trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
24.1.2006
Đông La
Các Mác - Một tình yêu bao la
 
Tôi muốn viết tên nhà triết học, nhà cách mạng vô sản là Các Mác, cách phiên âm của nước Việt Nam XHCN, nơi tôi đã sống trọn nửa thế kỷ, cho đúng với ngôn ngữ chính trị của một chế độ mà mỗi bước đi đã được chiếu sáng bởi tư tưởng ông, cái ánh sáng mà một nửa nhân loại (áng chừng) coi là ánh đuốc dẫn đến thiên đường; còn một nửa kia coi là ánh lửa hung bạo dẫn xuống địa ngục!

Tôi cũng dựa vào tên bài hát “Bác Hồ - một tình yêu bao la” của Thuận Yến để đặt tên cho bài viết này, bởi tôi nhận thấy cặp “thầy trò” này; ngoài điểm khác biệt là người thì có tinh thần quốc tế vô sản, người thì chỉ muốn “được việc” cho dân tộc mình; nhưng cả hai đều có cái chung, đó chính là tinh thần nhân đạo - một tình yêu bao la đối với con người!

Viết vậy, có lẽ tôi sẽ gây ra nhiều ngạc nhiên khi nửa nhân loại chống đối từng cho Các Mác là “một kẻ nổi loạn”, thậm chí nhiều người còn cho là “tên tội phạm của lịch sử”; còn trong cái nửa tôn thờ giờ cũng có nhiều người tỏ ra thức thời từ bỏ ông, một số còn phủ nhận và chống đối ông. Nhưng tôi vốn là người luôn suy nghĩ độc lập, chủ nghĩa tôi theo là chủ nghĩa khoa học, nên trước vô vàn ý kiến về Mác, tôi vẫn muốn viết đôi điều, dù hiểu rằng, có được ý kiến riêng thực sự là một thách thức trí tuệ. Và, tôi chấp nhận sự thách thức ấy!

Mấy năm gần đây, nhờ có Internet, tôi mới có thể biết được nhiều thông tin mà trước đây nếu có thì chỉ là loáng thoáng theo kiểu “nghe hơi nồi chõ”. Lúc đầu có thể nói là kinh ngạc, nhưng trái lại với một số người, thường chuyển từ cực này sang cực khác, biết được nhiều chuyện nhưng nhận thức của tôi về những vấn đề cơ bản vẫn không thay đổi nhiều, thậm chí có những vấn đề lại có cơ sở để khẳng định vững chắc hơn.

Bài này tôi muốn viết về chủ nghĩa Mác, về ý thức hệ đã và đang quyết định bước đi của đất nước ta, về điều mà một số người muốn thể hiện quan điểm của mình đã phải khốn đốn. Gần đây nhất lại thêm nhà văn trẻ Đỗ Hoàng Diệu, với truyện “Vu quy”, đã văn học hóa một cách cụ thể những chính kiến đó, chính kiến của nhiều thế hệ (nếu tính tuổi thì lớp đầu ngang với ông nội cô), mà những người chống chế độ gọi là “những chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ” như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Bùi Tín, Nguyễn Minh Cần, Dương Thu Hương, Hà Sĩ Phu, Lữ Phương v.v...

Bắt đầu là xu hướng theo chủ nghĩa xét lại (revisionism) với tư tưởng đặt nhẹ đấu tranh giai cấp và giải phóng dân tộc; rồi đến việc phủ nhận một phần; và cuối cùng là phủ nhận toàn phần chủ nghĩa Mác.

Nhưng chủ nghĩa Mác khởi thủy lại là một chủ nghĩa nhân đạo, nó chính là quy trình cách mạng nhằm xóa bỏ sự thống trị, bóc lột để mang lại công bằng và hạnh phúc cho toàn thể loài người; một điều tốt đẹp thế sao lại bị phủ nhận?! Theo tôi, có như vậy, có lẽ bởi lịch sử triển khai quy trình nói trên vào thực tiễn cũng chính là lịch sử làm sai lạc, thậm chí làm ngược lại tinh thần nhân đạo của Các Mác; do người ta hiểu chưa rõ, hiểu sai, từ những khái niệm đến những nguyên lý cơ bản trong lý luận của ông.

Thứ nhất là chủ nghĩa giáo điều, với tư tưởng sùng bái cá nhân phi khoa học, người ta đã biến Mác thành thánh sống, coi mỗi câu chữ của ông là khuôn vàng thước ngọc, trong khi thực chất Mác chỉ viết ra những điều chung nhất, mà lại về cách mạng xã hội, cái quy trình có tính bao quát vô cùng lớn, phụ thuộc vô vàn các điều kiện; không giống như những quy trình công nghệ với những thông số cụ thể. Do đó áp dụng những nguyên lý của Mác là phải hết sức mềm dẻo và luôn có sự thay đổi cho thích ứng như chính bản thân Mác và Ăngghen, trong lời tựa viết cho bản tiếng Đức Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản xuất bản năm 1872, đã viết: “việc áp dụng những nguyên lý... cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử”, rồi “không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra... ngày nay mà viết lại... cũng phải viết khác đi” (Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Nxb Chính trị quốc gia 1998, trang 9). Trong quá khứ ta thấy có chuyện, khi người có ý thay đổi Mác mà không thuộc phe nắm quyền sẽ bị cho là “xét lại”, phản động; còn nếu thuộc phe nắm quyền sẽ được coi là đóng góp, vận dụng sáng tạo. Nhưng nói chung, mọi thay đổi nếu theo đúng tinh thần nhân đạo, vì lợi ích cách mạng, vì dân, phù hợp với quy luật chung, sẽ mang lại sự phát triển và tiến bộ, như Lê Nin đã cho rằng Cách mạng XHCN không chỉ thành công ở quy mô toàn cầu khi chủ nghĩa tư bản phát triển đến giai đoạn cực mâu thuẫn, mà có thể thành công tại một nước tư bản kém phát triển là Nga; và khi giành được chính quyền, ông cũng đã đưa Kế hoạch Kinh tế mới (НЭП - Новый экономический план) (chính là nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN bây giờ) đầy tính sáng tạo, mà có những học giả tư sản nói rằng, phe xã hội chủ nghĩa cứ vận dụng đến giờ thì không biết sẽ phát triển đến đâu rồi!

Điều thứ hai nói về giai cấp vô sản. Cũng trong Tuyên ngôn Mác và Ăngghen viết: “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng” (tr. 97, sđd); và theo hai ông: “Bác sĩ, luật gia, tu sĩ, thi sĩ, bác học đều bị giai cấp tư sản biến thành những người làm thuê” (tr. 74, nt); rồi: “Từng bộ phận trọn vẹn của giai cấp thống trị bị sự tiến bộ của công nghiệp đẩy vào hàng ngũ giai cấp vô sản... Những bộ phận ấy cũng đem lại cho giai cấp vô sản nhiều tri thức” (tr. 95-96, nt). Như vậy, tầng lớp trí thức và tư sản tiến bộ cũng thuộc “giai cấp thực sự cách mạng”. Hơn nữa với chú thích của Ăngghen “Giai cấp vô sản là giai cấp những công nhân làm thuê hiện đại” (tr. 65, nt), khái niệm “giai cấp công nhân” với ý nghĩa triết học Mác chính là “giai cấp làm thuê hiện đại”, bao gồm tất cả những tầng lớp bị bóc lột, bị trị, bị vô sản hóa, cả những tư sản tiến bộ, chứ không chỉ trơ trụi là những người công nhân đứng máy, những người hoạt động cơ bắp. Chính vì không hiểu điều này nên những người chống đối cho Mác sai khi đề cao sức mạnh cơ bắp, cho những người “ngu si tứ chi phát triển” làm sao mà lại “tiên phong”, lại lãnh đạo cả những tầng lớp có “đầu óc” được. Còn trong quá trình cách mạng, khi giới hạn ngoại diên khái niệm và “nghĩa đen hóa” ý nghĩa “giai cấp công nhân” chỉ là những người đứng máy như thế, người ta đã đưa ra những chủ trương phản Mác, đã gây ra bao tai họa, loại bỏ, kìm hãm bao người vô sản chân chính, những trí thức ưu tú, những nhà tư sản, những địa chủ yêu cách mạng; đã đưa ra những chính sách quái gở, thực hiện cái khẩu hiệu “vơ đũa cả nắm” lầm lạc và phi nhân “trí, phú, địa, hào - đào tận gốc, trốc tận rễ!”, thực hiện cái “chủ nghĩa thành phần, chủ nghĩa lý lịch” kỳ lạ làm khốn đốn bao người thuộc tầng lớp trên, giàu tri thức hoạt động cách mạng, kìm hãm và kéo lùi lại biết bao sự phát triển. Cải cách ruộng đất ở ta cũng chính là một hậu quả của sự sai lầm trên. Một điều kỳ lạ là khi thực hiện những chính sách này, sao người ta không chịu hiểu chính Mác là trí thức, một tiến sĩ triết học, Ăngghen là con tư sản, Bác Hồ là con quan lại và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là một giáo viên...

Điều thứ ba nói về xương sống của chủ nghĩa Mác, đó là tư tưởng “đấu tranh giai cấp”. Trong lịch sử áp dụng nó, những người vô sản đã mang lại những thành quả rất lớn lao nhưng cũng không ít điều tệ hại. Nó cũng chính là vấn đề bị những học giả tư sản và những người chống đối phê phán nhiều nhất, thậm chí nhiều người còn cho Mác là một tội phạm hiếu chiến, kích động bạo loạn. Theo tôi có như vậy là do người ta đã vận dụng sai và hiểu chưa chính xác tư tưởng của Mác.

Cũng trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác và Ăngghen viết: “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản... là biểu hiện cuối cùng và đầy đủ nhất... trên cơ sở những người này bóc lột những người kia” (tr. 107, nt); “Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái khả năng chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác” (tr. 114, nt), rồi: “Cái sở hữu làm ra, kiếm được một cách lương thiện... chúng tôi có cần gì phải xóa bỏ cái đó” (tr. 108, nt). Như vậy, nội hàm chính của khái niệm “đấu tranh giai cấp” chính là “tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu để nô dịch người khác”, “Lật đổ sự thống trị”, xóa bỏ chế độ “Người bóc lột người”. Nhưng trong thực tiễn vô vàn trường hợp người ta đã không chỉ tước “quyền sở hữu” mà còn tước cả “sinh mạng sở hữu”, lẽ ra chỉ đấu tranh với sự bóc lột, bất công, người ta đã đấu tranh với tất những gì thể hiện sự sung túc, phê phán tất cả những gì sang trọng, văn minh, cho là biểu hiện của lối sống xa hoa, phù phiếm, trụy lạc tiểu tư sản và tư sản; đề cao cái dân giã, thô mộc, đơn sơ, nghèo khó. Về điều này tôi đã phải làm hai câu thơ: “Ôi đất nước có thời sao ai ai cũng sợ sự giàu có/ Nên cái nghèo từng là vết son trang điểm trang lý lịch của con”. (Bài “Ơi đất nước mang hình dấu hỏi”)”. Tệ hại hơn nữa, có những cá nhân nhiều tham vọng khi nắm được quyền lực đã dựa vào tư tưởng đấu tranh giai cấp, vào đủ thứ “tính Đảng”, “tính giai cấp”, “tính quần chúng”... đấu tranh với chính đồng chí mình, triệt hạ những người không cùng cánh, giành trọn và giữ vững quyền lực; từ đó sinh ra tệ sùng bái cá nhân, để rồi từ việc lật đổ sự thống trị cũ lại thiết lập một sự thống trị mới, chuyên quyền và tàn ác hơn, đi ngược lại hoàn toàn tinh thần nhân đạo và tiến bộ của chủ nghĩa Mác, vì mình, vì băng nhóm mình chứ không vì cách mạng, vì dân; từng gây ra tai họa khủng khiếp cho cả một đất nước như những sự thanh trừng ở Liên Xô cũ, Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc.

Về điều này, không kể những người chống Mác ở “phía bên kia”, mà ngay cả một số nhân vật từng là tín đồ của Mác, được đào tạo cơ bản, được giao những trọng trách, từ việc thể hiện quan điểm, góp ý, đến đi ngược với xu thế chung, đã bị thất sủng, bị chế độ lên án, bị quản chế, thậm chí bị tù tội... mà phải đến tận hôm nay, nhờ Internet, nhiều người mới biết cụ thể những chính kiến của các vị qua những trang viết cụ thể. Muốn đánh giá tinh thần “xét lại”, “chống đối” đó đúng hay sai, hành động đó vì dân, vì nước hay vì cái tôi, và những cái tôi đó có thực sự siêu vĩ đại không (vì họ phê phán, phủ nhận toàn những nhân vật mà chế độ hiện thời đều cho là vĩ nhân cả như Các Mác, Lê Nin, Bác Hồ...) đầu tiên phải dựa trên dòng chảy liên tục của lịch sử, xem trên cái dòng ấy, ý thức hệ được tiếp thu rồi dẫn dắt đất nước như thế nào, tới hòa bình hạnh phúc hay bạo loạn và bất hạnh? Trước hết, có một sự thực khách quan, dù phía này hay phía kia buộc ta phải công nhận: Từ khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn thành lập nước Việt Nam mới, 2-9-1945, nước ta mới bắt đầu có lại chính thể, có người lãnh đạo, sau bao năm nước thì bị mất, vua thì bị đi đầy, dân thì không phải được sống trong “thế giới tự do” như bây giờ mà là dưới sự thống trị của một chủ nghĩa thực dân nguyên chất, với đầy đủ những thuộc tính như áp bức, bóc lột, tù đầy của nó. Những chủ nhân muốn đuổi kẻ cướp nước mình, khi bị bắt, thì bị xâu dây thép vào tay như người ta xiên cá, và cuối cùng là hàng mấy triệu người chết đói... Vậy chính Bác Hồ cùng Đảng Cộng sản đã tiếp nối truyền thống của Đinh Bộ Lĩnh, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung... giành lại đất nước từ tay bọn xâm lược chứ không phải ai hay bất cứ một thế lực nào khác. Có một số người cho rằng cuộc cách mạng giành độc lập, theo luật pháp quốc tế, chỉ là một cuộc đảo chính, bởi tại điện Elysée, đích thân Tổng thống Pháp Vincent đã chính thức trao trả quyền độc lập cho Việt Nam vào ngày 8.3.1949 với đại diện là cựu hoàng Bảo Đại. Nhưng có điều họ không biết, thực chất Pháp đã trao trả cái mà Pháp không có, bởi Pháp đã bị Nhật đảo chính ngày 9.3.1945, ngày mà ông vua còn đang bận đi săn! Liền sau đó ông cũng đã tuyên bố hủy bỏ những hiệp ước ký với Pháp và ngày 12.8.1945 còn làm lễ “thoái vị” giao quyền lãnh đạo đất nước cho Chính phủ Lâm thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rồi sau đó khi Mỹ không ký vào Hiệp nghị Giơ-ne-vơ (7.1954), phá hỏng tổng tuyển cử 7.1956, thành lập chính phủ Việt Nam Cộng hòa, đem quân vào, thì sau đó việc lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến thống nhất đất nước của một chính phủ hợp pháp là lẽ đương nhiên, và cuộc kháng chiến đó là chính nghĩa cũng là lẽ đương nhiên. Còn lúc này mà đi theo “chủ nghĩa” nào đó đòi “chung sống hòa bình”, chấp nhận sự chia cắt đất nước, thì rõ ràng đã đi ngược dòng chảy lịch sử. Ngay cả Khơrutxov, cha đẻ của tư tưởng “chung sống hòa bình” đó, năm 1964 cũng đã bị hạ bệ do trước đó đã ra tay đàn áp sự nổi loạn của nông dân ở Poznan, Ba Lan và ở Budapest, Hungary mà chính sách của ông đã gián tiếp dẫn tới. Còn tư tưởng có thể đạt được thắng lợi bằng bất bạo động, đàm phán? Khi biên tập cuốn tiểu thuyết của Đại tá Phi công Vũ Thành, như một cuốn biên niên sử về Quân chủng Phòng không-Không quân Việt Nam, tôi mới biết, Mỹ đã khoanh một vòng tròn 60 km quanh Hà Nội và Hải Phòng chừa ra không đánh, thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại để mặc cả, muốn chấm dứt chiến tranh theo ý đồ của mình, rồi không được mới dùng B52 đánh thẳng vào Hà Nội và Hải Phòng, cuối cùng vẫn không được, và khi hết mọi cách, Mỹ mới chịu thất bại hoàn toàn. Như vậy, làm sao có chuyện chỉ có thể đàm phán suông mà kết thúc được chiến tranh, cũng giống như khi một tên kẻ cướp lấy được của quý rồi, chủ nhà làm sao “đàm phán” được nữa, lẽ ra phải kêu công an hoặc hàng xóm can thiệp.

Vậy thực là sai lầm khi Bùi Tín viết: “Cái sai lớn nữa của Mác là đã đề cao một chiều bạo lực và chuyên chính vô sản, coi dùng bạo lực như là phương thức duy nhất để chuyển sang chế độ chính trị mới” (trong cuốn Mặt thật); và Hà Sĩ Phu: “Nhưng Mác-Lê tâng bốc đấu tranh giai cấp thành động lực duy nhất thúc đẩy tiến hóa để có sức mạnh mà giành chính quyền” (trong bài “Triết học Mác-Lê: Khủng hoảng phương pháp luận”). Đó chính là những sai lầm khi phủ nhận cái quy luật: trong đấu tranh đối kháng chỉ có thể giành thắng lợi bằng bạo lực, bạo lực là “bà đỡ” của cách mạng; cái quy luật mà không phải do con người hiếu chiến Mác nghĩ ra mà ông đã rút ra được từ chính lịch sử phát triển xã hội.

Còn Hoàng Minh Chính, tại Đại học Harvard, ngày 28 tháng 9 năm 2005, nói: “Trước hết, Marx và Engels tuyên bố rằng “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”, và cho rằng: “Luận điểm này đi ngược lại lịch sử phát triển khách quan của xã hội loài người”, mà theo ông: “Trên cái nền tảng vật chất sản xuất và thương mại, khoa học và công nghệ” “xã hội loài người đã thăng trầm trải qua các nền văn minh đồ đá, đồ kim khí, máy hơi nước, v.v”. Như vậy, Hoàng Minh Chính đã không hiểu đúng văn bản, không hiểu nội hàm các khái niệm, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Tôi thật không ngờ một ông cựu Viện trưởng Mác-Lê, có gan đội đá vá trời mà lại có thao tác tư duy sai lạc như thế. Thực ra Mác nói “lịch sử xã hội” là nói lịch sử chính trị, lịch sử thay đổi các chế độ, ông lại đi phân tích “lịch sử phát triển văn minh” rồi chê Mác “đi ngược”, như thể ông phân tích một bài văn và không thấy cộng, trừ, nhân, chia đâu cả, nên chê là không hay! Hà Sĩ Phu cũng có sai lầm tương tự Hoàng Minh Chính khi viết: “Nếu biết nhìn lịch sử một cách thật biện chứng như một quá trình thống nhất ắt các ông phải thấy "trí tuệ" mới là động lực... và không dựng ra một học thuyết đấu tranh giai cấp rùm beng như thế”.

Còn trong thực tế có vài trường hợp thành công bằng con đường hòa bình như Mahatma Gandhi thì theo học giả Hoàng Xuân Hãn, một chứng nhân lịch sử, khi trả lời Thụy Khuê đã nói: “Nhưng thực ra, với Gandhi, ... cũng may vì có chiến tranh thế giới cho nên các ông ấy mới được độc lập, không phải là tự các ông ấy mà gỡ ra được. Nói thực như thế”. Một thực tế khác, chỉ trong vòng bốn năm từ 1945-1949 đã có hàng loạt nước vốn là thuộc địa được thực dân Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Bỉ,... chủ động trao trả lại quyền độc lập, mà không hề phải qua con đường khởi nghĩa vũ trang hay bạo động. Điều đó xảy ra vì thực chất, các nước thực dân buộc phải lựa chọn như vậy là để tránh việc nhân dân các nước vùng lên giành lại quyền độc lập và sẽ rơi vào quỹ đạo của chủ nghĩa cộng sản; sợ điều mà chính Tổng thống Mỹ H. Truman đã lo ngại: "Nếu một quốc gia ở Đông Nam Á rơi vào tay cộng sản thì các quốc gia khác sẽ lần lượt lọt vào tay cộng sản như một dãy cờ domino vậy". Như vậy, tất cả những biến cố đã xảy ra trong lịch sử không phải tự thân mà có mà chính là kết quả tất yếu của những nguyên nhân, và nguyên nhân cơ bản nhất là quy luật sử dụng bạo lực trong đấu tranh đối kháng. Ngay cả một loạt thay đổi trong xã hội tư bản hướng về phía công bằng, tiến bộ, nhân đạo... cũng không phải tự nhiên mà có. Bùi Tín viết: “đời sống của công nhân vẫn có thể được cải thiện rõ, đông đảo người lao động có thể trở thành những người tham gia bằng cổ phần, cổ phiếu vào vốn kinh doanh và thành một kiểu chủ nhân của công ty”. Thực ra ông cũng nói theo Bách khoa toàn thư Wikipedia: “hiện tượng Chủ nghĩa tư bản toàn dân như hiện nay của các xã hội Âu-Mỹ khi công nhân cũng có thể là đồng sở hữu của phương tiện sản xuất thông qua cổ phần... thì Marx không thể nào có thể tưởng tượng ra nổi”. Đúng là Mác không tưởng tượng ra nổi thật, nhưng để chạy đua với các nước XHCN, các nước tư bản đã tự thay đổi, một hành động mà tôi gọi là “tự chết” theo đúng tư tưởng nhân đạo và công bằng của Mác. Những tính chất xấu xa của chủ nghĩa tư bản đã tự mất đi như "Người với người là chó sói" (Lenin); rồi: “chuyên chính tư sản - chính là chiến tranh thực dân trong lịch sử hai trăm năm gần đây, chế độ tư bản... phải dùng chiến tranh để giải quyết cái “tham lam” (greed), chủ nghĩa tư bản nói “greed is good” (tham lam là điều thiện)... Trong lý luận của chế độ tư bản chính thống, không có khái niệm dân chủ”. (Ngô Thanh Nhàn, Giáo sư thỉnh giảng Trường Đại học New York, thành viên Ban Điều hành Brecht Forum). Về mặt thay đổi này, tôi thấy các nước tư bản trung thành với Mác hơn cả những nước XHCN với sự “quan liêu, giáo điều, duy ý chí” của nền kinh tế kế hoạch tập trung ở Liên Xô, triết lý phản tiến bộ “an bần lạc đạo” của Trung Quốc.

Điều cuối cùng, Hà Sĩ Phu trong bài “Triết học Mác-Lê: Khủng hoảng phương pháp luận” viết: “Cứ cho mọi điều Mác-Lê đã nói là đúng hết đi... thì vẫn còn một sai lầm không thể chối cãi là sai lầm về phương pháp luận!”, tức Hà Sĩ Phu muốn phủ nhận Mác ở cấp độ sâu xa nhất, cơ bản nhất, cái cơ sở khoa học của lý luận. Ông lý luận: “Nếu đã hiểu thuộc tính quan trọng nhất của ý thức là tính "phản ánh" và tính "tác động" thì phải biết rằng thuộc tính ấy là của vật chất nói chung, biểu hiện ở tất cả mọi mức độ từ thấp lên cao. Cục sắt và thanh nam châm, vật nọ phát tín hiệu và phản ánh vào vật kia và tác động trở lại vào vật kia. Giữa phân tử ôxy và hydro cũng như vậy... chúng nhận thức lẫn nhau và tác động lẫn nhau”. “Không thể tách ý thức của con người ra khỏi khả năng "phản ánh" và "tác động" của thế giới vật chất nói chung. Không phải đến con người thì cái "ý thức" thiêng liêng ấy mới đột nhiên xuất hiện. Ý thức không phải là chuyện riêng của thế giới con người (nếu mang nghĩa hẹp ấy thì nó chỉ tương ứng với quy mô xã hội thôi, sao có thể đem đọ với quy mô vật chất được?) “Ý thức tinh thần chính là thuộc tính chung của thế giới vật chất. Không thể có cái thứ vật chất không có tinh thần, cũng không có cái thứ tinh thần ngoài vật chất: Tách thành vật chất và tinh thần để rồi cho rằng cái này có trước, cái kia có sau tức là tách "vật chất" ra khỏi chính thuộc tính của nó thì vô nghĩa biết chừng nào! Thử hỏi thanh nam châm và cái thuộc tính hút sắt của nó thì cái nào có trước? Vật chất và tính phản ánh của nó cũng vậy. Không thể có vật chất và ý thức, chỉ có thế giới vật chất đang vận động, đang tự ý thức, tự phản ánh, tự tác động phần này vào phần kia và tự biến đổi”.

Quả thật, tôi cũng lại quá ngạc nhiên và buồn cười trước Hà Sĩ Phu, một tiến sĩ sinh học, có tâm hồn văn chương, nhiều tham vọng, trong lĩnh vực lý luận có nhiều ý khá độc đáo (nhưng có đúng không thì phải xem) khi ông vo viên tất cả lại như trên. Nếu làm như ông thì mọi lý luận, mọi nghiên cứu khoa học trên đời không còn nữa. Để nhận thức thế giới tự nhiên và xã hội, đưa ra những lý thuyết và lý luận phục vụ lại cuộc sống con người, con người buộc phải tiến hành những thao tác phân lớp, chia tách, thành những đối tượng, những hàm số, thông số, biến số (với khoa học tự nhiên) và những khái niệm với những “nội hàm” và “ngoại diên” nhất định (khoa học xã hội); từ đó mới tiến hành thí nghiệm, phân tích, biện luận, chứng minh rồi đưa ra những kết quả; rồi lại đem những kết quả ấy ứng dụng vào thực tế và được chính thực tiễn cuộc sống kiểm tra, điều chỉnh... Cứ thế, hành trình phát triển nền văn minh là một quá trình vận động không ngừng theo nguyên lý “phủ định của phủ định” để tiệm cận đến chân lý. Với tinh thần đó, khái niệm “vật chất” của chủ nghĩa Mác là “thực tại khách quan”, là “một tập hợp vô hạn những hiện tượng, khách thể và hệ thống đang tồn tại trên thế giới”; còn “Ý thức” là “hình thức phản ánh cao cấp, riêng có ở con người, đối với thực tại khách quan”, là “toàn bộ quá trình tâm lý tích cực tham gia vào sự hiểu biết của con người đối với thế giới khách quan”. Từ những quy ước triết học đó, (không coi tính chất hóa học và lý học của vật chất là ý thức, tức có ngoại diên nhỏ hơn khái niệm ý thức của Hà Sĩ Phu nói trên) chủ nghĩa Mác cho “vật chất có trước và sinh ra ý thức” trong bình diện tự nhiên; rồi từ cơ sở khoa học đó vận dụng trong bình diện xã hội cho: vật chất quyết định ý thức, lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất, cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng... Tính “quyết định” ở đây có nghĩa là trong một hệ thống muốn phát triển tốt phải khảo sát, xây dựng trước, được xác định là lực khởi động, chứ không có nghĩa là không có tác động qua lại và ngược lại. Chính vì hiểu tính “quyết định” một chiều nên trong thực tế, người đi theo thì vận dụng sai, người phủ nhận thì hiểu sai. Trong giới hạn một bài viết tôi không thể chứng minh hết được, chỉ riêng nguyên lý vật chất có trước và sinh ra ý thức, thì ai hiểu biết khoa học sẽ thấy trong thực tiễn, nó đã được chứng minh cụ thể và rõ ràng nhất. Con người đã làm ra trí tuệ nhân tạo, thay quyền năng của Tạo hóa, bắt sắt thép cũng biết suy nghĩ; trong lĩnh vực y học và sinh học, khi nghiên cứu cấu tạo cũng như hoạt động hệ thần kinh, người ta đã thấy trí thông minh được điều khiển bằng những gen, thấy bản chất dẫn truyền thần kinh là những xung điện được tạo bởi những ion các chất hóa học; bản thân ý thức cũng có tính điện từ khi người ta có thể điều khiển các thiết bị máy móc bằng ý nghĩ; nhiều thuốc chữa bệnh thần kinh và những thuốc kích thích gây nghiện cũng thể hiện được một phần nguyên lý vật chất quyết định ý thức nói trên...

Như vậy, theo tôi tinh thần chống đối của các vị trên dường như xuất phát từ tính kiêu ngạo tiểu nông, khí khái phong kiến, chưa biết mình, biết người, nên chẳng khác gì hành động muốn lấy gang tay đo cao rộng của trời đất, lấy bát ăn cơm đong nước của biển cả, để cuối cùng thân làm tội đời. Dù tôi không đồng ý cách xử lý mang tính bạo lực của chế độ với các vị, mà lẽ ra trong thời bình nên sử dụng diễn đàn công khai để cho lý lẽ đấu tranh với lý lẽ, nhưng nói các vị bị oan hoàn toàn thì cũng không phải. Theo tôi, biết khâm phục tài năng cũng là một tài năng, còn không phải cứ bạo miệng chê những nhân vật vĩ đại là sẽ thành người vĩ đại!

Trong thực tế “các nước dân chủ” đang thắng thế (tôi tạm gọi vậy vì các nước này không còn hoàn toàn theo chủ nghĩa tư bản theo định nghĩa của Mác nữa), có những con chiên chối Chúa của mình nêu trên, nhưng cũng có những học giả tư sản như Barbara Supp, Marian Blasberg,và Klaus Brinkbäumer, trong bài “Con lật đật” (talawas, 19.10.2005), đã viết rất tốt về Mác: “Cụ đã mổ xẻ cái hệ thống „trục lợi“ này xuất sắc hơn ai hết. “Như thể Karl Marx đã đội mồ đứng dậy“, tạp chí Mỹ Newsweek băn khoăn, khi Franz Müntefering, chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Đức, bắt đầu sử dụng những ngôn từ như trên vào tháng 4 năm nay, lúc ông nói đến đến „bầy châu chấu“, ám chỉ những nhà đầu tư đã moi ruột các doanh nghiệp Đức và có thể nói là đã moi ruột cả nước Đức; rồi: “Tại sao một ông chủ ngân hàng đầu tư Hoa Kỳ lại để người ta trích lời mình rằng „Marx có cái nhìn chính xác nhất về chủ nghĩa tư bản“, và càng hoạt động lâu ở Wall Street thì „tôi càng đoán chắc rằng Marx có lý“?”; rồi nữa: “Theo thăm dò dư luận mới đây của tạp chí Đức Der Spiegel, cụ được dân chuộng một cách đáng ngạc nhiên, mà không phải chỉ ở Đông Đức: 50 phần trăm dân Tây Đức nói rằng sự phê phán chủ nghĩa tư bản của Karl Marx „ngày nay vẫn mang ý nghĩa của nó." Thậm chí 56 phần trăm thấy rằng chủ nghĩa xã hội là „một tư tưởng hay nhưng được thực hành tồi" - trong giới trẻ, sự đồng tình còn cao hơn nữa”. Derrida, một triết gia tư sản, cũng viết:“Không thể không có Marx, không thể có tương lai nếu không có Marx” trong Những bóng ma của Marx (Nxb Chính trị Quốc gia và Tổng cục II - Bộ Quốc phòng, Hà Nội, 1994). Bách khoa toàn thư Wikipedia viết: “Lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản là đối trọng để chủ nghĩa tư bản trở nên tốt đẹp hơn để được xã hội loài người chấp nhận. Từ chủ nghĩa tư bản với sự tự do bóc lột - và đầy rẫy bất công tạo ra mầm mống của bạo động và cách mạng, thế giới cũ đã tìm các cách thích nghi và triển khai một xã hội công dân mà trong đó mọi thành phần xã hội đều có thể phát triển, các mâu thuẫn xã hội không thể đã hết nhưng đã có những cơ chế thỏa hiệp để giải quyết trên cơ sở hợp lý cho các giai tầng xã hội. Đây là một đóng góp gián tiếp rất lớn của chủ nghĩa xã hội.

Trong lịch sử mấy chục năm tồn tại của mình các nhà nước tiêu biểu của chủ nghĩa xã hội đã triển khai một số các biện pháp kinh tế chính trị xã hội mà ngày nay đã được áp dụng một cách hợp lý sau khi loại bỏ đi những hạt nhân phi hợp lý. Các ví dụ như vậy rất nhiều như: kế hoạch hóa quy mô vĩ mô, dồn nguồn lực quốc gia cho những dự án lớn có tính quan trọng sống còn, hệ thống bảo hiểm xã hội toàn quốc, các kinh nghiệm về quốc hữu hóa,vai trò của kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế...Đó là những đóng góp của chủ nghĩa xã hội cho tri thức quản lý nhà nước của nhân loại”.

Ngay ông Bùi Tín cũng viết trong Mặt thật: “Tháng 8-1992 tôi ghé qua Berlin, ở phía Đông Đức cũ, còn nguyên tượng đài Marx-Engels ở ngay trung tâm Alexander gần tháp vô tuyến độc đáo, ở bên Tây Berlin có một đại lộ loại bự nhất mang tên Đại lộ Karl Marx”.

Trong thực trạng của thời hiện đại, thời đại chưa bao giờ hết bạo lực, bất bình đẳng, bài ngoại, nạn đói, thất nghiệp, mất không gian sống, chiến tranh thị trường, tình trạng nghèo khổ phổ biến ở vùng Nam bán cầu, sự đe dọa khủng khiếp của công nghiệp vũ khí và bom hạt nhân, chiến tranh sắc tộc tràn lan, sự lộng hành của các thế lực tội ác có tổ chức, tình trạng luật pháp quốc tế bị một số cường quốc thao túng và từ đó áp bức kinh tế, lại gây tác hại đến một phần nhân loại đông đảo (dẫn theo một tác giả trên talawas mà tôi đã quên tên) thì trở về với chủ nghĩa Mác, với tất cả các biện pháp thể chế thế nào đó để thực hiện đúng tinh thần nhân đạo, xóa bóc lột, nô dịch để đạt công bằng; làm theo đúng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác “vật chất quyết định ý thức”; “đấu tranh giữa các mặt đối lập là động lực phát triển” (trong khoa học, các chất phản ứng được hoạt hóa, cọ xát nhau tạo đối lập về điện tích (ion âm và dương) mới sinh ra được chất mới), vậy đấu tranh ở đây là để sinh sôi chứ không phải tiêu diệt nhau; từ đó tiến tới một xã hội mà trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản có ghi: “trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (tr. 130, sđd),... thì tôi tin là, thế giới sẽ tiến tới một xã hội dù không phải là “thiên đường” như xã hội cộng sản chủ nghĩa thì cũng là một xã hội tốt đẹp hơn nhiều những cái mà chúng ta hôm nay đang sống.

TPHCM 4-1-2006

© 2006 talawas