mà có ra chèo đâu? Bảo rằng chèo phải hát, phải diễn ước lệ, thì đấy, biết bao vở diễn viên hát đến hết hơi, diễn ước lệ đến hết sức mà vẫn chẳng ra chèo… Còn rất nhiều vấn đề khác nữa.

Nếu, Bộ, Cục và Nhà hát cứ đầu tư cho các tác giả chưa nắm được cách tái cấu trúc các sắp trò, cách tạo mảng miếng ca kịch của truyền thống như mấy năm qua thì cuối cùng vẫn chẳng có được vở nào có cốt cách chèo.

Cái khó của chúng ta là ở chỗ cha ông xưa không để lại cho chúng ta những vấn đề lý luận sáng tác, mà một số vở xưa chỉ đem đến cho chúng ta những tiền lệ sáng tạo khác nhau, thậm chí rất xa nhau. Khi nhìn tổng quát lại, chúng ta lại thấy chèo từ các con tính nông nghiệp-làng xã-nghiệp dư chuyển sang con tính mới công nghiệp-đô thị-chuyên nghiệp, nhất định có cái phải đổi, có cái giữ lại, có cái bỏ, có cái thêm. Vấn đề ở đây là phải có một nhóm người đứng ra tổng hợp các kinh nghiệm truyền thống, đề dẫn các vấn đề đích thực của chèo, đem đến cho những người làm nghề một quan niệm thống nhất, những cách đánh giá và hiểu biết một cách thống nhất, rồi tổ chức toạ đàm với các tác giả nhằm trao đổi và vận dụng vào thực tế sáng tác, thì mới thật sự có ích.

Ngày hôm nay, mua một củ su hào, một mớ rau muống, người làm nghề phải trả theo cái giá hôm nay, mà làm lý luận thì lại được trả bằng cái giá của mấy chục năm về trước, thật khó nói, bởi "cơm áo không đùa với khách thơ". Chẳng ai muốn làm. Chỉ có người hâm mới đi bói rẻ để khỏi về không. Tất nhiên Bộ phải chi tiêu nhiều thứ, không riêng gì chèo, nhưng chẳng lẽ không bỏ ra được một số kinh phí tương đương với tiền dựng vài vở chèo cho công việc nghiên cứu các vấn đề của truyền thống dân tộc sao? Chắc chắn Bộ Văn hoá sẽ ra tay, nhưng theo thói quen, phải tập lễ nhạc rồi mới đi chữa cháy, chắc còn phải nhiều thời gian nữa mới có sự chuyển động giàu tính hứa hẹn.

Vì vậy, trước mắt, chúng tôi đề nghị có ngay một lớp giảng toạ hội về nghề nghiệp, tức trao đổi học tập một cách dân chủ theo kinh nghiệm của Trung Quốc với tinh thần "mèo bé bắt chuột con" kẻo đợi khi có mèo lớn thì chuột khinh mèo mất.

Tuổi già không còn mong muốn gì cho cá nhân mà chỉ ao ước được thấy ngành nghề mãi mãi phát triển, nên có chỗ nào nói khó lọt tai, mong các vị thông cảm đại xá cho.

© 2005 talawas