trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
2.3.2006
Nguyá»…n Quang A
Đôi lời cùng GS. Nguyễn Đức Bình và Góp ý với Đảng Cộng sản Việt Nam
 
Sau khi đọc bài “Xây dựng Đảng ta thật vững mạnh” của Giáo sư Nguyễn Đức Bình đăng trên báo Nhân dân ngày 23-2-2006 và được trích đăng trên Tuổi trẻ ngày 25-2-2006, tôi chỉ muốn có đôi lời trao đổi với Giáo sư mà chưa có ý định góp ý cho dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trình lên Đại hội X. Nay, đọc lại bản thảo ban đầu, tôi thấy mình nên sửa đôi chỗ và thêm một phần cuối, như phần kết luận, để bài viết có thể mang nội dung như tựa đề trên.

Trước hết, xin có đôi lời với Giáo sư.

Thứ nhất, tôi hoàn toàn nhất trí với Giáo sư là: “đã đến lúc tất cả phải được đặt lên bàn nghị sự”. Nhưng phải hỏi ngay Giáo sư [và một số người khác] rằng, ai được quyền đặt “tất cả” “lên bàn nghị sự”? Tôi cho rằng tất cả những ai quan tâm đều có quyền đó, cho dù ý kiến của họ có khác nhau đến đâu, chứ không phải chỉ có những người có “đặc quyền” hay “độc quyền” mới có quyền đó. Tôi chắc Giáo sư khó phản đối quan điểm này của tôi. Cứ cho là như vậy đi, thì những câu tiếp theo của Giáo sư như “… đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trước đây, hiện nay và cả trong tương lai không gì thay thế được. Bởi ở nước ta không có đất cho một đường lối chính trị nào khác tốt hơn khả dĩ được nhân dân chấp nhận ngoài đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Khách quan lịch sử mà nói, một đường lối khác, chẳng hạn đường lối xã hội dân chủ ai đó đang mơ tưởng, dù có tô vẽ ngụy trang thế nào đi nữa thì rốt cuộc vẫn không thể gì khác là một đường lối đưa dân tộc ta đi con đường tư bản hoang dã tồi tệ nhất, cuối cùng không tránh khỏi trở lại số phận nô lệ hay phụ thuộc vào các thế lực đế quốc, phản động, thực dân mới kiểu mới”, cũng như tất cả các ý kiến khác nêu trong bài báo đó, phải được xem là ý kiến của một cá nhân cụ thể - của Giáo sư Nguyễn Đức Bình. Tôi tôn trọng ý kiến của Giáo sư và tôi hi vọng ý kiến của tất cả những người khác, trong đó có của tôi, cũng được tôn trọng và được tạo cơ hội bình đẳng trong thảo luận. Nhưng tôi cũng phải bác bỏ một cách dứt khoát một số khẳng định không hề có tính khoa học của Giáo sư.

Chẳng có cái gì là vĩnh hằng, là mãi mãi đúng đến nỗi “hiện nay và cả trong tương lai không gì thay thế được”. Chỉ có cái chết hoạ may mới được như thế! Cách nói như vậy nghe có vẻ không Marxist cho lắm! Câu tiếp theo của Giáo sư mới ngạo mạn và chủ quan làm sao. Đấy là ý của Giáo sư hay Giáo sư đã hỏi nhân dân Việt Nam? Và hỏi, thì hỏi khi nào, hỏi bằng cách nào? Cách nói của Giáo sư về đường lối xã hội dân chủ chẳng khác gì đưa dân tộc ta vào “con đường tư bản hoang dã tồi tệ nhất, … không tránh khỏi trở lại số phận nô lệ hay phụ thuộc vào các thế lực đế quốc, phản động, thực dân…” chứng tỏ Giáo sư không chịu cập nhật thông tin, mà chỉ đọc những sách có lẽ được Giáo sư cho là kinh thánh. Thế giới đã thay đổi kinh khủng từ khi Marx viết Tư bản luận. Và Marx, với tư cách một nhà phân tích xã hội của thời kì tư bản hoang dã đó, đã có công lao to lớn với giai cấp tư sản, với “bọn tư bản” để buộc nó phải thay đổi, phải ứng phó. Hãy nhìn khắp thế giới đã phát triển để xem “bọn tư bản hoang dã” đã làm được những gì trong việc phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, khoa học, bảo vệ con người và tự nhiên? Thế giới đó không còn là hoang dã và man rợ nữa, họ đã qua giai đoạn đó cả trăm năm rồi. Thật trớ trêu là Marx, nhà phê phán lỗi lạc của chủ nghĩa tư bản lại là một trong những người có công to lớn đối với chủ nghĩa tư bản, vì ông đã vạch trần những bất công, mâu thuẫn của xã hội lúc đó. Và “bọn tư bản” “đáng nguyền rủa” lại chịu khó đọc ông, thấy cái hay và cái dở của ông và thích ứng để phát triển. Cũng trớ trêu không kém là, Marx thực sự đã làm hại các môn đồ của mình khôn xiết. Những người tôn ông lên làm giáo chủ, nhất nhất coi ông và các tông đồ là những người luôn luôn đúng, đã tự giam hãm mình về mặt tư duy, đã không tạo điều kiện cho sáng tạo, đã đưa hàng trăm triệu người đến chỗ phải chịu biết bao thống khổ, nghèo nàn, đã đưa bao đất nước vào sự tụt hậu triền miên. Tôi e là những người lúc nào cũng huyênh hoang trung thành, kiên định với chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ, lại chính là những người đưa dân tộc vào con đường hoang dã “tiền tư bản chủ nghĩa” nhưng mang cái danh rất “hấp dẫn”, rất “quyến rũ” lòng người. Chúng ta chỉ có thể tiến dần đến chân lý, qua tư duy, qua thảo luận, qua tranh luận mang tính phê phán, qua hành động, và quan trọng nhất - qua kiểm nghiệm của thực tiễn. Ngay cả khi đó, cái mà đại đa số có được sự thống nhất cũng chưa chắc đã là chân lý. Vậy nên, không ai, không tổ chức nào, dẫu công trạng quá khứ của họ có được cho là to lớn đến đâu, có thể coi mình có độc quyền chân lý. Tính có thể sai là tính vốn có của con người. Cái hay là, con người có thể sai ấy lại biết học qua quá trình “thử và sai”. Tôi là người có thể sai, và Giáo sư Bình, các lãnh tụ lỗi lạc từ cổ chí kim cũng đều là những con người có thể sai, và nhiều khi họ đã mắc những sai lầm nghiêm trọng, tác hại của những sai lầm đó càng lớn khi địa vị của họ càng cao.

Tôi cũng đồng cảm với Giáo sư Bình khi ông viết về Đảng của mình: “… thiếu nhất trí thực chất là ở chỗ nào, quan điểm khác nhau ra sao, căn nguyên của sự thiếu nhất trí ở đâu, thì chưa bao giờ được đặt ra phân tích mổ xẻ đến nơi. Nay đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và Ðại hội X nhìn thẳng vào sự thật này vì đã đến lúc không thể nào tránh né”. Tôi cũng thống nhất cần thảo luận ra ngô ra khoai ba vấn đề lý luận then chốt mà Giáo sư Bình nêu ra:

- Sau thảm hoạ sụp đổ ở Liên Xô, Ðông Âu, chúng ta có nên tiếp tục con đường xã hội chủ nghĩa nữa hay không? Có thể có con đường nào khác phù hợp hơn? Hoặc: hãy thôi nói chủ nghĩa xã hội, thôi nói chủ nghĩa Mác - Lênin, mà cứ làm sao cho "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" là được rồi?

- Bản chất Ðảng có gì thay đổi? Có nên giữ như lâu nay: "Ðảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của cả dân tộc" hay nên thay bằng công thức mới: "Ðảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động, của dân tộc".

- Về đảng viên có nên cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, cho phép kết nạp cả những nhà tư bản tư nhân vào Ðảng hay không?

Giáo sư Bình phàn nàn “các vấn đề rất ít được đặt ra để thảo luận, tranh luận” và kiến nghị “Trung ương cho ra một tờ nội san, lưu hành có hạn chế trong Ðảng, có thể đặt tên là ‘Tranh luận’ để đăng những bài có quan điểm khác nhau mà không thể đăng công khai. Ðể bảo đảm chặt chẽ, có thể quy định trong tôn chỉ mục đích nội san là tất cả bài vở đều không được chống lại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh chính trị và đường lối cơ bản của Ðảng, mặc dù có thể cho phép có những phê phán riêng rẽ về những luận điểm cụ thể này hay khác, chủ trương cụ thể này hay khác, không phải là đường lối và nguyên lý cơ bản”. Tôi không muốn xen vào việc nội bộ của Đảng, song vì các quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đụng chạm đến hiện tại, tương lai của cả hơn 80 triệu người, tôi đề nghị có thảo luận công khai cho mọi người bàn về những chuyện hệ trọng của đất nước, trong đó có thể có chuyện của Đảng Cộng sản nếu họ muốn. Đảng Cộng sản có nghe hay không là chuyện của Đảng, tôi nghĩ thảo luận rộng rãi, công khai là có lợi cho đất nước, và cũng có lợi cho Đảng Cộng sản. Tại sao lại không thể đăng công khai? Làm gì có chuyện mờ ám mà phải sợ công khai? Tôi nghĩ tranh luận phải thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng và khoan dung, dựa vào lý lẽ và thực tiễn, không được dùng diễn đàn lăng mạ nhau, không được xúi giục chiến tranh, chia rẽ dân tộc, kích động hận thù, kích động bạo lực, v.v…; nhưng còn “không được chống” cái này cái nọ, theo như Giáo sư nói, nghĩa là thế nào? Trong tranh luận, sự phê phán có thể rất kịch liệt, vậy thế có là chống không? Không thể. Cách tổ chức tranh luận mà chưa chi đã răn đe, chặn trước những ý kiến phê phán thì phỏng tranh luận có ích chi? Đó là tranh luận không công bằng.

Bây giờ xin có vài lời về các câu trả lời của Giáo sư cho các vấn đề mà chính Giáo sư đặt ra.


I. “Kiên định con đường xã hội chủ nghĩa đã lựa chọn” là câu trả lời của Giáo sư cho câu hỏi then chốt thứ nhất. Vấn đề là ở chỗ “con đường xã hội chủ nghĩa đã chọn” là con đường nào? Nếu “con đường đã lựa chọn” ấy là xoá bỏ sở hữu tư nhân, là thiết lập duy trì sự độc quyền của một số nhỏ, là kế hoạch hoá tập trung, là “trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ”, v.v., thì nhân dân thế giới, dân tộc Việt Nam đã có câu trả lời dứt khoát: không cần. Và theo tôi hiểu Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã vất bỏ “con đường đã chọn” đó. Giáo sư hỏi tiếp: “Ðảng ta, đất nước ta có đi con đường xã hội chủ nghĩa nữa hay không? Không vòng vo, lấp lửng, tránh né, mà phải trả lời dứt khoát, rõ ràng”. Tôi rất mừng và hoàn toàn đồng ý rằng từng người phải cố tìm ra câu trả lời của mình. Song tôi lại xin hỏi Giáo sư “con đường xã hội chủ nghĩa” không có bổ ngữ “đã chọn” là con đường nào? Chắc Giáo sư cũng đồng ý với tôi rằng con đường xã hội chủ nghĩa theo kiểu đã từng được tất cả các nước “xã hội chủ nghĩa” trước các năm 1990 của thế kỷ trước “lựa chọn” đã hoàn toàn thất bại. Thế mới có, theo lời Giáo sư, “thảm hoạ sụp đổ” ở Liên Xô và Đông Âu, thế mới có đổi mới ở Trung Quốc và Việt Nam. Giả như nếu có hỏi ý kiến về cụm từ “thảm hoạ sụp đổ” của Giáo sư thì tôi chắc không dưới 85% người dân ở các nước ấy sẽ đơn giản bỏ từ “thảm hoạ” và thêm chữ “sự” để thành “sự sụp đổ” mà thôi. Nhưng mỗi người đều có quyền tự do ý kiến. Tôi không đồng ý với cách dùng từ và chính kiến của Giáo sư nhưng vẫn tôn trọng ý kiến của Giáo sư.

Theo tôi tên gọi thực ra không quan trọng, nội dung mới là quan trọng. Nếu hiểu nội dung của “xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam là làm sao cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, là làm sao có hoà bình, ổn định để mọi người có thể phát huy hết tài năng của mình, để mọi người có thể sống bình yên, khoan dung với nhau, để Việt Nam khỏi tụt hậu hoài hoài, để chống tham nhũng. Nếu Đảng Cộng sản Việt nam nói thật rõ như vậy, làm mọi việc để hướng tới thực hiện các mục tiêu ấy, chứng minh bằng việc làm là lời nói nhất quán với việc làm, và để nhân dân thực sự tin là như thế, và bất kể kẻ nào làm bất cứ gì tổn hại đến các mục tiêu cao quý như vậy thì không xứng đáng là đảng viên nữa, và tất nhiên kẻ đó bị khai trừ ra khỏi Đảng. Nếu đúng thế, thì tôi tin Đảng Cộng sản Việt Nam, hay dẫu có gọi bằng bất cứ tên gì khác, sẽ có số đảng viên nhiều gấp bội bây giờ. Và nhân dân Việt Nam sẽ một lòng theo Đảng, trừ phi có đảng khác cũng phấn đấu cho các mục tiêu ấy và làm tốt hơn Đảng Cộng sản Việt Nam. Chắc Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không, và cũng khó có thể cấm dân không theo cái đảng kia nếu họ làm tốt hơn mình.

Đơn giản vậy, nên đừng chụp mũ “chơi trò ngụy biện, đánh tráo khái niệm”. Những người đánh tráo khái niệm thường hay lên án người khác đánh tráo khái niệm. Hãy nói thật rõ mục tiêu của anh là gì, làm cách nào để đạt mục tiêu đó, hành động thật sự vì các mục tiêu đó, chứ không chỉ nói, và người dân sẽ phán xét. Tôi tin nếu làm thật rõ như thế, thì có thể Giáo sư phải lập một Đảng Cộng sản khác, có thể gọi là Đảng Cộng sản Việt Nam Marxist-Leninist, có các chủ trương như Giáo sư nêu trong phần “kiên định con đường xã hội chủ nghĩa” của Giáo sư và cạnh tranh với Đảng Cộng sản Việt Nam hiện hành. Và tôi tin đảng của Giáo sư sẽ có ít đảng viên, ít được dân ủng hộ hơn nhiều.

Tôi thông cảm với áy náy của Giáo sư khi phê phán Đảng mình “nói ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ nhưng trong thực tế phủ nhận hoặc coi nhẹ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước thì lời nói của anh là giả dối, vô giá trị, là nói một đằng làm một nẻo, không ít người hay dùng thủ thuật này. Anh nói Nhà nước chủ đạo chứ không phải kinh tế Nhà nước chủ đạo. Nói thế thật ra là nói để mà nói, bởi không có thực lực kinh tế làm chỗ dựa thì Nhà nước lấy gì để chủ đạo theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hay cứ buông tất cả nền kinh tế cho ‘bàn tay vô hình’ của lực lượng thị trường, thì ta khác gì tư bản, khác gì chủ nghĩa tự do mới?” Nhưng xin thưa với Giáo sư nếu không “nói một đằng làm một nẻo” như vậy thì các mục tiêu cao cả mà đại đa số nhân dân chấp nhận và Đảng Cộng sản Việt Nam cũng theo đuổi làm sao có thể thực hiện được? Nếu cứ để cho những người đồng ý với Giáo sư đổ thêm nhiều tiền của nhân dân và tiền vay nước ngoài, mà con cháu chúng ta sẽ phải è lưng ra trả nợ, vào các đề án rất công phu như “dâu tơ tằm”, “xi măng lò đứng”, và bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước có năng suất lao động thấp, tạo được ít công ăn việc làm, tiền nộp cho nhà nước không bằng tiền nhà nước trợ cấp, v.v., để cho không biết bao nhiêu cán bộ như ông Bùi Tiến Dũng móc ra đánh bạc, để cho các quan chức cấp cao của Bộ này, Uỷ ban nọ ăn đút lót, để cho nạn tham nhũng tràn lan mà báo chí và Đảng Cộng sản Việt Nam cũng cho là quốc nạn.

Tôi có thể chứng minh, nếu cần, cho Giáo sư rằng nhìn chung phần lớn doanh nghiệp nhà nước đã bị “tư nhân hoá” ngấm ngầm mất rồi, không còn là của sở hữu toàn dân như Giáo sư vẫn tưởng đâu. Các ông chủ thực sự của các doanh nghiệp đó về mặt pháp lý không phải là các cổ đông, nhưng họ là các ông chủ de facto đấy Giáo sư ạ. Nhà nước nên làm một đề tài về vấn đề này, và tôi đánh cược họ không chứng minh được nhận xét của tôi là sai đâu - nếu các chuyên gia độc lập cũng được tham gia. Tôi cũng phải nói thật với Giáo sư rằng tư nhân hoá là khái niệm rộng hơn cổ phần hoá. Nói cách khác, cổ phần hoá là một dạng của tư nhân hoá, và chưa chắc đã là dạng hay nhất. Cách cổ phần hoá ở Việt Nam hiện nay phần lớn không mang lại kết quả mong muốn. Nó chỉ tạo cơ hội cho bọn đục khoét dần tài sản nhà nước. Ai nghĩ rằng cổ phần hoá tạo ra sở hữu tập thể, một thành phần được ưu ái bởi vì kinh điển liệt nó vào khu vực “xã hội chủ nghĩa”, thì người đó chỉ tự hão mình hay cố an ủi mình vì cứ nghĩ nó phù hợp với “hệ tư tưởng”. Bán nhà công, hoá giá nhà công cho các vị, xin thưa cũng là “tư nhân hoá” đấy ạ. Người ta hoá giá biệt thự với giá rẻ mạt, và những người được mua có thể sang tên, rồi cho thuê, hay bán một phần với giá gấp nhiều lần giá mua.

Tôi cũng chẳng nên nói thêm về “định hướng” này định hướng nọ nữa. Đã chưa rõ hướng mà cứ sợ người này người kia “chệch hướng” là sợ cái gì? Định hướng XHCN cứ theo kiểu của Giáo sư muốn làm thì tôi e chúng ta lại phải trở lại Xếp Hàng Cả Ngày mất, chắc những ai đã phải xếp hàng cả ngày khó có thể đồng ý với Giáo sư về kinh tế nhà nước về định hướng XHCN về con đường đã lựa chọn. Tôi nghĩ vấn đề lý luận là rất quan trọng, song nó chỉ có thể phát triển trong môi trường cạnh tranh về tư duy, hay thực sự tự do tư tưởng, trong môi trường mà người dân có thể mở mồm ra được như cụ Hồ đã nói. Không có tự do tranh luận, thì các hội đồng lý luận có thể trở thành “hội đồng lú lẫn” như người dân vẫn nói. Những người làm lý luận nên nghiêm túc nghe những câu “tào phào” đầy thâm thuý của dân. Có sự tranh luận như vậy là một dấu hiệu rất tốt.


II.

Tôi không dám lạm bàn nhiều đến câu trả lời cho câu hỏi thứ hai của Giáo sư về “giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng”. Tôi thông cảm với những day dứt của Giáo sư. Tôi nghĩ phải quay lại những khái niệm cơ bản, xem trước kia người ta dùng chúng để chỉ cái gì, bây giờ còn dùng được không. Tôi e nhiều người mất quá nhiều thời gian bàn những chuyện “nhân tạo” không sát với thực tiễn. Mô hình, lý thuyết, học thuyết hay những cái tương tự là sản phẩm nhân tạo, do tư duy của con người tạo ra với hi vọng chúng có thể mô tả tốt thực tiễn. Các mô hình, học thuyết như vậy là rất quan trọng, song đừng thần thánh hoá mô hình nào cả, nó do một hay một số người có thể sai tạo ra. Không có mô hình đúng và mô hình sai, chỉ có mô hình dùng sát với thực tế hơn mô hình khác. Mô hình không sát với thực tế, hay bị thực tế bác bỏ, thì phải vất nó đi và tìm mô hình mới. Đấy là quá trình sáng tạo và hoàn thiện. Các khẳng định của Giáo sư về giai cấp tiên phong nhất, triệt để nhất, cách mạng nhất là những điều Giáo sư tự nhận thế, thôi hãy để thời gian và lịch sử đánh giá. Giáo sư nói về “nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô” là “sự xa rời, từ bỏ lập trường quan điểm mác-xít về giai cấp trong đường lối cải tổ, là sự thay thế vào đó bằng cái gọi là ‘tư duy chính trị mới’, thực chất là hệ tư tưởng tư sản, là đường lối thỏa hiệp, đầu hàng chủ nghĩa đế quốc, giúp chúng không đánh mà thắng”. Tôi e nếu chúng ta tiếp tục nghĩ như Giáo sư thì sự sụp đổ đó sẽ diễn ra ở đây nữa, mang lại một sự chuyển đổi đầy đau đớn và bất hạnh như ở các nước thuộc Liên Xô trước đây, nơi không có ổn định chính trị, nơi “bọn đầu sỏ” tước đoạt tài sản quốc gia, nơi Mafia hoành hành. Mà chúng ta thì cần một sự chuyển đổi tốt đẹp, ổn định, văn minh hơn, một sự chuyển đổi hoà bình, phi bạo lực, suôn sẻ sang nền dân chủ.


III.

Trả lời cho câu hỏi thứ ba của mình, Giáo sư thật trăn trở và đi đến kết luận “không” dứt khoát. Tôi rất đồng cảm với những trăn trở và day dứt của Giáo sư. Quả thực để cho “bọn tư nhân”, một thời dứt khoát phải bị tiêu diệt, vào Đảng Cộng sản, thì quả là khó dung hoà với ý thức hệ. Những trăn trở, day dứt, giằng xé đó là chân thật, là chân thành. Tôi tin không chỉ có Giáo sư mà còn nhiều đảng viên khác cũng nghĩ thế. Giáo sư viết:

Để mở đường đưa tư bản tư nhân vào Đảng, hay để cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, một con đường ngoắt ngoéo đã đi qua... ‘Đảng viên làm kinh tế tư nhân không giới hạn về quy mô’. Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là có thể làm giàu hết cỡ, làm tư bản tư nhân hết cỡ, có thể bóc lột hết cỡ mà (với những điều kiện nhất định?) có thể được làm đảng viên, như vậy có trái sờ sờ với ‘lẽ tự nhiên’ như Bác Hồ nói không? Nhưng tại sao một chính sách mới của Đảng quan trọng như thế mà lại không nói thẳng thắn, đàng hoàng, minh bạch, thậm chí không gọi sự vật đúng tên của nó?… Trước sau tôi vẫn không đồng ý quan điểm trong Đảng có thể có tư bản tư nhân, với những lý lẽ như sau:

Nói về tiêu chuẩn đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: ‘Đảng phải thật trong sạch, mạnh mẽ. Vì vậy đảng viên cũng phải thật trong sạch, mạnh mẽ tức là phải đúng những tiêu chuẩn sau đây:

Không bóc lột người. Đảng chống chế độ ‘người bóc lột người’. Lẽ tự nhiên, ai bóc lột người thì không thể làm đảng viên.
….
….

(Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 7, tr.237).

Đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin và như thế là rõ. Đảng Cộng sản mà lại cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, kết nạp vào hàng ngũ của mình cả chủ tư bản thì thật trái với ‘lẽ tự nhiên’. Đã là ‘lẽ tự nhiên’ nên đáng ra không phải bàn luận, tranh luận nhiều”.

Một người đảng viên, nhất là trong cách mạng XHCN, vì vậy, không thể vừa là chiến sĩ cộng sản lấy việc xóa bỏ chế độ bóc lột làm lý tưởng đời mình, lại vừa làm ông chủ tư bản lấy bóc lột lợi nhuận làm lẽ sống. Người đảng viên cũng là công dân nhưng không phải mọi điều công dân được làm thì đảng viên cũng được làm bởi đối với đảng viên, ngoài pháp luật còn phải tuân theo Điều lệ Đảng; nếu anh cho như vậy là đảng viên không bằng công dân, là mất quyền tự do công dân, thì nào có ai bắt buộc anh vào Đảng!”

“… trong điều kiện hòa bình xây dựng thông qua kinh tế thị trường, khó mà hình dung được một nhà tư sản đang đường đường là một ông chủ lấy lợi nhuận (và lợi nhuận tối đa!) làm mục tiêu, ngày đêm phải vắt óc suy nghĩ và xoay xở đủ cách (chính đáng và không chính đáng, hợp pháp và phi pháp) để đạt kỳ được mục tiêu đó (nếu không thì ông ta không là nhà tư bản), làm sao một người như thế đồng thời đêm ngày lo nghĩ được sự nghiệp XHCN của Đảng, làm tròn nhiệm vụ một đảng viên, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân? Động cơ vào Đảng của họ làm sao có thể trong sáng được, làm sao họ có thể tự nguyện rời bỏ giai cấp mình để hy sinh tất cả cho lý tưởng cộng sản, một chế độ không có người bóc lột người. Trái lại, họ vào Đảng cốt tìm kiếm chỗ dựa quyền lực để dễ bề làm ăn, kinh doanh. Ta biết rằng thời nay quyền lực và tiền bạc, tiền bạc và quyền lực thường dễ móc nối với nhau ranh ma quỷ quái thế nào. Và thật vô cùng nghịch lý khi nghĩ rằng kết nạp cả tư sản để mở rộng cơ sở xã hội, cơ sở quần chúng cho cách mạng XHCN!”

Vâng, rất bức xúc, rất trăn trở và day dứt. Và tôi trân trọng sự trăn trở đó của Giáo sư. Chỉ xin mạo muội góp vài ý như sau.

Lý lẽ cốt lõi của Giáo sư là “lẽ tự nhiên” của cụ Hồ mà Giáo sư trích ở trên. Đó là:

Không bóc lột người. Đảng chống chế độ ‘người bóc lột người’. Lẽ tự nhiên, ai bóc lột người thì không thể làm đảng viên”.

Theo Giáo sư người làm kinh tế tư bản tư nhân (tức là có thuê lao động, phân biệt với người làm kinh tế tư nhân cá thể, không thuê lao động) dứt khoát là người bóc lột, là người lấy bóc lột lợi nhuận làm lẽ sống. Họ là những người chăm chăm “làm giàu hết cỡ, làm tư bản tư nhân hết cỡ, có thể bóc lột hết cỡ”. Vậy cái ác cảm với nhà tư bản tư nhân là ở chỗ anh ta bóc lột. Anh ta làm giàu hết cỡ chẳng có gì đáng trách, vì chúng ta đang muốn dân giàu, và Đảng Cộng sản hoan nghênh cơ mà, chắc tôi không hiểu sai Giáo sư. Việc làm tư bản tư nhân hết cỡ cũng chẳng phải là lý do. Vậy anh ta bóc lột cái gì? Ai bóc lột ai? Bóc lột là gì? Phải tìm ra được câu trả lời cho những câu hỏi này thì mới có thể làm rõ ác cảm đó là thế nào.

  1. Vậy bóc lột là gì? Nó dẫn tới đâu? Để trả lời các câu hỏi này cần nhiều trăm trang viết cũng chưa thấu đáo, và tôi e cũng không đạt đến kết quả thống nhất. Chỉ cần lên Internet, vào Google và gõ từ “exploitation” (sự bóc lột) trong vòng 0,1 giây cho chúng ta hàng chục triệu mục liên quan đến sự bóc lột, trong đó có hàng ngàn định nghĩa khác nhau về bóc lột. Vào Wikipedia ta thấy chi tiết định nghĩa Marxist, định nghĩa tân cổ điển, định nghĩa tân tự do về bóc lột. Mục bóc lột của Bách khoa thư Đại học Stanford có liệt kê 16 định nghĩa khác nhau của các học giả về bóc lột, trong đó có 2 định nghĩa theo cách tiếp cận Marxist. Bóc lột gắn với giao dịch giữa hai tác nhân A và B. Các định nghĩa trên đều có nét chung là: A (kẻ bóc lột) bóc lột B (người bị bóc lột) khi A lợi dụng B một cách không công bằng. Các nhà Marxist nói về bóc lột đại thể như sau: nhà tư bản (A) bóc lột người làm thuê (B) bằng cách chỉ trả B đồng lương (tương ứng với thời gian lao động cần thiết) bằng giá trị tái tạo ra sức lao động của B trong khi B phải lao động dài hơn thời gian đó. Giá trị tương ứng với hiệu của tổng thời gian lao động và thời gian lao động cần để tái tạo sức lao động được Marx gọi là giá trị thặng dư. Nói cách khác bóc lột là bóc lột giá trị thặng dư, và đó là nguồn duy nhất của lợi nhuận của nhà tư bản. Tôi không đi vào chi tiết, chỉ muốn gợi ý rằng vấn đề là cho đến nay cũng chưa ngã ngũ về bóc lột là gì. Vậy nên cái “lẽ tự nhiên” cũng còn phải bàn cãi chán. Lý thuyết về bóc lột, về giá trị thặng dư của Marx được nhiều người ca ngợi và cũng bị nhiều người hơn phê phán và bác bỏ (tiếc là chúng ta chỉ được đọc những lời ca ngợi).

    Theo thiển ý của tôi quy lợi nhuận của nhà tư bản chỉ dựa vào lao động thặng dư của công nhân (người làm thuê) là một mô hình quá sơ sài không phản ánh sát với thực tiễn. Và quan trọng hơn, nó chỉ sát với thực tiễn trong chủ nghĩa nghĩa tư bản vô độ (hay dã man), nhà nước đã can thiệp, phong trào công nhân đã nổi lên, công nghệ ngày càng phát triển, v.v. Thời chủ nghĩa tư bản man rợ, vô độ, không bị kiềm chế đã qua cả hơn trăm năm rồi. Nhà nước đã đưa ra bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, các công đoàn đòi tăng lương, các chủ tư bản cũng hiểu hơn về vai trò của nguồn nhân lực và có chính sách phù hợp (như thưởng, chia sẻ lợi nhuận, quyền mua cổ phần, đào tạo, tái đào tạo, v.v.) để giữ và nâng cao nguồn nhân lực. Thời xưa, Marx tin rằng nạn thất nghiệp về cơ bản là một dụng cụ của cơ chế tư bản chủ nghĩa với chức năng giữ đồng lương thấp, và để làm cho việc bóc lột công nhân làm thuê được dễ hơn; sự nghèo khổ tăng lên luôn là sự nghèo khổ tăng lên của các công nhân làm thuê. Và từ đó Marx tiên tri rằng các nhà tư bản giàu lên mãi mãi, giai cấp công nhân bị bần cùng mãi mãi đến mức không thể chịu nổi phải đứng lên làm cách mạng vô sản lật đổ chế độ tư bản. Nhưng cho dù chúng ta giả sử rằng quan điểm này được biện minh ở thời của ông, với tư cách một lời tiên tri, nó rõ ràng bị thực tiễn sau đó bác bỏ. Mức sống của các công nhân làm thuê đã tăng lên ở khắp nơi kể từ thời Marx; và lương thực tế của các công nhân làm thuê thậm chí có xu hướng tăng lên trong suy thoái (như trong đại suy thoái 1927-1928), do một sự giảm sút nhanh hơn về giá so với về lương. Những tiến triển gần đây ở các nước phát triển cho thấy số những người làm thuê bước vào tầng lớp trung lưu ngày càng đông, họ được bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở mức chưa từng có. Hãy thử nhìn mức thu nhập tối thiểu, mức trợ cấp của họ. Chúng ta còn xa mới làm được như vậy. Nói cách khác mức thu nhập sàn đã tăng lên nhanh và tăng lên đáng kể, không có trần thu nhập; chứ không phải như Marx tiên tri. Đây là một sự bác bỏ Marx rành rành, đặc biệt vì nó chứng minh rằng gánh nặng chủ yếu của bảo hiểm thất nghiệp không phải do các công nhân gánh chịu, mà do các chủ doanh nghiệp, những người vì thế đã mất mát một cách trực tiếp qua thất nghiệp, thay cho kiếm được lời một cách gián tiếp, như trong sơ đồ của Marx.

  2. Người làm kinh tế tư nhân tạo công ăn việc làm cho những người khác. Mỗi năm ở Việt Nam cần tạo ra khoảng 1,5 triệu việc làm mới. Tuyệt đại đa số việc làm mới do khu vực tư nhân tạo ra. Nếu không có khu vực tư nhân thì chẳng hiểu tai hoạ thất nghiệp sẽ đến mức nào?

  3. Người làm kinh tế tư nhân là người lao động nặng nhọc. Quan điểm cũ kỹ coi người làm tư nhân là kẻ bóc lột. Tôi thấy họ là những người lao động cật lực (có thể không phải lao động chân tay). Họ lao tâm khổ tứ, họ chịu rủi ro, họ có thể mất hết cơ nghiệp nếu phá sản. Và chuyện phá sản là chuyện xảy ra bình thường ở mọi nơi. Ai cũng công nhận vốn (tư bản) phải tạo ra lãi. Người dân gửi tiền tiết kiệm làm gì nếu không vì đồng lãi, không vì chuyện sinh lời. Như thế vốn phải sinh lời. Có vốn bằng tiền (ta thường chỉ hiểu thế), ngày nay người ta nói đến vốn xã hội, vốn tri thức, v.v. chúng cũng góp phần tạo ra lời, chứ không chỉ có lao động. Lao động hết sức nặng nhọc của người chủ doanh nghiệp thì sao? Hãy xem Bill Gates, Michael Dell hay thậm chí Soros có là người bóc lột hay không? Họ là những người làm nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng với cái đầu siêu việt của họ. Họ lao động cật lực và kiếm được rất nhiều tiền. Họ tạo ra công ăn việc làm cho hàng chục triệu người, trực tiếp và gián tiếp. Họ dùng phần lớn thu nhập của mình làm từ thiện, để giải quyết các vấn đề đau đầu của nhân loại như bệnh sốt rét, bệnh HIV, xoá đói giảm nghèo. Thử hỏi cụ Hồ sẽ gặp khó khăn ra sao nếu cụ Trịnh Văn Bô, với tư cách nhà doanh nghiệp tư nhân, không đóng góp hàng ngàn cây vàng cho chính phủ lúc khó khăn năm 1945? Tất cả họ có là bọn bóc lột đáng nguyền rủa không? Đành rằng cũng có một số ít kẻ làm kinh tế tư nhân tiêu xài hoang phí, chỉ dựa vào vốn liếng do cha ông làm ra mà không chăm chú phát triển kinh doanh. Chúng chẳng thể sống lâu, với các loại thuế tài sản, thuế thu nhập, thuế thừa kế mà tất cả các nước đã đưa ra, chúng chỉ nướng gia sản của cha ông mà thôi. Số đó là số ít. Ở nước ta số những kẻ chẳng được hưởng gia tài của cha ông, cũng chẳng phải làm kinh tế tư bản tư nhân, mà tiêu xài vô độ như các con cháu các quan, và một số người có chức có quyền mới thật đáng kinh ngạc. Vấn đề điều tiết thu nhập lại là chuyện khác. Các nước người ta đánh thuế mọi loại thu nhập, người ta đánh thuế tài sản, đánh thuế thừa kế để làm sao đảm bảo cho mức thu nhập tối thiểu ngày càng tăng lên mà không phản khuyến khích người làm giàu. Những người thừa kế nếu không biết vun đắp cho công lao của cha ông không mấy chốc có thể nướng hết tài sản tích tụ được. Nói thế để thấy nhận xét của Giáo sư rằng, “… trong điều kiện hòa bình xây dựng thông qua kinh tế thị trường, khó mà hình dung được một nhà tư sản đang đường đường là một ông chủ lấy lợi nhuận (và lợi nhuận tối đa!) làm mục tiêu, ngày đêm phải vắt óc suy nghĩ và xoay xở đủ cách (chính đáng và không chính đáng, hợp pháp và phi pháp) để đạt kỳ được mục tiêu đó (nếu không thì ông ta không là nhà tư bản), là sơ lược và hẹp hòi đến thế nào.

  4. Hiện nay ai bóc lột ai? Đây là câu hỏi lý thú mà các nhà nghiên cứu nên làm rõ. Tôi tin chắc người lao động trong khu vực tư nhân không bị “bóc lột” bằng ở khu vực nhà nước, nếu hiểu bóc lột theo nghĩa có ai đó tước đoạt thành quả của mình. Bọn tham nhũng - và họ toàn là những kẻ có chức có quyền- đang bóc lột thậm tệ toàn dân ta.

  5. Vấn đề là hai chiều chứ không phải chỉ có từ phía Đảng “hạ thấp tiêu chuẩn” để cho những người làm kinh tế tư nhân có thể vào Đảng, không phải chỉ như Giáo sư nhận xét về họ rằng: “Trái lại, họ vào Đảng cốt tìm kiếm chỗ dựa quyền lực để dễ bề làm ăn, kinh doanh. Ta biết rằng thời nay quyền lực và tiền bạc, tiền bạc và quyền lực thường dễ móc nối với nhau ranh ma quỷ quái thế nào. Và thật vô cùng nghịch lý khi nghĩ rằng kết nạp cả tư sản để mở rộng cơ sở xã hội, cơ sở quần chúng cho cách mạng XHCN!”. Tôi nghĩ luôn có những kẻ cơ hội như vậy, nhưng đa số không thế. Tôi tin tỉ lệ bọn cơ hội là người làm kinh tế tư nhân nhỏ hơn nhiều so với trung bình hiện nay trong Đảng. Bọn mua quan bán chức, bọn chạy chọt ghế, trong số chúng có tên nào làm kinh tế tư nhân không? Tôi cam đoan không có. Thế mà số bọn chúng thì nhiều như quân Nguyên. Giáo sư nghĩ sao? Và còn ở phía bên kia nữa, những người làm kinh tế tư nhân, chắc đâu họ đã muốn vào Đảng!
Tôi xin Giáo sư làm rõ những việc trên.

Tóm lại, việc Đảng Cộng sản Việt Nam để cho đảng viên được làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô là một sự thay đổi to lớn trong tư duy của Đảng; nó ghi nhận một thực tiễn đã và đang diễn ra từ hai mươi năm qua ở nước ta; việc Đảng có kết nạp những người làm kinh tế tư nhân vào Đảng hay không là chuyện của cả hai phía, chứ không chỉ ở một bên. Đảng muốn dân giàu mà lại cứ buộc đảng viên phải chịu mãi số phận của “kẻ bị bóc lột”, của người vô sản, không được làm giàu thì có mâu thuẫn với mục tiêu không? Có rất nhiều vấn đề cần bàn cãi công khai để chúng ta hiểu tình hình hơn, hiểu nhau hơn, để cho đất nước phát triển. Trăn trở của Giáo sư, câu trả lời dứt khoát “không” của Giáo sư phải được tôn trọng. Hi vọng những ý kiến khác cũng được tôn trọng


IV.

Tôi không dám luận bàn về sự độc lập tự chủ và sáng tạo trong lý luận mà Giáo sư nêu ra. Chỉ xin nêu vài ý kiến để cùng nhau trao đổi. Sự độc lập, tự chủ và sự phụ thuộc, tuỳ thuộc lẫn nhau là những các mặt đối lập. Minh triết phương Đông và phương Tây, kể cả lý luận Marxist, đều coi trọng sự thống nhất của những cái đối lập và coi trọng cả sự khác biệt mâu thuẫn của chúng. Không có cái đối lập của một sự vật hay hiện tượng thì bản thân cái sự vật và hiện tượng đó cũng chẳng thể tồn tại. Trong chính trị cũng thế, không có lực lượng đối lập thì chỉ có thể có độc tài, và độc tài thì không thể bền vững, không thể tồn tại được lâu. Một thế lực cầm quyền anh minh, hay tự cho mình là anh minh, phải nuôi dưỡng, hay chí ít tạo điều kiện, hay tồi nhất cũng không ngăn cản một lực lượng đối lập lành mạnh. Một nhà cầm quyền ngăn cản sự hình thành, hay đàn áp lực lượng đối lập thì tuyệt nhiên không thể là anh minh. Bởi vì sự tồn tại của những lực lượng đối lập kiềm chế sự lạm quyền, kiềm chế quyền lực, nâng cao năng lực cầm quyền của tất cả các lực lượng có thể cầm quyền, nó tạo ra cạnh tranh trong chính trường. Cái đó có lợi cho toàn xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển, nó giúp làm tăng vốn xã hội. Chính vì vậy xã hội, hay người dân, phải bỏ tiền ra để góp phần duy trì chúng; nói cách khác ngân sách nhà nước phải hỗ trợ chúng hoạt động. Vậy nếu thống nhất với nhau về các mục tiêu, hay các giá trị cơ bản, thí dụ như làm sao cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, làm sao có hoà bình, ổn định để mọi người có thể phát huy hết tài năng của mình, để mọi người có thể sống bình yên, khoan dung với nhau, để Việt Nam khỏi tụt hậu, để chống tham nhũng. Các lực lượng đối lập nếu chấp nhận các mục tiêu, các giá trị cơ bản đó, cam kết phấn đấu vì chúng, thì đó là điều kiện, là tiền đề cho một xã hội dân chủ, cho sự phát triển, các lực lượng như thế phải được nuôi dưỡng, phải được khuyến khích. Nếu thay đổi được thế mới là sáng tạo, mới là cách mạng, mới là tự chủ về tư duy. Giáo sư e chúng ta sao chép “các đồng chí Trung Quốc”. Tôi nghĩ chúng ta không thể và không nên sao chép bất kì ai, song chúng ta phải học cái hay của mọi người, học cái dở của mọi người để tránh và tìm cách thích ứng cái hay, hay biến tấu cái hay của người khác vào tình hình cụ thể của chúng ta. Không có gì phải xấu hổ khi không tự mình phát minh ra “chiếc bánh xe” mà người khác đã phát minh ra từ lâu.

Điều băn khoăn của Giáo sư về sự sao chép Trung Quốc về “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” là đáng trân trọng. Tôi thì cho rằng - họ cũng “nói một đằng làm một nẻo”, thực ra họ đang đi theo con đường tư bản chủ nghĩa một cách bài bản, họ đang Hồng Kông hoá, Đài Loan hoá Trung Hoa đại lục, đang tập trung mọi sức lực để chấn hưng Trung Hoa. Chẳng hề có Marxist-Leninist hay tư tưởng Mao Trạch Đông gì cả. Họ vẫn đang phải “đánh tráo” khái niệm để làm yên lòng những người trung kiên với tư tưởng cũ. Hãy học ở họ, ở người Mỹ, người Nhật, người Nga và tìm ra cái thích hợp với mình. Tôi nghĩ nếu chúng ta thoát được cái gông của tư duy cũ, dám mở mồm ra, dám tranh luận, dám đối chọi ý kiến trên cơ sở xây dựng, khoan dung, vì các mục tiêu như tôi nêu ở trên, mà phần lớn được Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra, thì chúng ta có cơ hội tiến nhanh hơn họ trên con đường chấn hưng dân tộc Việt Nam.

Trăn trở của Giáo sư, với đề xuất phương án của mình cho quá độ sang chủ nghĩa xã hội, cũng như những ý kiến phản đối trong đó có ý kiến của tôi, cần được trân trọng.


V. Thay cho kết luận, hay góp ý với Đảng Cộng sản Việt Nam

Hãy thảo luận và thống nhất với nhau về các mục tiêu.

Tôi nghĩ có lẽ không khó để thống nhất về các mục tiêu cơ bản nhằm chấn hưng đất nước Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam nêu ra mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh”. Tôi tin không người Việt Nam lành mạnh nào không đồng ý. Tuy vậy, tôi kiến nghị đổi dân chủ lên trước, tức là: xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Ngoài các mục tiêu chính đó cần nhấn mạnh đến: phải duy trì hoà bình, ổn định xã hội. Không có hoà bình chúng ta không làm được gì cả. Dân tộc ta đã trải qua chiến tranh triền miên trong suốt lịch sử nên khao khát hoà bình hơn ai hết. Chúng ta phải làm mọi thứ để duy trì hoà bình, tránh chiến tranh, nhất là nội chiến, nhưng nhân dân ta kiên quyết đứng lên chống ngoại xâm như đã từng làm trong suốt lịch sử của mình. Cần có ổn định xã hội. Có ổn định xã hội mới có thể phát triển kinh tế, văn hoá, khoa học và kỹ thuật, mới có thể thu hút đầu tư, mới có thể góp phần bảo vệ hoà bình. Độc lập và tự chủ cũng là mục tiêu cần giữ vững, nhưng ở đây có sự tế nhị. Độc lập và tự chủ theo nghĩa tuyệt đối là không có, đừng có những ảo tưởng về vấn đề này mà phải thực tiễn. Về mặt triết lí, độc lập theo nghĩa tuyệt đối không tồn tại, nó ngang với cái chết. Phụ thuộc, tuỳ thuộc vào nhau là một trong những đặc trưng vô cùng quan trọng của mọi cấu thành của tất cả các hệ thống. Chúng ta là một phần của khu vực, của thế giới, phải rất coi trọng mặt phụ thuộc, tuỳ thuộc lẫn nhau này trong khi vẫn có mức độ độc lập, tự chủ trong lựa chọn, trong ra quyết định. Sự phụ thuộc, tuỳ thuộc lẫn nhau, các mối quan hệ lành mạnh giúp ổn định hệ thống, thúc đẩy sự phát triển. Tôn trọng các quyền con người, tôn trọng các giá trị phổ quát được nêu trong Hiến chương Liên hiệp Quốc, trong Tuyên ngôn về Quyền con Người. Tôi nghĩ đó là các mục tiêu chính, và tôi tin chắc Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất với các mục tiêu ấy, vì chính Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu ra chúng hay đã chấp nhận chúng. Làm sao để thực hiện các mục tiêu ấy? Trước hết phải thống nhất cách hiểu về các mục tiêu, đừng đánh tráo khái niệm. Như tôi đã nói ở trên, tên khái niệm không quan trọng, tuy vậy để tránh hiểu lầm, để tránh “đánh tráo khái niệm”, chúng ta nên dùng các khái niệm mà đại bộ phận nhân loại đang dùng, đừng “sáng tạo” ra các thuật ngữ mới của riêng chúng ta, vì điều đó cản trở truyền thông, cản trở sự hiểu biết lẫn nhau, làm tăng chi phí hoạt động, làm giảm hiệu quả. Quan trọng nhất nên hiểu dân chủ là thế nào?


Hiểu thế nào là dân chủ

Vì dân chủ được những người khác nhau hiểu theo cách khác nhau, nên phải thống nhất về thuật ngữ này. Sau đây tôi trình bày cách hiểu dân chủ mà tuyệt đại đa số người dân trên thế giới hiểu.

Theo đó, chế độ dân chủ được hiểu là chế độ trong đó: công nhận đầy đủ quyền công dân; thể chế nhà nước pháp quyền trở thành nguyên lí hiến pháp cơ bản; tư pháp độc lập; bầu cử dân chủ lựa ra những người cầm quyền; các cuộc bầu cử phải tự do và trong sạch; mọi người đều có quyền tự do nêu ý kiến, có tự do ngôn luận và có quyền tiếp cận nguồn thông tin khả dĩ khác; tự do lập hội, kể cả quyền lập tổ chức chính trị; và cuối cùng là sự kiểm soát dân sự đối với các lực lượng vũ trang. Đó là chế độ nơi những người bị trị có thể sa thải những kẻ cai trị mà không phải dùng đến bạo lực, và có các định chế cho việc chọn và phế truất những người cầm quyền sao cho những người cầm quyền khó có thể thay đổi các định chế này.

Có những người coi dân chủ như được hiểu ở trên chỉ là dân chủ hình thức, dân chủ theo cách hiểu của họ mới là dân chủ đích thực. May là điều này chẳng còn được mấy ai tin.

Như trên tôi đã trình bày, cạnh tranh trên chính trường là một điều kiện tiên quyết để có dân chủ, để chống lạm quyền, để kiềm chế và cân bằng quyền lực, để bảo vệ những kẻ yếu. Xã hội phải tốn chi phí để duy trì dân chủ, duy trì cạnh tranh chính trị; nhà cầm quyền không được phép phá huỷ các định chế này, vì thế chúng phải được ghi vào hiến pháp, phải được hiến định. Hiện tại Đảng Cộng sản Việt Nam chưa đồng ý với cách hiểu này, vì theo đó đa nguyên chính trị là điều hiển nhiên, mà Đảng Cộng sản Việt Nam thì chưa chấp nhận đa nguyên chính trị. Tôi nghĩ cần có trao đổi, tranh luận thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng. Tôi nghĩ để chấn hưng Việt Nam; để làm cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”; để Nhà nước Việt Nam thực sự là của dân, do dân, vì dân; để cho trong đất nước này tất cả mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân như cụ Hồ từng mong mỏi, thì chúng ta có thể đi đến một cách hiểu thống nhất. Tôi hy vọng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ cũng hiểu dân chủ là như vậy, vì chỉ làm như thế thì Đảng Cộng sản Việt Nam mới thực sự phục vụ lợi ích của mình, lợi ích của dân tộc, lợi ích của quốc gia, mới giữ được vai trò và quyền lực của mình, thì các đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam mới thực sự xứng đáng là “người đầy tớ trung thành” của nhân dân. Làm khác đi thì Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không còn là đảng được nhân dân tin cậy.


Gợi ý

Một khi đã thống nhất được các mục tiêu cơ bản, thống nhất được cách hiểu dân chủ là gì, thì tất cả những việc cần làm đều chỉ mang tính kỹ thuật (như sửa đổi hiến pháp, sửa đổi các luật, xây dựng các định chế, hiệu chỉnh và năng cao hiệu suất hoạt động của các tổ chức chính trị, các tổ chức nhà nước và các tổ chức dân sự). Việc đổi hay lấy lại tên cũ (cả đảng và nhà nước) không quan trọng bằng những cải cách thực sự, tuy vậy có thể có tác động tốt, và vì thế cũng nên cân nhắc. Nhằm giữ vững ổn định, chỉ có các tổ chức chính trị (không nên có quá nhiều, 2 hay 3 là đủ để duy trì cạnh tranh) chấp nhận các mục tiêu cơ bản mới được hoạt động. Và như đã nói ở trên nhà nước, tức là người dân thông qua tiền thuế của mình, phải bỏ chi phí để góp phần cho các tổ chức đó hoạt động. Đó là một quá trình không thể diễn ra một sớm một chiều, nhưng cũng không cần quá vài năm nếu chúng ta thống nhất về các mục tiêu, về cách hiểu, về các biện pháp tiến hành. Nếu Đảng cộng sản Việt Nam đổi mới tư duy và bắt tay, khởi động quá trình đó một cách suôn sẻ, thì đó mới thực sự là đổi mới tư duy.

Hà nội 26-2-2006

(Một phần trong mục III của bài viết này đã được trích đăng trên Tuổi Trẻ điện tử ngày 28.2.2006. Bản đăng trên talawas là toàn văn bài viết.)

© 2006 talawas